Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/1/2023

  • |
T5g.org.vn - Người già, trẻ nhỏ vào viện tăng đột biến do rét đậm kéo dài; Xuất hiện biến chủng phụ BA.2.75, UBND TP.HCM chỉ đạo không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát

 

Người già, trẻ nhỏ vào viện tăng đột biến do rét đậm kéo dài

Nhiều bệnh viện ở TP. Hà Nội đã ghi nhận số lượng người già, trẻ nhỏ đến thăm khám và điều trị tăng đột biến do rét đậm kéo dài.
Những ngày gần đây, thời tiết tại TP. Hà Nội chìm trong giá lạnh, nhiệt độ giảm sâu khiến tình trạng bệnh nhân vào viện thăm khám tăng cao, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Mỗi ngày, tại khoa khám bệnh các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân thăm khám, trong đó các bệnh chủ yếu là bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp,...

Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, tại Khoa Khám bệnh B, Bệnh viện Hữu Nghị, mặc dù thời tiết lạnh buốt nhưng từ sáng sớm tại khu vực đăng ký thủ tục khám bệnh đã đông kín người. Bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi, sinh sống trên địa bàn TP. Hà Nội, mắc các bệnh chủ yếu về đường hô hấp (như viêm phế quản, xoang, viêm đường hô hấp trên…), bệnh liên quan đến tim mạch, xương khớp,...

Không chỉ người già, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị tác động khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Ghi nhận thực tế tại Khoa Khám bệnh Đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, lượng trẻ đến thăm khám do giá lạnh kéo dài tăng cao, mỗi ngày tại đây tiếp nhận hàng trăm ca, trong đó trẻ mắc bệnh hô hấp là đông hơn cả.

Theo các bác sĩ, nhiệt độ giảm sâu rất nguy hại đến sức khỏe của trẻ, nhất là bé dưới hai tuổi, trẻ có nguy cơ nhập viện do hen, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp. Một số trường hợp bị viêm mũi dị ứng, viêm họng, sốt, ho, chảy mũi, viêm mũi... Thời tiết lạnh cũng tạo điều kiện cho virus phát triển, khiến hệ miễn dịch trẻ suy giảm, chán ăn, bỏ ăn, quấy khóc.

Để phòng bệnh cho trẻ nhỏ, theo BS. Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tập trung nơi đông người và nên đeo khẩu trang cho trẻ, không để cho trẻ thay đổi thân nhiệt đột ngột,...

Song song với các biện pháp bên ngoài, phụ huynh cũng nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý để có thể tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại các dịch bệnh.

Các bệnh hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen suyễn... là bệnh thường gặp và rất nguy hiểm đối với trẻ em. Ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như ho, sổ mũi, khò khè, quấy khóc, bỏ bú, thở nặng nề, thở nhanh, hổn hển... phụ huynh cần đưa trẻ tới bệnh viện để thăm khám và được điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tự điều trị hoặc điều trị dựa vào đơn thuốc cũ.

Đối với người già, trong những ngày thời tiết rét đậm kéo dài luôn phải mặc ấm, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào ban đêm hoặc dậy sớm tập thể dục khi ngoài trời lạnh sâu. Tránh những nơi gió lùa, không nên thay đổi cơ thể nóng lạnh đột ngột, ăn đủ chất dinh dưỡng, kiểm soát huyết áp. Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi chưa được thăm khám và tư vấn của bác sĩ.

Những người mắc bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... tuyệt đối tuân thủ y lệnh của bác sĩ trong quá trình theo dõi sức khỏe và sử dụng thuốc điều trị bệnh tại nhà. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Xuất hiện biến chủng phụ BA.2.75, UBND TP.HCM chỉ đạo không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát

Trước sự xuất hiện biến chủng phụ BA.2.75 của chủng Omicron, UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục tập trung, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

Trước những nguy cơ, diễn biến phức tạp của các dịch bệnh, sự xuất hiện các biến thể mới của chủng Omicron như biến chủng phụ BA.2.75, ngày 4.1, UBND TP.HCM ban hành công văn gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, các Sở, ngành, đoàn thể, UBND quận huyện và TP.Thủ Đức về việc triển khai Chỉ thị 16 ngày 20.9.2022 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Trong đó, UBND TP.HCM chỉ đạo tiếp tục tập trung, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và các nội dung về y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, không để dịch bệnh bùng phát trở lại.

UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM nắm chắc diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP, trong nước và trên thế giới để kịp thời tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Tập trung đôn đốc thúc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, nhất là các quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và chịu trách nhiệm theo thẩm định quyền trước các quy định của Đảng, Nhà nước nếu xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại cơ sở.

Đối với UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, UBND TP.HCM chỉ đạo tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh độ bao phủ vắc xin Covid-19 và tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. (Thanh niên, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Quảng Ninh: Dừng xét nghiệm COVID-19 với người và hàng hóa tại cửa khẩu Móng Cái

Người và hàng hóa khi làm thủ tục qua các cửa khẩu tại TP Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ không phải xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR kể từ ngày 8/1.
Thông tin từ UBND TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, lực lượng chức năng sẽ dừng xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR đối với người và hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lối mở Km3+4 Hải Yên, cửa khẩu Ka Long từ ngày 8/1.

Trước đó, từ ngày 31/12/2022, TP Móng Cái, Quảng Ninh đã dừng phương án làm việc, tập trung ăn nghỉ khép kín tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn đối với các lực lượng liên ngành cửa khẩu, doanh nghiệp, công nhân và lái xe trung chuyển, lái đò, lái xe đường dài.

Mặc dù nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 trong khu vực cửa khẩu nhưng chính quyền TP Móng Cái vẫn yêu cầu người dân ra vào duy trì việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, không tập trung đông người; lái xe trung chuyển vẫn phải mặc áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay, bao giầy, kính phòng chống dịch trong quá trình làm việc.

Về danh sách đội lái xe trung chuyển mà phía Trung Quốc đã chấp thuận, cấp mã vạch, cấp thẻ lái xe để đủ điều kiện vào khu vực cửa khẩu làm việc trung chuyển sẽ tiếp tục duy trì. Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành khối cửa khẩu, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hiệp thương giá dịch vụ trung chuyển hàng hóa giữa lái xe trung chuyển với doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế.

Ngoài ra, TP Móng Cái vẫn yêu cầu các lực lượng liên ngành khối cửa khẩu, các doanh nghiệp, đại lý làm thủ tục hải quan, lái xe trung chuyển, lái đò, lái xe vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, công nhân, người lao động, người làm việc trong khu vực cửa khẩu, lối mở, biên giới tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.

Được biết việc nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 tại cửa khẩu Móng Cái đã được chính quyền TP Móng Cái thống nhất với TP Đông Hưng (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc). (Thanh niên, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang