Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/01/2021

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác chuẩn bị diễn tập y tế phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII; Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 thứ 2 trên người trong tháng 1/2021

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác chuẩn bị diễn tập y tế phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII

Chiều ngày 4/1, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về các tình huống chuẩn bị diễn tập công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Trước đó, sáng 4/1, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đã bắt đầu diễn ra các hoạt động chuẩn bị diễn tập y tế với thành phần tham gia của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Sở Y tế Hà Nội.

Chiều 4/1, có mặt tại địa điểm diễn tập để kiểm tra thực địa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã làm việc các đơn vị liên quan  trực thuộc Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch – Tài chính; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Cục An toàn thực phẩm; Cục Y tế dự phòng,  Cục Quản lý môi trường y tế, Văn phòng Bộ và Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng), Bộ Quốc phòng và Sở Y tế Hà Nội để rà soát và kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công chuẩn bị Kế hoạch diễn tập công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII gồm các nội dung về khử khuẩn, vệ sinh môi trường; công tác phòng chống dịch bệnh; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; công tác khám chữa bệnh, cấp cứu các tình huống có thể xảy ra...

Thông tin tại cuộc họp cho biết, đến thời điểm hiện tại các đơn vị đã lên kế hoạch chi tiết về, cụ thể về nhân lực, chuẩn bị sẵn trang thiết bị, cơ số thuốc và phương tiện, hoá chất để phun khử khuẩn vệ sinh môi trường... phục vụ các tình huống diễn tập y tế theo sự phân công.

Các Bệnh viện được phân công nhiệm vụ phục vụ công tác y tế của Đại hội (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện 108 và Bệnh viện Hữu nghị) đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực lập các đội cấp cứu cơ động.

Sau khi lắng nghe các đơn vị báo cáo cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã đi kiểm tra thực tế việc chuẩn bị phục vụ Kế hoạch diễn tập công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gồm công tác chuẩn bị trang thiết bị y tế, cơ số thuốc và nhân lực cho công tác sơ cấp cứu; công tác đo thân nhiệt, công tác phun khử khuẩn vệ sinh môi trường và diễn tập bước đầu các tình huống y tế giả định khác...

Chia sẻ tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long hoan nghênh các đơn vị đã chủ động chuẩn bị các nhiệm vụ đã được phân công để phục vụ diễn tập công tác được phối hợp nhuần nhuyền. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị hoàn thiện kich bản diễn tập phải ngắn gọn nhưng đầy đủ những nội dung cần thiết đã được thông qua, sau đó họp rút kinh nghiệm ngay những gì đã làm tốt, những gì cần khắc phục.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan về Kế hoạch diễn tập công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại các cuộc họp, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cán bộ tham gia phục vụ Đại hội của ngành y tế phải thực hiện trên tinh thần phục vụ.

Do đó, phong cách làm việc, tiếp xúc, giao tiếp và thực hiện nhiệm vụ được giao phải đảm bảo đúng tinh thần phục vụ. Các cán bộ làm chuyên môn phải được đào tạo và tập huấn ngay lại để công tác y tế phục vụ Đại hội Đảng diễn ra theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Việt Nam sẽ thử nghiệm vắc xin COVID-19 thứ 2 trên người trong tháng 1/2021

Sau khi nghiên cứu thành công trên động vật, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vắc xin COVID-19 Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1/2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu.

TS Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết vắc xin COVID-19 của IVAC đã được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... Kết quả cho thấy vắc xin tạo được miễn dịch cao trên động vật.

"Vắc xin đã được đánh giá có tính an toàn, khả năng miễn dịch hiệu lực bảo vệ trên động vật. Vì vậy, IVAC trình Bộ Y tế để thử nghiệm trên người, dự kiến vào cuối tháng 1/2021"- TS Dương Hữu Thái thông tin.

Trước đó, IVAC dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 3/2021. Như vậy, tiến độ nghiên cứu của IVAC nhanh hơn dự kiến gần hai tháng.

Theo TS Dương Hữu Thái, IVAC bắt đầu thực hiện nghiên cứu vắc xin Covivac từ tháng 5/2020 với mục tiêu sản xuất được vắc xin và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng.

Theo kế hoạch, IVAC phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE), Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng vắc xin. Vắc xin sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau và được thử với nhiều nhóm đối tượng, qua ba giai đoạn. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.

Quá trình đó, IVAC cùng các đơn vị của Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình của tình nguyện viên, diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm giai đoạn 1 tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ, cùng những tiêu chí đặc thù khác. Giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4-2020.

Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, vắc xin COVID-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào khoảng cuối năm 2021.

Được biết IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vắc xin COVID-19 tương tự vắc xin cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.

Khi nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, IVAC sử dụng chủng NDV-LaSota-S làm vector biểu hiện protein S của SARS-CoV-2. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vắc xin.

Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN).


Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 ( Nanocovax) trên người từ ngày 17/12/2020và đã tiêm 2 liều (25mcg và 50mcg trên người tình nguyện); hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường; IVAC là nhà sản xuất có tiến độ nghiên cứu vắc xin COVID-19 nhanh thứ hai hiện nay tại Việt Nam. (Sức khỏe & đời sống, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Việt Nam đàm phán mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 từ Anh

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay Việt Nam đang đàm phán ký mua khoảng 30 triệu liều vaccine COVID-19 (đảm bảo cho khoảng 15 triệu dân) từ Anh.

Sáng nay (4.1), ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã trả lời báo chí liên quan tới lộ trình nhập khẩu vaccine COVID-19 từ nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết Việt Nam đang đồng thời đàm phán với 4 nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vaccine. Trong đó, tất cả các phía đều yêu cầu Việt Nam ký một biên bản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, đến nay, đã có một số thông tin được công khai.

Với Anh, Việt Nam đàm phán mua vaccine AstraZeneca; với Mỹ, Việt Nam đàm phán mua Pfizer; với Nga đàm phán mua vaccine Sputnik V.

Ông cho biết Việt Nam đang có kết quả gần nhất với công ty của Anh để mua vaccine AstraZeneca. “Chúng ta đã ký với họ đảm bảo vaccine cho 15 triệu dân, nghĩa là khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình quý I đến quý IV đều có vaccine”, ông Cường nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Công ty Pfizer cũng đặt ra lộ trình đến quý IV này sẽ giao vaccine cho Việt Nam.

Với vaccine của Nga, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc của Bộ Y tế.

Nói về giá, ông Cường nói chênh lệch không nhiều giữa các đối tác đàm phán. Việc mua vaccine còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng… Ngoài ra, còn vấn đề thử nghiệm lâm sàng. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết hiệu quả của các loại vaccine là khác nhau. Thấp nhất là loại 65%, còn cao nhất là loại 94,5%. Trung bình là 80-90%.

“Tất cả điều này, chúng tôi đang tính toán và xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ bởi vấn đề này chưa có tiền lệ”, ông Cường nói.

Ngoài vaccine thương mại, trên thế giới còn có Liên minh toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI), mua vaccine của một số công ty, để cung cấp cho 90 nước trong đó có Việt Nam. Vaccine này sẽ cung cấp cho khoảng 16% dân số thế giới, với giá rẻ nhất có thể được. Tuy nhiên, chính những nước sản xuất được vẫn chưa chủ động được do năng lực còn có hạn.

“Trong quý I, Bộ Y tế sẽ có đầy đủ thông tin lên kế hoạch về vấn đề này”, ông Cường nói.

Về tình hình trong nước, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. Đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vaccin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).

Trong đó, NANOGEN đã tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 (Nanocovax) trên người từ ngày 17.12.2020 và đã tiêm 2 liều (25 mcg và 50 mcg trên người tình nguyện).

Hiện sức khoẻ người tình nguyện sau tiêm đều khỏe mạnh và không xuất hiện triệu chứng bất thường; IVAC là nhà sản xuất có tiến độ nghiên cứu vaccine COVID-19 nhanh thứ hai hiện nay tại Việt Nam.

Hiện IVAC đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vaccine COVID-19 Covivac trên người tình nguyện vào tháng 1.2021, sớm hơn gần 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. (Lao động, trang 7).

 

Việt Nam ghi nhận 1.497 ca mắc Covid-19

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 3-1 đến 18h ngày 4-1, nước ta ghi nhận 3 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. 

Ca bệnh 1.495 (BN 1.495) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Nam, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngày 20-12, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN5031, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 3-1, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ca bệnh 1.496 (BN 1.496) tại thành phố Hồ Chí Minh: Nữ, 40 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Ca bệnh 1.497 (BN 1.497) tại thành phố Hồ Chí Minh: Nữ, 3 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.

Ngày 30-12, 2 bệnh nhân trên từ Đức nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN30, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm, hai bệnh nhân đều dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, trên chuyến bay này đã ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly ngay tại tỉnh Bình Dương.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.497 ca, trong đó có 693 ca lây nhiễm trong nước.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.339 ca, ghi nhận 35 ca tử vong.

Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 20 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2. (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang