Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/09/2016

  • |
T5g.org.vn - Bệnh nhân nhảy lầu tại Bệnh viện C Đà Nẵng; Người dân phản đối Bệnh viện Phổi Trung ương xây thêm nhà điều trị; Sử dụng hơn 3.000 bộ test kit để phát hiện 3 dịch bệnh nguy hiểm…

Bệnh nhân nhảy lầu tại Bệnh viện C Đà Nẵng

Bà M. bất ngờ nhảy từ tầng 8 khu điều trị Bệnh viện C, đường Hải Phòng, Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng), rơi xuống khu nhà 3 tầng bên cạnh đó. Trưa 4.9, Công an Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng hoàn tất khám nghiệm hiện trường và bàn giao thi thể bà T.T.T.M (55 tuổi, ngụ P.Bình Thuận, Q.Hải Châu) cho gia đình lo hậu sự. Trước đó, sáng cùng ngày, bà M. bất ngờ nhảy từ tầng 8 khu điều trị Bệnh viện C, đường Hải Phòng, Q.Hải Châu, rơi xuống khu nhà 3 tầng bên cạnh đó. Nhiều bệnh nhân chứng kiến vụ việc đã gọi bệnh viện cấp cứu nhưng bà M. đã tử vong.

Theo Bệnh viện C, bà M. đang là bệnh nhân tiểu đường, điều trị nội trú tại Bệnh viện C nhiều ngày qua. Được biết, bà M. vừa mới nghỉ hưu, nhập viện từ 30.8, ngoài bệnh tiểu đường, bà M. còn mất ngủ kéo dài. (Thanh niên (trang 2).

Người dân phản đối Bệnh viện Phổi Trung ương xây thêm nhà điều trị

Nhiều ngày nay, người dân sống gần khu vực Dốc Đốc Ngữ (quận Ba Đình, HN) ngay sát BV Phổi Trung ương mất ăn mất ngủ vì lo phơi nhiễm do bệnh viện này xây thêm khu điều trị gần sát nhà dân (chi tiết xem báo) (Thanh niên (trang B).

Sử dụng hơn 3.000 bộ test kit để phát hiện 3 dịch bệnh nguy hiểm

Để tăng cường giám sát bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: vi rút Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya

Trước diễn biến phức tạp và gia tăng của dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn ra tại một số nước trong khu vực, Bộ Y tế cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Khánh Hòa nhằm mục tiêu tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm vi rút Zika tại các điểm có nguy cơ cao.

Sẽ sử dụng test kiểm tra 3 trong 1 để xét nghiệm cùng lúc 3 bệnh, trong đó có Zika

Tham gia 4 điểm cầu trực tuyến gồm có: Lãnh đạo và các chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, đại diện Lãnh đạo các Viện, Bệnh viện tại Hà Nội, đại diện tổ chức WHO và US CDC (điểm cầu Hà Nội); Lãnh đạo và và cán bộ đầu mối của các Viện: Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh (điểm cầu TP. Hồ Chí Minh); Viện Pasteur Nha Trang (điểm cầu Khánh Hòa); Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (điểm cầu Tây Nguyên).

Thông tin tại cuộc họp cho biết, tính đến ngày 31/8, Singapore đã có 115 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Kể từ ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại quốc gia này được công bố hôm 27/8, các ca nhiễm mới liên tục được ghi nhận.  Hiện nay đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lây truyền của vi rút Zika do muỗi truyền, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc lây truyền của vi rút Zika mặc dù có chiều hướng chậm nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt ở những nơi có véc tơ truyền bệnh.

Trước tình hình đó, để tăng cường giám sát bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: vi rút Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya. Test Trioplex được Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) hỗ trợ. Theo đó, tới đây Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng 3.000 test kiểm tra 3 trong 1, cùng lúc xét nghiệm phát hiện 3 bệnh trong cùng 1 test kiểm tra, trong đó có bệnh do virút Zika.

Theo ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận bệnh nhân nhiễm Zika, tuy nhiên qua giải mã trình tự gen cho thấy độc lực của virút và nguy cơ gây bệnh đầu nhỏ cho trẻ có mẹ nhiễm chủng virút Zika ở Đông Nam Á là thấp hơn chủng đang lưu hành ở Nam Mỹ.

Lường trước các tình huống khẩn cấp, đề rõ các tiêu chí giám sát- cách tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh

Tại buổi họp trực tuyến, các đại biểu tại cả 4 điểm cầu tập trung thảo luận thống nhất cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Zika nếu có, sử dụng kĩ thuật xét nghiệm mới cùng lúc phát hiện 3 tác nhân gây bệnh để có thể tổ chức phòng chống kịp thời.

Một số tiêu chuẩn đề xuất như tiêu chuẩn lựa chọn các tỉnh, thành phố giám sát ưu tiên cho những nơi có trường hợp nhiễm Zika, có liên quan dịch tễ với các trường hợp nhiễm Zika, có mật độ muỗi Aedes cao, có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue cao, có giao lưu đi lại nhiều trong nước và quốc tế. Theo đó, các đại biểu tham dự đã cùng thống nhất về tiêu chí chọn mẫu, địa điểm triển khai giám sát trọng điểm căn cứ trên tình hình thực tiễn của các địa phương. Kế hoạch triển khai giám sát sẽ mở rộng ra các phòng khám ngoại trú, nơi bệnh nhân thường có biểu hiện các triệu chứng nhẹ tới khám nhằm lấy được đúng đối tượng giám sát, hạn chế việc bỏ sót đối tượng.

Quy trình chọn mẫu, thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm,… được thực hiện theo Quyết định số 3792/QĐ-BYT ngày 25/7/2016 của Bộ trưởng về “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika”

Phát biểu tại buổi họp, ông Tony, đại diện US CDC, đánh giá rất cao sự đáp ứng nhanh nhạy của Việt Nam trước nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh do vi rút Zika và nỗ lực giảm sự lây lan của dịch sốt xuất huyết, phòng chống sốt Chikungunya. Theo ông Tony, việc sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, lường trước các tình huống khẩn cấp, đề rõ các tiêu chí giám sát hiệu quả một cách cụ thể là cách tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. US CDC cũng bày tỏ mong muốn sẵn sàng hỗ trợ hệ thống giám sát của Việt Nam, cung cấp test kit, sinh phẩm, dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm,… cho các điểm giám sát thông qua hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi họp trực tuyến, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện cần xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết để triển khai sớm trong đầu tháng 9/2016; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cán bộ nhằm thống nhất quy trình xét nghiệm, chọn mẫu giám sát trên toàn quốc. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 1), Sức khỏe & Đời sống (trang 4).

Virus Zika chủng châu Á đang hoành hành

Giới chức Singapore vừa xác nhận thêm 26 ca mới nhiễm virus Zika, nâng tổng số ca nhiễm tại đảo quốc này lên 215 trường hợp. Đáng nói là tại quốc gia láng giềng là Malaysia, cuối tuần qua giới chức đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên của một bệnh nhân nhiễm virus Zika do biến chứng. Mở rộng đối tượng lấy mẫu xét nghiệm virus Zika

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Zika trên thế giới, đặc biệt là tại Singapore trong 1 tuần trở lại đây, Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến tại 4 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, Tây Nguyên và Khánh Hòa về việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nhiễm virus Zika tại các điểm có nguy cơ cao. Theo đó, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex cùng lúc có thể phát hiện 3 tác nhân gây bệnh gồm: virus Zika, sốt xuất huyết Dengue, sốt Chikungunya, do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) hỗ trợ.

Bộ Y tế đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur trên cả nước cần xây dựng Kế hoạch tăng cường giám sát sử dụng Test Trioplex chi tiết để triển khai sớm ngay đầu tháng này. Cụ thể, cần tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ nhiễm Zika, đưa ra các tiêu chí lấy mẫu xét nghiệm để tránh bỏ sót nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm Zika nếu có. Ngoài các điểm có nguy cơ cao, việc giám sát sẽ mở rộng đến các phòng khám ngoại trú, nơi bệnh nhân thường có biểu hiện nhẹ tới khám để lấy được đúng đối tượng giám sát.

Virus thuộc chủng châu Á

Liên quan tới tình hình dịch Zika bùng phát ở Singapore, ngày 4-9, giới chức Singapore xác nhận thêm 27 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus Zika tại đảo quốc này lên 242 trường hợp. Theo Bộ Y tế và Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore, trong số 27 trường hợp mới nhiễm, có 25 trường hợp liên quan đến cụm khu vực Aljunied/Sims Drive/Kallang/Paya Lebar. Khu vực Aljunied là nơi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus Zika.

Đặc biệt, các nhà khoa học Singapore đã hoàn thành việc giải mã gene loại virus Zika lây lan ở nước này. Phân tích virus từ 2 bệnh nhân cho thấy, virus này thuộc chủng châu Á và có khả năng đã tiến hóa từ chủng virus Zika vốn tồn tại ở Đông Nam Á chứ không phải lây truyền từ Nam Mỹ.

Trong khi đó, tờ Straits Times dẫn lời Quốc Vụ khanh phụ trách các nguồn tài nguyên nước - môi trường và y tế Singapore Amy Khor Lean Suan cho biết, Bộ Y tế nước này đang cân nhắc để bệnh nhân nghi nhiễm Zika điều trị tại nhà trong thời gian xét nghiệm. Hiện những trường hợp nghi nhiễm virus nguy hiểm này đang bị cách ly tại Trung tâm Dịch bệnh truyền nhiễm trong khi chờ kết quả xét nghiệm; còn những người dương tính với virus Zika đang bị cách ly tại các bệnh viện.

Đáng chú ý, tại quốc gia láng giềng của Singapore là Malaysia, cuối tuần qua, giới chức đã xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên của một bệnh nhân nhiễm virus Zika do biến chứng. Hãng tin Reuters dẫn tin từ Bộ Y tế Malaysia cho biết, bệnh nhân 61 tuổi ở bang Sabah này vốn trong tình trạng sức khỏe yếu do các vấn đề tim mạch, huyết áp cao, bệnh thận và gout trước khi được kiểm tra y tế ngày 30-8 do xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau cơ và tiêu chảy. Bệnh nhân qua đời ngày 3-9 do các biến chứng bệnh tim, không phải do virus Zika.

Giới chức Bộ Y tế Malaysia đang tiến hành điều tra toàn diện nguyên nhân tử vong của bệnh nhân. Trường hợp tử vong này xuất hiện 2 ngày sau khi ca bệnh Zika đầu tiên trên lãnh thổ Malaysia được thông báo và người phụ nữ mắc Zika được cho là nhiễm bệnh trong thời gian tới thăm con gái ở Singapore.

Hiện virus Zika đã xuất hiện trên 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Brazil là nơi có dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Người nhiễm virus Zika có triệu chứng phổ biến nhất là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Các nhà khoa học hiện nay chưa bào chế được vaccine phòng chống virus Zika hay thuốc đặc trị. (An ninh Thủ đô (trang 8).

Chi phí điều trị viêm gan C ở Việt Nam Quá đắt đỏ

Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B ở Việt Nam cao thứ hai khu vực Tây Thái Bình Dương, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C cũng cao thứ ba khu vực và đang tiếp tục gia tăng nhanh. Đây là những bệnh gây biến chứng nguy hiểm song đáng lo là chi phí điều trị viêm gan C ở nước ta lại thuộc nhóm cao nhất nhì thế giới khiến nhiều người bệnh không thể tiếp cận được.

Tình trạng nhiễm bệnh ở mức báo động đỏ

Cuối tháng 8 vừa qua, TS Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về việc số người nhiễm viêm gan B và C ở Việt Nam hiện thuộc nhóm cao nhất khu vực Tây Thái Bình Dương với 8,7 triệu người nhiễm viêm gan B và 1 triệu người nhiễm viêm gan C.

Con số này cao gấp 40 lần số người nhiễm HIV tại Việt Nam. TS Trần Đại Quang, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, uớc tính tại nước ta, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B dao động từ 6-20%, virus viêm gan C là 0,2-4%. Đây đều là những bệnh truyền nhiễm phổ biến gây các biến chứng nguy hiểm ở gan như: xơ gan, ung thư gan và có thể gây tử vong.

Trong khi số người mắc bệnh vẫn đang có xu hướng gia tăng nhanh thì tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vaccine phòng viêm gan B, viêm gan C - giải pháp quan trọng nhất để phòng bệnh này – lại có xu hướng giảm và không đạt con số được WHO khuyến cáo.

TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân tích, hiện nay, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mãn tính trong cộng đồng nước ta xấp xỉ 10%, đây là mức nhiễm rất cao và được WHO đánh dấu màu đỏ - mức độ mà can thiệp phải được ưu tiên.

Theo khuyến cáo của WHO, tỷ lệ tiêm chủng vaccine viêm gan B 24 giờ đầu sau sinh đạt ngưỡng phòng bệnh là 85%, trong khi tỷ lệ mà Việt Nam đạt được chỉ là 65% trong năm 2015 và 39% nửa đầu năm 2016. Đặc biệt, vẫn có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm dưới 30%, thậm chí có những tỉnh tỷ lệ tiêm chủng chỉ đạt 11-12%.

Thuốc điều trị viêm gan C quá đắt

Theo các chuyên gia, công cụ quan trọng thứ hai để phòng chống viêm gan là điều trị viêm gan B và C. Trên thế giới, giá thành thuốc điều trị viêm gan C đang giảm xuống. Ví dụ, Ai Cập là nước thu nhập trung bình thấp, trong 12 tháng qua, nước này đã điều trị 200.000 bệnh nhân.

Nguyên nhân số bệnh nhân được điều trị viêm gan C tại Ai Cập trong năm qua tăng vọt là do giá thuốc điều trị viêm gan C ở nước này giảm mạnh, từ 900 USD/liệu trình điều trị năm 2014 xuống chỉ còn 200 USD/liệu trình điều trị vào năm 2016. Tương tự, tại Ấn Độ, hiện chi phí tiền thuốc điều trị viêm gan C cũng chỉ vào khoảng 250 USD/liệu trình.

Tuy nhiên, nước ta vẫn là một trong những nước có giá thành điều trị viêm gan cao nhất thế giới. Cụ thể, chi phí một liệu trình điều trị viêm gan C tại nước ta là 2.200 USD, tức khoảng 45 triệu đồng, cao gấp hơn 10 lần so với Ai Cập, Ấn Độ… Đó là chưa tính chi phí xét nghiệm, đo tải lượng virus sau điều trị.

Lý giải về việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, chi phí thuốc điều trị viêm gan C của Ấn Độ, Ai Cập trong năm qua đã giảm mạnh do những nước này sử dụng thuốc phiên bản, còn gọi là thuốc generic. Trong khi đó tại nước ta, hiện toàn bộ thuốc điều trị viêm gan C vẫn phải nhập khẩu và loại thuốc này vẫn đang được các nước xuất khẩu đưa vào nhóm thuốc độc quyền, giá cao.

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phân tích, từ tháng 5-2016, Việt Nam có quy định về thương thảo, đàm phán về giá thuốc với các thuốc đang được độc quyền, giá cao hoặc thuốc có số lượng sử dụng lớn. Tuy nhiên, do Bộ Y tế chậm ban hành hướng dẫn điều trị quốc gia, trong đó có hướng dẫn rõ loại thuốc sử dụng để bảo hiểm có cơ sở chi trả nên bệnh nhân bảo hiểm y tế khó tiếp cận thuốc điều trị căn bệnh viêm gan C.

Dự kiến, trong thời gian tới, sau khi Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quốc gia điều trị bệnh viêm gan C thì mới tiếp tục thúc đẩy được quá trình đàm phán về giá thuốc. Nếu tích cực đàm phán, thương thảo với nhà cung cấp thuốc, phải sang năm 2017, giá thuốc điều trị viêm gan C tại nước ta mới có thể giảm về mức khoảng 700-800 USD/liệu trình, vẫn cao so với khu vực.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, qua khảo sát với các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, nếu có bảo hiểm hỗ trợ, tiền thuốc dưới 3 triệu/đợt điều trị thì 43% bệnh nhân có thể chi trả được. “Với giá thuốc điều trị viêm gan C hiện nay, trong số khoảng 4 triệu bệnh nhân thì may ra chỉ có khoảng 4.000 bệnh nhân được điều trị.

Do thuốc điều trị quá đắt nên hiện có tình trạng một số người bệnh tìm mua thuốc điều trị “xách tay” nhưng nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng không được kiểm soát và nguy cơ cao là thuốc giả làm bằng bột mì, không có tác dụng điều trị khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng” - TS Nguyễn Văn Kính nói.  (An ninh Thủ đô (trang 12).

Cần Thơ: Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn còn cao

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Cần Thơ, từ đầu năm 2016 đến 30-7, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng 1,6 lần so với cùng kỳ. Đáng lưu ý đã có trường hợp bệnh nhi tử vong vì căn bệnh này...

Từ đầu năm 2016 đến 30-7, toàn thành phố có 442 ca SXH, tăng 275 ca so với cùng kỳ. Tuy số ca mắc SXH cao nhưng so với 20 tỉnh, thành phía Nam, số ca mắc SXH tại TP Cần Thơ ở mức thấp (18/20 tỉnh, thành). Tỷ lệ mắc bệnh SXH tính trên 100.000 dân ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai và Phong Điền tăng cao hơn rất nhiều lần so với năm 2015. Phân tích theo tuổi, chủ yếu số mắc dưới 15 tuổi, chiếm trên 88%. Ngoài ra, số ổ dịch nhỏ SXH tăng gấp 1,26 lần (76 ổ), số mắc SXH độ nặng (độ C chiếm trên 14%). Thành phố có ca tử vong vì SXH. Đó là bệnh nhi ở ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Bé bệnh ở nhà 4 ngày, ngày 31-5-2016, vào Bệnh viện (BV) Đa khoa Ô Môn, đến ngày 1-6-2016, chuyển đến BV Nhi đồng TP Cần Thơ. Bệnh nhi tử vong ngày 7-6-2016 do sốc SXH nặng, tái sốc nhiều lần, tổn thương đa cơ quan và mất khi 69 tháng tuổi.

Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2016 đến nay, ngành y tế tổ chức 3 đợt chiến dịch diệt lăng quăng; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông như: Tọa đàm truyền hình, phát thông điệp trên Đài Phát thanh và Truyền hình, in và phân phối 150.000 tờ rơi, 2.000 áp phích, 260 băng rôn, 350 đĩa DVD, nói chuyện sinh hoạt dưới cờ... Tại các điểm nóng, lãnh đạo Sở Y tế, Ban Tuyên giáo Thành ủy, TTYTDP thành phố tổ chức nhiều đợt kiểm tra thực địa để chỉ đạo và hỗ trợ địa phương dập dịch. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYTDP thành phố, nguyên nhân số ca mắc SXH tăng ở một số địa phương là do điều tra xử lý ổ dịch chưa triệt để; địa phương có tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng nhưng chưa tập huấn cho người tham gia; ban, ngành, đoàn thể chưa tham gia đầy đủ; mỗi nhóm phụ trách quá nhiều hộ gia đình; vãng gia bỏ sót hộ gia đình, dụng cụ chứa nước, các vật phế thải... Qua giám sát côn trùng, mật độ muỗi và lăng quăng tăng, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh SXH lây lan. Năm nay có thể là chu kỳ dịch bệnh sau nhiều năm số ca mắc SXH của thành phố giảm liên tục… (Gia đình & Xã hội (trang 7).

Được phép thành lập ngân hàng mô tư nhân

Ngoài trực thuộc cơ sở y tế công lập, tư nhân cũng có thể thành lập ngân hàng mô nếu đáp ứng đủ các điều kiện về giấy phép hoạt động, cơ sở vật chất và nhân lực..., theo nghị định mới sửa đổi của Chính phủ.

Chính phủ vừa ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định về tổ chức hoạt động ngân hàng mô; điểm đáng chú ý là cho phép cơ sở tư nhân lập ngân hàng mô.  Cụ thể, ngân hàng mô chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép hoạt động ngân hàng mô do Bộ Y tế cấp.

Để được cấp giấy phép hoạt động ngân hàng mô, cơ sở tư nhân phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị y tế… Chẳng hạn, đơn vị có buồng kỹ thuật, phòng thí nghiệm diện tích tối thiểu 12 m2; người quản lý chuyên môn phải đủ điều kiện theo quy định; tối thiểu một bác sĩ hoặc cử nhân xét nghiệm, 2 kỹ thuật viên y hoặc điều dưỡng và đều có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh…

Nếu ngân hàng mô có hoạt động về giác mạc thì phải đáp ứng điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với ngân hàng giác mạc. Ngân hàng mô đủ điều kiện được phép lấy giác mạc sau khi người hiến chết.

Nghị định sửa đổi này có hiệu lực từ ngày 15/9. Theo đó, ngân hàng mô đã được cấp giấy phép theo quy định của nghị định hiện nay tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/6/2017. Sau thời điểm này, ngân hàng mô phải được cấp giấy phép hoạt động theo các điều kiện, thủ tục quy định tại nghị định sửa đổi. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Hướng dẫn chuyển tuyến KCB BHYT đối với hệ thống các cơ sở YHCT

Bộ Y tế ban hành Công văn 6358/BYT-BH hướng dẫn thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT đối với khám, chữa bệnh Y học cổ truyền (YHCT)

Công văn nêu rõ, sau một thời gian triển khai thực hiện Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT)…

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện việc chuyển tuyến KCB theo đúng quy định đối với hệ thống các cơ sở KCB YHCT; thực hiện nghiêm công tác chuyển tuyến, không được giữ người bệnh khi vượt quá khả năng của cơ sở; tiếp tục phổ biến, tập huấn việc thực hiện các quy định về chuyển tuyến KCB BHYT tới toàn thể cán bộ, nhân viên y tế. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

4 cụm công trình của Ngành Y tế được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KHCN

Hội đồng cấp Nhà nước cho biết, trong số các công trình, cụm công trình được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KHCN đợt 5, ngành Y tế có 4 công trình, cụm công trình, trong đó riêng BV Bạch Mai (Hà Nội) có 3 công trình.

Cụ thể, giải thưởng được trao cho GS-TS Phạm Minh Thông (Phó Giám đốc BV Bạch Mai) với công trình ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp.

GS-TS Mai Trọng Khoa (Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BV) cũng được nhận giải thưởng với công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán điều trị ung thư và một số bệnh lý.

Ngoài ra, BV BM còn được một giải thưởng cấp nhà nước cho GS-TS Nguyễn Gia Bình (Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai) với công trình nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số bệnh nguy hiểm.

Theo đánh giá của Bộ KH&CN, đây là những công trình về y học đều đã đạt tới những công nghệ tân tiến nhất của thế giới hiện nay.

Dự kiến vào ngày 17-9 tới đây tại Hà Nội, Bộ KH&CN sẽ tổ chức vinh danh các công trình khoa học đặc biệt xuất sắc được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và công trình xuất sắc nhận giải thưởng nhà nước về KH&CN đợt 5. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Giải quyết bạo hành y tế phải được thực hiện từ hai phía

Mới đây tại BVĐK tỉnh Kiên Giang đã xảy ra một vụ xô sát giữa người nhà bệnh nhân và điều dưỡng viên của bệnh viện. Nguyên nhân được cho là người đàn ông đưa mẹ đến viện khám và được nữ điều dưỡng nhờ lấy xe lăn giúp để đưa mẹ mình lên khoa khám cho đỡ mệt. Cho rằng đó là việc của điều dưỡng chứ không phải của người nhà, anh đã xông vào đánh điều dưỡng, tiếp đó một người phụ nữ cũng chạy ra xô đẩy bảo vệ và lớn tiếng nhục mạ điều dưỡng. Sự việc ở BVĐK tỉnh Kiên GIang chỉ là một trong rất nhiều vụ bạo hành y tế. Những xô sát, mẫu thuẫn trong các cơ sở y tế chưa khi nào giảm nhiệt. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề? phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với Th.Bs Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BVĐK Xanh Pôn xung quanh chủ đề này.

PV: Câu chuyện về bạo hành  y tế  đã được bàn bạc rất nhiều, nhưng hành hung, xô sát vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, “không có lửa thì làm sao có khói”, cũng có ý kiến cho rằng phía người nhà đôi khi cũng đã làm quá chuyện... quan điểm của BS về vấn đề này thế nào?

Ths.Bs Nguyễn Đình Hưng: Mỗi ngành nghề một đối tượng phục vụ khác nhau, môi trường làm việc khác nhau. Trong bệnh viện, môi trường rất phức tạp. BV giống như một xã hội thu nhỏ, hàng ngày tiếp nhận lớn số lượng người vào, không chỉ người đến khám mà người đưa bệnh nhân đến khám, người đi thăm bện nhân…rất khó kiểm soát. Vì thế mẫu thuẫn rất dễ xảy ra giữa hai bên, người nhà, bệnh nhân và nhân viên y tế. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn tới tình trạng hành hung nhân viên y tế, hay tình trạng xô sát, náo loạn bệnh viện là sự không hiểu và thông cảm giữa bệnh nhân, người nhà và đội ngũ nhân viên y tế. Vì vậy, nếu nhân viên y tế và người nhà hiểu nhau hơn, có thời gian để trao đổi thông tin cụ thể, minh bạch thì mâu thuẫn sẽ ít hơn.

PV: Với vai trò vừa là nhà quản lý vừa là một bác sĩ, theo ông để giải quyết được mâu thuẫn này  phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu?

Ths. Nguyễn Đình Hưng: Để giải quyết được mâu thuẫn này đòi hỏi phải từ  hai phía. Thứ nhất, về phía bệnh viện, lãnh đạo các cơ sở y tế phải xác định vai trò trong cung cấp dịch vụ y tế của cơ sở mình. Bệnh viện phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, quy trình minh bạch hơn, thu chi rõ ràng hơn. Ngoài ra phải liên tục đánh giá và hoàn thiện các quy trình để phục vụ tốt hơn, hạn chế sai sót. Điều này vừa đảm bảo công bằng, minh bạch và hạn chế tối đa các xung đột quyền lợi giữa các bệnh nhân với nhau. Bên cạnh đó xây dựng đội ngũ cán bộ có kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống tốt. Khi xử lý tình huống tốt thì hạn chế được sự hiểu lầm và ngăn cản được xung đột phát triển. Đơn cử như ở phòng cấp cứu, do không hiểu chuyên môn nên người nhà cho rằng nhân viên y tế đã chậm trễ trong việc cấp cứu người bệnh nên đã to tiếng, lúc này nhân viên y tế xử lý tình huống tốt thì sẽ giải thích để người nhà hiểu là việc giục giã các bác sĩ chỉ đem lại hiệu ứng ngược cho người bệnh, vì các bác sĩ đang cố gắng tập trung hết sức, hoặc tình trạng bệnh nhân đã được xử lý ổn thỏa không có nguy hiểm gì… Điều quan trọng là, người bệnh vào thấy dịch vụ của bệnh viên tốt, nhân viên có thái độ đúng mực  thì người bệnh yên tâm. Không nên để người bệnh sợ bệnh viện.

Tiếp đến là từ phía người nhà, do không được nắm bắt thông tin kịp thời vì không được giải thích rõ ràng nên nhiều người cho rằng bệnh tình của người thân mình là nặng mà nhân viên y tế bỏ bê không đoái hoài đến do đó sẽ dẫn đến những hành xử không đúng. Nhưng nếu được giải thích cặn kẽ và hiểu thì cũng không có xung đột xảy ra. Để làm được điều này, người nhà và bệnh nhân cũng nên hiểu và cảm thông cho nhân viên y tế, bởi thực tế là họ đang nỗ lực cứu chữa cho người thân của mình, vì vậy nếu có vấn đề gì thì nên bình tĩnh trao đổi qua đó sẽ hiểu nhau hơn.

Một điểm nữa là, hiện nay, vấn đề quy tắc ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh trong các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế rất quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, các bệnh viện cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ  người bệnh, bằng cách xây dựng và thực hành văn hóa ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân. Văn hóa ứng xử của nhân viên tốt thì bệnh nhân cũng phải có ứng xử phù hợp mới đạt được mong muốn. Khi cả hai bên đồng hành thì  việc giải quyết mâu thuẫn sẽ thuận lợi hơn. Cùng với đó, phía bệnh viện cần phải làm thế nào để  người bệnh tin tưởng bệnh viện, không sợ đến bệnh viện.

PV: Vấn đề bạo hành y tế, xung đột trong bệnh viện không thể tách rời với an ninh bệnh viện, vậy tại BV Xanh Pôn điều này đã được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ths.Bs. Nguyễn Đình Hưng: Nhận thấy vấn đề an ninh trật tự bệnh viện quan trọng, Bộ y tế và Bộ Công an đã có văn bản ký kết hợp tác trong lĩnh vực này. Sau đó, Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản ký kết với Công an Hà Nội về lĩnh vực an ninh trật tự trong bệnh viện. Sau  ký hợp tác thì vấn đề an ninh trật tự được chú trọng rất nhiều. Công an thành phố đã giao cho phòng cảnh sát bảo và phòng Cảnh sát bảo vệ đã chọn các bệnh viện trên địa bàn thủ đô để đưa lực lượng bảo vệ xuống thường trực tại các BV từ 8h -22h. Tại BV Xanh Pôn, vấn đề an ninh trật tự được tổ chức thành nhiều hệ thống đan xen nhau. Trong đó có đội bảo vệ tại BV, tiếp đến là đội vệ sĩ chuyên nghiệp và 3 đồng chí công an thành phố thường trực, trong đó hai đồng chí mặc quân phục và 1 đồng chí mặc thường phục. Ngoài ra, BVĐK Xanh Pôn cũng phối hợp với công an Phường Điện Biên, công an Quận Ba ĐÌnh và lực lượng cảnh sát 113. Khi cần hỗ trợ BV sẽ liên lạc trực tiếp với công an Phường,  điện thoại của công an Phường cũng như đường dây nóng các đồng chí công an có mặt rất nhanh. Đối với sự việc nào nghiêm trọng thì ngoài lực lượng tại chỗ, BV sẽ gọi công an Quận và cảnh sát 113…Với cách tổ chức như vậy tình hình an ninh trật tự tại BV Xanh pôn những năm gần đây đã ổn định.

PV: Có thể nói BV Xanh Pôn đã tổ chức khá chặt chẽ vấn đề an ninh bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh viện là một môi trường rất phức tạp, khó kiểm soát, ngoài sự phối hợp ký kết với lực lượng công an như trên, với vai trò là  người đứng đầu một bệnh viện lớn nhất thành phố Hà Nội, theo BS cần phải có kiến nghị gì để làm tốt hơn nữa công tác an ninh trật tự bệnh viện?

Ths. Bs. Nguyễn Đình Hưng: Quan điểm của tôi là, an ninh trật tự bệnh viện được xã hội quan tâm nhiều, nhưng hiện nay lại chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ ràng về vấn đề này. Vì vậy, cần phải có văn bản pháp lý riêng cho ngành y trong lĩnh vực an ninh trật tự tại các cơ sở y tế.  Văn bản ấy có thể là thông tư là nghị định hướng dẫn về thực thi an ninh trong bệnh viện, tất nhiên văn bản này vẫn phải được điều tiết theo quy định của những văn bản luật chung. Bởi, như bạn nói, trật tự bệnh viện khá phức tạp, nó cũng không thua kém gì bến tàu, bến xe. Vì lượng người đông, nhiều thành phần nên khó kiểu soát. Một người đi khám bệnh kèm theo cả người nhà đưa vào khám, rồi người đi thăm bệnh nhân…Mặt khác để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh thì một số điểm như phòng khám hay phòng cấp cứu phải mở 24/24 để người dân thuận tiện. Do đó đòi hỏi an ninh ở những chỗ này cũng phải được tăng cường hơn…

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ (Sức khỏe & Đời sống (trang 2):

Người bác sĩ đầu tiên hiến tặng giác mạc cho y học

Bác sĩ, đại tá Vũ Thị Thoa trút hơi thở cuối cùng sáng hôm qua, ngày 30/8/2016 bởi căn bệnh ung thư vú di căn. Để lại bao nỗi tiếc thương vô hạn cho người ở lại, chị cũng để lại một nghĩa cử cao đẹp cho đời: hiến tặng giác mạc, mô chưa bị căn bệnh ung thư xâm lấn, để có thêm những mảnh đời bất hạnh có cơ hội tìm lại ánh sáng.

 Nghĩa cử cao đẹp của người bác sĩ - chiến sĩ công an nhân dân

Chị nằm đó, khuôn mặt phúc hậu, mái tóc lưa thưa vì tác dụng của những đợt điều chị hóa chất, trong chúng tôi dâng lên niềm xúc động khó tả. Các y bác sĩ, những người đồng đội, đồng nghiệp của chị trong giờ khắc thiêng liêng đó, không ai bảo ai cùng nghiêng mình trước chị - người bác sĩ, chiến sĩ công an - Trưởng khoa Mắt bệnh viện (BV) 19-8, Bộ Công an.

Với mong muốn hiến tạng cho y học, nhưng do đã trải qua thời gian dài điều trị hóa chất chữa bệnh ung thư, nên chỉ còn lại giác mạc - bộ phận cơ thể duy nhất còn có thể giúp ích được những người khác, bác sĩ (BS) Vũ Thị Thoa mong muốn được hiến tặng cho người bệnh. Di nguyện của chị được chồng, các con và tập thể y bác sĩ hết lòng trân trọng, ủng hộ.

Những người đồng đội, bác sĩ kính cẩn nghiêng mình trước chị.

Chiều cùng ngày, đôi giác mạc của BS - đại tá Vũ Thị Thoa đã được các cán bộ y tế Ngân hàng Mắt, BV Mắt Trung ương thu nhận, bảo quản, giữ gìn cẩn thận. Người BS nhãn khoa trước khi nằm xuống vẫn đau đáu nghĩ về những số phận còn thiệt thòi, góp phần nhỏ bé nhưng đầy cao cả và ý nghĩa trong công cuộc giải phóng mù lòa.

20 năm chiến đấu với ung thư và kiên cường sống, kiên cường làm việc

Đó là một chặng đường đầy gian nan nhưng phi thường ở người bác sĩ ấy. Các đồng nghiệp ở BV 19 - 8 ai ai cũng khâm phục về nghị lực vượt qua bệnh tật, sống lạc quan yêu đời của bác sĩ Vũ Thị Thoa.

Tốt nghiệp đại học rồi bác sĩ nội trú khóa 14, về công tác tại khoa Mắt Bệnh viện 19-8. Nhưng vào năm 1996, khi đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ thứ 2, bác sĩ Thoa thấy xuất hiện một khối hạch ở nách. Khi biết mình bị ung thư vú, chị âm thầm đối mặt; năm 1997 khi sinh em bé xong, chị bắt đầu chiến đấu với căn bệnh ung thư. Là một bác sĩ, hơn ai hết chị hiểu rõ bệnh tình của mình và kiên trì điều trị. Bạn bè, đồng nghiệp vô cùng ngưỡng mộ nghị lực, tinh thần lạc quan, vui vẻ, luôn sống hết mình với công việc, với mọi người của BS. Vũ Thị Thoa. BS. Lý Minh Đức người đồng nghiệp của chị trong khoa chia sẻ: "Điều chúng tôi khâm phục nhất ở chị Thoa là chưa bao giờ thấy chị bi quan. Chị luôn sống tích cực, lạc quan. Chị tham gia vào nhiều công việc, kể cả các đợt đi khám chữa bệnh từ thiện cho bà con vùng sâu vùng xa; chị luôn tạo điều kiện giúp đỡ những BS trẻ mới về khoa; và đặc biệt ở chị có một sự thấu hiểu, đồng cảm với người bệnh".

BS. Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Bệnh viện 19-8, phụ trách khối ngoại, người trực tiếp điều trị bệnh cho chị Thoa không giấu niềm cảm phục: "Chị Thoa là một con người có nghị lực phi thường. Mặc dù đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, năm 2013 phát hiện đã di căn nhưng trong thời gian điều trị, chị vẫn theo học BS chuyên khoa 2. Mới đây, vào tháng 12/2015, chị đã hoàn thành xuất sắc luận án tốt nghiệp BS CK 2. Chị vẫn cố gắng hoàn thành và thực hiện các công việc đều đặn trong khoa cho đến lúc cuối phải nằm trên giường bệnh".

BS. Thái Hoài Hương – Phó khoa Mắt, người em, người đồng nghiệp thân thiết của chị kể lại, chưa bao giờ nghe thấy một câu than vãn về bệnh tình chị đang mang. Cách đây 2 năm, chị Thoa vừa bị gãy cổ xương đùi, hậu quả của bệnh ung thư di căn vào xương, chị vẫn chống nạng lên sân khấu hát cùng mọi người trong một hội diễn của BV. Hay mới tháng trước, trong khi đang là bệnh nhân điều trị trên tầng 8, thấy Khoa Mắt rất thiếu người vì các y bác sĩ được phân công đi khám bệnh ở tỉnh, chị Thoa vẫn xuống khoa hỗ trợ và họp giao ban với các đồng nghiệp.

Người bác sĩ đầu tiên hiến tạng cho y học

Đã có rất nhiều lá đơn, trong đó có không ít đơn của các cán bộ đã và đang công tác trong ngành y xin hiến tặng tạng cho y học sau khi qua đời. Và BS. Vũ Thị Thoa là người đầu tiên đã hoàn thành di nguyện cao cả của mình!

Di nguyện của chị Thoa được chồng, là TS. BS Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, người đã có nhiều nghiên cứu về chuyên ngành nhãn khoa và con trai hiện đang là BS nội trú BV Mắt Trung ương hết sức ủng hộ, trân trọng và tự hào.

Trước khi tiến hành thu nhận giác mạc, gia đình và đồng nghiệp nghiêng mình dành 1 phút mặc niệm tri ân người vợ, người mẹ, người đồng đội đáng kính. Anh Tiến, chồng chị Thoa gọi 2 con tới bên mẹ, xúc động nói: "Mẹ các con, khi mất đi vẫn còn làm được một điều gì đó tốt đẹp cho cuộc đời này!". Tất cả chúng tôi, những người chứng kiến giây phút đó đều lặng đi!

Trong cơn bạo bệnh vượt qua những nỗi đau nhức của bệnh tật, chị vẫn không một lời than vãn, luôn nở nụ cười lạc quan với đồng nghiệp, luôn canh cánh trách nhiệm của một người thầy thuốc. Tâm nguyện của chị đã được thực hiện, rồi đây 2 con người không quen biết sẽ được thấy lại ánh sáng. Đó chính là điều đẹp đẽ nhất mà BS.Vũ Thị Thoa đã hoàn thành lúc lâm chung.

TS. BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt Trung ương trao đổi với chúng tôi mà cảm xúc còn dâng trào qua giọng nói: "Tuy đã tham gia vào nhiều ca thu nhận giác mạc nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi thu nhận giác mạc từ chính đồng nghiệp của mình, từ chính BS đã cống hiến cả đời cho ngành mắt. Thật vô cùng cảm kích. Nghĩa cử cao đẹp của BS. Thoa giúp cho những người còn sống chúng ta nghĩ về trách nhiệm của mình với những con người kém may mắn đang sống trong cảnh mù lòa, nghĩ về những việc cần phải làm. Với 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, nhu cầu được ghép giác mạc rất lớn. Nhưng mỗi năm chúng ta nhận được trên dưới 100 giác mạc từ 50 người hiến, và khoảng 100 giác mạc từ nước ngoài. Mong xã hội sẽ hiểu hơn về việc hiến tặng giác mạc để góp sức cùng  BS nhãn khoa chúng tôi làm sáng lên những đôi mắt cho đời".

Vâng, sự hồi sinh của những cuộc đời mới, của những tương lai đang được mong chờ, bắt đầu từ chính nhận thức và nghĩa cử cao đẹp của mỗi người, của bạn và của tất cả chúng ta!

Giác mạc hiến tặng được lấy trong khoảng từ 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng (khoảng 25-30 phút). Kỹ thuật viên chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước lòng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khuôn mặt người hiến.

Những người mắc bệnh nan y như ung thư, người có thị lực kém (cận, viễn, loạn, đục thuỷ tinh thể...) hay đã từng phẫu thuật về mắt mà giác mạc vẫn còn tốt thì vẫn có thể hiến tặng giác mạc. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

“Mai rùa nặng hơn 1kg đã được lấy khỏi lưng bé gái

Sau gần 3 giờ phẫu thuật loại bỏ khối bướu và ghép da, các bác sĩ cho biết kết quả rất khả quan. Mọi dự tính trước ca mổ đều diễn ra đúng kế hoạch, đặc biệt đã hạn chế tối đa việc mất máu cho “cô bé mai rùa”.

Trả lời báo chí ngay sau ca mổ chiều 29/8, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - khẳng định, ca phẫu thuật cho “cô bé mai rùa” Trần Thị N.T. (10 tuổi, ngụ Sóc Trăng) đã thành công, tình trạng bệnh nhi sau mổ ổn định. Khi tỉnh thuốc mê, “turtle girl” Việt Nam có thể uống sữa ngay trong chiều nay.

Theo bác sĩ Hiếu, ê kíp gồm 6 bác sĩ phẫu thuật, 2 bác sĩ gây mê và 4 kỹ thuật viên đã hoàn tất ca mổ lúc 13h. Toàn bộ 100% khối bướu hắc tố bẩm sinh đã được lấy ra khỏi lưng bé T. Khối bướu cân nặng 1,05kg, đường kính hơn 22cm. May mắn, độ sâu khối bướu chỉ đến cơ lưng, nên không ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác.

Như chúng tôi đã đưa tin, điều khiến ê kíp của bác sĩ Hiếu lo lắng nhất chính là thể trạng em bé quá ốm, việc lấy da đùi để ghép vào vùng lưng sẽ khá khó khăn. Các bác sĩ đã dự trù nếu đùi trái không đủ da, sẽ phải lấy thêm da ở đùi phải và bụng. Tuy nhiên, lo lắng này đã được các bác sĩ giải quyết bằng máy cán da. Thiết bị này giúp kéo dãn miếng da lấy ở đùi, giúp tăng gấp đôi diện tích miếng da dùng để ghép vào lưng bé T. Nhờ vậy, việc lấy da từ nơi khác đã được hạn chế tối đa.

Một lo lắng khác chính là vấn đề mất máu. Các bác sĩ cũng đã làm tốt khâu này. Toàn ca mổ chỉ mất chưa đến 1 đơn vị máu, giúp hạn chế tối đa tình trạng chảy máu cho bệnh nhi. Từ đó, giúp vết thương mau lành và đẹp.

Bác sĩ Hiếu cho biết thêm, sau ca mổ 7 ngày, bệnh viện sẽ kiểm tra vết mổ để biết tình trạng phục hồi của da. Sau 14 ngày nằm viện, bé T. có thể hoàn toàn “trở thành” một cô bé bình thường. “Đáng lo nhất khi chăm sóc hậu phẫu chính là vấn đề nhiễm trùng. Nếu xảy ra nhiễm trùng, xem như là một thất bại”, ông Hiếu nói.

Ngoài việc cắt bỏ hoàn toàn khối bướu khổng lồ, các bác sĩ cũng đã đốt những nốt ruồi “vệ tinh” xung quanh có khả năng phát triển. Sau 3 ngày xét nghiệm tế bào khối bướu, sẽ xác định đây là bướu lành hay ác tính. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2):

Hà Giang: Cấp cứu thành công thai phụ bị cơn nhịp tim nhanh kịch phát trên thất

 Hà Giang đã cấp cứu thành công trường hợp thai phụ bị cơn nhịp tim nhanh kịch phát trên thất bằng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim.

Vào 23h30 phút ngày 29/8, chị Nguyễn Thị Huyền, 19 tuổi, thường trú tại tổ 9 phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, mang thai lần thứ hai gần 24 tuần, được chuyển đến BVĐK tỉnh Hà Giang trong tình trạng bị đau tức ngực, khó thở liên tục.

Kết quả khám cho thấy chị Huyền có biểu hiện nhịp tim nhanh, nhỏ, khó bắt, tần số 220 chu kỳ/phút, huyết áp tụt 85/40mmHg, điều đáng lo ngại hơn là thai nhi có biểu hiện suy thai. Lo lắng về sức khỏe của mẹ và thai nhi, người nhà của chị Huyền có nguyện vọng xin được chuyển về tuyến Trung ương để cấp cứu và điều trị.

Qua hội chẩn, Ban Giám đốc và các bác sỹ khoa Tim mạch Nội tiết BVĐK tỉnh Hà Giang chẩn đoán chị Huyền bị cơn tim nhịp nhanh kịch phát trên thất, thai 24 tuần theo dõi sốc tim - đây là một trường hợp rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời, nếu bệnh nhân chuyển viện, trên đường đi sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của cả người mẹ và thai nhi. Các bác sỹ đã giải thích cho gia đình về nguy cơ cũng như mức độ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi nếu như chuyển người bệnh lên tuyến trên và gia đình đồng ý để chị Huyền được cấp cứu tại BVĐK tỉnh Hà Giang.

Sau khi hồi sức và sử dụng các loại thuốc cấp cứu tim mạch bằng các phương pháp thông thường để chuyển nhịp tim nhưng huyết áp của người bệnh vẫn tụt dần, tim thai bị suy, nhịp tim của mẹ vẫn rất nhanh 220 chu kỳ/phút. Trước tình thế đó Ban Giám đốc, các bác sỹ của khoa Tim mạch Nội tiết của BVĐK tỉnh Hà Giang cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của các bác sỹ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E Hà Nội đã quyết định sử dụng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim đồng thời gây mê cho thai phụ Huyền.

Theo các bác sỹ, thai phụ bị cơn tim nhịp nhanh kịch phát đây là trường hợp rất ít khi xảy ra, nhất là chị Huyền chưa hề có tiền sử bị các bệnh về tim mạch, trong lần mang thai trước sức khỏe của chị hoàn toàn bình thường, mặt khác việc sử dụng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim mặc dù đã được áp dụng tại BVĐK tỉnh Hà Giang trong thời gian gần đây nhưng thực hiện trên thai phụ thì đây là trường hợp đầu tiên, nếu không thận trọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của hai mẹ con.

Vì thế đòi hỏi việc ứng dụng phương pháp này cần phải chính xác, tỷ mỷ và phải rất thận trọng của cả ê kíp thực hiện mà người chịu trách nhiệm chính là Thạc sỹ Trịnh Tiến Hùng - Phó khoa Tim mạch Nội tiết của BVĐK tỉnh Hà Giang .

Điều đáng mừng, chỉ trong thời gian rất ngắn (khoảng 01 phút) bằng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim cộng với việc tiếp tục hồi sức tích cực, nhịp tim của chị Huyền đã trở lại bình thường (105 chu kỳ/phút), huyết áp đã ổn định (100/60mmHg), hết khó thở, không còn dấu hiệu tức ngực, tim thai trong giới hạn bình thường (140 chu kỳ/phút).

Việc ứng dụng thành công phương pháp cấp cứu cho thai phụ bị tim nhịp nhanh kịch phát bằng phương pháp sốc điện ngoài lồng ngực chuyển nhịp tim nói riêng và nhiều kỹ thuật mới trong thời gian gần đây đã khẳng định trình độ chuyên môn cũng như tinh thần và trách nhiệm trước người bệnh của đội ngũ y, bác sỹ của BVĐK tỉnh Hà Giang đã được nâng lên rõ rệt, người bệnh ngày càng tin tưởng và yên tâm khi được chăm sóc và điều trị tại đây. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2):

TPHCM: Cứu sống bệnh nhân nguy kịch nhờ quy trình “Báo động đỏ liên viện”

Ngày 31/08/2016, anh N. Q. T., sinh năm 1998 là công nhân đang làm việc thì bị điện giật, té từ độ cao khoảng 3 mét, bất tỉnh. Bệnh viện quận 2 tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân trong tình trạng sốc mất máu nặng rối loạn nhịp tim, chẩn đoán vỡ gan và rối loạn nhịp tim do điện giật.

Sau khi tiến hành sơ cấp cứu, Bệnh viện quận 2 đã thực hiện quy trình “Báo động đỏ liên viện” với Bệnh viện Nhân Gia Định vì không thể chuyển viện do người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch có thể tử vong trên đường chuyển. Nhận được báo động đỏ của Bệnh viện Quận 2, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cử ngay các bác sĩ phẫu thuật và hồi sức xuống bệnh viện Quận 2 để hỗ trợ. Trong vòng 20 phút ê-kip bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã có mặt tại bệnh viện Quận 2 và vào thẳng phòng mỗ để tiếp ứng, trong vòng 20 phút với sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 ê-kip bác sĩ của bệnh viện Quận 2 và bệnh viện Nhân dân Gia định, bệnh nhân đã được hồi sức và phẫu thuật cấp cứu thành công.

Hiện bệnh nhân đang tiếp tục được hồi sức tích cực tại khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện quận 2 và tiếp tục được hỗ trợ và hướng dẫn từ xa của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang