Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Mỗi năm phát hiện 34 nghìn người mắc ung thư phổi; Cần quy hoạch điểm đón, trả khách hợp lý trước các bệnh viện; Báo động nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn gia đình; Xử phạt 40 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm; Bộ Y tế khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh...

 Mỗi năm phát hiện 34 nghìn người mắc ung thư phổi

Ngày 4-10, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi T.Ư (Bộ Y tế) phối hợp Hội Y học Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học ung thư phổi. Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 150 nghìn người mắc các bệnh ung thư, trong đó có khoảng 34 nghìn người mắc ung thư phổi. Cả nước hiện có 45 bệnh viện lao và bệnh phổi và nhiều bệnh viện đã thành lập khoa ung bướu để chẩn đoán, điều trị ung thư phổi, với nhiều kỹ thuật tiên tiến được triển khai: chẩn đoán hình ảnh; nội soi, sinh thiết, sinh hóa miễn dịch, sinh hoá phân tử, mô bệnh tế bào...

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung thảo luận và giới thiệu một số phương pháp mới trong phát hiện và điều trị ung thư phổi. Đồng thời, đưa ra các giải pháp trong việc đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện; vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội cho công tác phòng, chống ung thư tại Việt Nam... (Nhân dân trang 5)

Cn quy hoch đim đón, tr khách hp lý trưc các bnh vin

Tình trạng xe taxi đỗ, dừng đón trả khách không đúng quy định trước cổng các bệnh viện trên địa bàn thành phố khá phức tạp dù trước đó, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã nhiều lần mở đợt ra quân “dọn” xe taxi vi phạm.

Khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai nằm trên đường Giải Phóng là một ví dụ điển hình. Hễ lực lượng chức năng “rời chốt”, các vi phạm lại tái diễn. Đơn cử vào lúc 11h ngày 28/9, ghi nhận ở đây, chúng tôi chứng kiến 5-6 xe taxi khi thấy vắng bóng lực lượng chức năng liền giảm tốc độ, tấp vào lề đường đón khách khiến đoạn đường trên bỗng chốc trở nên hỗn độn.

Ghi nhận trên phố Phủ Doãn (đoạn qua Bệnh viện Việt-Đức Hà Nội), phố Triệu Quốc Đạt (đoạn qua Bệnh viện Phụ sản Trung ương), chúng tôi cũng chứng kiến hình ảnh nhiều tài xế xe taxi khi không thấy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ liền “đua nhau” mời chào hành khách ngay trước cổng các bệnh viện. Trao đổi về vấn này, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó Đội CSGT số 1, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho biết, bên cạnh công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn, đơn vị đã cắt cử tổ công tác thường xuyên tuần lưu, xử lý các trường hợp xe taxi vi phạm tại khu vực cổng các bệnh viện đóng trên địa bàn như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt- Đức, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện K…

Chỉ tính riêng từ ngày 15/9 đến nay, đơn vị đã xử lý hơn 40 trường hợp xe taxi vi phạm với các lỗi: dừng đỗ, đón trả khách không đúng quy định. Cũng theo đại diện Đội CSGT số 1, mặc dù đơn vị luôn quán triệt việc xử lý nghiêm các vi phạm, song chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, các vi phạm lại tái diễn mặc cho tại các khu vực này đã dựng biển báo “Cấm dừng và đỗ xe”.

Anh Nguyễn Văn Cường, tài xế xe taxi hãng S.H. chia sẻ: “Nếu như lực lượng chức năng kiên quyết xử lý lỗi dừng, đón trả khách không đúng quy định, trong khi các cơ sở y tế, bệnh viện không điều chỉnh, bố trí chỗ dừng, đón trả khách hợp lý thì chúng tôi biết trả hành khách ở đâu cho tiện?”. Đây cũng là suy nghĩ của không ít tài xế xe taxi hiện nay. Đề cập tới vấn đề này, Đại úy Nguyễn Minh Đức cho rằng, giải pháp căn cơ phải kể đến đó là việc các cơ quan chức năng sớm đưa ra quy hoạch về điểm dừng đỗ, đón trả khách cho các loại hình vận tải hành khách, trong đó có xe taxi tại khu vực có bệnh viện, cơ sở y tế hoạt động. Qua đó, tạo điều kiện cho xe taxi hoạt động cũng như đáp ứng nhu cầu của hành khách.

Đồng quan điểm trên, Đại úy Phạm Văn Chiến cho hay, việc quy hoạch các điểm dừng đỗ xe đón, trả khách là giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, trước mắt, các bệnh viện cần phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí lối ra - vào bệnh viện cho xe taxi đón, trả khách một cách lợp lý. (Công an Nhân dân trang 7)

 Báo động nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn gia đình

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, tính đến tháng 9-2015, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 129 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với hơn 3.400 người mắc và 20 người tử vong. Điều đáng nói là có hơn 52% số vụ ngộ độc từ bếp ăn gia đình (64/129 vụ), cho thấy việc bảo đảm ATTP tại các bếp ăn gia đình vẫn còn hạn chế.
Lạm dụng thực phẩm chứa độc tố
Nhận xét về tình hình NĐTP trong 9 tháng đầu năm nay, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục ATTP) cho biết, so với các năm trước thì trong năm nay, vấn đề NĐTP trong bếp ăn gia đình đáng báo động hơn. Nguyên nhân là do người dân chưa thực hiện nghiêm túc vấn đề ATTP. Mặc dù giới chuyên môn và truyền thông đã tích cực tuyên truyền về vấn đề vệ sinh ATTP, về những thực phẩm chứa độc tố tự nhiên không nên sử dụng… nhưng số vụ NĐTP do người dân cố tình ăn nấm rừng, sò biển, cá nóc... vẫn xảy ra. "Sự thiếu ý thức này khiến việc bảo đảm ATTP tại bếp ăn gia đình càng trở lên khó khăn hơn", TS Lâm Quốc Hùng nói.
Một thói quen nữa cũng khiến tình trạng NĐTP trong bếp ăn gia đình tăng lên, đó là nhiều hộ gia đình có thói quen mua thức ăn chế biến sẵn ở bên ngoài chứ không tự nấu dù biết rằng tại những cơ sở sản xuất thực phẩm bán sẵn nhỏ lẻ này, nguyên liệu chưa được kiểm định, không rõ nguồn gốc… có thể được đưa vào sử dụng. Hơn nữa, việc kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với thực phẩm chế biến sẵn tại các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn chưa được thực hiện hiệu quả bởi lực lượng thanh kiểm tra về vệ sinh ATTP của địa phương mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Không ít địa phương không nắm rõ cơ sở có dịch vụ cung cấp thực phẩm trên địa bàn. Chính vì trách nhiệm bảo đảm ATTP của chính quyền địa phương, cơ sở dịch vụ ăn uống chưa cao nên việc bảo đảm kiểm soát ATTP triệt để là rất khó thực hiện.
Đề cập đến hậu quả từ việc không bảo đảm ATTP bếp ăn gia đình, bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, các bà nội trợ có xu hướng quan tâm đến vấn đề ATTP bếp ăn bên ngoài mà quên mất bếp ăn trong nhà. Thực tế cho thấy, dù đã được quan tâm chùi rửa sạch sẽ nhưng "bếp nhà" vẫn có hàng triệu vi khuẩn chờ dịp lây lan. Việc chế biến thực phẩm tại bếp ăn gia đình không bảo đảm vệ sinh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của người sử dụng, nhất là trẻ nhỏ bởi việc trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nhiều lần sẽ để lại tác hại lâu dài lên sự tăng trưởng và phát triển. Cụ thể, trẻ sẽ bị giảm chiều cao, thiếu cân nặng, suy dinh dưỡng, suy giảm sức đề kháng so với những trẻ không bị nhiễm bệnh.
Tăng cường lực lượng thanh tra địa phương
Để tăng cường công tác quản lý ATTP tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 10 quận/huyện, 20 xã/phường của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai thí điểm việc này tại cấp quận, huyện, xã, phường, trước đây chỉ thanh tra ở cấp tỉnh, thành phố. Việc tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP ở địa phương sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm ATTP tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Hiện nay, Cục ATTP đã tổ chức tập huấn, phổ biến cho cơ quan chức năng ở hai địa phương này để có thể tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch nói trên một cách hiệu quả.
Tuy vậy, ngoài việc trông đợi vào hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ mình, tự trang bị kiến thức về ATTP. Theo TS Lâm Quốc Hùng, người tiêu dùng phải luôn nói không với những thực phẩm không nguồn gốc, thực phẩm "bẩn" đã được cơ quan chức năng cảnh báo và nhất là luôn ghi nhớ "10 nguyên tắc vàng" về chế biến thực phẩm an toàn, đó là lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn; ngâm kỹ, rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín; che đậy, bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi đã nấu chín, đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng; không dùng chung dụng cụ chế biến hoặc để lẫn thực phẩm sống và chín; rửa sạch tay trước khi chế biến và sau khi đi vệ sinh; bảo quản dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, sạch sẽ, hợp vệ sinh; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, hỏng mốc, quá hạn sử dụng. (Hà Nội mới trang 7)

 Vì sao bệnh nhân vẫn vượt tuyến? - Bài 1: Bệnh viện xuống cấp

LTS: Giảm tải tuyến trên cho ngành Y tế là biện pháp hữu hiệu, mang lại ích lợi cho cộng đồng. Những nỗ lực đã được thực hiện và kết quả bước đầu đã được ghi nhận, song có một điều không khỏi băn khoăn là vì sao bệnh nhân không đến với các tuyến y tế cơ sở, rào cản nào khiến việc giảm tải bệnh viện tuyến trên còn gian nan?
Khoan hãy bàn đến các chính sách bền vững ở tầm vĩ mô trong việc tìm biện pháp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là sự xuống cấp về cơ sở vật chất, thiếu thốn về trang thiết bị y tế của một số bệnh viện (BV) khiến nhiều bệnh nhân không muốn đặt chân đến khám, chữa bệnh ở những nơi này. Điều "biết rồi, nói mãi" này là nguyên nhân khiến người bệnh vẫn ùn ùn đổ về các BV tuyến trung ương.
Có còn là bệnh viện?
Có mặt tại BV Đa khoa Thanh Trì vào một ngày nắng nóng, trái ngược với cảnh đông đúc thường thấy tại các BV, lượng người đến khám bệnh tại đây không nhiều. Một số khoa, phòng, khu vực điều trị, thậm chí ngay cả phòng làm việc của Giám đốc BV… đều thấy sự xuống cấp với tường rêu cũ kỹ, lớp vôi vữa bong tróc, cánh cửa bị mối mọt đục khoét... Khoa Nhi - nơi được giao chỉ tiêu 35 giường bệnh nhưng dù cố gắng tận dụng tối đa diện tích cũng chỉ đáp ứng được 27 giường. Trong khi đó, có thời điểm, bệnh nhân nội trú tại đây lên đến 50 người. Không chỉ vậy, theo quy định, mỗi buồng bệnh phải có một lavabo rửa tay, một tủ đầu giường, 7 giường bệnh có một nhà vệ sinh nhưng cả khoa chỉ có hai nhà vệ sinh lại rơi vào tình trạng hỏng hóc, thấm nước gây ô nhiễm. Hệ thống điện và các thiết bị tại các buồng bệnh cũng xuống cấp… Một số giường bệnh lung lay, tủ đựng đồ không có, tường vôi lở từng mảng đến nỗi không đóng được cửa phòng, đêm đến muỗi nhiều như trấu…
Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng không bảo đảm công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Vì thiếu phòng làm việc, khoa này phải chuyển tạm vào khu gara ô tô cũ. Đối với y khoa, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn luôn được coi như xương sống vì nơi đây cung cấp toàn bộ dụng cụ phẫu thuật, tư trang (quần áo, chăn đệm…) cho bệnh nhân cũng như đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong BV. Quan trọng là thế, nhưng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV lại đặt lọt thỏm trong khung nhà sắt hoen gỉ, tấm tôn lợp mái mục nát… như khu nhà ổ chuột. Tại đây, ngay cả những thiết bị còn sử dụng được như máy hấp ướt, máy giặt công nghiệp, sấy khô cũng đã có niên đại hơn 10 năm. Là người gắn bó lâu năm với khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Thơm cho biết, hệ thống nhà, trang thiết bị, dụng cụ làm việc… không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động. Nguyên tắc của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn là nhân viên phải được nghỉ trước nửa tiếng làm vệ sinh cá nhân xong mới ra về để bảo đảm không bị lây nhiễm chéo, bảo đảm sức khỏe nhưng tại đây không có nhà vệ sinh, nhà tắm. Kể cả phòng vô khuẩn của khoa cũng được xếp ngay cạnh cống thải lộ thiên và khu nhà chứa đủ mọi loại rác thải của BV. Khổ hơn, mỗi khi có mưa, ở đây bị dột khắp nơi, ngập ngụa chẳng khác nào cái ao… Thậm chí, trước khi mở cửa phòng, chúng tôi phải cẩn thận dùng bút thử điện vì sợ khung sắt của khu nhà ngấm nước sẽ là nguồn dẫn điện. Đáng lo ngại nữa là khu chứa rác thải gần đó được thiết kế tạm bợ, không có cửa che chắn, chính là nguồn lây bệnh vô cùng nguy hiểm.
Xuống cấp trầm trọng…
Trên địa bàn Hà Nội, có lẽ ít BV nào phải gia cố nhiều hạng mục như Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức (trụ sở tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức). Cơ sở hạ tầng của BV đã xuống cấp trầm trọng khiến việc người bệnh bỏ trốn luôn là nỗi lo thường trực của các y, bác sĩ nơi đây. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Đinh Văn Vĩnh (SN 1992) được đưa vào viện điều trị từ cuối tháng 7-2014, nhưng đến tháng 9-2014, bệnh nhân đã phá cửa phòng chui ra và "mất tích" khiến BV phải "rải" y tá, bác sĩ khắp Hà Nội để tìm kiếm. Sau đận ấy, hầu hết cửa ra vào, cửa sổ và cửa sắt đều được BV gia cố bằng cách đóng thêm nẹp, chằng buộc thêm dây thép… nhưng vẫn không an toàn. Hiện nay, tại hầu hết các khoa của BV, tường, trần đều bị bục hết lớp vữa trơ cả lõi sắt bê tông, nền nhà bong tróc, các cửa gỗ đều mục ruỗng, còn cửa sắt thì hoen gỉ… Nhiều bệnh nhân lê la, ăn, nằm ngay trên nền nhà khiến chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. "Thê thảm" nhất là khoa Dinh dưỡng. Khoa chỉ có khu vực nấu ăn và một phòng nhỏ xập xệ dành cho cán bộ, nhân viên. Nơi nấu ăn vẫn là bếp than, tường ám muội đen xỉn một màu, nền nhà ướt lép nhép bẩn vết chân người đi lại. Có lẽ, người nhà bệnh nhân nhìn thấy thực trạng này sẽ không còn tâm trí nào để gửi gắm người thân. Nơi ở của bệnh nhân đã vậy, nơi làm việc của y, bác sĩ cũng không hơn là bao. Nhiều phòng trực của y, bác sĩ bị ẩm mốc, không ít lần điện bị chập, quạt cháy hàng loạt. Tại khoa Nam 1, phòng trực của điều dưỡng luôn trong tình trạng phải để xô, chậu hứng nước mưa vì phòng đã bị dột từ lâu. Nhiều phòng không đủ điều kiện vô khuẩn, không bảo đảm vệ sinh, khô ráo để trang thiết bị y tế… Được biết, BV xây dựng từ năm 1969 nên hầu hết các khoa, phòng đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì vậy, lượng bệnh nhân đến với BV cũng hết sức hạn chế, chỉ khi người dân không còn lựa chọn nào khác họ mới đành phải đến đây. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức cho biết: BV còn quá nhiều khó khăn, từ hạ tầng kỹ thuật đến trang thiết bị y tế và bác sĩ thiếu quá nhiều. Hằng năm, BV có đầu tư kinh phí để sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, nhưng không thấm vào đâu. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên bệnh nhân không tin tưởng, không muốn đến với BV…
Trong khi đó, Bệnh viện huyện Thanh Oai được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013 với vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, nhưng hệ thống lan can lung lay như "răng ông lão" nên BV phải gia cố thêm cho an toàn. Nhìn bề ngoài, BV mang dáng vẻ khá hiện đại, khang trang, nhưng một số người cho rằng tòa nhà này phù hợp với khu hành chính hơn là một BV! Được biết, BV chính là chủ đầu tư xây dựng công trình, nhưng hiện nay một số hạng mục không phù hợp với công năng sử dụng nên phải sửa chữa như: Khu mổ, khoa Cấp cứu… Sự lãng phí này ai chịu trách nhiệm?
Cơ sở hạ tầng của BV xuống cấp mới chỉ là phần nổi, một vấn đề khác là con người. Tại BV huyện Thanh Trì, nguồn nhân lực tại khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cũng không bảo đảm. Hiện tại, khoa có 5 nhân viên, gồm 1 thạc sĩ, 2 điều dưỡng, 1 thủ kho và 1 bảo vệ. Do thiếu người nên bảo vệ kiêm cả công việc phát đồ cho bệnh nhân, còn thủ kho kiêm luôn giặt đồ. Điều dưỡng Vũ Thị Thơm tâm sự, điều kiện cơ sở vật chất như thế nên không ai muốn về đây làm việc, có người nhận quyết định 1-2 ngày sau đó "chạy mất".
Lý do không bảo đảm 100% chỉ tiêu kế hoạch, ngoài khó khăn về cơ sở hạ tầng, theo Giám đốc BV Thanh Trì Nguyễn Văn Thắng thì trang thiết bị y tế, máy móc thông thường của BV cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện BV mới chỉ có một nồi hấp dụng cụ thiết bị, vì thế khi nồi hấp hỏng, BV phải đi… mượn. Gần đây, BV được UBND huyện giao nhiệm vụ khám nghĩa vụ quân sự, một số người đến khám cho biết bị đau dạ dày nhưng BV không có máy nội soi dạ dày nên phải chuyển họ lên BV Thanh Nhàn, hay có những trường hợp do thiếu dụng cụ, BV đành phải gửi người bệnh đến nơi khác để phẫu thuật… Thời gian qua, BV đã được cơ quan chức năng hỗ trợ mua sắm một số trang thiết bị như: Máy thở, siêu âm, máy CT 64 lát cắt, máy X-quang kỹ thuật số, hệ thống mổ nội soi… nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào. Với điều kiện làm việc như vậy, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, không thể "giữ chân" được bác sĩ giỏi. Tại BV đã có hai bác sĩ xin chuyển sang BV Nội tiết trung ương và một thạc sĩ vừa đi học về để bổ sung vào nguồn nhân lực cho BV, sau đó cũng xin vào làm việc tại BV K trung ương. "Dù nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân rất lớn nhưng đa phần họ không lựa chọn BV Thanh Trì. Ngay cả những bệnh đơn giản nhưng bệnh nhân vẫn một mực xin chuyển BV khác. Thêm vào đó, BV lại nằm ở nơi có sự cạnh tranh khốc liệt bởi cách đó không xa là BV Nông nghiệp I với cơ sở vật chất khang trang và những BV đầu ngành tuyến trên như: BV Bạch Mai, BV Nội tiết trung ương, BV K cơ sở 2, BV tư nhân Thăng Long. Nếu BV Thanh Trì càng ngày càng xuống cấp, bệnh nhân ít thì tiến tới sẽ bị xóa sổ", ông Nguyễn Văn Thắng tỏ ra lo ngại.
Trong khi đòi hỏi của người dân về khám chữa bệnh ngày càng tăng cao thì cơ sở vật chất của một số BV, đơn vị khám chữa bệnh lại xuống cấp nghiêm trọng, không thỏa mãn nổi chính các điều kiện của ngành Y. Điều này là một thực tế khiến các y, bác sĩ đang công tác ở môi trường này không muốn làm việc. Còn bệnh nhân chỉ biết "bó tay" chịu đựng vì không đủ điều kiện để đến một tuyến khác tốt hơn. Với người có điều kiện, những BV như thế không bao giờ rơi vào "tầm ngắm" của họ. Với thực trạng như vậy, chắc chắn bệnh nhân phải chấp nhận vượt tuyến để an tâm chữa bệnh. (Hà Nội mới trang 8)

Xử phạt 40 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, trong tháng 9, Cục này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 công ty vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt 675.600.000 đồng; tạm dừng lưu thông 15 lô sản phẩm thực phẩm chức năng của 9 công ty, trong đó có 4 công ty vi phạm 2 hành vi bị xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng, thu hồi 2 giấy xác nhận nội dung quảng cáo của 1 công ty. 

Cụ thể gồm: Công ty TNHH XNK Kiều Việt (quận Gò Vấp, TP.HCM) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Superior Fat Burner mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo và quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Super Growth Height có nội dung không phù hợp với nội dung đã được xác nhận; Công ty TNHH Đầu tư Công nghệ cao Bách Hợp (quận Đống Đa, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Tĩnh Mạch Bách Hợp mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, nội dung quảng cáo không phù hợp với các tài liệu theo quy định… (Sức khỏe & Đời sống, An ninh Thủ đô trang 6)

Y bác sĩ Bệnh viện Bình Chánh nộp lại 433 triệu tiền quà tặng

Thông tin này được nêu trong báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của UBND TP.HCM vừa gửi Ban Nội chính trung ương và các cơ quan trung ương, Thành ủy.

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2015, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Bình Chánh (huyện Bình Chánh TP.HCM) đã nộp lại 433 triệu đồng là quà tặng từ bệnh nhân. 

Cũng theo báo cáo, qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát nội bộ thời gian qua chưa phát hiện tham nhũng, chưa có trường hợp nào phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định.

Về công tác thanh tra hành chính, qua thanh tra phát hiện 80/341 đơn vị có sai phạm; sai phạm về kinh tế là gần 85 tỉ đồng, thu hồi sai phạm về quản lý, sử dụng nhà là 03 căn nhà.

Về công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kết quả qua thanh tra đã phát hiện các đơn vị có thiếu sót, sai phạm trên các lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông vận tải; văn hóa - thể thao - du lịch; y tế; công thương; lao động; kế toán; xây dựng...

Tổng cộng cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 20.091 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 130,7 tỉ đồng; các tổ chức, cá nhân đã nộp phạt hơn 99 tỉ đồng. (Tuổi trẻ trang 2)

 Xử phạt hành chính đối với người không tham gia phòng chống dịch

 

TP HCM đang áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân tập thể không tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết.

 

Từ tháng 7 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục gia tăng. Cùng với công tác vận động tuyên truyền diệt lăng quăng, phun hóa chất trên diện rộng, thành phố đang áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính đối với những cá nhân tập thể không tham gia phòng chống dịch.

Dù không phải là một trong 8 điểm nóng về nguy cơ sốt xuất huyết tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ngay từ đầu tháng 9, quận Bình Thạnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các phường xã về công tác phòng chống dịch và việc thực hiện xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tập thể không tham gia phòng chống dịch. Sáng 27/9, Tổ kiểm tra phòng chống dịch của quận Bình Thạnh đã phát hiện 8 vật phế thải có lăng quăng tại một số hộ dân trên địa bàn phường 26.

Ngay lập tức, Tổ kiểm tra đã lập biên bản giám sát và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với một quán cà phê và một bãi xe vì  hành vi thải, bỏ các vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch. Mức tiền xử phạt cho hành vi này là 750.000/1 cơ sở.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường 26 quận Bình Thạnh cho biết, trong tháng 9 vừa qua, UBND phường đã ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm các quy định về môi trường y tế, theo Nghị định 176 của Chính phủ.

Ông Tùng nói: “3 trường hợp bị xử phạt là những nơi mà chúng tôi đã đi kiểm tra, giám sát nhiều lần nhưng ý thức chưa đảm bảo. Do đó, xử phạt là biện pháp để họ thay đổi tốt hơn trong thời gian tới. Họ cũng nhận thấy sai và chấp hành mức phạt. Tuy nhiên, chế tài chỉ là phương pháp cuối cùng, phải tuyên truyền vận động trước”.

Ngoài phường 26, còn có một số địa phường khác đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi người dân không chịu tham gia phòng chống dịch như phường 22, phường 25 của quận Bình Thạnh, phường Hòa Thạnh của quận Tân Phú.

Ghi nhận của các địa phương, đa số người bị xử phạt đều chấp hành việc đóng phạt và không có khiếu nại. Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Việc xử phạt được thực hiện chặt chẽ và theo qui trình. Đó là sau khi nhắc nhở 2 lần, kiểm tra 1 lần thấy vẫn còn lăng quăng trong các vật chứa nước tổ kiểm tra mới lập biên bản giám sát. Sau đó, ủy ban nhân dân phường ra quyết định xử phạt.

Ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh cho biết: “UBND phường 25 đã ra 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng chống sốt xuất huyết. Một trường hợp bị phạt 750.000 đồng và trường hợp kia bị phạt 1.500 triệu đồng. Trước khi xử phạt, đã cho chủ công trình xây dựng cam kết diệt lăng quăng. Nhưng khi kiểm tra lại vẫn còn lăng quăng nên phường phải ra quyết định xử phạt”. 

Hiện nay, ý thức của người dân chính là một trong những rào cản rất lớn trong phòng chống dịch, không chỉ tại TP HCM mà trong cả nước. Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, sau khi kiểm tra phòng chống dịch tại TP HCM, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định: “Người dân vẫn thờ ơ với việc phòng chống dịch sốt xuất huyết. Tại một số quận huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh, có đến 30% hộ gia đình không chịu hợp tác với cơ quan chức năng để được phun hóa chất diệt muỗi, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch”.

Trước tình hình này, theo Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, việc áp dụng các chế tài để thay đổi ý thức và hành vi của người dân trong chống dịch sốt xuất huyết là rất cần thiết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo Nghị định 176 của Chính phủ sẽ giúp cho công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả tốt hơn. Ông Lân nói: “Đi kiểm tra phòng trọ hay ở nơi nào, nếu phát hiện các ổ bọ gậy nguồn phải có hình thức xử lý. Nếu không, suốt ngày bên y tế dự phòng đi chống dịch”.

Có thể nói với tình hình dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh mẽ như hiện nay trong khi ý thức của người dân còn chưa cao thì việc sử dụng chế tài là cần thiết và đúng lúc./. (Tiền phong trang 14)

 Bộ Y tế khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh

 

Ngày 23/10, Bộ Y tế tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh (QP-AN) cho đối tượng 3 (cán bộ trưởng, phó phòng, ban) của các đơn vị trực thuộc Bộ. Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, công tác QP-AN là nhiệm vụ chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội... Chúng ta cần tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ quan điểm nhận thức về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh tổng hợp của quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trong tình hình mới. Qua lớp bồi dưỡng này giúp cán bộ, công chức nắm được quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước về công tác QP-AN để từ đó tham mưu tích cực cho lãnh đạo Bộ và đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Nhân dịp này, đại diện Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng" năm 2012 cho 28 cán bộ y tế có thành tích xuất sắc. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp xúc cử tri tại TP.HCM

 

Ngày 2/10, tại TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cùng Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị số 8) khóa XIII tiếp xúc cử tri huyện Bình Chánh và quận 8 nhằm lấy ý kiến chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

 

Mở đầu buổi tiếp xúc cử tri, đại diện Tổ đại biểu cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 10, Quốc khội khóa XIII diễn ra trong 40 ngày, khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc ngày 30/11/2015. Đây là kỳ họp cuối năm và cũng là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ khóa XIII, có khối lượng công việc lớn, quyết định nhiều nội dung quan trọng gồm: xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước; công tác xây dựng pháp luật (xem xét thông qua 17 dự án luật, Bộ luật và 2 Nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 9 dự án luật); xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác.

Đã có hơn 20 lượt ý kiến của cử tri quận 8 và huyện Bình Chánh gởi gắm tới Đoàn ĐBQH đơn vị số 8 trong buổi tiếp xúc, tập trung vào các vấn đề soạn thảo các dự án Luật, công tác giám sát và thực thi pháp luật; việc bỏ tử hình ở một số tội danh; vấn đề về tai nạn giao thông; phòng, chống tham nhũng; các vấn đề phát triển, đào tạo nghề cho người lao động; Bảo hiểm y tế; An toàn vệ sinh thực phẩm...

Nhiều cử tri tại huyện Bình Chánh và quận 8 cho rằng, vấn đề tai nạn giao thông vẫn rất đáng báo động, nhiều vụ tai nạn xảy ra rất thảm khốc, người dân có cảm giác sợ khi ra đường.

Riêng về vấn đề y tế, nhiều cử tri cho biết, cảm thấy vui vì trong thời gian qua ngành y tế đã rất nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để giảm quá tải bệnh viện. Đặc biệt, là vấn đề ký cam kết thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh ở các bệnh viện. Tuy nhiên, cũng theo một số cử tri, bên cạnh những thay đổi rất tích cực của ngành y tế thì vẫn còn một số cơ sở, bệnh viện còn gây khó khăn cho người bệnh như thời gian chờ lâu, việc lãnh thuốc bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập…

Phát biểu kết luận các buổi tiếp xúc, thay mặt Đoàn đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ghi nhận các ý kiến phát biểu của cử tri và cho biết sẽ làm văn bản báo cáo về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, ban ngành liên quan xem xét, giải quyết. Về vấn đề y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, rất thấu hiểu nỗi khổ của người dân mỗi khi đi khám bệnh. Nên ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt tình trạng quá tải. Đặc biệt là phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ, nhân viên y tế. Theo Bộ trưởng, đây là điều rất quan trọng nên ngành cũng đặc biệt lưu ý. Và trong thời gian qua ngành y tế cũng đã xử lý rất quyết liệt như xư lý hơn 100 trường hợp vi phạm từ việc cho nghỉ việc đến cách chức…Đồng thời thực hiện ký cam kết thay đổi phong cách, thái độ phục vụ bệnh nhân để tiến tới làm hài lòng người bệnh.

Cũng trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 2/10, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao tặng 95.000.000 đồng cho 2 gia đình chính sách để sửa chữa nhà ở gồm gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc (vợ liệt sĩ) và thương binh Trang Cúc Hoa ngụ tại quận 8, TP.HCM. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang