Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Khổ vì cán bộ lơ mơ; Đà Nẵng tiêm vắc-xin Pentaxim trở lại…

Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Khổ vì cán bộ lơ mơ

Đây là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên tại Hội thảo Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và triển khai Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) 2014 ngày 4/1. Theo quy định từ 1/1/2015, chính sách bắt buộc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình có hiệu lực, tuy nhiên sau một năm triển khai, chủ trương này chưa hiệu quả. Với rất nhiều chính sách hỗ trợ khi tham gia BHYT hộ gia đình, song ông Nguyễn Văn Tiên cho rằng, mặc dù đã tiến hành vận động, thậm chí “mời” nhiệt tình nhưng người dân vẫn thờ ơ. Đến khi ốm đau, phải nhập viện mới đi xin, đi “chạy” mua BHYT.

Theo ông Tiên, đây là một chủ trương đúng nhưng khi triển khai ở cơ sở lại có vấn đề, rất lúng túng. “Có người ở Nam Định gọi cho tôi bảo phải chờ tới 3 tháng mới lấy được thẻ BHYT”, nêu thực trạng, rồi ông Tiên đề nghị phải đổi mới cơ chế cấp thẻ, khi người dân bỏ tiền ra thì phải được cấp thẻ, đừng bắt dân phải chờ đợi khổ sở.

Mặc dù đã có chủ trương với rất nhiều chính sách ban hành, song theo ông Tiên, người dân ở nhiều vùng biển đảo vẫn chưa được công nhận, chưa được mua BHYT. Thậm chí có nhiều địa phương rất máy móc, chẳng hạn ở Cát Bà (Hải Phòng), chính sách ban hành từ lâu nhưng người dân vẫn chưa được giải quyết, bây giờ không biết thế nào? Hay nhiều vùng ở bãi ngang cũng gặp tình cảnh tương tự.

“Khi tham dự hội nghị ở Hậu Giang, tôi hỏi về chính sách này, mấy ông bảo không biết. Tôi bảo các ông làm chuyên ngành, trong khi luật đã ban hành như vậy mà lại không nắm được? Làm cán bộ, lãnh đạo như vậy mà còn không biết nữa thì dân khổ đến mức độ nào? Hay ở Thanh Hóa, một số dân vùng bãi ngang, UBND tỉnh cũng không duyệt mua cho người dân. Chúng tôi thường nói, các ông có tiền mà lại không biết tiêu. Hay có tiền nhưng lại chi vào việc khác hết rồi?”, nêu hàng loạt bất cập, ông Tiên đề nghị các ngành phải ủng hộ, đồng thời cấp xã cần có cán bộ chuyên trách về việc này.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thanh minh: Mặc dù đã thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh xuống địa phương cùng nhiều công văn hướng dẫn, nhưng do đây là một chính sách mới nên khi thực hiện không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Ngành bảo hiểm nhiều năm muốn có một cán bộ cấp xã nhưng không được. Quá trình thực hiện ở địa phương cũng còn nhiều rắc rối, vẫn bắt người dân phải phô tô giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy kết hôn…

TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, BHYT hộ gia đình thực chất là hình thức khuyến mại, nhưng điều quan trọng làm thế nào triển khai cho thực sự hiệu quả. Đây là một mô hình mới, nên theo ông Tuấn, ở cấp xã phải có sự hướng dẫn rất cụ thể cho người dân, làm sao để dân phải được nhận thẻ thật nhanh và giảm thiểu chi phí tối đa. Thậm chí ông Tuấn còn đề nghị trưởng thôn, hay cấp xã cũng có thể bán BHYT gia đình luôn được.

Tỏ ra không đồng tình với đề xuất này, ông Bằng cho hay: “Giao cho trưởng thôn bán, nếu ông ấy mang tiền đi…uống rượu thì ai chịu trách nhiệm? Lý thuyết thì hay, nhưng chúng ta phải đi vào thực tế, nếu không sẽ rất khó thực hiện”. Trước đó ít phút, ông Bằng cũng cho biết, đang đề nghị xin biên chế cấp xã để phục vụ cho cả BHYT lẫn BHXH.  (Tiền phong (trang 4).

Đà Nẵng tiêm vắc-xin Pentaxim trở lại

Từ hôm nay (4-1), Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng tiêm trở lại vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim. Đợt tiêm kéo dài đến ngày 8-1.

Trước đó, ngày 31-12-2015, Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức đăng ký số thứ tự trực tiếp với lượng tiếp nhận là 600 liều. Toàn bộ lượng vắc-xin Pentaxim đã được đăng ký hết ngay trong đầu buổi sáng. Dù lượng người tập trung rất đông nhưng việc đăng ký vẫn diễn ra trật tự.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, sau đợt này sẽ còn nhiều đợt tiêm dịch vụ khác nên phụ huynh có con nhỏ không nên quá lo lắng. (Tuổi trẻ (trang 5).

Thành lập Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa

Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa được thành lập trên cơ sở nền tảng Phân viện Pháp y tâm thần Trung ương phía Nam tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ngày 4-1, tại tỉnh Đồng Nai, Bộ Y tế đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa.

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa có chức năng thực hiện công tác giám định pháp y tâm thần theo quy định của luật tố tụng và giám định tư pháp, nghiên cứu khoa học đồng thời thực hiện công tác chỉ đạo tuyến về lĩnh vực pháp y tâm thần cho các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP HCM, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Ngoài ra, viện còn quản lý, điều trị các đối tượng có rối loạn tâm thần phải điều trị bắt buộc; khám và điều trị người bệnh tâm thần có nhu cầu; đào tạo sau đại học về chuyên ngành pháp y tâm thần… Cùng với Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện hệ thống pháp y tâm thần trên toàn quốc. Bộ Y tế phối hợp cùng các tỉnh, thành vừa hoàn thành đề án thành lập 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực, gồm: Trung tâm Pháp y tâm thần miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung, khu vực TP HCM, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ… Cùng với Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, hiện Bộ Y tế đã hoàn thiện hệ thống pháp y tâm thần trên toàn quốc. Bộ Y tế phối hợp cùng các tỉnh, thành vừa hoàn thành đề án thành lập 5 trung tâm pháp y tâm thần khu vực, gồm: Trung tâm Pháp y tâm thần miền núi phía Bắc, khu vực miền Trung, khu vực TP HCM, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…(Lao động (trang 4).

Bắt đầu thông tuyến khám chữa bệnh BHYT: Bệnh nhân hưởng lợi, bệnh viện phải... chạy đua

Bắt đầu từ 1-1-2016, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được quyền khám chữa bệnh BHYT tại bất cứ cơ sở y tế nào từ tuyến huyện trở xuống trong cùng một tỉnh, thành phố mà không cần giấy chuyển viện. Việc thông tuyến khám chữa bệnh như vậy giúp nâng cao quyền được lựa chọn của người bệnh, thay vì bắt buộc phải đến khám chữa bệnh từ nơi đăng ký BHYT ban đầu như trước đây.

Không còn giới hạn nơi khám chữa bệnh

Theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về việc đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016, quyền lợi của người bệnh BHYT được mở rộng hơn. Cụ thể, bắt đầu từ 1-1-2016, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, thành phố.

Điều này có nghĩa người bệnh BHYT có quyền được lựa chọn bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào từ tuyến huyện trở xuống. Chẳng hạn người bệnh ở huyện này có thể sang bệnh viện đa khoa của huyện khác trong cùng địa bàn một tỉnh, thành phố để khám chữa bệnh mà quyền lợi BHYT vẫn được giữ nguyên.

Tương tự, người bệnh đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại tuyến xã cũng có quyền lên thẳng bệnh viện tuyến huyện để khám chữa bệnh mà không cần xin giấy chuyển viện, vẫn được coi là đúng tuyến. Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.

Đặc biệt, trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT…

TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, việc thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT là quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đồng thời là yếu tố thúc đẩy các bệnh viện, các phòng khám cùng hạng trên địa bàn tỉnh tăng cường chất lượng dịch vụ. Lý do bởi các bệnh viện huyện nếu không thay đổi, không nâng cao chất lượng thì bệnh nhân BHYT sẽ sang bệnh viện khác, không còn chịu bất cứ một rào cản nào về thủ tục, quyền lợi BHYT như trước.

Theo bà Lưu Thị Liên, để chuẩn bị cho việc thực hiện theo thông tư này, trong năm 2015, hàng loạt bệnh viện tuyến huyện của thành phố đã “chạy đua” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nỗ lực áp dụng các kỹ thuật mới, triển khai các phương pháp điều trị hiện đại để giữ bệnh nhân, điển hình như Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Phúc Thọ…

Không thay đổi, bệnh viện sẽ mất bệnh nhân

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này chiều 4-1, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện Chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, khi áp dụng thông tuyến kỹ thuật, một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện có chất lượng tốt sẽ đông bệnh nhân, trong khi một số bệnh viện huyện năng lực còn yếu sẽ vắng bệnh nhân.

Lý do vì người bệnh được quyền tự đi khám chữa bệnh và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi được hưởng. Do vậy, nếu các bệnh viện không nỗ lực nâng cao chất lượng thì sẽ không thể giữ được bệnh nhân và như thế sẽ mất nguồn thu.

Ở chiều ngược lại, do mới áp dụng thông tuyến kỹ thuật ở tuyến huyện và áp dụng theo địa bàn (trong cùng một tỉnh, thành phố) nên cũng không quá e ngại việc bệnh nhân đổ dồn quá đông về một số bệnh viện nhất định dẫn đến quá tải. Các bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện huyện khác trong cùng tỉnh cũng không lo ngại bị từ chối khám chữa bệnh vì… bệnh viện nào cũng cần bệnh nhân, cũng muốn giữ bệnh nhân.

Ông Vũ Xuân Bằng cho biết thêm, để bảo vệ quyền lợi của người có thẻ BHYT, những cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế và không đảm bảo được quyền lợi của người bệnh thì cơ quan BHXH có quyền từ chối không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội cho biết, tới đây Sở Y tế và BHXH Hà Nội sẽ công bố chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn. Khi đó có thể xuất hiện tình trạng có nơi làm không hết việc, trong khi nơi khác không có bệnh nhân. “Đây là một cuộc đua lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cuối cùng người bệnh chính là người được thụ hưởng” - ông Nguyễn Đức Hòa nói. (An ninh thủ đô (trang 6).

Không nước nào có 2 hệ thống tiêm chủng như Việt Nam

Theo đại diện Bộ Y tế, không nước nào trên thế giới lại có 2 hệ thống tiêm chủng như Việt Nam: "Chương trình TCMR và chương trình tiêm chủng dịch vụ". Những ngày qua, người dân xôn xao tìm kiếm vaccine Pentaxim 5 trong 1, vì những tưởng đây là loại vaccine không gây phản ứng mà chỉ có vaccine Quinvaxem mới gây phản ứng.

Nhưng sự thực không phải vậy. Cho đến nay, mới chỉ có chừng vài trăm ngàn liều vaccine Pentaxim được tiêm ở Việt Nam, trong tổng số khoảng 5 triệu liều vaccine Quinvaxem đã được tiêm cho trẻ ở Việt Nam.

Về những nghi ngại với vaccine Quinvaxem, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: Thế giới cũng đã chứng minh phản ứng nặng của vaccine Quinvaxem cũng tương đương như các vaccine khác. Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều Pentaxim như Quinvaxem hiện nay, thì chắc chắn cũng có tỉ lệ tai biến. Nhưng nếu không tiêm vaccine phòng bệnh, thì trẻ dễ mắc bệnh và khi mắc một loại bệnh nào thì tỉ lệ tử vong ít nhất cũng tới 100-200 trường hợp/triệu trẻ. Trong khi nếu tiêm phòng, dù là vaccine Pentaxim hay Quinvaxem thì nếu có, tử vong cũng chỉ xảy ra 1-4 trường hợp/triệu liều vaccine, chưa kể nếu có các bệnh trùng lặp kèm theo như tim bẩm sinh, hay hội chứng đột tử của trẻ không rõ nguyên nhân. Trong thực tế, cả khi không tiêm gì thì mỗi ngày Việt Nam cũng có 30-50 trẻ chết do nhiều nguyên nhân.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chuyên gia về vaccine tiêm chủng, khẳng định: Điều khác biệt cơ bản mà mọi người quan tâm đó là sự khác biệt về thành phần ho gà. Vaccine ho gà toàn tế bào (Quivaxem) là vaccine chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vaccine vô bào (Pentaxim) là vaccine tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn. Điều đó giải thích cho lý do tại sao vaccine ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vaccine ho gà vô bào.

rước hiện tượng người dân đang xô nhau cho con đi tiêm vaccine Pentaxim, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về tình hình vaccine tiêm chủng. Các chuyên gia của Bộ Y tế nhấn mạnh rằng vaccine Quinvaxem có tác dụng phòng bệnh tốt hơn vaccine Pentaxim vì sử dụng công nghệ nguyên bào. Mặc dù vaccine Quinvaxem có tỉ lệ gây phản ứng cao hơn, nhưng không có nghĩa là Quinvaxem có tỉ lệ tử vong cao hơn. Hơn nữa, các trường hợp tử vong do tiêm vaccine Quinvaxem thường xảy ra ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, còn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không có tử vong.

Tuy vậy, theo đại diện Bộ Y tế, không nước nào trên thế giới lại có 2 hệ thống tiêm chủng như Việt Nam: Chương trình TCMR và chương trình tiêm chủng dịch vụ. Mà ở các nước, khi xác định số lượng bệnh cần được tiêm vaccine cho toàn dân thì chỉ có một cơ chế là tiêm mở rộng và miễn phí cho người dân. Còn, tiêm chủng dịch vụ ở các nước chỉ dành cho các loại vaccine phòng các bệnh không phổ biến. Ví như hiện nay ở nước ta có 12 loại vaccine phòng bệnh trong chương trình TCMR, ngoài 12 loại đó mới có vaccine dịch vụ.

Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng lộ trình để tới năm 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm mở rộng như các nước. Khi đó người dân sẽ được tiêm miễn phí khi chọn một trong các loại vaccine mà Nhà nước đã chọn cho mỗi loại bệnh.

Trao đổi với báo giới về chủ trương “hợp nhất hóa” để chỉ còn một cơ chế tiêm vaccine phòng bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay: Trong dự thảo về Nghị định tiêm chủng đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, vẫn đề xuất cho tiêm vaccine dịch vụ song song với tiêm miễn phí.

Hiện nay, tiêm chủng miễn phí có 12 loại vaccine trong khi tiêm phòng dịch vụ có hơn 30 loại vaccine. Do đó, những vaccine không có trong TCMR vẫn phải mở dịch vụ cho người dân tiêm, còn sau này các loại vaccine đã có trong TCMR sẽ được quy về một mối.

Hiện ngành y tế vẫn lo đủ vaccine Quinvaxem để tiêm phòng cho trẻ em. Nhưng tại các thành phố lớn, khi người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng ký tiêm dịch vụ, thậm chí ra nước ngoài tiêm phòng cũng hoàn toàn là bình thường. (Công an nhân dân (trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang