BV Nhi Đồng 1: Cách ly 20 nhân viên y tế do tiếp xúc với F1 của ca bệnh COVID-19
Chiều 4/2/2021, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, tại bệnh viện vừa thực hiện cách ly 20 nhân viên y tế do có tiếp xúc với một trường hợp là F1 của ca bệnh COVID-19.
Cụ thể, vào khoảng 5 giờ 30 phút đến 9 giờ ngày 2/2/2021, ông Trần Thanh C. (SN 1989) có đi cùng bệnh nhân CB Lê Thị Hương G. sinh ngày 23/10/2020 đến phòng khám Mắt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Tại cổng vào của bệnh viện, ông Trần Thanh C. thực hiện tờ khai y tế ghi địa chỉ 45 Trần Thiện Chánh, Quận 10, TP.HCM và tự khai không có yếu tố dịch tễ do đó được bộ phận sàng lọc phân loại là đối tượng không có yếu tố nguy cơ, được phân vào phòng khám Mắt.
Tuy nhiên vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 2/2/2021, bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận được thông tin ông Trần Thanh C. là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện đa khoa Gia Lai có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính (F0: Trần Hoàng M.). Ông C. được xác định thuộc diện F1.
Ngay sau đó, bệnh viện đã khẩn trương điều tra và thực hiện cách ly 20 nhân viên có tiếp xúc với ông C. 20 nhân viên y tế này được xác định thuộc diện F2 của ca bệnh COVID-19. Các bác sĩ đã xét nghiệm cho 20 trường hợp trên và tất cả đều cho kết quản âm tính. Đồng thời theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), kết quả xét nghiệm của ông Trần Thanh C. là âm tính.
Hiện nay bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo “ Bệnh viện an toàn” theo các tiêu chí của Bộ Y tế và công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn hoạt động bình thường. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Bộ Y tế kiểm tra đột xuất công tác đáp ứng y tế của các bệnh viện trong dịp Tết
Bộ Y tế vừa có công văn về việc tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị bảo đảm thường trực 4 cấp, gồm: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Các bệnh viện phải có kế hoạch sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, thai sản và chuyên môn khi cần thiết.
Cùng với đó, các đơn vị chủ động đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Các bệnh viện phải bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị và thực hiện thường trực công tác khám, chữa bệnh của một số bệnh viện trước và trong dịp Tết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Quảng Ninh khẩn trương xét nghiệm trên diện rộng để ngăn chặn dịch bệnh
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn diễn ra chiều 4/2. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, cùng lãnh đạo Bộ Y tế đã họp trực tuyến với tỉnh Quảng Ninh.
Nỗ lực truy vết
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết, tính đến 12h00 trưa nay, Quảng Ninh đã truy vết được trên 81.698 trường hợp từ F1-F4 (trong đó, tại Đông Triều đã truy vết trên 49.000 trường hợp từ F1-F4); qua xét nghiệm (trên 36.200 trường hợp) đã xác định được 42 ca dương tính;… trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Quảng Ninh đã và đang tiếp tục truy vết thần tốc, đẩy nhanh tốc độ và mở rộng diện xét nghiệm; huy động sức mạnh tổng hợp để đẩy nhanh tiến độ ngăn chặn dịch…
Mặt khác, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thiết lập 3 bệnh viện để phục vụ cách ly, thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19; đồng thời tổ chức đào tạo khẩn cấp thêm nhân lực phục vụ công tác truy vết, lấy mẫu. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia xuống hỗ trợ cho tỉnh trong công tác đào tạo…
Tuy nhiên, cái khó của tỉnh là dịch xảy ra trên diện rộng; lại liên quan đến các tỉnh bạn nên việc phối hợp trao đổi thông tin phòng chống dịch bệnh cũng có vướng mắc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng gặp khó khăn trong công tác truy vết; bảo đảm sinh phẩm phục vụ xét nghiệm; trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch,… Quảng Ninh đề nghị, Bộ Y tế xem xét hỗ trợ tỉnh về sinh phẩm, máy xét nghiệm, quần áo phòng chống dịch, khẩu trang N95…
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã kiểm soát hoàn toàn ổ dịch ở Vân Đồn.
Tại TP Uông Bí có 1 ca bệnh (là công nhân Công ty Than Vàng Danh); TP Cẩm Phả có 1 ca (xuất phát từ Hải Dương), Quảng Ninh cũng khẳng định kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh trên 2 địa bàn này.
Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hạ Long, các trường hợp liên quan đến BN1553 đã kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ngày hôm kia (2/2), qua việc thực hiện xét nghiệm thí điểm đối với các trường hợp có nguy cơ cao trong cộng đồng, tỉnh đã phát hiện 1 gia đình có 3 người nhiễm COVID-19 (gia đình về Hải Dương ăn giỗ). Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký dù có những phức tạp, nhưng Quảng Ninh đang tăng tốc truy vết các trường hợp liên quan, khẳng định sẽ kiểm soát được ổ dịch này trong 1-2 ngày tới.
Với Đông Triều, hiện 21/21 xã có trường hợp F0, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang kiểm soát để bảo đảm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Dự kiến, trong vòng 2 ngày nữa sẽ lấy toàn bộ số mẫu, kiểm soát toàn bộ tình hình ở Đông Triều.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Quảng Ninh hoàn toàn làm chủ tình hình. Tỉnh không những quyết tâm không để dịch bệnh lây lan mà còn đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và các hoạt động khác.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, địa bàn lại có nguy cơ cao (đường biên giới, cửa khẩu,…), tỉnh Quảng Ninh xin phép Bộ Y tế được triển khai tổ chức xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố Hạ Long và Đông Triều để rà roát, đánh giá rủi ro và có giải pháp ngăn chặn dịch hiệu quả.
Liên quan đến đề xuất mở rộng xét nghiệm trên địa bàn, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Để kiểm soát tốt dịch bệnh, Quảng Ninh cần tiếp tục khẩn cấp truy vết, xét nghiệm để phân loại, sàng lọc, tổ chức cách ly,… Rất mừng là vừa qua tỉnh đã chủ động làm từ rất sớm, hiệu quả,…
Trong tình hình hiện tại, Quảng Ninh cần đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng. Nên tập trung vào đối tượng chính là F1, F2 và các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng (cán bộ y tế, bệnh nhân, lái xe, người dân sống trong khu vực bị phong toả, sống gần các khu công nghiệp đã ghi nhận trường hợp dương tính);…
Cũng về vấn đề này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đồng ý với đề xuất của địa phương là cần phải tiến hành xét nghiệm trên diện rộng để khẩn trương tầm soát, ngăn chặn dịch bệnh. Bên cạnh các trường hợp F1, F2; những người có nguy cơ mắc bệnh cao, tiếp xúc nhiều người như những người bán hàng tạp hóa, buôn bán nhỏ lẻ, bán hàng ăn uống, quán spa, cửa hàng cắt tóc, quán cà phê,… cũng cần phải được xét nghiệm, tầm soát.
Với nhóm nguy cơ cao này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề nghị tỉnh Quảng Ninh triển khai cấp tập, lấy mẫu và xét nghiệm ngay trong ngày để nhanh chóng rà soát, đánh giá tình hình, bắt kịp và kiểm soát dịch bệnh.
Quảng Ninh cam kết sẽ kiểm soát toàn bộ các ổ dịch trên địa bàn
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương tỉnh Quảng Ninh đã triển khai phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, việc Quảng Ninh quyết liệt phòng chống dịch bệnh không chỉ là để người dân được đón Tết an lành, mà còn là biện pháp thiết thực giúp cho bà con nông dân, những người buôn bán nhỏ có cơ hội sản xuất kinh doanh, đảm bảo cuộc sống. “Nếu mất thêm Tết này thì bà con còn khó khăn đến nhường nào!” – Phó Thủ tướng bày tỏ.
Về đề xuất mở rộng xét nghiệm đối với nhóm có nguy cơ cao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Trương Quốc Cường là tỉnh Quảng Ninh cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm thật nhanh các trường hợp tiếp xúc với nhiều người như: Lái xe, bán hàng tạp hoá, quán ăn, quán cafe, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, đồng thời cũng phải lưu ý cả những hộ gia đình cho thuê nhà ở tầng dưới để bán hàng nhưng vẫn sinh hoạt ở các tầng trên.
Phó Thủ tướng lưu ý: Đây không phải xét nghiệm toàn dân mà là tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, tinh thần phải lấy thật nhanh để xác định “bức tranh toàn cảnh”, trên cơ sở đó sẽ có những giải pháp phù hợp tiếp theo bảo vệ sức khỏe của nhân dân. "Tinh thần là công khai, minh bạch vì hiện nay đơn giá xét nghiệm đã được công khai".
Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với phương châm của tỉnh Quảng Ninh là chống dịch phải làm kiên trì, bản lĩnh; khi cần thiết thì phải tiến hành cách ly, phong toả, nhưng phong toả phải ở diện nhỏ nhất có thể vì còn liên quan đến đời sống của người dân.
"Nếu cứ khoanh vùng, cách ly rộng nhất, dài nhất là những quyết định dễ dàng cho người quản lý nhưng rất khổ cho người dân. Thay vì phong tỏa cả huyện thì chúng ta phong tỏa một vài xã, thay vì phong tỏa cả xã thì phong tỏa một vài thôn. Đây là bản lĩnh của người quản lý", Phó Thủ tướng nói.
Cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã kịp thời giải quyết vướng mắc, hỗ trợ địa phương phòng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cam kết tỉnh Quảng Ninh sẽ kiểm soát toàn bộ các ổ dịch trên địa bàn.
Trước đó, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 ngày 3/2, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Bộ Y tế rà soát và sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, sinh phẩm để chi viện cho từng khu vực, cùng với đó cho xét nghiệm cộng đồng rộng ở một số nơi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).
Tập trung dập dịch COVID-19 tại điểm nóng Gia Lai
Bộ Y tế nhận định tình hình dịch nơi đây đang tương đối phức tạp. BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai, Viện Pasteur vừa cử lực lượng lên Gia Lai hỗ trợ tỉnh này.
Chiều 3-2, Bộ Y tế cho biết Việt Nam ghi nhận thêm 20 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, 19 ca cộng đồng: Hải Dương (14), Quảng Ninh (4), Gia Lai (1) và 1 ca nhập cảnh cách ly ngay tại Quảng Nam.
Dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp
Sáng cùng ngày, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.
Về tình hình dịch bệnh tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin: Tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn… Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng, chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, cho biết lực lượng quân đội đã tổ chức hai địa điểm cách ly tập trung tại Gia Lai. Lực lượng quân y trên địa bàn thường xuyên phối hợp với lực lượng y tế địa phương trong phòng, chống dịch; khi cần thiết Cục Quân y sẽ tăng cường chuyên gia vào hỗ trợ truy vết…
Để ứng phó nhanh với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Gia Lai từ ngày 3-2.
Đoàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Gia Lai do ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế, làm trưởng đoàn. Đoàn công tác có nhiệm vụ giúp trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19 tại Gia Lai, huy động nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch. Đoàn có các thành viên là chuyên gia y tế dự phòng, xét nghiệm, quản lý môi trường y tế, khám chữa bệnh, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, truyền thông...
Trước đó, bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu BV Chợ Rẫy, đội phản ứng nhanh Đà Nẵng và Viện Pasteur TP.HCM khẩn trương vào Gia Lai hỗ trợ chống dịch COVID-19.
Tết Tân Sửu sẽ bình an trong điều kiện bình thường mới
Cũng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 sáng 3-2, đại diện nhóm chuyên gia khẳng định tết Tân Sửu sẽ bình an trong bình thường mới với điều kiện ngành y tế và đội ngũ chống dịch cần luôn sẵn sàng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Đón tết của người dân không chỉ là tình cảm, sự yên vui mà tết còn là dịp để nhiều người có thêm những thu nhập bù lại khó khăn trong cả năm qua trong điều kiện bình thường mới. Muốn vậy chúng ta phải thần tốc hơn nữa, rút ngắn thời gian bắt kịp dịch”.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác cách ly và đã cách ly là phải an toàn. Thực tế vừa qua, những ngày đầu trong các khu cách ly rất khổ, vất vả và tiềm ẩn không ít rủi ro. Lực lượng quân đội tiếp tục tăng cường, sẵn sàng cho các địa phương khác trong tổ chức cách ly tập trung.
Đối với những địa phương đang phong tỏa, Phó Thủ tướng lưu ý cần hết sức chú ý mục đích của việc phong tỏa là kiểm soát được người đi ra ngoài nhưng bên trong cũng phải kiểm soát, nếu không rất nguy hiểm.
Nhấn mạnh giải pháp đeo khẩu trang là an toàn, Phó Thủ tướng đề nghị tất cả địa phương phải quyết liệt, xử phạt nghiêm những trường hợp không đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Và một trong những biện pháp sẵn sàng là phải khai báo y tế”. (Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh, ngày 4/2, trang 1).
TPHCM mở rộng giám sát y tế đối với người đến từ tỉnh Gia Lai và Bình Dương
Ngày 4-2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, sau khi thực hiện giám sát y tế đối với người đến TPHCM từ 2 địa phương có dịch Covid-19 là Quảng Ninh và Hải Dương; bắt đầu từ ngày 4-2, TPHCM tiếp tục giám sát đối với người đến từ 2 tỉnh Gia Lai và Bình Dương.
Giám sát đối với người đến từ 2 tỉnh Gia Lai và Bình Dương
Theo đó, TPHCM bắt buộc cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người đến từ thị xã Aupa từ ngày 18-1 và các huyện Krongpa, Phú Thiện, Iapa (tỉnh Gia Lai) từ ngày 31-1. Riêng đối với những trường hợp đến từ các địa phương khác trong tỉnh Gia Lai từ ngày 28-1 phải tự theo dõi sức khỏe, khai báo y tế để được xét nghiệm khi có các triệu chứng bệnh.
Đối với tỉnh Bình Dương, TPHCM cũng bắt buộc cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm đối với những người đến từ xã An Bình, huyện Phú Giáo từ ngày 18-1; những trường hợp đến từ các địa phương khác của tỉnh Bình Dương từ ngày 1-2 phải tự theo dõi sức khỏe, khai báo y tế để được xét nghiệm khi có các triệu chứng bệnh.
Các trường hợp F1 đều có kết quả âm tính
Tối 4-2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong ngày TPHCM không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. 68 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 1.880, trong đó 63 người có kết quả xét nghiệm âm tính, 5 người đang chờ kết quả. Các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 1.160, 1.843 đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Liên quan đến việc truy vết những người liên quan đến bệnh nhân 1.883 (tại Hà Nội), đến tối 4-2, ngành y tế TP đã xác minh được 68 trường hợp có liên quan và đã lấy mẫu xét nghiệm, bao gồm: 31 người tiếp xúc tại thành phố, đã lấy mẫu 31 người, kết quả 29 người âm tính, 2 trường hợp đang chờ kết quả. 25 người tiếp xúc trên chuyến bay VN7245 ngày 29-1, đã có kết quả âm tính. 12 người tiếp xúc trên chuyến bay QH242 ngày 29-1, đã có kết quả âm tính.
162 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 1.660 từ Hải Dương vào TPHCM đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
52 trường hợp liên quan đến bệnh nhân 1.801 và 1.843 tại tỉnh Bình Dương đã xác minh được 50 trường hợp và lấy mẫu, trong đó, 48 người âm tính, 2 người đang chờ kết quả. 49 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 1.843 tại TP đều có kết quả âm tính.
HCDC đã tiếp nhận 811 trường hợp đến từ các vùng có dịch đến khai báo, trong đó, 808 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm, 3 trường hợp đang chờ lấy mẫu.
Kết quả xét nghiệm, 1 trường hợp dương tính (là bệnh nhân 1.660), 776 mẫu âm tính, 31 mẫu đang chờ kết quả. HCDC tiếp tục đề nghị tất cả người từng đến “Khỏe massage” địa chỉ 93/1 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5, vào khung giờ từ 13 giờ đến 15 giờ 40 phút ngày 29-1 cũng như hành khách đi trên 2 chuyến bay (VN 7245 và QH242 ngày 29-1) liên hệ khai báo với cơ quan y tế địa phương.
Riêng các trường hợp sinh sống tại TPHCM, hãy gọi số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Y tế quận huyện nơi cư trú để khai báo, hướng dẫn cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
VNVC nhập 30 triệu liều vaccine Covid-19 về Việt Nam
Ngày 4-1, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho trẻ em và người lớn (VNVC) cho biết, hiện đơn vị đã đàm phán xong với Công ty Dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca (Anh) về việc hợp tác cung ứng vaccine Covid-19, dự kiến trong nửa đầu năm 2021, VNVC sẽ đưa về Việt Nam 30 triệu liều vaccine AstraZeneca.
Vaccine Covid-19 do AstraZeneca kết hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và phát triển, cho khả năng đáp ứng miễn dịch cao, từ 62% - 90% ở các liều dùng khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 100% người được tiêm vaccine đều có đáp ứng miễn dịch với Covid-19 mà không ghi nhận bất cứ vấn đề nào về độ an toàn ở cả hai chế độ liều dùng.
Bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Cung ứng VNVC, cho biết, hiện VNVC đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để có thể tiếp nhận số lớn vaccine và tiến hành tiêm chủng phục vụ hàng triệu người dân. Dự kiến giá vaccine Covid-19 cũng sẽ rất ưu đãi trong thời kỳ đại dịch để nhiều người dân có cơ hội được tiêm chủng phòng bệnh sớm. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Về quê ăn tết, ai phải cách ly?
Theo ghi nhận của Thanh Niên, trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, mỗi tỉnh, thành đều có phương án kiểm soát, ứng phó nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trong bối cảnh người dân bước vào đợt cao điểm đi lại dịp Tết Tân Sửu 2021.
Nhiều nơi áp dụng biện pháp cách ly tập trung
Hải Phòng là địa phương quy định chi tiết các trường hợp phải cách ly tập trung. Cụ thể, tính từ 12 giờ ngày 4.2, những người từ Hải Dương, Quảng Ninh (những nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19) về Hải Phòng ăn tết sẽ phải cách ly tập trung.
Người từ xã Tiến Thắng (H.Mê Linh), các phường Quan Hoa, Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu (Q.Cầu Giấy), Xuân Phương, Mỹ Đình 2 (Q.Nam Từ Liêm), Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), TT.Đông Anh của TP.Hà Nội về Hải Phòng phải cách ly y tế tập trung. Những địa điểm còn lại thuộc H.Mê Linh, Q.Cầu Giấy, Q.Nam Từ Liêm thực hiện cách ly tại nhà khi về tới Hải Phòng.
Người từ xã Lâm Thao (H.Lương Tài, Bắc Ninh), P.Đồng Tiến (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), xã Cẩm Lý (H.Lục Nam, Bắc Giang), P.4 (Q.11, TP.HCM), P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), xã Phú Giáo (H.An Bình, Bình Dương) về Hải Phòng cũng phải đi cách ly tập trung.
Người từ các vùng La Trok, Ia Mrơn, Kim Tân, Chư Rcăm, Cheo Reo (Gia Lai) về Hải Phòng phải cách ly y tế tập trung; từ các huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) về phải cách ly tại nhà.
Thái Nguyên: Người về từ các địa điểm có ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế thông báo thì phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và cách ly 14 ngày tại cơ sở y tế. Người từ các địa phương có dịch nhưng không trong vùng có ổ dịch, ca nhiễm được tự do đi lại bình thường nhưng phải khai báo y tế.
Ninh Bình: Người về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội có ổ dịch, các địa bàn bị phong tỏa đều phải cách ly tập trung. Những người về từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Bất cứ người dân nào từ nơi khác về ăn tết đều phải thực hiện khai báo y tế, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà.
Thanh Hóa: Những người từng sinh sống và tham gia các sự kiện ở các điểm có dịch, khi về sẽ phải cách ly tại nhà và nơi cư trú. Trường hợp F1 phải cách ly tập trung, từ F2 trở đi cách ly tại nhà.
Nghệ An: Người về từ địa phương có dịch nhưng chưa giãn cách xã hội thì được tự theo dõi sức khỏe ở nhà. Người từng có mặt vào thời gian mà F0 đã đến ở các địa điểm do Bộ Y tế thông báo đều phải khai báo cho cơ quan y tế địa phương và được cách ly tập trung hoặc tại nhà theo quy định. Các trường hợp khác đều phải khai báo y tế.
Hà Tĩnh: Buộc cách ly 14 ngày đối với người về từ khu vực có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội; các địa điểm có bệnh nhân nhiễm Covid-19 từng đến và vùng bị phong tỏa như TP.Chí Linh (Hải Dương), sân bay quốc tế Vân Đồn, TT.Cái Rồng (H.Vân Đồn, Quảng Ninh), Trường đại học FPT tại Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) và các địa điểm khác được cập nhật thường xuyên theo thông báo của Bộ Y tế.
Quảng Trị: Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đơn vị đã đăng tải công khai danh sách (trên trang Facebook chính thức của Sở Y tế) các địa điểm, địa phương mà người dân từ đó về Quảng Trị phải bị cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Danh sách này sẽ được tiếp tục cập nhật vì diễn biến dịch thay đổi liên tục...
Khuyến khích người dân hạn chế về quê dịp tết
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, ông Nguyễn Hồng Lai, Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ (Quảng Nam), cho biết TP.Tam Kỳ đã gửi công văn đến Ban Liên lạc Hội đồng hương Tam Kỳ tại các tỉnh, thành trong nước để vận động, khuyến cáo đồng hương hạn chế về quê dịp Tết Nguyên đán để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm dịch. Tuy nhiên, nếu người dân về trong dịp tết thì TP.Tam Kỳ sẽ phân loại, trường hợp trở về từ những vùng dịch (theo hướng dẫn của Bộ Y tế) thì sẽ cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà; trường hợp không thuộc diện cách ly thì khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh hôm qua chỉ đạo đối với các trường hợp từ vùng dịch Hải Dương, Quảng Ninh; các huyện: Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, Phú Thiện, TP.Pleiku và các huyện phát sinh dịch tại Gia Lai, người dân phải đến trạm y tế gần nhất thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn việc thực hiện cách ly tại nhà trong thời gian 21 ngày. Đối với các trường hợp từ các địa phương có dịch còn lại (TP.Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh…), người dân phải đến trạm y tế gần nhất khai báo y tế và lịch trình di chuyển, tiếp xúc để được hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Trước đó, ngày 3.2, UBND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ban hành công văn trong đó có nội dung yêu cầu “các trường hợp trở về địa phương từ các tỉnh, thành đã công bố dịch như: Hải Dương, Gia Lai, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, TP.HCM, Hải Phòng và các trường hợp đi về từ các tỉnh, thành khác có liên quan đến ca bệnh, liên quan đến vùng dịch thì buộc phải cách ly tại nhà 21 ngày”. Văn bản này đã gây xôn xao dư luận, sau đó địa phương đã phải điều chỉnh và có quy định như trên.
Tại Thừa Thiên-Huế, tất cả người dân đến (bao gồm cả người Thừa Thiên-Huế về lại địa phương) phải khai báo y tế theo quy định; các cơ quan, đơn vị và địa phương bắt buộc cài đặt Hue-S và triển khai giải pháp QR nhằm quản lý lịch trình di chuyển, truy vết người nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh.
Trước thông tin những người sinh sống, làm việc ở TP.HCM về quê ăn tết sẽ phải cách ly, lãnh đạo các tỉnh như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khẳng định: Chỉ có người về từ vùng dịch, ổ dịch hoặc tiếp xúc gần ca nhiễm Covid-19 mới cách ly tập trung, hoặc cách ly tại nhà theo phương án phù hợp được áp dụng để phòng chống Covid-19. Với những người từ TP.HCM về, chỉ cần kiểm tra y tế, khai báo rõ ràng tại nơi mình cư trú.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết theo quy định của Chính phủ, những người về từ vùng dịch thì cách ly, còn người về ngoài các nơi đó ra (vùng dịch - PV) phải kiểm tra, khai báo y tế...
Người dân luôn cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K
Trước thực tế nhiều người sống tại Hà Nội, TP.HCM... có nhu cầu về quê ăn tết, nhưng đang băn khoăn về việc phải thực hiện cách ly 21 ngày khi về quê, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho hay việc cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19 hiện bao gồm các hình thức sau: cách ly tại nhà, nơi cư trú theo Quyết định 879; tại cơ sở cách ly y tế tập trung theo Quyết định 878; tại khách sạn theo Quyết định 1246; cách ly y tế tại cơ sở khám chữa bệnh theo quyết định 151. Còn cách ly y tế vùng có dịch theo Quyết định 3986.
Theo ông Phu, hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định, hướng dẫn cụ thể về các hình thức cách ly này. Chẳng hạn, việc cách ly tại nhà, nơi cư trú theo Quyết định 879. Theo đó, các đối tượng cách ly tại nhà, nơi lưu trú là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định (F2, F3); người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 hoặc hướng dẫn của Bộ Y tế theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh.
“Hiện tại, căn cứ vào tình hình dịch nên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chưa cấm việc đi lại giữa các tỉnh, thành, trừ những nơi đã phong tỏa; do đó, cũng chưa cấm việc người dân Hà Nội không ở trong vùng dịch đi các nơi. Điều đó đồng nghĩa, không phải cứ người ở Hà Nội đi về các địa phương là phải cách ly y tế (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) trong 21 ngày. Tương tự, người từ TP.HCM hay một số tỉnh có ghi nhận ca bệnh nhưng không nằm trong vùng dịch thì cũng chưa có yêu cầu phải cách ly khi về quê”, ông Phu nói.
“Người dân khi về quê ăn tết luôn cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K, các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện như: tránh tập trung đông người, không đến chỗ không cần thiết, đeo khẩu trang, khử khuẩn... vì nguy cơ dịch vẫn rất lớn, chứ không chỉ nguy cơ ở các ổ dịch, vùng dịch”, ông Phu nhấn mạnh. (Thanh niên, trang 1).
Hà Nội khuyến cáo hạn chế di chuyển, không tụ tập đông người dịp Tết
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Chỉ thị về thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. “Hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021”, Chỉ thị nêu.
Theo Chỉ thị, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021,
Chỉ thị yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, cần tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.
Chỉ thị cũng nêu: Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức liên hoan tất niên, gặp mặt đầu xuân; thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh.
Thành phố quyết định tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Karaoke, quán bar, vũ trường, Game, Internet cho đến khi có chỉ đạo cho phép tiếp tục hoạt động của thành phố. Các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ khác phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc. Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
Đặc biệt, Chỉ thị nêu: Hạn chế di chuyển, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng: Hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, khai báo y tế, có dung dịch sát khuẩn để sát khuẩn tay; lập danh sách hành khách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ) đối với hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh; sắp xếp, bố trí hành khách ngồi giãn cách trên xe.
Thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại hộ gia đình, chung cư, trường học, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2020 của Bộ Y tế ban hành sổ tay hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị: Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Khử khuẩn phòng họp, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách.
Sở Y tế được giao nhiệm vụ căn cứ vào đặc điểm, tính chất, cơ chế lây bệnh của chủng vi rút trên địa bàn Thành phố, chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực.
Cùng với đó, hướng dẫn, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; lập danh sách trường hợp F3 để phục vụ giám sát phòng chống dịch; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.
Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các Trung tâm y tế phối hợp các Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn thành phố khẩn trương xét nghiệm nhanh nhất theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố. Thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp ho sốt, khó thở khi khám bệnh tại các bệnh viện, các ca nghi ngờ và các trường hợp cần thiết khác để đảm bảo phát hiện sớm ca bệnh phục vụ công tác phòng, chống dịch có hiệu quả.
Chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh. Có phương án bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người có bệnh lý nền; một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 01 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn. Thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn theo quy định của Bộ Y tế.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý; quản lý các cơ sở cách ly tập trung dân sự do Thành phố thành lập. Công an thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, công an xã phường thị trấn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở y tế rà soát trong thời gian nhanh nhất những trường hợp F1, F2, F3 và những người đi về từ vùng có dịch tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh theo phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng không bỏ sót để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực, vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Sở Công Thương rà soát các phương án dự phòng hàng hóa theo phương án phòng chống dịch; tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo cung cấp hàng hóa cho Nhân dân các khu cách ly.
Sở Giao thông vận tải được giao tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại bến xe, bến tàu, phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch khi hoạt động kinh doanh vận tải. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra việc phòng, chống dịch trong trường học; chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến khi cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thành phố.
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tiếp tục phát động phong trào quần chúng, phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại địa phương tuyên truyền tới từng tổ dân phố, khu dân cư, hộ gia đình tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của thành phố. (Tiền phong, trang 1).
Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đang được kiểm soát tốt
Ngày 4-2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đi thị sát chợ hoa Tết Quảng Bá (236 Âu Cơ) và siêu thị Vinmart (51 Xuân Diệu) ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, để kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại chợ hoa Tết Quảng Bá, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thăm hỏi bà con tiểu thương, nhân dân về tình hình kinh doanh, cũng như việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc chấp hành đeo khẩu trang.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, phải quyết tâm không có dịch bùng phát ở Hà Nội, vì nếu có dịch không chỉ bà con tiểu thương sẽ thất thu, ế hàng, mà hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu hộ nông dân trồng hoa, sản xuất nông sản, thực phẩm, đồ dùng phục vụ dịp Tết sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chúng ta phải giữ an toàn bằng được để người dân đón Tết yên vui, không chỉ về mặt tinh thần, theo truyền thống, mà còn có thêm thu nhập cho người lao động".
Theo ghi nhận, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên lượng khách đến chợ hoa Tết Quảng Bá vắng hơn so với những năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, để thu hút khách, nhiều tiểu thương đã nhập nhiều chủng loại hoa tươi mới từ các tỉnh, thành khác về phục vụ người dân mua sắm, trang trí Tết.
Bên cạnh đó, các tiểu thương cũng thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch. Ban quản lý chợ cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng liên quan thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19.
Đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại siêu thị Vinmart, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội hướng dẫn, yêu cầu các siêu thị thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn) và có kiểm tra đột xuất, nơi nào không đạt phải cho dừng hoạt động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam mong muốn mọi người dân ở Hà Nội và trên toàn quốc đều chấp hành nghiêm, đầy đủ các quy định phòng, chống dịch; khẳng định nếu các chợ, trung tâm thương mại, nhà máy, siêu thị đều chấp hành nghiêm thì sẽ kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Tiếp thu sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được kiểm soát tốt. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ các bệnh nhân, cũng như những trường hợp F1 và F2, Hà Nội đang khẩn trương truy vết, khoanh vùng dập dịch kịp thời, bảo đảm cho người dân đón Tết an toàn, đầm ấm. (Hà Nội mới, trang 1).