Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Nhân rộng bác sĩ gia đình; Hà Nội thêm bệnh nhân nhập viện vì não mô cầu…

Nhân rộng bác sĩ gia đình

Sáng 4.3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2016 - 2020. Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; GS Akdag Recep, nguyên Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh đạo các đơn vị y tế. Triển khai từ năm 2013 tại 6 tỉnh thành, đến nay VN đã có 240 phòng khám BSGĐ. Các phòng khám này đã thực hiện 3.812 ca cấp cứu, khám chữa bệnh cho 807.720 lượt, phẫu thuật 12.024 ca, chuyển tuyến 14.440 ca, khám bệnh tại nhà hơn 3.094 ca và hơn 10.000 cuộc tư vấn... Tại TP.HCM, có 20/23 bệnh viện (BV) quận, huyện; 136/139 trạm y tế phường - xã thuộc các quận, huyện thành lập phòng khám BSGĐ và 4 phòng khám BSGĐ tư nhân; tổng số lượt khám bệnh tại các phòng khám BSGĐ là 652.261 ca, xét nghiệm 135.370 ca.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh mô hình phòng khám BSGĐ khi phát triển sẽ góp phần nâng

cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, giúp người dân chăm sóc sức khỏe toàn diện, giảm quá tải tại các BV...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ủng hộ việc triển khai mô hình phòng khám BSGĐ, đặc biệt là tại TP.HCM nơi có mật độ dân số cao. Theo ông, đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và quan trọng hơn là giúp giảm tải cho các BV. Ông nói: “Với chỉ tiêu có 80% tỉnh thành trực thuộc T.Ư triển khai phòng khám BSGĐ vào năm 2020 thì Bộ Y tế nên tập trung vào mục tiêu sẽ có bao nhiêu phần trăm người dân, nhất là ở TP.HCM và Hà Nội đến phòng khám này. Nên cụ thể hóa mục tiêu và đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện thể chế chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, kiện toàn cơ sở vật chất để triển khai”.

Ông Đinh La Thăng đưa ra 4 đề nghị với Bộ Y tế: cần có các giải pháp đồng bộ trước mắt, lâu dài nhằm giảm tải BV, vì hiện tại người dân đang rất bức xúc về vấn đề khám chữa bệnh; nên có các giải pháp cụ thể hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ, đã có thì cần thực hiện quyết liệt hơn; cần cải cách, giảm các thủ tục khám chữa bệnh; nâng cao chất lượng quản lý dược, nhất là việc bán thuốc.

Theo GS Akdag Recep, tại Thổ Nhĩ Kỳ, người dân đến với BSGĐ năm đầu tiên được chỉ định BS, từ năm thứ hai họ được lựa chọn BS - điều này làm cho BS, điều dưỡng phải thay đổi cách phục vụ để giữ bệnh nhân. BS có hợp đồng với ngành y tế chi trả trên đầu bệnh nhân, tạo ra hiệu quả để BSGĐ giữ chân bệnh nhân. Nếu phòng khám BSGĐ đạt các chỉ tiêu (số lượng bệnh nhân...) thì BS sẽ được tăng lương, thưởng. “Đó là cách khuyến khích giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân”, GS Akdag Recep nói và cho rằng triển khai hệ thống BSGĐ cần triển khai từng tỉnh và đảm bảo độ bao phủ toàn dân trong tỉnh. Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công sau khi đổi mới ngành y tế với mô hình BSGĐ (từ năm 2002).  (Thanh niên (trang 8), Tiền phong (trang 2), Nhân dân (trang 1), Tuổi trẻ (trang 2), Lao động (trang 1):

Hà Nội thêm bệnh nhân nhập viện vì não mô cầu

Ngày 4/3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Vượng (24 tuổi, ở xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) bị mắc não mô cầu. Bệnh nhân làm việc tại một công trường xây dựng. Trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân có biểu hiện sốt 38,5 độ, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt. Khám tại Bệnh viện Bạch Mai thì được bác sĩ chẩn đoán viêm màng não và chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cấp cứu. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy cho thấy bệnh nhân bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu nên được điều trị cách ly theo phác đồ điều trị bệnh não mô cầu. Hiện nay bệnh nhân đã tỉnh táo.

Đây là người thứ 2 ở Hà Nội mắc viêm não mô cầu, khiến nhiều người dân lo lắng đi tiêm vắc-xin phòng bệnh này. Nhưng nhiều điểm tiêm vắc-xin dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đã hết hàng từ năm 2015. (Tiền phong (trang 2), An ninh thủ đô (trang 1).

Không nên quá hoang mang, lo lắng

Trao đổi với Báo ANTĐ chiều 4-3 về việc Hà Nội vừa ghi nhận bệnh nhân thứ hai mắc viêm màng não do não mô cầu, TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, hiện cả 2 ca bệnh đầu tiên đều được thành phố khoanh vùng, xử lý dịch theo đúng quy trình. - PV: Chiều 4-3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xác nhận đã có ca não mô cầu thứ hai ở Hà Nội đang điều trị tại viện, ngành y tế Hà Nội đã nhận được thông tin này chưa và có động thái gì để phòng bệnh?

- TS Nguyễn Nhật Cảm: Trong bối cảnh dịch viêm màng não do não mô cầu đang có xu hướng lan rộng và diễn biến phức tạp hiện nay, hàng ngày TTYTDP Hà Nội đều cử cán bộ liên hệ với các bệnh viện trên địa bàn nhằm tăng cường giám sát, phát hiện sớm nhất ca bệnh ở các cơ sở điều trị cũng như cộng đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin về ca bệnh não mô cầu ở huyện Quốc Oai, TTYTDP Hà Nội đã cử 2 đội chống dịch đến địa phương nơi bệnh nhân sinh sống, làm việc để phối hợp với y tế địa phương điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả những người có tiếp xúc gần với người bệnh. Những trường hợp cần thiết sẽ được uống 1 liều kháng sinh dự phòng, cách ly và tự theo dõi bệnh tại nhà, khuyến cáo họ nếu có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe thì đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám.

Mặt khác, tiến hành khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phun hóa chất xung quanh khu vực bệnh nhân sinh sống. TTYTDP Hà Nội cũng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân biết và nâng cao ý thức phòng bệnh.

- Chỉ trong 1 tuần Hà Nội ghi nhận liên tiếp 2 ca não mô cầu, trước đó ở Hải Dương cũng ghi nhận 1 ca mắc và tử vong. Ông đánh giá thế nào về diễn biến của dịch bệnh này hiện nay trên địa bàn Thủ đô?

- Viêm màng não do não mô cầu không phải là bệnh mới, bệnh lạ mà là bệnh đang lưu hành ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện dịch đã xuất hiện rải rác tại một số tỉnh/ thành và đang có xu hướng lan rộng, do đó không thể chủ quan.

Tuy vậy, cũng không vì thế mà chúng ta quá hoang mang, lo lắng. Thực tế tại Hà Nội trong 5 năm trở lại đây, năm nhiều nhất cũng chỉ ghi nhận 6 ca mắc, năm ít nhất chỉ ghi nhận 1 ca mắc, không có ổ dịch bùng phát. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng là phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát.

- Ông có thể nói rõ hơn dấu hiệu nhận biết sớm bệnh dịch này và biện pháp phòng chống hiệu quả?

- Bệnh viêm màng não do não mô cầu có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, từ nhẹ đến nặng. Nếu biểu hiện nhẹ, người bệnh chỉ có triệu chứng như 1 ca viêm họng thông thường. Nặng hơn thì sốt cao, chóng mặt, đau đầu, nôn, buồn nôn, xuất hiện nốt hoại tử trên da. Nặng hơn nữa thì dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong cao.

Để phòng bệnh, người dân cần chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu. Cùng đó, phải thường xuyên vệ sinh mũi họng; hạn chế, không nên tiếp xúc với người bệnh; khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, uống thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời. (An ninh thủ đô (trang 6).

Khan hiếm vaccine viêm não mô cầu tại Hà Nội

 Ngày 4-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, tại các ổ dịch, trung tâm y tế dự phòng các địa phương đã tập trung giải quyết, theo dõi, cách ly tại nhà bệnh nhân và thực hiện các biện pháp cần thiết để dịch không lây lan rộng. Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo: Tiêm chủng và chủ động phòng tránh được coi là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ bản thân khỏi bệnh nguy hiểm này. Các gia đình cần chủ động cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Tuy nhiên, ngày 4-3, theo phản ánh của người dân, điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) và điểm tiêm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Trung tâm tiêm chủng 131 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều thông báo hết vaccine phòng viêm não mô cầu. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, hiện tại vaccine viêm não mô cầu đã hết hàng, dự kiến đến khoảng tháng 4-2016 mới có.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, cả nước có 610 ca nhiễm bệnh. Năm 2011 có số người mắc bệnh cao nhất với 272 ca nhiễm viêm não mô cầu. Từ năm 2012, số ca nhiễm bệnh viêm não do mô cầu cũng như các ca tử vong do bệnh đã giảm dần. Từ đầu năm 2016 đến nay, cả nước đã xuất hiện 6 ca nhiễm viêm não mô cầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong.  (An ninh thủ đô (trang 6), Công an nhân dân (trang 2):

Cứu sống cụ ông 100 tuổi bị nhồi máu cơ tim

Các bác sỹ Bệnh viện Tim Hà Nội vừa cứu sống cụ ông Nguyễn Tân (100 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) mắc bệnh động mạch vành rất nặng. Trước đó, cụ Tân nhập viện trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng như: nhồi máu cơ tim, đau buốt ngực, khó thở. Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị hội chứng động mạch vành cấp, tắc động mạch vành cấp đuôi tim, tắc động mạch trái và phải rất nặng.

Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành thông và đặt stent động mạch vành phải giáp gây nhồi máu cơ tim. Nhờ sự kết hợp đồng bộ liên hoàn, kịp thời từ cấp cứu, chẩn đoán, can thiệp tim mạch, hồi phục sau can thiệp…, bệnh nhân đã được cứu sống và sau 7 ngày điều trị đã hồi phục, xuất viện. Đây là trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhất được can thiệp tim mạch thành công tại Việt Nam. (An ninh thủ đô (trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang