Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/3/2021

  • |
T5g.org.vn - Thêm 6 ca Covid-19 mới, ổ dịch Kim Thành, Hải Dương vẫn rất "nóng"; Thực phẩm gây ngộ độc tập thể ở Bắc Kạn nhiễm khuẩn tụ cầu

 

Thêm 6 ca Covid-19 mới, ổ dịch Kim Thành, Hải Dương vẫn rất "nóng"

 Trong ngày hôm nay, 4-3, tại huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương tiếp tục ghi nhận 6 ca mắc Covid-19 mới. Đáng chú ý, ổ dịch này đang rất nóng khi các bệnh nhân được phát hiện ở 3 xã khác nhau.

18h chiều 4-3, Bộ Y tế thông tin, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 6 ca Covid-19 mới, tất cả đều là ca lây trong cộng đồng ở huyện Kim Thành - tỉnh Hải Dương. Cụ thể:

- 03 ca tại xã Kim Đính, huyện Kim Thành, trong khu vực phong tỏa từ ngày 02/03/2021 (Ca bệnh BN2483-BN2485).

- 02 ca tại xã Đại Đức, huyện Kim Thành, là F1 của BN2480; đã được cách ly tập trung từ ngày 02/03/2021 (Ca bệnh BN2486, BN2488).

- 01 ca tại xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, là F1 của BN2481; đã được cách ly tập trung từ ngày 02/03/2021 (Ca bệnh BN2487).

Hiện cả 06 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3 - Đại học Sao Đỏ cơ sở 2.

* Tiền phong, trang 15: Hải Dương có thể còn các ổ dịch lẩn khuất

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, tình hình dịch tại Hải Dương đã đỡ căng thẳng nhưng sẽ vẫn xuất hiện rải rác các ca bệnh. 

Toàn tỉnh còn 4.690 trường hợp đang thực hiện cách ly. Từ đầu năm đến nay, Hải Dương đã lấy 503.406 mẫu, đã xét nghiệm 503.406 mẫu. Từ góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Việc có những ca mắc rải rác là điều có thể xảy ra do một số bệnh nhân trong cộng đồng đã ủ bệnh bây giờ phát hiện được do tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Đến nay, tình hình dịch của Hải Dương đã kiểm soát được. Dịch ở Chí Linh, Cẩm Giàng là những nơi có nhiều bệnh nhân đã được kiểm soát, không xuất hiện ca mắc mới”.

Số ca mắc của Hải Dương trong những ngày gần đây vẫn nằm trong các ổ dịch đã được khoanh vùng và có xu hướng giảm dần. Ngay trong tỉnh Hải Dương, cũng không còn ghi nhận trường hợp mắc lây từ huyện này sang huyện khác. "Một kết quả nữa góp phần cho đánh giá về thực trạng dịch của Hải Dương là các địa phương khác trong cả nước không còn ghi nhận các ca mắc từ Hải Dương trở về những ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và đặc biệt Hà Nội xét nghiệm gần 50.000 trường hợp đều cho kết quả âm tính", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng theo ông Phu, Hải Dương cần đẩy mạnh việc xét nghiệm các điểm có nguy cơ để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn lẩn khuất,  phát hiện được các trường hợp đầu tiên càng tốt trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay tránh lây lan. Việc khoanh vùng phải hợp lý, khoanh vùng theo điều tra dịch tễ, theo truy vết, có thể khoanh vùng nhỏ nhưng phải chặt, miễn sao kiểm soát hết nguy cơ.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Hải Dương cần đánh giá là dịch còn ở một địa bàn nào đó hay không. Nguy cơ này có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm tầm soát diện rộng có chỉ định chứ không tràn lan, xét nghiệm dựa trên các ca chỉ điểm đặc biệt các trường hợp sốt, ho hoặc thông qua giám sát dịch tễ thông qua tổ giám sát cộng đồng. Hiện Hải Dương có tới 11.000 tổ với khoảng 25.000 người. Đồng thời, tỉnh cần đánh giá các mối liên quan của một địa bàn nào đó với địa bàn có dịch xảy ra vừa rồi; đánh giá thêm các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch của mỗi địa phương trong tỉnh, để biết được chính xác nguy cơ dịch tại địa bàn của từng huyện, xã...

Theo chuyên gia dịch tễ này, dịch COVID-19 tại Hải Dương có 4 đặc điểm vô cùng khác biệt: “Đây là chủng virus mới, tốc độ lây lan nhanh. Virus đánh vào môi trường doanh nghiệp với hơn 2.000 công nhân khiến công việc dập dịch càng khó khăn hơn. Dịch bùng phát vào thời điểm Tết Nguyên đán nên việc kiểm soát gặp nhiều vấn đề hơn. Đặc biệt có đến hơn 80% các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm. Trong khi ở các vụ dịch trước chỉ khoảng 35-40%...”. (An ninh thủ đô, trang 3)

 

Thực phẩm gây ngộ độc tập thể ở Bắc Kạn nhiễm khuẩn tụ cầu

Sáng 4-3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bắc Kạn thông tin, kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm, nước, bệnh phẩm liên quan đến vụ ngộ độc tập thể ở huyện Pác Nặm cho kết quả có vi khuẩn Ecoli, Coliform và S.aureus (tụ cầu). 

Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm đã gửi 11 mẫu phẩm để xét nghiệm, gồm: năm mẫu thực phẩm, một mẫu nước và năm mẫu bệnh phẩm. Đến cuối giờ chiều 3-3 đã có kết quả xét nghiệm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh. Theo đó, 5 mẫu thực phẩm đều có vi khuẩn Ecoli, Coliform và S.aureus (tụ cầu); mẫu nước có Ecoli, coliform; ba mẫu bệnh phẩm (phân trực tràng) dương tính với tụ cầu (S.aureus). Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bắc Kạn, khuẩn tụ cầu trên thức ăn rất dễ sinh độc tố, gây ngộ độc cho người ăn.

Trước đó ngày 27-2, Nhân Dân điện tử đã thông tin, ngày 24-2, gia đình ông Thào Á Sinh, xã Cao Tân, huyện Pác Nặm tổ chức đám cưới cho con gái, số lượng khách mời khoảng 160 người, chủ yếu là người dân cư trú tại thôn và một số anh em, họ hàng ở các thôn lân cận. Gia đình mua ba con lợn và gà, vịt tại chợ Cổ Linh và thuê 15 người chế biến thành các món ăn.

Ngày 26-2, Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm nhận được thông tin từ y tế xã báo cáo, một số người dân ở xã Cao Tân có triệu chứng đau đầu, sốt, đi ngoài nhiều lần sau khi dự tiệc cưới tại thôn Nà Slia. Trung tâm Y tế huyện đã cử tổ công tác xuống điều tra xác minh, nhận định sơ bộ đây là vụ ngộ độc tập thể.

Trong ngày 25-2, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành rà soát kỹ tại cộng đồng và các bệnh nhân đang điều trị tại Trạm Y tế xã cho thấy, đây là các bệnh nhân liên quan đến đám cưới tại nhà ông Thào Á Sinh. Qua rà soát tại thời điểm đó, có tổng số ca mắc là 79 ca. Trong đó, khám, điều trị tại Trạm Y tế xã Cao Tân là 74 ca, số khám tại Trạm Y tế xã Nghiên Loan rồi chuyển đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Bể là 3 ca, số vào điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm là 2 ca.

Trong đó, có 16 ca phải truyền dịch cấp cứu, các ca còn lại hầu hết có diễn biến nhẹ nên được khám, kê đơn thuốc, tư vấn dinh dưỡng, điều trị tại nhà. Đa số ca mắc có độ tuổi từ 15 đến 50, ca mắc nhỏ tuổi nhất là 34 tháng. Đến thời điểm ngày 2-3, qua rà soát tổng số ca mắc trong vụ ngộ độc là 82 người, không có trường hợp tử vong.

Đến ngày 3-3, hai bệnh nhân nặng điều trị tại Trung tâm Y tế huyện đã hồi phục, được làm thủ tục xuất viện. Trung tâm Y tế huyện tiếp tục giám sát, theo dõi tình hình, báo cáo hằng ngày hoặc đột xuất khi có diễn biến bất thường. (Nhân dân, trang 5)

 

Yêu cầu thực hiện nghiêm khai báo y tế điện tử trước chuyến bay

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam vừa cho biết, triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải ngày 2/3 nhằm thực hiện Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương để chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với các mức nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn; bảo đảm không được chủ quan, không “ngăn sông cấm chợ”, hạn chế mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Lãnh đạo Bộ Y tế cùng gần 300 cán bộ hiến máu tình nguyện

Vừa lo chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng gần 300 cán bộ của cơ quan Bộ Y tế đã tham gia chương trình hiến máu tình nguyện, hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng 2021.

Ngày 4/3/2021, Công đoàn cơ quan Bộ Y tế, Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ Y tế phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức “Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2021” cơ quan Bộ Y tế. Năm nay, hoạt động hiến máu tình nguyện được diễn ra tại 2 địa điểm: trụ sở cơ quan Bộ Y tế và tại toà nhà Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình.

Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam và Tháng Thanh niên 2021. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành việc làm thường xuyên của của cơ quan Bộ Y tế cũng như ngành y tế trong nhiều năm qua.

8h sáng ngày hội hiến máu tình nguyện mới bắt đầu, tuy nhiên chưa đến giờ hẹn, đã có rất nhiều cán bộ của cơ quan Bộ Y tế đã tranh thủ đến đăng ký tham gia hiến máu. PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cùng gần 300 cán bộ, người lao động thuộc cơ quan Bộ Y tế đã tham gia hiến máu.

Bộ Y tế kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu

Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội hiến máu tình nguyện của cơ quan Bộ Y tế năm 2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trong toàn ngành đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, góp phần tích cực trong việc chủ động nguồn máu sạch kịp thời phục vụ trong cấp cứu và điều trị bệnh cho nhân dân.

 Theo Thứ trưởng, không chỉ dừng lại trong ngành y, từ năm 2000, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện”, phong trào hiến máu tình nguyện đã được các Bộ, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương trong cả nước quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm máu, nâng cao nhận thức của người dân trong việc hiến máu nhân đạo, đề cao và phát huy nghĩa cử nhân ái, truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam. 

“Cơ quan Bộ là cơ quan đầu ngành y tế chỉ đạo quản lý của cả nước, thì việc tham gia hưởng ứng của các cán bộ, công chức, đoàn thanh niên Cơ quan Bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tinh thần đi đầu trong các hoạt động đưa chính sách vào cuộc sống, noi gương cho các đơn vị khác thực hiện”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ.

Như chúng ta đã biết ngày nay mặc dù khoa học đã có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng vẫn chưa nghiên cứu được chế phẩm nào để thay máu mà chỉ có chính cơ thể con người của chúng ta mới tạo ra được sản phẩm quí giá đó. Hiện nay, lượng máu chúng ta thu được chưa đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, vì vậy trong thực tế có nhiều trường hợp đau lòng, đáng tiếc xảy ra do thiếu máu dự trữ.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian quan, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương đã khiến lượng máu hiên tình nguyện giảm nghiêm trọng. Do đó rất cần những nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người của tất cả chúng ta.

“Bộ Y tế kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu; đồng thời mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch và tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân viên, người dân tham gia hiến máu”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Nỗ lực đảm bảo máu điều trị cho người bệnh

Phát biểu tại buổi lễ hiến máu của cơ quan Bộ Y tế, TS Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương bày tỏ lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế đã quan tâm đến công tác hiến máu, tham gia hiến máu.

Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cũng gửi lời cảm ơn đến toàn thể các cán bộ, người lao động cơ quan Bộ Y tế đã nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần có thêm nguồn máu quý giá phục vụ điều trị.

Cũng theo Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông, sự chung sức của nhiều cơ quan, đơn vị và những thay đổi về cách thức tổ chức hiến máu trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, Viện đã tiếp nhận 14.000 đơn vị máu trong 2 tuần từ ngày 17/2-1/3/2021, trong đó chuỗi các điểm hiến máu hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng 2021 đã tiếp nhận trên 1.200 đơn vị.

Riêng đối với các đơn vị trong ngành y tế trên địa bàn Hà Nội, hưởng ứng lời kêu gọi hiến máu của Công đoàn ngành y tế Việt Nam, trước và sau Tết đã có hơn 20 đơn vị tổ chức hiến máu, thu về hơn 4.000 đơn vị máu.

Nhờ đó, trong cả tháng 2/2021, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 19.802 đơn vị máu và cung cấp 40.000 đơn vị chế phẩm máu (trong đó có 20.700 đơn vị khối hồng cầu) tới 132 cơ sở y tế tại 23 tỉnh, thành phố; có cả những địa phương rất xa như: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái hay “tâm dịch” Hải Dương… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin COVIVAC

Theo đại diện Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin “made in” Việt Nam thứ 2- COVIVAC sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên từ sáng mai- ngày 5/3.

Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin COVIVAC ( là vắc xin do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế), Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện thử nghiệm trên 150 tình nguyện viên khoẻ mạnh, từ 18-59 tuổi, cư trú tại Hà Nội.

Để đăng ký tham gia thử nghiệm, tình nguyện viên có thể đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Hoặc gọi điện thoại: 0243.852.3798 – 3188; qua Email: duoclylamsang@gmail.com hoặc qua trang web: http://duoclylamsang.vn

Sau khi khám sàng lọc đủ điều kiện, mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 28 ngày. 150 người sẽ được chia thành 5 nhóm, trong đó 1 nhóm giả dược. Sau tiêm, ở lại theo dõi 24 giờ.

Mục tiêu giai đoạn 1 là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc xin để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu nhất, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trao quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống cho đồng chí Trần Tuấn Linh

Chiều ngày 4/3, tại Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập báo Sức khoẻ và Đời sống đối với đồng chí Trần Tuấn Linh.

Tham dự buổi lễ công bố Quyết định về việc điều động, bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống có GS.TS Nguyễn Thanh Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ; ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, Khen thưởng; ông Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế; ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số; ông Nguyễn Công Sinh- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, lãnh đạo các Cục, Vụ, Đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Tổng cục Dân số và toàn thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Sức khoẻ và Đời sống, Báo Gia đình và Xã hội.

Trước đó tại, Quyết định số 1199/QĐ-BYT ký ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định điều động, bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống đối với đồng chí Trần Tuấn Linh- Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội- Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá và Gia đình. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Phát biểu tại buổi lễ trao quyết định bổ nhiệm cho đồng chí Tổng Biên tập báo Sức khoẻ và Đời sống Trần Tuấn Linh, thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng đồng chí Trần Tuấn Linh đã được tập thể Báo Sức khoẻ và Đời sống tín nhiệm; Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế tín nhiệm, điều động, bổ nhiệm nhiệm vụ Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc mừng Báo Sức khoẻ và Đời sống có đồng chí tân Tổng Biên tập trẻ, năng động, nhiều kinh nghiệm trong nghề báo.

Chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, có thể nói rằng với lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, công tác thông tin truyền thông, truyền tải chính sách của ngành hay những vấn đề người dân quan tâm, vai trò của báo chí nói chung, các tờ báo của ngành y tế rất quan trọng.

Riêng đối với công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng cho rằng thời gian qua, báo chí nói chung, đặc biệt các tờ báo của ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Tôi đánh giá cao nỗ lực đó của hai cơ quan báo cũng như một số đồng chí phóng viên ở hai cơ quan đã không ngại khó khăn, gian khổ đi vào tâm dịch nhằm kịp thời chuyển tải thông điệp, thông tin về dịch bệnh đến cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao hai cơ quan báo chí thời gian qua đã chủ động, thông tin kịp thời, lan toả các thông điệp tích cực của ngành y tế tới cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ, tới đây hai cơ quan báo chí của ngành y tế sẽ là một cơ quan ngôn luận duy nhất của ngành y tế để thể hiện chính kiến của Bộ Y tế, cũng như các chính sách, chủ trương, đường lối của Bộ trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh: vai trò và trách nhiệm của đồng chí Tổng Biên tập rất quan trọng, làm thế nào để huy động được các phóng viên, biên tập viên, rồi lực lượng cộng tác viên để dồn sức trên mặt trận truyền thông, làm cho ngành ngày càng phát triển tốt đẹp.

Nhiệm vụ tiếp theo là phải phát huy tinh thần đoàn kết trong lãnh đạo, trong tập thể để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ khó khăn của hoạt động báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi gắm mong muốn đồng chí Tổng Biên tập làm sao lo được đời sống cán bộ ổn thoả; về tư tưởng; bố trí cán bộ, phóng viên, biên tập viên hợp lý, giữ vững lề lối làm việc, tinh thần đoàn kết, đặc biệt là khi sáp nhập… để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của hai cơ quan báo chí.

Một lần nữa chúc mừng hai cơ quan báo chí, chúc mừng đồng chí Tân Tổng Biên tập, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chúc đồng chí Tân Tổng Biên tập tiếp tục lãnh đạo tờ báo phát triển cao hơn nữa, thành công hơn nữa.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Tổng Biên tập báo Sức khoẻ và Đời sống Trần Tuấn Linh gửi lời biết ơn và kính trọng tới Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các đồng chí trong Ban cán sự Đảng, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế đã tin tưởng và giao cho đồng chí giữ trọng trách là Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống.

Đồng chí Tổng Biên tập Trần Tuấn Linh cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Ban thường vụ Đảng ủy, Vụ Tổ chức Cán bộ, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình, các Vụ/Cục, đơn vị thuộc Bộ và tập thể Báo Sức khỏe và Đời sống, Báo Gia đình và Xã hội đã quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ, ủng hộ cá nhân đồng chí trong suốt thời gian qua.

Tổng Biên tập Trần Tuấn Linh cũng bày tỏ lời hứa sẽ phát huy tất cả nhiệt huyết và trí lực, vai trò của người đứng đầu cùng tập thể Báo Sức khỏe và Đời sống không ngừng nỗ lực, giữ gìn đoàn kết, thống nhất cùng tập thể Báo có những bước phát triển mới, để không phụ lòng tin tưởng của đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí trong Ban cán sự Đảng, các đồng chí lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Sức khỏe và Đời sống.

Tổng Biên tập Báo Sức khoẻ và Đời sống cũng mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, giúp đỡ và tin tưởng của đồng chí Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng, các đơn vị của Bộ Y tế, ngành Y tế để Báo có thể hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ và trọng trách mới mà lãnh đạo Bộ đã giao. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang