Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội động thổ Trung tâm y tế kỹ thuật cao đẳng cấp quốc tế đầu tiên; Tiêm Pentaxim "chợ đen" 2 triệu đồng/liều: Không đảm bảo an toàn; Khen tập thể y, bác sĩ cứu người bị trúng hơn 20 viên đạn súng hơi....

Hà Nội động thổ Trung tâm y tế kỹ thuật cao đẳng cấp quốc tế đầu tiên

Sáng 4-5, Sở Y tế Hà Nội và Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị TP Hà Nội đã tổ chức lễ động thổ xây dựng dự án Trung tâm kỹ thuật cao thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Dự lễ động thổ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Trưởng Ban Chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương Nguyễn Quốc Triệu; đoàn các Giáo sư Y khoa Pháp và đại diện các sở, ngành TP.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, từ ý tưởng ban đầu giúp đỡ Hà Nội xây dựng một cơ sở y tế ngang tầm quốc tế, sau 1 năm, việc động thổ Trung tâm kỹ thuật cao chính là hành động cụ thể hoá bản ghi nhớ hợp tác giữa GS.TS Joel Leroy - chuyên khoa hàng đầu thế giới về phẫu thuật nội soi tiêu hoá... với Sở Y tế Hà Nội.

Dự án Trung tâm kỹ thuật cao được xây dựng đạt tiêu chuẩn châu Âu nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh kỹ thuật cao. Đây còn là trung tâm đào tạo mổ nội soi cho các bác sỹ của Hà Nội, Việt Nam và quốc tế. Trung tâm cũng là nơi tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến về nội soi, phẫu thuật nội soi tiêu hoá giúp người dân có thể điều trị ngay trong nước mà không phải ra nước ngoài.

Cụ thể, dự án sẽ cải tạo toà nhà A2 Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn với các hạng mục cải tạo tầng hầm, 4 tầng nổi, xây dựng thêm tầng 5 với tổng cộng 10 phòng khám bệnh; 10 phòng điều trị nội dung, 4 phòng nội soi chẩn đoán; 3 phòng mổ có khu phẫu thuật đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, có thể kết nối với các trung tâm y tế lớn trên thế giới. Trung tâm sẽ được trang bị hệ thống trang biết bị hiện đại như chụp cắt lớp cộng hưởng từ, nội soi tiêu hoá, hệ thống chẩn đoán sớm về bệnh lý tiêu hoá và đặc biệt là hệ thống tầm soát ung thư tiêu hoá như: ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư dạ dày... vốn là các bệnh phổ biến tại Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn xã hội hoá. Dự kiến, Trung tâm kỹ thuật cao sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12-2016 với bộ máy được đào tạo bài bản từ khâu tiếp đón, thái độ ứng xử đến việc chẩn đoán điều trị với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới...

Tại lễ động thổ, GS.TS Joel Leroy xúc động chia sẻ: “Chỉ trong vòng 1 năm, dự án đã được triển khai, điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP. Một dự án quan trọng như trung tâm này được hiện thực hoá trong thời gian ngắn là điều mà ở ngay các nước phát triển cũng không phải dễ dàng”.

Trong quá trình làm việc, giảng dạy tại Việt Nam, GS.TS Joel Leroy tin tưởng rằng, các bác sỹ, đồng nghiệp Việt Nam tại Trung tâm kỹ thuật cao sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình để Hà Nội được nhắc đến như một địa chỉ có nền y học phát triển, hiện đại, phục vụ nhân dân tốt nhất.

Phát động lễ động thổ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, ý tưởng xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao này xuất phát từ gợi ý của GS.TS Joel Leroy, đồng Giám đốc Trung tâm IRCAD, Strasbourg – Cộng hòa Pháp, người tiên phong mở đường trong lĩnh vực phẫu thuật ít xâm lấn, người đã đào tạo cho thế giới trong đó có cả Việt Nam hàng nghìn phẫu thuật viên nổi tiếng…

Được sự đồng ý của Thường trực Thành uỷ, UBND TP đã giao các sở ngành khẩn trương chuẩn bị từ phần thiết kế đến huy động các nguồn lực để dự án được triển khai sớm nhất.

Gửi lời cảm ơn sâu sắc tình cảm đặc biệt của GS Leroy và các đồng nghiệp Pháp đối với dự án quan trọng này, Chủ tịch UBND TP khẳng định, Trung tâm kỹ thuật cao sẽ là cơ sở y tế đầu tiên của Thủ đô đạt tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện được các kỹ thuật cao tương đương các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt trong điều trị ung thư tiêu hóa. Đặc biệt, với kỹ thuật tầm soát ung thư sớm, việc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân Thủ đô và cả nước chắc chắn sẽ tốt hơn.

Để Trung tâm kỹ thuật cao nhanh chóng hoàn thiện với chất lượng đảm bảo, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở ban ngành thành phố cùng giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn; chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà tài trợ, các nhà thầu thi công thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết trong hợp đồng, đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của trung tâm. (*An ninh Thủ đô (trang 1))

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 1: “Người Hà Nội sẽ không phải ra nước ngoài trị bệnh”; Báo Thanh niên trang 13: “Hà Nội có trung tâm y tế tiêu chuẩn Châu Âu”; Báo Công an Nhân dân trang 2: “Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao đạt tiêu chuẩn Châu Âu”; Báo Nhân dân trang 5: “Xây dựng Trung tâm kỹ thuật cao tại Bệnh viện Xanh Pôn”; Báo Sài Gòn Giải phóng trang 2: “Hà Nội xây dựng trung tâm y tế kỹ thuật cao”.

Tiêm Pentaxim "chợ đen" 2 triệu đồng/liều: Không đảm bảo an toàn

Do việc đăng ký vaccine dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim khó thành công, tình trạng mua bán vaccine Pentaxim theo hình thức “chợ đen” tất yếu phát sinh. Phản ánh đến Báo An ninh Thủ đô, một số bạn đọc cho biết, họ vẫn mua được liều vaccine Pentaxim do một số cá nhân rao bán chui theo kiểu truyền miệng.

Đến tiêm tại nhà, giá 2,3 triệu đồng/ liều

Phản ánh tới chúng tôi, chị Nguyễn Thị P. (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con gái chị hơn 6 tháng tuổi, đã được tiêm 2 mũi vaccine 5 trong 1 Quinvaxem nhưng mỗi lần đi tiêm về cháu bé hay quấy, sốt. Thương con nên khi đến lịch tiêm mũi thứ ba, chị quyết tâm “săn” vaccine Pentaxim cho bé. Theo dõi sát các thông tin về vaccine Pentaxim trên mạng, mỗi lần thấy điểm tiêm chủng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (131 Lò Đúc) hay Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) tổ chức đăng ký tiêm Pentaxim là vợ chồng chị P. lại hy vọng. Thế nhưng, đã qua 3 lần tổ chức đăng ký tiêm Pentaxim, 2 vợ chồng chị vẫn không đăng ký được dù đã huy động thêm cả người thân, bạn bè cùng đăng ký giúp.

Không còn hy vọng vào việc đăng ký qua mạng, vợ chồng chị P. bàn nhau tìm nguồn cung cấp khác. Qua bạn bè, chị được cho số điện thoại của một người có nguồn cung cấp vaccine Pentaxim theo hình thức tiêm tại nhà. “Khi nghe tôi đề cập nguyện vọng, người phụ nữ nghe máy hỏi han tình hình, hẹn ngày tiêm và thông báo giá là 2.300.000 đồng/liều Pentaxim, nếu nhà ở quận Đống Đa thì lấy thêm chi phi đi lại là 100.000 đồng còn ở xa hơn thì khoản này là 200.000 đồng. Đúng ngày tiêm như đã hẹn, người phụ nữ khoảng 50 tuổi đi xe máy đến nhà tôi, ăn mặc quần áo bình thường chứ không mặc áo y bác sĩ, sau xe chở chiếc tủ đông nhỏ bảo quản vaccine. Chị ta khám qua và hỏi han sức khỏe của bé nhà tôi, cho tôi xem kỹ vỏ lọ vaccine Pentaxim rồi tiêm cho bé. Sau khi tiêm, chị ta dặn dò khá chu đáo rồi nhận thanh toán bằng tiền mặt” - chị P. kể lại.

Cũng theo lời chị P., lúc đầu vợ chồng chị khá lo lắng, băn khoăn khi mua vaccine theo hình thức “chợ đen” như vậy nhưng vì thấy một số bạn bè cũng đã cho con tiêm trước đó an toàn nên chị mới mạnh dạn làm theo. “Thấy người đến tiêm có vẻ có chuyên môn, còn cho mình xem kỹ lọ vaccine trước khi tiêm và con mình sau tiêm mạnh khỏe nên giờ cũng thấy yên tâm. Nghĩ lại thấy mình cũng còn may” - chị P. tâm sự.

Đừng “giao trứng cho ác”

Trên thực tế, từ cuối năm 2014 đến nay, trong bối cảnh vaccine dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 khan hiếm, tình trạng buôn bán vaccine trôi nổi hay rao bán vaccine Pentaxim trên mạng đã diễn ra phức tạp. Mới đây, cơ quan CSĐT - CAQ Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã bắt giữ một đối tượng để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do rao quảng cáo bán suất tiêm chủng vaccine Pentaxim trên internet và thu hàng chục triệu đồng tiền đặt cọc của những người cả tin… Vậy nhưng, khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu, vẫn có những người dân cả tin, đặt cược cả sức khỏe và tính mạng con em mình vào con đường mua bán vaccine “chui”.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac) cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, việc tiêm chủng nói chung hay tiêm vaccine Pentaxim nói riêng bắt buộc phải được thực hiện tại các cơ sở tiêm chủng bởi những cán bộ tiêm chủng đủ điều kiện hành nghề nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nguồn vaccine cũng phải được bảo quản theo quy trình, quy định rất nghiêm ngặt. Do vậy, việc mua vaccine dịch vụ trôi nổi trên mạng, chấp nhận cho con em mình tiêm vaccine tại nhà hay tại nơi không phải cơ sở tiêm chủng được cấp phép là vô cùng nguy hiểm.

“Với vaccine Pentaxim, mỗi khi được cung cấp, chúng tôi đều tổ chức cho người dân đăng ký công khai trực tiếp qua mạng, việc tổ chức đăng ký và quản lý nguồn vaccine này được thực hiện rất chặt chẽ, không thể có chuyện vaccine được tuồn ra ngoài. Tôi không hiểu những người rao bán vaccine “chui” lấy nguồn từ đâu. Nhưng nếu họ thật sự có vaccine thì cũng không một ai dám đảm bảo chất lượng” - TS. Nguyễn Đăng Hiền khuyến cáo.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần khuyến cáo người dân không nên tự mua, tự tiêm

vaccine “xách tay” vì chẳng khác nào “giao trứng cho ác”, đồng thời khẳng định: Bộ Y tế tuyệt đối cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường. (*An ninh Thủ đô (trang 1))

Lạm dụng phấn rôm tăng nguy cơ ung thư cho bé gái

Trước thông tin hãng Johnson & Johnson thua kiện vụ phấn rôm gây ung thư, không ít người tiêu dùng đã lập tức quay lưng với sản phẩm này.

Chỉ người tiêu dùng chịu thiệt

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 3-5 vừa qua, Công ty Johnson&Johnson (J&J) đã bị bồi thẩm đoàn ở bang Missouri, Mỹ yêu cầu bồi thường 55 triệu USD cho bà Gloria Ristesund - người sử dụng sản phẩm phấn rôm của công ty này trong nhiều năm và bị ung thư buồng trứng. Song, theo một phát ngôn viên của J&J, phán quyết này mâu thuẫn với các nghiên cứu trong 30 năm qua về tính an toàn của các sản phẩm của hãng nên J&J sẽ kháng cáo.

Dù vậy, vụ kiện cũng đã khiến nhiều phụ huynh có sử dụng phấn rôm cho con mình lo ngại. Chị Đào Vân Khánh ở khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, con gái chị đã hơn 3 tuổi và cũng chừng ấy thời gian cháu tiếp xúc với phấn rôm nhãn hiệu Johnson. Do phấn rôm có ưu điểm giúp cho da bé luôn khô thoáng, hơn nữa đây lại là sản phẩm mang thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường nên mỗi khi tắm cho con xong, chị Khánh đều bôi phấn rôm vào các vùng da dễ bị hăm của bé như cổ, nách, bẹn.

Song từ khi đọc được thông tin hãng J&J có nguy cơ phải bồi thường hàng triệu đô la Mỹ cho người sử dụng phấn rôm của hãng bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, chị Khánh đứng ngồi không yên. Trước thông tin trên, phóng viên ANTĐ đã tiến hành khảo sát tại một số cửa hàng, siêu thị bán đồ dùng trẻ em trên địa bàn Hà Nội. Tại hầu hết các địa điểm này, phấn rôm, sữa tắm, dầu gội mang nhãn hiệu J&J với nhiều kích cỡ khác nhau được bày bán khá phổ biến.

Trong vai khách hàng, khi chúng tôi tỏ vẻ lo ngại về chất lượng phấn rôm cho trẻ hiện nay, bà V.T.H - chủ một cửa hàng trên phố Lãn Ông, quận Hoàn Kiếm trấn an: “Hàng triệu người dùng mới có vài người mắc bệnh, hơn nữa, nguyên nhân cũng chưa chắc chắn có phải do phấn rôm không. Mặt khác, loại phấn rôm bị kiện của J&J được sản xuất ở Mỹ, còn phấn rôm J&J ở đây được sản xuất ở Thái Lan nên tuyệt đối an toàn”(?!)

Nguy cơ nhiễm bệnh đường hô hấp

Được biết, một trong những thành phần có trong phấn rôm là bột Talc,  khoáng chất có trong tự nhiên chứa các thành phần như silic, magie, hydro và oxy. Chất bột này thường được sử dụng trong công nghiệp sản xuất mỹ phẩm, giấy, gạch men, lốp cao su… Trong phấn rôm, bột Talc có tính năng hút ẩm, khử mùi. Theo cơ quan y tế của Mỹ, trong bột Talc còn có chất amiăng có khả năng gây ung thư nếu người dùng hít phải một lượng lớn.

Về những lưu ý khi sử dụng phấn rôm cho trẻ, bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E cho rằng, do phấn rôm có ưu điểm làm khô thoáng bề mặt da, chống hăm và hạn chế rôm sảy nên được nhiều bà mẹ tin dùng, nhưng nếu không thận trọng, sản phẩm này có thể gây hại cho trẻ.

Thực tế đã có không ít bệnh nhi phải nhập viện trong tình trạng khó thở mà nguyên nhân  do hít phải bột phấn rôm. Điều đáng lo ngại là, trong phấn rôm ngoài bột Talc còn có muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Khi trẻ hít phải với một lượng nhất định có thể gây viêm, sưng phổi kèm theo các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, nôn, khó thở, tím tái, thậm chí gây nghẽn đường thở.

Đối với các bé gái, việc sử dụng phấn rôm thường xuyên, liên tục từ vùng bụng dưới trở xuống trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Nguyên nhân là bụi phấn, chất ô nhiễm siêu nhỏ từ môi trường có thể xâm nhập vào hố chậu thông qua bộ phận sinh dục của trẻ vào ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

Vì vậy, trong khi chờ các cơ quan chuyên môn đưa ra kết luận cuối cùng về việc phấn rôm có gây hại cho sức khỏe của trẻ, làm tăng nguy cơ gây ung thư buồng trứng hay không, để bảo vệ sức khỏe của con em mình, các bậc cha mẹ nên thận trọng trong việc sử dụng phấn rôm cho trẻ, không nên bôi phấn rôm vào vùng kín của bé gái.

Đối với những trẻ bị rôm sảy nhiều, đặc biệt là trong thời tiết nóng nực, phụ huynh nên cho bé mặc đồ thoáng, tắm nước sạch với các loại lá, quả có tính mát như chè tươi, nước chanh pha chút muối, nước lá kinh giới, mướp đắng, cho bé mặc quần áo rộng, thấm hút mồ hôi, ăn các thực phẩm mát, không nên lạm dụng những sản phẩm chứa chất hóa học, đặc biệt là những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, được bày bán trôi nổi trên thị trường để bôi, xoa lên cơ thể trẻ... (*An ninh Thủ đô (trang 12))

Nắng nóng, nhiều trẻ nhập viện vì tiêu chảy

Những ngày nắng nóng này, khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) và bệnh viện Nhi T.Ư luôn có bệnh nhân tiêu chảy đến khám và điều trị. Đây là bệnh thường gặp trong mùa hè do khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập cơ thể.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, các kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy trên người như ngộ độc thực phẩm, vi khuẩn E.coli, khuẩn salmonela, khuẩn tụ cầu… Tại Bệnh viện Nhi T.Ư hiện không có dịch tiêu chảy nhưng hàng ngày đều có một số bệnh nhi đến khám và điều trị bệnh này. Khoa Tiêu hóa chưa diễn ra cảnh nằm ghép bệnh nhân.

Bệnh tiêu chảy do E.coli gây ra thuộc loại tiêu chảy cấp, nếu không phát hiện sớm và có hướng xử lý kịp thời thì bệnh ngày một trầm trọng hơn. Bệnh lây lan theo đường ăn uống do nước, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Tiêu chảy mùa hè có thể tấn công hầu hết mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ do sức đề kháng còn yếu. Khi vi khuẩn E.coli vào cơ thể gây tiêu chảy xâm nhập với hội chứng lỵ đau quặn, mót rặn và phân lỏng máu mũi.

Thời gian ủ bệnh từ 24 – 72 giờ, có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Đặc biệt, vi khuẩn tả có thể được coi là hung thủ đáng sợ gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh phải lo ngại vì loại vi khuẩn này có độc lực rất mạnh. Khi bé bị tiêu chảy do vi khuẩn tả sẽ bị mất nhiều nước và điện giải trong thời gian ngắn, diễn tiến của bệnh rầm rộ và phức tạp, trẻ rất dễ bị tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm, mùa nóng thường gặp nhất là tiêu chảy do vi khuẩn Salmonella. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn khi ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn này và bị chúng xâm nhập vào niêm mạc ruột gây bệnh.

Thời gian ủ bệnh trung bình từ 12 – 36 giờ sau khi ăn. Khởi phát bệnh đột ngột sốt, đau bụng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn, tiêu chảy nhiều lần…Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch.

Tự ý dùng thuốc, hậu quả khó lường

Các bác sĩ khuyến cáo, tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy đa phần do nhiễm trùng ở đường ruột, tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc. Bệnh này có rất nhiều nguyên nhân, chỉ khi nào tiêu chảy nhiễm vi trùng thì mới cần dùng kháng sinh. Nếu dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì có thể làm rối loạn thêm đường ruột, hậu quả là tiêu chảy khó lành.

Để phòng bệnh tiêu chảy trong mùa hè, phải đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, không nên ăn rau sống, những thực phẩm chưa nấu chín như tiết canh, thịt tái, gỏi cá, nem chua, nem chạo, thức ăn ôi thiu, nước lã, cần rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để hạn chế vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

Những trẻ đi du lịch là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh, vì vậy phải đặc biệt chú ý giữ gìn vệ sinh, nếu có những dấu hiệu của bệnh cần phải bù nước hay đến cơ sở y tế, không được tự ý dùng các thuốc chống tiêu chảy vì sẽ càng khó khăn cho công tác điều trị nếu phải nhập viện.

Tiêu chảy khiến ruột bị tổn thương, nếu không cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ làm thời gian hồi phục lâu hơn. Do đó, khi bị tiêu chảy nên lựa chọn thức ăn tươi (đặc biệt là thịt gà, cà rốt, chuối tiêu, sữa chua... có nhiều kẽm, kali và vi khuẩn sống trong sữa chua). Khi chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trường hợp trẻ nôn trớ nhiều thì nên chia nhỏ bữa ăn. Cho trẻ uống oresol từng thìa một, từ 1 -2 phút/thìa để trẻ hấp thu tốt nhất. Đối với các trường hợp trẻ nhỏ mất nước vừa và nhẹ, ngoài việc cho uống dung dịch oresol đến khi tiêu chảy ngừng hẳn, người mẹ cần tiếp tục cho trẻ bú và ăn bình thường. Trong trường hợp mất nước nặng, phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời và truyền dịch. (*Tiền phong (trang 6))

Y tế Đắk Lắk, về đâu? - Bài cuối: Chấn động ngành y: Muốn khởi tố phải chờ… Bộ Y tế

Nguồn tiền đầu tư cho y tế 5 tỉnh Tây Nguyên theo thống kê của Bộ Y tế là những con số khổng lồ. Sai phạm về đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk cho thấy dấu hiệu thất thoát từ nguồn tiền thiếu sự giám sát chặt chẽ này do cố ý làm trái là rất lớn.

Càng sai, càng lên!

Tháng 9/2015, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã gửi bản Kết luận thanh tra (KLTT) số 38 tới các đơn vị liên quan. Theo đó, trong 45 ngày kể từ đầu tháng 4/2015, đoàn cán bộ Thanh tra tỉnh đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế  (TTBYT) tại 33/48 đơn vị trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk.

Dù chưa “đụng” tới 2 bệnh viện lớn nhất là BV Đa khoa tỉnh  Đắk Lắk, và BV Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, chưa thống kê hết số lượng TTBYT hư hỏng, bỏ kho tại các Trung tâm y tế, các BV tuyến huyện thị, nhưng đoàn cũng đã phát hiện được rất nhiều sai phạm trong các cuộc đấu thầu, mua sắm TTBYT không đồng bộ, hồ sơ hàng hóa bị tẩy xóa, nhiều hợp đồng và TTBYT giao nhận không đúng nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng được, nhất là số TTBYT mua bằng nguồn vốn vay ADB. Tuy nhiên, sau KLTT số 38, các cá nhân lẽ ra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vụ mua sắm gian dối này nhưng đến nay họ vẫn thản nhiên, vô sự!

Tại Đại hội Đảng bộ Sở Y tế Đắk Lắk tháng 4/2015, ông Doãn Hữu Long tái đắc cử Bí thư đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Hữu Thông - trưởng phòng Tài chính kế toán kiêm Kế toán trưởng Sở Y tế được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Sở Y tế. Tháng 10/2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đưa ông Doãn Hữu Long vào danh sách Tỉnh ủy viên.

Cuối tháng 10/2015, Tiền Phong đăng loạt bài phản ánh thực trạng đáng báo động về chất lượng TTBYT tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, rất cần được điều tra, xử lý.

Dù việc thanh tra, điều tra các dấu hiệu sai phạm tại Sở Y tế chưa xong, ông Doãn Hữu Long - GĐ kiêm Bí thư Đảng bộ Sở Y tế vẫn ngang nhiên ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh, thông suốt qua 2 vòng hiệp thương. Báo Tiền Phong đã chứng minh trường hợp ứng cử này là trái quy định theo Hướng dẫn số 38 của Ban Tổ chức Trung ương, sau đó ông Long mới làm đơn xin rút.

Tân Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã khẳng định với phóng viên Tiền Phong: Sẽ xử lý nghiêm, không bao che những vấn đề báo Tiền Phong đã nêu về dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu thuốc và mua sắm TTBYT. Tuy nhiên thực tế những gì đang diễn ra ở ngành y tế  Đắk Lắk đã cho thấy riêng ý chí của Chủ tịch UBND tỉnh chưa đủ để chống tham nhũng!

Dân khổ vì tham nhũng y tế

Hậu quả tiêu cực, tham nhũng trong y tế không chỉ gây thiệt hại lớn cho ngân sách, túi tiền người bệnh, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc sức khỏe hơn 1,8 triệu dân của tỉnh.

Điển hình, là việc quỹ bảo hiểm y tế Đắk Lắk mỗi năm kết dư hàng trăm tỷ chuyển trả về trung ương, trong khi hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn của tỉnh phải lang thang tới nhiều tỉnh khác để xin ké máy chạy thận nhân tạo, chứ không được áp dụng kỹ thuật thẩm phân phúc mạc mà BV Chợ Rẫy đã lên Đắk Lắk chuyển giao để bệnh nhân được quay về sống với gia đình! Ngày nào, bệnh nhân Đắk Lắk cũng lũ lượt đón xe đò, lên máy bay chuyển tuyến, vượt tuyến xuống các BV lớn ở TP HCM để điều trị, tái khám, vì các BV ở Đắk Lắk thiếu thuốc, TTBYT không đáng tin cậy, chẩn đoán kết quả sai lệch, hiệu quả điều trị kém.

Nếu đọc kỹ hồ sơ vụ án tiêu cực, tham nhũng khiến 9 cán bộ Sở Y tế Gia Lai bị truy tố để điều tra, xét xử, ai cũng có thể thấy sai phạm trong đấu thầu thuốc 2008-2010 của Sở Y tế Gia Lai còn... chưa là gì so với sai phạm của Sở Y tế Đắk Lắk trong đợt đấu thầu thuốc năm 2014!

Cuộc đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014 đã có các quy định, hướng dẫn rõ ràng của Bộ Y tế qua các thông tư liên tịch số 01, 36, 37, vậy mà Hội đồng đấu thầu này vẫn cố tình xét trúng thầu sai nhóm thuốc rất nhiều mặt hàng, không chỉ gây thiệt hại ngân sách hàng chục tỷ đồng, gây thiệt hại lớn bởi các nhà thầu bị loại oan bởi các kiểu “lệ làng” trái quy định của Sở Y tế Đắk Lắk, mà còn khiến tất cả các cơ sở y tế công lập trong toàn tỉnh rơi vào tình trạng thường xuyên thiếu thuốc, tháng nào cũng phải xin mua thuốc bổ sung cấp bách theo lối “chữa cháy”.

Tháng 1/2016 Sở Y tế Đắk Lắk thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp, cho trúng thầu mặt hàng Cefepimark 1g của nhà sản xuất Marksans Pharma dù mặt hàng đã hết giấy phép lưu hành ngày 07/01/2015, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại VN từ ngày 08/8/2014 vì vi phạm chất lượng thuốc. Thực tế đã xảy ra trường hợp bệnh nhi 16 tháng tuổi bị chết do sốc thuốc Cefepimark 1g vào ngày 18/2/2016 tại BV ĐK tỉnh Đắk Lắk.  Hiện tất cả các mặt hàng của công ty này đã bị thu hồi và cấm lưu hành tại VN.

Dấu hiệu bao che?

Từ vài năm trước, cơ quan điều tra công an tỉnh Đắk Lắk từng vào cuộc điều tra các dấu hiệu sai phạm, tham nhũng về đấu thầu thuốc và mua sắm TTBYT xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk. Năm 2015 Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đã phối hợp với các ngành liên quan làm rõ vụ cố ý làm trái trong việc Sở Y tế năm 2010 dám chi sai nguồn tới hơn 2,8 tỷ đồng mua 111 chiếc máy vi tính để bàn với mức giá khó tin là hơn 23 triệu đồng/chiếc, cao gấp 3 lần các loại máy tính để bàn loại tốt khác cùng thời điểm đó, mà bên bán là một công ty... xây dựng, để trang bị cho BV Đa khoa Tây Nguyên tới nay vẫn chưa xây xong.

Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đã vài lần trả lời phỏng vấn rằng các dấu hiệu sai phạm, làm trái tại Sở Y tế Đắk Lắk đã rõ cơ sở để khởi tố, chỉ còn chờ củng cố thêm chứng cứ, hồ sơ. Thanh tra tỉnh thì cứ đề nghị cho “rút kinh nghiệm”, bất chấp các quy định của luật pháp! Lối kỹ trị nương nhẹ, dấu hiệu bao che cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng này đã làm xói mòn niềm tin không chỉ với báo chí, người dân, mà còn làm rã rời ý thức phục vụ của cán bộ nhân viên toàn ngành y tế. (*Tiền phong (trang 6))

Cứu sống bệnh nhân bị xương cá đâm thủng ruột

Trong lúc phẫu thuật ca viêm phúc mạc, các bác sĩ đã bất ngờ phát hiện một xương cá dài khoảng 3cm đâm xuyên ruột bệnh nhân.

Chiều 4.5, bác sĩ chuyên khoa 2 La Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ cho biết, vừa cấp cứu và điều trị thành công cho một ca bị xương cá đâm rất hy hữu.

Bệnh nhân là ông Trần Hoàng Phú, 71 tuổi ngụ xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, nhập viện ngày 27.4 trong tình trạng đau bụng dữ dội. Tình trạng đau của bệnh nhân khởi phát trước đó một ngày ở vùng hố chậu phải và càng lúc càng đau nhiều hơn.

Qua khám lâm sàng, siêu âm, xét nghiệm, các bác sĩ chấn đoán bệnh nhân nhiều khả năng bị viêm phúc mạc, nghi do viêm ruột thừa vỡ và chỉ định mổ cấp cứu. Quá trình nội soi, các bác sĩ đã lấy ra từ ổ bụng bệnh nhân một lượng lớn dịch tiêu hoá và mủ.

Đặc biệt sau khi hút sạch dịch, phẫu thuật viên đã bất ngờ phát hiện một cọng xương cá dài khoảng 3cm xuyên thấu đại tràng (ruột già) bệnh nhân, lòi vào trong ổ bụng khoảng 2cm.

Chiếc xương cá này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phúc mạc cho bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành gắp chiếc xương cá ra khỏi ruột, xử lý vết thương tổn, rửa sạch ổ bụng cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ La Văn Phú, đây là ca bệnh rất hy hữu bởi không hiểu sao cọng xương như trên có thể vượt qua thực quản, dạ dày, tá tràng (dài khoảng 6m) trước khi xuống đến đại tràng rồi xuyên thủng lòi ra ổ bụng. “Điều may mắn là quá trình phẫu thuật chúng tôi tìm thấy cọng xương này. Tuy nó chỉ tương đương cây kim may quần áo nhưng nếu không được lấy ra kịp thời có thể khiến bệnh nhân tử vong bởi viêm phúc mạc do nhiễm trùng, nhiễm độc”.

Hiện tại sức khoẻ bệnh nhân Hoàng đã ổn định, có thể xuất viện ngay trong ngày mai (5.5). Ông Hoàng cho biết, ông không nhớ đã nuốt cọng xương cá trên khi nào vì ông không hề có cảm giác hóc xương. (*Thanh niên (trang 5))

Khen tập thể y, bác sĩ cứu người bị trúng hơn 20 viên đạn súng hơi

Bệnh nhân C được đưa đến BV Đa khoa Tuyên Quang trong tình trạng sốc đa chấn thương, chảy máu nhiều, khó thở, nguy kịch bởi có đến 20 viên đạn súng hơi găm vào ngực. Nhờ sự nỗ lực cấp cứu không ngừng nghỉ, trải qua hơn 5 giờ phẫu thuật các bác sĩ đã cứu sống người bệnh.

Bệnh nhân C được đưa đến BV Đa khoa Tuyên Quang trong tình trạng sốc đa chấn thương, chảy máu nhiều, khó thở, nguy kịch bởi có đến 20 viên đạn súng hơi găm vào ngực. Nhờ sự nỗ lực cấp cứu không ngừng nghỉ, trải qua hơn 5 giờ phẫu thuật các bác sĩ đã cứu sống người bệnh.

Trước đó, tối 26/4, bệnh nhân Đặng Quang C (37 tuổi, trú tại xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa) được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng sốc đa chấn thương, mất máu, khó thở. Ngay sau khi cấp cứu, đánh giá tình trạng người bệnh bằng kết quả khám lâm sàng, chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm... các bác sĩ phát hiện có khoảng 20 viên đạn nằm rải rác trong cơ thể người bệnh. Vết thương do đạn găm đã khiến bệnh nhân bị tràn dịch, tràn khí màng phổi phải, mất máu nặng đe dọa đến tính mạng. Các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay trong đêm.

Trong đêm, kíp trực của khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện ca mổ cấp cứu bệnh nhân. Sau 5 tiếng thực hiện ca mổ (kéo dài đến 2h sáng ngày 27/4/2016), các bác sỹ đã gắp được hơn 20 viên đạn ra khỏi cơ thể bệnh nhân, khâu lại những vết thương tim, ruột, dẫn lưu màng phổi phải, truyền máu - truyền dịch kịp thời. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Trước ca cấp cứu khẩn trương, đầy khó khăn để cứu được bệnh nhân, ngày 4/5 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ sự khen ngợi và biểu dương tới tập thể y, bác sỹ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Bộ trưởng bày tỏ sự khen ngợi các bác sĩ đã vượt qua khó khăn, khẩn trương triển khai các biện pháp tích cực để cứu sống bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

“Kết quả thành công của ca mổ không chỉ là nỗ lực, cố gắng của tập thể y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang mà còn khẳng định được hiệu quả của Đề án 1816 trong việc đưa các bác sỹ tuyến trên về chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới và Đề án bệnh viện vệ tinh của ngành Y tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh. (*Nhân dân (trang 5))

Phẫu thuật lấy khối u thận gần 1kg

Ngày 4-5, các bác sĩ Ngoại tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM) đã phẫu thuật thành công lấy trọn khối u thận phải cho bệnh nhân N.V.B. (65 tuổi) ngụ tại tỉnh Bình Dương.

Bệnh nhân N.V.B. đến khám tại bệnh viện trong tình trạng mệt mỏi. Qua kết quả CT 160 lát vùng bụng, ngực kết hợp cùng siêu âm Doppler động mạch thận, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị bướu thận phải, tổn thương xâm lấn một phần gan và tuyến thượng thận phải, di căn phổi, màng phổi, có chồi bướu ở tĩnh mạch chủ dưới và có tràn dịch màng phổi phải.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt thận phải, lấy trọn khối bướu và chồi bướu, khâu lại tĩnh mạch chủ. Khối bướu có kích thước khoảng 18x12cm và nặng 950g, trong bướu có nhiều nốt vôi. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 4 đơn vị máu. (* Sài Gòn Giải phóng (trang 7))

Cảnh cáo một bác sĩ gợi ý người nhà bệnh nhân mua thuốc

Một nguồn tin chiều 3-5 cho hay ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định, đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với BS Nguyễn Thiện Hưng, hiện công tác tại khoa Hồi sức cấp cứu BV Đa khoa tỉnh Bình Định.

Cụ thể, trong quá trình khám, điều trị một bệnh nhân tại khoa Hồi sức cấp cứu, BS Hưng gợi ý người nhà bệnh nhân này mua thêm một loại thuốc bên ngoài để điều trị. Tiếp đó, BS Hưng kê toa rồi trực tiếp bán thuốc, thu tiền. Sau khi biết được loại thuốc do BS Hưng bán có trong danh mục thuốc được bệnh viện cấp, bảo hiểm y tế thanh toán thì người nhà bệnh nhân tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng. Trong quá trình xác minh sự việc, cán bộ BV Đa khoa tỉnh Bình Định đã bắt quả tang BS Hưng nhận tiền bán thuốc cho người nhà bệnh nhân. (* Pháp luật TP.HCM (trang 2))

Thông tuyến khám chữa bệnh: Đủ chiêu trò "cám dỗ" bệnh nhân

Lượt khám chữa bệnh ở bệnh viện (BV) tư tăng đột biến từ 30 -500%, nhiều chiêu trò hút bệnh nhân đã được tung ra. Còn các BV công, nơi ế ẩm, nơi quá tải. Đây là những vấn đề mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa chỉ ra, sau 4 tháng thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh.

Lượt khám bệnh tăng đột biến

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tại “tam giác” giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai đã xuất hiện các chuyến xe “mồi” bệnh nhân. Cụ thể, một số BV, phòng khám tư đã tổ chức các chuyến xe liên tỉnh chất lượng cao để hút khách. Mới đầu, các chuyến xe này trương biển “du lịch khám bệnh”, sau đó sợ lộ liễu lại bỏ đi.

Tuy nhiên, khi các hành khách lên xe, nếu rút thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ra sẽ được miễn phí vé xe. Sau đó, bằng các hình thức chèo kéo, nhân viên nhà xe sẽ rủ rê người dân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh (KCB) miễn phí. Tại các BV tư đó, họ sẽ không phải đồng chi trả BHYT mà sẽ được miễn luôn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được tặng quà lưu niệm, được mời uống nước chanh, nước cam mát lạnh từ tay các cô y tá xinh đẹp, duyên dáng dù chỉ đến “tham quan” BV. Và sẽ không ít người dân đã không cưỡng được “cám dỗ” này, sẵn sàng rút thẻ BHYT để KCB dù vẫn khoẻ mạnh. Và khi đã khám đương nhiên không chỉ ra 1-2 bệnh.

Ngoài ra, đã có ít nhất 7 BV tư nhân khu vực miền Trung đã xin “xuống hạng” từ hạng 2 xuống hạng 3 mà câu chuyện đằng sau nó có thể là để được quyền thu hút bệnh nhân thông tuyến.

Đây chỉ là một trong nhiều chiêu trò mà các BV tư đã thực hiện trong thời gian qua để hút bệnh nhân từ các địa bàn khác. Nguyên nhân là từ 1.1.2016, theo quy định, người dân dù đăng ký KCB ban đầu ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa tư nhân hay BV huyện thì dù đi khám ở bất cứ cơ sở nào tương đương trên địa bàn tỉnh, đều được thanh toán BHYT như đi khám đúng tuyến. Ngoài ra, người dân đăng ký KCB ban đầu ở tuyến tỉnh, T.Ư thì được “thông tuyến” với các BV huyện trên toàn quốc. Quyền lợi “ngược” này để tạo điều kiện cho người dân khi đi công tác, đi thăm gia đình cần khám bệnh gấp. Đồng thời, viện phí tăng, dịch vụ kỹ thuật được áp dụng đồng giá đối với các BV trên toàn quốc nên khi đi khám BV T.Ư hay huyện, người dân vẫn được hưởng dịch vụ và các loại thuốc tương đương.

Cánh cửa BHYT đã mở khá rộng, nên có tình trạng lượt khám chữa bệnh tăng đột biến ở một số BV, đặc biệt là BV và phòng khám tư. Theo BHXH Việt Nam, so sánh với lượt KCB giữa tháng 1-2 năm 2015 và tháng 1-2 năm 2016, số lượt khám ở các BV, phòng khám tư tăng từ 30 đến trên 500%. Cụ thể như Hà Nội tăng 34%, An Giang tăng hơn 100%. Cá biệt, một BV chuyên khoa mắt ở Nghệ An tăng 500%, phòng khám Quang Trung (tỉnh Quảng Trị) tăng 339%... Còn số lượt KCB ở tuyến xã giảm chung 3,9% với nguyên nhân chính là “bỏ xã lên huyện”. Một số tỉnh giảm mạnh KCB tuyến xã như Quảng Nam 27%, Sóc Trăng 37%... Còn KCB tuyến huyện tăng 2,2%, tuy nhiên, ở một số BV huyện  có hiện tượng giảm lượt khám như Quảng Nam giảm chung 20-30%, tại Bắc Ninh có bệnh viện giảm 66% so với cùng kỳ năm 2015…

“BV tư tăng là hợp logic thôi. Đó là vì họ phục vụ tốt hơn, dù cơ sở nhỏ nhưng họ bố trí khoa học, sạch sẽ, đón tiếp bệnh nhân niềm nở, viện phí tăng nên người bệnh chỉ phải trả tiền chênh lệch so với giá BHYT quy định rất thấp. Họ không chỉ KCB ân cần, niềm nở mà còn chăm sóc, tư vấn sau khi bệnh nhân đã KCB xong rất tốt. Còn tại không ít BV công, nhân viên y tế nhìn cau có, nói cộc lốc, nói ngắn gọn đến mức bệnh nhân không biết vừa được trả lời cái gì, hỏi lại thì không dám hỏi. Đó là những điều không mới nhưng BV công vẫn đang cần phải học hỏi BV tư” – ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhận định.

 “Rào giậu” cho kín

Theo ông Sơn, việc tăng giảm đột biến lượt KCB trong 2 tháng đầu năm với nguyên nhân chính là thông tuyến cũng chỉ ra nhiều nghi vấn cần làm rõ, nhiều rắc rối phải khắc phục.

Cụ thể, trong xu thế trạm y tế xã có số lượt khám giảm thì tại Cần Thơ lại tăng 36%, Hậu Giang tăng 44%... “Chúng tôi đã đặt nghi vấn liệu có lạm dụng quỹ BHYT hay không và đang yêu cầu BHXH Cần Thơ và Hậu Giang phải làm rõ. Vì đã từng có địa phương bà con đi chợ buổi sáng tiện đường vào trạm y tế khám bệnh, lấy thuốc dù chẳng có bệnh, đều đặn như vắt chanh 1 tuần vài lần. Giờ thông tuyến có thể tranh thủ sang cả xã bên cạnh, không ai kiểm soát được. Nếu tình trạng này lan toả ra cả nước thì không chỉ bó hẹp trong vài chục nghìn mà là tiền tỷ” – ông Sơn phân tích.

Đối với các chiêu trò hút bệnh nhân của BV tư, ông Sơn cho biết không có quy định nào cấm BV tư tặng hoa, mời nước hoặc miễn đồng chi trả cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định, để tránh trường hợp lạm dụng quỹ đối với bệnh nhân chẳng có bệnh vẫn khám bệnh, BHXH Việt Nam đã yêu cầu 3 tỉnh có chuyến xe “du lịch chữa bệnh” nói trên rà soát lại các BV tư. Nếu phát hiện các các trường hợp vượt tuyến KCB không hợp lý (đi sang tỉnh khác chữa các bệnh mà BV nơi mình đăng ký KCB ban đầu cũng chữa được mà không phải do cấp cứu, do thăm người thân, đi công tác hoặc KCB nhiều lần trong thời gian ngắn không phải do chỉ định của bác sĩ), BHXH sẽ không thanh toán chi phí KCB cho các trường hợp này.

Còn đối với BV tư xin xuống hạng, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Sở Y tế, BHXH tỉnh rà soát hợp đồng thanh toán BHYT với BV đó, xem BV xin xuống hạng thực sự do chất lượng không đủ tiêu chuẩn hay do “làm trò” để hút bệnh nhân. Nếu phát hiện khuất tất, BHXH tỉnh có thể chấm dứt hợp đồng với họ.

“Chuyện lạ” nữa là so với 2 tháng đầu năm 2015, chi phí KCB ở BV T.Ư tháng 1- 2 lại tăng tới 13%, trong đó chuyển đúng tuyến là 3,5% nhưng trái tuyến tới 5,4%. Nguyên nhân cơ bản là do thông tuyến nên việc chuyển tuyến từ các cơ sở không phải nơi đăng khí KCB ban đầu lên tuyến tỉnh, tuyến T.Ư dễ dàng hơn.

Theo ông Sơn, việc BV T.Ư tăng lượt KCB 13% sẽ lãng phí khổng lồ. Vì khi BV T.Ư, BV đặc biệt lại khám và điều trị bệnh thông thường (cảm cúm, viêm họng…) sẽ lãng phí nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế, thời gian của bệnh nhân, gây quá tải BV… với nhiều hiệu ứng xấu tiếp theo. Nhưng tìm được giải pháp ngăn chặn là rất khó. “BHXH Việt Nam đã đề xuất giải pháp yêu cầu bác sĩ phải có trách nhiệm với các trường hợp chuyển tuyến để chuyển tuyến hợp lý. Tuy nhiên, rất khó tranh luận với bác sĩ về việc chuyển hay không chuyển, vì trong 1.000 trường hợp không chuyển tuyến điều trị an toàn, bỗng dưng có 1 ca vì không chuyển tuyến mà xảy ra tai biến thì ai chịu trách nhiệm?” – ông Sơn nhấn mạnh. (* Nông thôn Ngày nay (trang 2))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang