Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Viện phí của người chưa có thẻ BHYT không đồng loạt tăng; Cần và nên tham gia bảo hiểm y tế; Bộ Y tế yêu cầu làm rõ thông tin gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn; 600.000 người chết do phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động mỗi năm; ...

 

Cần và nên tham gia bảo hiểm y tế

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế (Thông tư 02), từ ngày 1-6 tới đây, các cơ sở y tế công lập sẽ áp dụng giá viện phí mới của hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với những người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này đã có độ “trễ” rất nhiều, bởi sau một năm giá dịch vụ y tế dành cho gần 20% dân số chưa có thẻ BHYT mới bắt kịp giá của những người có thẻ BHYT. Hiện nay, người chưa tham gia BHYT khi đi KCB vẫn chi trả mức giá thấp hơn những người có thẻ BHYT, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ BHYT chỉ mới kết cấu ba yếu tố chi phí trực tiếp. Chưa kể, giá các dịch vụ y tế này vẫn đang được quy định tại các quy định có mức giá khá “lạc hậu” so với thời giá hiện nay.

Việc áp dụng Thông tư 02 nhằm bảo đảm sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí KCB, bởi về nguyên tắc hai nhóm đối tượng này phải chi trả giá dịch vụ như nhau, chỉ khác nguồn trả, người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả, còn người không có thẻ BHYT thì phải tự chi trả. Đáng chú ý, với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí ba yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế sẽ có mức tăng hai, ba lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Như vậy khoản tiền mà người không có BHYT khi đi KCB phải chi trả sẽ là khá lớn, nhất là những người bệnh cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao. Đây là động lực để những người chưa có thẻ BHYT khẩn trương tham gia BHYT.

Đáng chú ý, Luật BHYT sửa đổi quy định việc tham gia BHYT là bắt buộc, nhưng hiện nay vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, bao gồm rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình, mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ từ 30 đến 70% mức đóng. Vì vậy, việc thực hiện Thông tư 02 không chỉ khuyến khích mọi người tham gia BHYT, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt Thông tư 02 không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

Để hạn chế những tác động tiêu cực, Bộ Y tế cho biết việc thực hiện giá viện phí mới sẽ triển khai thành nhiều đợt từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, mức giá của các dịch vụ y tế tại Thông tư 02 là mức giá tối đa, nhưng không phải tất cả bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này. Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh, thành phố trình Hội đồng nhân dân cấp tương đương quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng hai trở xuống. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cần có lộ trình phù hợp bảo đảm mức tác động hợp lý đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thực tế cho thấy, việc tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, từ việc có nhiều lựa chọn cơ sở KCB đến giảm bớt những thủ tục hành chính, những phiền hà khi đi KCB… Đặc biệt, tham gia BHYT là giải pháp ưu việt về tài chính trong chăm sóc sức khỏe, nhất là đối với những người có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm, hoặc mắc các bệnh có chi phí điều trị tốn kém như: ung thư, chạy thận nhân tạo, đái tháo đường… Đồng thời tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng KCB của các bệnh viện. (Nhân dân, trang 1)

 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ thông tin gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư hết hạn

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có Công văn hỏa tốc 6110/QLD-KD gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị làm rõ thông tin báo chí phản ánh việc Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Hồ Chí Minh phải tiêu hủy gần 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư hết hạn sử dụng, do chậm trễ trong thủ tục xác nhận viện trợ của các cơ quan có thẩm quyền.

Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẩn trương rà soát và báo cáo sự việc bằng văn bản về Bộ Y tế trước ngày 7-5.

Trước đó, một số cơ quan truyền thông đã phản ánh, theo kết luận Thanh tra TP Hồ Chí Minh vừa công bố, qua kiểm tra việc sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ cho thấy kho thuốc của Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TP Hồ Chí Minh còn tồn 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5-2015. Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án bằng thuốc điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy (CML). (Hà Nội mới, trang 5)

 

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ sự việc sinh viên trường y bị hành hung

Chiều 4-5, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê ký công văn số 526/KCB-QLCL gửi Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Thái Nguyên liên quan đến việc các cơ quan truyền thông phản ánh, sinh viên trường y bị người nhà bệnh nhân hành hung.

Theo nội dung bài báo phản ánh, sinh viên Phạm Lê Tùng (Lớp Y3, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên) đã bị người nhà người bệnh hành hung trong khi đang thực tập tại khoa Cấp cứu (BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên). Cụ thể, tối 29-4, sinh viên Tùng được phân công trực và giúp đỡ bệnh nhân theo lịch phân công. Lúc đó, bệnh nhân Bùi Thế Sơn (26 tuổi, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) bị tai nạn và được gia đình đưa vào BV cấp cứu.

Theo chỉ định, bệnh nhân được đưa đi chụp chiếu để xác định thương tích. Khi đó, một người đi lấy cáng, còn Tùng đứng đợi để đưa bệnh nhân lên cáng. Lúc này, một nam thanh niên là người nhà bệnh nhân vẫy Tùng lại bảo: “Mày vào bế bạn tao đi chụp”. Tùng nói, anh chờ chút để cáng tới rồi em bế lên. Vừa nghe đến đây, thanh niên trên liên tiếp tát và chửi Tùng. Những nhân viên khác thấy vậy bèn báo bảo vệ.

Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa đi chiếu chụp và cấp cứu. Tùng cũng đã báo cáo với lãnh đạo khoa Cấp cứu sự việc trên. Người nhà bệnh nhân đã hành hung khiến Tùng bị sưng 2 bên má phải. Đến nay, sau 4 ngày, hai má của Tùng vẫn sưng.

Trước sự việc này, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Thái Nguyên xác minh và làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc và phối hợp với cơ quan Công an địa phương điều tra làm rõ, truy cứu trách nhiệm đối với người đã hành hung sinh viên Tùng.

Mặt khác, Cục đề nghị lãnh đạo BV quan tâm, động viên tinh thần đối với nhân viên y tế và sinh viên bị hành hung nêu trên, đồng thời tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự BV, bảo vệ sự an toàn của nhân viên y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo về Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trước ngày 15-5.

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “Làm rõ trường hợp sinh viên trương Y bi người nhà bệnh nhân hành hung”; Báo Sức khỏe& Đời sống trang1: “Lại thêm vu hành hung thành viên kíp trực cấp cứu”. (Hà Nội mới, trang 6)

 

Tiêu hủy 20.000 viên thuốc, giám đốc BV phân trần

Bệnh viện buộc phải thiêu hủy hàng chục ngàn viên thuốc đặc trị ung thư hết date trong khi nhiều bệnh nhân thiếu thuốc điều trị.

Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, số thuốc nói trên có giá trị gần 14 tỉ đồng. Tuy nhiên, BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu Huyết học TP.HCM, khẳng định gần 20.000 viên thuốc Tasigna trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) bị lãng phí chỉ có giá trị tương đương 3,8 tỉ đồng.

Thuốc hết hạn do chờ thủ tục nhập

Ngày 3-5, giải thích với PV báo Pháp Luật TP.HCM, BS Phù Chí Dũng cho biết lượng thuốc buộc phải thiêu hủy vừa qua nằm trong chương trình viện trợ nhân đạo dành cho người mắc bệnh CML. Chương trình theo thỏa thuận tài trợ gồm ba bên là BV Truyền máu Huyết học TP, tổ chức The Max Foundation-Mỹ và Công ty Novartis Pharma Services AG - Thụy Sĩ.

Theo BS Dũng, đây là chương trình tài trợ có điều kiện với sự đồng chi trả của người bệnh. Tức khi nhận thuốc người bệnh phải chi trả 4% (tương đương 42 triệu đồng), phần còn lại phía Công ty Novartis tài trợ.

“Cũng do quy định đồng chi trả này (tên là chương trình Tasigna copay - PV), không cung cấp thuốc miễn phí 100% như đối với thuốc Glivec trước đây nên ban đầu BV dự kiến có khoảng 50 người bệnh đủ điều kiện để tham gia. Tuy nhiên, khi nhận được thuốc, đối chiếu hồ sơ chỉ có 26 bệnh nhân đủ điều kiện” - BS Dũng giải thích.

Ngoài ra, khi 34.608 viên thuốc được Công ty Novartis cung cấp về tới Việt Nam, do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng nên lúc BV tiếp nhận thì thuốc chỉ còn hạn 10 tháng.

Cụ thể, ngày 26-11-2013, BV nhận được bộ chứng từ để đi làm các thủ tục xin phép các cấp có thẩm quyền bao gồm: Sở Y tế, Liên hiệp Hữu nghị, UBND TP, Cục Quản lý dược, Sở Tài chính. Gần tám tháng sau, ngày 21-7-2014, BV nhận được văn bản đồng ý của Sở Tài chính và thông báo Công ty Novartis chuyển hàng về Việt Nam.

Ngày 27-7-2014, hàng về tới cảng Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan TP.HCM không đồng ý cho tiếp nhận thuốc do hạn dùng dưới 12 tháng (theo quy định hải quan không cho thuốc nhập khi còn dưới 12 tháng). Sau đó, BV lại tiếp tục gửi công văn trình lên Sở, rồi Bộ Y tế và Cục Hải quan. Qua rất nhiều thủ tục, đến ngày 13-8-2014 BV mới nhận được thuốc vào kho. Đến tháng 9-2014, chương trình mới chính thức được bắt đầu với 26 bệnh nhân.

 “Mất 14 tỉ là không đúng”

Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, trong năm 2014 và 2015, BV Truyền máu Huyết học TP.HCM nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc Glivec 100 mg và thuốc Tasigna 200 mg. Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án cho bệnh nhân ung thư có thẻ BHYT, tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỉ đồng. Tuy nhiên, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna kéo dài nên dẫn đến BV còn tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỉ đồng (theo đơn giá tháng 8-2015 là 700.037 đồng/viên).

Nhưng theo giải thích từ phía BV, tính theo giá của thời điểm năm 2015 và theo giá viện trợ, tổng giá trị lô thuốc này là 3.864.973.830 đồng (gần 4 tỉ đồng) chứ không phải tính theo trị giá thời điểm thanh tra là gần 14 tỉ đồng. Nguyên nhân là do BV sơ suất không kiểm tra kỹ bản dự thảo kết luận của Thanh tra TP trước khi có kết luận chính thức.

BV muốn mở rộng đối tượng, nhà cung cấp không cho

BS Dũng trình bày với số lượng người tham gia chương trình ít như vậy, BV dự trù chắc chắn không thể nào sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời hạn. Do đó BV đã tổ chức nhiều cuộc họp với người bệnh để giải thích về lợi ích của việc sử dụng Tasigna. Tuy nhiên, số tiền đồng chi trả đối với bệnh nhân đa phần từ tỉnh lên vẫn quá lớn. BV bèn đề nghị Công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các BV trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML bằng thuốc Glivec hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến. Tuy nhiên, công ty không đồng ý chuyển số thuốc này đến đơn vị khác. Họ chỉ đồng ý hủy thuốc nếu không sử dụng hết, theo đúng quy định.

“Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong việc tiếp nhận và sử dụng lô hàng Tasigna viện trợ. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan mà chúng tôi không lường trước nên phải nhập lô hàng về kho với hạn dùng chỉ còn 10 tháng. Mặc dù phải hủy bỏ một số lượng thuốc ngoài ý muốn do các nguyên nhân khách quan nhưng chính nhờ nguồn thuốc quý này, chúng tôi đã cứu sống khoảng 26 người bệnh CML kháng Glivec. Nếu không có nguồn thuốc này, tính mạng của 26 người bệnh này sẽ rất nguy kịch” - BS Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết thêm cũng nhờ có chương trình Tasigna copay khởi đầu với những tác dụng điều trị tích cực mà ngày 1-1-2015, Bộ Y tế đã phê duyệt chương trình thuốc viện trợ dành cho người bệnh có thẻ BHYT gọi là chương trình VPAP dành cho thuốc Tasigna (BHYT chi trả 40% cho bệnh nhân). Tính đến nay có khoảng 150 người bệnh được tham gia chương trình thuốc Tasigna, giúp người bệnh ung thư có cơ hội sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. (Pháp luật TP.HCM, trang 13)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 3: “Gần 20.000 viên thuốc tài trợ trị ung thư máu hết hạn phải tiêu hủy: Bệnh viện nói gì?”

 

Kẻ nổ súng ở phòng cấp cứu bị bắt

Chiều 3-5, cơ quan Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết đã bắt giữ Cao Văn Hưng (trú xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu) để điều tra hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và hành vi gây rối trật tự công cộng.

Trước đó, đêm 12-4, xuất hiện nhóm thanh niên chạy vào khu cấp cứu BV Đa khoa Phủ Diễn, huyện Diễn Châu, Nghệ An, to tiếng quát nạt rồi nghe bốn tiếng súng. Nghe tiếng súng nổ liên tiếp các bệnh nhân và bác sĩ nơi đây hốt hoảng, nhiều người bỏ chạy, gây náo loạn.

Sau khi nhận được tin báo, lực lượng công an đã có mặt tại hiện trường, vào cuộc điều tra, xác định Hưng là đối tượng nghi can.

Cụ thể, chiều 12-4, Hưng có đi dự đám cưới tại nhà người bạn ở xã Yên Yên, huyện Diễn Châu. Tại đám cưới, Hưng có mâu thuẫn với nhóm của anh Phạm Trung Hiếu (trú xóm 16, xã Diễn Yên).

Sau đó nhóm Hưng và nhóm anh Hiếu xô xát nhau, Hưng bị đánh đau và anh Hiếu cũng bị thương. Anh Hiếu được đưa đến BV Đa khoa Phủ Diễn cấp cứu. Đêm cùng ngày, Hưng cùng nhóm bạn mang súng tiểu liên K50 đến BV để tìm anh Hiếu. Khi đến nơi, Hưng không còn thấy anh Hiếu nằm cấp cứu trên giường bệnh ở BV nên bực tức “xả” đạn lên trần nhà BV. (Pháp luật TP.HCM, trang 2)

 

600.000 người chết do phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động mỗi năm

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây tử vong cho một nửa số người sử dụng nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác.

So sánh với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm so hút thuốc lá là rất cao. Một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm đến 20 năm của cuộc sống. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh.

Theo thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Tại các nước có thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi, ngược lại sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% số người sử dụng thuốc lá sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Mỗi năm thế giới có khoảng 6 triệu người chết tử vong do các bệnh liên quan đến hút thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.

Cũng theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá không được thực hiện thì đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người một năm, trong đó 70% các ca tử vong là ở các nước đang phát triển.

Hàng năm có 600.000 người trên thế giới chết do khói thuốc lá thụ động.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. 56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20. Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam.

Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu năm 2011 cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật.

Gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng: Tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% năm 1976 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm gia tăng từ 42,6% năm 1976 lên 71,6% năm 2010.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng kinh tế không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội. Năm 2015, người Việt Nam đã bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Số tiền mua thuốc lá trung bình hàng năm của một người hút thuốc là 2,7 triệu đồng.

Với tính cấp thiết của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật PCTH của thuốc lá vào ngày 18-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.

Luật gồm 5 chương và 35 điều, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương; quyền, trách nhiệm của người đứng đầu các địa điểm cấm hút thuốc; quyền, nghĩa vụ của công dân; các hành vi bị nghiêm cấm trong PCTH thuốc lá; nghĩa vụ của người hút thuốc; các địa điểm cấm hút thuốc lá; các điều kiện đảm bảo để PCTH của thuốc lá.

Để đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật PCTH của thuốc lá đã có quy định về việc thành lập Quỹ PCTH của thuốc lá. Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật PCTH của thuốc lá, từ năm 2014 Quỹ đã hỗ trợ cho 63 tỉnh, thành phố và 26 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội để triển khai hoạt động PCTH của thuốc lá.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCTH thuốc lá với nhiều hình thức phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhờ tuyên truyền tốt mà ở các địa phương, bộ, ban ngành đã xây dựng được nhiều mô hình không khói thuốc lá.

Qua rà soát cho thấy, sau hơn 3 năm hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá của Quỹ PCTH của thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm; tỷ lệ hút thuốc lá điếu trong nam giới khu vực thành thị giảm rõ rệt; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động giảm đáng kể ở bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng, mạng lưới phòng chống tác hại của thuốc lá trên toàn quốc được thiết lập; năng lực cho mạng lưới cộng tác viên phòng chống tác hại thuốc lá được nâng cao...

Cũng theo thông tin từ Quỹ PCTH thuốc lá, để giảm thiểu tác hại của việc hút thuốc thụ động, trong thời gian tới, Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng trong nhà của khách sạn, nhà hàng, các nơi làm việc, cơ sở y tế, bến tàu, bến xe và nhân rộng các mô hình không khói thuốc. (Công an Nhân dân, trang 4)

 

Phát hiện lô hàng thiết bị y tế nhập lậu trị giá trên 3,2 tỷ đồng

Qua thời gian theo dõi, lực lượng chức năng vừa phát hiện lô hàng thiết bị y tế là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng (khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản) gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng.

Ngày 3.5, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM theo dõi phát hiện lô hàng thiết bị y tế là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng (khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản) gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng.

Được biết, lô hàng này đang làm thủ tục quá cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ. Thiết bị y tế đã qua sử dụng là mặt hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Một công ty có địa chỉ tại quận Tân Bình (TP.HCM) khi làm thủ tục quá cảnh đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Trong thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng tuyến đường hàng hóa quá cảnh đi Campuchia để buôn lậu - đây là thủ đọan buôn lậu mới. Cơ quan hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường này, liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, có những vụ đối tượng phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển, thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ hoặc hàng vận chuyển qua đến Campuchia rồi tìm cách quay ngược trở lại bằng các tuyến đường bộ giữa Campuchia và Tây Ninh, An Giang hoặc Bình Phước… để thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Trước đó, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã ra quyết định khởi tố về việc Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật Olympic địa chỉ tại số 1/54 Lữ Gia, phường 15, quận 11, TP.HCM do ông Nguyễn Kiến Hưng (SN 1987, ngụ tỉnh Bạc Liêu) làm Giám đốc đã tổ chức nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế là 50 máy đo điện tim, khai báo sai tên hàng nhằm trốn tránh việc xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, trị giá lô hàng hơn 500 triệu đồng. (Nông thông ngày nay, trang 5)

 

Số ca sốt xuất huyết đang gia tăng

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 20.947 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. Đáng chú ý, số mắc đang có xu hướng tăng nhanh kể từ đầu tháng 4 đến nay. Nếu như 3 tháng trước, bình quân mỗi tháng cả nước ghi nhận khoảng hơn 4.000 ca mắc, thì riêng trong tháng 4 vừa qua ghi nhận gần 6.900 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2016. Các trường hợp mắc phân bố rải rác ở 25 quận, huyện và 164 xã, phường... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Viện phí của người chưa có thẻ BHYT không đồng loạt tăng

Mức giá của các dịch vụ tại Thông tư số 02 là mức giá tối đa; Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017 nhưng không phải là đến ngày 01/6/2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các Bộ, ngành quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các Bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

Cũng theo Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình phải bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương dự kiến mức giá và thời điểm thực hiện (vào một trong các tháng 7,8,10,12 năm 2017) gửi về Bộ Y tế để phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán mức tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, trường hợp cần thiết sẽ điều chỉnh thời điểm thực hiện cho phù hợp với mục tiêu kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng của Chính phủ.

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội

Theo Bộ Y tế, việc ban hành Thông tư 02 là để bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ BHYT do BHYT chi trả, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả.

Theo Bộ Y tế, Luật BHYT quy định BHYT là bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia BHYT, trong số này có rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình nhà nước đã có chính sách hỗ trợ từ 30-70% mức đóng nhưng vẫn chưa tham gia BHYT. Vì vậy, việc thực hiện Thông tư 02 sẽ khuyến khích người chưa có thẻ BHYT tham gia BHYT, thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Người dân nên tham gia BHYT để được chia sẻ gánh nặng về tài chính khi chẳng may bị ốm phải nằm viện

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, đặc biệt Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì: Người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi trên 80 tuổi, người dân sinh sống ở các xã đảo, huyện đảo, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật

Bộ Y tế cho biết hiện Bộ đang phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay để hỗ trợ 30% còn lại cho người cận nghèo tham gia BHYT. Hiện đối tượng người cận nghèo đang được hỗ trợ từ 70-100% chi phí mua thẻ BHYT. Các địa phương cũng nâng mức hỗ trợ người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình để tham gia BHYT (hiện đang hỗ trợ tối thiểu 30%)... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang