Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/5/2023

  • |
T5g.org.vn - Hơn 270.000 người khám, cấp cứu trong 4 ngày nghỉ lễ; Những đối tượng tiêm chủng vaccine bắt buộc

 

Hơn 270.000 người khám, cấp cứu trong 4 ngày nghỉ lễ

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổng hợp sau 4 ngày nghỉ lễ, đến sáng 3/5, tổng số trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi là 5.725 người bệnh...
Chiều 3/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu từ các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế ngành cho thấy, sau bốn ngày nghỉ lễ (từ 7 giờ ngày 29/4 đến 7 giờ ngày 3/5), tổng số người bệnh khám, cấp cứu là 270.031 người bệnh. 

Trong đó, số người bệnh nhập viên điều trị nội trú là 99.747 người bệnh. Số người bệnh ra viện là 72.977 người bệnh. Số người bệnh chuyển viện là 8.247 người bệnh. 

Số người bệnh tử vong bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh, và tiên lượng tử vong xin về là 1.241 trường hợp.

Về tình hình khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tổng hợp 4 ngày nghỉ đến sáng 3/5 số trường hợp tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị, theo dõi là 5.725 người bệnh. Số người bệnh tai nạn giao thông chuyển viện là 1.385 người bệnh. Số người bệnh tai nạn giao thông ra viện là 2.469 người bệnh. 

Số người bệnh tử vong do tai nạn giao thông bao gồm cả tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về là 82 người bệnh. Trong đó số ca tai nạn giao thông tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 28 người bệnh; Số ca tai nạn giao thông tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh là 34 người bệnh; Số ca tai nạn giao thông nặng tiên lượng tử vong xin về là 20 người bệnh.

Về công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, tổng hợp sau 4 ngày nghỉ lễ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tổng số người bệnh khám COVID-19 là 4.618 người bệnh. 

Số người bệnh COVID-19 nhập viện điều trị nội trú là 2.477 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 chuyển viện là 176 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 ra viện là 1.684 người bệnh. Số người bệnh COVID-19 tử vong, bao gồm cả trường hợp tiên lượng tử vong xin về là 17 người bệnh. Trong đó số ca COVID-19 Tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 7 người bệnh; Số ca COVID-19 nặng tiên lượng tử vong xin về là 10 người bệnh.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong những ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4-1/5, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu phục vụ nhân dân, đặc biệt đối tượng người bệnh tai nạn giao thông, thu dung điều trị COVID-19. 

Tình hình tai nạn giao thông không có diễn biến đặc biệt. Diễn biến dịch COVID-19 đang được chủ động theo dõi sát để tham mưu chiến lược phòng chống kịp thời. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Những đối tượng tiêm chủng vaccine bắt buộc

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong Tiêm chủng mở rộng như sau:

Trẻ sơ sinh: vaccine viêm gan B.
Trẻ < 01 tuổi: vaccine BCG, bOPV, DPT-VGB-Hib, IPV, Sởi.
Trẻ 01 - 05 tuổi: vaccine viêm não Nhật Bản B.
Trẻ 18 - 24 tháng: vaccine sởi-rubella, DPT.
Phụ nữ có thai: vaccine uốn ván.
Cũng tại văn bản này, Cục Y tế dự phòng cho biết đối tượng, lịch tiêm chủng các vaccine khác đưa vào Tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm:

Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: vaccine IPV mũi 2 (Vaccine này sẽ tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ).
Trẻ 07 tuổi: vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 07 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố.
Trẻ dưới 01 tuổi: vaccine Rota.
Các vaccine được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Về những lo ngại liên quan đến một số bệnh của trẻ do 'khoảng trống' về tiêm chủng mở rộng trong thời gian 3 năm chống dịch COVID-19, tại cuộc họp về công tác phòng chống dịch trước nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4- 1/5 diễn ra mới đây, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân nhấn mạnh các địa phương cần đẩy nhanh rà soát, lập danh sách trẻ chưa tiêm đủ mũi vaccine, ví dụ như vaccine sởi để lên kế hoạch tiến hành tiêm vét kịp thời… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Đề xuất BHYT thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc

Bộ Y tế vừa có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, Bộ Y tế đề xuất bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong Luật BHYT hiện hành như: nhóm đối tượng do người sử dụng lao động đóng, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người chưa đủ giấy tờ tuỳ thân hay chứng minh về thân nhân; nhóm tự đóng BHYT.

Tại tờ trình này, Bộ Y tế đề xuất mở rộng hình thức thanh toán trực tiếp. Theo đó, bổ sung hình thức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi tự phải mua thuốc do cơ sở khám, chữa bệnh không cung ứng được và việc thanh toán theo dòng mua sắm tập trung quốc gia hoặc thông qua mua sắm đặc biệt qua tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, còn đề xuất tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT như: Quy định chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chuyển thanh toán BHYT đồng bộ với nhau; lựa chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu.

Quy định đồng bộ về mức hưởng đối với ngoại trú và nội trú với cấp khám bệnh chữa bệnh cơ bản khi phân lại cấp theo Điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và quy định về mức hưởng liên quan theo tuyến. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Nhiều ca mắc COVID nặng, trưng dụng 1 bệnh viện

Tại TPHCM hiện nay, các ca mắc COVID-19 trở nặng gia tăng, trong khi ở Bình Dương đã ghi nhận hai ca tử vong.

Ngày 4/5, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, cho biết, những ngày nghỉ lễ vừa qua, số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm nhưng số ca bệnh cần hỗ trợ hô hấp lại tăng. Ngành y tế thành phố đang chủ động phương án sẵn sàng kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến số 13 trong trường hợp ca bệnh nặng tăng cao.

BS Tâm cho biết, từ ngày 2/5 đến hết ngày 3/5, thành phố ghi nhận 81 ca mắc COVID-19. Các bệnh viện đang điều trị cho 514 bệnh nhân, gồm 169 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp.

BS Tâm cho rằng, tình hình dịch bệnh có thể chỉ giảm trên số liệu thống kê bởi những ngày nghỉ lễ người dân đã đi chơi ở nhiều địa phương khác hoặc chưa chủ động khai báo, do đó số ca bệnh giảm không phản ánh đúng thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn. “Sau kỳ nghỉ lễ, có thể xuất hiện một đợt khai báo thông tin ca bệnh mới mắc bổ sung từ cộng đồng, thống kê số ca mắc sẽ tăng cao”, BS Tâm nói.

Trước kỳ nghỉ lễ (ngày 29/4), các bệnh viện ghi nhận 139 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp. Đến ngày 3/5, số ca bệnh cần hỗ trợ hô hấp tăng lên 169.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, số ca bệnh nặng có chiều hướng tăng, tập trung ở nhóm người lớn tuổi. Số liệu từ 514 trường hợp đang nằm viện điều trị ngày 3/5 cho thấy, 90,5% bệnh nhân là người bệnh lớn tuổi, có bệnh nền, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan, mạch máu não, ung thư.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng phương án sàng lọc, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan cho cộng đồng và lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị.

Bình Dương sẽ trưng dụng một bệnh viện để điều trị COVID-19

Chiều 4/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, ông đã cùng cán bộ chuyên môn khảo sát tại Bệnh viện chuyên khoa Tâm thần (phường Phú Chánh, TP Tân Uyên) để trưng dụng làm nơi phòng, chống dịch bệnh, trong đó thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trước đó, vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong đợt dịch lần thứ tư năm 2021, cơ sở này cũng được tỉnh Bình Dương sử dụng điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 3 (tầng bệnh nhân nguy kịch). Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, bệnh viện này được trả lại hiện trạng ban đầu.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, dự kiến thời gian tới, Bệnh viện Tâm thần sẽ được giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương quản lý. Sau khi được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý, nơi đây sẽ trở thành trung tâm có chức năng dự phòng và phòng chống dịch cho toàn tỉnh Bình Dương và lớn nhất khu vực.

Trong 7 ngày qua, Bình Dương ghi nhận 251 ca mắc COVID-19, tăng 67% so với tuần trước. Trong tuần ghi nhận 2 trường hợp mắc COVID-19 tử vong đều có bệnh lý nền (suy tim) và chưa tiêm đủ liều vắc xin. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh ghi nhận 428 ca mắc COVID-19. (Tiền phong, trang 4).

 

Bệnh viện nhân ái: Để bệnh nhân nghèo không phải bán nhà chữa bệnh

Bệnh viện như một xã hội thu nhỏ, nơi không chỉ chữa lành vết thương thực thể mà còn nâng đỡ tinh thần và cả vật chất cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, yếu thế.
Nhiều cuộc đời được tái sinh, nhiều bệnh nhân nghèo giữ được nhà cửa, trả được nợ nần sau cơn bạo bệnh nhờ tấm lòng bao dung của các nhà hảo tâm, của bệnh viện.

Ngày 16.4 vừa qua, hàng trăm bệnh nhân quây quần ở sảnh phát thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tham dự chương trình "Chủ nhật chia sẻ yêu thương".

Bệnh nhân (BN) được mời nhưng không tự đi được thì các nhân viên Phòng Công tác xã hội (CTXH) của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đưa từ khoa xuống bằng xe lăn. Đây là chương trình lần thứ 20, nhưng cũng là đầu tiên sau gần 3 năm tạm dừng do đại dịch Covid-19.

"Bữa ăn tinh thần" đầy cảm xúc

Chương trình bắt đầu với những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước của các ca sĩ nhí đến từ Nhà Thiếu nhi TP.HCM, nhóm Mắt Ngọc, các tiết mục xiếc… Đã có những giọt nước mắt của BN rơi xuống, bởi chương trình đã gợi lên trong họ quá nhiều cảm xúc lẫn nỗi nhớ nhà.

Trong lúc nhiều BN say mê xem văn nghệ thì một số BN bắt đầu đến khu vực cắt tóc, gội đầu. Những mái tóc dài có phần thô ráp sau nhiều ngày ở BV được các "cây kéo vàng" tình nguyện cắt tỉa thật đẹp. BN T.T.C. (ngụ Long An) đang điều trị tại khoa Ngoại tiết niệu cho biết đã một tuần qua kể từ khi vào BV bà chưa được gội đầu. Mấy ngày trước, bà nghe Phòng CTXH thông báo chương trình "Chủ nhật chia sẻ yêu thương lần 20" và bà cũng được mời đến dự.

"Nào giờ nghĩ đi BV là chỉ ở phòng bệnh, hết bệnh rồi về, ai ngờ được mời xem văn nghệ, gội đầu. Tôi còn 2 ngày nữa mổ sỏi thận, rất lo lắng, nhưng nhận được sự chia sẻ, động viên từ BV nên thấy tinh thần tốt hơn và đã sẵn sàng cho ca mổ", bà C. bộc bạch.

Ở không gian kế bên là studio chụp ảnh, các nhiếp ảnh gia chuẩn bị sẵn phông nền, ánh sáng, trang phục và sau khi chụp xong thì BN được trao tận tay tấm ảnh chân dung ưng ý. "Hồi giờ ở quê tôi có biết chụp ảnh chân dung là gì, lần đầu tiên tôi mới có tấm ảnh chân dung đẹp như thế", anh H.V.H, đang điều trị tại khoa Nội thận, chia sẻ.

Ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH BV Chợ Rẫy, cho biết từ tháng 3.2017 đến nay thông qua chương trình "Chủ nhật chia sẻ yêu thương" đã cắt tóc miễn phí cho 3.973 lượt BN, cung cấp 2.290 suất ăn miễn phí, tặng 143 phần quà, 1.110 trang chữ thư pháp và có 579 BN chụp ảnh chân dung.

Ca ghép tim chỉ 15 triệu đồng

Không chỉ chương trình "Chủ nhật chia sẻ yêu thương", Phòng CTXH BV Chợ Rẫy còn được biết đến với những hoạt động kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm cứu những BN thập tử nhất sinh nhưng gia cảnh quá nghèo. "Với phương châm làm những gì có lợi nhất cho BN nghèo, Phòng CTXH BV Chợ Rẫy đã trở thành điểm tựa cho BN có hoàn cảnh khó khăn, là nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm với BN nghèo", ông Hiển nói.

Người viết còn nhớ như in câu chuyện xảy ra vào tháng 4.2018. Khi đó có một ca chết não ở Đồng Nai hiến tạng, trong đó có hiến tim. Nữ BN L.H (năm nay 51 tuổi, ngụ Bình Thuận) nằm trong danh sách chờ ghép tim được gọi vào BV Chợ Rẫy làm các xét nghiệm để xem có phù hợp với người hiến tạng hay không.

Khi đã xác định được người nhận tim là BN L.H có hoàn cảnh nghèo, Phòng CTXH gấp rút đi xin… tiền. Bởi BN ghép tim phải tốn tổng kinh phí (sau khi trừ bảo hiểm y tế) lên đến hơn 400 triệu đồng, nhưng người nhà BN vét sạch túi cũng chỉ được 15 triệu đồng để đóng cho BV. Ngày xuất viện, ông D., chồng BN L.H, rơi nước mắt vì hạnh phúc, bởi ông không ngờ với số tiền 15 triệu đồng mà vợ ông được ghép tim. Vợ ông D. được tái sinh không chỉ bằng trái tim quý giá mà còn cả tấm lòng hào hiệp của BV, của các nhà hảo tâm.

Ngày 21.4.2023, PV Thanh Niên liên hệ qua điện thoại với BN L.H, bà nói mình đã ghép tim được đúng 5 năm. Sức khỏe ổn định nên bà đã có thể làm được việc nhẹ, hằng ngày làm chả cá mưu sinh. 

Bà nhớ lại: "Ngày bác sĩ gọi vào xét nghiệm, tôi cầu nguyện mình là người may mắn. Và may mắn cũng đến khi tôi phù hợp nhận tim. Lúc ghép tim, gia đình định bán nhà để trả viện phí nhưng bác sĩ không cho, nói bán nhà thì sau khi xuất viện về chỗ đâu mà ở. Rồi gia đình xin nợ BV, sau khi xuất viện làm ăn có tiền thì trả từ từ. Nhưng phương án được BV chốt lại là kêu gọi nhà hảo tâm. Gia đình mang ơn BV, bác sĩ và các nhà hảo tâm rất nhiều".

Bệnh nhân nghèo giúp bệnh nhân nghèo

Năm 2011, BN T. (năm nay 32 tuổi, ngụ Bình Định) đi khám nghĩa vụ quân sự và phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh. T. đến BV Chợ Rẫy khám và được chỉ định mổ tim với viện phí gần 90 triệu đồng. BN chỉ có thẻ BHYT hộ nghèo. Phòng CTXH tiếp nhận trường hợp T. và kết nối với các nhà hảo tâm. Thế là T. được mổ tim và khỏe mạnh trở về.

Tâm sự với PV Thanh Niên, anh T. nói: "Hồi đó, khi biết phải mổ tim, gia đình mượn họ hàng và vay ngân hàng được 60 triệu đồng. Nhưng thật may mắn, tôi được Phòng CTXH BV Chợ Rẫy hỗ trợ, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Tôi chỉ đóng viện phí đúng 20 triệu đồng, số còn lại được hỗ trợ. Ngày xuất viện, tôi được trao lại 20 triệu đồng, sau đó một số nhà hảo tâm cho thêm ít nữa, nhờ đó mà trả được nợ đã vay mượn trước đây".

Hiện anh T. đã có vợ và 2 con. Sau thời gian làm thuê dành dụm ít vốn, anh đã mở được xưởng mộc. Anh nói khi làm ăn có tiền thì điều đầu tiên anh nghĩ đến là quay lại giúp những BN nghèo như anh trước đây đã từng được cứu giúp.

Một nhân viên của Phòng CTXH BV Chợ Rẫy cũng chia sẻ thêm về trường hợp một BN bị ung thư bàng quang di căn, để có tiền chữa bệnh đã phải cầm cố căn nhà ở quê được 42 triệu đồng, trong khi chi phí phẫu thuật lên đến 50 triệu đồng. Tiếp nhận hồ sơ, thấy hoàn cảnh gia đình BN quá khó khăn, mổ xong không có khả năng chuộc nhà nên Phòng CTXH đã kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ được 50 triệu đồng. BN sau khi xuất viện và quay trở lại BV Chợ Rẫy nhận 50 triệu đồng từ nhà hảo tâm, đã giúp đỡ lại một BN khác số tiền 5 triệu đồng. "Đây là tình cảm vô cùng đáng quý, chỉ có thể tìm thấy ở môi trường BV. Tất cả nhân viên Phòng CTXH đều xúc động và nhớ mãi trường hợp này", nhân viên này chia sẻ.

Còn theo ông Hiển, có những BN vào cấp cứu, sau đó không có tiền đóng viện phí. BN viết "giấy nợ" hứa vài ba tháng mang tiền đến trả được bao nhiêu thì trả. Có BN thì làm đơn xin miễn viện phí và được Ban giám đốc BV duyệt chấp thuận. (còn tiếp) (Thanh niên, trang 13).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang