Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Điều trị “theo quy trình”, bệnh nhân bị cưa chân; Gia tăng trẻ nhập viện do viêm não…

Điều trị “theo quy trình”, bệnh nhân bị cưa chân

Đến chiều 4-6, sau 4 ngày bị cưa chân, anh Nguyễn Ngọc Nhược (xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn hoảng loạn khi nằm trên giường tại Bệnh viện 
Đà Nẵng.

Cho rằng các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 17 (trực thuộc Cục hậu cần - Quân khu 5 đóng tại Đà Nẵng) đã thiếu trách nhiệm khi cứu anh Nhược dẫn đến việc phải cưa chân, chị Lê Thị Thắm (vợ anh Nhược) đã gửi đơn phản ảnh đến nhiều cơ quan.

4 ngày điều trị “theo quy trình”

Theo phản ảnh của chị Thắm, sáng 28-5 trên đường đi làm, vợ chồng chị bị té xe tại thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn). Sau khi được sơ cứu ban đầu, chồng chị được chuyển tới Bệnh viện Quân y 17 vào sáng cùng ngày.

“Sau khi nhập khoa ngoại chấn thương chỉnh hình, chồng tôi được các bác sĩ ở đây chụp phim rồi chẩn đoán bị sai khớp gối chân trái. Các bác sĩ bó đầu gối bằng thun mềm rồi cho uống thuốc.

Chiều 28-5 chồng tôi lên cơn đau, được đưa đi chụp phim lần 2, lúc này bác sĩ Kiên là người điều trị nói 9 dây chằng khớp gối của chồng tôi có thể bị đứt hết. Tôi hỏi sao không phẫu thuật thì các bác sĩ nói đang điều trị theo quy trình” - chị Thắm kể.

Chị Thắm trình bày: trong hai ngày cuối tuần, bệnh tình của chồng chị càng lúc càng trầm trọng, chân trái bị bầm tím, phù nề rồi mất cảm giác.

Đến chiều 29-5, chồng chị lên cơn đau dữ dội nên các bác sĩ cho siêu âm chân và chẩn đoán mạch máu vẫn lưu thông tốt rồi cho về nằm điều trị như cũ.

Chị Thắm cho biết chị rất lo lắng vì chồng hay than đau, chị hỏi các bác sĩ theo dõi thì được trả lời rằng chồng chị bị đứt dây chằng, đứt dây thần kinh và sai khớp gối nên nếu mổ chân sẽ nguy hiểm.

Đến tối 31-5, anh Nhược nôn ói dữ dội, lúc này các bác sĩ siêu âm lần 2 rồi thông báo với gia đình mạch máu bị chèn ép, tại đây không thông được nên phải chuyển qua Bệnh viện Đà Nẵng ngay trong tối 31-5.

Tối ra viện sức khỏe tốt, khuya phải cưa chân

Theo thông tin người nhà nạn nhân cung cấp, giấy chuyển viện của bệnh nhân Nguyễn Ngọc Nhược được thượng tá, TS.BS Phạm Hồng Hà, phó giám đốc Bệnh viện Quân y 17, ký tên và đóng dấu ngày 31-5 có ghi chẩn đoán bệnh nhân “sai khớp gối trái do tai nạn giao thông”.

Giấy ra viện này khẳng định bệnh nhân lúc ra viện “tình trạng ổn định, chân trái sưng đau tăng” và ghi ý kiến đề nghị “ra viện, chuyển Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp”.

“Lúc xuất viện, Bệnh viện Quân y 17 giải thích rằng mạch máu ở chân chồng tôi bị chèn ép, phải chuyển qua Bệnh viện Đà Nẵng để thông.

Vậy mà ngay trong tối 31-5 khi được chuyển qua Bệnh viện Đà Nẵng, các bác sĩ ở đây siêu âm và chụp CT rồi cho biết chân của chồng tôi đã hoại tử nên phải phẫu thuật cắt chân trên đầu gối ngay trong đêm để bảo toàn tính mạng” - chị Thắm bức xúc.

Anh Nhược cho biết sau khi anh được phẫu thuật cắt chân vào khuya 31-5 thì hôm sau lãnh đạo Bệnh viện Quân y 17 có đến thăm anh, đồng thời hỗ trợ một số tiền điều trị nhưng gia đình anh không nhận.

Trong khi đó chiều 4-6, Tuổi Trẻ cùng một số cơ quan báo chí tới Bệnh viện Quân y 17 liên hệ làm việc, lực lượng thường trực ở đây cho biết phải có giấy giới thiệu từ Quân khu 5 thì mới tiếp.

Tuổi Trẻ liên hệ qua điện thoại với bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, chủ nhiệm khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 17, ông cho biết đây là đơn vị quân đội, phải được lệnh của cấp chỉ huy thì mới được phát ngôn.

Nếu không cắt sẽ tử vong

Chiều tối 4-6, trao đổi với PV Tuổi Trẻ về trường hợp của bệnh nhân Nhược, đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết khi anh Nhược được chuyển tới bệnh viện chiều tối 31-5 thì được đưa vào mổ cấp cứu ngay. Do chân bị tổn thương nặng không giữ được nên phải mổ cắt liền.

“Trước khi mổ, các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn với sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa mạch máu, chấn thương.

Đồng thời kiểm tra cận lâm sàng, chụp CT đầy đủ; chụp mạch máu tại chỗ để cho rõ ràng, chính xác. Bệnh viện có thông báo 2 lần cho người nhà về tình trạng bệnh của bệnh nhân do bị tổn thương để từ mấy ngày liền khá nặng, nếu không cắt bỏ chân thì bệnh nhân sẽ tử vong” - đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Cũng theo vị này, về tình trạng bệnh nhân cũng như nguyên nhân cụ thể như thế nào sẽ được bệnh viện họp và thông báo vào đầu tuần tới. (Tuổi trẻ (trang 5).

 

Gia tăng trẻ nhập viện do viêm não

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh viêm não/viêm màng não do vi rút, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp mắc viêm não vi rút giảm 23,6%, và số ca tử vong giảm 8 trường hợp, nhưng số mắc bệnh này đang có xu hướng tăng những ngày gần đây.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết mỗi ngày có 5 - 8 ca nghi mắc viêm não/màng não đến khám, số bệnh nhân tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Số mắc viêm não/màng não nhập viện cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi T.Ư, đã có ca tử vong (từ tuyến dưới chuyển lên) do chẩn đoán muộn.

Bác sĩ khuyến cáo các trẻ có biểu hiện nghi ngờ: sốt, nôn, đau đầu và đặc biệt khi có biểu hiện cứng gáy, nôn vọt, cần được đến khám sớm để xác định.

TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết viêm não là bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức kém; di chứng vận động.

Hiện đang bắt đầu vào mùa của dịch bệnh viêm não do vi rút nên số ca mắc sẽ tăng nhanh trong những tháng hè. Có nhiều loại vi rút gây viêm não, trong đó viêm não do vi rút viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Các tháng hè là mùa phát triển của vi rút này. Viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm vì gây hội chứng não cấp, tỷ lệ di chứng, tử vong cao.

Ngoài ra, viêm não có thể do các vi rút đường ruột (mới đây, ghi dịch ổ viêm não do vi rút đường ruột tại Cao Bằng với 21 trẻ mắc). Bệnh diễn biến bất thường, có thể diễn biến nặng, tử vong rất nhanh. Nhóm vi rút này hiện chưa có vắc xin, có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. (Thanh niên (trang 5):

 

Giá dịch vụ y tế sẽ tăng từ tháng 8.2016

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 4.6 cho biết trong năm 2016, tất cả các bệnh viện công lập cả nước sẽ đưa lương nhân viên vào viện phí, do đó, giá dịch vụ y tế sẽ tăng. Đợt đầu tiên vào cuối tháng 8.2016, triển khai tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) cao; 5 đợt tiếp theo triển khai tại các địa phương có tỷ lệ BHYT thấp hơn từ tháng 10.2016 đến 1.2017.

Trước đó, từ 1.3 năm nay, liên bộ Y tế - Tài chính đã có quyết định điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế với mức tăng bình quân khoảng 30% cho bệnh nhân có BHYT.

Riêng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ về tài chính (gồm các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Răng Hàm Mặt T.Ư, Răng Hàm Mặt TP.HCM; Nội tiết T.Ư, Phụ sản T.Ư, Tai Mũi Họng T.Ư; Mắt T.Ư), giá dịch vụ y tế đã bao gồm chi phí chi trả lương nhân viên từ thời điểm kể trên. (Thanh niên (trang 5)

 

Hưởng ứng ngày môi trường thế giới (5-6):Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc khu vực Đông - Nam Á có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) cao. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay diện tích rừng bị thu hẹp do tàn phá, cộng với nạn buôn bán động vật hoang dã phức tạp trên diện rộng dẫn đến số lượng cá thể giảm nhanh chóng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo số liệu thống kê, tổng số các loài động, thực vật hoang dã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) là 882 loài, trong đó có 418 loài động vật và 464 loài thực vật, tăng 161 loài so với giai đoạn 1992 - 1996 (lần xuất bản thứ nhất của các tập Sách Đỏ Việt Nam). Đáng chú ý, trong giai đoạn này mức độ bị đe dọa của các loài mới chỉ dừng lại ở hạng "nguy cấp - EN", thì hiện nay đã có tới mười loài động vật được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên (EW) tại Việt Nam... Kết quả thống kê về hiện trạng các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cũng cho thấy, nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao do nguyên nhân chính là việc khai thác quá mức và mất môi trường sống. Trong đó có nhiều loài đặc hữu như: Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) ước tính chỉ còn khoảng 190 cá thể. Đầu thế kỷ 20, loài này phân bố ở rừng núi của bốn tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn và Thái Nguyên. Hay loài voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) chỉ phân bố ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn tự nhiên Vân Long (Ninh Bình) và hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể; tê giác Java Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) là một trong hai quần thể tê giác duy nhất còn sót lại trên Trái đất, đã được xác nhận bị tuyệt chủng tại Việt Nam vào năm 2010...

Chia sẻ về tình trạng số lượng cá thể các loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng giảm trong thời gian qua, Cục trưởng Bảo tồn và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), TS Phạm Anh Cường cho biết: Công tác bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được quy định trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Để thực hiện quy định của luật, Tổng cục Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: kiện toàn khung pháp lý, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút sự quan tâm của các bộ, ngành hữu quan đối với hoạt động bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Huy động sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức bảo tồn trong công tác bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; xây dựng, trình phê duyệt và triển khai thành công dự án “Tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam”; phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD đã được triển khai khá đồng bộ trên phạm vi cả nước... Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình triển khai còn gặp những khó khăn, hạn chế, nhất là tình trạng khai thác, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã nguy cấp vẫn diễn ra chưa kiểm soát được và có xu hướng gia tăng thời gian qua. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy: Từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng kiểm lâm trên cả nước phát hiện và xử lý vi phạm về quản lý ĐVHD là 3.823 vụ, tịch thu hơn 58 nghìn cá thể ĐVHD, trong đó có hơn ba nghìn cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Đáng lo ngại, trong số hơn 48 nghìn loài động vật, thực vật ghi nhận của Việt Nam, có 882 loài (chiếm gần 2%) đang bị de dọa ở nhiều cấp độ…

Các chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, một trong những nguyên nhân gây nên sự suy giảm các loài nguy cấp ở nước ta thời gian qua là do các chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ, công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật ĐDSH, còn chưa đạt được sự thống nhất dẫn đến sự chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài. Trong khi đó, vấn đề bảo tồn các loài hiện cũng được quy định rải rác tại nhiều văn bản liên quan đến bảo tồn ĐDSH và quản lý bảo vệ rừng, điều đó gây khó khăn, thiếu hiệu quả trong quá trình quản lý, thực thi pháp luật. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn loài còn rất hạn chế, thiếu sự quan tâm hỗ trợ... Bên cạnh đó, nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn ĐDSH còn nhiều hạn chế, một số bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài ĐVHD nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng và trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội; nhận thức của các cấp, các ngành mặc dù đã được nâng lên, nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện...

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực Đông - Nam Á có sự ĐDSH. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay diện tích rừng bị thu hẹp do tàn phá, cộng với nạn buôn bán ĐVHD phức tạp trên diện rộng dẫn đến số lượng cá thể giảm nhanh chóng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Với tốc độ săn bắn và nguy cơ đe dọa tuyệt chủng của nhiều ĐVHD quý, hiếm như hiện nay, chỉ vài năm nữa, hệ sinh thái nước ta sẽ mất cân bằng nghiêm trọng, khi đó chỉ cần một trận bão cũng sẽ gây ra thảm họa cho thiên nhiên và môi trường sống của con người...

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, năm 2016, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) lựa chọn chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường; hội thảo vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong bảo đảm ĐDSH và bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam; diễn đàn quốc gia về môi trường và phát triển; tổ chức thả động vật về rừng và trồng cây xanh... Thông qua các hoạt động này, nhằm khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và người dân trên cả nước có những hành động để bảo vệ tất cả các loài đang bị đe dọa, bảo vệ động thực vật và bảo vệ các thế hệ tương lai; thể hiện sự cam kết của Chính phủ đối với việc thực thi các Công ước về Bảo tồn ĐDSH, chống buôn bán ĐVHD... góp phần nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước trong tương lai... (Thanh niên (trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang