Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/7/2023

  • |
T5g.org.vn - Nuôi thành công bé chào đời nặng 4 lạng; Bệnh viện bớt nỗi sợ đấu thầu khi có Thông tư 14; Đừng để tiền mất, tật mang; TP.HCM có phố sức khỏe; Bệnh viện hiện đại được khởi công tại Đắk Nông

Nuôi thành công bé chào đời nặng 4 lạng

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa đón bé sinh non khi mới 26 tuần thai, nặng 400g. Đây là em bé sinh non nhẹ cân nhất được Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chăm sóc và điều trị thành công.

Mẹ bé, chị L.T. T (32 tuổi, Thanh Hóa), có tiền sử sản khoa nặng nề, từng sảy thai và sinh non nhiều lần. Đây là lần mang thai thứ 7. Trong thai kì, chị T. bị tiền sản giật nặng, thai nhi có tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung, cạn ối. Từ tuần thai 21, các bác sĩ đã chỉ định truyền ối cứu thai nhi. Đến tuần 26, tình trạng tiền sản giật của người mẹ ngày càng nặng nề, thai nhi đối diện nguy cơ mất tim thai nên gia đình có nguyện vọng đình chỉ thai nghén với mục đích chính là cứu người mẹ.

Để chuẩn bị cho em bé ra khỏi bụng mẹ, mọi thứ đều được chuẩn bị tốt, bác sĩ sơ sinh sẵn sàng đón bé, máy thở cũng được chuẩn bị sẵn. Sản phụ được gây chuyển dạ sinh thường. Trong quá trình hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh, các bác sĩ đã giải thích với gia đình để xác định tâm lí rằng em bé khó có thể qua khỏi. Sau khi được bóp bóng hồi sức tích cực 20 phút, da bé đã hồng hơn, bé có phản xạ tay chân, mở mắt. Bé nhanh chóng được chuyển về khoa Sơ sinh nằm lồng ấp - một cuộc hành trình bền bỉ bắt đầu.

Thông thường, trẻ sinh non ở tuần thai 26 có cân nặng khoảng 600-700g, tuy nhiên trẻ bị suy dinh dưỡng chỉ nặng 400g, lọt thỏm trong lòng bàn tay của các bác sĩ. Với một cơ thể quá bé như vậy, việc lấy ven vô cùng khó khăn nên con được truyền dịch nuôi dưỡng bằng kĩ thuật longline, đặt tĩnh mạch rốn và động mạch rốn để thuận tiện cho việc xét nghiệm.

Trong quá trình điều trị, có lần trẻ bị nhiễm khuẩn nặng, phải điều trị 1 đợt kháng sinh. Rất may mắn, bé đáp ứng thuốc và qua được giai đoạn nhiễm khuẩn nặng nhất. Trẻ sinh non thường có tình trạng thiếu máu nên con được truyền máu định kì 3 tuần/lần.

Sau 2 tháng nuôi trong môi trường đảm bảo an toàn tuyệt đối, cân nặng tăng lên 1.200g, khi tình hình sức khỏe ổn định khá tốt về mọi mặt, bác sĩ đã chuyển con ra ngoài để được ấp Kangaroo với mẹ như các em bé khác.

Từ ngày được cảm nhận hơi ấm, tình yêu thương trong vòng tay mẹ, con phát triển rất nhanh và ổn định. Sau 4 tháng điều trị, bé gái ngày nào còn thoi thóp trong lồng ấp, nay đã phát triển bình thường với cân nặng 2,1kg và có thể tự bú mẹ (Tiền phong, trang 1).

 

Bệnh viện bớt nỗi sợ đấu thầu khi có Thông tư 14

Đại diện các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh cho rằng, đã phần nào bớt được “nỗi sợ đấu thầu” kéo dài trong suốt thời gian qua sau khi Thông tư 14/2023/TT-BYT về xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập có hiệu lực từ ngày 1.7. Thông tư 14 mở đường cho trang thiết bị y tế vào bệnh viện

Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP Hồ Chí Minh là bệnh viện hạng II của thành phố hàng năm có nhiều gói đấu thầu lớn nhỏ được thực hiện nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Nhưng bệnh viện này cùng các cơ sở y tế khác gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế vì Luật Đấu thầu còn nhiều bất cập. Từ ngày 1.7, Thông tư 14 có hiệu lực, ngành y tế đồng loạt được tháo gỡ.

BS.CKII Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, trước kia muốn tổ chức đấu thầu và trúng thầu bắt buộc phải có 3 báo giá, sử dụng giá thấp nhất, còn hiện nay căn cứ Thông tư 14 và Hội đồng khoa học công nghệ của bệnh viện đồng xem xét, quyết định. Hội đồng này sẽ lựa chọn được những sản phẩm tốt, những tính năng kĩ thuật đáp ứng được nhu cầu điều trị, sửa chữa, phù hợp với nguồn kinh phí dự trù…

Trong hội đồng này có các chuyên gia, đội ngũ y tế có khả năng kiểm định và đánh giá chất lượng của sản phẩm có phù hợp hay không? Bộ phận tài chính cũng phải cân đối để đấu thầu thuận lợi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho biết thêm, dù Thông tư 14 ra đời đã tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm, đấu thầu cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên hiện chỉ hết năm 2023. Vì vậy về lâu dài cần thông tư mang tính bền vững, giải quyết căn cơ hơn.

Cùng với đó, nếu muốn hạn chế tính rủi ro trong đấu thầu thiết bị y tế, đòi hỏi Ban giám đốc bệnh viện có quy định chặt chẽ trong đấu thầu.

Ví dụ: Một sản phẩm muốn vào bệnh viện phải thông qua các nhà chuyên môn, trưởng khoa, phó khoa… người sử dụng trực tiếp có ý kiến. Sau đó, hội đồng chuyên môn quyết định sản phẩm nào phù hợp nhất nhằm tránh tình trạng chỉ định thầu, không có tính dân chủ.

Đơn vị y tế yên tâm đấu thầu

Hồi tháng 3, Nghị quyết 30 của Chính phủ ban hành đã gỡ rối về việc xây dựng gói thầu trang thiết bị. Tuy nhiên, các gói thầu hàng hóa dịch vụ liên quan đến trang thiết bị như linh kiện, phụ kiện, dịch vụ bảo hành bảo trì vẫn chưa được hướng dẫn. Thông tư 14 ra đời giải quyết được tắc nghẽn này.

Cũng theo Thông tư 14, phương pháp xác định giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế theo một trong các phương pháp như: Báo giá do các nhà cung cấp thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế; hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; kết quả thẩm định giá.

Riêng đối với phương pháp sử dụng kết quả thẩm định giá, điểm mới ở Thông tư 14 là chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá do đơn vị thẩm định giá cung cấp.

Đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước đây, nếu kết quả thẩm định giá không phù hợp hoặc có vấn đề sai phạm, chủ đầu tư vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Trong khi thực tế, việc kiểm tra rà soát lại các báo cáo thẩm định giá lại vượt khả năng của chủ đầu tư. Thông tư 14 quy định rõ chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm về thẩm định giá do các đơn vị thẩm định giá cung cấp. Điều này phù hợp với thực tiễn (Lao động, trang 7).

 

Đừng để tiền mất, tật mang

Gần đây, Báo Hànộimới liên tiếp nhận được phản ánh của bạn đọc về việc họ là nạn nhân của sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp của một số thẩm mỹ viện. Để lôi kéo khách hàng, các cơ sở này liên tục quảng cáo, chào mời chăm sóc da miễn phí, rồi dụ khách hàng vào “ma trận” làm đẹp, nhưng khi khách hàng có biến chứng thì tìm cách thoái thác trách nhiệm. Bởi vậy, nhiều người phải mất thêm tiền nếu không muốn mang sẹo, tật suốt đời.

Thảm họa thẩm mỹ

Nghe theo lời quảng cáo đầy “mật ngọt” của một thẩm mỹ viện trên địa bàn phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), chị N.T.T ở phường Quảng An (quận Tây Hồ) đăng ký thực hiện phương pháp nâng ngực đệm mô lipid, được giới thiệu là không xâm lấn, thời gian thực hiện nhanh và chi phí rẻ, chỉ 5 triệu đồng. Thẩm mỹ viện này cam kết không dùng thủ thuật, không can thiệp dao kéo, chỉ tác động bên ngoài để kích các mô mỡ phát triển. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhân viên đã tiêm hóa chất vào ngực chị T. Khi chị yêu cầu cung cấp thông tin về chất lỏng đã tiêm thì họ từ chối với lý do: “Sản phẩm độc quyền, không thể tiết lộ”. Hậu quả là sau 2 tuần, chị T. cảm thấy ngực có 2 khối cứng bất thường.

Chung cảnh ngộ, chị H.T.M ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng là nạn nhân của thảm họa trên khi phát hiện có nhiều khối hỗn hợp dịch bất thường trong tuyến ngực. Rất may, chị sớm phát hiện và đến Bệnh viện Hà Thành để làm phẫu thuật lấy khối dịch đó ra khỏi ngực.

Trường hợp bà Nguyễn Thị N. ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) cũng “dở khóc dở cười”. Tháng 7-2022, bà đến một thẩm mỹ viện tại phố Trương Công Giai (quận Cầu Giấy) để làm lông mày tự thân. Khi đến nơi, các nhân viên đã dụ dỗ bà N. mua gói 17 triệu đồng để “đẹp hoàn hảo” và được bảo hành vĩnh viễn, trả góp không lãi suất. Bà N. đóng trước 7 triệu đồng và trả góp 10 triệu đồng. Tuy nhiên, 1 tháng sau lông mày của bà trụi dần và để lại sẹo rất to. Bà yêu cầu thẩm mỹ viện xử lý nhưng chỉ nhận được lời mời chào thay đổi sang gói dịch vụ làm đẹp khác... Vết sẹo của bà ngày càng dày lên, khuôn mặt biến dạng. Đáng nói, bà luôn bị các đối tượng lạ gọi điện đòi tiền nợ hằng tháng, với những lời đe dọa khó nghe.

Cần tỉnh táo để tránh bị lừa

Chia sẻ với Báo Hànộimới về vấn đề này, ThS.BS Trần Anh Tuấn, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ (Bệnh viện Đa khoa Hà Thành) cho biết, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca thẩm mỹ hỏng, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Trong đó, giữa tháng 6-2023, có 2 trường hợp đến bệnh viện “chữa cháy”, với tình trạng lâm sàng và siêu âm có nhiều khối hỗn hợp dịch bất thường trong tuyến ngực... Các bác sĩ khuyến cáo, khối cứng tại ngực bệnh nhân có thể bị áp xe, khi đó sẽ phải mổ rạch tháo mủ, để lại nhiều sẹo mổ. Hoặc bệnh nhân có thể bị viêm mạn tính, các khối cứng trong ngực sẽ xơ hóa trong tổ chức vú. “Các bệnh nhân không nên tin theo quảng cáo cải thiện vòng một mà không phải phẫu thuật. Thực tế, chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Do vậy, các khách hàng tuyệt đối tránh ham rẻ mà đồng ý đưa các chất lạ vào cơ thể, dẫn đến không tương thích thải loại, nhiễm trùng”, ThS.BS Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, chị em nên trang bị kiến thức cơ bản về các phương pháp làm đẹp; cần tìm đến các trung tâm có uy tín, được cấp phép của Bộ Y tế để có được kết quả như mong muốn. Đặc biệt, khách hàng đừng ham rẻ, tin vào các công nghệ được giới thiệu là mới nhưng lại thực hiện ở các cơ sở không uy tín, để rồi “tiền mất tật mang”.

GS.BS Trần Thiết Sơn - Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thành phố Hà Nội cũng cho biết, các thẩm mỹ viện “chui” quảng cáo trên các trang mạng xã hội nhiều nhưng chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, thiếu chế tài xử phạt. Nhiều cơ sở sau khi bị phạt lại thay tên, đổi chủ để né tránh và tiếp tục vi phạm. Do đó, về lâu dài, cần có cảnh báo, tuyên truyền nhiều hơn về biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng khối cơ sở y tế công, khối làm thẩm mỹ có giấy phép và công khai những cơ sở không được cấp phép để mọi người phòng tránh.

Dù gần đây, Sở Y tế Hà Nội liên tiếp đình chỉ hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ không phép, nhân viên không có bằng cấp về y tế; song Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ thành phố Hà Nội cho biết, hiện có hàng nghìn cơ sở thẩm mỹ hoạt động dưới vỏ bọc spa, các cửa hàng chăm sóc da nhưng thực chất bên trong lại là phòng phẫu thuật thẩm mỹ. Thực tế, đã từng có vụ việc khách hàng tử vong sau khi thực hiện thẩm mỹ tại cơ sở “chui”. Hoặc nhiều nạn nhân sau khi phẫu thuật thẩm mỹ gặp tai biến mà nguyên nhân là do làm đẹp tại các cơ sở chất lượng kém, mạo danh Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bạch Mai... Do đó, các khách hàng cần hết sức tỉnh táo để tránh bị lừa đảo, tốn kém mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sắc đẹp và sức khỏe (Hà Nội mới, trang 6).

 

TP.HCM có phố sức khỏe

Ngày 4.7, UBND Q.10 (TP.HCM) ra mắt phố sức khỏe và công bố sản phẩm du lịch y tế. Bác sĩ Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Y tế Q.10 cho biết, Q.10 là địa phương có nhiều cơ sở khám chữa bệnh, dịch vụ làm đẹp, ăn uống…

Hiện trên địa bàn Q.10 có 18 bệnh viện (10 bệnh viện tư nhân), 23 phòng khám đa khoa, 562 phòng khám chuyên khoa, 396 cơ sở dịch vụ làm đẹp - thẩm mỹ, 467 nhà thuốc, 1.181 cơ sở dịch vụ ăn uống.

Ở giai đoạn 1 (từ tháng 7 - 11.2023) hình thành phố sức khỏe, Q.10 mời gọi các cơ sở y tế, dịch vụ trên tuyến đường Sư Vạn Hạnh (từ giao lộ 3.2 - Sư Vạn Hạnh đến giao lộ Sư Vạn Hạnh - Tô Hiến Thành), trên địa bàn P.12, P.13 tham gia các hoạt động nhằm phát triển du lịch y tế, gắn kết cùng với các địa điểm vui chơi, mua sắm, giải trí và cơ sở lưu trú trên địa bàn. Từ đó, hình thành chuỗi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và phát triển mạnh mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe. 

Giai đoạn 2 (từ tháng 11.2023), phố sức khỏe được mở rộng ra các khu vực lân cận, gồm: tuyến đường Dương Quang Trung, Thành Thái, đường 3.2, Tô Hiến Thành, Trần Thiện Chánh, Cao Thắng nối dài và các hẻm nhánh xung quanh (trong bán kính 3 km).

Ở 2 giai đoạn này, phố sức khỏe trên địa bàn đã có 4 bệnh viện tham gia. Ngoài ra còn sự tham gia của 5 phòng khám đa khoa, 21 phòng khám chuyên khoa, 4 cơ sở dịch vụ làm đẹp - thẩm mỹ, 10 nhà thuốc và 106 cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trong khu vực phố sức khỏe, Q.10 phát triển 3 sản phẩm du lịch y tế, gồm: "Q.10 - Ngày tỏa nắng", "Q.10 - Tỏa sáng nụ cười" và "Em là bác sĩ".

"Q.10 - Ngày tỏa nắng" là sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp da, khai thác, phát huy thế mạnh của Q.10 về dịch vụ làm đẹp và chăm sóc da gắn với tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền Fito, trải nghiệm các món ăn thực dưỡng.

Với sản phẩm du lịch: "Q.10 - Tỏa sáng nụ cười", du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp răng miệng, các dịch vụ nha khoa hiện đại gắn với tham quan Bảo tàng Y học cổ truyền Fito, trải nghiệm các món ăn thực dưỡng.

"Em là bác sĩ" là sản phẩm du lịch đặc trưng dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Sản phẩm khai thác, phát huy thế mạnh của Q.10 về dịch vụ y tế gắn với các hoạt động y học cổ truyền tại Tân Hưng Long tự. 

Qua đó giúp các em tìm hiểu về y học cổ truyền cũng như y học hiện đại, trải nghiệm một số công việc của bác sĩ, các thiết bị y khoa hiện đại, được tư vấn về chăm sóc sức khỏe học đường (Thanh niên, trang 13).

 

Bệnh viện hiện đại được khởi công tại Đắk Nông

Ngày 4-7, tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Công ty CPĐT Bệnh viện Xuyên Á đã khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á – Tây Nguyên. Theo chủ đầu tư dự án, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á – Tây Nguyên là bệnh viện thứ 5 trong hệ thống bệnh viện của Công ty CPĐT Bệnh viện Xuyên Á. Dự án có tổng diện tích xây dựng 5,4ha, với quy mô 700 giường bệnh có tổng kinh phí đầu tư gần 800 tỷ đồng. Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS Nguyễn Văn Châu, Tổng Giám đốc Công ty CPĐT Bệnh viện Xuyên Á cho biết, khi đưa vào hoạt động, bệnh viện có thể đáp ứng 2.000 – 3.000 lượt khám mỗi ngày. Bệnh viện tập trung đầu tư vào lĩnh vực cấp cứu sống còn, tận dụng thời gian vàng như: Can thiệp đặt Stent trong nhồi máu cơ tim cấp, cấp cứu phẫu thuật chấn thương sọ não, cấp cứu đột quỵ cấp, can thiệp mạch máu não bằng DSA... Dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư gồm: Giai đoạn 1 (năm 2023 – 2024) với 250 giường nội trú; Giai đoạn 2 (năm 2026 – 2028) với 450 giường nội trú và dự kiến đi vào hoạt động phục vụ người dân vào tháng 2-2025 (Sài gòn giải phóng, trang 7).

 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang