Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/01/2022

  • |
T5g.org.vn - Dừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 TPHCM; Tổng Bí thư: Ưu tiên hàng đầu năm 2022 là kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế; Chủ tịch Hà Nội nêu 3 bài học của Thủ đô trong phòng chống Covid-19 để thích ứng an toàn

 

Tổng Bí thư: Ưu tiên hàng đầu năm 2022 là kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế

"Chính phủ, chính quyền các địa phương lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả rồi thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu.
Sáng 5-1, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã nỗ lực phấn đấu để đạt những kết quả quan trọng trong năm 2021.

Điểm lại một số kết quả nổi bật, Tổng Bí thư nêu rõ, đầu tiên, nước ta đã ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Đáng chú ý, đến thời điểm này, có thể khẳng định là chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay. Đến nay đã có khoảng 200 triệu liều vaccine với tỉ lệ bao phủ 1 mũi vaccine là 99,6%; tỉ lệ bao phủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9% (là 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới).

Bên cạnh chống dịch, Tổng Bí thư đánh giá, công tác phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế cũng có nhiều điểm sáng tích cực. Nền kinh tế nước ta tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020…

Kết quả nổi bật thứ ba được Tổng Bí thư nhắc đến là trong khó khăn, nước ta vẫn tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội. Thứ tư là quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng…

Một kết quả nổi bật khác mà Tổng Bí thư nhấn mạnh là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, có sự chuyển biến rất tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 đạt 2,58%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 6%. Kinh tế - xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động bị đứt gãy...

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phải tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Đặc biệt, phải tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gắn với thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh yêu cầu phải quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý đến việc đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng bộ máy chính quyền thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ.

“Nhà nước ta nói chung, Chính phủ, chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả rồi thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa;

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn vưa qua rồi thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022” – Tổng Bí thư đề nghị.

Phát biểu đáp từ tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tập thể Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư bằng những chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, hành động thiết thực, cụ thể.

“Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc, trên tinh thần đoàn kết, liêm chính, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, hồi phục kinh tế - xã hội một cách bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh. (An ninh thủ đô, trang 3; Nhân dân, trang 2)

 

Chủ tịch Hà Nội nêu 3 bài học của Thủ đô trong phòng chống Covid-19 để thích ứng an toàn

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu 3 bài học kinh nghiệm của Thủ đô trong công tác phòng chống dịch Covid-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt...

Báo cáo tại Hội nghị triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 sáng nay (5/1), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu 3 bài học kinh nghiệm của Thủ đô trong công tác phòng chống dịch Covid-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2021, Hà Nội đã bám sát, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII của Thành phố, đã ban hành 10 chương trình công tác lớn, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ Thủ đô cho giai đoạn mới và Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá để tạo đột phá cho Thành phố trong giai đoạn phát triển.

Trong suốt quá trình này, thành phố luôn chủ động, tích cực tham gia xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách của Chính phủ, đồng thời triển khai tích cực các chính sách riêng trên địa bàn Thủ đô.

Về công tác chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Suốt năm 2021, Hà Nội đã chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân và an toàn cho Thủ đô. Trong đó, có các đợt cao điểm về tiêm chủng, đến nay tỷ lệ tiêm mũi 1 với người trên 18 tuổi là 99%; đã tiêm vét cho người cao tuổi; người có bệnh nền...

Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, để chủ động trước mọi tình huống, Hà Nội triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 tầng điều trị với sự chủ động sớm, từ xa ngay từ cơ sở. Để có phương án cho trên 100 nghìn ca nhiễm, Hà Nội cũng huy động bệnh viện trung ương, lực lượng bác sỹ về hưu, lực lượng tình nguyện để triển khai đồng bộ từ cơ sở; đồng thời triển khai các tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở... Thành phố đã triển khai trên 3.200 tổ hỗ trợ theo dõi đáp ứng thông tin cho các F0, F1 điều trị tại nhà.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, số ca mắc của Thủ đô vài ngày gần đây lên top đầu của cả nước. Tuy nhiên đến hôm nay, trong tổng số trên 54.700 bệnh nhân thì có trên 52.000 ca đã khỏi bệnh. Tỷ lệ điều trị ở tầng 1 là 93,4%, tầng 2 là 5,36%, kiểm soát chặt chẽ ở tầng 3 ở mức thấp trên 1,7%; số ca tử vong tại Hà Nội dưới 0,3%.

Về phục hồi kinh tế sau giãn cách, tăng trưởng quý IV của Hà Nội đạt 6,69%, cao hơn trung bình cả nước ở quý IV (5,52%). Điều này đặc biệt ý nghĩa khi quý III, Hà Nội giảm sâu tới 6,69% so với cả nước, việc phục hồi ở quý IV đã bảo đảm không đứt gãy, phục hồi sản xuất, tạo nên tăng trưởng chung cả năm là 2,92%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 264.000 tỷ, vượt dự toán giao 12,3%...

Các chỉ tiêu khác cũng đã được thành phố thực hiện quyết liệt, hoàn thành cơ bản từ mô hình chính quyền đô thị, các đồ án quy hoạch, dự án giao thông; đã có 382 xã hoàn thành nông thôn mới; quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, đề án phát triển kinh tế xã hội như ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội có 3 bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, đó là bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Thành uỷ, cả hệ thống chính trị, người dân vào cuộc phòng, chống dịch một cách thực chất với người dân là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh chủ động từ cơ sở với nhiều mô hình sáng tạo; chủ động phương án phòng, chống dịch từ xa, tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình hướng.

Thứ hai là kiên trì thực hiện các chủ trương, chính sách, phát huy cao độ vai trò người đứng đầu các cấp; thứ ba là chủ động có kịch bản điều hành và giải pháp cập nhật tương ứng tình hình.

Theo Chủ tịch TP UBND TP Hà Nội, năm 2022, thành phố sẽ tập trung siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hành động và sáng tạo với 22 chỉ tiêu phát triển để phấn đấu cao nhất đạt mục tiêu tăng trưởng 7,0 – 7,5% của năm 2022. Trong đó, tập trung 5 nhóm nội dung trọng tâm thích ứng linh hoạt, phục hồi phát triển từng ngành, lĩnh vực; tập trung cao độ cho văn hoá, giáo dục, y tế ngay từ quý I/2022... (An ninh thủ đô, trang 3)

 

Dừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 TPHCM

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định dừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 TPHCM (gọi tắt là Sở Chỉ huy).

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Tư lệnh TPHCM phải kịp thời tham mưu để nhanh chóng kích hoạt trở lại Sở Chỉ huy.

Theo quyết định, Bộ Tư lệnh TPHCM, Công an TPHCM, Sở Y tế, Sở TT-TT, Văn phòng UBND TPHCM cùng các cơ quan rút lực lượng làm nhiệm vụ tại Sở Chỉ huy về cơ quan, đơn vị.

UBND TPHCM giao Sở Y tế thường xuyên và chủ động phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; thường xuyên cập nhật, theo dõi, dự báo diễn biến dịch bệnh trong và ngoài thành phố để tham mưu, chỉ đạo kịp thời. Công an TPHCM được giao chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm bắt tình hình liên quan đến dịch bệnh, quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, kịp thời phát hiện các trường hợp đi về từ vùng dịch không khai báo y tế hoặc nhập cảnh trái phép để có biện pháp xử lý.

Đầu tháng 7-2021, Sở Chỉ huy được thành lập và kiện toàn đầu tháng 9-2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 ở thành phố diễn biến phức tạp. Sở Chỉ huy có nhiệm vụ tham mưu các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Đến nay, dịch Covid-19 ở thành phố có nhiều diễn biến khả quan. Số ca mắc mới tiếp tục giảm, số ca nhập viện, trở nặng và tử vong đều có xu hướng giảm. Vì vậy, TPHCM quyết định dừng hoạt động Sở Chỉ huy. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)

 

Tiêm vaccine nhanh nhất, tập trung ưu tiên giảm ca COVID-19 nặng, giảm tử vong

Biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, làm tăng gánh nặng lên hệ thống y tế và tử vong. Do đó nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Nguy cơ biến chủng Omicron lây lan trên diện rộng rất cao

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron; việc lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch cho biết biến chủng Omicron xuất hiện từ tháng 11/2021 với độ lây nhiễm cao hơn nhiều so với chủng Delta, lây lan đối với cả người tiêm đủ 2 mũi vaccine, tăng nguy cơ quá tải hệ thống y tế và tử vong nhiều người. 

Đến nay có hơn 120 nước đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, Chính phủ cho biết đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới khoảng 15.000 ca/ngày tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Báo cáo của Chính phủ cho biết Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron; nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron.

Báo cáo của Chính phủ cũng dẫn thông tin của Tổ chức y tế thế giới cho biết: biến thể Delta và Omicron là mối đe dọa kép làm gia tăng các ca mắc từ đó dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng lên đột biến, tiếp tục gây áp lực lớn lên các nhân viên và hệ thống y tế.  

Nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa sự xâm nhập và lây lan của biến chủng Omicron, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh, nhất là các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến thể mới. Đến nay tất cả trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đã phát hiện đều được quản lý, theo dõi y tế chặt chẽ, phù hợp. 

Cơ bản đảm bảo kịp thời các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19

Theo báo cáo của Chính phủ, với mục tiêu giảm ca chuyển nặng, giảm tử vong, người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế một cách sớm nhất, Chính phủ đã chỉ đạo chủ động các phương án điều trị, trong đó tăng cường năng lực (về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm...) ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở (xã, phường, thị trấn), tại nhà; bảo đảm các trường hợp nhiễm vi rút đều được theo dõi y tế, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất; trong đó tập trung kiểm soát các trường hợp nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và giảm thiếu đến mức tối đa các trường hợp tử vong.

"Theo thống kê sơ bộ, số tử vong đã giảm từ khoảng 300-350 ca/ngày (thời kỳ đỉnh dịch) xuống còn trên 200 ca/ngày; chủ yếu là những người mắc bệnh nền, người già, trong đó phần lớn (trên 70%) là người chưa tiêm vaccine. Số ca bệnh nặng giảm sâu (giảm đến 2/3) so với thời kỳ đỉnh dịch (tháng 8, 9/2021)"- báo cáo của Chính phủ thông tin.

Về thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, theo Chính phủ, đến nay, cơ bản đã đảm bảo kịp thời nhu cầu đối với các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, ban hành các cơ chế, chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu, cấp phép và nghiên cứu, sản xuất thuốc trong nước. 

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 30/12/2021 với các cơ chế đặc thù về quản lý thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách về phòng chống dịch. 

Theo báo cáo của Chính phủ, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 79/NQ-CP ngày 22/07/2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 để các địa phương, đơn vị chủ động mua sắm.

Riêng đối với các thuốc kháng virus thời gian qua Bộ Y tế đã huy động tối đa các nguồn lực để cung ứng thuốc theo nhu cầu điều trị. Đã cấp theo nhu cầu đề xuất của các địa phương các loại thuốc Thuốc Remdesivir, Favipirav, Molnupiravir.

Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia điều trị COVID-19 được thu phí

Biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, làm tăng gánh nặng lên hệ thống y tế và tử vong. Do đó nhiệm vụ trước mắt cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Trong đó, các giải pháp được Chính phủ đưa ra trong công tác phòng chống dịch gồm: xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch, vaccine, thuốc điều trị COVID-19, chủ động sản xuất, nhập khẩu thuốc đặc hiệu và đề cao ý thức nhân dân...

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện; trường hợp các cơ sở y tế tư nhân được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm COVID-19 thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế

Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, tất cả các bệnh nhân COVID-19 được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất.

Thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022. Chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của WHO.

Thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch trong dịp Tết nguyên đán, mùa lễ hội xuân Nhâm Dần, trong đó quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người, tổ chức lễ hội; kiểm soát chặt chẽ người đến và đi từ vùng có dịch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển trong dịp Tết...

Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phòng chống dịch COVID-19... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới

Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%; đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 -11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra sáng nay (5/1), thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm

Báo cáo nêu rõ năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước; là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố bất lợi do đại dịch COVID-19. Kinh tế thế giới phục hồi thiếu vững chắc và không đồng đều; nợ công, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia. Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở nhiều địa phương với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, xâm nhập sâu, gây hậu quả nghiêm trọng ở các trung tâm kinh tế, đô thị lớn.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự chia sẻ, ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phù hợp với diễn biến tình hình.

Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu triển khai tích cực, hiệu quả cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn.

Khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, các biện pháp hành chính nghiêm ngặt được áp dụng và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm xá lưu động.

Kịp thời điều động lực lượng lớn chưa từng có, trong thời gian rất ngắn với hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Đồng thời, Chính phủ xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.

Kết quả là, từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%; đang đặt mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được tăng cường

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Chính phủ đã nghiên cứu, ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP; việc chuyển hướng sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế trong quý IV/2021 và năm 2022.

Chính phủ đã khẩn trương trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong phòng, chống dịch, tạo sự chủ động trong huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chăm lo sức khỏe cho người dân.

Báo cáo nêu, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được tăng cường; đẩy mạnh kết nối liên thông nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến. Tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp THPT; khai giảng năm học mới, dạy và học trực tiếp, trực tuyến linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh; triển khai Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực. Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2021 xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế, tiếp tục dẫn đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các quan điểm chỉ đạo, điều hành, quán triệt theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đổi mới, chủ động, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, quyết liệt hành động, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Thanh niên, trang 2+3)

 

Số ca mắc COVID-19 ở miền Bắc gia tăng, nỗ lực phân loại, giảm ca nặng

Năm 2021, tỉnh Lai Châu ghi nhận 110 ca mắc COVID-19, nhưng trong 4 ngày ngày đầu năm 2022 đã ghi nhận 36 ca mắc. Riêng ngày 4/1, ghi nhận số ca mắc cao nhất là 18 trường hợp, trong đó có 4 trường hợp trở về từ Hà Nội
Hiện tại, tỉnh Lai Châu nhóm nguy cơ cao còn nhiều người chưa được tiêm vaccine COVID-19 hoặc chưa tiêm đủ liều cơ bản do không đồng ý tiêm, trong đó tỷ lệ người từ 50 tuổi được tiêm đủ liều cơ bản mới đạt 81,73%, số người còn lại rất khó vận động đồng ý tiêm chủng. Công tác điều tra, truy vết có lúc có nơi còn chậm, nhất là khi phát sinh nhiều ca bệnh cùng một lúc; việc tổng hợp thông tin báo cáo có thời điểm, có nơi chưa kịp thời.

Thời điểm gần Tết Nguyên Đán lượng người từ các địa phương trở về rất lớn, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng cao.

Do đó, tỉnh Lai Châu yêu cầu các huyện, xã cần quan tâm đặc biệt đến công tác phòng dịch. Chủ động test nhanh kháng nguyên để có kết quả nhanh nhất sớm phát hiện ca bệnh, không quá phụ thuộc vào xét nghiệm PCR, đồng thời chuẩn bị các điều kiện thực hiện điều trị F0 tại nhà.

Khuyến khích người dân tự test nhanh kháng nguyên tại nhà, không chủ quan khi đã tiêm đủ mũi vaccine. Các trung tâm y tế, trạm y tế các xã rà soát từng đối tượng, vận động tiêm đủ mũi vaccine bằng mọi cách....

Những ngày đầu năm, tỉnh Yên Bái cũng liên tiếp ghi nhận số ca mắc tăng cao, trong đó ngày mùng 3/1 với 64 ca (số ca mắc cao nhất ghi nhận trong ngày từ trước đến nay), ngày 4/1 với 36 ca, phần lớn là các ca bệnh phát hiện qua lấy mẫu cộng đồng.

Trước tình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân cần cân nhắc việc di chuyển đến các địa phương đang có dịch. Hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…

Các phụ xe thuộc các phương tiện vận chuyển hành khách thực hiện tính năng "khai báo di chuyển hộ người khác" đối với tất cả hành khách thông qua phần mềm PC-COVID hoặc lập danh sách hành khách đi trên các chuyến xe; khi di chuyển qua các Điểm hỗ trợ, phụ xe xuống quét mã QR của hành khách đã khai báo hộ hoặc chuyển danh sách cho bộ phận phụ trách tại Điểm hỗ trợ để cập nhật gửi về các địa phương quản lý.

Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Điện Biên ghi nhận 138 ca mắc COVID-19, trong đó có nhiều ca cộng đồng. Dự kiến thời gian tới số lượng người di chuyển về địa phương lớn khả năng lây lan dịch bệnh cao, do vậy tỉnh này yêu cầu các huyện, xã cần kịp thời nắm bắt chính xác số liệu công dân người lao động, học sinh từ nơi khác về, từ đó xây dựng kịch bản, chuẩn bị cơ sở vật chất, sinh phẩm, thuốc điều trị để triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Duy trì trạm y tế lưu động tại các xã. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các chốt khai báo y tế bằng việc quét mã QR. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại các đia phương, để đảm bảo tỷ lệ bao phủ vaccine nhanh nhất.

Những ngày đầu năm tỉnh Bắc Ninh cũng ghi nhận số ca mắc tăng cao kỷ lục, ngày 3/1, địa phương này ghi nhận 716 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Ngày hôm qua, tỉnh này ghi nhận 342 ca.

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 318 ổ dịch tại 8/8 huyện, thành phố. Hiện Bắc Ninh đang quản lý, điều trị 4.651 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thành phố, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và quản lý tại nhà.

Số ca mắc tỉnh Hưng Yên những ngày qua tập trung nhiều ở các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Tiên Lữ và TP Hưng Yên. Hiện toàn tỉnh này đang triển khai 9 cơ sở thu dung, điều trị F0 với tổng số 2.600 nghìn F0.

Ngoài ra, BVĐK tỉnh Hưng Yên cũng đang bố trí 50 giường hồi sức tích cực cho tầng 3 điều trị COVID-19; đề xuất bổ sung 50 giường hồi sức tầng 3 ở BVĐK Phố Nối và 50 giường tại BVĐK Hưng Hà.

Tỉnh Hưng Yên yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến", quản lý công nhân, nhân viên chặt chẽ, nghiêm túc. Sở Y tế hướng dẫn thực hiện cách ly, thu dung, điều trị F0 tại nhà đúng quy định; chuẩn bị thuốc cho công tác điều trị, không để thiếu thuốc. Mỗi huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị cơ sở cách ly, thu dung, điều trị F0 tập trung 500 giường, người dân về quê ăn Tết phải có kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang