Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 6/10/2016

  • |
T5g.org.vn - Lùm xùm đấu thầu tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM; Nhiều người trẻ mắc ung thư dạ dày, đại trực tràng; Tạm đình chỉ phòng khám có bác sĩ bị tố “sàm sỡ” bệnh nhân…

Lùm xùm đấu thầu tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM

Bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM, đến hết tháng 9/2016 phải đưa Khu khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng TPHCM ở huyện Bình Chánh vào hoạt động, đến nay mọi chuyện vẫn án binh bất động. Khuất tất trong đấu thầu các gói trang thiết bị nơi đây được cho là nguyên nhân khiến mọi việc vẫn dang dở.

Thay đổi xoành xoạch

Rút kinh nghiệm từ các gói thầu trang thiết bị trước đây “trúng” hàng Trung Quốc kém chất lượng, giữa tháng 8/2016, lãnh đạo TPHCM đã có công văn gửi Sở Y tế nêu rõ, trong hơn 10 gói thầu thiết bị y tế phải đạt tiêu chí tất cả được sản xuất chính hãng tại các nước trong khối G7. “Đấu thầu trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố phải đạt tiêu chí các thiết bị y tế phải được sản xuất chính hãng tại các nước G7 gồm Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ý.

Nhà cung cấp phải được ủy quyền của hãng và có cam kết bảo hành thiết bị sau khi được sử dụng”- công văn nêu rõ. Thậm chí, bà Nguyễn Thị Thu- Phó Chủ tịch UBND TPHCM trong các cuộc họp với cơ quan chức năng nhiều lần khẳng định lại: “Các gói thầu phải là thiết bị có xuất xứ G7, châu Âu chứ không làm khác. Nếu làm bậy mai mốt thanh kiểm tra ra ai vi phạm thì sẽ bị xử lý”.

Vậy nhưng mọi chuyện không diễn ra như chỉ đạo khi Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế, thuộc Sở Y tế TPHCM, nơi được giao làm chủ đầu tư bệnh viện này “bất tuân thượng lệnh”. “Họ cứ sửa hồ sơ xoành xoạch dù hồ sơ đã bán đi”- ông D. một nhà thầu ta thán. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong trong 11 gói thầu trang thiết bị y tế có giá trị hơn 1.300 tỷ đồng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ nhưng khi đưa ra mời thầu gói thầu nào cũng bị sửa lại theo hướng thay đổi nhiều chi tiết.

Một nhà thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chống nhiễm khuẩn nói rằng, họ đã bị loại tức tưởi khi doanh nghiệp khác đã mánh khóe kết hợp các gói trang thiết bị lại để có gói thầu trị giá lớn. “Họ làm vậy để loại các nhà thầu nhỏ, nhằm mục đích thao túng giá trúng thầu”- người này nói.

 Dẫn chứng từ gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chống nhiễm khuẩn, cho thấy gói thầu này có đến 69 mặt hàng, có thể chia thành các gói nhỏ, độc lập như: gói các thiết bị inox; máy rửa và sấy khô giường, xe chuyển bệnh, băng ca; gói thiết bị giặt là và gói các loại máy tiệt trùng… Đơn vị tư vấn đấu thầu cho Bệnh viện Nhi đồng TPHCM là Công ty Mediconsul VN đã cố tình gom hết lại thành một gói lớn.

Từ “chiêu” này dẫn đến hồ sơ yêu cầu năng lực các nhà thầu được quy định “giá trị hợp đồng tương tự đã thực hiện 70 tỷ đồng” và “doanh thu bình quân hằng năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh tối thiểu 138 tỷ đồng”. Với cách làm này nên… chỉ có một công ty đáp ứng được tiêu chí trên. 4 đơn vị tham gia đấu thầu khác đã bị loại.

Cũng trong gói thầu này, công ty tư vấn đã chia nguồn gốc xuất xứ thiết bị ra làm 3 nhóm, gồm thiết bị xuất xứ từ các nước Đức- Nhật- Hoa Kỳ và Anh; nhóm thiết bị xuất xứ từ Canada, Pháp, Ý và nhóm các nước còn lại.

Một nhà thầu cho biết, đơn vị tư vấn đã “chẻ” thiết bị nhóm G7 ra làm 2 để đánh giá, chênh lệch giữa 2 nhóm đến 20% mà không dựa trên cơ sở khoa học nào. Trong khi ở nhóm còn lại, các sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, các nước châu Âu đều được đánh đồng như Trung Quốc và các nước châu Á khác. “Điều này không ngoài mục đích tăng lợi thế cho một số nhãn hiệu nào đó”- các nhà thầu đặt nghi vấn và cho biết, hậu quả là bác sĩ của bệnh viện phải sử dụng thiết bị trời ơi.

Ai thao túng?

Dù Bộ Y tế đã phê duyệt gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị hồi sức nhưng ngày 22/8 vừa qua, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế lại có công văn đến các đơn vị mua, nhận hồ sơ mời thầu gói này thông báo điều chỉnh hàng loạt tiêu chí cấu hình và thông số thiết bị theo hướng… hạ xuống so với ban đầu. Theo đó, 24 thiết bị được điều chỉnh thông số kỹ thuật.

Đơn cử như, máy thở di động từ thể tích khí thở vào từ 0-999ml bị “điều chỉnh” xuống từ 0 đến lớn hơn hoặc bằng 2.000ml; chỉ số ngưng thở cũng điều chỉnh từ 0-99ev/h bằng cách hạ xuống còn 0 đến lớn hơn hoặc bằng 50 lần/giờ…

Tương tự, ở thiết bị máy theo dõi bệnh nhân 6 thông số yêu cầu trong hồ sơ ban đầu được Bộ Y tế duyệt là ắc quy dự phòng dùng liên tục lớn hơn 100 phút, sau đó sửa hạ xuống còn lớn hơn hoặc bằng 90 phút; nguồn pin của ắc quy cho máy có thời gian sử dụng lớn hơn hoặc bằng 2 giờ, cũng được hạ xuống lớn hơn hoặc bằng 90 phút.

Theo yêu cầu, với bộ dụng cụ cấp cứu nhi, nhà sản xuất phải đưa ra sản phẩm đạt chất lượng quốc tế ISO 9001 hoặc ISO 13485 và sản phẩm cung cấp phải đạt ít nhất một trong các chứng chỉ CE theo tiêu chuẩn châu Âu hoặc FDA của Mỹ.

Tuy nhiên, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế đã sửa lại, bỏ luôn yêu cầu sản phẩm cung cấp phải đạt ít nhất một trong các chứng chỉ CE hoặc FDA. Thậm chí, ở sản phẩm Bộ dụng cụ bộc lộ tĩnh mạch cho bệnh nhi được duyệt phải có danh sách công việc bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, có đội ngũ kỹ sư hằng năm bảo trì định kỳ… đều được chủ đầu tư bệnh viện “điều chỉnh” bỏ hết các nội dung trên.

Ở gói thầu “cung cấp và lắp đặt thiết bị phục vụ khoa phòng”, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế cũng điều chỉnh hồ sơ thầu hàng loạt thiết bị, trong đó, nhiều mục như máy sấy thực phẩm dù yêu cầu nhà sản xuất phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001 nhưng bị điều chỉnh bỏ đi. Nhiều mục bảo hành, bảo trì bị bỏ, các tiêu chuẩn cao như CE, FDA bị bỏ ra ngoài dù hồ sơ ban đầu có đưa vào.

Một ngày sau những “điều chỉnh” trên được tung ra, bà Cầm Thị Thu Hiền - Giám đốc Công ty CP kỹ thuật và Thiết bị y tế Sài Gòn đã phản ứng bằng văn bản gửi chủ đầu tư. Đơn vị này đề nghị làm rõ hồ sơ mời thầu liên quan đến gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị chẩn đoán hình ảnh.

“Việc điều chỉnh chấm điểm 0 nếu không đạt mục 43 (dung lượng nhiệt Anode tối đa lớn hơn hoặc bằng 3.5 MHU) là nhằm hạn chế gần như phần lớn các trang thiết bị có tên tuổi và chất lượng như Siemens, Philips, Toshiba và chỉ có duy nhất hệ thống thiết bị DSA của Hãng GE có thể đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật này”- kiến nghị nêu rõ. Bà Hiền cho rằng, việc chấm điểm như trên sẽ dẫn đến việc chỉ định thầu cho Hãng GE của Mỹ đồng thời đề nghị giữ nguyên cách chấm điểm như hồ sơ mời thầu ban đầu chứ không sửa nữa.

 

    Trong một lá đơn gửi đến Bí thư Thành ủy và UBND TPHCM, một công ty chuyên về trang thiết bị y tế, tham gia vào các gói thầu trên (xin giấu tên) tố Công ty Mediconsul VN “lật kèo”. Theo công ty này, trước khi tham gia đấu thầu thì công ty tư vấn Mediconsul VN cam kết họ là đơn vị thay mặt cho UBND TPHCM và Sở Y tế thực hiện toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu và giám sát lắp đặt thiết bị y tế.

    “Công ty tư vấn sẽ lập hồ sơ mời thầu đảm bảo đề xuất các tiêu chí phù hợp với thiết bị của chúng tôi tham gia đấu thầu, chúng tôi sẽ thanh toán phí tư vấn cho đơn vị tổng cộng 5% giá trị trúng thầu cho mỗi gói thầu. Chúng tôi đã nộp trước cho công ty 2%, phần còn lại nộp sau khi trúng thầu”, đại diện doanh nghiệp này viết, đồng thời cho biết, sau đó Mediconsul VN đã điều chỉnh hồ sơ mời thầu gây bất lợi cho doanh nghiệp của họ và nhiều gói thầu bị điều chỉnh như vậy.

( Tiền phong trang 5)

 

Nhiều người trẻ mắc ung thư dạ dày, đại trực tràng

Mỗi tuần, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư dạ dày, trực tràng. GS.TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Việt Đức cho biết, những người mắc các bệnh ung thư dạ dày, trực tràng đang trẻ hoá.

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận một bệnh nhân nam ở Hà Nội có u trực tràng đã chuyển sang ung thư và hiện giờ đã di căn toàn bộ gan. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán khối u đó phát triển ít nhất đã 2 năm gần đây mà người bệnh không hay biết, không đi khám để phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy các tế bào ung thứ nhân lên nhanh chóng.

GS.TS Trần Bình Giang cho biết nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh đã muộn như trường hợp nói trên mặc dù Việt Nam đã áp dụng các kỹ thuật phát hiện sớm bệnh. Nguyên nhân là do người bệnh e ngại việc khám sức khỏe định kỳ, nội soi dạ dày theo chỉ định ở những người có nguy cơ cao. Thống kê cho thấy tại Việt Nam cứ 100.000 người thì có ít nhất 14 người tử vong do ung thư dạ dày. Trước kia, bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi, nhưng hiện nay ngày càng nhiều người trẻ mắc hai bệnh này, có bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối khi chưa đến 30 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ.

Tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi tuần mổ từ 150-200 ca thì có khoảng 20 ca ung thư dạ dày, đại tràng. Tỷ lệ các ca ung thư khác như: ung thư não, phổi, tuyến giáp, gan cũng chiếm tới 30%. Điều đáng nói là ung thư dạ dày, đại tràng là những bệnh diễn tiến chậm, nhưng do nhiều người dân chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ và không làm nội soi dạ dày, đại tràng theo khuyến cáo nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.  Có nhiều bệnh nhân khi hỏi sợ mổ, đi sử dụng các biện pháp như bỏ đói tế bào, ăn gạo lứt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, các ca tử vong có liên quan đến bệnh không truyền nhiễm hiện chiếm khoảng 75% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tính trên đầu người do ung thư dạ dày ở Nhật Bản là 13,8/100.000 người, trong khi tỷ lệ tại Việt Nam là 14,3/100.000   gần như tương đương với Nhật Bản. Tại Nhật Bản, 40% số ca phẫu thuật ung thư dạ dày được thực hiện dưới hình ảnh nội soi hỗ trợ phẫu thuật và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng do phát hiện sớm. Trong khi đó Việt Nam cũng áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện, nhưng số bệnh nhân được phát hiện sớm vẫn còn hạn chế do người bệnh e ngại việc khám sức khỏe định kỳ, nội soi dạ dày theo chỉ định ở những người có nguy cơ cao.

Cần khám định kỳ, phát hiện sớm bệnh

GS Giang khuyến cáo, cho dù sức khỏe bình thường thì những phụ nữ từ 40 tuổi, nam giới từ 45 tuổi trở lên nên đi nội soi để kiểm tra dạ dày, đại tràng.

Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, thuộc 10 vị trí ung thư thường gặp nhất. Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi và hàng thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt, tuy nhiên, nếu được phát hiện muộn thì cũng giống như tất cả các loại ung thư khác, khả năng điều trị ít hiệu quả. GS Giang cũng cho biết, hiện nay việc nội soi có gây mê giúp người bệnh không khó chịu, không đau như trước nữa. Nếu phát hiện polip thì phải cắt, phải xét nghiệm, nếu là polip loạn sản, nguy hiểm thì 6 tháng nội soi lại, còn lại cứ 1 năm sau đi kiểm tra nếu có các bất thường khác.(  Tiền phong trang 6)

 

Tạm đình chỉ phòng khám có bác sĩ bị tố “sàm sỡ” bệnh nhân

Qua kiểm tra, phát hiện phòng khám B.S.L. (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chỉ được phép khám, chữa bệnh nội khoa nhưng lại khám về sản phụ khoa.

Ngày 5-10, thông tin từ Sở Y tế Đồng Nai cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động phòng khám B.S.L do hoạt động vượt phạm vi chuyên môn cho phép.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Dũng - chánh thanh tra Sở Y tế Đồng Nai, cho biết đoàn thanh tra của sở vừa kiểm tra hoạt động của phòng khám B.S.L.

Thời điểm kiểm tra, phòng khám đang ngừng hoạt động. Qua kiểm tra phát hiện, phòng khám B.S.L. chỉ được phép khám, chữa bệnh nội khoa nhưng lại khám về sản phụ khoa. Do đó, đoàn đã tạm đình chỉ hoạt động và mời đại diện phòng khám lên làm việc cụ thể.

Cũng liên quan đến phòng khám trên, công an TP. Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đã thụ lý vụ việc nữ bệnh nhân N.T.K. (18 tuổi, quê Bạc Liêu) tố bị bác sĩ N.H.L. (52 tuổi, chủ phòng khám) “giở trò” trong lúc khám phụ khoa.

Đồng thời, mời các bên liên quan lên làm việc, ghi nhận lời khai và tổ chức đưa nữ bệnh nhân đi giám định để điều tra vụ việc.( Tuổi trẻ trang 5, Sài Gòn giải phóng trang 7)

 

Quản lý bệnh nhân lao dựa vào cộng đồng

Để bảo đảm hiệu quả quản lý, điều trị bệnh nhân lao đáp ứng kịp thời tình hình cung ứng thuốc điều trị lao có nhiều biến động, từ đầu năm 2016 đến nay, Trung tâm Phòng chống lao và Bệnh phổi Hà Đông đã triển khai các nội dung sửa đổi trong việc áp dụng phác đồ điều trị bệnh lao bằng công thức sử dụng Rifampicin trong cả liệu trình điều trị…( Hà Nội mới trang 5)

 

TP.HCM tăng cường phòng chống dịch bệnh

Ngày 5.10, Sở Y tế TP.HCM họp với 24 quận, huyện về tình hình phòng, chống các loại dịch bệnh trên địa bàn TP. Từ đầu năm đến nay, TP có gần 13.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2015, có 3 ca tử vong… Sở Y tế đã chỉ đạo các quận, huyện tăng cường phòng chống dịch bệnh, khống chế ổ dịch bệnh không để lây lan.( Thanh niên trang 2)

 

Bác sĩ “soái ca”

“Xã hội còn nhiều người tốt” – một câu nói chắc ai cũng từng nghe, từng biết nhưng vì nghe nhiều quá nên có lẽ chẳng để tâm mấy. Vậy mà, cũng là câu này, khi nghe bác sĩ Nguyễn Xuân Anh – Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO nói, người viết ghi chép đã thoáng giật mình: “Ừ nhỉ”. “Đừng viết về anh, hãy viết về lòng tốt. Anh thấy xã hội còn nhiều người tốt lắm, thật đấy! Nếu không có những lòng tốt ấy, một mình anh cũng chẳng thể làm được gì nhiều cho bệnh nhân”, bác sĩ Xuân Anh ngoái lại, trước khi cánh cửa phòng mổ khép lại…( Lao động trang 1)

 

Cấp bách đổi mới đào tạo nhân lực y tế

Công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế (chủ yếu là trình độ bác sĩ) của Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn, bất cập. Đó là việc chưa phù hợp, chưa mang tính đặc thù và chưa hội nhập quốc tế. Điều đó đòi hỏi cần phải có những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài.

Nhận diện những bất cập

Quy mô đào tạo bác sĩ của Việt Nam tăng đáng kể trong khoảng mười năm gần đây. Tuy nhiên, đến nay số lượng bác sĩ ở nước ta vẫn rất thiếu, mới đạt tỷ lệ tám bác sĩ/10 nghìn dân, trong khi tại nhiều nước tỷ lệ này từ 20 đến 30 bác sĩ/10 nghìn dân. Không chỉ thiếu về số lượng, mà yếu cả về chất lượng khi công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam hiện bộc lộ nhiều bất cập. Các quy định cho đào tạo nhân lực y tế ở Việt Nam còn chưa phù hợp, chưa mang tính đặc thù và chưa hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn, tiêu chí về cơ sở đào tạo, cơ sở thực hành, đội ngũ giảng viên và cơ chế tài chính không phù hợp để bảo đảm chất lượng.

Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi cho biết: Từ năm 2008 đến nay số lượng các cơ sở đào tạo trình độ đại học y khoa tăng từ 8 lên 24, nhưng nhiều tiêu chí đối với chuyên ngành đào tạo này chưa được chú trọng đúng mức như cơ sở thực hành, chuyên môn của giảng viên; cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo y khoa mới ở mức kiểm định cơ sở đào tạo mà chưa tiếp cận đến chương trình đào tạo; đánh giá sinh viên nặng về kiến thức thay vì năng lực, kỹ năng thực hành. Mặc dù là ngành nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, nhưng tiêu chí thành lập cơ sở đào tạo y tế còn đơn giản, bệnh viện thực hành, chuyên môn của giảng viên chưa được đánh giá đúng…

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Chương trình đào tạo chưa được điều chỉnh để đáp ứng với thay đổi của môi trường (cơ cấu bệnh tật, hệ thống y tế và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân), vẫn dựa trên chương trình cũ (đào tạo nặng về kiến thức lý thuyết). Do vậy chất lượng nhân lực y tế không đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, là việc vẫn lẫn lộn giữa hệ nghiên cứu (thạc sĩ, tiến sĩ) và thực hành (bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II). Hiện nay, thời gian đào tạo bác sĩ là sáu năm, sau đó thực hành 18 tháng sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề một lần (có giá trị suốt cuộc đời) mà không qua thi cử, điều này khác với nhiều quốc gia trên thế giới…

GS,TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng, chất lượng nhân lực y tế nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều nước trên thế giới sáu năm chưa đủ để hành nghề mà bắt buộc đào tạo từ 12 đến 13 năm, trong đó việc đào tạo thực hành chiếm một nửa thời gian. Còn Việt Nam đang đào tạo bác sĩ sáu năm, sinh viên ra trường được “quẳng” về bệnh viện để tự xoay xở. Với kiến thức thuần lý thuyết, chắc chắn bác sĩ đó không làm được mà phải “đi theo đàn anh” để học tập. Nhưng không biết học đến bao giờ mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh vì hiện không có chuẩn để “đo” chất lượng bác sĩ.

Đổi mới để tăng cả chất và lượng

Việc đào tạo nhân lực y tế trong thời gian tới được Bộ Y tế xác định sẽ tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới để tăng cả chất lượng và số lượng. Trước mắt đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam; gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế. Đồng thời điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống giáo dục đại học...

Tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực y tế" mới đây, các chuyên gia quốc tế cho rằng điều quan trọng nhất là cần xác định mục tiêu đào tạo y khoa theo hướng nghiên cứu hay thực hành. Nếu là định hướng thực hành (khám, chữa bệnh) thì cơ sở thực hành cho sinh viên y khoa là vấn đề đáng lưu tâm và cần phải được chuẩn hóa về người giảng dạy cũng như khả năng tiếp nhận sinh viên. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Việc đào tạo đúng nguồn nhân lực phù hợp với từng đơn vị sẽ mang đến hiệu quả tích cực. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Y tế đề xuất mô hình đào tạo mới, theo đó, Bộ Y tế sẽ quản lý hệ đào tạo hành nghề khám, chữa bệnh, cấp bằng cử nhân y khoa, chứng chỉ hành nghề… còn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lý đào tạo hệ nghiên cứu.

Bộ Y tế đang xây dựng và dự kiến trình cấp thẩm quyền đề xuất mô hình đào tạo nhân lực y tế mới. Theo đó, sau bốn năm học, sinh viên có thể dừng lại không học tiếp, để lựa chọn ngành học khác phù hợp hoặc mong muốn sớm tham gia thị trường lao động, và có thể được cấp bằng Cử nhân Y khoa. Tất cả sinh viên theo học hệ bác sĩ (trừ bác sĩ răng - hàm - mặt có quy trình đào tạo riêng) đều phải trải qua bảy năm đào tạo kiến thức chung của quốc gia về y học. Trong đó bốn năm đầu là trình độ cử nhân y khoa, tiếp theo hai năm là đào tạo bác sĩ y khoa và một năm thực tập tiền hành nghề, chú trọng vào thực hành đa khoa. Các sinh viên chuyên khoa y học cổ truyền và y học dự phòng sẽ tiếp tục đào tạo chuyên khoa lựa chọn của mình sau khi kết thúc bảy năm đào tạo chung. Sau bảy năm đào tạo kiến thức chung của quốc gia về y học, sinh viên có thể được cấp chứng chỉ hành nghề y đa khoa và tham gia lực lượng lao động, đáp ứng ngay nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân ở tuyến cơ sở. Một số sinh viên có thể học tiếp chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa kéo dài từ hai đến ba năm, tùy theo từng chuyên ngành (khi kết thúc sẽ trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề trong phạm vi chuyên khoa đã học). Một số bác sĩ chuyên khoa có thể tiếp tục lựa chọn học thêm chương trình đào tạo chuyên khoa sâu với thời lượng tùy theo từng chuyên ngành (khi kết thúc sẽ trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề trong phạm vi chuyên khoa sâu đã học).

Theo PGS, TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, mô hình này được xây dựng trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học y dược Việt Nam. Mô hình mới là hợp lý, giải quyết được những bất cập mà mô hình hiện tại đang gặp phải. Nhưng để triển khai đào tạo theo mô hình mới cần điều chỉnh, có quy định, chính sách cụ thể của nhiều vấn đề liên quan. Ngoài ra, Hội đồng hiệu trưởng cũng thống nhất đề xuất phải tổ chức kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề đa khoa cho các bác sĩ kết thúc một năm thực tập tiền hành nghề. Việc tổ chức kỳ thi quốc gia này bao gồm cả thi lý thuyết và thực hành, nhằm bảo đảm chất lượng các bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề trong cả nước.

Đổi mới công tác đào tạo nhân lực y tế của Việt Nam là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của các cơ quan quản lý và đồng thuận, tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo. Mục tiêu cao nhất của đổi mới là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23-2-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ: Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Tuy nhiên, việc thể chế hóa quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị vẫn còn hạn chế, các quy định hiện nay chưa thể hiện được tính “đặc biệt” trong đào tạo nhân lực y tế.

Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Y tế

( Nhân dân trang 5)

 

Nhiểu ổ dịch bùng phát ở miền núi phía Bắc

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Yên Bá, Điện Biên, Sơn La đã xuất hiện các ổ dịch ho gà, tiêu chảy, uốn ván, sơ sinh… Riêng Sơn La, cả ba năm liền đều có các trường hợp mắc và chết do uốn ván sơ sinh – căn bệnh đã được Việt Nam công bố khống chế nhưng nay xuất hiện trở lại. Riêng ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), từ đầu năm 2016 đến nay đã có tới 3 ổ dịch: viêm não do coxackie, lỵ trực khuẩn và ho gà. Đây là những thông tin do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Y tế tổ chức ngày 5-10…( Công an nhân dân trang 2)

 

Phẫu thuật khẩn cứu người bị vỡ gan

Ngày 5.10, TS-BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TPHCM) cho biết nơi đây vừa phẫu thuật khẩn cứu sống anh L.T.K. bị dập vỡ gan, mất hơn 3 lít máu, sốc nặng. Hiện nạn nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định và được chăm sóc đặc biệt…(Thanh niên trang 2)

 

Thay khớp háng nhân tạo thành công cho bệnh nhân 100 tuổi

Chiều ngày 5-10, bác sĩ Phan Hữu Chỉnh – Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, một bệnh nhân cao tuổi nhất từ trước đến nay vừa được bệnh viện thay khớp háng thành công.

Đó là trường hợp ông Hồ Túc, 100 tuổi, trú ở xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang, bị chấn thương chân do té ngã, được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau nhức.

Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ khoa ngoại chấn thương Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa nhận định bênh nhân bị gãy cổ xương đùi trái, nếu không can thiệp kịp thời bằng phẫu thuật sẽ bị liệt dẫn đến những biến chứng có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Dù bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, tiền sử bệnh lý mạch vành và huyết áp, nguy cơ tai biến trong phẫu thuật rất cao, nhưng các bác sĩ đã nỗ lực phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

5 ngày sau ca phẫu thuật, ông Hồ Túc đã tự ngồi dậy, tập đi lại và đã hồi phục sức khỏe.( Công an nhân dân trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang