Linh hoạt ứng phó sự gia tăng của dịch bệnh
Ít khi nào có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm cùng gia tăng như giai đoạn gần đây. Dịch Covid-19 vẫn là mối đe dọa y tế công cộng, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp… bên cạnh đó ghi nhận sự gia tăng ca mắc Adenovirus và mới nhất là đậu mùa khỉ.
Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không quá lo lắng, cần linh hoạt và chủ động trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp.
Giám sát phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ
Ngày 3/10, Bộ Y tế chính thức công bố kết quả xét nghiệm giải trình tự gien xác định ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Đó là một nữ bệnh nhân 35 tuổi, thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, khởi phát bệnh khi đang du lịch nước ngoài với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho; xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh với tình trạng sức khỏe phục hồi tốt. Với những thông tin khai thác qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Real time PCR, giải trình tự gien, Bộ Y tế đánh giá đây là trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ có nguồn lây từ nước ngoài; các trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh (kể từ khi về nước) đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.
Theo GS,TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh đậu mùa khỉ hiện đã ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi). Với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập bệnh vào Việt Nam là hiện hữu.
Hiện nay, ngành y tế đã xây dựng kịch bản khi chưa có ca bệnh; khi có ca xâm nhập và khi có ca lây trong cộng đồng. Các kịch bản đều linh hoạt để bảo đảm kịp thời phòng, chống dịch.
Để chủ động ứng phó dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng, hoàn thiện và triển khai kế hoạch đáp ứng với bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương; đẩy mạnh việc thực hiện giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dựa vào cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Các địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; bảo đảm việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế; rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí.
Khi ghi nhận ca bệnh, khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng; tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Đối với người dân, cần thực hiện các biện pháp dự phòng theo khuyến cáo, như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà-phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Những người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống), khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Không xét nghiệm tràn lan Adenovirus
Từ đầu tháng 9 đến nay số trẻ nhiễm Adenovirus tiếp tục gia tăng. Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện này ghi nhận hơn 3.130 trường hợp mắc Adenovirus, trong đó có chín ca tử vong. Số ca bệnh có xu hướng tăng nhanh theo từng tuần từ giữa tháng 9 đến nay, tuần từ ngày 12 đến 18/9 chỉ ghi nhận 168 ca, tuần từ ngày 26/9 đến 2/10 ghi nhận gần 1.150 ca. Chỉ trong ba tuần, bệnh viện ghi nhận gần 2.900 trẻ, chủ yếu trong độ tuổi 1 đến 3 mắc bệnh.
Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc Adenovirus đang điều trị, trong đó có hơn 40 ca nặng, nguy kịch. Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, không chỉ gia tăng số bệnh nhân mắc so với các năm trước, kèm theo đó là tỷ lệ nhập viện cao, hơn 50% số ca phát hiện. Bệnh nhi nhiễm Adenovirus có triệu chứng sốt cao liên tục từ ba đến bốn ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp.
GS, TS Phạm Nhật An, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ những năm 50 của thế kỷ 20 và là bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Tuy nhiên virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ... và có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các bề mặt nhiễm cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2. Chính vì vậy các chuyên gia nhi khoa lưu ý, vấn đề sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị rất quan trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng phải phân luồng từ khu vực phòng khám; khi chẩn đoán khẳng định trẻ mắc Adenovirus phải có buồng điều trị riêng. Hiện hội đồng chuyên môn đang xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adenovirus cho trẻ em, trong đó sẽ có tiêu chuẩn nhập viện và những hướng dẫn về xét nghiệm để tránh xét nghiệm không cần thiết.
PGS, TS Trần Minh Điển cho rằng cần cá thể hóa từng ca bệnh, không xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết. Việc xét nghiệm phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này tùy từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm.
Hiện các bệnh viện tuyến trung ương như: Nhi, Bạch Mai, E… và các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội như: Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn… một số cơ sở ngoài công lập đã chủ động bảo đảm cơ số giường bệnh để đáp ứng việc điều trị cho người bệnh mắc Adenovirus. (Nhân dân, trang 8).
Ngăn chặn hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng thuốc
Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông qua công tác hậu kiểm đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh dược vi phạm trong việc bán buôn thuốc thành phẩm cho cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc. Trong đó, một số đối tượng có hành vi tẩy xóa, thay đổi hạn sử dụng của thuốc để đưa ra lưu hành trên thị trường. Cục Quản lý Dược đã xử phạt vi phạm theo thẩm quyền; các đối tượng vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Giống như thực phẩm, mỗi viên thuốc đều có một vòng đời với ngày sản xuất, hết hạn rõ ràng và sự an toàn, hiệu quả cao nhất của thuốc là được sử dụng trong hạn mức. Tuy nhiên, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà những người kinh doanh mặt hàng đặc biệt này sẵn sàng tẩy xóa, sửa đổi lại những loại thuốc đã hết hạn.
Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Phương Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, hạn dùng thuốc là thời gian sử dụng được ấn định cho một lô thuốc mà sau thời hạn này thuốc không được phép sử dụng. Có thể hiểu hạn sử dụng của thuốc là ngày cuối cùng mà nhà sản xuất bảo đảm hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc đó trong điều kiện bảo quản tiêu chuẩn.
Nếu người bệnh sử dụng thuốc hết hạn trong quá trình điều trị thì sẽ không khỏi bệnh mà còn khiến bệnh nặng hơn, làm lỡ khoảng “thời gian vàng” để điều trị bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc một số biến chứng, tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, nổi mẩn khắp người, sốc phản vệ và thậm chí tử vong nếu là các thuốc đặc trị. Nguyên nhân là khi thuốc hết hạn sẽ không còn nguyên tính chất, công dụng ban đầu mà thường sinh ra những hợp chất có độc tính cao có thể gây độc cho cơ thể. Độc ở đây là do biến chất của hoạt chất trong thuốc hoặc do biến chất của chất bảo quản, do hư hỏng dạng bào chế hoặc thuốc bị nhiễm tạp chất, nhiễm khuẩn...
Điển hình là thuốc kháng sinh tetracyclin - tetracyclin quá hạn sử dụng sẽ trở nên rất độc, gây hại cho thận. Với bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp, nếu dùng thuốc hết hạn sử dụng thì huyết áp sẽ không được điều chỉnh kịp thời, đúng chu kỳ, từ đó có thể xảy ra tình trạng đột quỵ, tai biến mạch máu não do huyết áp tăng cao bất ngờ. Nguy hiểm hơn nữa là biến chứng vỡ mạch máu não dẫn tới liệt hay hôn mê, thậm chí tử vong...
Để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc quá hạn, thuốc không bảo đảm chất lượng, người bệnh không nên xóa, bóc nhãn thuốc, không tự ý chuyển thuốc vào hộp chứa khác. Phải bảo quản thuốc theo hướng dẫn sử dụng. Cất thuốc lên cao và tránh xa tầm tay của trẻ em. Người dân chỉ nên mua, sử dụng thuốc tại những nhà thuốc, cơ sở y tế đáng tin cậy... Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp bán thuốc cho cơ sở không có chức năng kinh doanh dược; kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng. (Nhân dân, trang 4).
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế bổ sung 2 chính sách về Luật Dược
Chính phủ vừa có văn bản về việc thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế bổ sung thêm 2 chính sách vào đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Theo đó, chính sách thứ nhất là đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, ưu tiên nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc phát minh, thuốc công nghệ cao, thuốc, nguyên liệu sinh học, thuốc dược liệu chuẩn hóa, nguyên liệu từ nguồn dược liệu có sẵn trong nước. Chính sách thứ hai là tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện Đề nghị xây dựng luật với các nội dung về bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới; về tăng cường hơn nữa việc cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; về nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thông lệ quốc tế.
Chính phủ giao Bộ Y tế chỉnh sửa lại 3 chính sách nêu trên thành nhiều chính sách hơn với các giải pháp của chính sách theo hướng đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dược, đề xuất đầy đủ các giải pháp, nội dung quy định cần sửa đổi, bảo đảm toàn diện, khả thi.
Ngoài ra, Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách, bổ sung hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, thống nhất, khả thi; hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật, gửi Bộ Tư pháp để đề nghị Quốc hội bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo quy định. (Hà Nội mới, trang 1).
Cảnh báo bệnh nhiễm trùng mới nổi
Từ đầu năm 2020, đặc biệt sau khi xuất hiện làn sóng COVID-19, số lượng bệnh nhân bị nấm đen tăng nhanh. Ðây là một bệnh nhiễm trùng mới nổi nghiêm trọng do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra.
Khó khăn chuẩn đoán
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Bệnh viện có hơn 20 trường hợp bị bệnh nấm đen nhập viện điều trị. Các bệnh nhân nhiễm nấm đen đến chủ yếu từ các khoa Tai mũi họng, Hồi sức tích cực, Thần kinh, Mắt, Nội tiết - Đái tháo đường. Đa số các bệnh nhân này đều có bệnh nền khi nhập viện và trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có các tổn thương nhiễm nấm ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh…
Đây là dạng nấm xâm nhập đã được y văn thế giới nhắc đến, đặc biệt là tại Ấn Độ trong giai đoạn vừa qua với số lượng bệnh nhân tăng đột biến, là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao sau khi nhiễm COVID -19.
“Nấm đen là một bệnh nhiễm trùng mới nổi nghiêm trọng do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra. Nhóm nấm Mucor tạo ra hàng triệu bào tử lơ lửng trong không khí, thường phát triển vào mùa hè và mùa thu. Những bào tử này khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có các chất hữu cơ thối rữa: Lá cây, gỗ mục nát, phân động vật hoặc đất, chúng bắt đầu nảy mầm và tạo ra sợi nấm. Nấm xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua 2 con đường: Hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang và xâm nhập qua da bởi vết cắt, vết xước, vết cào, vết bỏng và một số tổn thương da khác”, PGS. Cường cho biết.
Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh là người từng mắc COVID-19; bệnh nhân đái tháo đường type 2, đặc biệt là có tình trạng nhiễm toan ceton; bệnh nhân ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticosteroid kéo dài; người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV; người bị chấn thương da do phẫu thuật, bỏng; trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng. Bệnh nhiễm nấm đen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng nơi nấm phát triển. Nó có thể dẫn đến mũi bị hoại tử thâm đen hoặc đổi màu, đau mặt, đau vùng xoang lan lên mắt, đau đầu, đau ngực, khó thở và ho ra máu.
Các chuyên gia truyền nhiễm cho biết, việc chẩn đoán còn khó khăn vì triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp, bệnh phẩm nuôi cấy khó mọc, cần có các nhà giải phẫu bệnh học có kinh nghiệm để đọc tiêu bản.
Tỉ lệ tử vong cao
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay: “Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ có hướng dẫn chung cho các bệnh nhân nhiễm nấm, chưa có hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nấm đen. Việc điều trị nấm đen đang sử dụng các thuốc chống nấm truyền tĩnh mạch là Amphotericin B, thời gian giai đoạn tấn công là 2 - 4 tuần. Tuy nhiên, thuốc này có nhiều độc tính và rất đắt tiền, bảo hiểm y tế chỉ chi trả 50%. Chúng tôi gặp khó khăn nữa trong điều trị là hết giai đoạn tấn công, bệnh nhân khó có thể tìm được thuốc cho giai đoạn duy trì, đó là thuốc Posaconazol hoặc Isavuconazol. Đây là các thuốc khó tìm tại thị trường Việt Nam và rất đắt tiền nên bệnh nhân thường bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị. Do đó bệnh dễ bị tái phát trở lại, nấm có thể ăn sâu thêm và tổn thương nặng nề hơn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tử vong cao cho nhóm bệnh này”.
Ông Cường kiến nghị Bộ Y tế sớm đưa ra phác đồ điều trị dành riêng cho loại bệnh này, nhập được thuốc và có chính sách bảo hiểm y tế chi trả cho những bệnh nhân nhiễm nấm đen. “Hiện tại, không có thuốc hay vắc xin chủng ngừa để ngăn chặn bệnh nấm đen. Để phòng bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, ung thư, suy giảm miễn dịch, hậu COVID-19, nên tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường. Đeo khẩu trang hiệu suất lọc trên 95% có than hoạt tính khi phải đến khu vực có nhiều khói bụi; vệ sinh vùng da bị thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da”, PGS. Cường khuyến cáo.
Bác sĩ cũng khuyến cáo bệnh nhân cần điều trị và kiểm soát tốt bệnh nền. Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nấm đen cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và phát hiện, điều trị thuốc chống nấm sớm, đúng phác đồ để hạn chế tỉ lệ tử vong. (Tiền phong, trang 4).
Có nên tiêm vắc xin ngừa đậu mùa khỉ?
Sự xuất hiện của ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế khẳng định đã trong tầm kiểm soát và khó có khả năng lây lan. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là có nên tiêm vắc xin để phòng bệnh?
“Sự xuất hiện của ca bệnh đậu mùa khỉ không có gì bất ngờ trong bối cảnh thế giới đang mở cửa, giao lưu trở lại sau đại dịch COVID-19”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định.
Theo kết quả giải trình tự gene, nữ bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade Iib - có nguồn gốc từ Tây Phi, lây lan chậm và tỉ lệ tử vong thấp hơn so với chủng Trung Phi. Đây là chủng đang lưu hành phổ biến tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Dù vậy, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý cần thận trọng, bởi hầu hết các trường hợp ghi nhận mắc bệnh trên thế giới nằm ở nhóm đối tượng, lứa tuổi chưa phải nguy cơ cao để có thể gây tiến triển nặng như ở trẻ em, phụ nữ mang thai...
Biện pháp trọng tâm trước mắt, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cần phải kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca lây nhiễm để ngăn chặn bệnh dịch lây lan trong cộng đồng.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường Đại học Y dược TPHCM), hiện một số quốc gia trên thế giới đã cấp phép lưu hành vắc xin đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, loại vắc xin này không được khuyến cáo tiêm rộng rãi mà chỉ ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cụ thể những người có quan hệ với nhiều bạn tình.
Liên quan tới một số ý kiến cho rằng, có thể sử dụng vắc xin trước đây phòng bệnh đậu mùa để tiêm ngừa cho các đối tượng có nguy cơ cao, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định, đây là quan điểm không hoàn toàn chính xác: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loại vắc xin đậu mùa (smallpox vắc xin) dùng trước đây không được khuyến cáo sử dụng cho đậu mùa khỉ”. Ông giải thích, thứ nhất, vắc xin đậu mùa khỉ là vắc xin sống, nên với những bệnh nhân có sức đề kháng kém thì có nguy cơ sẽ bị nhiễm bệnh khi tiêm ngừa. Thứ hai, virus trong vắc xin đậu mùa khỉ và đậu mùa là hai loại khác nhau nên các chuyên gia lo ngại có khả năng kết hợp để tạo thành một chủng mới.
“Cộng đồng không nên quá hoang mang, lo lắng về căn bệnh này cũng như vấn đề vắc xin để tiêm ngừa. Điều quan trọng nhất hiện nay là cùng phối hợp với lực lượng chức năng, cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca bệnh. Nếu có tiền sử dịch tễ, các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế để được thăm khám”, PGS. Dũng khuyến cáo. (Tiền phong, trang 4).
Xét nghiệm ồ ạt Adenovirus gây lãng phí và không hiệu quả
Ngày 5-10, trước thực tế số trẻ mắc và nhập viện do Adenovirus tăng cao, PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng, việc xét nghiệm Adenovirus phải có chỉ định của bác sĩ, không phải theo nhu cầu của người dân.
Chỉ định này phải tùy từng đặc điểm lâm sàng như: ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới làm. Do đó, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc xét nghiệm, không để xảy ra tình trạng xét nghiệm tràn lan khi không cần thiết, gây lãng phí. Một số chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo, các phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay mong muốn được nhập viện điều trị cho yên tâm mà cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Việc xét nghiệm phải theo chỉ định của bác sĩ, không phải theo nhu cầu của người dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong điều trị Adenovirus, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là sàng lọc, phân luồng, phân tuyến điều trị nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân trở nặng, tử vong, lây chéo trong cơ sở điều trị.
Ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội, như: Nhi Trung ương, Xanh Pôn, Hà Đông, Thanh Nhàn cho thấy, các khoa, phòng điều trị cho trẻ em hiện đều chật kín bệnh nhi. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong 3 tuần vừa qua, ca mắc Adenovirus tăng mạnh với gần 3.000 ca và hiện bệnh viện đang điều trị cho trên 300 trẻ mắc Adenovirus, trong đó có 40 ca nặng phải thở máy, thở oxy và ECMO. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19
Chiều 5-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP - chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định”. Trước đó, ngày 11-10-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Các chuyên gia tham gia tọa đàm đều cho rằng, đây là những quyết định cân não, quan trọng và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Các ý kiến cũng cho rằng, Nghị quyết 128 là bài học để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả với những cuộc khủng hoảng tiếp theo. Từ thực tiễn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Dịch bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan đang xâm nhập là không thể tránh khỏi, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành; tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học.
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, hiện nay dịch bệnh chưa kết thúc và khó khăn của doanh nghiệp cũng chưa kết thúc. Do đó, cần sớm cải thiện những khó khăn về thể chế. “Trong lúc có dịch, Thủ tướng Chính phủ đã nói rất rõ là không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trừ khi có những vi phạm rõ ràng. Phải làm sao việc xử lý sau đại dịch ít tạo ra những tác động tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp”, TS Phan Đức Hiếu nêu quan điểm và cho rằng, chúng ta có nhiều chính sách rồi nhưng việc thực thi chính sách phải đầy đủ, kịp thời, toàn diện. Khi chính sách không toàn diện, doanh nghiệp không được tiếp cận công bằng sẽ tạo ra sự méo mó… (Sài Gòn giải phóng, trang 9).
Số ca tử vong cao nhất 10 năm, TP.HCM phân tầng điều trị sốt xuất huyết
rước số ca tử vong do sốt xuất huyết cao trong vòng 10 năm qua, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định phân tầng điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết để hạn chế số ca tử vong xuống mức thấp nhất.
Số ca tử vong cao nhất trong vòng 10 năm qua
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) vào tối ngày 4/10 cho biết, từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 62.085 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết nặng là 1.360 ca. Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tình hình sốt xuất huyết vẫn phức tạp. Trong 10 năm liên tục, chưa có năm nào có 25 ca tử vong như năm nay mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có dấu hiệu đi xuống, còn nguy cơ tăng nữa.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện nay có khoảng 75% số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị sốt xuất huyết
Để hạn chế số ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM đã quyết định áp dụng kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 để ứng phó với dịch sốt xuất huyết.
Theo đó, ngày 4/10, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi tới các cở sở y tế trên địa bàn về việc áp dụng mô hình tháp 3 tầng để điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Ngành y tế TP.HCM sẽ tiến hành phân các bệnh nhân sốt xuất huyết thành 3 tầng để điều trị.
Tầng 1: Là các phòng khám tại trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế thuộc tầng 1 phải được tập huấn hướng dẫn chuẩn đoán điều trị sốt xuất huyết để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nghi ngờ khi đến khám tại các phòng khám.
Tầng 1 phải đảm bảo tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi tại nhà và cách phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng. Tuyệt đối không được lạm dụng chỉ định truyền dịch trong điều trị. Thay vào đó, khi người bệnh có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng hoặc không cải thiện cần chuyển người bệnh tới các bệnh viện thuộc tầng 2.
Tầng 2: Là các viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa tuyến thành phố và các bệnh viện đa khoa tư nhân có điều trị bệnh lý nhiễm.
Các bác sĩ, điều dưỡng tại tầng 2 chịu trách nhiệm phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo đến khám hoặc được chuyển lên từ tầng 1, điều trị tích cực theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sớm chuyển người bệnh đến bệnh viện thuộc tầng 3 khi người bệnh không đáp ứng điều trị.
Trường hợp người bệnh có diễn tiến nặng, phải tổ chức hội chẩn khẩn cấp hoặc kích hoạt quy trình báo động đỏ đến Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết thuộc Sở Y tế. Tuyệt đối không chuyển viện khi người bệnh đang trong tình trạng nguy kịch hoặc chưa liên hệ được bệnh viện thuộc tầng 3 để chuyển viện.
Tầng 3: Là các bệnh viện chuyên khoa nhiễm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) và các bệnh viện đa khoa được Sở Y tế phân công là bệnh viện tuyến cuối trong điều trị sốt xuất huyết bao gồm Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện quân Y 175 (đối với người lớn); Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố (đối với trẻ em).
Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện thuộc tầng 3 cần phải thành lập các đơn vị, khoa hồi sức sốt xuất huyết. Chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị ca nặng do các cơ sở y tế thuộc tầng 1 và tầng 2 chuyển đến.
Theo Sở Y tế TP.HCM, mô hình phân tầng điều trị sốt xuất huyết được áp dụng dựa trên kinh nghiệm điều trị COVID-19. Tuy nhiên, mô hình điều trị sốt xuất huyết khác với mô hình phân tầng điều trị COVID-19 đó là các bệnh viện sẽ không chuyển ngược người bệnh về tầng thấp hơn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Nguy kịch vì thuốc, thực phẩm chức năng giả
Gần đây, một số bệnh viện cho biết đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì sử dụng các loại thực phẩm chức năng giả.
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, chỉ sau 10 năm các sản phẩm thực phẩm chức năng đã tăng lên gấp 3 lần, đây là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh giả. Đặc biệt, sau dịch COVID-19 các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng giả tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nhập viện vì dùng thực phẩm chức năng trôi nổi
Mới đây, nữ bệnh nhân V.T.T. (25 tuổi, Lâm Đồng) đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi...
Nữ bệnh nhân này cho biết do có bệnh vảy nến nên đã mua thực phẩm chức năng dùng được khoảng 5 - 7 ngày thì trên người xuất hiện vết ban nhỏ, sau đó phát ban. Người bán nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố nên chị T. tiếp tục sử dụng.
Đến khoảng ngày thứ 18, tình trạng bệnh nặng hơn, tuy nhiên người bán tiếp tục trấn an. Thấy cơ thể đau nhức không chịu nổi, chị T. được người nhà đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Trước đó, ngày 23-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi 13 loại thuốc chứa methyprednisolone (chữa các bệnh như viêm khớp, rối loạn máu, các bệnh về mắt...) do nguồn gốc nguyên liệu bị giả mạo.
Bà Nguyễn Diệu Hà - tổng thư ký chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam - cho biết trong 5 năm qua từ năm 2017 - 2021, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, số lượng thuốc giả trên thị trường chiếm 0,04% so với mẫu lấy được kiểm nghiệm. Các thuốc giả này phần lớn là đông dược, kháng sinh, giảm đau... được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện được khi so sánh với các vỏ hộp, tờ hướng dẫn, tuy nhiên rất khó phân biệt đối với người tiêu dùng.
"Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả, như đối với kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Thuốc khi được sản xuất tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với các thuốc dùng qua đường tiêm hoặc trên người suy giảm miễn dịch", bà Hà nhấn mạnh.
Bùng nổ thị trường kinh doanh online
PGS Lê Văn Truyền - chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) - cho biết tại Việt Nam ngoài dược phẩm, thị trường thực phẩm chức năng tăng vọt do mô hình bệnh tật của Việt Nam đang chuyển đổi theo mô hình các bệnh mãn tính, do tuổi thọ tăng, thu nhập của người dân tăng và khuynh hướng bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe để phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, sức hút của thị trường làm cho số nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng tăng vọt. Ngay cả trước khi xảy ra dịch COVID-19, đã bùng nổ tình trạng kinh doanh online, quảng cáo qua mạng xã hội, Internet, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box, bán hàng đa cấp, chuyển qua bưu điện, hoặc qua người vận chuyển...
Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu năm 2010 tổng cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng chỉ là 1.626 đơn vị với 3.721 sản phẩm thì đến năm 2021, tổng số cơ sở là 3.108 cơ sở với 11.227 sản phẩm, nhập khẩu chỉ gần 15%, trong nước chiếm 85%. Đây chính là mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả.
Người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ mình?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trước tình hình thị trường thực phẩm chức năng nhiều biến tướng như hiện nay, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, tăng cường sự hướng dẫn sử dụng của các cơ quan chuyên môn. Các cơ sở kinh doanh, thực phẩm chức năng vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần đảm bảo các quyền của người tiêu dùng theo quy định, hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng.
"Thực tế hiện nay nhiều người dân khi thấy quảng cáo thực phẩm chức năng chữa "bách bệnh" nhưng không được tư vấn, hướng dẫn mà đã sử dụng dẫn đến "tiền mất tật mang". Nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về thực phẩm chức năng, thiếu tư vấn, hướng dẫn. Do vậy người dân chỉ nên mua những loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả cần có sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn khi sử dụng. Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn, có khả năng gây nguy hiểm tính mạng", ông Hùng nhấn mạnh. (Tuổi trẻ, trang 14).