Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/10/2023

  • |
T5g.org.vn - An toàn thực phẩm từ thiện đang bị thả nổi; Mối nguy mất an toàn thực phẩm lại rình rập ở khắp nơi; WHO chúc mừng những thành tựu của ngành y tế Việt Nam; Mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy, dụ các vợ chồng hiếm muộn đón song thai

 

An toàn thực phẩm từ thiện đang bị thả nổi

Ngày 5/10, trả lời phóng viên về việc quản lý đối với mặt hàng thực phẩm từ thiện, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM, nói: “Đây còn là mảng trống, chúng tôi chưa tìm ra cách quản lý hiệu quả vấn đề thực phẩm từ thiện”.

Chiều tối 29/9, có 50 người bị ngộ độc, 1 bé gái 6 tuổi tử vong sau khi ăn bánh su kem được phát từ thiện trong buổi tiệc liên hoan Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP.Thủ Đức, TPHCM). Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng xác định, bánh su kem là loại thực phẩm được tập trung điều tra, xét nghiệm vì nghi ngờ bị nhiễm khuẩn.
Bà Lan cho rằng, đa số thực phẩm từ thiện đều xuất phát từ tâm của người cho tặng, do đó cách làm của họ cũng khá cẩn thận. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này đa phần là tự phát. Căn cứ các quy định của pháp luật, thực phẩm từ thiện không thuộc loại hình đăng ký kinh doanh. Việc quản lý thực phẩm từ thiện có thể cũng tương tự thức ăn đường phố, đây sẽ là loại hình được cơ quan chức năng, các lực lượng ở địa phương cùng Ban Quản lý An toàn thực phẩm (Ban) phối hợp để quản lý.

Ban đang có kế hoạch để thống kê tất cả các cơ sở từ thiện ở quận, huyện của TPHCM. Trước mắt, sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kiến thức cho những người làm công tác từ thiện để chuẩn bị những bữa ăn, các loại thực phẩm đảm bảo an toàn cho người dân. Ban kêu gọi cộng đồng cần phải sử dụng thực phẩm, suất ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu. “Mục tiêu của Ban trong bảo đảm an toàn thực phẩm là tăng cường tuyên truyền, kéo giảm đến mức thấp nhất có thể thậm chí là không để bất kỳ vụ ngộ độc nào xảy ra kể cả về số lượng và quy mô. Sau vụ việc ngộ độc vừa xảy ra thì mục tiêu đặt ra đã bước đầu thất bại. Phải khẳng định là chúng ta tuyên truyền chưa tới với cộng đồng về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay vẫn chưa thể biết được mầm bệnh nhiễm vào thực phẩm như thế nào” - bà Lan nói.

Ban đang tập trung vào việc điều tra đối với bánh su kem được sử dụng trong bữa tiệc liên hoan Trung thu. Em bé 6 tuổi tử vong trên thực tế không tham gia bữa tiệc mà ở nhà và được mẹ mang bánh su kem về cho ăn.

Liên quan vụ ngộ độc trên, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngày 5/10 Sở nhận được kết quả xét nghiệm mẫu phân của 2 bệnh nhi bị ngộ độc tham gia buổi tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights. Theo đó, qua báo cáo của Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức, ngoài những trẻ được đưa đến các bệnh viện, còn 2 trẻ 6 tuổi và 12 tuổi (quốc tịch Nga) có triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy đi khám tại Phòng khám Đa khoa số 3 (95 Thảo Điền, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức) với triệu chứng sốt, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy.

Cả 2 trẻ có tham gia chương trình Trung thu tại chung cư Palm Heights vào tối 29/9, đã ăn nhiều loại thức ăn tại buổi tiệc. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu phân để xét nghiệm truy tìm nguyên nhân ngộ độc. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy, cả hai bệnh nhi đều dương tính với vi khuẩn Salmonella spp. Sau khi được chăm sóc, hiện sức khỏe cả hai bệnh nhi đã diễn tiến khả quan.

Ông Nam cho biết, đến ngày 5/10 còn 17 bệnh nhi liên quan vụ ngộ độc đang điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe đều ổn định. Dù đã có kết quả xét nghiệm của 2 trường hợp ngộ độc sau dự tiệc Trung thu, ngành y tế thành phố vẫn đang chờ kết quả phân lập vi khuẩn do Viện Vệ sinh Y tế Công cộng thực hiện trước khi có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ngộ độc (Tiền phong, trang 6; Công an nhân dân, trang 5).

 

Mối nguy mất an toàn thực phẩm lại rình rập ở khắp nơi

Gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, tiêu thụ thực phảm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, thậm chí đã bốc mùi hôi thối. Tình trạng mất an toàn thực phẩm lại tái diễn ở khắp cả nước.

Liên tiếp phát hiện, buộc tiêu hủy hàng hóa không đủ điều kiện làm thực phẩm

Cuối tháng 9.2023, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai đã liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Hàng trăm kg xúc xích đông lạnh, trễ lợn, hàng nghìn cánh vịt ăn liền không rõ nguồn gốc xuất xứ... đã bị thu giữ, tiêu hủy. Trong đó, có nhiều lô hàng xuất hiện tình trạng chảy nước, bốc mùi hôi thối.

Tiếp đó, Đội QLTT số 10 - Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Thanh Hóa đã kiểm tra phát hiện và tạm giữ 1.287 sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hết hạn sử dụng. Những sản phẩm bị thu giữ chủ yếu là bột pha chế trà sữa, cà phê, kem, ca cao và các loại thực phẩm như sụn lợn, nầm lợn, khoai dẻo, bò khô...

Ngày 4.10, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông huyện Diễn Châu - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An phát hiện phương tiện đang vận chuyển 150kg thịt chim đông lạnh đựng trong 4 thùng xốp lớn, không hề có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối.

Mới nhất, Đội QLTT số 5, Cục QLTT Hưng Yên phát hiện gần 1,4 tấn thịt lợn đang trong quá trình phân hủy, biến đổi màu sắc, bốc mùi ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh thú y, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm đang được vận chuyển đi tiêu thụ. Số thịt lợn bẩn này đã bị buộc phải tiêu hủy ngay.

Về phía người tiêu dùng, gần đây liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cộng đồng khiến dư luận lo lắng.

Mới đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức, TPHCM) vào đêm 30.9 làm 50 trẻ em bị ngộ độc, 1 bé đã tử vong. Sở Y tế TPHCM phải tổ chức cuộc họp khẩn với các chuyên gia vào sáng 4.10.

Các chuyên gia nhận định bánh su kem bị nhiễm khuẩn khả năng cao là thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Chủ tịch UBND TPHCM giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn, tránh để xảy ra ngộ độc trên địa bàn TPHCM.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra, nhiều người mới giật mình

Chia sẻ với phóng viên Lao Động về việc liên tiếp phát hiện thực phẩm bẩn, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, đây thực sự là đáng báo động về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dù ngộ độc thực phẩm xảy ra với cả thương hiệu lớn, lâu đời thì khuyến cáo về việc lựa chọn thực phẩm ở những nơi có uy tín, có thương hiệu vẫn đúng. Bởi lẽ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở nhiều khâu mà chính doanh nghiệp cũng không lường hết được.

"Thực tế, khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thì nhiều người mới giật mình lo lắng, còn về nguyên tắc phòng tránh ngộ độc thực phẩm cơ bản không có gì thay đổi" - PGS.TS Thịnh nhận xét.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn thận hơn khi mua và sử dụng thực phẩm. Với những loại có bao bì đóng gói thì phải có nhãn mác, hạn sử dụng. Nếu sản phẩm không có thông tin này thì không nên mua vì khi xảy ra sự cố không ai chịu trách nhiệm.

Ông cũng lưu ý, người Việt hay có thói quen mua thực phẩm đóng gói để biếu tặng, thắp hương, để dành chờ dịp đông đủ mới lấy ra ăn mà không để ý hạn sử dụng cũng như điều kiện bảo quản. Điều này dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

"Một điều cũng cần chú ý là kể cả đi ăn ở những quán ăn quá đông khách, khách hàng cũng nên dè chừng bởi khi quá tải rất khó kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; còn quán ế khách rất dễ bán đồ thừa, kém chất lượng" - PGS.TS Thịnh phân tích (Lao động, trang 1).

 

WHO chúc mừng những thành tựu của ngành y tế Việt Nam

Ngày 5/10, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus gửi video chúc mừng những thành tựu y tế của Việt Nam. Theo TTXVN, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: "Tôi rất tự hào khi chứng kiến những thay đổi trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam trong hàng chục năm qua. Kể từ năm 1945, tuổi thọ của người dân ở Việt Nam đã tăng thêm nhiều năm, với việc ghi nhận giảm đáng kể các loại bệnh có thể phòng ngừa được, bao gồm cả việc loại bỏ bệnh bại liệt ở Việt Nam, cũng như đạt được những bước tiến lớn trong giải quyết các loại bệnh như sốt rét, HIV, lao…".

Người đứng đầu WHO đánh giá Việt Nam cũng mở rộng được hệ thống bảo hiểm y tế xã hội, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tiến bộ cũng đạt được trong việc giải quyết các yếu tố rủi ro đối với các bệnh không lây nhiễm như giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Gần đây, Việt Nam cũng cho thấy khả năng phản ứng mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19, bao gồm việc triển khai tiêm vắc-xin một cách toàn diện và nhanh chóng, cũng như luôn hướng đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Cuối đoạn video, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, WHO tự hào là đối tác tin cậy của Chính phủ và dân nhân Việt Nam. WHO cam kết tiếp tục duy trì phối hợp và hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam trên hành trình mang lại cuộc sống khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho toàn thể người dân Việt Nam (Nhân dân, trang 8).

 

Mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy, dụ các vợ chồng hiếm muộn đón song thai

Ngày 5-10, ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc BV Chợ Rẫy - khẳng định thời gian qua có một số cá nhân, tổ chức đang mạo danh thương hiệu của bệnh viện lôi kéo bệnh nhân. 
Đặc biệt, gần đây xuất hiện một trang Facebook có tên "Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy", dù bệnh viện chưa bao giờ điều trị hiếm muộn.

Đón "song thai rồng phượng" chỉ với 25 triệu đồng?

Chỉ sau một tháng xuất hiện, trang Facebook "Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy" thu hút nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đến tư vấn thụ tinh ống nghiệm đón "song thai rồng phượng" với chỉ 25 triệu đồng.

Trang Facebook này khẳng định các cặp vợ chồng sẽ nhận tin vui con yêu chỉ sau hai tuần chuyển phôi, tỉ lệ thành công lên đến 86%. Đặc biệt, khi tham gia gói này, các cặp vợ chồng được trực tiếp giám đốc, trưởng khoa thăm khám lên phác đồ.

"Bệnh viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 8h đến 20h, làm cả trưa. Đặc biệt hỗ trợ một phần chi phí đi lại cho khách hàng ở xa" - trang Facebook này quảng cáo. Không chỉ thế, trên trang này còn đăng nhiều clip các cặp vợ chồng vui mừng nhận tin đậu thai hoặc chào đón "quý tử".

Tuy quảng cáo là điều trị hiếm muộn (Bệnh viện Chợ Rẫy), nhưng khi liên hệ theo số điện thoại trên trang Facebook này, chúng tôi được một nhân viên chỉ dẫn đến số 10 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Thật bất ngờ, đây lại là trụ sở của Bệnh viện An Sinh. 

"Bệnh nhân sẽ được thăm khám và làm luôn tại Bệnh viện An Sinh, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ sang thăm khám" - nhân viên này giải thích, đồng thời cho hay tổ chức này vừa thành lập một đội có liên kết với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội và Bệnh viện An Sinh thăm khám, điều trị hiếm muộn cho bệnh nhân vô sinh.

"Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy" là một tập đoàn IVF?

Để kiểm chứng, chúng tôi tìm đến Bệnh viện An Sinh. Dọc đường đi, nhân viên xưng ở bộ phận chăm sóc khách hàng cùng một bác sĩ tên P.T.T. liên tục gọi điện hối thúc. Họ chỉ dẫn bệnh nhân khi tới Bệnh viện An Sinh, bệnh nhân lên thẳng lầu 4, tới quầy đăng ký bốc số và đăng ký khám bác sĩ T..

Tại lầu 4 (Bệnh viện An Sinh) sáng 4-10, sau khi làm các thủ tục và đóng 400.000 đồng tiền khám, chúng tôi được dẫn vào phòng số 1 gặp bác sĩ P.T.T.. Bà này mặc áo blouse trắng có thêu tên, có con dấu riêng, ngồi sẵn ở ghế chờ.

Bà T. lý giải giá 25 triệu đồng đăng quảng cáo trên trang Facebook "Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy" mới chỉ là chi phí cho thủ thuật chọc hút và chuyển phôi; còn khám, xét nghiệm, thuốc kích trứng, tạo phôi và trữ phôi là một khoản riêng. 

"Cả một quá trình bình thường từ 100-130 triệu đồng/ca. Tuy nhiên còn phải tùy theo tình trạng cụ thể và quá trình điều trị mới biết như thế nào, cao có thể 200 triệu đồng/ca" - bà T. tư vấn.

Từ quảng cáo trên trang Facebook "Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy", bà T. nói có nhiều cặp vợ chồng biết đến, gọi điện xin tư vấn hiếm muộn. Bà này còn mở điện thoại, trên đó có danh sách đang khám cho các bệnh nhân ở Đồng Nai và một số tỉnh nhưng chỉ một số người… "chạy nhầm qua Bệnh viện Chợ Rẫy".

Bà T. nói mình tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, từng được đào tạo tại nhiều trung tâm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) lớn và mới chỉ làm việc ở Bệnh viện An Sinh "có mấy ngày". "Từ hôm làm đến giờ bệnh nhân đông quá trời đông, có ngày khám đến 5h chiều mới xong" - bà T. nói.

Theo bà này, thông tin trên trang Facebook "Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy" mà người bệnh đăng ký là "một tập đoàn bệnh viện IVF lớn" trên cả nước, chứ không phải là bệnh viện đa khoa như An Sinh hay Chợ Rẫy.

"Những người lớn bên trên đang nói chuyện với nhau sẽ mở một trung tâm IVF ở TP.HCM và ở các tỉnh, các vùng. Ở TP.HCM đang xây dựng tòa nhà rất lớn, rất đẹp và trang hoàng lắm" - bà T. khua tay phác họa.

Trưa 5-10, ông Mai Văn Điển - giám đốc Bệnh viện An Sinh (TP.HCM) - có thông tin phản hồi Tuổi Trẻ .

Giám đốc Bệnh viện An Sinh nói hiện nay tại đơn vị có khá nhiều bác sĩ hiếm muộn đến hợp tác chuyên môn. Do đó, các bệnh nhân hiếm muộn có thể được các bác sĩ này gửi hoặc trực tiếp đưa đến BV An Sinh tư vấn, khám và điều trị. Tất cả mọi quy trình đều được kiểm tra tay nghề, thủ tục và giám sát về chất lượng đúng quy định.

"Làm thế nào để có bệnh nhân là câu chuyện của các phòng khám. Tuy vậy, việc mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy tôi hoàn toàn không biết, bởi đây chắc chắn không phải là chủ trương của Bệnh viện An Sinh" - ông Điển nói. Bác sĩ này mới hợp tác với bệnh viện chắc chưa đầy một tháng, bệnh nhân cũng không phải từ nguồn của Bệnh viện An Sinh, mà do nhóm này (bác sĩ T. cùng một số người hợp tác - PV) có bệnh nhân riêng. 

Tôi khẳng định bệnh viện không làm cái việc mạo danh để lôi kéo bệnh nhân như thế, bởi thực tế chúng tôi còn đang quá tải.

Trao đổi với Tuổi Trẻ cùng ngày, bác sĩ P.T.T. nói chỉ hợp tác về chuyên môn với Bệnh viện An Sinh, "bệnh nhân đến thì tôi khám thôi".

Bác sĩ này nói có hợp đồng hợp tác chuyên môn hỗ trợ điều trị sinh sản đàng hoàng với Bệnh viện An Sinh. Bà cũng đã đến gặp trao đổi trực tiếp với giám đốc bệnh viện (bác sĩ Mai Văn Điển) và tại Bệnh viện An Sinh bà được bố trí một phòng để khám khi bệnh nhân đến.

"Việc mạo danh tôi không biết đâu. Tôi chỉ nghe bạn hỗ trợ nói bây giờ đang chạy truyền thông, lý do bệnh nhân tìm đến là do truyền thông và lượng bệnh nhân đăng ký rất nhiều. Còn chương trình chạy như thế nào để có nguồn bệnh nhân, tôi không được biết" - bác sĩ T. nói.

Đối với các bệnh nhân khám hiếm muộn từ Facebook "Điều trị hiếm muộn - Bệnh viện Chợ Rẫy", bà này còn nói: "Tôi nói thật vì một lý do nào đó bệnh nhân bất ngờ đến đây, tưởng xui hóa ra lại hên vì được điều trị tận tâm, đường hoàng".

Bác sĩ này thừa nhận mình không được tư vấn về giá cả điều trị cho người bệnh, nhưng "do người phụ trách tư vấn đi thi bằng lái xe nên tôi tư vấn hộ". 

Ngoài ra bà T. còn khẳng định chủ đầu tư (không nói chủ đầu tư nào, chỉ nói hợp tác hai bên) hứa khi nào thành lập Trung tâm IVF, bà sẽ là người đứng tên giám đốc chuyên môn (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang