10 sự kiện tiêu biểu ngành y 2015
Bộ Y tế vừa công bố 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2015.
1. Thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các nội dụng của kế hoạch được triển khai đồng bộ, toàn diện như: Tiếp sức người bệnh, đường dây nóng, phòng công tác xã hội…
2. Thực hiện thành công kỹ thuật mang thai hộ theo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi. Từ đầu năm 2015, đã có 3 bệnh viện được phép thực hiện kỹ thuật này là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Bệnh viện Phụ sản Trung ương có 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã thực hiện 46 ca và cháu bé đầu tiên dự kiến chào đời vào tháng 1/2016; bệnh viện Từ Dũ có 33 hồ sơ được duyệt và đã thực hiện 19 ca.
3. Ca ghép đa tạng xuyên Việt đầu tiên từ bệnh nhân chết não (với sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) và sự ra đời của Hội Vận động hiến tạng, bước đầu đã tạo phong trào hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người.
4. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng Hệ thống Quản lý quốc gia về vaccine (NRA) sau 14 năm chuẩn bị. Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 39 được WHO công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vaccine trong tổng số 43 nước có sản xuất vaccine trên thế giới. Với kết quả này, Việt Nam đạt cùng lúc 2 vấn đề là chất lượng vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế và mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine.
5. Kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi xâm nhập vào Việt Nam trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 đại dịch; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như cúm A/H7N9, Ebola, Mers-CoV... xâm nhập.
6. Đổi mới toàn diện và đồng bộ hệ thống tổ chức y tế tại tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh để hội nhập và phát triển. Đây cũng là cơ sở thống nhất trong quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành y tế từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; thuận lợi trong điều động, luân chuyển, huy động cán bộ, viên chức sự nghiệp y tế ở địa phương; khắc phục những bất cập như còn nhiều đầu mối đơn vị sự nghiệp ở tuyến huyện, chưa phù hợp với điều kiện thực tế về các nguồn lực; đổi mới hệ thống theo tinh thần cải cách hành chính: Tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
7. Thực hiện hiệu quả Đề án giảm tải bệnh viện và bệnh viện vệ tinh. Hoạt động hiệu quả của mô hình bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỉ lệ chuyển tuyến đạt từ 65-100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh.
8. Khánh thành và đưa vào sử dụng, khởi công nhiều công trình y tế hiện đại. Khởi công một số cơ sở khám chữa bệnh lớn tại Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Liêm Tuyền, Hà Nam; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình 175; Bệnh viện Nhi đồng TPHCM; Bệnh viện Nhi Hà Nội
Khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều cơ sở khám và điều trị của các bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Nội tiết… và hàng loạt bệnh viện địa phương: Bệnh viện đa khoa Quảng Trị, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, Bệnh viện đa khoa Bà Rịa, Bệnh viện Thống nhất Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Nghệ An…
9. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1/1/2015, đến cuối năm 2015 có khoảng 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
10. Ngành y tế Việt Nam - 60 năm làm theo lời Bác dạy và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần 2. Sức khỏe đời sống (trang 1), Gia đình & xã hội (trang 1)
Chọn vắc-xin tiêm cho trẻ em: Khuyến cáo khẩn
SKĐS - Ngày 5/1, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình TCMR thay vì đợi chờ vắc-xin dịch vụ.
* Vắc-xin 5 trong 1: Dịch vụ chỉ chiếm 8%, Chương trình Tiêm chủng mở rộng chiếm đến 92%.
* “Nếu thay vắc-xin Quinvaxem bằng vắc-xin Pentaxim trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, chắc chắn tai biến cũng xảy ra”.
Ngày 5/1, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình TCMR thay vì đợi chờ vắc-xin dịch vụ. Trước đó, chia sẻ với báo chí về vấn đề vắc-xin dịch vụ đang được người dân quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tôi đã yêu cầu Cục Quản lý Dược đi các nước để đàm phán nhưng đều nhận được câu trả lời không có, không thể cung ứng ngay được. Việt Nam đã đặt hàng nhưng họ chưa có. Sau rất nhiều đàm phán, gây áp lực, công ty sản xuất mới lấy một lượng nhỏ từ các nơi họ phân phối để có số lượng vắc-xin dịch vụ cho Việt Nam thời gian gần đây.
Vắc-xin 5 trong 1: Dịch vụ chỉ chiếm 8%, TCMR chiếm đến 92%
Nói về sự cố “vỡ trận” trong việc đăng ký tiêm chủng vắc-xin dịch vụ tại Phòng tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh - Hà Nội, Bộ trưởng cho biết: Tôi đã gặp đại diện điểm tiêm này và truy vấn họ: Tại sao xung phong tiêm trước mà không có sự chuẩn bị kỹ? Đến khi dân xếp hàng đông quá, gây hỗn loạn, sợ quá ngừng tiêm làm người dân bức xúc? Đây chỉ là một điểm tiêm rất nhỏ, sự cố chỉ trong vòng mấy trăm người xếp hàng tại điểm tiêm, trong khi chúng ta đang có cả vài chục ngàn liều vắc-xin. “Quan điểm của tôi, đích cuối cùng của ngành y tế là phục vụ người dân. Nếu không phục vụ người dân, cuộc sống, làm việc của chúng ta cũng vô nghĩa. Không tổ chức tốt, làm rối ren tới việc tiêm chủng. Do đó, tôi đã yêu cầu các đơn vị liên quan thanh kiểm tra việc tiêm chủng dịch vụ tại phòng tiêm chủng này và kiên quyết xử lý những sai phạm nếu có” - Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, trước hết phải khẳng định, không có TCMR trong thời gian qua thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát rất lớn. Trong 3 thập kỷ qua, có những bệnh đến nay đã không còn như: bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi... trước đây gây tử vong rất nhiều thì nay đã được khống chế. Bộ Y tế, Chính phủ, Nhà nước đã lo cho dân đủ vắc-xin TCMR, trong đó có Quinvaxem. Thống kê tại Hà Nội cho thấy, tiêm dịch vụ vắc-xin 5 trong 1 chỉ chiếm 8%, trong khi TCMR chiếm đến 92% trẻ trong độ tuổi tiêm vắc-xin này.
“Ngành y tế vẫn lo đủ Quinvaxem cho trẻ em. Còn tại các thành phố lớn, người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng ký tiêm dịch vụ, thậm chí ra nước ngoài tiêm, cũng giống như việc ra nước ngoài chữa bệnh là hiện tượng hoàn toàn bình thường, không có gì bất thường” - Bộ trưởng cho biết.
“Nếu thay Quinvaxem bằng Pentaxim trong TCMR, chắc chắn tai biến cũng xảy ra”
Về những thông tin khoa học liên quan đến việc tiêm vắc-xin, Bộ trưởng cung cấp: Nếu so sánh Quinvaxem với vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 về công nghệ sản xuất thì Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào (còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn) gây nhiều phản ứng nhẹ hơn vắc-xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn).
Khi dùng vắc-xin toàn tế bào, trẻ có thể bị phản ứng nhẹ như sốt, đau hơn và bị ho hoặc biểu hiện lặt vặt khác vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm, nhưng tác dụng phụ về mặt tai biến tử vong không thể cao hơn vắc-xin dịch vụ.
Chưa kể, Quinvaxem có ưu điểm là có thành phần ho gà toàn tế bào nên tính kháng nguyên cao hơn vắc-xin dịch vụ, vì vậy có khả năng bảo vệ cao hơn. Vắc- xin dịch vụ làm từ công nghệ vô bào nên khả năng bảo vệ yếu hơn do tính miễn dịch suy giảm theo thời gian, phải tiêm nhắc lại. Đây là lý do một số nước quay lại sử dụng vắc-xin toàn tế bào.
Trong câu chuyện về vắc-xin, Bộ trưởng đề cập đến câu chuyện 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B. Mặc dù cơ quan chức năng sau đó điều tra đã kết luận nguyên nhân trẻ tử vong là do tiêm nhầm thuốc chứ không phải do vắc-xin viêm gan B. Tuy nhiên, nhưng do thông tin không đầy đủ nên từ đây người dân bắt đầu quay lưng với vắc-xin và dịch sởi đã bùng phát vào cuối năm 2013.
Với vắc-xin Quinvaxem, truyền thông đã giải thích mãi rồi nhưng người dân vẫn nghi ngờ, vẫn sợ về hiệu quả của vắc-xin này. Nếu đặt mình vào vị trí đó cũng phải thông cảm cho người dân. Tuy nhiên thế giới cũng đã chứng minh, phản ứng nặng của vắc-xin Quinvaxem cũng như các vắc-xin khác. Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều Pentaxim như Quinvaxem thì chắc chắn cũng có tỷ lệ tai biến. Nhưng đến nay, mỗi năm chỉ có khoảng 100.000 liều/33.000 trẻ, còn Quinvaxem là 4.500.000 liều/1,5 triệu trẻ.
“Nếu thay Quinvaxem bằng Pentaxim trong TCMR, với số lượng 4,5 triệu mũi/năm thì chắc chắn tai biến cũng xảy ra” - Bộ trưởng cho biết thêm. Sức khỏe đời sống (trang 1)
Nhân viên bệnh viện hiến máu hiếm cứu bệnh nhân
Thông tin từ Bệnh viện quận Thủ Đức TP.HCM cho biết vừa cứu sống một bệnh nhân bị đa chấn thương do tai nạn giao thông.
Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Văn A. (19 tuổi, tạm trú phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đang trên đường mang quần áo gửi về quê cho gia đình thì bị một chiếc xe tải cán ngang người.
Nạn nhân được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức trong nguy kịch do đa chấn thương, dập nát 2 đùi, khung chậu, thiếu máu trầm trọng.
Các nhân viên y tế có cùng nhóm máu với bệnh nhân đã lập tức hiến mỗi người một đơn vị máu.
Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ từ kho dự trữ của Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM.
Với số lượng 6 lít máu AB+ được huy động rất kịp thời này, ê kíp phẫu thuật liên khoa của bệnh viện đã tự tin vào cuộc cố định khung chậu ngoài, mở bàng quang bằng laser cho bệnh nhân.
Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng đã cứu sống anh A. trong đường tơ kẽ tóc. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, không còn thở máy, tỉnh táo, ăn uống bình thường. Tiền phong (trang 6)
Vaccine dịch vụ không tốt hơn vaccine Quinvaxem
ANTĐ - Ngày 5-1, Bộ Y tế tiếp tục ra thông cáo khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm vaccine Quinvaxem (vaccine 5 trong 1) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì đợi chờ vaccine dịch vụ Pentaxim.
Theo Bộ Y tế, vaccine Pentaxim chứa 5 thành phần kháng nguyên hiện đang được đăng ký sử dụng ở 99 nước còn vaccine Quinvaxem chứa 5 thành phần kháng nguyên hiện đang được sử dụng ở 94 nước trên thế giới. Điều khác biệt cơ bản giữa 2 loại vaccine trên chỉ ở thành phần ho gà (vô bào ở Pentaxim và toàn tế bào ở Quinvaxem).
Vaccine ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vaccine ho gà vô bào, song ngược lại vì là kháng nguyên toàn tế bào nên vaccine Quinvaxem sẽ kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn vaccine ho gà vô bào.
Bộ Y tế nhấn mạnh, nếu một số bà mẹ không đưa con em đi tiêm chủng mà cố đợi chờ vaccine dịch vụ sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, đặc biệt là những bệnh như bạch hầu, ho gà... Lịch tiêm chủng 3 mũi vaccine Quinvaxem là 2, 3 và 4 tháng tuổi, nếu liều vaccine nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm lại vào thời gian sau đó. Trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2 của vaccine dịch vụ mà chưa tiêm đủ liều thì có thể quay trở lại tiêm vaccine Quinvaxem. An ninh thủ đô (trang 1)
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Cứu sống hy hữu bệnh nhân ngừng tuần hoàn
TP - Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vừa cứu sống bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp hiếm gặp, biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng. Trên thế giới, những trường hợp tương tự tỉ lệ tử vong rất cao lên tới 80-90%.
Ca bệnh hi hữu
Bệnh nhân là Nguyễn Thị H (47 tuổi, Bắc Giang) được cắt u xơ tử cung nội soi tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân đã bắt đầu tập đi lại, nhưng đột ngột rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn, ngừng tim. Sau một giờ đồng hồ liên tục được các bác sĩ ở đây cấp cứu hồi sức tích cực, bệnh nhân bắt đầu có tim đập trở lại. Tiên lượng bệnh nhân chỉ còn ít cơ hội sống sót nhưng các bác sĩ và gia đình vẫn quyết tâm “còn nước còn tát”.
Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy nhiều tạng, phải thở máy, dùng thuốc nâng huyết áp liều cao.
Nguyên nhân ngừng tuần hoàn sau mổ sơ bộ nghĩ đến tắc động mạch phổi cấp, nhưng tình trạng bệnh nhân quá nặng các bác sĩ cũng không thể chuyển bệnh nhân đi chụp cắt lớp vi tính để xác định chẩn đoán được. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực và lọc máu liên tục để duy trì chức năng sống. Đến ngày thứ hai trong sự cố gắng không mệt mỏi, các bác sĩ khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) đã đưa bệnh nhân về trạng thái có thể chấp nhận để chụp cắt lớp vi tính động mạch phổi.
Đúng như suy nghĩ ban đầu của các bác sĩ, cả hai động mạch phổi phải và trái của bệnh nhân đều bị tắc bởi cục máu đông, ngoài ra còn có đông đặc phổi, và tràn khí màng phổi phải. Nguyên nhân ngừng tuần hoàn của bệnh nhân đã được tìm thấy, hy vọng cho bệnh nhân được nhen nhóm. Sau hội chẩn của các bác sĩ, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) để xem xét dùng thuốc tiêu sợi huyết (tan huyết khối).
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân trong tình trạng suy nhiều tạng, huyết áp tụt, tăng men gan, suy thận vô niệu, thở máy, đặc biệt bệnh nhân có rối loạn đông máu phức tạp. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực để nâng huyết áp, oxy máu...tuy nhiên các khả năng đều rất hạn chế khi cục máu đông lớn vẫn làm tắc hai động mạch phổi.
Qua hội chẩn cùng các giáo sư, đồng nghiệp Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Hà Nội, TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực cùng các bác sĩ đã quyết định vẫn dùng thuốc chống đông heparin truyền liên tục theo phác đồ cho bệnh nhân, và truyền thêm máu để tạo khả năng an toàn cho thuốc tiêu sợi huyết. Ngay sau đó bệnh nhân được dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch liều thấp để làm tan cục máu đông và giảm nguy cơ chảy máu.
Điều kỳ diệu đã đến sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết, huyết áp bệnh nhân tăng dần lên, oxy máu cải thiện, tiểu tiện được, không phải lọc máu nữa. Đặc biệt, bệnh nhân không hề bị chảy máu ở bất cứ vị trí nào cho dù nguy cơ chảy máu là rất cao. Sau 7 ngày được hồi sức tích cực, với sự quan tâm của các thầy thuốc bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Khoa Cấp cứu A9 Bạch Mai, và đặc biệt của các nhân viên khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, cũng như các chuyên gia khác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân đã ổn định chức năng sống, được cắt thuốc nâng huyết áp, bỏ thở máy, rút ống nội khí quản, tri giác hoàn toàn bình thường.
Thế giới, tỷ lệ tử vong 80-90%
TS. Hoàng Bùi Hải cho biết, trong quá trình nghiên cứu và thực hành khám chữa bệnh cho nhiều bệnh nhân bị tắc động mạch phổi thì đây là trường hợp rất hi hữu khi bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp có biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng nhưng đã được cứu sống.
Thành công này nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn, kiên trì giữa bác sĩ ở các bệnh viện để duy trì được chức năng sống, rút ngắn thời gian chẩn đoán, điều trị kịp thời, trong đó có sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Trên thế giới, 80-90% bệnh nhân tắc động mạch phổi tử vong khi đã ngừng tuần hoàn, suy đa phủ tạng. Vì thế, đây được xem là một ca bệnh để các bác sĩ hồi sức cấp cứu có thêm niềm tin trong xử trí.
PGS.TS. Phạm Đức Huấn, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đánh giá: “Thành công của ca bệnh là niềm vui cho bệnh nhân và gia đình nhưng cũng là động lực cho các bác sĩ nâng cao tay nghề vì căn bệnh này đòi hỏi trình độ chuyên sâu của thầy thuốc cũng như hệ thống trang thiết bị hỗ trợ hiện đại”. PGS.TS. Phạm Đức Huấn đã đến tận giường bệnh để tặng hoa và quà cho bệnh nhân đặc biệt này. Ngày 5/1, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và sẽ tái khám sau 1 tháng. Tiền phong (trang 6)