Chất lượng BV Cải thiện từ những điều nhỏ nhất
BYT đang dự thảo Thông tư quy định đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng BV. Theo đó, việc đánh giá, chứng nhận và công nhận chất lượng nhằm duy trì và cải tiến chất lượng các hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời cung cấp thông tin để người bệnh và các bên chi trả có thể lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp. Các quy định trong thông tư cũng là căn cứ để kiến nghị xử lý vi phạm và khen thưởng (Chi tiết xem báo Lao động, trang 3).
TPHCM xuất hiện biến thể mới của Omicron: Ngành y tế kêu gọi người dân tiêm vaccine
Hiện nay, Sở Y tế vẫn tổ chức nhiều điểm tiêm vaccine Covid-19 tại các điểm tiêm cố định trong cộng đồng, tại các bệnh viện và đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 xuyên Tết Quý Mão.
Ngày 5-1, Sở Y tế TPHCM cho biết, sự xuất hiện nhiều biến thể mới của Omicron là không ngoài dự báo của các chuyên gia dịch tễ học. Ngành y tế kêu gọi người dân thành phố hãy cùng trách nhiệm bảo vệ và duy trì miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên) đi tiêm vaccine Covid-19 nếu chưa tiêm, và tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định. Theo Sở Y tế TPHCM, kết quả giải trình tự gene từ Tổ chức OUCRU (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford) đã phát hiện 3/52 mẫu phết họng (từ người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) có biến thể XBB trong tháng 12-2022, theo kết quả này, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát biến thể SARS-CoV-2 từ cộng đồng trên địa bàn thành phố (do HCDC phối hợp với Viện Pasteur TPHCM thực hiện) ghi nhận có 3 mẫu là biến thể XBB, xuất hiện vào trung tuần tháng 11-2022, chiếm ưu thế vẫn là biến thể BA.2.75.
Cả 2 hệ thống giám sát tại bệnh viện và tại cộng đồng của TPHCM đều chưa phát hiện biến thể XBB.1.5.
Theo báo cáo của HCDC, số ca mắc mới trong khoảng thời gian trung tuần tháng 11-2022 đến nay là 208 trường hợp mỗi tuần, thấp hơn thời gian trước đó (trung bình mỗi tuần có 301 ca mắc mới). Bên cạnh đó, số ca nặng điều trị tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, hiện còn 7 trường hợp nặng (do bệnh nền đi kèm) đang thở máy, trong đó có 4 trường hợp do bệnh viện tỉnh chuyển đến.
Biến thể XBB là một biến thể thuộc chủng Omicron đã lưu hành tại 35 quốc gia trên thế giới từ tháng 10-2022, tại châu Á, biến thể này đã xuất hiện tại Singapore, Ấn Độ,… Biến thể phụ XBB.1.5 là một nhóm phụ của XBB đang lưu hành tại Mỹ từ tháng 10-2022.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ XBB và XBB.1.5 gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác của Omicron.
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể phụ XBB.1.5 đã xuất hiện tại 25 quốc gia trên thế giới (Mỹ, các nước châu Âu, Hàn Quốc,…). Tại Việt Nam, do sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân vào dịp lễ, tết nên sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Điều quan trọng, theo WHO, tiêm vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong đối với các biến thể của Omicron.
Tại thời điểm tháng 9-2022, nhờ chiến lược tiêm vaccine bao phủ toàn dân, miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 tại TPHCM đạt 98,7%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vaccine sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tham gia tiêm hoặc không tiêm nhắc lại đúng theo quy định.
Hiện nay, Sở Y tế vẫn tổ chức nhiều điểm tiêm vaccine Covid-19 tại các điểm tiêm cố định trong cộng đồng, tại các bệnh viện và đang xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 xuyên Tết Quý Mão.
Trước đó, ngày 4-1, Báo SGGP đã đăng tải thông tin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM công bố kết quả tầm soát biến chủng SARS-CoV-2 trong 6 tháng cuối năm 2022 tại TPHCM. Công tác do nhóm nghiên cứu Covid-19 của bệnh viện và đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện trên 526 bệnh nhân Covid-19 từ ngày 1-7-2022 đến 25-12-2022.
Trong đó, 67% (tương ứng với 353 ca) bệnh nhân có tải lượng virus phù hợp và được giải mã gene. Kết quả còn ghi nhận sự xuất hiện của biến thể phụ XBB vào tháng 12-2022 nhưng ở tỷ lệ thấp. (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tuổi trẻ, trang 14; Công an nhân dân, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai tại VN từ năm 2008 tại Hải Phòng và TP.HCM.
Đến nay có 63/63 tỉnh thành triển khai với gần 600 cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát methadone, đang điều trị cho hơn 51.000 bệnh nhân.
Theo Bộ Y tế, tại VN, đề án thí điểm cấp phát thuốc methadone nhiều ngày (dùng tại nhà) cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện triển khai từ tháng 4.2021 tại 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Hải Phòng.
Năm 2022, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng thêm tại 3 tỉnh mới là Nghệ An, Lào Cai và Bắc Giang. Đến tháng 12.2022, tổng số hơn 3.000 bệnh nhân (BN) được nhận thuốc methadone cấp nhiều ngày, trong số hơn 51.000 BN điều trị methadone.
Bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV - Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết trong suốt 2 năm triển khai thí điểm cấp thuốc methadone nhiều ngày chưa phát hiện tình huống ngộ độc thuốc methadone. “Tuy nhiên, BN cần được tư vấn kỹ, cảnh báo nguy cơ khi được mang thuốc về nhà, bảo quản thuốc, và đặc biệt tránh xa tầm tay trẻ em”, bác sĩ Thủy lưu ý.
Cấp thuốc methadone nhiều ngày rất phù hợp với các BN, nhất là những người sống cách xa cơ sở điều trị; ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. BN được cấp thuốc nhiều ngày có công việc làm ổn định, chủ động trong công việc, tuân thủ điều trị tốt hơn vì không phải dành thời gian đến uống thuốc trong giờ hành chính.
Bác sĩ Thủy cũng cho rằng: “Việc cấp thuốc methadone cho người bệnh mang về giúp BN giảm thời gian phải chờ đợi uống thuốc vào đầu giờ sáng hằng ngày tại nơi cấp thuốc, khích lệ động viên BN tuân thủ điều trị tốt hơn”.
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến cuối năm 2021 cả nước có 205.818 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện bao gồm thuốc phiện, morphine, heroin vẫn còn cao, chiếm tới gần 40%. Nghiện ma túy hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện lớn. Do vậy, song song với các biện pháp giảm cung, giảm nhu cầu sử dụng ma túy, trong nhiều năm qua, VN cũng đã triển khai các biện pháp nhằm giảm tác hại của ma túy và dự phòng lây nhiễm HIV do sử dụng ma túy.
Các biện pháp can thiệp giảm tác hại hiện đang triển khai là: cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đã được triển khai rộng rãi trên toàn quốc. Điều trị methadone hiện là giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại VN và trên toàn thế giới.
Theo báo cáo của một số tỉnh thành, sau 24 tháng sử dụng methadone còn 4% BN tiếp tục sử dụng heroin. Tỷ lệ nhiễm HIV mới trong BN tham gia điều trị là 0,5%. Tỷ lệ BN có các hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% (trước điều trị) xuống 1,34% sau 24 tháng điều trị.
Sau 14 năm triển khai, các báo cáo nghiên cứu cho thấy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone góp phần cải thiện sức khỏe người bệnh; giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu; nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình, giảm chi phí của xã hội cho các vấn đề về pháp lý và y tế dành cho người nghiện… Hiện 6 tỉnh thành: Điện Biên, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Giang, Lào Cai và Nghệ An đang triển khai cấp phát thuốc nhiều ngày cho BN điều trị methadone đủ điều kiện. (Thanh niên, trang 15).