Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 6/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Trẻ nhiễm độc chì vì uống thuốc cam rởm vẫn không ngừng tăng; Suy giảm miễn dịch bẩm sinh

Trẻ nhiễm độc chì vì uống thuốc cam rởm vẫn không ngừng tăng

Sau cú sốc hàng trăm trẻ bị nhiễm độc chì vì uống thuốc cam rởm cách đây vài năm, tình hình có vẻ đã lắng xuống. Nhưng theo các chuyên gia y tế, tình trạng này không hề giảm mà những ca được phát hiện và điều trị tại bệnh viện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Còn rất nhiều những đứa trẻ chịu ảnh hưởng của thuốc cam rởm mà chưa được điều trị. Vì vậy, các bậc cha mẹ đã từng cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc, hãy đưa con đến bệnh viện để được xét nghiệm.

Bệnh nhân N (6 tuổi, Việt Yên, Bắc Giang) được các bác sĩ ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai xác định là ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Triệu chứng của bệnh nhân là thường xuyên nôn, da xanh xao, trí tuệ chậm phát triển, không chịu tiếp xúc và hòa nhập với cộng đồng. Kết quả xét nghiệm của trường hợp này cho thấy hàm lượng chì trong máu cao, 26,19mcg/dcl (cao gấp nhiều lần lượng chì cho phép trong cơ thể).

Theo mẹ bé N, do con trai lười bú và chậm tăng cân nên ngay từ khi vài tháng tuổi, chị đã mua thuốc cam của một thầy lang cho con uống. Thấy con tăng cân, chị duy trì cho uống trong một thời gian dài, đến hơn 1 tuổi mới dừng lại. Lúc này, con bắt đầu xuất hiện những biểu hiện như: môi khô, xuất hiện những cơn co giật, đờ đẫn, nhận biết kém… Tình hình ngày càng trầm trọng nên gia đình đã đưa con khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, sau đó cháu được chuyển sang Trung tâm chống độc. Tại đây, sau thời gian điều trị thải độc chì, lượng chì trong máu bệnh nhân đã giảm xuống nhưng những di chứng về thần kinh thì khó mà khắc phục.

Tình trạng ngộ độc chì do uống thuốc cam không rõ nguồn gốc ở Việt Nam đã được báo động cách đây nhiều năm, khi hàng loạt trẻ phải nhập viện về những di chứng thần kinh nặng nề. Cao điểm như năm 2013, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận gần 800 bệnh nhân đến khám, trong đó có gần 180 trẻ em ngộ độc chì mà phần lớn đều liên quan đến sử dụng thuốc cam nhằm tẩm bổ, tăng cân. Đến thời điểm này, số trẻ nhập viện có giảm, nhưng theo các bác sĩ, không có nghĩa là số trẻ bị ngộ độc chì giảm, mà vẫn còn nhiều trẻ chưa được phát hiện và điều trị.

Trẻ nhiễm độc chì sẽ có các biểu hiện cấp tính như tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt. Đặc biệt, về lâu dài sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng về cả thể chất và tinh thần. Nhẹ thì giảm chỉ số IQ, giảm khả năng học tập. Nặng thì dẫn đến rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, trẻ có thể bị trì độn, không những không có khả năng học tập mà không có khả năng tự phục vụ mình, không có nhận biết về bản thân mình và môi trường xung quanh…

Đáng nói, theo PGS.TS Phạm Duệ (nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc) thì các biểu hiện của trẻ nhiễm độc chì thường không đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác nên trẻ bị ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ. Vì vậy, theo khuyến cáo của PGS.TS Phạm Duệ, tất cả những gia đình đã từng cho con uống thuốc cam không rõ nguồn gốc hãy đưa con đến bệnh viện để xét nghiệm máu để xác định trẻ có bị nhiễm độc chì hay không và thải độc chì kịp thời nếu nồng độ chì quá cao.

Tại Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) mỗi năm có hàng trăm mẫu sản phẩm thuốc cam và mẫu máu được gửi đến xét nghiệm hàm lượng chì. Tất cả các mẫu thuốc cam không rõ nguồn gốc (thuốc cam rởm) đều chứa 10-70% lượng chì.

Đáng nói là nhiều mẫu thuốc ngoài chứa hàm lượng chì cao, có mẫu còn chứa cả hàm lượng thủy ngân, thạch tín rất cao. Vì vậy theo các chuyên gia, phụ huynh khi cho con dùng thuốc cam cần mua thuốc cam rõ nguồn gốc, xuất xứ, được các cơ quan chức năng chứng nhận an toàn. Theo Công an Nhân dân (An ninh thủ đô (trang 8).

 

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh

Nhiều bệnh nhi ốm sốt triền miên, thậm chí có những bé tử vong khi mới 2 - 3 tháng tuổi do khởi đầu chỉ là mắc bệnh nhiễm trùng thông thường.

Với những tiến bộ trong y học, căn nguyên gốc gây ốm đau “mãn tính” ở một số trẻ nhỏ đã được xác định.

Nhập viện liên tục

“Con trai tôi 15 tuổi nhưng nặng có 23 kg và chiều cao chưa đầy 1,3 m. Nó ốm sốt suốt từ lúc mới 2 - 3 tháng tuổi, quanh năm suốt tháng đi viện”, bố của bệnh nhi I.P.N (nhà ở Bản Đôn, Đắk Lắk) cho biết. Khoảng hai tháng trước, bác sĩ ở bệnh viện địa phương nhận thấy I.P.N ốm suốt mà không cách nào chữa khỏi nên đã hướng dẫn gia đình đưa cậu bé ra khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội). Các bác sĩ khoa miễn dịch - dị ứng cho biết I.P.N đã được khám, xét nghiệm gien và xác định bị suy giảm miễn dịch tiên phát (bẩm sinh).

Còn bé trai tên P. (9 tuổi, nhà ở Hải Phòng) từ 3 năm trước cũng được bác sĩ của Trường ĐH Y Dược Hải Phòng phát hiện “có vấn đề” sau khi nhận thấy cậu bé này nhập viện nhiều hơn mức bình thường, gần như nhập viện mỗi tháng do ốm sốt, cúm, viêm phổi. Khi đó P. mới 6 tuổi và được bác sĩ lấy máu gửi sang Nhật để xét nghiệm. Kết quả cho thấy P. bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

“Trước đây, rất nhiều bệnh nhi bị suy giảm miễn dịch tiên phát không được chẩn đoán do chúng ta chưa đủ điều kiện xét nghiệm”, TS-BS Lê Thị Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho biết. Theo TS-BS Hương, bình thường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống lại các nhiễm khuẩn do các vi sinh vật, vi nấm, vi rút gây ra. Nhưng trên bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, hệ miễn dịch hoạt động không bình thường nên người mắc bệnh này dễ bị nhiễm trùng hơn những người khác. Các nhiễm trùng này xảy ra thường xuyên hơn, thậm chí chúng có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng, khó điều trị khỏi.

Hướng điều trị

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư vừa qua tiếp nhận một bệnh nhi liên tục nhập viện do nhiễm nấm miệng, viêm phổi. Cứ dứt đợt điều trị thời gian ngắn, bệnh nhi lại phải nhập viện, tình trạng hơi khác thường so với các bệnh nhân khác.

“Khai thác tiền sử, gia đình cho biết hai người anh của bệnh nhi đều mất khi mới được 2 - 3 tháng tuổi, do bệnh nhiễm trùng. Với em bé này, tình trạng bệnh lặp lại. Do đó, chúng tôi lập tức xét nghiệm và xác định bé bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh, và điều trị kịp thời cho bé”, TS-BS Lê Thị Minh Hương cho biết.

Theo GS-TS Nguyễn Công Khanh, Hội Nhi khoa VN, với điều kiện thiết bị hiện đại, suy giảm miễn dịch tiên phát sẽ được chẩn đoán sớm. Bệnh nhân được điều trị bằng ghép tế bào gốc tủy xương hoặc điều trị lâu dài bằng truyền chế phẩm (Immunoglobulin) giúp tăng cường miễn dịch. Suy giảm miễn dịch tiên phát là bệnh di truyền, được phát hiện nhờ xét nghiệm gien (khác với hội chứng suy giảm miễn dịch HIV có nguyên nhân do vi rút), thường phát hiện trong thời thơ ấu. Bệnh không lây lan mà do “nhận” gien bệnh từ bố mẹ.

“Suy giảm miễn dịch bẩm sinh không gây trực tiếp tử vong, mà bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, bởi khi mắc các nhiễm trùng dễ bị diễn biến nặng, không chữa khỏi. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh”, TS-BS Lê Thị Minh Hương lưu ý. (Thanh niên (trang 16), Nhân dân (trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang