Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Nghị quyết 30: Gỡ nhiều “nút thắt” cho bệnh viện; Đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế; Khẩn cấp gỡ khó cho ngành y; Khánh Hòa muốn xây bệnh viện ngàn giường

 

Nghị quyết 30: Gỡ nhiều “nút thắt” cho bệnh viện

Ngày 4-3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 tháo gỡ việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế đối với máy mượn, máy đặt, giúp kịp thời tháo gỡ vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải.

Được dùng máy đặt, máy mượn

Theo Bộ Y tế, nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết 30 là Chính phủ cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.

Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở y tế áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Cụ thể, giao hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị khi xây dựng giá gói thầu trong trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau.

Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá để xác định giá gói thầu căn cứ ít nhất một trong các tài liệu: giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp được đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc Cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế (https://dmec.moh.gov.vn) hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị cũng như các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu trong thời gian tối thiểu 10 ngày; chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở y tế được phép sử dụng các trang thiết bị do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám, chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được Quỹ BHYT thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng.

Bệnh viện thở phào

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, nghị quyết được ban hành rất sát với những khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện đang đối mặt và giải quyết được những vấn đề cấp bách. Việc Chính phủ cho phép kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt, máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh, cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư, đồng ý các gói thầu báo giá dưới 3 nhà thầu... là những giải pháp tháo gỡ hết sức cần thiết và kịp thời.

“Những đề xuất của bệnh viện được thông qua giúp công tác đấu thầu, mua sắm thuận lợi hơn. Khi thông quan thuận lợi, đấu thầu thuận lợi thì việc cung ứng thuốc, vật tư hóa chất sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết. GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cũng vui mừng cho biết, bệnh viện sẽ nhanh chóng thực hiện theo hướng dẫn của nghị quyết để sớm hoàn thành việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Đại diện nhiều bệnh viện khẳng định, nghị quyết trên là giải pháp mang tính cấp bách, còn để giải quyết căn cơ vấn đề này đòi hỏi Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần xây dựng những quy định rõ ràng về việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế cũng như xây dựng các quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong dự án Luật Đấu thầu bảo đảm phù hợp với đặc thù của ngành y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Công an nhân dân, trang 4; An ninh thủ đô, trang 3).

 

Đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị y tế

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Nghị quyết số 30 cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Cụ thể, đối với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022, thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Đối với các hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022, thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.

Trường hợp hết thời hạn hợp đồng quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua.

Cũng theo Nghị quyết 30/NQ-CP, trường hợp trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư hoặc bên mời thầu (sau đây gọi chung là chủ đầu tư) quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị y tế để sử dụng vật tư, hóa chất thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp trang thiết bị y tế theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất quy định tại khoản này được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán.

Trường hợp hết thời hạn hợp đồng thì được tiếp tục thanh toán đến khi sử dụng hết vật tư, hóa chất đã mua (Tiền phong, trang 2).

 

Khẩn cấp gỡ khó cho ngành y

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 07/NĐ-CP và Nghị quyết số 30/NQ-CP với hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
Liên tiếp trong 2 ngày 3 và 4.3, Chính phủ ban hành Nghị định 07/NĐ-CP (NĐ07 - có hiệu lực từ ngày 3.3) và Nghị quyết số 30/NQ-CP (NQ30 - có hiệu lực thi hành ngay lập tức nhằm đảm bảo cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế (TTBYT). Trong đó, để giải quyết tình trạng thiếu thốn do giấy phép nhập khẩu TTBYT và số đăng ký lưu hành TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán hết hạn, NĐ07 quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT. NQ30 thì sửa quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tại Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022, đồng thời cho phép linh hoạt hơn về giá gói thầu.

Triển khai ngay vì người bệnh

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế), với việc gia hạn các giấy phép nhập khẩu, NĐ07 giải quyết vấn đề rất thiết yếu cho các bệnh viện (BV), những gói thầu đã trúng thầu thì có thể nhập khẩu được ngay và đáp ứng nhu cầu cho các BV đang bị thiếu. Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) có thể nhập khẩu vật tư, TTBYT cung cấp cho hệ thống y tế. NĐ07 giúp giải quyết những vấn đề cấp bách trong mua sắm TTBYT, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng TTBYT nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Tại BV Răng hàm mặt T.Ư (Hà Nội), thời gian qua xảy ra thiếu hụt một số thuốc, vật tư y tế (VTYT). PGS-TS Trần Cao Bính, Giám đốc BV Răng hàm mặt T.Ư (Hà Nội), cho biết với hiệu lực lập tức của NĐ07, các VTYT mà BV đã đấu thầu ngay tuần tới sẽ được cung cấp, giúp BV có vật tư cho KCB.

"Với các công ty vừa qua chưa được Bộ Y tế gia hạn giấy phép, khi nghị định ban hành thì ngay tuần này có thể cung cấp VTYT cho BV. Về dài hạn, các công ty đã có giấy phép cũng sẽ chủ động có kế hoạch về nguồn cung vật tư, TTBYT", ông Bính đánh giá.

Việc NĐ07 bãi bỏ yêu cầu "phải có thông tin tham chiếu giá kê khai tại thời điểm mua sắm" cũng được lãnh đạo các BV đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tế. Như với BV Bạch Mai vừa qua có khoảng 2.000 mặt hàng thông báo cần đấu thầu mua sắm phục vụ chẩn đoán, KCB nhưng khoảng 2/3 trong đó không có công ty tham gia đấu thầu cung ứng hoặc có giá tham chiếu cao. Khi yêu cầu nêu trên bãi bỏ, "nút thắt" về giá được tháo gỡ. "Nếu như không có NĐ07 thì chắc chắn câu chuyện thiếu vật tư, TTBYT sẽ tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động KCB", PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, nêu ý kiến.

Về NQ30, một trong những điểm nổi bật là cho phép các cơ sở y tế (CSYT) được sử dụng các TTBYT đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các TTBYT liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để KCB. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng TTBYT này được quỹ BHYT thanh toán. Cơ sở KCB chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các TTBYT này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa TTBYT trong quá trình sử dụng.

Một bác sĩ chuyên ngành ung bướu cho hay nhiều tháng qua BV của ông mong có quy định tháo gỡ để có thể đưa vào sử dụng hệ thống máy bị dừng hoạt động, trong đó có các thiết bị hiện đại, phục vụ chẩn đoán điều trị bệnh hiểm nghèo như hệ thống máy Gamma. Đây là hệ thống xạ phẫu bằng dao Gamma quay, nguồn phóng xạ phát tia từ nhiều hướng khác nhau để hội tụ chính xác vào khối u, liều bức xạ tại khối u là cao nhất mà ít ảnh hưởng tới tổ chức lành, đem lại hiệu quả cao trong điều trị khối u và rất an toàn. Trong khi đó, đã có thời gian dài hệ thống này phải ngưng hoạt động.

Thời gian qua, hàng ngàn bệnh nhân (BN) u não và các bệnh lý sọ não khác đã được điều trị hiệu quả với hệ thống dao Gamma. Tới đây, nhờ NQ30, các vướng mắc được tháo gỡ, hệ thống máy, TTBYT "đắp chiếu" được hoạt động trở lại, giúp cho BN được thuận lợi điều trị và được đảm bảo đầy đủ quyền lợi do quỹ BHYT chi trả.

Trước đó, từ ngày 1.3, do cạn kiệt VTYT, BV Hữu nghị Việt Đức đã phải giảm các ca mổ phiên, chỉ ưu tiên phẫu thuật những ca cấp cứu và BN rất nặng khiến nhiều ca chấn thương kéo dài thời gian chờ được mổ, thậm chí có BN có chỉ định mổ cũng phải trì hoãn. Ngoài ra, tại một số BV đầu ngành, nhiều người nhà BN phải mua một số VTYT như thuốc, chỉ khâu phẫu thuật. Tuy nhiên, theo GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, Chính phủ đã quyết liệt vào cuộc với việc ban hành NĐ07 và NQ30, giúp hàng triệu người bệnh được hưởng lợi. "BV chúng tôi cố gắng để triển khai sớm nhất để có thể có được các điều kiện phục vụ người bệnh và việc phẫu thuật sẽ sớm trở lại thường quy", GS Giang khẳng định.

Giải quyết bất cập từ kê khai giá

Về quy định cụ thể, theo NĐ07, giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 1.1.2018 - 31.12.2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Số đăng ký lưu hành đối với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán đã được cấp từ ngày 1.1.2014 - 31.12.2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.

Ông Nguyễn Minh Lợi cho biết thêm để đảm bảo chất lượng TTBYT, các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của TTBYT. Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu, số lưu hành TTBYT các trường hợp vi phạm quy định về quản lý TTBYT.

Như đã đề cập ở trên, khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, NĐ07 bãi bỏ quy định "Không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán" do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các DN và các CSYT.

Tới đây chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp TTBYT, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của quỹ BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và nội dung thông tin TTBYT phải kê khai giá.

Theo đánh giá, quy định này giúp kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm TTBYT, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng TTBYT nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Linh hoạt về giá gói thầu

Nội dung cụ thể của NĐ30 cho phép tiếp tục thanh toán chi phí KCB BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của luật Đấu thầu.

NQ30 cũng cho phép các CSYT được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Theo đó, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại TTBYT nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao hội đồng khoa học của đơn vị xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật. Trên cơ sở đó, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định.

Giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo 2 hình thức: chủ đầu tư gửi thông báo mời giá với yêu cầu kỹ thuật lên các trang thông tin của Bộ Y tế, Cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý TTBYT (https://dmec.moh.gov.vn)... tối thiểu trong 10 ngày. Hoặc chủ đầu tư được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối; hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Việc xác định giá gói thầu được dựa trên tính năng kỹ thuật, nhu cầu sử dụng, khả năng tài chính của chủ đầu tư. Giá trúng thầu của gói thầu mua sắm TTBYT tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày (Thanh niên, trang 2).

 

Khánh Hòa muốn xây bệnh viện ngàn giường

Chiều 5-3, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết vừa giao các sở, ngành chọn địa điểm để thực hiện chủ trương của tỉnh, nhằm đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Theo ông Tuân, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng bệnh viện nêu trên là thực hiện theo nghị quyết của Bộ Chính trị (số 09/NQ-TW, ngày 28-1-2022) về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030. 

Đó là "xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trở thành bệnh viện tuyến cuối của cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ".

Còn hướng đầu tư, nâng cấp mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là sẽ xây dựng thêm một cơ sở bệnh viện mới, quy mô 1.000-1.500 giường nhưng vẫn thuộc bệnh viện tỉnh.

Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, ngày 1-3 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu chủ trì các đơn vị, sở và địa phương liên quan khảo sát địa điểm thực hiện chủ trương đầu tư dự án.

Địa điểm được khảo sát là tại khu quy hoạch khu đô thị - công viên - trung tâm hành chính mới của tỉnh, tại xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang) (Tuổi trẻ, trang 4)..

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang