Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/4/2020

  • |
T5g.org.vn - TP.HCM: hơn 81 tỉ đồng cho phòng chống COVID-19 và hạn mặn; Hạn chế ra đường: Nơi phạt, nơi nhắc nhở; Liên tiếp giảm ca bệnh: Chưa thể nói dịch đã lui; …

 

Thường trực Chính phủ họp bàn dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Chiều 5-4, tại tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp bàn dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, dịch Covid-19 không những gây tác hại nặng nề, không những ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng người dân mà còn mà còn tấn công vào những người yếu thế trong xã hội như những người thu nhập thấp, thất nghiệp... Do đó, Nhà nước với những nguồn lực khác nhau phải tìm mọi cách để cho những đối tượng này vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để người dân bị “đói cơm, lạt muối”; đồng thời phải dưỡng sức người lao động (NLĐ) để tiếp tục công cuộc phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian tới. Do đó, nhiệm vụ chính trị của chúng ta không những phải làm tốt công tác phòng, chống dịch, mà còn phải bảo đảm an sinh xã hội. Với ý nghĩa lớn lao như vậy, cho nên cần có chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong bảo đảm cuộc sống của nhân dân.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành như Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), Tài chính, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp này, hoàn chỉnh báo cáo theo chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan.

Thủ tướng nêu rõ, theo dự thảo Nghị quyết, chúng ta cơ bản thống nhất có bảy nhóm đối tượng; trong đó có sáu nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ trực tiếp, một nhóm đối tượng là doanh nghiệp (DN) được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với mức lãi suất 0% để hỗ trợ một phần, bảo đảm mức lương tối thiểu cho NLĐ.

Thủ tướng cũng lưu ý, nếu còn sót đối tượng này, đối tượng kia mà xã hội quan tâm thì tiếp tục bổ sung; cơ bản nhất trí mức hỗ trợ, thời gian, phương pháp hỗ trợ trong dự thảo trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi trong việc chi trả cho NLĐ.

Về nguồn kinh phí thực hiện, Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ từ các nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 10%; nguồn từ giảm chi hội nghị, hội thảo; giảm đi công tác nước ngoài, giảm tổ chức các lễ hội; từ nguồn tăng thu 2019, sử dụng nguồn dự phòng 2020 và các nguồn hợp pháp khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sau khi xin phép các cơ quan chức năng; lưu ý phải nêu rõ số tiền từng nguồn từ ngân sách T.Ư được phân bổ như thế nào. Cả T.Ư và địa phương đều có trách nhiệm trong việc chi trả. Trách nhiệm trong vấn đề này thuộc cấp uỷ, chính quyền địa phương, sau đó là của DN.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB-XH phải chuẩn bị việc kỹ hướng dẫn các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện. Đặc biệt yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết; các cơ quan, đoàn thể, MTTQ Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các vi phạm; không bỏ sót đối tượng, không để trục lợi chính sách. Việc này phải giao quyền cho UBND các địa phương hết sức chặt chẽ. Chúng ta phải chú ý những đối tượng bị mất việc làm, thu nhập giảm sâu, không bảo đảm mức sống tối thiểu vì dịch Covid-19, đó là hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, người có công, người có thu nhập giảm sâu; lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương; hỗ trợ DN siêu nhỏ, NLĐ tự do mất việc làm. Các DN cũng có vai trò rất quan trọng hỗ trợ đời sống nhân dân như tiết giảm chi phí, sử dụng tối đa các quỹ, hay hỗ trợ giảm giá các dịch vụ thiết yếu như điện, viễn thông, internet…;

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải giảm giá nước. Ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương cùng phối hợp thực hiện việc này.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, cơ quan đã đề xuất nhiều ý kiến, đưa ra các phương án cụ thể; đồng thời yêu cầu tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để Chính phủ khẩn trương ban hành, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân…

Tại cuộc họp, các bộ, ngành liên quan thảo luận về báo cáo của Bộ KHĐT, tập trung vào các nội dung: mức hỗ trợ, thời gian, nguồn và đối tượng hỗ trợ. Các ý kiến đều cho rằng hỗ trực tiếp và càng sớm thì càng tốt. Đối tượng hỗ trợ là người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.

Theo Bộ KHĐT, việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và NLĐ đang rất khó khăn. Đồng thời phải tính độ trễ của việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách. Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng. (Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Triển khai nhanh gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19”; Hà Nội mới, trang 1: “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói hỗ trợ vì “cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”; Công an Nhân dân, trang 1: “Làm nhanh gói hỗ trợ vì cuộc sống người dân”; Nông thôn ngày nay, trang 1: “Lao động nghèo mong gói hỗ trợ an sinh”

 

Hạn chế ra đường: Nơi phạt, nơi nhắc nhở

Ngày 5/4, một số người dân tại phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) bị xử phạt vì ra đường trong trường hợp không cần thiết. Trong khi đó, nhiều nơi khác vẫn duy trì nhắc nhở, khuyến cáo.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết, phường là một trong số đơn vị đầu tiên của Hà Nội ra quân xử phạt các hành vi vi phạm quy định hạn chế ra đường trong thời gian giãn cách xã hội nếu không thực sự cần thiết.

Theo ông Huy, 3 trường hợp bị xử phạt gồm 2 người đi câu cá và 1 người đi bán hoa. Mức xử phạt là 200.000 đồng/người. Trong đó, có 1 người trú tại phường Trúc Bạch còn lại 2 người ở nơi khác đến phường. “Sau khi giải thích, cả 3 người đều chấp hành việc nộp phạt chứ không cự cãi gì”, ông Huy nói. Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch nêu rõ, Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 05 của Chủ tịch UBND thành phố đã nêu rõ về cách ly xã hội để phòng dịch. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn 260 hướng dẫn Chỉ thị 16, quy định rõ “các trường hợp cần thiết” được ra ngoài đường.

“Nghị định 176 cũng đã quy định căn cứ xử phạt, nên chúng tôi thực hiện. Tuy nhiên, 2/3 trường hợp bị phạt sáng nay là người ở nơi khác đến phường, còn người dân trên địa bàn chấp hành tương đối tốt. Những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội, không ra ngoài buôn bán được, chúng tôi có hỗ trợ bằng tiền từ quỹ Vì người nghèo và hỗ trợ thực phẩm để họ bớt khó khăn phần nào”, ông Huy nêu thêm.

Chiều 5/4, ghi nhận của phóng viên Tiền Phong cho thấy, nhiều khu vực trên địa bàn thành phố vắng bóng người tập thể dục. Tại khu vực hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm), khoảng vài chục mét lại có một chốt chặn ngăn người dân đi vào khu vực bờ Hồ. Thấy người dân có ý định vào đi bộ, những người này thổi còi, nhắc nhở di chuyển về nhà, không tập thể dục đông người.

Theo báo cáo của UBND quận Hoàn Kiếm, ngày 5/4 Công an các phường Hàng Mã, Hàng Bông, Tràng Tiền phát hiện 3 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong đó nhắc nhở 2 trường hợp và xử phạt 1 trường hợp 200.000 đồng. Như vậy, trong 4 ngày tiến hành nhắc nhở, xử lý người vi phạm, quận Hoàn Kiếm đã xử lý 102 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, xử phạt số tiền 20.400.000 đồng.

Trên địa bàn nhiều quận khác, người dân vẫn đi bộ, tập thể dục đông người. Tại khu vực hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai), cả trăm người dân vẫn đi bộ. Một tổ công tác kèm loa phát thanh tuyên truyền đứng ở khu vực góc công viên ngăn người dân vào khu vực có các thiết bị tập thể dục nhưng người dân đi vòng lên phía trên vào khu vực hồ. Nhiều người không đeo khẩu trang.

Trong khi đó, dù công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đã đóng cửa nhưng rất đông người dân đi lại tập thể dục phía bên ngoài thành những tốp nhỏ, hai, ba... thậm chí 4-5 người. Tại khu vực cổng chính, thường xuyên có 2-3 tốp chơi đá cầu và cầu lông. Tại Công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy) tình trạng cũng tương tự, nhiều người dắt chó đi dạo như bình thường. Tất cả những nơi này không có lực lượng chức năng nhắc nhở. (Tiền phong, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “3 trường hợp đầu tiên bị xử phạt vì hành vi ra đường không cần thiết” ; Công an Nhân dân, trang 1 : “Ra đường không thuộc diện được phép, 5 trường hợp bị xử phạt”.

 

Liên tiếp giảm  ca bệnh: Chưa thể nói dịch đã lui

Liên tiếp trong 3 ngày qua, Việt Nam ghi nhận số ca COVID-19 mắc mới giảm, từ 11 ca ngày 2/4 xuống còn 3 ca ngày 4/4 và hôm qua là 1. PGS.TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây chưa phải là giá trị dịch tễ đánh giá dịch đã lui, là một tín hiệu vui, nhưng không chủ quan.

Không chủ quan

Theo ông Nga cần theo dõi ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để ngăn chặn dịch, vì thế cơ hội trong những ngày này là hạn chế lây lan đến mức thấp nhất, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch COVID-19 để không bùng phát mạnh trong cộng đồng. Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, Thứ trưởng Long nhận định, việc tuân thủ giãn cách xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch vì bệnh này lây chủ yếu qua tiếp xúc gần.

 “Nếu thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta giữ vững được thế chủ động chống dịch. Nếu không kịp thời khống chế, dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng, dẫn tới nhiều người nhập viện do tình trạng nặng, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền. Nếu qua 15 ngày cách ly vẫn có các ca bệnh mới, chúng ta tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch và có khả năng phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không có ca bệnh mới, về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc ngừng giãn cách xã hội. Khi đó, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào, cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Theo ông, đỉnh dịch là thời điểm (có thể ngày hoặc tuần) mà dịch phát triển mạnh nhiều ca mắc, nhiều người nhập viện, sau đó giảm dần. Việt Nam nếu ngăn chặn được lây lan cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch. Thời gian kết thúc đại dịch cũng phụ thuộc lớn biến động đi lại của quốc tế. Thông thường các đại dịch có sự phát sinh, lên đỉnh và thoái lui. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ học quốc tế, đại dịch COVID-19 có thể rầm rộ vài tháng nữa rồi kéo dài đến hết năm nay và đuôi dịch có thể sang năm 2021.

“Chúng ta chưa biết được miễn dịch của bệnh sẽ như thế nào. Bệnh có thể hình thành miễn dịch, thành cúm thường như đại dịch cúm 2009 hoặc biến mất hẳn như dịch SARS 2003. Nếu trong trường hợp bệnh COVID-19 trở thành tương tự cúm mùa, những vụ dịch lần sau sẽ không còn quy mô lớn và trầm trọng như bây giờ. Ngoài ra, nếu virus gây bệnh này tạo ra miễn dịch ổn định, chúng ta có thể sản xuất vắc - xin để tiêm phòng đại trà”, chuyên gia dịch tễ này nói.

Hạn chế nguy cơ bệnh viện thành ổ dịch

Phân luồng, sàng lọc, cách ly, phát hiện sớm để hạn chế COVID-19 “thăm” bệnh viện. Đó là yêu cầu của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19 cùng các thành viên trong Đội Cơ động chống dịch của Bộ Y tế tại buổi kiểm tra công tác khám, sàng lọc, cách ly bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Việt Pháp và Bệnh viện Bưu điện ngày 5/4.

Từ bài học dịch SARS 2003, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện Việt Pháp thực hiện nghiêm và cập nhật những văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế chưa giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 dương tính cho Bệnh viện Việt Pháp, nhiệm vụ của bệnh viện là phân luồng, cách ly, giám sát, phát hiện sớm và chuyển bệnh nhân COVID-19. Đoàn công tác Bộ Y tế đề nghị bệnh viện phân luồng ngay từ cổng; biển báo dễ nhận biết từ cổng để người có triệu chứng và người đi từ vùng dịch tễ đến đúng địa điểm.

Với trường hợp bệnh nhân 237 có mặt 2 lần tại bệnh viện, Đoàn công tác đề nghị Bệnh viện Việt Pháp rút kinh nghiệm, càng cảnh giác và phòng ngừa tốt, càng bảo vệ bệnh viện khỏi những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Hiện 22 nhân viên y tế Bệnh viện Việt Pháp có kết quả âm tính, tiếp tục cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với bệnh nhân.

Kiểm tra tại Bệnh viện Bưu điện, Đoàn công tác đã góp ý khu vực phân luồng, sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19 tại đây. Hiện Bệnh viện Bưu điện có 2 cơ sở ở Định Công gần với khu dân cư và cơ sở ở phố Huế. Trong đó, khoa thận lọc máy của bệnh viện đang điều trị cho 110 người bệnh thận nhân tạo, trong đó có 30 người bệnh thuê nhà tại xóm thận Bạch Mai- phố Lê Thanh Nghị cùng với 100 bệnh nhân của bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân này đều được tổ chức sàng lọc COVID-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện không được lơ là trong phòng dịch bởi tất cả những người vào viện đều có nguy cơ nhiễm bệnh, mang nguồn bệnh từ bên ngoài vào.

Ngày 5/4, PGS.T Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, qua nghiên cứu trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện đã nhận thấy biến đổi khác biệt về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại Việt Nam. Cụ thể, virus này đã tách ra thành 2 nhóm. Từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 đợt bệnh nhân. Đợt 1 là những bệnh nhân về từ Trung Quốc, đợt 2 là bệnh nhân về từ châu Âu chiếm phần lớn. Trong quá trình phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đến từ Trung Quốc và châu Âu, các nhà khoa học nhận thấy virus gây bệnh cho 2 nhóm này khác hẳn nhau. Tuy nhiên, đến nay nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được virus nhóm nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn. “Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc virus lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt”, PGS.TS Lê Quỳnh Mai phân tích. Cùng với đó cũng chưa khẳng định được độc lực của SARS-CoV-2 có liên quan gì đến yếu tố địa lý, nguồn gốc mà chúng phát sinh hay không. (Tiền phong, trang  4).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 2: “Bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam có xu hướng giảm”; Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Ngày 5-4 chỉ ghi nhận 1 ca mắc mới”; An ninh Thủ đô, trang 2: “Công bố bệnh nhân mắc Covid-19 duy nhất trong ngày, Việt Nam có 241 ca”; Tuổi trẻ, trang 1: “Không còn ca nhiễm Covid-19: Mong ngày thật gần”; Lao động, trang 1: “Những tín hiệu vui trong phòng chống dịch Covid-19: Lạc quan những không chủ quan”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Số ca mắc mới giảm đáng kể, bệnh nhân nặng tiến triển khả quan”.

 

Đại dịch covid - 19: Xử lý triệt để  ổ dịch ở TPHCM

Những tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện tại TPHCM khi những ngày qua không phát hiện ca mắc mới và số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 được chữa khỏi tăng lên từng ngày.

Xử lý triệt để các ổ dịch

Trong 2 tuần cách ly toàn xã hội, TPHCM đã yêu cầu tập trung kiểm tra, giám sát tại khu vực nhiều nguy cơ xảy ra “ổ dịch” như: khu đông người làm việc, khu ký túc xá dành cho công nhân, nhà xưởng...

3 ổ dịch gồm: ở quán bar Buddha (phường Thảo Điền, quận 2), khu vực cộng đồng người Hồi giáo (phường 1 quận 8) và đám tang ở huyện Bình Chánh cơ bản đã được xử lý triệt để, đến nay TPHCM không có thêm ổ dịch mới.

TPHCM vẫn tiếp tục   rà soát, xác minh người nhập cảnh từ 8/3 chưa cách ly tập trung. Đến nay đã xác minh tiếp cận được hơn 5.000 người, lấy mẫu xét nghiệm 3.558 người. Trong đó có 1.930 mẫu có kết quả âm tính, 1.628 mẫu đang chờ kết quả. Tính đến nay đã có 21 quận huyện trên địa bàn TPHCM hoàn tất việc lấy mẫu xét nghiệm cho người nhập cảnh từ 8/3 mà chưa cách ly tập trung.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã xác minh điều tra có 20 trường hợp từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13/3 đang sinh sống tại thành phố. Những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm. Đối với trường hợp một người Hàn quốc mắc COVID-19 khi về nước, TPHCM đã rà soát, xác minh có 3 người sống tại TPHCM đã từng tiếp xúc với bệnh nhân này. Hiện nay 3 gia đình này đã được đưa đi cách ly tập trung cũng như lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát.

Đối với chuỗi lây nhiễm liên quan quán bar Buddha, đến nay đã có 18 trường hợp mắc COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, đây là một trong những ổ dịch mà Trung ương và TPHCM rất quan tâm. Do đánh giá được nguy cơ nên ngay từ đầu khi xác định được ca nhiễm chỉ điểm (bệnh nhân 91), ngành y tế thành phố đã xác định mối liên hệ tiếp xúc, khoanh vùng rất nhanh để tiếp cận cách ly những người có tham gia buổi tiệc ngày 14/3 tại đây và đến quán bar này từ ngày 13/3 đến ngày 17/3.

 “Các trường hợp lây nhiễm đã được kiểm soát tốt, gần như đầy đủ, chỉ có 5 trường hợp lây do tiếp xúc gần với 11 ca trước đó. Qua điều tra và tổ chức xét nghiệm nhiều lần, cho thấy một vài trường hợp đã qua 14 ngày kể từ khi rời khỏi quán bar vẫn dương tính, dù ban đầu là âm tính”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết.

Kiểm soát chặt cửa ngõ

Tình hình dịch bệnh trong thành phố cơ bản được khống chế, TPHCM quyết tâm không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng khi triển khai 62 chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở các cửa ngõ, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng như ga

Sài Gòn.

Theo đó, từ 14h chiều 5/4, 62 chốt kiểm soát dịch COVID-19 trong đó có 16 chốt chính tại các cửa ngõ TPHCM. Các chốt này bao gồm lực lượng của 5 đơn vị gồm Công an TPHCM, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TPHCM, Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải và Ban quản lý An toàn thực phẩm phối hợp chốt chặn tuyên truyền cho người dân về công tác chống dịch COVID-19. Cùng với đó, 46 chốt phụ ở cấp quận huyện do lực lượng công an, y tế, dân quân đảm trách. Trong đó, giao lực lượng công an làm tổ trưởng tại các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19.

Ghi nhận của phóng viên chiều 5/4, tại các chốt chính ở cửa ngõ ra vào TPHCM, lực lượng liên ngành đã triển khai chốt chặn kiểm soát dịch bệnh. Người dân từ các tỉnh thành lân cận khi vào TPHCM sẽ được yêu cầu dừng xe để kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế. Đối với những tuyến đường có nhiều làn xe, lực lượng chức năng triển khai hàng rào để phân luồng phương tiện nhằm tạo thuận tiện cho người dân lưu thông.

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TPHCM cho biết, 16 chốt chặn chính tại các cửa ngõ TPHCM được triển khai nhằm tập trung kiểm soát người và phương tiện theo chỉ thị 16 của Chính phủ, phòng chống dịch bệnh. “Đây không phải ngăn sông cấm  chợ mà để đảm bảo công tác phòng chống dịch - nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay”, ông Bình nói.

Bên cạnh việc chốt chặn tại các cửa ngõ, từ ngày 4/4, TPHCM triển khai hoạt động kiểm dịch tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và ga Sài Gòn (ga đường sắt), bao gồm thực hiện tờ khai y tế và kiểm soát thân nhiệt hành khách, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Theo dự kiến, khoảng 400 người được lấy mẫu mỗi ngày tại Ga quốc nội Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Hành khách đến Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sau khi được kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay, ai có kết quả âm tính thì sẽ được tiếp tục di chuyển theo lịch trình dự kiến.

Trong trường hợp số lượng người vào TPHCM từ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vượt 500 hành khách mỗi ngày, thành phố sẽ phải đưa hành khách về khu xét nghiệm ngoài sân bay để đợi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 nhằm đảm bảo lưu thông trong nhà ga. Tại nhà ga xe lửa, TPHCM cũng sẽ triển khai các bước tương tự như tại sân bay. (Tiền phong, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Đồng loạt kiểm dịch y tế người vào TP.HCM”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Kiểm tra y tế tại các cửa ngõ TPHCM”; Hà Nội mới, trang 7: “Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng lòng để chiến thắng đại dịch Covid-19”; Tuổi trẻ, trang 2: “TP.HCM thêm nhiều tín hiệu lạc quan”.

 

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19, nơi nào được làm?

Nơi nào có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19? Có nên cho tư nhân tham gia?

Việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 rộng rãi, trong bối cảnh dịch đã lây lan trong cộng đồng hiện nay, có thể giúp phát hiện ca bệnh, từ đó sẽ cho cách ly sớm, ngăn chặn dịch lây truyền rộng. Nhưng nơi nào có thể thực hiện xét nghiệm, có nên cho tư nhân tham gia... vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với 25 tỉnh, TP đã có bệnh nhân Covid-19. Cả nước chưa có ca tử vong, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng dịch ra cộng đồng.

Với diễn biến dịch như hiện nay, ông Tuyên lưu ý: “Các địa phương phải thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch. Mỗi địa phương sẽ chọn 1 huyện hoặc phường dự kiến có nguy cơ về dịch Covid-19 để xét nghiệm (XN) rộng rãi, qua đó đánh giá nguy cơ dịch trong cộng đồng”.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết thêm: “Vì dịch Covid-19 hiện đã lây lan trong cộng đồng, do đó việc XN sàng lọc rộng rãi có thể giúp phát hiện ca bệnh, từ đó sẽ cho cách ly sớm, ngăn chặn dịch lây truyền rộng ra cộng đồng. Ngoài ra, với kết quả XN trên diện rộng, chúng ta có thể biết được một cách tương đối về nhiễm bệnh trong cộng đồng ở mức nào”.

Công - tư đều có thể xét nghiệm?

Theo ông Trần Đắc Phu, việc XN sàng lọc bằng test nhanh được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế (tại Quyết định số 1282/QĐ-BYT về “Hướng dẫn tạm thời việc XN Covid-19”), gồm các quy định về XN chẩn đoán nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và XN sàng lọc giám sát dịch bệnh Covid-19. Theo quy định, đối với cơ sở thực hiện XN sàng lọc, phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phù hợp với các kỹ thuật XN; cán bộ XN được tập huấn về kỹ thuật XN và an toàn sinh học; có đủ các dụng cụ phòng hộ cho người làm XN, đảm bảo an toàn cho người XN.

TS-BS Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phân tích: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã có phòng XN đủ điều kiện (trang thiết bị, nhân lực đã được tập huấn…) được thực hiện XN sàng lọc ca bệnh Covid-19 bằng test nhanh, nhưng cần có báo cáo về Sở Y tế. Còn đơn vị thực hiện XN khẳng định ca bệnh mắc Covid-19 phải được Bộ Y tế đánh giá, công nhận. “Test nhanh chỉ là đánh giá ban đầu. Ngay cả khi XN lần 1 âm tính thì cũng vẫn cần XN lại lần thứ 2, cách lần đầu khoảng 5 - 7 ngày. Nhưng để khẳng định chính xác ca bệnh vẫn phải làm lại XN tại các đơn vị được Bộ Y tế chỉ định. XN khẳng định cần được thực hiện với tất cả trường hợp khi làm test sàng lọc trước đó”, TS-BS Nhị Hà nói.

Từ ngày 2.4, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập các điểm XN lưu động sàng lọc bằng kỹ thuật test nhanh tại cộng đồng, triển khai trên địa bàn các quận, huyện của TP.Hà Nội, gồm: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Hoàng Mai, H.Thanh Trì (trước mắt áp dụng cho các trường hợp sàng lọc thực hiện cho những người có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, liên quan ổ dịch tại BV Bạch Mai) và 3 điểm cách ly tập trung.

Ngoài ra, tại các bệnh viện (BV) trực thuộc Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiếp nhận 620 test nhanh từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội để chủ động XN sàng lọc cho các bệnh nhân. Để tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, các quận, huyện, thị xã tổ chức lấy mẫu để XN vừa theo hình thức test nhanh tại trạm lấy mẫu di động ở các quận, huyện, thị xã, vừa tiến hành kết hợp lấy mẫu để XN RT-PCR để làm XN khẳng định bệnh Covid-19.

Lo khó quản dịch bệnh nếu cho tư nhân XN

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 5.4, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đang tiến hành triển khai test XN nhanh sàng lọc ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, hiện Sở chưa có chủ trương mở rộng ra các đơn vị bên ngoài (phòng khám, BV tư - PV), nếu có thì phải xin ý kiến Bộ Y tế và phương thức kết hợp ra sao.

Theo bác sĩ Mai, vấn đề hiện nay là quản lý dịch bệnh, nếu các đơn vị bên ngoài đưa test nhanh vào sử dụng thì có thể sẽ làm gánh nặng thêm vì cần phải làm thêm một test nữa để xác định. Tất cả test hiện nay ngành y tế làm là đều miễn phí và kỹ thuật phải theo quy chuẩn, nên không phải ai muốn làm thì làm để lấy tiền là không được.

Đồng quan điểm với bác sĩ Mai, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng trong thời điểm hiện tại chưa nên mở rộng cho các phòng khám, BV tư sử dụng test nhanh Covid-19. Bởi vì làm test nhanh là để phục vụ công tác quản lý ca bệnh, chứ còn test xong rồi “thả” bệnh nhân đi lung tung ngoài cộng đồng, rồi kết quả âm - dương ai báo?

Một chuyên gia về điều trị các bệnh truyền nhiễm ở TP.HCM cho rằng test nhanh là để XN tìm hiểu miễn dịch trong cộng đồng với dịch bệnh để có phương án chống dịch, như giảm biện pháp cách ly như đề xuất của Pháp hay một số nước khác. Còn triển khai là theo chủ trương của Bộ Y tế, Chính phủ. Nếu test nhanh mà không biết kỹ thuật thì sẽ làm sai, người âm tính thành dương và người dương thành âm tính.

Thận trọng với “âm tính, dương tính” giả

Theo TS-BS Nhị Hà, XN Covid-19 bằng test nhanh có thể cho kết quả cả âm tính giả hoặc dương tính giả. Như TP.Hà Nội đang triển khai sàng lọc bằng test nhanh có tỷ lệ dương tính giả cao (không có tác nhân gây bệnh nhưng kết quả XN lại báo dương tính với vi rút - PV). Nguyên nhân do test có độ nhạy cao sẽ cho kết quả dương tính ngay khi một người có kháng thể với vi rút, chứ không chỉ khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19). Còn âm tính giả (mẫu bệnh phẩm có tác nhân gây bệnh nhưng XN không thấy vi rút) có thể xảy ra khi một người nhiễm vi rút nhưng ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể chống lại vi rút đó. Nếu test nhanh tìm kháng thể thì sẽ không phát hiện nếu nhiễm vi rút ở giai đoạn sớm.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), giải thích thêm, test XN nhanh có 2 loại: test kháng nguyên và test kháng thể. Loại test kháng nguyên thời gian cho ra kết quả 20 phút, hiện nay được các nước châu Âu đang công nhận. Còn Việt Nam đang sử dụng test kháng nguyên (XN RT-PCR ) với thời gian cho kết quả 4 - 6 giờ.

Test kháng nguyên là để khẳng định vi rút đang hiện diện (tồn tại) trong cơ thể con người trong thời gian ủ bệnh hay đã phát ra triệu chứng. Đây là các loại test khi XN phải lấy bệnh phẩm là dịch tiết từ vùng mũi, hầu họng để làm.

Loại test XN nhanh thứ 2 mà TP đang chờ Bộ Y tế và các nhà tài trợ cung cấp 100.000 test là test kháng thể mà bệnh phẩm XN là lấy từ máu. Nếu test nhanh kháng thể cho kết quả dương tính thì khẳng định người đó đã từng nhiễm vi rút Covid-19 từ 1 tuần (nồng độ kháng thể cao) đến 1 tháng. Nhưng muốn khẳng định người này đang mang mầm vi rút trong người hay không thì phải làm tại test kháng nguyên, bởi người đang mang vi rút test kháng nguyên dương tính thì mới lây lan cho cộng đồng; còn dương tính với kháng thể là không lây lan.

Nói về xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đây là phương pháp có độ nhạy, đặc hiệu rất cao, gần như là 100%. “Tất cả các phòng thí nghiệm XN Covid-19 ở nước ta đều sử dụng theo quy trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Quy trình này đã được đánh giá về độ tin cậy của kết quả XN”, ông Lân nói.

Theo Bộ Y tế, thực tế các ca bệnh Covid-19 trong nước đã điều trị vừa qua cho thấy, các bệnh nhân Covid-19 chỉ ra viện sau khi có ít nhất 2 lần XN khẳng định cho kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2, cùng với đó là tình trạng sức khỏe tổng trạng của bệnh nhân đó đủ điều kiện (hết các triệu chứng: sốt, ho...).

26 đơn vị đủ năng lực XN vi rút SARS-CoV-2

Bộ Y tế cho biết hiện cả nước đã có 26 đơn vị đủ năng lực XN vi rút SARS-CoV-2 (gây dịch Covid-19) tại các tỉnh, TP, gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang; các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, TP: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh; phòng XN của các BV: Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Chợ Rẫy, T.Ư Thái Nguyên, T.Ư Huế, Nhi T.Ư, Phú Thọ, Bạch Mai, Nhi đồng 1, Viện Y học dự phòng quân đội, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, T.Ư Quân đội 108, Khoa Vi sinh BV Thống Nhất (TP.HCM), Khoa XN BV Đại học Y Dược TP.HCM, Khoa XN BV FV (TP.HCM), Khoa Vi sinh và labo chuẩn quốc gia BV Phổi T.Ư. Các đơn vị này đã được đơn vị đầu ngành đánh giá chứng nhận năng lực. (Thanh niên, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 2: “ Quảng Ninh: Nâng khả năng xét nghiệm Covid-19 lên 600 mẫu/ngày”.

 

Giáo viên may khẩu trang tặng trò nghèo

Thương các học trò nghèo, nhiều thầy cô giáo tại Kon Tum đã mua vải về may khẩu trang phát miễn phí cho các em để phòng dịch Covid-19.

Khi giáo viên cầm kéo

Để giúp đỡ các học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn chống dịch, thầy cô Trường tiểu học Kim Đồng (H.Đăk Hà, Kon Tum) phối hợp cùng một số phụ huynh cắt, may khẩu trang phát cho HS.

Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng của trường, cho hay với mục đích tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh HS nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19; đồng thời không để các HS, đặc biệt các em có hoàn cảnh khó khăn, không có khẩu trang để đeo; các thầy cô cùng 6 phụ huynh HS đã mang máy may đến trường may khẩu trang.

“Giáo viên và phụ huynh mỗi người một việc, người thì đo vải, người thì cắt, số còn lại thì may khẩu trang. Hiện tại nhà trường đã may được 1.800 cái khẩu trang. Trong đó 1.000 cái đã được phát đến các em HS trong trường và các em có hoàn cảnh khó khăn”, cô Hằng tâm sự.

Cũng theo cô Hằng, kinh phí may khẩu trang là một phần của nhà trường và từ các thầy cô góp lại. Bên cạnh đó, phụ huynh HS người góp kéo, người góp công, cũng có những người góp tiền mặt. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục may thêm khẩu trang để phát cho 2 trường kết nghĩa tại xã Ngọk Réo (H.Đăk Hà), bởi HS nơi đây có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Để hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn, Trường mầm non Đăk Mar và Trường tiểu học Võ Thị Sáu (H.Đăk Hà) cũng đã kêu gọi bạn bè và các mạnh thường quân trên khắp cả nước số vải đủ may 7.000 chiếc khẩu trang.

Trên địa bàn xã Ngọc Wang (H.Đăk Hà), các thầy cô cùng với hội phụ nữ xã mua nguyên liệu may khẩu trang phát miễn phí cho HS. Để tạo quỹ hoạt động, mỗi giáo viên góp 30.000 đồng/người, cán bộ quản lý 50.000 đồng/người. Xã Ngọc Wang dự kiến sẽ có đủ 6.500 chiếc khẩu trang để thầy cô đến từng nhà phát miễn phí cho HS.

Việc làm ý nghĩa trên còn lan rộng đến các xã vùng sâu vùng xa trên địa bàn H.Đăk Hà. Theo Phòng GD-ĐT H.Đăk Hà, hiện các trường, các đơn vị đang tiến hành đặt mua nguyên liệu để may khẩu trang. Dự kiến các thầy cô trên địa bàn huyện sẽ may khoảng hơn 20.000 chiếc khẩu trang cho đủ số HS và người dân trên toàn huyện.

Phát đề cương ôn tập tặng kèm khẩu trang

Cô Lê Thị Thu Hương, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Kon Rẫy (H.Kon Rẫy, Kon Tum), cho biết trường tiến hành may khẩu trang phát cho HS. Để thực hiện chương trình này, 9 thầy cô giáo cùng 2 HS lớp 11 đã sử dụng nguồn quỹ hoạt động của Đoàn trường mua vải. Chỉ hơn một tuần triển khai, các thầy cô đã may được khoảng 300 chiếc khẩu trang.

Trong thời gian các HS nghỉ dịch Covid-19, thầy cô trong trường đã đến tận nhà của 297 HS tại 7 xã, thị trấn để phát đề cương ôn tập kiến thức. Đồng thời thầy cô cũng mang những chiếc khẩu trang đã may được phát cho các em. “Trong thời gian tới, nếu có nguồn hỗ trợ, chúng tôi sẽ tiếp tục mua vải, làm thêm khẩu trang để phát cho phụ huynh cũng như các HS tại các trường khác”, cô Hương nói.

Tương tự, tại TP.Kon Tum, Trường tiểu học Võ Thị Sáu đã may 874 khẩu trang và phát cho 437 HS của trường. Trường tiểu học Kapakơlơng may 100 khẩu trang để phát cho HS.

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều thầy cô ở các trường trên địa bàn tỉnh đã mua vải về may khẩu trang phát miễn phí cho HS, đặc biệt các em có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh Kon Tum với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nên nhiều người dân vẫn chưa có ý thức trước dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc thầy cô may khẩu trang phát cho HS và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn là việc làm vô cùng ý nghĩa. Bên cạnh đó, dạy cho các HS có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình cũng như xã hội. (Thanh niên, trang 11).

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 3: “Âm áp tình người nơi cách ly”; Sài Gòn  giải phóng, trang 3: “Ủng hộ tiền “nuôi heo đất” chống dịch Covid-19”; Phụ nữ Việt Nam, trang 2: “Hơn 2 vạn khẩu trang miễn phí, ấm áp tình người”; An ninh Thủ đô, trang 4: “Nghĩa tình với bệnh nhân “xóm chạy thận” trong mùa dịch Covid-19”.

 

Xử lý hình sự vi phạm trong công tác phòng, chống dịch

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa có chỉ thị yêu cầu các đơn vị cấp dưới và Viện Kiểm sát quân sự phối hợp cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp xử lý nghiêm những hành vi phạm tội liên quan phòng chống dịch Covid-19 theo Bộ luật Hình sự.

Trong đó, đáng chú ý, Chỉ thị yêu cầu trước mắt, Viện Kiểm sát nhân dân phối hợp cơ quan tố tụng cùng cấp chọn một số vụ điển hình để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm răn đe trong công tác phòng chống dịch.

Theo Chỉ thị số 03/CT-VKSTC, hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương và có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống, kiểm soát tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện một số hành vi vi phạm pháp luật liên quan dịch bệnh Covid -19 có dấu hiệu tội phạm, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; gây hoang mang, lo lắng, bất bình trong xã hội.

Chỉ thị yêu cầu Viện Kiểm sát các cấp chủ động phối hợp cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch Covid -19 theo quy định của Bộ luật Hình sự, như: Không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng (như hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly…); vi phạm quy định ở nơi đông người gây thiệt hại do phát sinh chi phí phòng, chống dịch Covid -19 từ 100 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó là các hành vi đưa ra những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật về dịch bệnh gây hoang mang, lo lắng trong xã hội hoặc nhằm mục đích chống Nhà nước; lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm trục lợi (như hành vi đầu cơ, buôn lậu; làm giả hàng hóa, lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…); chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng.

Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao yêu cầu các đơn vị phối hợp Cơ quan điều tra, tòa án cùng cấp xử lý nhanh chóng những hành vi đó. Áp dụng ngay thủ tục rút gọn đối với các vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Đối với những vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn thì phải khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng để xử lý tội phạm trong thời hạn ngắn nhất.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án cụ thể, Viện kiểm sát các cấp cần chủ động trao đổi với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp để giải quyết, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật khác có liên quan.

Chỉ thị cũng yêu cầu ngành tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giam, giữ bị can, bị cáo, phạm nhân tại các cơ sở giam giữ trên cả nước, bảo đảm việc giam, giữ tuân thủ đúng quy định về cách ly đối với người bị lây nhiễm hoặc nghi bị lây nhiễm; giảm tối đa việc thăm gặp người bị giam, giữ… để phòng, chống dịch bệnh.

Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp chủ động nắm bắt thông tin, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trong cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt là trong xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến dịch Covid -19.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, nơi nào để xảy ra vi phạm hoặc xử lý không kịp thời, nghiêm minh hành vi phạm tội liên quan phòng, chống dịch Covid -19, dẫn đến bỏ lọt tội phạm và người phạm tội thì tùy tính chất, mức độ, Viện trưởng Viện kiểm sát, Thủ trưởng đơn vị nơi đó phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và quy định của ngành Kiểm sát nhân dân. (Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Sai Gòn giải phóng, trang 9: “Khởi tố, xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch”; Hà Nội mới, trang 1: “Xử lý hình sự một số vụ điển hình nhằm răn đe trong công tác phòng, chống dịch”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Để phòng chống dịch bệnh, xử lý nghiêm theo luật định các trường hợp vi phạm”; Tuổi trẻ, trang 5: “Khởi tố người hất máy đo thân nhiệt, tát công an”.

 

Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch

Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác… của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Ðó còn là sự chung tay, góp sức cùng với cả hệ thống chính trị nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Là người thường xuyên tiếp xúc với những người đi xa trở về, bác Nguyễn Văn Chỉnh, làm nghề xe ôm khu vực Mỹ Ðình (Từ Liêm, Hà Nội), không khỏi lo lắng cho biết: “Hơn 10 năm làm nghề xe ôm cũng từng biết đến nhiều dịch bệnh, nhưng mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 diễn biến thật phức tạp, khó lường. Do đặc thù nghề nghiệp thường tiếp xúc với khách lạ, trước khi chở khách, tôi thường hỏi kỹ như ở tỉnh nào về, tên gì và về đâu, bởi khi nắm bắt được thông tin sẽ giúp mình nâng cao ý thức trong việc phòng, chống cũng như cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi cần thiết”. Có thể thấy rõ hơn sự thay đổi trong ý thức phòng bệnh của người dân hiện nay là hầu hết mọi người đã chủ động đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người như chợ, bệnh viện, các điểm giao dịch. Chị Mai Trang, một tiểu thương ở chợ Nghĩa Tân cho biết: “Mặc dù đeo khẩu trang khó chịu, nhưng đây là cách để phòng, chống dịch lây lan cho nên mình cũng động viên các chị em trong chợ nên chấp hành”. Không chỉ tại các chợ, ngay trong cộng đồng dân cư ở các tổ dân phố, phường, xã, những thông tin về dịch Covid-19 đều được cán bộ UBND phường, xã theo dõi và nắm bắt kịp thời, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp tuyên truyền cho người dân phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế. Thời gian qua, để đối phó với dịch, hàng loạt biện pháp được triển khai, nhiều chỉ đạo, quyết định mạnh mẽ được đưa ra để ngăn ngừa sự lây lan của dịch trong cộng đồng. Trong đó, việc tổ chức sàng lọc, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh được đặt lên hàng đầu. Những khuyến cáo, tuyên truyền để vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng cũng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân. Rõ ràng, cùng với trách nhiệm và ý thức của mỗi cá nhân, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Với phương án “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương huy động mọi nguồn lực nhằm xác định cụ thể từng trường hợp tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người bệnh, ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ thức thâu đêm để khoanh vùng, dập dịch, thực hiện nhiều biện pháp dự phòng; chính quyền cũng quyết định trích ngân sách số tiền lớn nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch... Những nỗ lực đó được xã hội ghi nhận, người dân đồng lòng làm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền sở tại.

Tuy nhiên, trong khi cả hệ thống chính trị và người dân tích cực chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, có một thực tế đáng phải suy ngẫm và lên án. Ðó là còn một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức trách nhiệm, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo của ngành y tế; cố tình vi phạm như khai gian trong hồ sơ khai báo y tế, trốn cách ly, hoặc nhờ người khác đi cách ly thay mình, tụ tập đông người. Nhiều trường hợp lợi dụng diễn biến của dịch bệnh, thường xuyên đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, không có căn cứ, gây hoang mang dư luận. Thậm chí, có những đối tượng còn chia sẻ trên mạng xã hội những nội dung, hình ảnh giả, không đúng sự thật về những người bệnh mắc Covid-19... đã gây rất nhiều áp lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch, mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm, trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức cơ bản về phòng, chống dịch Covid-19 theo các khuyến cáo của Bộ Y tế; có chế độ sinh hoạt lành mạnh giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể; hạn chế tụ tập nơi đông người; không nghe theo cũng như phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới xã hội… Tự giác thực hiện khai báo y tế toàn dân theo đúng quy định, đồng thời trung thực trong quá trình khai báo để bảo vệ bản thân và gia đình, cũng như giúp cho các cơ quan chức năng làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, tại cộng đồng, công tác giám sát, phòng, chống cũng như phát hiện dịch bệnh cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Nếu phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh cần kịp thời báo cho ngành y tế cơ sở, tiến hành khoanh vùng khu vực nghi có dịch, tuyệt đối không hoang mang, hoảng loạn, gây mất an ninh trật tự. (Nhân dân, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 4: “Chung tay chống dịch Covid-19”; Phụ nữ Việt Nam, trang 1: “Bóng hồng tình nguyện đi…  cách ly”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Nhân dân đồng tình và ủng hộ tích cực công tác phòng, chống dịch”; Lao động, trang 1: “Việt Nam đã tạo được y chí và đoàn kết dân tộc để phòng chống dịch bệnh Covid-19”.

 

91 người mắc Covid-19 được chữa khỏi

Bộ Y tế cho biết, tính đến cuối ngày 5-4, cả nước có tổng số 91 người bệnh nhiễm Covid-19 được chữa khỏi. Ngoài ra, trong ngày 5-4, có thêm một trường hợp dương tính với Covid-19 được xác nhận là người bệnh thứ 241. Người bệnh là nam giới, 20 tuổi, ở phường Thảo Ðiền, quận 2, TP Hồ Chí Minh, là lưu học sinh tại Anh về nước ngày 22-3. Khi nhập cảnh, người bệnh được chuyển tới khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu. Ðây là ngày có người nhiễm Covid-19 ít nhất so với những ngày vừa qua.

★ Chiều 5-4, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phối hợp Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam tổ chức công bố khỏi bệnh và cho xuất viện đối với người bệnh thứ 57 mắc Covid-19. Sau khi xuất viện, người bệnh được chuyển đến TP Hội An (Quảng Nam) để tiếp tục theo dõi sức khỏe trước khi trở về nước… Trước đó, ngày 16-3, người bệnh thứ 57 là du khách quốc tịch Anh (66 tuổi) được chuyển từ khu cách ly tại Hội An đến Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam để điều trị cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

★ Ngày 5-4, Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Hà Ðông, Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ về công tác sàng lọc, phân luồng phòng, chống dịch Covid-19. Tại các buổi kiểm tra, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh theo quy định; hướng dẫn người bệnh khi đến khám phải đeo khẩu trang ngay từ khu vực tiếp nhận; khu sàng lọc không bố trí đông người, bảo đảm khoảng cách cho người chờ khám ít nhất 2 m. Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị trong và ngoài công lập trực thuộc ngành thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống Covid-19 đã được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 1551/QÐ-BYT, ngày 3-4-2020.

★ Chiều 5-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra y tế người dân vào thành phố tại các điểm chốt chặn cửa ngõ, yêu cầu người dân dừng xe để lực lượng y tế đo thân nhiệt. Những người có thân nhiệt bình thường sẽ được vào, người có thân nhiệt cao, có biểu hiện sốt sẽ được giữ lại, phun thuốc khử trùng và theo dõi. Nếu do sốc nhiệt vì đi ngoài trời nắng, sau đó thân nhiệt trở lại bình thường sẽ được tiếp tục di chuyển.

★ Ðể phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh Sơn La đã có sáng kiến chế tạo thiết bị dùng bằng chân để lấy nước từ lọ sát khuẩn thay vì phải dùng tay như hiện nay. Bệnh viện Phổi tỉnh Sơn La làm được thiết bị với chi phí khoảng 300 nghìn đồng, thời gian làm khoảng hai tiếng đồng hồ. Bệnh viện Phổi tỉnh Sơn La đang triển khai làm tiếp thiết bị để tặng cho một số đơn vị.

★ Sáng 5-4, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng tổ chức họp trực tuyến với các ban, ngành, địa phương về tình hình thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. TP Hải Phòng đã tăng cường công tác ứng phó dịch bệnh lên một cấp độ, cách ly người đến từ các địa bàn có dịch... Các địa phương vừa tập trung chống dịch, vừa quan tâm tháo gỡ khó khăn phát triển kinh tế.

★ Ngày 5-4, UBND tỉnh Thái Bình đưa vào hoạt động đường dây nóng (18009402) để tiếp nhận thông tin về việc phòng, chống dịch Covid-19. Hằng ngày từ 7 giờ đến 18 giờ, điện thoại viên tiếp nhận thông tin trực tiếp và từ 18 giờ đến 7 giờ ngày hôm sau, tổng đài sẽ tự động tiếp nhận thông tin. Những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân sẽ được báo cáo ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình để có những biện pháp xử lý kịp thời.

★ Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, ngày 5-4, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngăn, 90 tuổi, trú tại khu 2, phường Hà An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã trao số tiền năm triệu đồng tiết kiệm được cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Hà An. Thay mặt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường Hà An, đại diện lãnh đạo phường đã cảm ơn tấm lòng hảo tâm và tiếp nhận năm triệu đồng của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngăn trao tặng. ★ Trong các ngày 2 và 4-4, Tập đoàn FPT trao tặng hai máy thở, 16 nghìn bộ đồ bảo hộ, 19 nghìn khẩu trang N95 và khẩu trang y tế cùng gần 600 gói chăm sóc sức khỏe đến các bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Tổng giá trị trao tặng đợt này tại các bệnh viện là gần 5,5 tỷ đồng, nằm trong gói ủng hộ hơn 20 tỷ đồng chống dịch Covid-19 của Tập đoàn FPT.

★ Từ ngày 2 đến 5-4, Công an TP Sa Ðéc (tỉnh Ðồng Tháp) đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, các dịch vụ nhà hàng ăn uống, những dịch vụ không cần thiết. Qua kiểm tra đã phát hiện những trường hợp không tuân thủ đúng sự hướng dẫn của Bộ Y tế về cách phòng, chống dịch Covid-19; trong đó, nhắc nhở 64 trường hợp, xử phạt hành chính bốn trường hợp, mỗi trường hợp 200 nghìn đồng do không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.

★ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Công điện số 02/CÐ-LÐTBXH về tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30-4. Các ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, vận động người lao động Việt Nam yên tâm ở lại và chấp hành quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch Covid-19, không di chuyển, không đến các địa bàn có dịch Covid-19.

★ Chiều 5-4, tỉnh Lai Châu quyết định dỡ bỏ phong tỏa cách ly đối với nhóm 4, tổ dân phố số 4, ngõ 224 và lối vào ao cá Bác Hồ đến trước chùa Linh Sơn trên đường Trần Phú, phường Tân Phong, TP Lai Châu, nơi gia đình người bệnh nhiễm Covid-19 thứ 133 sinh sống.

★ Ngày 5-4, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, từ ngày 7-4 đến 15-4, hãng điều chỉnh giảm tần suất các chuyến bay đến/đi từ Ðà Nẵng, từ hằng ngày xuống còn ba chuyến bay/tuần mỗi đường bay vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Do quy định mới của TP Ðà Nẵng về cách ly tập trung 14 ngày đối với hành khách đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi lại giữa Ðà Nẵng và các thành phố này sụt giảm. (Nhân dân, trang 5).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 57 xuất viện, Việt Nam đã có 91 ca khỏi”.

 

Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch: Tận tụy hy sinh vì cộng đồng- Bài đầu: Xin các bạn ở nhà vì chúng tôi

Trong gần 3 tháng qua, cả hệ thống y tế luôn trong tình trạng căng mình phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với nhân dân cả nước, các y, bác sĩ - những chiến sĩ áo trắng, đã cùng chung ý chí, trách nhiệm trong cuộc chiến đấu với “giặc Covid-19”. Những cống hiến, hy sinh tận tụy không quản hiểm nguy vì cộng đồng của họ đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp.

Bài đầu: Xin các bạn ở nhà vì chúng tôi!

“Chúng tôi đi làm vì các bạn. Xin các bạn ở nhà vì chúng tôi!” - đó là thông điệp từ chính đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe trên khắp cả nước. Dù đã có những người bị nhiễm bệnh, nhưng hơn bao giờ hết các y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn nỗ lực ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Điều họ mong muốn nhất lúc này, đó là sự chung tay, góp sức của cộng đồng, để sự hy sinh của những chiến sĩ áo trắng không trở nên vô nghĩa.

Nỗ lực từng phút giây

Kể từ khi có bệnh nhân đầu tiên của giai đoạn 2 vào viện ngày 6-3 đến nay, nhiều y, bác sĩ vẫn chưa được về nhà. Cường độ làm việc của những người nơi tuyến đầu chống dịch cũng tăng lên và áp lực cũng hơn nhiều.

Tính đến sáng 4-4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là cơ sở y tế tiếp nhận và điều trị người nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước, với khoảng 80 bệnh nhân. Công việc của các y, bác sĩ tại đây trong một ngày đều đặn với guồng quay, thăm khám các bệnh nhân nhiễm Covid-19, tiếp nhận những ca bệnh mới, hội chẩn để đưa ra phương án điều trị thích hợp cho từng ca bệnh... Mỗi ca bệnh đều có điểm khó khăn riêng, các bác sĩ và điều dưỡng làm việc theo ca 12 giờ, dài hơn thời gian làm việc thông thường 4 giờ. Đặc biệt, với 5 ca bệnh nặng, các bác sĩ của bệnh viện cùng tổ chuyên gia 30 người do Bộ Y tế thành lập đã nỗ lực từng phút giây. Những nỗ lực đó đã được bù đắp, khi 3/5 ca bệnh nặng, gồm: 2 bệnh nhân người Anh 69 tuổi và 74 tuổi; 1 bệnh nhân nam người Việt (50 tuổi) đã có những tiến triển khả quan, không còn sốt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, ngày càng có nhiều ca bệnh phức tạp hơn. Dù vậy, tinh thần chung của các y, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện là bình tĩnh đối mặt và quyết tâm cao hơn nữa, khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. “Mọi người đang dõi theo chúng tôi, thậm chí có cả những người chúng tôi không quen biết cũng mua cà phê, trang phục bảo hộ gửi đến động viên y, bác sĩ. Điều đó làm chúng tôi thấy rất ấm lòng”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.

Sau buổi giao ban, bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) nhận được bức thư của cô con gái 22 tuổi, hiện là sinh viên năm thứ 5, Học viện Quân y: “Dịch bệnh này như cuộc chiến và mẹ của con đang đứng trong hàng ngũ đầu, tiên phong để đấu tranh lại nó. Con mong mẹ luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt và luôn bình an để trở về với gia đình mình...”. Lá thư đầy xúc động của cô con gái và cũng là đồng nghiệp trong tương lai đã tiếp thêm sức mạnh cho bác sĩ Trần Thị Kim Anh.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh cho biết, là khoa được bệnh viện giao nhiệm vụ trực tiếp điều trị, theo dõi sức khỏe cho các bệnh nhân thuộc diện cách ly, 14 y, bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Các bệnh nhiệt đới, thay vì về nhà, đã ở lại bệnh viện “ăn”, “ở”, theo dõi sức khỏe cho người dân, cung cấp suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hướng dẫn họ các biện pháp phòng bệnh...

Còn với những bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, trận chiến này là những ngày tháng khó quên trong hành trình chữa bệnh, cứu người của họ. Sau khi trở thành tâm dịch Covid-19, chính thức thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, Bệnh viện Bạch Mai vẫn được Bộ Y tế cho phép tiếp nhận những ca bệnh nặng. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dù đang áp dụng cách ly toàn bệnh viện, nhưng các nhân viên y tế vẫn vừa chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải chăm sóc điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân nặng không thể chuyển tuyến. Nhiều nhân viên y tế bị cách ly do tiếp xúc gần với các bệnh nhân Covid-19, nên số còn lại phải làm việc nhiều hơn. Thế nhưng, họ không hề nao núng, vẫn dốc sức chăm sóc người bệnh…

Hạn chế đi lại, giảm gánh nặng cho ngành Y tế

Những ngày này, đội ngũ thầy thuốc của Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực cùng với việc tìm hiểu, học hỏi thêm về chuyên môn từ các đồng nghiệp quốc tế, từ đó, đưa ra các phương án điều trị tốt nhất cho từng ca bệnh. Điều đáng mừng là, dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đang gia tăng, nhưng đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trên các diễn đàn, người dân liên tục bày tỏ sự lo lắng và lòng biết ơn với những chiến binh khoác áo blouse quên mình vì người bệnh. Tuy nhiên, hành động đơn giản và thiết thực nhất lúc này là người dân nên hạn chế đi lại, bảo vệ chính mình, cũng chính là giảm gánh nặng cho ngành Y tế.

Bác sĩ Trần Thị Kim Anh tâm sự: “Chúng tôi xác định phải dấn thân để cùng với xã hội ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Vì thế, chúng tôi đã làm việc không kể ngày đêm, nhiều lúc quên ăn, quên ngủ và chấp nhận xa gia đình. Đồng thời nhắn nhủ: “Bị cách ly là việc không ai muốn, nhưng thực hiện tốt việc cách ly để phòng, chống dịch Covid-19 có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng”.

Việc làm thiết thực nhất trong lúc này mà ai cũng đều làm được là hiểu đúng, thực hiện tốt những quy định trong Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhất là thực hiện cách ly xã hội. Chỉ như vậy, sự hy sinh to lớn và thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 mới không trở nên vô nghĩa. (Hà Nội mới, trang 1).

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 1: “Lực lượng phục vụ những người cách ly đã nỗ lực hết mình”.

 

Giảm tần suất bay đến Đà Nẵng sau yêu cầu thu phí cách ly khách đến

Do quy định mới của TP Đà Nẵng về cách ly tập trung 14 ngày đối với hành khách đến từ Hà Nội, TP.HCM nên nhu cầu đi lại giữa Đà Nẵng và các thành phố này sụt giảm.

Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho biết, để đảm bảo kết nối giữa 3 thành phố trọng điểm và duy trì các đường bay phục vụ nhu cầu đi lại đặc biệt thiết yếu trong thời điểm hiện nay, Vietnam Airlines thông báo điểu chỉnh tần suất khai thác các đường bay giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng từ ngày 7/4 đến ngày 15/4.

Cụ thể, trên các đường bay giữa Hà Nội - Đà Nẵng, TP.HCM - Đà Nẵng và các chiều ngược lại, Vietnam Airlines sẽ chỉ khai thác 3 chuyến bay/tuần mỗi đường bay vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu.

Hãng cũng duy trì khai thác ổn định đường bay giữa Hà Nội – TP.HCM và chiều ngược lại với tần suất 1 chuyến/ngày. Các đường bay nội địa khác đang được tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.

Lịch bay trong giai đoạn này sẽ được Vietnam Airlines điều hành linh hoạt theo tình hình khai thác thực tế. Vietnam Airlines sẽ hỗ trợ khách bay nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đổi chuyến bay, đổi hành trình theo quy định hiện hành của hãng.

Hiện tại, theo yêu cầu cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, đường bay Hà Nội và TP.HCM đến Đà Nẵng chỉ duy trì 1 chuyến/ngày và do Vietnam Airlines đảm nhận khai thác.

Trước đó, TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Cảng vụ hàng không miền Trung cho biết, sẽ tổ chức cách ly y tế tập trung có thu phí đối với công dân rời khỏi TP Hà Nội và TP.HCM từ ngày 5/4 đến Đà Nẵng sinh sống, học tập và làm việc.

Phí cách ly gồm phí ăn ở sinh hoạt theo quy định hiện hành, tiền ở tính theo chi phí của cơ sở cách ly tập trung.

Khách đến từ Hà Nội và TP.HCM từ ngày 1 đến 4/4/2020 sẽ được cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú, tạm trú. Những trường hợp không phải cách ly y tế là người có giấy hoàn thành cách ly y tế tại các địa phương khác.

Trường hợp đặc biệt đi công tác, công vụ, chuyên gia, nhà tư vấn, người làm nhiệm vụ chỉ huy, điều hành các dự án, công trình trọng điểm của thành phố khi đến hoặc trở về TP Đà Nẵng phải có giấy đề nghị của cơ quan đơn vị công tác hoặc Trưởng Ban QLDA để thực hiện nhiệm vụ và giấy xác nhận tình trạng sức khoẻ, tiền sử dịch tễ của cơ quan y tế địa phương, thực hiện giám sát y tế.

Những trường hợp đặc biệt khác sẽ phải được sự đồng ý của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp thành phố. (An ninh Thủ đô, trang 7).

Cùng chủ để Báo Tuổi trẻ, trang 4: “Đà Nẵng: cách ly trả phí 120.000 đồng/ngày/người”.

 

TP.HCM: hơn 81 tỉ đồng cho phòng chống COVID-19 và hạn mặn

Tính tới ngày 4-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã nhận tiếp nhận hơn 81 tỉ đồng từ các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM để ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 và xâm nhập mặn.

Trong đó, cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ hơn 71 tỉ đồng (55 tỉ đồng tiền mặt và 15 tỉ hàng hóa) cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và hơn 10 tỉ đồng ủng hộ đồng bào hạn hán, xâm nhập mặn.

Với nguồn lực này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế, Bộ Tư lệnh TP phối hợp phân phối hàng hóa với giá trị gần 16 tỉ đồng đến các cơ sở điều trị như 4 phòng áp lực âm, 40 giường bệnh, 110 chuông cửa camera thông minh, 2.352 bộ kit xét nghiệm, 84 tivi...

Không chỉ vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho biết thời gian qua đơn vị cũng nhận được nhiều đóng góp hiện vật từ bà con TP cũng như các tỉnh thành. Nhiều người dân đã mang đến quyên góp cho MTTQ khoai lang, bưởi, chuối, trái cây, nước uống, mì gói... cùng lời chia sẻ "chúng tôi có gì góp nấy, mong được cùng hệ thống chính trị chống dịch".

Bà Châu cho biết trước hoàn cảnh khó khăn, Ủy ban MTTQ Việt Nam nhận thấy rõ ràng tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no", lòng nhân ái, đoàn kết, gắn bó của đồng bào, doanh nghiệp TP.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà Châu hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp để tạo nguồn lực giúp TP thực hiện các phương án ứng phó với dịch cũng như hạn hán, xâm nhập mặn. (Tuổi trẻ, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang