Cơ chế tránh tiêu cực trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế
Dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi đã chỉnh lý nhiều điều, khoản nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư y tế, song nhiều đại biểu Quốc hội vẫn mong luật phải 'chặt chẽ, rõ và khả thi hơn'.
Đề nghị để bệnh viện tự đấu thầu thuốc, vật tư số lượng lớn
Ngày 5.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc hội nghị đại biểu (ĐB) QH chuyên trách cho ý kiến về một số dự án luật trước khi trình QH tại kỳ họp tháng 5 tới.
Góp ý dự án luật Đấu thầu sửa đổi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục QH Tạ Văn Hạ đề nghị xem xét quy định về đấu thầu mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế. Theo ông Hạ, việc các đơn vị đấu thầu mua sắm tập trung rồi cấp phát cho các bệnh viện (BV) dẫn đến tình trạng một số địa phương vì nhiều lý do chậm trễ trong đấu thầu khiến cả tỉnh không có thuốc.
"Vừa rồi chúng tôi đi giám sát có những sở y tế chỉ có 2 anh phụ trách đấu thầu mua sắm thuốc thôi, cuối cùng anh ta ốm, hoặc có vấn đề gì đó thì thuốc cho các BV bị chậm trễ. Ở cấp bộ cũng vậy, khi bộ gặp vấn đề gì là việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư cho BV ách tắc. Trong khi có những thuốc rất cần, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của nhân dân", ông Hạ nói.
ĐB Hạ cũng cho rằng hiện nay các BV đủ năng lực mua thuốc, vật tư, phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ sở, bộ đấu thầu, trình các ban, ngành. "Như vậy là bất cập. Tôi đề nghị riêng ngành y tế đặc thù nên cần xem xét quy định đấu thầu tập trung thế nào cho phù hợp", ông kiến nghị.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng việc đấu thầu mua sắm tập trung với thuốc, vật tư y tế dùng nhiều, phổ biến sẽ rất "cồng kềnh, mất thời gian và lãng phí". "Tôi từng gặp một giám đốc sở y tế quay quắt mấy tháng mà vẫn chưa tập trung đủ số lượng để đấu thầu mua sắm tập trung. Cùng là băng, gạc thôi nhưng tùy bệnh nhân, mục đích sử dụng lại có các loại khác nhau mà để tập hợp đủ số lượng để đấu thầu mua sắm tập trung thì cực kỳ tốn kém, tốn thời gian. Rồi nhiều khi mua sắm tập trung đúng tên nhưng chủng loại khác cũng không dùng được, thực tế phải bỏ", ông Trí nêu và đề nghị với thuốc, vật tư số lượng lớn nên quy định để BV tự đấu thầu là chính, hạn chế đấu thầu tập trung.
Tuy nhiên, ĐB Trí đề nghị với những thuốc, vật tư y tế số lượng ít, thuốc hiếm lại nên đấu thầu tập trung. Theo ông, khi số lượng quá ít mà từng đơn vị BV mua thì "không ai bán cả". Bên cạnh đó, việc một số loại thuốc hiếm cũng cần được đấu thầu mua sắm tập trung để phục vụ cho bệnh nhân tất cả các BV, giảm tải cho tuyến trên, đồng thời hạn chế được tiêu cực cho cả người mua lẫn bệnh nhân.
Quy định rõ, chặt chẽ, khả thi để không lúng túng, bị sai
Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra) Nguyễn Hữu Toàn cho biết cơ quan thẩm tra đã chỉnh lý nhiều điều, khoản tại dự thảo luật Đấu thầu sửa đổi để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế.
Cụ thể, điều 23 cho phép áp dụng chỉ định thầu với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay. Cùng với đó, điều 28 quy định cho phép đàm phán giá với các gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu; thuốc, dược liệu chỉ có từ 1 - 2 nhà sản xuất và trường hợp đặc thù khác…
Góp ý với các quy định này, ĐB Lê Văn Khảm, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội QH, kiến nghị bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu là bác sĩ chỉ định thuốc, vật tư y tế điều trị nhưng cơ sở không có hoặc không mua được. Bên cạnh đó, ĐB Khảm cũng kiến nghị QH nghiên cứu cho đàm phán giá với thiết bị, vật tư y tế thay vì chỉ đàm phán với thuốc biệt dược hoặc thuốc có 1 - 2 nhà sản xuất.
ĐB Khảm phân tích thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như máy xạ trị, nội soi, can thiệp tim mạch, siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch… thường chỉ có 1 - 2 nhà sản xuất. Tương tự, vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh. Do đó, cần phải đàm phán để mua sắm với giá tốt nhất. "Điều này có lợi cho cả bệnh nhân và cho Quỹ bảo hiểm y tế. Bởi vì chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám chữa bệnh và chi phí khám chữa bệnh", ĐB Khảm nêu.
Khẳng định việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế là khó, dễ sai sót, hay bị lợi dụng, tiêu cực, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị QH xem xét quy định chặt chẽ, rõ và khả thi. "Nếu được, mong ban soạn thảo quy định dễ hiểu, đặc biệt là về giá để khi áp dụng vào thực tiễn không bị lúng túng, bị sai", ông Trí kiến nghị.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhìn nhận tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, ĐB Tạo đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước (Thanh niên, trang 4).
Dịch bệnh truyền nhiễm tấn công trẻ nhỏ
Hiện nay thời tiết thuận lợi cho các dịch bệnh như thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm... phát triển. Tại các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội ghi nhận số lượng trẻ mắc bệnh tăng cao so với 1 tuần trước. Những ngày gần đây tại Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do nhiễm virus gây viêm đường hô hấp. Hơn 80 bệnh nhi nhập viện viêm đường hô hấp thì có 16 bé được xác định nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), trong đó 5 trẻ phải thở ô xy vì nhiễm RSV nặng. Chị M.A. (Hà Nội) có con 4 tháng tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết bé bị nhiễm virus hợp bào từ anh chị đang đi học mầm non vì ở lớp đã có gần chục trường hợp trẻ nhiễm virus phải nghỉ học.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, tỉ lệ trẻ nhiễm virus hợp bào hiện chiếm khoảng 25% số bệnh nhi. “Đa số trẻ nhiễm virus RSV đều nhập viện trong tình trạng thở khò khè, sốt, một số trẻ bị suy hô hấp cần phải thở ô xy hỗ trợ.
Với những trường hợp bị suy hô hấp, đa phần là ở trẻ nhỏ, từ 1-2 tháng tuổi. Trẻ nhập viện không phải do đến viện muộn, mà do virus RSV gây biến chứng như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…. Những biến chứng này diễn tiến rất nhanh. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, nên càng dễ gia tăng số ca mắc”, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang thông tin.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian qua cũng có nhiều trẻ nhiễm RSV. TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay: “Virus hợp bào là một loại virus gây suy hô hấp rất nhanh, biến chứng viêm phổi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch còn kém”.
Các bác sĩ nhận định, việc điều trị bệnh do virus này ở trẻ nhỏ khá khó khăn (dù không phải là loại virus mới), nhất là với bệnh nhi dưới 6 tháng tuổi.
Đáng chú ý, RSV gây ra các triệu chứng rất chung chung, giống như các bệnh lí đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp hay giống với cúm, cảm lạnh thông thường.
Do đó để phân biệt được trẻ có bị nhiễm virus RSV hay không hề đơn giản. Với trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi có các biểu hiện ho, sốt, thở khò khè… cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.
Bệnh tay chân miệng vào mùa
Ngày 5/4, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra cảnh báo, bệnh tay chân miệng đang vào mùa. Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng. Chỉ tính riêng từ ngày 13 đến 29/3, có 37 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện. Hầu hết ca bệnh diễn biến nhẹ.
Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm. TS Hải thông tin, bệnh tay chân miệng lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra.
Cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
“Các biến chứng nguy hiểm là biến chứng thần kinh (như viêm não, viêm màng não), biến chứng tim mạch hô hấp: viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch”, bác sĩ Hải nói (Tiền phong, trang 15).
Hơn 24 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, 3 người tử vong
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong những tuần đầu tiên của năm 2023, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Tuy nhiên, từ khoảng cuối tháng 2 đến nay, số ca mắc chững lại và có dấu hiệu giảm. Đã 5 tuần liên tiếp, nước ta không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp, số ca mắc tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là Trà Vinh, dù đang là mùa khô nhưng tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 76 ổ bệnh sốt xuất huyết với 217 ca mắc, tăng gần 7 lần so cùng kỳ năm 2022.
Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận 122 ca mắc bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay, trong đó có 8 ca sốt xuất huyết Dengue với dấu hiệu cảnh báo, có 10 ca diễn biến nặng. Nhờ chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế, cùng với kinh nghiệm qua nhiều năm, các ca bệnh đều được điều trị khỏi (Công an nhân dân, trang 1).
Tại sao nhiều phụ nữ trẻ bị teo vùng kín?
Theo sinh lý, phụ nữ sẽ có triệu chứng teo âm đạo sau khi mãn kinh, đôi khi sớm hơn là ở thời điểm tiền mãn kinh. Tuy nhiên, hiện nay lại có nhiều phụ nữ đang tuổi cho con bú, mới lấy chồng... cũng mắc triệu chứng này.
Teo âm đạo khiến âm đạo bị mỏng
Ở tuổi 42 và chu kỳ kinh nguyệt không mấy đều đặn, chị P.T.N. đã không còn hứng thú chuyện "chăn gối" và việc này chỉ diễn ra khi người bạn đời mở lời.
Nguyên nhân chính là âm đạo của chị N. bị khô, kích thước nhỏ dần nên rất đau rát, khó chịu vào thời điểm trong và sau quan hệ.
Bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng Trung tâm chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phụ sản trung ương - cho biết bệnh viện tiếp nhận rất nhiều chị em phụ nữ bị khô, teo âm đạo, trong đó thường gặp nhất ở phụ nữ tiền mãn kinh và sau mãn kinh. Đáng chú ý, số lượng này ngày càng tăng và trẻ hóa.
Điểm chung của các chị em phụ nữ bị khô, teo âm đạo là họ âm thầm chịu đựng, không dám chia sẻ với bạn tình và chỉ đến gặp bác sĩ khi toàn bộ vùng âm đạo gặp vấn đề, thậm chí khi đã ảnh hưởng đến hệ thống tiết niệu - sinh dục.
"Tôi đã gặp trường hợp đi khám khi toàn bộ vùng âm đạo sưng đỏ, xước như vùng chân bị té xe vì cố gắng quan hệ để chiều chồng. Hay nhiều trường hợp đi khám vì vừa teo âm đạo, vừa viêm nhiễm đường tiết niệu. Có bệnh nhân một năm gặp tôi khám bệnh 10 - 12 lần vì liên tục tiểu buốt, tiểu rát và lạm dụng thuốc kháng sinh", bác sĩ Thành chia sẻ.
Bác sĩ Lê Võ Minh Hương (phòng công tác xã hội Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho biết teo âm đạo là khi thành âm đạo trở nên mỏng, khô và dễ bị viêm. Điều này xảy ra khi cơ thể phụ nữ tạo ra ít estrogen hơn, gặp nhiều nhất là thời kỳ trong và sau mãn kinh.
Khô âm đạo thường là dấu hiệu đầu tiên, và sau đó có thể gặp triệu chứng ở cả âm đạo và đường tiết niệu như âm đạo khô hoặc rát, tiết dịch thường, nhiễm nấm, nóng rát khi đi tiểu, dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục...
"Thủ phạm" thuốc lá, stress, béo phì...
Bác sĩ Thành cho biết thêm sụt giảm nội tiết tố khiến buồng trứng hoạt động kém dần (bắt đầu từ 35 tuổi) và dần bị "liệt" khi bước vào giai đoạn mãn kinh (khoảng 50 - 51 tuổi).
Như vậy, triệu chứng khô, teo âm đạo có thể xuất hiện trước 10 năm mãn kinh. Điều này khiến nhiều chị em phụ nữ lầm tưởng là chỉ khi bước vào giai đoạn mãn kinh thì âm đạo mới khô, teo.
Riêng ở phụ nữ đang cho con bú cũng thường bị mất kinh nguyệt (tức buồng trứng không hoạt động trong giai đoạn này, các bác sĩ gọi là mãn kinh tạm thời) nên âm đạo thường khô, teo. Nếu hoạt động tình dục trong thời điểm này sẽ rất đau, rát. Khi ngừng cho con bú thì buồng trứng hoạt động trở lại.
Lý giải nguyên nhân tại sao độ tuổi phụ nữ bị khô, teo âm đạo ngày càng trẻ hóa, bác sĩ Thành nêu có hai yếu tố tác động là thể chất và tinh thần.
Thực tế hiện rất nhiều phụ nữ mắc bệnh lý chuyển hóa (béo phì, thừa cân, rối loạn mỡ máu...), kết hợp với hút thuốc lá chủ động và thụ động, lười vận động, sẽ làm giảm cảm nhận âm đạo.
Không những thế, một bệnh lý rất phổ biến ở người trẻ đó là stress. Trong khi đó, chúng lại ảnh hưởng sâu sắc đến hệ nội tiết của người phụ nữ qua việc ức chế hoàn toàn hoạt động buồng trứng. Ví dụ dễ thấy nhất là khi chị em phụ nữ stress sẽ bị chậm kinh, thậm chí mất chu kỳ kinh nguyệt.
Một trong những sai lầm trong việc chăm sóc, vệ sinh khiến âm đạo khô là lạm dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ.
Nhiều chị em phụ nữ đã dùng dung dịch này rửa với tần suất 2-3 lần/ngày vì có cảm giác rất sạch. Tuy nhiên, sau một thời gian thì không thể tiết được chất nhờn khi quan hệ. Bác sĩ Thành khuyến cáo khi rửa âm đạo chỉ cần rửa bằng nước lọc 1 lần/ngày.
Bác sĩ Minh Hương cho biết thêm nồng độ estrogen cũng có thể giảm do thời kỳ cho con bú, dùng thuốc kháng estrogen, một số loại thuốc tránh thai có tính kháng estrogen mạnh, phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng, hóa trị, xạ trị vùng chậu, điều trị nội tiết tố.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ không sinh thường có nhiều khả năng gặp các vấn đề liên quan đến hội chứng tiết niệu - sinh dục của thời kỳ mãn kinh hơn những người đã từng sinh thường ngả âm đạo (Tuổi trẻ, trang 14).