Bệnh viện Bạch Mai điều trị hóa trị, xạ trị ban ngày cho bệnh nhân
Theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, chiều 5-5, bắt đầu từ tháng 5-2017, Bệnh viện triển khai điều trị hóa trị, xạ trị ban ngày cho bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu; Khoa Huyết học và Truyền máu của Bệnh viện.
Hoạt động này thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Thông tư 01/2017/TT-BYT. Theo Thông tư số 01, hóa trị ban ngày, xạ trị ban ngày và hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày là các hình thức điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian làm việc ban ngày của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (Hà Nội mới, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Thêm quyền lợi cho bệnh nhân ung thư”
Vụ 20 nghìn viên thuốc điều trị ung thư hết “đát” vì thủ tục: Tổng cục Hải quan nói gì?
Ngày 5/5, Tổng cục Hải quan lên tiếng xung quanh việc 20.000 viên thuốc điều trị ung thư hết “đát” vì thủ tục.
Theo báo cáo kết quả xác minh của Cục Hải quan TPHCM, lô hàng trên gồm 309 hộp thuốc (mỗi hộp 112 viên), chứa khoảng 34.608 viên thuốc Tasigna (nilotinib) loại 200mg dạng viên nang cứng. Thuốc có hạn dùng: 24 tháng (ngày sản xuất tháng 6/2013 - ngày hết hạn tháng 5/2015), được tổ chức Novatis Pharma AG trao tặng cho Bệnh viện Huyết học truyền máu TPHCM.
Qua xác minh, lực lượng hải quan làm rõ: Ngày 15/7/2013, bệnh viện trên nhận được thư hiến tặng thuốc cho bệnh nhân. Ngày 28/11/2013, bệnh viện có công văn gửi Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ từ Cty Novatis Pharma. Tuy nhiên, ngày 12/12/2013, Cục này có công văn trả lời không đồng ý để bệnh viện tiếp nhận lô hàng do thiếu các văn bản phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và một số loại chứng từ khác.
Ngày 10/3/2014, Sở Y tế TPHCM có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ này. Ngày 24/6/2014, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 3126 phê duyệt cho Sở tiếp nhận. Đến ngày 14/7/2014, Cục Quản lý dược có công văn đồng ý để bệnh viện nhận lô hàng. Trong đó có nêu rõ: hạn dùng còn lại kể từ ngày cập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng.
Theo vận đơn số 740135202-2 và 7401351230, lô hàng được xếp lên phương tiện vận tải là máy bay để vận chuyển sang Việt Nam ngày 23/7/2014. Như vậy, theo xác minh của hải quan, thời điểm lô hàng cập cảng Việt Nam hạn dùng không còn đủ 12 tháng (sản xuất từ tháng 6/2013).
Ngày 1/8/2014, Bệnh viện Huyết học truyền máu TPHCM có công văn gửi Cục Hải quan TPHCM giải trình về lý do hạn dùng lô hàng còn lại dưới 12 tháng và xin được thông quan vì lý do nhân đạo. Tiếp đó, ngày 6/8/2014, Cty TNHH chuyển phát nhanh DHL- VNPT đại diện làm thủ tục nhập khẩu cho bệnh viện. Lực lượng hải quan đã tiếp nhận làm thủ tục ngay cho 2 tờ khai hải quan nhập khẩu thuốc viện trợ số 051586/PMD và 051587/PMD (kèm theo công văn số 4448/SYT-QLD ngày 6/8/2014 có ý kiến về thời hạn còn lại của thuốc là phù hợp với quy định). Cả 2 tờ khai đều đã được thông quan ngày 07/8/2014.
Tổng cục Hải quan khẳng định, việc lô hàng thuốc còn lại hạn dùng quá ít khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu không phải do hải quan kéo dài thời gian làm thủ tục. Vì lý do nhân đạo, hải quan vẫn nhanh chóng thông quan lô hàng 1 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Phía hải quan khẳng định cơ quan hải quan đã thực hiện theo quy định và ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành (Cục Quản lý dược – Bộ Y tế) về thời hạn còn lại của thuốc khi đến cảng Việt Nam. (Tiền phong, trang 4)
3 bệnh nguy hiểm tái xuất ngày hè, nhiều người tử vong
Mới chớm hè, bệnh ốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm não mô cầu đều bắt đầu gia tăng số ca mắc, ít nhất 10 người tử vong.
Với sốt xuất huyết, ngay trong tháng 4 cả nước đã ghi nhận gần 7.000 ca, 2 người tử vong. Trong khi trung bình 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận khoảng 4.000 bệnh nhân. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 21.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc giảm 26%, nhưng tử vong tăng 1. Bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Sắp tới số lượng bệnh nhân sẽ tăng mạnh hơn nữa do phía Nam bắt đầu mùa mưa, trong khi miền Bắc bước vào nắng nóng. sốt xuất huyết, viêm não, viêm não mô cầu, tay chân miệng, bệnh truyền nhiễm Bước vào hè là thời điểm sốt xuất huyết tăng nhanh số ca mắc. Đáng lưu ý, có tới 4 type virus sốt xuất huyết nên bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại, thậm chí lần sau còn mắc nặng hơn lần trước.
Do đó bác sĩ khuyến cáo người dân không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Khi có các biểu hiện nghi ngờ như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da... thì cần đến ngay cơ sở y tế. Tương tự, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng mạnh trong tháng 4 vừa qua với hơn 4.500 ca mắc, trong khi tổng 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng hơn 26%.
Bước vào mùa hè, người dân cũng cần đặc biệt lưu ý đến bệnh viêm não mô cầu. Từ đầu năm đến nay, cả nước có 11 ca mắc, 2 người tử vong. Khác với viêm não do virus, bệnh não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidis gây ra, lây lan qua đường hô hấp. Não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 2 nhóm tuổi dễ bị nhiễm não mô cầu là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi đến 20 tuổi. Vi khuẩn này thường gây ra bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu với các biểu hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C, đau đầu dữ dội, cổ cứng, xuất hiện tử ban.
Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%. Hiện đã có 2 loại vắc xin AC và BC ngừa viêm não mô cầu. Do đó người dân có thể tiêm cả 2 loại vắc xin BC (ngừa type B, C) và AC (ngừa type A, C) để tăng thêm khả năng miễn dịch. (Nông thôn Ngày nay, trang 5)
Bác sĩ mệt phờ râu với bệnh nhân ‘lạ’
Bác sĩ có nghĩa vụ cứu chữa cho bệnh nhân không phân biệt sắc tộc, giàu nghèo. Nhưng không ít bệnh nhân ngoại vào bệnh viện đã làm họ điêu đứng.
Từ thu dọn thức ăn ói mửa…
Băng ca đẩy tới đâu là mọi người phải dạt xa và lấy tay bịt mũi vì không chịu nổi mùi bốc lên từ đống thức ăn do bệnh nhân ói mửa. Nữ điều dưỡng lấy khăn ướt lau sạch thức ăn dính trên tóc ông này, trong khi nam điều dưỡng phải lụi hụi túm gọn đống này để không rớt xuống sàn. Xong xuô, hai điều dưỡng chuyển bệnh nhân qua băng ca khác. Do ông này to con, nặng ký nên hai điều dưỡng vừa nâng vừa đẩy vừa thở hổn hển.
Bệnh nhân bị chấn thương đầu, không có người thân đi cùng, được chuyển đến từ BV quận 7 (TP.HCM). Giấy chuyển viện ghi bệnh nhân bị chấn thương đầu nên BS Trần Hùng Tấn, trưởng ca trực cấp cứu, nhanh chóng cho chụp CT. Hai điều dưỡng tiếp tục đẩy bệnh nhân vô phòng chụp rồi hì hục đẩy ông ra ngoài.
Kết quả chụp CT ghi nhận bệnh nhân bị tụ máu trong đầu. BS Tấn tiếp tục cho làm xét nghiệm rượu. Điều dưỡng chuẩn bị lấy máu ở cánh tay trái thì ông này bất ngờ tỉnh lại, huơ tay lia lịa, xí xô xí xào một tràng.
Do bệnh nhân không có người thân đi theo, giấy tờ và tiền bạc phía BV quận 7 tạm giữ nên bác sĩ trực cấp cứu làm giấy “nợ viện phí”. Độ nửa tiếng sau thì người nhà bệnh nhân có mặt. Người này cho biết bệnh nhân là người Trung Quốc, mới vào Việt Nam làm việc. Do quá chén với bạn bè nên bị tai nạn trên đường về nhà.
… Đến bị mắng mỏ và gánh viện phí
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Chợ Rẫy TP.HCM, kể mới đây một du khách người Nga khoảng 30 tuổi được đưa vào khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy trong tình trạng đứt lìa đùi trái. Bệnh nhân cho biết xe lửa vừa chuyển bánh thì ông nhảy lên, do hụt chân nên ngã và bị xe lửa cán đứt chân trái.
Sau khi cấp cứu, BV chuyển lên phòng dịch vụ để chăm sóc dù nạn nhân không có passport, cũng chẳng mang theo tiền. Do không có thân nhân nên mọi sinh hoạt của ông này đều do nhân viên y tế đảm nhận. “Mặc dù được chăm lo chu đáo nhưng ông này luôn quát tháo, mắng bác sĩ, điều dưỡng. Chưa hết, bệnh nhân có biểu hiện nghiện thuốc nên hay nổi đóa, hăm dọa đủ điều. Tổng chi phí điều trị cho du khách nói trên độ 60 triệu đồng. Do có 40 triệu đồng tiền bảo hiểm du lịch nên bệnh nhân này chỉ phải trả thêm 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ông ta không trả khoản còn lại với lý do không có tiền. Cuối cùng BV phải gánh số tiền 20 triệu đồng này” - BS Việt cho biết.
Cũng gần đây tại BV Chợ Rẫy, một bệnh nhân người Đài Loan 63 tuổi bị tai biến đã tìm đến BV Chợ Rẫy mà không có người thân. “Bệnh nhân cho biết qua Việt Nam làm ăn và sinh sống đã lâu, hiện tạm trú ở quận 7 (TP.HCM). Vợ chồng ông đã ly hôn, mạnh ai nấy sống. Ông có hai con nhưng hiện sinh sống ở Đài Loan” - BS Việt nói.
Do được bác sĩ, điều dưỡng BV chăm sóc tận tình, chu đáo nên sức khỏe bệnh nhân mau ổn định, có thể ra viện. Ngặt nỗi bệnh nhân bị tai biến dễ gặp biến chứng nên cần có người chăm sóc khi xuất viện. Thế nhưng ông này chẳng có người thân, BV lại không thể bỏ mặc nên tiếp tục giữ bệnh nhân này để chăm sóc. Hiện số tiền điều trị cho ông ta vượt xa khoản tiền tạm ứng. Cuối cùng, BV phải cầu cứu Lãnh sự quán Đài Loan để liên lạc với hai người con của bệnh nhân. Tuy nhiên, đến nay hai người con của ông này vẫn bặt vô âm tín.
“Không ít bệnh nhân người châu Á, Âu khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Càng nhiều trường hợp nói trên thì gánh nặng viện phí càng đè lên vai BV” - BS Việt cho biết thêm. (Pháp luật TPHCM, trang 13)
Báo động tình trạng nhân viên y tế bị hành hung
Vấn đề an ninh bệnh viện nói chung và hành hung nhân viên y tế nói riêng đã trở thành vấn đề nóng mà Bộ Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều trong thời gian qua. Các vụ hành hung vẫn đang tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và tinh thần, sức khỏe của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế.
Liên tiếp các vụ hành hung cán bộ y tế
Vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế diễn ra mới đây nhất vào tối 29/4 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Nạn nhân là Phạm Lê Tùng, là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đang thực tập tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện. Tối hôm đó, như thường lệ, Tùng trực và giúp đỡ bệnh nhân theo lịch phân công. Lúc đó, bệnh nhân Bùi Thế Sơn (26 tuổi, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) bị tai nạn và được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu. Theo chỉ định, bệnh nhân được đưa đi chụp chiếu để xác định thương tích. Trong lúc chờ người đi lấy cáng, Tùng túc trực bên cạnh để đưa bệnh nhân lên cáng. Lúc này, một nam thanh niên là người nhà bệnh nhân vẫy Tùng lại bảo: “Mày vào bế thằng bạn tao đi chụp”. Tùng nói, người nhà bệnh nhân chờ một chút để cáng tới sẽ bế bệnh nhân lên. Vừa nghe xong, người thanh niên trên trợn mắt rồi liên tiếp tát, chửi và dọa dẫm Tùng: “Mày muốn không ra được khỏi cái trường này không”...
Trước đó, ngày 16/4/2017, một bác sĩ của bệnh viện đa khoa Thạch Thất bị người nhà bệnh nhân hành hung ngay tại phòng hành chính khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội). Bác sĩ D, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện, trưởng kíp trực của ngày 16/4, khi vừa giải thích tình trạng bệnh của bệnh nhi nhập viện vì viêm họng và tiêu chảy do virus cho gia đình xong, đang cúi xuống viết bệnh án thì bị bố của bệnh nhi dùng cốc đánh vào đầu. Cú đánh quá mạnh khiến bác sĩ D ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương, phải khâu 7 mũi và đang theo dõi chấn thương sọ não. Bác sĩ D. là một bác sĩ trẻ, hiền lành, chuyên môn hồi sức cấp cứu tốt và đã tình nguyện về công tác tại bệnh viện được 3 năm.
Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 15/2/2017, Khoa Hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng tiếp nhận bệnh nhân Lý Văn Quang (25 tuổi) bị tai nạn giao thông. Khi đang làm các thủ tục cấp cứu, chị Nguyễn Thị Lan (38 tuổi), điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu bất ngờ bị một thanh niên đi chung với Quang tấn công. Ban đầu, thanh niên này đánh vào đầu, mặt chị Lan, sau đó tiếp tục lấy một chiếc ghế inox loại lớn phang vào người chị...
Đây chi là ba trong số hàng loạt các vụ tấn công nhân viên y tế trong thời gian qua. Tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành ngày đang ngày càng có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên y tế cũng như chất lượng khám, chữa bệnh.
Cần có cơ chế bảo vệ hữu hiệu
Tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, tham luận của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) đã nhận diện rõ 2 nguyên nhân để xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh bệnh viện, đe dọa sự an toàn của cán bộ y tế. Đó là, về phía cán bộ y tế, phía bệnh viện, do tình trạng quá tải, người bệnh đông, phải xếp hàng, chờ đợi lâu. Trong khi đó, cũng có những cán bộ y tế tinh thần thái độ, lời ăn tiếng nói, phong cách, thái độ ứng xử với người bệnh chưa được hòa nhã, phù hợp, gây những bức xúc cho người bệnh, người dân...Về phía xã hội, nhiều người bệnh, người dân nhận thức chưa đúng, chưa cảm thông với điều kiện khó khăn của bệnh viện, không có thói quen xếp hàng, chờ đợi. Một số cá nhân có những đòi hỏi quá mức, có hành vi ứng xử không đúng mực với nghề thầy thuốc.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, pháp luật của Việt Nam chưa có quy định bảo vệ trực tiếp và quyền lợi của nhân viên y tế trong khi thi hành nhiệm vụ khám chữa bệnh. Vì thế, mới đây, Bộ Y tế đã đề ra hàng loạt các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh bệnh viện, ngăn chặn triệt để tình trạng hành hung cán bộ y tế. Bên cạnh các giải pháp như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh, an toàn người bệnh; tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và công an, đảm bảo an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh, xử lý thích đáng các vụ việc nổi cộm để hạn chế và răn đe các đối tượng quá khích trong bệnh viện, ngành y tế đề nghị bổ sung vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh phần trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ. (Gia đình & Xã hội, trang 2)
Bệnh viện E: Bóc tách thành công khối u buồng trứng khổng lồ
Chiều 5-5, PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng khoa Phụ sản của Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật bóc tách thành công khối u nhầy buồng trứng trái có kích thước khổng lồ với đường kính hơn 20cm và nặng 1,8kg cho một bệnh nhân nữ 20 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội.
Một năm trước, bệnh nhân thấy bụng dưới càng ngày càng to nên nghĩ là do béo. Khối u lớn chèn ép buồng trứng và gây đau nhưng bệnh nhân không để ý và nghĩ là đau bụng kinh, vì thấy hằng tháng kinh nguyệt vẫn đều nên bệnh nhân chủ quan không đi khám.
Cách đây 10 ngày, bệnh nhân bị sốt virus, đi khám tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội và được các bác sĩ đã phát hiện một khối u nằm ở buồng trứng trái chiếm gần hết ổ bụng dưới của bệnh nhân.
Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Phụ sản – Bệnh viện E để tiến hành các xét nghiệm cần thiết, siêu âm đánh giá ổ bụng. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị u nang nhầy buồng trứng trái có kích thước 18cm bên trong có nhiều vách, chứa dịch tương đối đồng nhất.
Các bác sĩ cho bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng cho thấy kết quả bình thường, chụp thêm MRI để đánh giá về tính chất tăng sinh mạch và độ xâm lấn của khối u cũng cho kết quả bình thường.
PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng khoa Phụ sản của Bệnh viện E cùng các đồng nghiệp đã tiến hành ca mổ cắt bóc khối u.
Do bệnh nhân còn trẻ, nên PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn đã quyết định bóc tách khối u sao cho không làm tổ chức nhầy vỡ vào ổ bụng và bảo tồn tối đa phần vòi trứng, nhằm giảm ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của bệnh nhân sau này. Khối u sau mổ có kích thước đo được trên 20 cm, nặng 1,8kg.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Tuấn, ở nữ giới, u nhầy chiếm khoảng 20% các khối u buồng trứng. U nhầy buồng trứng được chia thành u tuyến bọc nhầy lành tính và các u có tiềm năng ác tính thấp và ác tính - carcinoma.
Tuy nhiên đối với nang nhầy buồng trứng dù là lành tính vẫn có những nguy hiểm của nhầy khi vỡ vào trong ổ bụng, có thể gây viêm phúc mạc nhầy, lâu dài tạo thành các khoang nhầy trong ổ bụng dẫn đến tình trạng suy kiệt của bệnh nhân. Đôi khi bệnh nhân phải chịu nhiều cuộc phẫu thuật mà không thể giải quyết triệt để được nguyên nhân.
Do vậy, khi phát hiện nang buồng trứng nhầy cần được mổ sớm. Đặc biệt, khi mổ tránh chọc hút làm vỡ nang trong ổ bụng. Trong các trường hợp nang to nên chọn cách mổ mở ổ bụng là an toàn nhất và cắt bỏ sẽ hạn chế tối đa việc tái phát.
Việc chẩn đoán u buồng trứng hiện nay không quá khó với sự trợ giúp của siêu âm. Nhưng đòi hỏi chị em phụ nữ cần chú ý thăm khám sức khoẻ định kỳ, vì các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường nghèo nàn, diễn biến âm thầm, ngay cả khi là một khối u buồng trứng ác tính. Vì thế, khi phát hiện ra thì thường ung thư buồng trứng đã ở giai đoạn muộn. (Công an Nhân dân, trang 2)