Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Đề xuất lập đường dây nóng nhận tin vi phạm ATTP; Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác; Người lạm dụng thẻ BHYT trả lại hơn 9 triệu đồng; Bộ Y tế hỗ trợ 10-15 máy chạy thận cho Hòa Bình; Sắp có kết luận vụ 8 người chết khi chạy thận nhân tạo; ...

 

Đề xuất lập đường dây nóng nhận tin vi phạm ATTP

Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày để bàn về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Nhiều đề xuất đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong đó có việc thành lập đường dây nóng dạng như cứu hỏa, cứu thương... để nhận phản ánh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

Nên có số đường dây nóng để xử lý nhanh

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đoàn Tiền Giang, ngoài các giải pháp lớn mà Chính phủ và Đoàn giám sát Quốc hội đề xuất thì đại biểu này kiến nghị thực hiện thêm một số giải pháp: Thiết lập đường dây nóng với số dễ nhớ kiểu 113, 115 để nhân dân phản ánh các vi phạm pháp luật về ATTP; Kiểm soát chặt chất xả thải từ các cơ sở sản xuất, đặc biệt từ các khu sản xuất tập trung, KCN vì nhiều thực phẩm nhiễm bẩn do nguồn nước cung cấp cho vật nuôi cây trồng không được xử lý an toàn; Các tỉnh, thành phố nghiêm túc xem xét tiêu chí môi trường và ATTP, tức là 100% hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP trong việc công nhận xã nông thôn mới và phải coi đây là tiêu chí “cứng” không cho nợ.

Hiện nay, hầu hết các thôn, làng, bản đều có hương ước, quy ước của mình và đây là cơ chế tự quản có hiệu quả để xử lý các vấn đề của cộng đồng. UBND cấp huyện, cấp xã nên hướng dẫn các thôn làng đưa các nội dung về bảo đảm ATTP vào các hương ước, quy ước này. Một khi người dân đồng thuận, tự nguyện đưa nội dung này vào các hương ước, quy ước của mình thì họ sẽ đề ra cơ chế bảo đảm thực hiện, chắc chắn góp phần thúc đẩy bảo đảm an toàn thực phẩm, loại bỏ hiện tượng mỗi gia đình có 2 luống rau, 2 chuồng lợn, 2 chuồng gà phân biệt để dùng cho gia đình hay để bán...

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đoàn Quảng Bình cho rằng: “Tôi tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đoàn Tiền Giang, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng, có cơ chế phù hợp, thuận tiện để tiếp nhận, xử lý nghiêm, kịp thời phản ánh của nhân dân, của báo chí về vi phạm ATTP. Có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn”.

12 triệu dân chờ nước sông hết... bẩn

Phản ánh ý nguyện của cử tri nơi ứng cử, đại biểu Dương Minh Ánh, đoàn TP Hà Nội cho biết, để có rau quả tươi sống, thực phẩm chăn nuôi sạch, an toàn thì đầu tiên nguồn nước, môi trường đất, không khí phải sạch. Hiện nay, nguồn nước từ hai sông Đáy và Nhuệ đã bị ô nhiễm rất trầm trọng. Nước bẩn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt, sức khỏe của người dân ở 5 địa phương từ TP Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và tỉnh Hòa Bình. Theo thống kê năm 2016 toàn lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3,811 triệu m3 nước thải, trong đó nước thải từ trồng trọt và chăn nuôi khoảng 2,55 triệu m3/ngày, nước thải sinh hoạt 610.000 m3/ngày, nước thải y tế khoảng 15.000 m3/ngày. “Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề thực phẩm sạch như rau, quả tươi sống, thực phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thì trước hết chúng ta cần phải giải quyết dứt điểm nguồn nước tưới tiêu và môi trường đất sạch. Phải tập trung mọi nguồn lực cùng với quyết tâm cao mới có hy vọng cải thiện được nguồn nước, cải thiện được đời sống người dân. Cử tri đang rất trông chờ ở Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương sẽ vào cuộc sớm và quyết liệt hơn nữa thì mới mong giải cứu được 2 con sông, trả lại tên cho 2 dòng sông và cứu lấy cuộc sống, sức khỏe của 12 triệu người dân sống xung quanh khu vực ven sông”.

Cuộc chiến giữa thiện - ác

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội phát biểu trong phần tranh luận chiều ngày 5/6 cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin đúng, không thổi phồng. Thực tế cho thấy chúng ta có làm nhưng làm chưa đúng, chưa phù hợp với từng đối tượng. Cùng đó, cả xã hội phải vào cuộc để lo về vấn đề ATTP. Việc giao cho 3 Bộ và UBND cấp tỉnh thì khó có thể làm nổi. Vì vậy, cần sự vào cuộc của xã hội, đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai. Còn theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai thì việc công bố các số liệu liên quan đến vi phạm, hậu quả của ATTP mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đại biểu cho biết, theo kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10% người được hỏi rất yên tâm với thực phẩm sử dụng hằng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27% khẳng định không yên tâm.

Báo cáo của Chính phủ trong giai đoạn 2011 - 2016 đã kiểm tra theo kế hoạch trên 3 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có trên 20% số cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Các hành vi và hiện tượng vi phạm về ATTP thường thấy đó là bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hạn sử dụng, sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật không đúng quy định, sử dụng hóa chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng... Cũng trong giai đoạn này có 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm, với 30.395 người mắc, 164 người chết. Theo đại biểu đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm (Gia đình & Xã hội, trang 2; Lao động, trang 1)

 

Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác

“Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn thì lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật” - đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Đại biểu Bình Dương bắt đầu bài phát biểu tại Quốc hội sáng nay 5-6, trong phiên thảo luận về an toàn thực phẩm, bằng việc kể ra một loạt ví dụ về thực phẩm bị làm giả, biến đổi cho đẹp mắt, giá cao, mà phần lớn là nhờ đến hóa chất.

Chúng ta đang tự đầu độc chính mình?

Đại biểu này nhận định: “Hóa chất độc hại, chất cấm, thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào”.

Ông Nhân đặt câu hỏi: “Những hóa chất đó đến từ đâu? Chúng đi đâu và được dùng vào việc gì?”

Ông dẫn số liệu cho thấy trong số khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu hàng năm vào VN, có đến 90% là từ Trung Quốc. Trong khi số lượng nhập qua đường tiểu ngạch, nhập lậu thì không thể kiểm soát.

Theo đại biểu Bình Dương, đó là cái gốc của mọi nguyên nhân.

“Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình? Và Quốc hội nghĩ gì về con số mỗi năm khoảng 70 ngàn người chết vì ung thư với một phần nguyên nhân từ thực phẩm không an toàn?”

Ông Phạm Trọng Nhân tiếp tục lấy ví dụ về việc 3 bộ quản lý một sản phẩm bún để nhận định rằng phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay là chưa hợp lý: nguyên liệu do bộ NN&PTNT quản, sản phẩm thuộc bộ Công thương, có chất độc, chất cấm thì trách nhiệm của Bộ Y tế.

Cần sự trừng trị nghiêm khắc nhất

Từ đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân dẫn dắt đến luận điểm quan trọng nhất của mình: “Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên lý trí, chi phối dẫn đến hành động thiếu lương tri của họ”.

“Chúng ta cũng đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Nhưng đến nay, đáp số của bài toán đó vẫn chưa như chúng ta mong đợi”.

Ông Nhân kiến nghị: “Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn thì lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”.

Và trên hết là tinh thần nhập cuộc và thái độ tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm bẩn của chính cộng đồng người tiêu dùng, theo đại biểu Bình Dương.

“Trong khi nguồn lực con người và kinh phí luôn có hạn thì sức mạnh ý chí, sự tỉnh táo và chung tay cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng sẽ là một nguồn lực vô hạn, đủ mạnh để có thể chuyển hóa tình hình”, ông Phạm Trọng Nhân nói.

“Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác. Thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì là thỏa hiệp, bắt tay với cái ác, đáng bị lên án”.

Nhân diễn đàn Quốc hội, đại biểu Bình Dương “tha thiết kêu gọi những người sản xuất kinh doanh thực phẩm vì lương tri, trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính” (An ninh Thủ đô, trang 3; Công an nhân dân, trang 3)

 

Người lạm dụng thẻ BHYT trả lại hơn 9 triệu đồng

Ngày 5-6, Bảo hiểm xã hội VN cho biết ông N.G.H (47 tuổi, ở TP.HCM) vừa trả lại hơn 9 triệu đồng lạm dụng bảo hiểm y tế.

Ông H. là một trong những người đi khám bệnh nhiều nhất trong thời gian từ tháng 6-2016 đến tháng 1-2017, với tổng số 319 lần tại nhiều cơ sở y tế.

Cũng theo Bảo hiểm xã hội VN, nhà ở quận 8, TP.HCM nhưng ông H. thường đi khám ở nhiều bệnh viện các quận khác. Riêng ngày 13-10-2016 ông đã đến khám ở Bệnh viện quận 1, Bệnh viện quận 3, Bệnh viện quận Tân Bình và Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM.

Sau khi làm việc với Bảo hiểm xã hội TP.HCM, ông Hùng đã trả lại hơn 9 triệu đồng tiền thuốc đã nhận của các Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Tai mũi họng, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện quân dân miền Đông…

Theo Bảo hiểm xã hội VN, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, đã có gần 2.800 người đi khám bệnh bảo hiểm y tế từ 50 lần trở lên, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lượt kể cả trong ngày lễ, ngày nghỉ (Tuổi trẻ, trang 4; Thanh niên, trang 2)

 

Bộ Y tế hỗ trợ 10-15 máy chạy thận cho Hòa Bình

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thống nhất sẽ mua mới và hỗ trợ 10-15 máy chạy thận cho Hòa Bình, giúp trên 100 bệnh nhân tỉnh này không phải vất vả xuống Hà Nội chạy thận mỗi tuần ba lần.

Chiều 5-6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết 10-15 máy chạy thận này sẽ được đặt tại Bệnh viện đa khoa TP Hòa Bình. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ cử chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai lên Hòa Bình hỗ trợ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Trong tuần này, 10 bệnh nhân trong ca chạy thận gặp sự cố (ca chạy thận ngày 29-5 tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình có 18 người, 8 người đã tử vong) sẽ được ra viện.

Bộ Y tế cũng cho biết Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình giải quyết sự cố, cho đến khi Khoa Thận nhân tạo của bệnh viện này hoạt động trở lại.

Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đã ngừng hoạt động từ ngày 29-5, khi xảy ra sự cố và tới đây sau khi cơ quan chức năng gỡ niêm phong, trao trả khoa lại cho ngành y tế, Bệnh viện Bạch Mai sẽ lên Hòa Bình để hỗ trợ về chuyên môn (Tuổi trẻ, trang 4)

 

An toàn thực phẩm: Kiến nghị giao một cơ quan giữ vai trò nhạc trưởng

Ngày 5/6, Quốc hội (QH) thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016. ĐB Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội kiến nghị cần có một cơ quan giữ vai trò nhạc trưởng để điều hành, phối hợp.

Không phân định rõ trách nhiệm

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), hiện nay nguyên liệu, bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm Bộ NN&PTNT, còn sản phẩm, tinh bột thuộc về Bộ Công Thương, rồi sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu có chứa chất gây ngộ độc thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, nên 3 bộ cùng quản lý.

Theo ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ), một số mặt hàng, sản phẩm giao thoa giữa các bộ đang có sự đan xen, không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm dẫn đến việc buông lỏng quản lý. Bà Yến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu theo hướng tập trung thống nhất cơ quan quản lý ATTP về một đầu mối duy nhất, không nên để ba bộ đều quản lý như hiện nay. Đồng thời ĐB Yến tán thành việc ban hành một nghị quyết của QH sau giám sát nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP giai đoạn 2016 –2020.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, quản lý nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế, trong đó việc thực hiện quản lý còn cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Nhiều khoảng trống chưa được xử lý hiệu quả, dẫn đến thực phẩm không an toàn, người dân chịu hậu quả. Ông Mai kiến nghị, phòng chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng để điều hành, phối hợp với các cơ quan có liên quan.

“Đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế”

Bức xúc trước thực trạng vi phạm ATTP, nhiều ĐB cho rằng, những gì chúng ta biết và xử lý được các trường hợp vi phạm ATTP chỉ là phần nổi của tảng băng, trong khi mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Bằng chứng là hàng loạt vụ bắt giữ thực phẩm quá hạn không nguồn gốc, nội tạng hôi thối. Rồi gần đây nhất, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 45 tấn tóp mỡ bốc mùi đang trên đường tiêu thụ...

Từ thực tế chứng minh, ĐB Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, ít nhất hàng năm có hàng chục triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm nhưng người dân tự xử lý, không được các cơ sở y tế ghi nhận. Theo ông Mai, trong bối cảnh chung sống với thực phẩm không an toàn, một bộ phận dân cứ có điều kiện thì tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo kiểu tự cung, tự cấp, còn đa số phó mặc sức khoẻ tính mạng cho may rủi, số phận.

“Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thế nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương chi của họ. Chúng ta đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả như mong đợi. Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, ĐB Phạm Trọng Nhân bày tỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, quản lý an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của cả hệ thống, nhưng những bộ có trách nhiệm quản lý trực tiếp sẽ cố gắng hơn nữa. Ông Cường cho biết, sau khi QH ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình giám sát, sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch chi tiết để trình Chính phủ. Mặt khác sẽ rà soát các cơ quan, tổ chức để thực thi pháp luật, đồng thời tăng cường sự phối hợp liên ngành nhằm thực hiện tốt nhất trách nhiệm được phân công quản lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hành lang các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP khá đầy đủ, đồng bộ, vấn đề còn lại là thực thi, kiểm tra, xử phạt. Theo bà Tiến, tới đây sẽ sửa ngay một số nghị định, trong đó có nghị định về xử phạt vi phạm hành chính vì còn quá nhẹ và bổ sung trong Bộ luật Hình sự, để xử phạt vi phạm hình sự trong lĩnh vực ATTP.

“Tại sao văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ mà các vụ ngộ độc, vi phạm ATTP càng ngày càng xảy ra? Đương nhiên đó là một thực tiễn do sản xuất, hội nhập, ý thức của người dân... Chúng ta nói rất nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước, nhưng mặt nữa phải kể đến là doanh nghiệp và nhà sản xuất coi thường sức khỏe của người dân, chưa thực hiện nghiêm các quy định về ATTP. Chính vì thế chúng ta mới thấy có hai luống rau, hai chuồng lợn, người sản xuất vì lợi nhuận mà làm trái pháp luật, trong khi đó việc xử lý vi phạm còn nhẹ, không đảm bảo răn đe”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý giữa các bộ ngành. Nhiều ĐB cho rằng, vi phạm về ATTP là một tội ác, cần xử lý nghiêm minh, đề nghị cần sửa đổi quy định hình sự về lĩnh vực này, đồng thời cần ban hành nghị quyết mới của QH để quản lý tốt vấn đề này trong thời gian tới (Tiền phong, trang 3; Hà Nội mới. trang 1)

 

Tuần này có kết luận về vụ 8 người tử vong khi chạy thận nhân tạo

Chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong tuần này sẽ có kết luận của Hội đồng chuyên môn về sự cố y khoa khiến 8 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác xử lý sự cố tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Hội đồng chuyên môn do lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình làm Chủ tịch Hội đồng. Thành viên Hội đồng có các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội... và các lĩnh vực liên quan khác do Sở Y tế mời hoặc chỉ định tham gia đã được thành lập.

Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hoà Bình phải lập phương án khắc phục và lựa chọn cơ sở điều trị để hỗ trợ 100 bệnh nhân cần lọc máu chu kỳ sớm được lọc máu tại địa phương.

Chiều 5/6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã họp để kiểm thảo các trường hợp tử vong, sau đó thống nhất báo cáo gửi lên Hội đồng chuyên môn do Sở thành lập.

Hiện tại, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, có 4 yếu tố liên quan đến quá trình chạy thận: Quy trình thực hiện của nhân viên y tế, quả lọc, dịch lọc và hệ thống nước để thẩm tách độc chất trong máu. Trong đó, hệ thống máy sẽ báo quy trình làm đúng chưa; quả lọc được tái sử dụng với các hướng dẫn cụ thể, trong đó có những ca dùng quả lọc mới vẫn gặp tai biến; dịch lọc tại bệnh viện vẫn đóng gói nguyên kiện, trước đó 1 ngày đã được dùng cho một số bệnh nhân nhưng không có bất thường. Riêng hệ thống nước, trước ngày xảy ra tai biến, bệnh viện có tiến hành bảo dưỡng định kỳ (Tiền phong, trang 2)

 

3 Bộ cùng quản sợi bún, chiếc bánh trung thu

Luật An toàn thực phẩm đã quy định việc quản lý theo chiều dọc, không cắt ngang từng công đoạn, song việc tổ chức thực hiện vẫn theo cách cũ nên một sợi bún, một chiếc bánh trung thu vẫn cần tới 3 bộ cùng quản lý.

Đó là một trong những hạn chế của công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) được các đại biểu (ĐB) chỉ ra và đại diện Chính phủ cũng thừa nhận, khi Quốc hội (QH) dành cả ngày 5.6 để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát công tác này.

Mấu chốt vẫn là tổ chức thực hiện

Hiện vẫn có đến 27% người dân không yên tâm về thực phẩm, 59% chưa yên tâm lắm. Trong 3 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thì trên 20% vi phạm ATTP. Trong 5 năm qua có hơn 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm làm 164 người chết... Đó là những con số đáng chú ý được báo cáo giám sát chỉ ra, nhưng đa số ĐB cho rằng đó vẫn là "phần nổi của tảng băng".

Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đặt câu hỏi: Vì sao những tồn tại trong vấn đề này đã được thấy rõ mà vẫn dai dẳng, trong khi thực phẩm là vấn đề kỹ thuật, các nước cùng hoàn cảnh như chúng ta song vấn đề của họ không đáng báo động? "Trong quản lý nhà nước, trước khi có luật ATTP năm 2010 thì ta chia theo chiều ngang, cắt khúc cho 3 bộ. Đến nay đã quy định theo chiều dọc, ai chịu trách nhiệm thì từ đầu đến cuối, theo nhóm ngành hàng, nhưng thực tế vẫn cắt ngang, nên có nhiều khoảng trống", bà Lan nói.

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cũng chỉ ra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tạo nhiều khoảng trống chưa được xử lý có hiệu quả, cuối cùng vẫn là thực phẩm không an toàn và người dân phải chịu hậu quả. ĐB này đề nghị việc phòng chống thực phẩm không an toàn cần có một cơ quan thực sự giữ vai trò nhạc trưởng điều hành, phối hợp giữa các cơ quan liên quan.

Một ví dụ rõ nét cho nhận định này là câu chuyện quản lý một sợi bún được ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chỉ rõ: Bột gạo, nguyên liệu làm bún thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT, sản phẩm tinh bột thì thuộc Bộ Công thương. Trong khi sản phẩm bún bán trên thị trường, nếu chứa chất tinopal gây hậu quả cho người tiêu dùng thì thuộc Bộ Y tế. Tương tự với chiếc bánh trung thu: nhãn bánh, bao bì do Bộ Công thương quản lý; nhân bánh (trứng) thì thuộc Bộ NN-PTNT và các chất phụ gia là của Bộ Y tế. Do đó, các ĐB đề nghị không nên để 3 bộ cùng quản lý mà thu về một đầu mối duy nhất.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) kiến nghị cần một đơn vị độc lập, có chức năng quản lý xuyên suốt chuỗi thực phẩm thì mới có đủ năng lực pháp lý. Tranh luận với các ý kiến cho rằng không nên có thêm một tổ chức mới vì sẽ làm phình bộ máy, thêm biên chế, theo ông Hiếu, thành phần thực chất sẽ là các chuyên viên đến từ 3 bộ được giao quản lý ATTP, giờ được điều chuyển về một đơn vị nên không thể nói làm tăng biên chế. "Ngược lại, nó có thể giảm biên chế do loại bỏ sự chồng chéo trùng hợp một số vị trí mà 3 bộ cùng tiến hành", ĐB Hiếu phân tích và dẫn câu chuyện ô nhiễm nguồn nước do thạch tín gây ra, ông Hiếu cho rằng để xử lý vấn đề này cần các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, khoa học hội tụ trong một tổ chức độc lập để có khả năng tham vấn cho Chính phủ nhằm đưa ra những chính sách tốt nhất. "Đây cũng là mô hình mà nước Mỹ áp dụng trong quản lý thuốc và thực phẩm", ông nói thêm.

Giải trình vấn đề, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cùng với giám sát của QH, Chính phủ đã đề nghị các tổ chức quốc tế có những nghiên cứu độc lập. Ông Đam cho hay, cùng lúc với QH hoàn thiện báo cáo giám sát thì Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa hoàn thiện báo cáo. "Đáng mừng là nội dung đánh giá thực trạng, nguyên nhân yếu kém, đề xuất giải pháp cơ bản giống nhau. Ví dụ về quy định luật pháp, WB nhận định hệ thống pháp luật của VN đi đầu trong khu vực về hiện đại và tiếp cận đúng xu thế, vấn đề là tổ chức thực hiện", Phó thủ tướng nói. "Quy định trong quản lý, chúng ta đã chuyển từ cắt ngang sang dọc nhưng trong thực hiện vẫn còn thực tế là phân khúc, tức là thực hiện chưa tốt", Phó thủ tướng thừa nhận.

Về các ý kiến cho rằng cần một tổ chức bộ máy mới để quản lý, theo Phó thủ tướng, các nước cũng như VN đều giao từng việc một cho từng bộ ngành. "Có điều cơ chế điều phối chung của ta nhiều nơi nhiều lúc chưa tốt, không chỉ với ATTP mà các vấn đề khác cũng vậy. Khi các bộ cử người tham gia thì rõ tên rõ người nhưng thực tế là có cán bộ phụ trách nhiều việc. Bên cạnh đó, phần lớn các ban chỉ đạo hoạt động chủ yếu ở một số cơ quan thường trực", ông Đam lý giải thêm.

Phải chỉ rõ trách nhiệm

Trước đó, dù đồng tình cơ bản với báo cáo về những đánh giá về thực trạng, nguyên nhân của yếu kém, song không ít ĐB lại cho rằng phần nhìn nhận trách nhiệm cụ thể chưa rõ nét.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng: Báo cáo không thể nói chung chung 3 bộ có nơi có lúc làm chưa tốt công tác quản lý nhà nước. Trong khi đó, ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm người đứng đầu không tổ chức quyết liệt, để xảy ra nhiều sự cố về ATTP. "Bệnh đã chẩn, thuốc đã được kê nhưng liệu bệnh tình rồi có giảm, tình trạng mất ATTP có được ngăn chặn hay không", ông Diến hoài nghi và yêu cầu Chính phủ hằng năm phải báo cáo với QH, còn các địa phương báo cáo HĐND về tổ chức thực hiện.

Tương tự, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), báo cáo đã nêu một nội dung rất quan trọng là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong ATTP, đặc biệt trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, ĐB Cường cho rằng việc nêu trách nhiệm này còn chung chung, tình trạng này có trách nhiệm của cả 3 bộ: Y tế, NN-PTTN, Công thương. "Báo cáo không nêu rõ phạm vi, trách nhiệm của mỗi bộ đối với các hạn chế này đến đâu, yếu kém của bộ nào là chính. Còn UBND các cấp có trách nhiệm chính tại địa phương, vậy địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm tốt. Nếu chúng ta không chỉ rõ địa chỉ và không làm rõ trách nhiệm, bộ, ngành nào của địa phương nào chưa làm tốt thì sẽ khó cải thiện được tình trạng này trong tương lai”, ĐB Cường nhấn mạnh (Thanh niên, trang 6)

 

Nhiều bất cập trong thanh toán bảo hiểm y tế tại bệnh viện y học cổ truyền

Ngày 5-6, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội thảo ‘Một số khó khăn, vướng mắc trong khám chữa, bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị trong lĩnh vực y, dược cổ truyền’. Trong thực hiện và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền (YHCT), nhiều cơ sở YHCT chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật; Chỉ định đồng thời nhiều dịch vụ kỹ thuật có cùng cơ chế tác dụng/bệnh nhân. Thực hiện dịch vụ kỹ thuật không bảo đảm quy trình kỹ thuật. Có nơi tách các dịch vụ kỹ thuật để thanh toán, kéo dài ngày điều trị nội trú hay đưa bệnh nhân vào điệu trị nội trú khi chưa cần thiết. Chất lượng thuốc y học cổ truyền chưa được giám sát chặt chẽ. Dược liệu trôi nổi, khó quản lý, giá thuốc không phản ánh chất lượng thuốc. Dược liệu chưa được đóng gói theo quy chuẩn; chưa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Y tế cho biết sẽ rà soát các quy định chưa phù hợp tại Thông tư 50/2014/TT-BYT, Thông tư số 43/2013/TT-BYT và Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên (Nhân dân trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang