Đình chỉ công tác bác sĩ và hộ sinh vụ thai nhi chết
Sáng 5-7, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hòe, Phó giám đốc Bệnh viên Giao thông vận tải Vinh (Nghệ An) cho biết, bệnh viện này vừa đình chỉ công tác bác sỹ và nữ hộ sinh trong kíp trực dẫn đến thai nhi tử vong.
Theo đó, vào khoảng 7h30 sáng ngày 4-7-2016, bệnh viện Giao thông vận tải Vinh (Nghệ An) tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Lê (33 tuổi, quê Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An) trong tình trạng sức khỏe tốt, mang thai lần thứ 2, đau bụng có dấu hiệu chuyển sinh.
Qua chẩn đoán, sản phụ hiện đang mang thai bé trai được 40 tuần, thai nhi có trọng lượng khoảng 3,5kg và được ca trực tiên lượng đẻ thường. Đến 12h trưa cùng ngày, sản phụ vỡ ối vỡ hoàn toàn, cổ tử cung mở 6cm. Đến 13h15, cổ tử cung mở hết, bác sỹ đã hướng dẫn sản phụ rặn đẻ nhưng chị Lê mệt và kiệt sức.
Khoảng 30 phút sau, sản phụ được vào phòng mổ. Tuy nhiên, khi đưa thai nhi ra ngoài thì bé trai đã tử vong.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hòe – Phó giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi vừa quyết định đình chỉ ca trực là bác sỹ Nguyễn Thị Hà, (29 tuổi) và nữ hộ sinh tên Loan. Hai người này làm bản tường trình, khoa Sản làm kiểm điểm nhận rõ trách nhiệm của từng người, xác định sai trái để có hướng giải quyết”.
“Dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng này là do bác sỹ ca trực tiên lượng không chuẩn xác nên đẻ thường hay đẻ mổ dẫn đển hậu quả nghiêm trọng. Chúng tôi cũng đã báo cáo bằng điện thoại cho giám đốc Sở Y tế biết để xin ý kiến chỉ đạo”, bác sĩ Hòe cho biết thêm. (* Công an Nhân dân, Nhân dân (trang)
Phạt một cơ sở bán bánh mì nhiễm Ecoli và tụ cầu khuẩn
Ngày 5-7, ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Phú Yên) xác nhận, kết quả kiểm nghiệm 10 mẫu thức ăn lấy ngày 19-6 tại cơ sở bán bánh mì Thuận Phát ở phường 1, TP Tuy Hòa cho thấy, có bảy mẫu trong bánh mì bị nhiễm Ecoli và tụ cầu khuẩn do bảo quản thức ăn không tốt. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là mẫu thức ăn lấy tại cơ sở này sau hai ngày xảy ra vụ ngộ độc làm 26 người nhập viện.
Liên quan đến vụ việc trên, Ủy ban nhân dân phường 1, TP Tuy Hòa cũng đã xử phạt cơ sở bánh mì Thuận Phát 2.250.000 đồng; đồng thời cho phép cơ sở này kinh doanh trở lại và nhắc nhở lưu ý nhập nguồn gốc thực phẩm tươi sống, gia vị, bảo quản tốt thức ăn trước khi bán bánh mì ra thị trường.
Trả lời báo giới, sao không lấy mẫu thức ăn tại thời điểm các bệnh nhân nôn mửa khi nhập viện trong ngày 18-6 và kiểm tra các cơ sở, đại lý cung cấp thực phẩm, gia vị cho cơ sở bánh mì Thuận Phát, ông Nguyễn Văn Tâm thừa nhận: “Không lấy được mẫu thức ăn trong ngày 17-6 (trước một ngày các bệnh nhân bị ngộ độc phải nhập viện) vì cơ sở bánh mì Thuận Phát đã tiêu thụ hết”. Ông Tâm lý giải: “Trong quy chế về quản lý ngộ độc, giao cho các bệnh viện phải lấy mẫu ngay ở các bệnh nhân nôn mửa. Tuy nhiên, sau khi vụ ngộ độc bánh mì xảy ra, chúng tôi xuống các bệnh viện nhưng không lấy được mẫu, nên phải lấy mẫu thức ăn vào ngày 19-6 ở cơ sở bánh mì Thuận Phát đưa đi kiểm nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang”.
“Còn vấn đề truy suất nguồn gốc thực phẩm, khi có kết luận loại thực phẩm nào không an toàn, sẽ truy suất thực phẩm đó, chứ không thể truy suất toàn bộ các cơ sở cung cấp thực phẩm, gia vị cho bánh mì Thuận Phát. Ông Tâm đưa ra ví dụ, giả sử kết luận là do chà bông thì Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan truy suất mặt hàng này tại cơ sở cung cấp và có biện pháp xử lý”, ông Tâm nói.
Với giải thích của người đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Yên, dư luận cho rằng, việc không lấy được mẫu tại các bệnh viện, mà lấy 10 mẫu thức ăn sau hai ngày xảy ra vụ ngộ độc bánh mì tại cơ sở Thuận Phát không nói lên được điều gì. Từ khi vụ ngộ độc xảy ra đến khi có kết quả kiểm nghiệm 7/10 thức ăn bị nhiễm Ecoli và tụ cầu khuẩn mất hơn 10 ngày thì không thể truy suất, xử phạt các cơ sở, đại lý cung cấp thực phẩm, gia vị cho bánh mì Thuận Phát, vì tất cả đã được tẩu tán trước đó. (* Nhân dân (trang 5))
Vi phạm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ vẫn rất phổ biến
Tại hội thảo phân tích tuân thủ và vi phạm Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh, sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo do Bộ Y tế tổ chức ngày 5-7, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hiện tỷ lệ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ở nước ta rất thấp, chỉ đạt 19,6%.
Từ 1-3-2015, Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực đã quy định nghiêm cấm hành vi quảng cáo, tiếp thị tất cả các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ từ 0-24 tháng tuổi. Tuy nhiên, qua một nghiên cứu độc lập vừa thực hiện tại Hà Nội, vi phạm quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện vẫn rất phổ biến.
Cụ thể, qua khảo sát 814 phụ nữ, có đến 80% số phụ nữ cho biết họ vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con. Ngoài ra, khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm (chiếm 44,7%) có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý. Thậm chí, có gần 4% số phụ nữ mang thai hoặc sinh con cho biết họ được nhân viên y tế của các cơ sở y tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy, có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm thay thế sữa mẹ; nhân viên y tế ở 13 trong số 38 cơ sở y tế (chiếm 34,2%) được khảo sát nói rằng đại diện các công ty sữa đã đến cơ sở y tế tiếp thị, quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
ThS Đinh Thị Thu Thủy, Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ, tôi biết có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận. Ngay bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ này khác. “Nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy, cho thấy các hãng sữa bất chấp quy định pháp luật, vẫn tìm cách tiếp thị đến từng bà mẹ, tại các cơ sở y tế, thậm chí tại các cuộc hội thảo về dinh dưỡng…”, ThS Đinh Thị Thu Thuỷ nói.
Ông Roger Mathisen, Giám đốc Chương trình Alive & Thrive Đông Nam Á cho biết, pháp luật cần được thực thi hiệu quả mới có thể tác động được tới sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế cũng như giúp thực hiện quyền phụ nữ và trẻ em. Một nghiên cứu mới đây được các chuyên gia kinh tế quốc tế trong lĩnh vực y tế phối hợp với UNICEF và Alive & Thrive thực hiện đã cho thấy, cái giá phải trả khi không bảo vệ nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó, đối với Việt Nam, thiệt hại từ tổn thương trí tuệ do không được bú mẹ đầy đủ ước khoảng 70 triệu USD, còn tổn thất cho chi phí y tế rơi vào khoảng 23 triệu USD mỗi năm. Hơn nữa, lợi nhuận từ việc đầu tư vào các chương trình nuôi con bằng sữa mẹ là 139%... Do vậy, cần thúc đẩy việc tuân thủ Nghị định 100 bằng các chính sách, giải pháp cụ thể hơn. (* Hà Nội mới (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 4: “Nhiều vi phạm về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ”; Báo An ninh Thủ đô trang 6: “Ngang nhiên tiếp thị sữa trong bệnh viện”
Tự Ý dùng thuốc phá thai, một phụ nữ suýt tử vong
Cuối tuần qua, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận một thai phụ là chị Nguyễn Thị N. (33 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội), được Bệnh viện Chương Mỹ chuyển đến cấp cứu trong tình trạng rất nặng, mất máu nhiều, sốc mất máu. Trước đó, thai phụ này được người nhà đưa đến Bệnh viện Chương Mỹ trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, mạch nhanh nhỏ, gọi hỏi lơ mơ, âm đạo ra nhiều máu loãng lẫn máu cục, được bệnh viện chẩn đoán là băng huyết do phá thai bằng thuốc.
Bệnh nhân này đã 2 lần đẻ mổ, mới đây lại có thai ngoài ý muốn nhưng không đi khám mà tự ý lên mạng tìm hiểu rồi mua thuốc phá thai về uống. Thế nhưng, sau khi uống thuốc phá thai một thời gian ngắn, thai nhi được đẩy ra thì cũng là lúc âm đạo ra máu ồ ạt dẫn đến sốc mất máu. Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bệnh nhân lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu, cầm máu. Trong suốt thời gian cấp cứu và phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân đã được truyền đến 13 đơn vị hồng cầu, 10 đơn vị chế phẩm máu, tương đương 6 lít máu, nhờ đó đã qua cơn nguy kịch. (* An ninh Thủ đô, Hà Nội mới (trang 7))
“Giọt hồng đảo Ngọc” và hành trình Đỏ 2016
Tối 5/7/, tại thị trấn Dương Đông (Phú Quốc, Kiên Giang), Ban Tổ chức Hành trình Đỏ 2016 phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ xuất quân Hành trình Đỏ 2016 và ngày hội hiến máu với tên gọi “Giọt hồng đảo Ngọc”. Hàng trăm bạn trẻ từ các lực lượng vũ trang cùng các bạn đoàn viên thanh niên trên đảo cùng nhiều tầng lớp nhân dân đã tham gia sự kiện ý nghĩa này.
Ngày hội hiến máu “Giọt hồng đảo Ngọc” là một trong 27 ngày hội hiến máu lớn của chiến dịch Hành trình Đỏ 2016. Với thông điệp “Kết nối dòng máu Việt”, Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2016 hy vọng “Giọt hồng đảo Ngọc” sẽ thu được những thành công mới, khởi động cho chuỗi sự kiện hiến máu trên toàn quốc. Ngày hội “Giọt hồng Đảo Ngọc” dự kiến tiếp nhận được tối thiểu 500 đơn vị máu.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ cho biết: Hành trình Đỏ - hành trình vận động hiến máu xuyên Việt, hành trình kết nối yêu thương… đã tổ chức được 3 kỳ thành công đầy ấn tượng. Hôm nay đây, tại đảo Ngọc – Phú Quốc, một lần nữa ngọn lửa Hành trình Đỏ lại được thắp lên để rồi truyền qua suốt chiều dài đất nước, dừng lại ở 27 tỉnh thành, rồi hội tụ về Hà Nội - Thủ đô yêu dấu.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí: Trải qua 3 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về hiến máu tình nguyện, để mỗi người dân luôn có ý thức sẵn sàng hiến máu. Điều này đã giúp cho phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh mẽ, có nhiều gia đình không chỉ hiến máu mà còn tích cực vận động cộng đồng tham gia hiến máu, tiếp nhận hàng ngàn đơn vị máu phục vụ công tác điều trị và cấp cứu cho người bệnh trên cả nước. Hành trình Đỏ đã vượt qua ý nghĩa của hoạt động hiến máu nhân đạo, thực hiện sứ mệnh của một hành trình lịch sử kết nối tinh thần đoàn kết dân tộc bằng nghĩa cử cao đẹp – hiến máu cứu người”.
Ông Mai Văn Huỳnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Số đơn vị máu hằng năm của tỉnh lên tới 105.365 đơn vị. Nhiều gia đình, dòng họ cùng nhau hiến được hàng trăm đơn vị máu. Nhờ thế, hiến máu tình nguyện đã trở thành một nét đẹp văn hoá của người dân và cộng đồng. Ông Huỳnh cũng bày tỏ sự vinh dự khi tỉnh nhà được Ban tổ chức lựa chọn là điểm đầu tổ chức Hành trình Đỏ 2016 chặng phía Nam. (* Tiền phong (trang 2))
Sở Y tế “vào cuộc” sau cái chết của hai mẹ con
Ngày 5/7, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết đã yêu cầu lập hội đồng chuyên môn để xác định những sai sót chuyên môn (nếu có) khi sản phụ Phạm Thị Hồng (29 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng bé trai sơ sinh con chị tử vong tại bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.
Theo bác sĩ Bỉnh hiện Sở Y tế đang chờ kết quả giải phẫu tử thi từ Trung tâm Pháp y thành phố. “Sau khi xác định rõ các vấn đề có liên quan, nếu nguyên nhân tử vong của mẹ con sản phụ là do sự tắc trách hoặc sai sót chuyên môn từ phía bác sĩ, bệnh viện thì tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”- ông Bỉnh nói.
Trước đó, sáng 30/6, chị Hồng đến công ty làm việc bình thường. Khoảng 9h sáng, chị đau bụng chuyển dạ nên gia đình đưa chị vào bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, quận Thủ Đức, TPHCM.
Khoảng 14h chiều cùng ngày, chị Hồng được đưa vào phòng sinh nhưng một lúc sau, các bác sĩ thông báo với gia đình bé trai sơ sinh nặng khoảng 3,8kg con của chị Hồng vừa chào đời đã tử vong vì ngộp thở. Sau đó, chị Hồng được chuyển qua phòng hồi sức với sức khỏe yếu. 19h30 tối cùng ngày, chị Hồng tử vong.
Sáng 5/7, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòe, phó giám đốc Bệnh viện giao thông vận tải Vinh (Nghệ An) cho biết đã đình chỉ công tác một bác sỹ và nữ hộ sinh để điều tra việc một thai nhi tử vong tại bệnh viện này.
Ngày 4/7, sản phụ Nguyễn Thị Lê (SN 1983, trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An)nhập viện khi có dấu hiệu đau bụng, chuyển dạ.Tình trạng lúc nhập viện của sản phụ Lê và thai nhi theo chẩn đoán hoàn toàn bình thường. Thai nhi nặng khoảng 3,5kg. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, sản phụ Lê vỡ ối.
Gia đình yêu cầu bệnh viện cho mổ đẻ chứ không sinh bình thường nhưng không được đáp ứng mà được nói phải chờ theo dõi thêm.Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hòe cho biết: Lúc 13h50 sản phụ được đưa lên nhà mổ do sản phụ không sinh thường được, 30 phút sau khi mổ ra thì thai nhi bị ngạt, sau đó không qua khỏi”.
Bệnh viện đã đình chỉ bác sĩ Nguyễn Thị Hà (SN 1987, công tác tại khoa Sản bệnh viện), đồng thời báo cáo sự việc lên Sở Y tế Nghệ An thành lập hội đồng chuyên môn làm rõ nguyên nhân tử vong của cháu bé,xác định trách nhiệm của kíp trực. (* Tiền phong (trang 2))
500 cán bộ chiến sĩ Tổng cục An ninh hiến máu tình nguyện
Có gần 500 đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ của Tổng cục An ninh (Bộ Công an) tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện mang tên “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” do BCH Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ Tổng cục An ninh và Bệnh viện Việt Đức phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 4-6.
Tại buổi lễ phát động hiến máu tình nguyện hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh Nhân dân (12-7-1946 – 12-7-2016), Trung tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh nhấn mạnh: Những năm gần đây, phong trào hiến máu của Tổng cục An ninh ngày càng thu hút đông đảo CBCS, nhất là CBCS trẻ tham gia.
BCĐ hiến máu nhân đạo của Bộ Công an đã khen thưởng nhiều đồng chí: đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Phó trưởng phòng 3 Cục A72 với 21 lần hiến máu, Trung úy Nguyễn Quốc Huy, cán bộ phòng 3 Cục A73 có 18 lần hiến máu, Trung úy Lê Thành Trung, cán bộ phòng 6 Cục A69 với 15 lần hiến máu, Trung úy Trương Tuấn Nam, cán bộ phòng 7 A 88 và Trung úy Trần Nhật Phong, cán bộ phòng 11 A69 đều có 9 lần hiến máu và cùng ở nhóm máu hiếm ORh+ …
Đây là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái, bao dung, đồng thời là trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là để cứu chữa đồng đội của chúng ta không may bị thương trong khi thi hành công vụ, tán công tội phạm nguy hiểm, hoặc bị tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo…
Ngày hội hiến máu hôm nay của Tổng cục An ninh nhằm chung sức vì cộng đồng và góp phần giải quyết nhu cầu về máu trong các bệnh viện.
GS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đánh giá cao nghĩa cử nhân văn của CBCS Tổng cục An ninh trong việc góp phần giải quyết nhu cầu về máu đang thiếu trầm trọng tại Bệnh viện Việt Đức.
Bởi, là Bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, nên hầu hết bệnh nhân vào Bệnh viện Việt Đức đều cần mổ xẻ, truyền máu, thậm chí cần truyền máu ồ ạt. Do đó, có máu để truyền là đòi hỏi cấp thiết để tránh cho bệnh nhân tử vong.
Đây là lần đầu tiên hoạt động hiến máu tình nguyện do Tổng cục An ninh và Bệnh viện Việt Đức phối hợp tổ chức được làm qui mô, bài bản. Lãnh đạo Tổng cục An ninh và Bệnh viện Việt Đức đã thăm hỏi, tặng quà các CBCS hiến máu tình nguyện.
Chỉ trong ngày 4-7, các đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ Tổng cục An ninh đã hiến máu tình nguyện được hơn 400 đơn vị máu cho Bệnh viện Việt Đức. (* Công an Nhân dân (trang 2))
Báo chí gây mất cân bằng giới tính?
Đăng và phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn là hành vi bị nghiêm cấm.
“Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM vừa có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Nội dung đề nghị sở này rà soát, chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị báo chí trên địa bàn TP không đăng tải những nội dung liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh để tránh xảy ra thực trạng mất cân bằng giới tính” - bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, cho biết.
Lựa chọn giới tính trên báo mạng
Mới đây, trên trang mạng của một tờ báo ở TP.HCM đăng tải bài “Bảy dấu hiệu nhận biết mang thai bé trai hay bé gái”. Nội dung hướng dẫn cách biết trai hay gái khi còn trong bụng mẹ bằng cách đo nhịp đập tim, thèm độ ngọt, nhìn làn da tay, cách ăn tỏi, tư thế nằm ngủ, làn da người mẹ, trọng lượng cơ thể.
Tương tự, trên trang mạng của một tờ báo trung ương có trụ sở tại TP.HCM cũng đăng bài viết “Chế độ ăn có thể quyết định giới tính thai nhi”. Nội dung như sau: “Theo các nhà khoa học, ăn dưa chua trước khi có thai có thể làm tăng tỉ lệ mang thai bé trai. Các loại ngũ cốc nguyên hạt có chứa kali, loại khoáng chất có thể làm tăng tỉ lệ thụ thai bé trai. Trái cây vốn chứa nhiều kali, có tác dụng tương tự như ngũ cốc. Tăng mức tiêu thụ các loại trái cây như dưa đỏ và quả mơ có thể giúp bạn có khả năng thụ thai bé trai”.
Phạt 18 triệu đồng vì đăng thông tin cấm
Trên trang mạng của một số công ty kinh doanh cũng đăng tải nhiều thông tin liên quan lựa chọn giới tính khi sinh. Chẳng hạn một công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã đăng tải bài viết “Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm lựa chọn giới tính tại BV quốc tế của Thái Lan”. Nội dung như sau: “Sau năm ngày nuôi cấy túi phôi, bệnh nhân sẽ được thông báo về kết quả phôi (giới tính và phôi bất thường). Sau khi kiểm tra niêm mạc đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ chuyển phôi mang giới tính bệnh nhân mong muốn vào tử cung người mẹ”.
Theo Điều 81 Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi đăng, phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; hành vi xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng…
Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, nội dung các bài viết đăng tải nói trên vừa vi phạm chính sách về dân số, vừa không có tính xác thực và phản khoa học. “Đối với bài viết đăng tải trên website của công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn quận Phú Nhuận, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đề nghị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xem xét và xử lý theo quy định pháp luật” - bà Lệ nói.
Chiều 29-6, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết định phạt Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Thái Việt (Công ty Thái Việt, 43D/19 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM) 18 triệu đồng. Lý do đã đăng và phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
Riêng tờ báo đăng bài viết “Bảy dấu hiệu nhận biết mang thai bé trai hay bé gái”, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đã gửi công văn đến ban biên tập và cơ quan chủ quản yêu cầu gỡ bỏ và không tuyên truyền lựa chọn giới tính khi sinh. “Đối với tờ báo trung ương đăng bài viết “Chế độ ăn có thể quyết định giới tính thai nhi”, Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM đã làm việc với ban biên tập và bài báo đã được gỡ bỏ. Tuy nhiên, nội dung bài viết đã được liên kết qua nhiều trang báo khác nên chi cục đề nghị Hội Nhà báo TP.HCM rà soát và chấn chỉnh” - bà Lệ cho biết thêm. (* Pháp luật TP.HCM (trang 1))
Đầu tư y tế cơ sở để giảm tải bệnh viện tuyến trên
“TP.HCM sẽ đầu tư nhân lực và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở (BV quận/huyện và trạm y tế phường/xã/thị trấn) để đến năm 2018 sẽ giảm tải các BV tuyến trên”.
Chiều 4-7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã đưa ra thông tin trên tại buổi họp báo về công tác xây dựng cơ bản và nâng cao năng lực y tế cơ sở của ngành y tế TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở đã xin ý kiến của UBND TP về định hướng phát triển cho các bệnh viện (BV) quận/huyện theo ba nhóm.
"Nhóm 1: Phát triển các BV nội thành (1, 3, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận) thành BV đa khoa với thế mạnh là khám (50-100 phòng khám) và điều trị ngoại trú. Nhóm 2: Phát triển các BV huyện ngoại thành và BV quận ven nội thành (Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Tân Phú, 4, 7, .8, 9, 12, Gò Vấp) thành BV đa khoa, đồng đều cả ngoại trú và nội trú với qui mô 300-500 giường. Nhóm 3: Phát triển các BV quận 2, Thủ Đức, Bình Thạnh thành BV đa khoa hoàn chỉnh, là cơ sở thực hành của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch” - ông Duy cho biết.
Theo ông Duy, tùy theo đặc điểm của từng địa phương, các quận/huyện sẽ lựa chọn và đề xuất mô hình phát triển của BV. Sở Y tế TP.HCM sẽ hỗ trợ các BV quận/huyện để có thể phát triển ngày càng tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
“Riêng đối với các trạm y tế phường/xã/thị trấn, TP.HCM cũng sẽ triển khai mô hình phòng khám vệ tinh của BV quận/huyện tại trạm y tế. Mục đích là giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của BV tuyến quận/huyện ngay tại trạm y tế. Một số quận đã triển khai mô hình này như BV quận Thủ Đức, BV quận 2 và tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới” - ông Duy nói. (* Pháp luật TP.HCM (trang 2))
Viêm não Nhật Bản vào đỉnh dịch, nguy cơ lây lan mạnh
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết viêm não do vi rút (trong đó có các ca viêm não Nhật Bản) có xu hướng tăng trong các tuần gần đây.
Trong đó, viêm não Nhật Bản đang là thời kỳ đỉnh dịch, nguy cơ lây lan mạnh nếu không được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh tập trung nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc, thường xuất hiện từ tháng 4 - 10.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, các ca viêm não Nhật Bản đã ghi nhận tại các tỉnh thành: Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai...
Hằng năm, cả nước ghi nhận khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não vi rút và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản. Viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 10 - 20%), ngoài ra có thể gây các di chứng lâu dài ảnh hưởng phát triển thể chất và trí não.
Dấu hiệu bệnh thường gặp: sốt cao đột ngột (39 - 400C) kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần (vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê). (* Thanh niên (trang 2))
Siết chặt kinh doanh thuốc lá điện tử
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sắp tới, việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử sẽ được siết chặt hơn nữa. Gần đây, thuốc lá điện tử hay còn gọi xuất hiện nhiều trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhưng mặt hàng này chủ yếu vào Việt Nam qua đường xách tay, chưa được kiểm định về chất lượng, mức độ an toàn. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Công Thương, việc nhập khẩu mặt hàng thuốc lá điện tử được quản lý như đối với mặt hàng thuốc lá nhập khẩu.
Thuốc lá điện tử chỉ được phép nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Ngoài ra, thuốc lá điện tử trước khi nhập khẩu phải được thẩm định qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; đăng ký bảo hộ quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam; được dán tem thuốc lá nhập khẩu theo quy định; tuân thủ các quy định hiện hành về công bố hợp chuẩn, hợp quy…
Bộ Công Thương cho biết, thuốc lá điện tử chỉ được phép nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sắp tới, việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử sẽ được siết chặt hơn nữa. (* Sức khỏe & Đời sồng (trang 2))
Trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao sẽ phải thử nghiệm lâm sàng
Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết,, trong quá trình lưu hành, trang thiết bị vi phạm các quy định về chất lượng, gây sự cố với sức khỏe con người sẽ bị rút số đăng ký lưu hành.
Lần đầu tiên sẽ thực hiện cấp số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế có hiệu lực trong 5 năm. Quy định này được thể hiên tại Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, với quy định này, trong quá trình lưu hành, trang thiết bị y tế nào vi phạm các quy định về chất lượng, gây sự cố với sức khỏe con người sẽ bị rút số đăng ký lưu hành. Cũng theo Nghị định này, trang thiết bị y tế sẽ được phân loại quản lý theo mức độ rủi ro thay vì phân loại theo nhóm kỹ thuật như trước đây với 4 mức A, B, C và D.
Cụ thể, nhóm 1 gồm trang thiết bị y tế thuộc loại A là những thiết bị có mức độ gây rủi ro thấp nhất, đơn vị sở hữu sẽ công bố chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm (như: Bông, băng, giường điều trị thông thường…).
Nhóm 2 (gồm trang thiết bị y tế thuộc loại B, C và D), trong đó loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp; trang thiết bị y tế thuộc loại C có mức độ rủi ro trung bình cao và loại D có mức độ rủi ro cao (như: Trang thiết bị cấy ghép vào cơ thể người). Với các trang thiết bị loại C và D sẽ phải qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (trên người) về tính an toàn trước khi được đưa vào sử dụng chính thức.
Theo Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, các quy định trên nhằm bảo đảm việc chịu trách nhiệm về chất lượng trang thiết bị y tế lưu hành, ngăn chặn thiết bị nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho người bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế, các tỉnh, thành sẽ phải công bố công khai trên website về giá trúng thầu các trang thiết bị y tế để các đơn vị tham khảo khi xây dựng kế hoạch, phê duyệt giá thầu, trúng thầu, nhằm giảm bớt tình trạng mua bán lòng vòng qua nhiều khâu khiến giá thiết bị tăng cao bất hợp lý.
Nghị định này cũng nêu rõ tổ chức, cá nhân thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng của trang thiết bị y tế mà mình xuất khẩu, nhập khẩu.
Trang thiết bị y tế đã có số lưu hành tại Việt Nam được xuất khẩu, nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng và không phải qua Bộ Y tế phê duyệt.
Việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hoặc chuyển khẩu, quá cảnh trang thiết bị y tế thực hiện theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định rõ các trường hợp trang thiết bị y tế phải có giấy phép nhập khẩu, đó là chưa có số lưu hành nhập khẩu để nghiên cứu khoa học hoặc kiểm nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế; chưa có số lưu hành nhập khẩu để phục vụ mục đích viện trợ hoặc sử dụng cho mục đích chữa bệnh cá nhân.
Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm cấp mới, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với trang thiết bị y tế. Thủ tục cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do./
Việc cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do chỉ áp dụng đối với trang thiết bị y tế xuất khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. (* Sức khỏe & Đời sồng (trang 3))