Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/7/2017

  • |
T5g.org.vn - Bác sỹ Hoàng Công Lương được tại ngoại; Điều trị miễn phí cho 36 người bị nghi phơi nhiễm HIV; Nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ; Bác sĩ thông báo sinh con trai, lúc nhận là con gái; Hà Nội sẽ xử phạt các gia đình, đơn vị không hợp tác phòng sốt xuất huyết; ...

 

Bác sỹ Hoàng Công Lương được tại ngoại

Trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình Trần Nguyên Khánh cho biết, chiều 5/7 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định cho bác sỹ Hoàng Công Lương - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được tại ngoại và có thông báo tới ban lãnh đạo Sở. 

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cũng thông tin, bác sỹ Hoàng Công Lương được cơ quan điều tra quyết định cho tại ngoại sau khi Hội Hồi sức cấp cứu, chống độc Việt Nam có đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra, cho rằng bác sĩ Lương chỉ có thiếu sót về thủ tục hành chính. Việc coi bác sĩ là tội phạm chưa thỏa đáng và gây hoang mang cho cán bộ, nhân viên y tế.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết ông cũng mới nhận được thông tin trên nhưng Bộ chưa nhận được văn bản chính thức từ cơ quan điều tra. Ông Quang tỏ ra vui mừng khi bác sỹ Hoàng Công Lương được tại ngoại. Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng, việc này giúp các cán bộ nhân viên ngành y tế cảm thấy yên tâm hơn.

Sau kiến nghị của Hội Hồi sức cấp cứu, chống độc Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét yếu tố nhân thân của bác sĩ Hoàng Công Lượng, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho bác sĩ này tại ngoại hầu tra (Tiền phong, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 4; Thanh niên, trang 4).

 

Điều trị miễn phí cho 36 người bị nghi phơi nhiễm HIV

Ngày 5/7/2017, báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết: tính đến thời điểm hiện tại, có 36 trường hợp bị nghi phơi nhiễm HIV trong vụ TNGT xảy ra trưa ngày 30/6 tại xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, Kon Tum. Trong đó có 24 nhân viên của Trung tâm Y tế huyện, 1 chiến sĩ công an, 10 người dân địa phương và 1 nạn nhân đi cùng chuyến xe với người có HIV/AIDS đã tử nạn.

Hiện, tất cả những người này đều đã được lập biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp, được tư vấn, xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh, đều cho kết quả âm tính với HIV, được điều trị dự phòng nghi phơi nhiễm với HIV bằng ARV với 3 loại thuốc trước 72 giờ sau thời điểm vụ tai nạn xảy ra và thời gian điều trị là 28 ngày.

Đồng thời, các mẫu máu của những người này cũng đang được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xác định lại tình trạng nhiễm HIV bằng phương pháp ELISA. Toàn bộ chi phí cho các việc này đều được trích từ ngân sách nhà nước.

Trước đó, lúc 12h47 ngày 30/6/2017, tại thôn 11, xã Đắk Hring xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe khách 16 chỗ, khiến 4 người chết và 12 người bị thương. Hiện vẫn còn 5 nạn nhân đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, 7 nạn nhân khác đã xuất viện (Tiền phong, trang 2).

 

Bác sĩ thông báo sinh con trai, lúc nhận là con gái

Ngày 5-7, liên quan tới việc nhầm giới tính trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Bộ Y tế đã yêu cầu khẩn trương làm rõ vụ việc và báo cáo Bộ Y tế trước 10-7. Cùng với đó Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện triển khai và phối hợp với các đơn vị liên quan của sở y tế tổ chức chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn có cung cấp dịch vụ đỡ đẻ nghiêm túc thực hiện can thiệp “Chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ” và “Chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai” theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo phản ánh, ngày 22-6, sản phụ N.T.Y.V. (26 tuổi, ở huyện An Dương, TP Hải Phòng) nhập viện tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Sau khi mổ đẻ xong, các bác sĩ thông báo với gia đình là sản phụ V. sinh cháu trai, nặng 3,2kg. Do cháu bé bị suy hô hấp, các bác sĩ đã chuyển gấp cháu bé lên Khoa Sơ sinh, đưa vào lồng ấp, tập trung hồi sức. Sau hơn 1 ngày, đến khi sức khỏe cháu bé ổn định, các bác sĩ đã chuyển cháu ra khỏi lồng ấp đưa về với mẹ. Tuy nhiên, lúc nhận con, gia đình sản phụ V. bàng hoàng khi phát hiện cháu bé là con gái. Cho rằng có sự nhầm lẫn nên gia đình sản phụ V. đã lên Ban Giám đốc bệnh viện yêu cầu làm rõ. 

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban Giám đốc bệnh viện đã tổ chức họp gấp kíp mổ, kiểm tra lại quy trình. Qua rà soát thấy mã vòng tay của cháu bé và sản phụ V. đều mang số 418, hoàn toàn trùng khớp với nhau. Tuy nhiên về mặt thủ tục giấy tờ, bệnh viện phát hiện sai sót do nữ hộ sinh ghi sai giới tính vào hồ sơ bệnh án. Kết quả phân tích ADN do Công ty CP Dịch vụ Phân tích Di truyền thực cũng đưa ra kết luận là chị V. và cháu bé có quan hệ huyết thống mẹ và con (Sài Gòn giải phóng, trang 11; Thanh niên, trang 4; Công an Nhân dân, trang 2).

 

Nhiều sai phạm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ

Ngày 5-7, tại TPHCM, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố kết luận thanh tra của 13 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ tại TPHCM. Theo kết luận thanh tra, phần lớn các đơn vị đều có những sai phạm lớn nhỏ khác nhau, nhẹ nhất là nhắc nhở khắc phục, nặng là xử phạt hành chính. Điển hình là Doanh nghiệp (DN) Nutifood (Bình Dương) còn một vài tồn tại như: Phòng lưu mẫu chưa đủ giá kệ, mẫu lưu (thức ăn công nhân) ghi chép giờ lưu chưa đầy đủ; DN Tân Úc Việt không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ đầy đủ theo quy định; DN Đại Nam vừa bảo quản nguyên liệu tồn chưa đúng quy định, vừa không kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm đầy đủ theo quy định, tự niêm phong và tự hủy nguyên liệu tồn; DN Châu Đại Dương và Nhựa Cầu Vòng cũng vi phạm không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định… Mỗi DN đều bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 25 triệu đồng.

Riêng các DN Abbott Nutrition VN, Humana VN, Nam Dương lại “có vấn đề” với thiết kế quảng cáo và nhãn dán sản phẩm. Cụ thể, DN Abbott Nutrition VN có hai nhãn sản phẩm chứa hình ảnh bình bú của trẻ nhỏ và nội dung hướng dẫn sử dụng bình bú có thể gây hiểu lầm với người tiêu dùng là “khuyến khích cho trẻ nhỏ bú bình”; DN Nam Dương, tại thời điểm thanh tra phát hiện nhãn sản phẩm sử dụng một số ngôn ngữ không đúng quy định.

Hiện cả hai DN này đang tiến hành khắc phục theo hướng dẫn của đoàn thanh tra. Riêng doanh nghiệp Humana VN vi phạm về quảng cáo đối với hai sản phẩm dành cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi và 6-12 tháng tuổi. Những hình ảnh sử dụng thuộc diện cấm quảng cáo. Vì vậy, DN này bị xử phạt 25 triệu đồng và buộc thay đổi nội dung quảng cáo.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh thanh tra Bộ Y tế, trưởng đoàn thanh tra, phần lớn các đơn vị vi phạm chủ yếu là không lưu mẫu thức ăn; không kiểm định sản phẩm định kỳ hoặc kiểm định không đầy đủ; bảo quản nguyên liệu tồn chưa đúng quy định; ghi nhãn mác trên các sản phẩm dinh dưỡng gây hiểu nhầm… “Mặc dù, những vi phạm này chưa ảnh hưởng đến chất lượng của dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ song những điều mà các đơn vị chưa tuân thủ có thể dẫn đến ảnh hưởng chất lượng như không kiểm tra định kỳ một cách nghiêm túc theo quy định”- Ông Nhiên chia sẻ.

Cùng ngày, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố quyết định thanh tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại TPHCM và Hà Nội. Theo đó, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh tra bắt đầu từ ngày 10 đến 14-7 tại TPHCM và tháng 8-2017 tại Hà Nội. Nội dung thanh tra nhằm đảm bảo việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm. Thời hạn thanh ra là 45 ngày kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Sau 1 tuần Nghị định 54 có hiệu lực: Giá thuốc vẫn loạn, bệnh nhân vẫn bị “móc túi”!

Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.7. Cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Tuy nhiên, trên thị trường giá thuốc vẫn mỗi nơi một giá, lợi nhuận giá bán lẻ cao hơn theo quy định…

Thích giá nào cho giá đó

Nghị định 54/2017/NĐ-CP vừa mới ban hành đã có một số quy định khá sát sao để hạn chế hiện tượng thả nổi giá thuốc trên thị trường thời gian qua. Để hạn chế việc “kê khai” tùy ý, muốn kê sao thì kê, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét mức độ hợp lý của giá thuốc được kê khai, và có văn bản thông báo cho cơ sở kinh doanh dược kiến nghị xem xét lại mức giá của mặt hàng thuốc do cơ sở đã kê khai. Bên cạnh đó, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tây cũng chịu trách nhiệm niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở kinh doanh.

Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1.7, lợi nhuận bán lẻ không quá 2-15%. Giá thuốc bán lẻ phải bán theo tại các cơ sở khám-chữa bệnh cũng tính theo cách tính cụ thể. Tuy nhiên, dù đã gần 1 tuần sau khi Nghị định 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực giá thuốc trên thị trường vẫn loạn, thậm chí nhiều thuốc tính cao hơn giá quy định. Và thực tế, giá thuốc dù cao thế nào, người bệnh vẫn răm rắp mua theo.

Tại cửa hàng thuốc tư nhân Thu Hương (khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội), thuốc Fugacar 500mg có giá bán lẻ 16.000 đồng/viên. Cũng loại thuốc này tại nhà thuốc T.Tr (đường Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình) có giá 18.000 đồng/viên. Trong khi đó, kê khai giá thuốc nhập khẩu tại Cục Quản lý dược ngày 30.6 thuốc này có giá 13.700 đồng/viên.

Một loại thuốc khác là Strepsils giá bán lẻ 2.300 đồng/viên, trong khi giá kê khai là 1.044 đồng/viên. Thuốc Augmentin 500mg có giá bán lẻ 15.334 đồng/gói trong khi giá kê khai là 9.627 đồng/gói… Hay thuốc Efferalgan tại nhà thuốc Thu Hương bán lẻ 3.500 đồng/viên, giá nhập 2.500 đồng/viên, giá kê khai bán buôn tại Cục Quản lý dược là 1.871 đồng/viên.

Tại một nhà thuốc khác trên đường Nguyễn Văn Lượng (P16, Gò Vấp), giá thuốc Efferalgan (hoạt chất paracetamol 500mg) bán với giá 3.000 đồng/viên, chênh lệch 1.100 đồng/viên so với giá của Bộ Y tế (giá 1.871 đồng/viên). Thuốc trị bao tử Losec Mups (chứa hoạt chất omeprazole 20mg) có giá bán lẻ là 30.000 đồng/vỉ. Trong khi đó giá của Bộ Y tế là 24.318 đồng/vỉ.

Chỉ riêng với loại thuốc Dexamethasone, khảo sát 4 quầy thuốc trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, mỗi nơi một giá khác nhau. Quầy bán giá thấp nhất là 2.000 đồng/ống. Còn mức giá trung bình là 5.000 đồng/ống, cao gấp 2,5 lần.

Đặc biệt, quầy thuốc số 193 Giải Phóng, mức giá cho mỗi ống thuốc này lên tới 15.000 đồng/ống, cao gấp đến 7,5 lần so với cửa hàng rẻ nhất. Trong khi đó, giá bán buôn chưa đến 1.000 đồng/ống. Người bán khẳng định thuốc giá cao hơn do thuốc nhập ngoại, trong khi thuốc này được sản xuất tại Vĩnh Phúc. Giá mỗi một ống thuốc từ nhà thuốc này khi đến tay người bệnh đã cao gấp hơn 15 lần so với mức giá của nhà sản xuất phân phối cho các nhà thuốc hiện nay.

Việc các cửa hàng thuốc tây bán lẻ với giá khá chênh lệch cũng không khiến người mua phản ứng. Họ cho rằng sự chênh lệch đó không đáng nói và không cần thiết phải cân nhắc. Chị Kim Thảo (ở phường 17, quận Gò Vấp) cho rằng: “Thực sự là tôi không biết giá thuốc như thế nào thì hợp lý, cũng chẳng có cách nào để so sánh. Nhưng nếu biết, tôi cũng không mặc cả, bởi chẳng mấy khi bệnh để đi mua thuốc như thế này”.

Kìm cương bằng cách nào?

Theo phân tích của một chuyên gia dược, đơn cử thuốc Efferalgan nếu giá nhập là 2.500 đồng/viên, giá bán lẻ chỉ được bán 2.750 đồng/viên vì cộng thặng số bán tăng 10%. Hay thuốc Fugacar 500mg giá nhập bằng hoặc thấp hơn 13.700 đồng/viên, thì giá bán lẻ chỉ được bán 14.659 đồng.

Quy định về việc bắt buộc niêm yết giá tại cửa hàng đã có từ lâu. Tuy nhiên, trước đây, quy định này chỉ dừng ở mức bắt buộc bán đúng giá được niêm yết. Như vậy, quy định này vô tác dụng, khi các cơ sở bán thuốc tây tha hồ niêm yết tùy ý và bán theo giá niêm yết này, dù có “chặt chém” ra sao cũng không sợ bị phạm luật, vì đã bán đúng với giá được chính mình niêm yết.

Để nghị định thực sự đạt hiệu quả cao nhất, bên cạnh sự giám sát sát sao của cơ quan chức năng, người dân cần tỉnh táo, không những có trách nhiệm với sức khỏe của mình mà còn phải có trách nhiệm với đồng tiền. Sự tham gia của người dân trong công tác giám sát các hoạt động kinh doanh thuốc thành phẩm không những tránh hành vi “móc túi” người bệnh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của bệnh nhân mà còn giúp nghị định mới được thi hành triệt để.

Trao đổi với Báo Lao Động, một cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội cho biết, về nguyên tắc các DN nhập khẩu thuốc có thể chọn bất cứ Chi cục Hải quan nào để làm thủ tục thông quan. Liên quan tới giá thuốc, vị cán bộ này nói, giá khai báo hải quan của các DN nhập khẩu thuốc tương ứng với giá trong hoá đơn và hợp đồng nhập khẩu đồng thời tuân thủ theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cơ quan hải quan sẽ chỉ kiểm tra khi có dấu hiệu nghi vấn về nguồn gốc cũng như giá.

Về phía Bộ Y tế, đại diện Cục Quản lý dược cho biết, giá thuốc đã được quản lý theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược đã được Chính phủ ban hành. Cục Quản lý dược đã tiến hành tập huấn cho các địa phương Nghị định 54. Nghị định đã nêu rõ, cơ quan quản lý nhà nước về giá thuốc, người có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, kiểm soát về giá thuốc nếu phát hiện cơ sở kinh doanh thuốc vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc thì xử lý, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp không thực hiện kê khai, kê khai lại; kê khai không đầy đủ giá thuốc theo quy định; Bán thuốc cao hơn giá đã kê khai hoặc kê khai lại đang có hiệu lực (Lao đông, trang 1).

 

Hà Nội sẽ xử phạt các gia đình, đơn vị không hợp tác phòng sốt xuất huyết

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh, thành phố sẽ cương quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh SXH.  Sáng ngày 5-7, UBND quận Hoàng Mai đã phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH)” năm 2017. 3 tháng gần đây, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn quận diễn biến phức tạp, số người mắc tăng tại tất cả 14/14 phường. Tính đến ngày 1-7, Hoàng Mai đã ghi nhận 650 ca bệnh SXH, 31 ổ dịch đang hoạt động. Đây cũng là một trong những quận có số mắc, số ổ dịch SXH cao nhất tại Hà Nội hiện nay.

Chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, bọ gậy phòng chống dịch bệnh SXH” được quận Hoàng Mai phát động với mục đích: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh; cố gắng tăng tỷ lệ các hộ gia đình tự giác, tích cực hợp tác với cán bộ y tế trong việc xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi; giảm nhanh tỷ lệ người mắc SXH tại cộng đồng…

Phát biểu tại lễ phát động, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, những năm gần đây Hoàng Mai luôn được coi là một trong những quận, huyện trọng điểm về dịch bệnh SXH của thành phố. Do vậy, quận cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên xung kích phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

Trong đó, cần tập trung vào các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phấn đấu 100% gia đình được xử lý vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; cương quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường; tiếp tục tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH để người dân tích cực, chủ động tham gia.

Sau lễ phát động, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo quận Hoàng Mai đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh SXH tại phường Tân Mai. Đoàn cũng vào kiểm tra trực tiếp tại một số hộ gia đình, một số công trình nhà dân đang xây dựng có bể nước ngầm là nơi muỗi truyền bệnh SXH cư ngụ.

Hiện tại, dịch SXH đang có xu hướng gia tăng trên cả nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, đến cuối tháng 6-2017, cả nước ghi nhận 42.009 trường hợp mắc, 13 trường hợp tử vong do SXH. Tại Hà Nội, đến ngày 3-7, đã ghi nhận 3.395 trường hợp mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 trường hợp tử vong. Số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2016 và tập trung nhiều tại các quận nội thành (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Tập trung nâng cao chất lượng giống nòi

Hôm nay (6-7), Sở Y tế Hà Nội tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7. Với chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh” được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) lựa chọn, cùng với cả nước, thành phố Hà Nội tập trung vào những hoạt động thiết thực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi.

Đối mặt với nhiều thách thức 

Đánh giá kết quả công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của Thủ đô thời gian qua, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thành phố luôn quan tâm và coi trọng công tác nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã kiên trì chỉ đạo công tác dân số, đầu tư cho mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số. Nếu như năm 2012, số sinh con thứ ba trở lên tăng cao (gần 12.000 trẻ), thì đến năm 2013-2014 đã giảm xuống còn hơn 9.000 trẻ và 6 tháng đầu năm 2017 là hơn 3.500 trẻ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai tăng từ 74,5% (năm 2011), lên 76% trong 6 tháng đầu năm 2017.

Cùng với đó, chất lượng dân số từng bước được nâng cao. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số được triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã đã mang lại kết quả rõ rệt. Năm 2012, tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 40,36%, đến năm 2014 tăng lên 67%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh năm 2012 là 20,21%, đến năm 2014 là 47,6%. 

Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã thực hiện sàng lọc trước sinh đạt 73,2% và sàng lọc sơ sinh cho hơn 77% số trẻ sinh ra. Nhiều trường hợp phát hiện thiếu men G6PD (trẻ không đủ men này các tế bào hồng cầu khó hoạt động bình thường), suy giáp trạng bẩm sinh đã được điều trị kịp thời. Đặc biệt, hiếm có địa phương nào như Hà Nội, khi tất cả quận, huyện, thị xã đều được triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chống béo phì ở trẻ em; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Hàng chục nghìn người được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù vậy, công tác dân số của Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Tính đến hết tháng 6-2017, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Hà Nội vẫn ở mức cao: 114 trẻ trai/100 trẻ gái, trong khi bình quân cả nước là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái. Thậm chí, một số huyện ngoại thành có tỷ lệ giới tính khi sinh đạt ngưỡng báo động: Ứng Hòa 132,6 trẻ trai/100 trẻ gái; Mê Linh 127/100; Ba Vì 123,6/100; Sóc Sơn 123,5/100; Sơn Tây 123,2/100; Mỹ Đức 121,9/100. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trên thực tế, thanh niên và vị thành niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thử thách liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Thế nhưng, do thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân dẫn đến tình trạng vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS…

Đưa chính sách dân số đến gần với người dân 

Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã xác định rõ những bước đi trong năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020. Công tác truyền thông sẽ là “cầu nối” để những chính sách, mục tiêu mà ngành đặt ra đến được với người dân một cách thiết thực và hiệu quả. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao hiệu quả quản lý dân số sẽ tiếp tục là những mục tiêu chủ yếu trong thời gian tới. “Các loại hình đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề sẽ là những biện pháp được “ưu ái” nhất vì “dễ đi vào lòng người””- ông Tạ Quang Huy chia sẻ.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, chiến dịch dân số cần thay đổi các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đối với những địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên thấp, cần tăng cường các chiến dịch nâng cao chất lượng dân số. Đối với những địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên cao, cần lồng ghép kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình vào các buổi tuyên truyền để bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu. Cùng với đó, bảo vệ quyền của thanh niên, vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp nền giáo dục có chất lượng, kỹ năng sống, tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện là hết sức cần thiết cho sự phát triển của gia đình, cộng đồng (Hà Nội mới, trang 6).

 

Làm sạch môi trường, đẩy lùi dịch bệnh

Những ngày qua, số ca mắc mới sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng, dù chính quyền các địa phương đã vào cuộc, ngành Y tế triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là người dân chưa tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.

Nguồn gây bệnh trong phế thải

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, gần đây, trung bình mỗi tuần trên địa bàn toàn thành phố ghi nhận 500-600 trường hợp mắc mới sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có gần 3.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2016). PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Chỉ có hai biện pháp phòng bệnh là diệt muỗi trưởng thành và diệt bọ gậy. Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy, nhiều người chưa có ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. 

Theo điều tra, nhà ông Nguyễn Đình Nhâm (ở ngõ 5, đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) có tới 14 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có cả sinh viên thuê trọ. Những bệnh nhân này đã được điều trị khỏi. Cán bộ y tế đã nhiều lần đến nhà ông Nhâm phun hóa chất, khoanh vùng ổ dịch, đồng thời tuyên truyền về cách phòng dịch bệnh đến từng người. Thế nhưng, quay lại nhà ông Nhâm không lâu sau đó, đoàn cán bộ của Sở Y tế Hà Nội lại phát hiện nguồn gây bệnh là các ổ bọ gậy trong số lốp xe đạp, xe máy và xe ô tô mà gia đình ông mua về, xếp trên mái nhà để ngăn gió bão.

Gia đình anh Nguyễn Tiến Bính (ở 194 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chuyên mua bán phụ tùng ô tô cũ. Trong khu nhà có hơn 1.800 chiếc lốp ô tô các loại, phần lớn được để ngoài trời. Mưa xuống, nước đọng trong lốp xe, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng. Sở Y tế Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều ổ bọ gậy tại đây… 

ThS Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, quận đã tổ chức nhiều đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết. Qua kiểm tra tại hơn 39.000 hộ gia đình, cán bộ y tế phát hiện 1.949 dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Các dụng cụ này đã được lật úp, thả cá, thả hóa chất để diệt bọ gậy, hạn chế sự sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. “Người dân có kiến thức về bệnh, biết cách phòng bệnh nhưng chưa thường xuyên dành thời gian cho công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy ngay tại gia đình”, ThS Đỗ Thị Thu Hà nói.

Cần thay đổi hành vi 

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sống xung quanh chúng ta và thường đẻ trứng ở những chỗ nước trong. Ổ bọ gậy tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên sân thượng, lan can... Vào mùa hè, các ổ bọ gậy thường tập trung ở các khay nước thải điều hòa, dụng cụ chứa nước thải tủ lạnh; trong bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, xô, chậu, máng nước cho gia súc, gia cầm, bể cây cảnh, đồ phế thải, mảnh chum vỡ, lốp xe... Trên các nhà cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.  Theo Sở Y tế, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có gì thay đổi so với những năm trước đây. Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, tránh để muỗi đốt. Việc diệt bọ gậy nên được thực hiện mỗi tuần nhằm bảo đảm loại trừ điều kiện sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết - yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng, chống loại dịch bệnh này. Ngoài ra, việc phun hóa chất tiêu diệt muỗi trưởng thành cũng là giải pháp cần thiết nhằm phòng, chống và xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết.

Trong thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô, chính quyền các địa phương cùng người dân đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, vẫn còn nhiều hộ dân chưa hiểu đúng về sự nguy hiểm của muỗi vằn cũng như căn bệnh này nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Để hướng tới một môi trường xanh - sạch - đẹp, không có bọ gậy, không có dịch sốt xuất huyết, từng cá nhân cần nâng cao hơn nữa ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là không vứt rác, vứt phế thải bừa bãi (Hà Nội mới, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang