Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/8/2018

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế bổ nhiệm Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình; Chủ động phòng ngừa ô nhiễm sau úng ngập; Viên thuốc nghĩa tình...

 

Chủ động phòng ngừa ô nhiễm sau úng ngập

Những ngày qua, mưa kéo dài khiến nhiều địa phương bị ngập úng nghiêm trọng. Nhằm tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường sau khi nước rút, việc xây dựng và triển khai các phương án xử lý đang được các địa phương tập trung cao độ.

Xây dựng phương án phù hợp thực tế

Do ảnh hưởng mưa lũ, thời gian qua, toàn thôn Thông Đạt, xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) bị nước lũ cô lập. Ông Nguyễn Hữu Thức (thôn Thông Đạt) cho biết, hơn chục ngày nước tràn vào nhà đã kéo theo nhiều loại rác, xác gia súc, gia cầm. Còn tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) - địa phương bị ngập nặng, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Chiến Thắng, ngoài những khó khăn về sinh hoạt thì vấn đề đáng ngại trong những ngày qua là rác thải, ô nhiễm...

Để xử lý kịp thời rác thải phát sinh cũng như phòng tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường sau khi nước rút, từ sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể cùng người dân địa bàn bị ảnh hưởng bởi ngập lụt đã tích cực phát huy phương châm "4 tại chỗ". Ông Nguyễn Tiến Thiệp, ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, kể: “Khi mưa lớn bắt đầu, các hộ trong thôn đã bảo nhau xử lý rác thải, vệ sinh chuồng trại nhằm tránh rác theo nguồn nước tràn vào nhà ”.

Thực tế, vấn đề xử lý môi trường, phòng tránh nguy cơ ô nhiễm trong mùa mưa bão luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao. Các sở, ngành chức năng cũng chủ động hướng dẫn các địa phương về công tác này: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành Công văn số 4976/STNMT-CCBVMT về triển khai các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường; Chi cục Thú y Hà Nội ban hành Công văn 583/TY-YT về triển khai tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường sau mùa mưa bão năm 2018...

Trên cơ sở những chỉ đạo và hướng dẫn này, các địa phương, sở, ngành liên quan phối hợp xây dựng phương án phù hợp. Nhiều phương án vệ sinh môi trường đã được các địa phương tích cực thực hiện, tập trung vào các khu vực và công việc trọng điểm: Khử trùng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy xác động vật; khu thu gom rác thải, chất thải; các nơi nguy cơ liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm…

Nước rút tới đâu, vệ sinh tới đó

Tại Chương Mỹ, Quốc Oai và các huyện bị ngập úng, những ngày qua cùng với mực nước lũ rút dần, chính quyền và nhân dân khẩn trương phục hồi sản xuất, kết hợp với tổng vệ sinh môi trường các khu dân cư, trường học, trạm y tế... Các địa phương cũng phối hợp chặt chẽ với công ty môi trường thu gom, vận chuyển rác thải kịp thời. Trung tâm y tế các huyện đã bám sát địa bàn, phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh, đồng thời cấp phát phèn chua để lọc nước và nhiều loại thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo ghi nhận trong ngày 5-8 của phóng viên Báo Hànộimới, ngay sau khi nước lũ rút, huyện Chương Mỹ đã huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, đội cơ động, xung kích... phối hợp với nhân dân dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường các điểm ngập úng, ổn định cuộc sống; đồng thời tập trung vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung… Huyện Quốc Oai huy động 775 quân nhân và 4.845 người tập trung vệ sinh môi trường, tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng; dọn dẹp trường lớp bị ngập nước để chuẩn bị đón học sinh bước vào năm học mới.

Tương tự, tại Mỹ Đức, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lê Hải Hồng cho biết, một số hộ dân ở vùng trũng Hương Sơn, An Phú bị ngập. Nước rút, UBND huyện và cán bộ thú y, y tế tại xã hướng dẫn người dân thu gom, xử lý, chôn xác động vật; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo tại các vùng có nguy cơ để tránh dịch bệnh.

Tích cực phối hợp với các địa phương, theo đại diện Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, từ khi các huyện xảy ra úng ngập, đơn vị đã huy động 100% lực lượng, phương tiện đi vớt rác, vận chuyển rác đến khu xử lý tập trung. Cụ thể, đơn vị đã bố trí 39 công nhân, phối hợp với người dân các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) vớt, thu gom, vận chuyển hơn 40 tấn rác.

Tại huyện Quốc Oai, đơn vị đã bố trí 42 người phối hợp với người dân thực hiện vớt, thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung hơn 50 tấn rác. Hiện nay, Công ty yêu cầu toàn bộ công nhân túc trực tại địa phương để khi nước rút tới đâu thì vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác tới đó. (Nội mới, trang 3).

 

Viên thuốc nghĩa tình

Dù mới sáng sớm tinh mơ, nhưng trên khắp các ngả đường thôn, xóm của xã Tử Du, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) đã có rất đông các thương binh, bệnh binh, đối tượng chính sách và hộ nghèo tập trung về Trạm y tế của xã để được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí. Đây là chuỗi hoạt động tháng bảy tri ân những người có công với cách mạng của cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109,

Ông Nguyễn Văn Ngọc, thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, nhà ở thôn Vinh Hoa, xã Tử Du, là người đến Trạm y tế xã sớm nhất. Từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, bị thương thấu phổi, vỡ gan và phải cắt đi một quả thận, mỗi khi trái gió trở trời, ông Ngọc bị đau nhức ê ẩm khắp người. Ông chia sẻ: Nhà neo người, bệnh viện thì ở xa, cho nên tôi không đi khám bệnh, kiểm tra sức khỏe thường xuyên được. Biết tin cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, cả đêm tôi không ngủ được, chỉ mong đến sáng. Ðược hướng dẫn khám, kiểm tra, cấp thuốc chữa trị tận tình, lại còn nhận quà, tôi cũng như các thương binh, bệnh binh và đối tượng chính sách thật sự cảm động. Ðúng là, "Bộ đội Cụ Hồ" thời nào cũng vậy, mãi là chỗ dựa rất tin cậy, quý mến của nhân dân.

"Tử Du là một trong bốn xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Lập Thạch. Xã có 11 thôn, với 7.300 nhân khẩu; điều kiện giao thông, kinh tế nơi đây còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc sức khỏe của các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách không được như mong muốn. Các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 về khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà và thiết bị y tế cho địa phương, từ người dân cho đến mỗi cán bộ, công chức đều rất vui mừng, phấn khởi. Chúng tôi mong rằng, hằng năm được đón các bác sĩ quân y đến khám bệnh, tư vấn, giúp bà con nâng cao kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng", Chủ tịch UBND xã Tử Du Nguyễn Tiến Thiệp cho biết.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Bệnh viện Quân y 109 đã tổ chức bốn đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 1.000 đối tượng chính sách thuộc các xã còn khó khăn trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ðã có 105 y, bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên trẻ, giỏi chuyên môn, giàu y đức tình nguyện tham gia các đợt khám bệnh, cấp thuốc cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Mỗi đợt, bệnh viện chi phí thuốc và vật tư y tế với khoản kinh phí từ 60 đến 70 triệu đồng. Trong tháng bảy này, Bệnh viện Quân y 109 còn tổ chức khám sàng lọc, mổ mắt, thay thủy tinh thể miễn phí cho 100 đối tượng chính sách và hộ nghèo trên địa bàn đóng quân. Mỗi cử chỉ thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách thể hiện nghĩa tình sâu nặng của người lính quân y, góp phần lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng sự trân trọng, tri ân những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại tá Phạm Minh Phú, Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Quân y 109 cho biết: Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, Bệnh viện đều tổ chức các đoàn công tác về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách ở các địa phương. Việc làm này trở thành nhiệm vụ hằng năm là dịp để Ðảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện giáo dục truyền thống, đồng thời nâng cao y đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, để đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên của đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. (Nhân dân, trang 3)

 

Vùng lũ ngoại thành Hà Nội: Nỗi lo bệnh tật

Sau hai tuần ngập sâu trong nước lũ, hiện nhiều vùng ở Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội), nước đã rút. Dù thế, nỗi lo bệnh tật, dịch bệnh đang bao trùm cả khu vực.

Rác thải tràn ngập

Sáng 5/8, khu vực đường dẫn vào trung tâm xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) đi qua thôn Nam Hài nhiều đoạn vẫn ngập sâu trong nước. Người dân đi qua khu vực vẫn phải lội nước qúa đầu gối. Một vài xe đi qua vẫn chết máy. Trong làng, dù nước rút đã xuống khoảng một mét, nhưng bên trong nhiều ngôi nhà, nước vẫn ngập sâu sân, vườn. Nhiều khu vực giáp ranh bờ sông, rìa làng thậm chí nước vẫn ngập vào trong nhà. Bà Trịnh Thị Sửu, 62 tuổi, thôn Nam Hài, cho biết, nước rút xuống từ hôm qua, tuy nhiên, nay mới rút nhanh. Nhà bà có 11 người, thấy nước rút, 7 người đi sơ tán vừa trở về. Nhà bà có một ngôi nhà ở bìa làng, hiện nước vẫn ngập tới ngực. “Hai tuần nay chúng tôi ăn mì tôm. Hôm nào có điện thì cắm cơm. Hôm nào mất điện thì nấu bếp ga”, bà Sửu nói.

Bà Sửu nhận định, năm nay ngập nặng hơn so với năm 2008. Thời gian ngập nước cũng lâu hơn. Bà bị nước ăn chân, giờ phải đi ủng. Nhìn dòng nước xanh vẩn đục phía trước cổng, bà cũng rất ngại, nhưng để đảm bảo vệ sinh môi trường, đành phải ra dọn. Bà Sửu cho biết, do địa hình trũng, nhiều năm bị ngập, nhưng nhà bà luôn xác định “sống chung với lũ”, cũng không muốn chuyển đi đâu. “Trũng thấp thì phải chịu thôi chứ biết làm sao”, bà Sửu nói. Chỉ tay vào khu vườn phía trước mặt vẫn ngập rác, bà nói, mấy hôm trước rác thải của khu vực thôn gặp nước, trôi nổi khắp làng, giờ tập kết vào một số khu vườn nhà, bốc mùi khó chịu. “Sợ nhất bây giờ là nước lũ rút đi, bệnh tiêu chảy, đau mắt hoành hành”, bà Sửu nói.

Thấy phóng viên, anh Nguyễn Tất Vinh, người thôn Nam Hài, nhiệt tình mang ra hai chiếc thuyền, lội nước kéo thuyền đưa phóng viên tiếp cận bãi rác ở trong làng đang trôi nổi. Anh bảo, người dân nhiều ngày nay sống chung với nước lũ trộn lẫn với rác thải từ bãi rác của làng, không chịu được nữa. “Chúng tôi cũng đã cố thu dọn, nhưng không xuể. Vài hôm nữa nước rút hết, tôi nhờ mấy anh em bộ đội vào thu dọn, chứ không thể sống được”, anh Vinh nói.

Thiệt hại nặng nề

Trước cổng làng Nam Hài, nước vẫn ngập quá đầu gối. Nhiều người dân đi lại vẫn phải dùng thuyền. Bà Ðỗ Thị Lan, 70 tuổi, dù trang bị ủng cao, vẫn không dám đi qua chỗ ngập. Bà Lan ở một mình, con cháu sơ tán sang khu vực khác hết nên nay nước rút, bà tính qua thăm cháu. Bà bảo, chưa bao giờ thấy nước lụt sâu như vậy. Nhiều người dân vẫn chân trần lội nước, thấy phóng viên, nhiều người bỏ dép, chìa bàn chân hoen trắng bởi nhiễm nước bẩn ngứa ngáy, khó chịu.

Gần trưa, ông Nguyễn Tất Sáng, 54 tuổi, gọi người mang bình gas đến để nấu cơm. Nhà ông sơ tán hết, chỉ mình ông ở nhà. Khoảng sân trước nhà hôm trước ngập sâu, nước tràn cả vào sàn nhà trên, nay đã rút hết. Trong nhà, tivi được ông để tạm lên bàn thờ, tủ lạnh được kê cao lên cả mét. Ngoài hiên, chục bao thóc cũng kê lên cao khoảng 1 mét. Ông bảo, vùng này bị ngập nhiều rồi, nên quen, phải kê thế mới đảm bảo. Trải qua nhiều trận lụt, ông Sáng cho rằng, đây là lần đầu tiên nước ngập sâu đến vậy. Ông so mực nước với cột hiên ở nhà, bảo, năm 2018 cao hơn mức ngập lịch sử năm 2008 gần chục xăng-ti-mét. “Ngoài gây hại về nhà cửa, nước lụt còn khiến chúng tôi chẳng làm được gì. Người mang bệnh tật nữa. Ngày bình thường tôi đi làm được 300 nghìn đồng. Vợ con cũng đi làm. Giờ làm được gì đâu. Nhà tôi có đầu tư ao cá ngoài kia, mới bỏ hết 100 triệu cá giống, giờ mất trắng. Hai mẫu ruộng cũng không còn gì. Sau trận lũ, bà con đang sợ tái nghèo”, ông Sáng nói. Nhà em trai ông Sáng, cũng ở thôn Nam Hài vẫn ngập ngang người. Trang trại đang nuôi cả nghìn con gà giống Ai Cập đẻ trị giá mấy trăm triệu đồng cũng phải sơ tán, thiệt hại chưa tính được.

Nhìn dòng nước rút chậm, ông Sáng bảo, phải cả tuần, cả tháng nước mới rút hết. Rồi tháng 7 mưa ngâu thì không đáng sợ, nhưng qua tháng 8 âm, mưa nhiều, sợ lại bị lụt chồng lụt. “Chưa đầy 10 tháng qua, Nam Hài này ngập 2 lần nặng rồi. Ðợt tới mưa nữa không biết thế nào”, ông Sáng thở dài. Ðiều đáng lo, theo ông Sáng, người dân thôn Nam Hài vẫn dùng nước giếng khơi. Ngập lụt mấy ngày qua, nước thải hòa lẫn với nước lũ ngấm xuống, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cao.

Kiến nghị di dân khỏi vùng rốn lũ

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Ðỗ Ðình Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, cho biết, xã là địa bàn trũng, thấp nhất của huyện, nên khi mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, cả xã bị ngập úng. Tính đến nay, vẫn còn vài trăm hộ gia đình bị ngập nước, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, dù đã được hỗ trợ, chu cấp nhiều đồ dùng thiết yếu. Theo ông Trung, chỉ đạo của UBND xã là nước rút đến đâu tập trung làm vệ sinh ngay đến đó, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh. “Ðến nay, mới chỉ có những trường hợp bị ngứa, chứ chưa có ghi nhận việc phát sinh dịch bệnh”, ông Trung nói. Ông Trung cho biết, bản thân sinh ra và lớn lên ở thôn Nam Hài, nơi được gọi là rốn lũ của Chương Mỹ và của cả Hà Nội, nhà ông cũng ngập dịp này. Nhưng việc sơ tán, di dân đi đâu lại vô cùng khó, phải chờ đợi các cấp, các ngành cùng vào cuộc.

Trong cuộc thị sát vùng lũ và làm việc với UBND huyện Chương Mỹ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ngày 4/8, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Ðinh Mạnh Hùng cho biết, do khu vực hữu Bùi phần lớn diện tích nằm trong vùng trũng thấp, bị ảnh hưởng nặng nề của lũ rừng ngang từ Hòa Bình, các huyện Quốc Oai, Thạch Thất dồn về và nước mưa nội địa, chưa có giải pháp triệt để. Một số xã nằm trong quy hoạch vùng thoát lũ nên đến khoảng năm 2019, 2020, bà con vẫn phải xác định buộc phải sống chung với lũ. Lãnh đạo huyện Chương Mỹ đề nghị thành phố sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới giao thông, cung cấp nước sạch, công trình công cộng. Huyện cũng đề nghị, thành phố đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống đê tả Bùi, hữu Bùi và nạo vét sông Bùi cho nước thoát nhanh hơn. “Về lâu dài, huyện kiến nghị thành phố di dân ra khỏi khu vực thoát lũ”, ông Hùng nói. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu các giải pháp về đê hữu Bùi, tả Bùi, cách bố trí dân cư, đồng thời phối hợp Bộ NN&PTNT đưa ra giải pháp căn cơ hơn để ổn định cuộc sống người dân. (Tiền phong, trang 4)

 

Ðiểm chuẩn Y dược giảm mạnh nhất

Hôm qua, 5/8 các trường ÐH khu vực phía Bắc công bố điểm chuẩn xét tuyển ÐH năm 2018. Ðúng như dự báo, điểm chuẩn năm nay của các trường đều giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là các trường top trên.

Ông Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng trường ÐH Y Hà Nội cho biết, điểm chuẩn của trường cao nhất là Y đa khoa, 24,75 điểm. Với mức điểm này, so với năm 2017, điểm chuẩn vào ngành giảm 4,51 điểm. Ðiểm chuẩn các ngành khác của trường cũng giảm so với năm 2017.

Cũng là ngành y, điểm chuẩn của Học viện Quân y giảm rất mạnh. Cụ thể, đối với khối A00, điểm chuẩn năm 2017 của nam sinh miền Bắc là  29 điểm thì năm nay chỉ 20,05 điểm, giảm 8, 95 điểm. Khối B, điểm chuẩn đối với nam sinh cũng giảm 5,4 điểm. Ðối với khu vực miền Nam điểm chuẩn cũng giảm tương đối.

Ðối với trường ÐH Y dược, ÐH Thái Nguyên, sau khi lọc ảo của Bộ, trường xác định điểm chuẩn ngành  Y đa khoa là 22,25 điểm, giảm 4 điểm so với năm 2017. Ngành Răng hàm mặt là 21,9 điểm, giảm 4 điểm so với năm 2017. Ngành Y học dự phòng là 16,75 điểm, ngành Dược là 19,5 điểm, ngành điều dưỡng là 18,5 điểm, Kỹ thuật xét nghiệm là 19,75 điểm.  Ông Nguyễn Văn Sơn, hiệu trưởng trường ÐH Y dược Thái Nguyên cho biết rút kinh nghiệm từ năm 2017, năm nay dựa vào lọc ảo, dựa vào tỷ lệ thí sinh nhập học năm trước, trường  xác định hợp lý điểm chuẩn để tránh thiếu chỉ tiêu.

Không chỉ riêng Y, các trường top cao năm nay điểm chuẩn cũng hạ. Như ÐH Ngoại thương cũng giảm tới 4 điểm đối với nhóm ngành lấy điểm cao nhất, Trường ÐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn cũng giảm khoảng 3 điểm so với năm 2017.

Với các trường công lập, đa số các trường đều khẳng định không mặn mà với xét tuyển bổ sung. Bà Nguyễn Thị Việt Hương, trường ÐH Văn Hóa khẳng định trường cố gắng lấy đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển đầu tiên.  Vì đợt 2 cũng không còn nguồn thí sinh để xét tuyển. Theo dự đoán thì trường ÐH Văn hóa xét tuyển đợt đầu đạt được khoảng 90% chỉ tiêu.

Ông Kiều Xuân Thực, trường ÐH Công nghiệp Hà Nội cũng khẳng định  trường không xét tuyển bổ sung.  Vì theo ông, thực sự là không còn nguồn thí sinh để tuyển. Còn theo đại diện phòng Ðào tạo trường ÐH Hà Nội, trường sẽ không xét tuyển bổ sung. Vì không thể bơi theo thí sinh.

Trước những lùm xùm liên quan đến gian lận điểm thi tại Hòa Bình và Sơn La, do đến nay vẫn chưa xác định được số lượng bài thi bị can thiệp điểm nên các trường cho biết khi nào có kết quả điều tra sẽ thực hiện theo đúng quy chế. Tức là lúc đó, sẽ trả về điểm thực cho thí sinh. (Tiền phong, trang 6)

 

Nối thành công cánh tay bị lưỡi máy cắt cỏ chém gần đứt lìa cánh tay

Ngày 5-8, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bạc Liêu cho biết, lần đầu tiên đơn vị nối thành công cánh tay đứt gần lìa ở phần bắp gần nách. Nạn nhân là anh Võ Hoài N. (31 tuổi, công tác tại UBND xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).

BS Trần Thanh Phong - Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Bạc Liêu cho biết: “Anh N được Bệnh viện huyện tuyến dưới chuyển đến vào tối 1-8. Lúc đó, anh N được sơ cứu băng ép cầm máu, tay phải bị đứt hoàn toàn mặt trước, chỉ còn dính một chút da phía sau cánh tay”.

Sau 5 giờ phẫu thuật cấp cứu, các BS của BVĐK Bạc Liêu đã nối thành công cánh tay phải cho anh N. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đang bình phục, hết tím tái, hồng ấm và mạch đập trở lại.

Theo người nhà bệnh nhân, tai nạn xảy ra khi anh N cùng đồng nghiệp dọn dẹp vệ sinh, phát quang cơ quan bằng máy cắt cỏ. Lưỡi máy cắt cỏ bất ngờ bị gãy bắn thằng vào tay anh N dẫn đến tai nạn như đã nói. (Công an Nhân dân, trang 8)

 

Bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS: Gỡ rào cản, tăng cơ hội tiếp cận

Khi quy mô viện trợ thuốc kháng vi- rút (ARV) điều trị HIV từ các tổ chức quốc tế ngày càng giảm và sẽ kết thúc vào sau năm 2018, thì việc tiến tới bao phủ 100% thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV là rất cần thiết để bảo đảm người bệnh không bị gián đoạn trong điều trị. Nhưng để đạt mục tiêu tất cả người nhiễm HIV có thẻ BHYT cần sự nỗ lực ở mức cao của các bộ, ngành, địa phương trong việc gỡ bỏ các rào cản, khó khăn, tăng cơ hội tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV.

Chưa ổn định và bền vững

Thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người bệnh điều trị ARV tăng lên rõ rệt trong thời gian qua. Hiện cả nước đã có 83,4% số người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) có thẻ BHYT, trong đó có năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ 100% số người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV có thẻ BHYT (Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cà Mau) và 30 tỉnh, thành phố có tỷ lệ này đạt hơn 90%. Các địa phương cũng chủ động triển khai BHYT cho người nhiễm HIV từ việc truyền thông, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng như kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được với Quỹ BHYT. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đang chung tay hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV bằng những nguồn tài chính quan trọng.

Tuy nhiên, theo đánh giá, độ bao phủ BHYT đối với người nhiễm HIV ở nước ta có tăng nhưng vẫn chưa ổn định và bền vững. Cả nước vẫn còn năm tỉnh đạt dưới 70% gồm: Ðồng Nai, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bến Tre. Một số tỉnh có độ bao phủ giảm đáng kể như Quảng Ninh, Ðồng Nai. Hiện nay, mới có 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người nhiễm HIV mua thẻ BHYT với 11.075 thẻ BHYT; 11 tỉnh có quyết định hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Hiện có 423 cơ sở điều trị, trong đó có 358 cơ sở điều trị ký được hợp đồng với cơ quan BHXH; 319 cơ sở điều trị đang thực hiện khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Còn 18 tỉnh, thành phố với 65 cơ sở điều trị chưa hoàn thành kiện toàn để có đủ điều kiện ký hợp đồng khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV.

Theo Phó Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS Hoàng Ðình Cảnh, tỷ lệ bao phủ BHYT chưa ổn định là do một số nơi, thẻ BHYT của người bệnh hết hạn hoặc đang chờ cấp thẻ mới. Bên cạnh đó, cũng có nhiều thách thức đối với công tác bao phủ thẻ BHYT bởi vì thực tế, có nhiều người bệnh không có giấy tờ tùy thân; người bệnh ngoại tỉnh, di chuyển liên tục không đủ thời gian để làm đăng ký tạm trú hay người nhiễm HIV cố tình giấu danh tính. Mặt khác vẫn còn khá nhiều người nhiễm HIV không mặn mà với BHYT là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tâm lý lo ngại thông tin cá nhân bị công khai.

Tăng cơ hội tiếp cận

Khi mức độ viện trợ thuốc ARV điều trị HIV từ các tổ chức quốc tế giảm dần và kết thúc vào cuối năm 2018, thì việc tiến tới bao phủ 100% thẻ BHYT cho người nhiễm HIV là câu chuyện cấp thiết để bảo đảm người bệnh không bị gián đoạn trong điều trị HIV. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tất cả người nhiễm HIV có thẻ BHYT, là hành trình gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. Việc điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV là liên tục và suốt đời, với chi phí bình quân cho mỗi người bệnh là gần 20 triệu đồng/năm, trong khi đó, người nhiễm HIV chủ yếu là nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn. Do đó, nếu không tham gia BHYT thì người bệnh gần như không có khả năng chi trả, dẫn đến bỏ điều trị, kháng thuốc và thất bại về điều trị, người bệnh sẽ phải chuyển sang các phác đồ đắt tiền hơn, đồng thời làm gia tăng sự lây truyền HIV cho cộng đồng. Ðiều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời cho nên việc tham gia BHYT cũng cần phải liên tục, như vậy mới giúp họ có nguồn lực tài chính bền vững để duy trì điều trị.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để bảo đảm đạt mục tiêu bao phủ 100% thẻ BHYT với người nhiễm HIV, các cơ sở y tế cần hoàn thành việc kiện toàn đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh HIV qua BHYT; đưa danh mục thuốc ARV vào danh mục thuốc khám, chữa bệnh BHYT. Ðối với các tỉnh, thành phố hiện đang nhận nguồn thuốc viện trợ cần sớm thông báo cho người bệnh về thời điểm dừng nhận thuốc viện trợ; tư vấn, hỗ trợ người bệnh tham gia BHYT và sử dụng thẻ BHYT. Các tỉnh, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn người nhiễm HIV tự tham gia BHYT; tạo điều kiện để người nhiễm HIV không phải mua thẻ BHYT cùng thời điểm với tất cả thành viên hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát người nhiễm HIV cần hỗ trợ mua thẻ BHYT và bảo đảm ngân sách địa phương hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, đặc biệt với những người gặp khó khăn. Với người nhiễm HIV không muốn sử dụng BHYT phải có cơ chế chính sách hỗ trợ để họ có thể tiếp cận dịch vụ điều trị thuốc kháng HIV.

Các chuyên gia quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS đều cho rằng, BHYT là trụ cột của chương trình điều trị HIV/AIDS bền vững của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ lớn nhất khi người nhiễm HIV không có BHYT là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính khi điều trị ARV, dẫn đến tình trạng bỏ điều trị, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Khi đó, công tác điều trị sẽ rất khó khăn, tốn kém gấp nhiều lần. Ðể đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, Bộ Y tế cần nghiên cứu, sửa đổi, tháo gỡ những rào cản, khó khăn, cho phép người nhiễm HIV có nhiều cơ hội tiếp cận với BHYT hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc chi trả chi phí thuốc điều trị đối với người bệnh HIV qua BHYT là bắt buộc, được thể chế bằng quy định của pháp luật. Do vậy, các địa phương cần sớm triển khai thanh toán điều trị đối với bệnh nhân HIV qua BHYT theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước cần tập trung xây dựng ngay kế hoạch điều trị bệnh nhân HIV từ các nguồn viện trợ sang điều trị BHYT. Liên quan việc tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng: Ðối với người bệnh HIV khi tham gia BHYT sẽ được bảo đảm về thông tin cá nhân, do đó người bệnh sẽ không phải ngại ngùng khi tham gia.

Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương sử dụng nguồn BHYT cho điều trị HIV với lộ trình rõ ràng và những bước đi chắc chắn. Với mục tiêu đề ra là đến năm 2020, 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT; 80% số thuốc ARV được Quỹ BHYT thanh toán thì việc trước mắt là Cục Phòng, chống HIV/AIDS cần sớm hoàn tất việc rà soát nhu cầu mua BHYT cho người nhiễm HIV tại một số tỉnh khó khăn và trên cơ sở đó, dùng nguồn kinh phí viện trợ quốc tế còn lại để hỗ trợ trong thời gian đầu. (Nhân dân, trang 5)

 

Lợi ích của điều trị HIV bằng thuốc ARV

Ðiều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) nhằm làm giảm sự sinh sôi của vi-rút HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 1990 và được đánh giá là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch.

Theo báo cáo của Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV có thể phục hồi sức khỏe, tiếp tục sống, học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Mặc dù điều trị bằng ARV sớm có lợi ích rất lớn như vậy nhưng hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 50% người nhiễm HIV được chẩn đoán tham gia chương trình điều trị ARV. Tại Việt Nam, từ năm 2004 cũng đã áp dụng điều trị HIV bằng thuốc ARV và phần lớn nguồn thuốc ARV (có giai đoạn chiếm đến khoảng 95%) được chính phủ một số nước và các tổ chức quốc tế tài trợ. Theo lộ trình, các tổ chức quốc tế đang cắt giảm và sẽ kết thúc tài trợ thuốc vào cuối năm 2018, cho nên Bộ Y tế đã xác định, bên cạnh nguồn tài chính do Chính phủ bổ sung bù đắp sự thiếu hụt nguồn kinh phí mua thuốc ARV thì giải pháp lâu dài và bền vững điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là thông qua bảo hiểm y tế (BHYT). Bất kỳ ai khi tham gia BHYT đều được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Ðối với người nhiễm HIV, thuốc ARV đã nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả.

Theo các quy định hiện hành, trẻ em dưới sáu tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được cơ quan bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã về hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%... Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% tiền chữa bệnh. Người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế như: khám bệnh, làm xét nghiệm phục vụ quá trình điều trị, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội… BHYT sẽ giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi yêu cầu điều trị ARV là liên tục và suốt đời.

Vì vậy, người nhiễm HIV cần vượt qua rào cản tự ty, chủ động tham gia BHYT ngay để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình. Ðó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS. (Nhân dân, trang 5)

 

Chủ động phòng, chống dịch bệnh vùng bị thiên tai

Hà Nội và nhiều địa phương khu vực phía bắc đang trải qua đợt mưa to trên diện rộng, gây ngập úng cục bộ. Tình trạng mưa lũ đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là phải đối mặt nguy cơ bùng phát các dịch bệnh...

Từ cuối tháng 7 đến nay, một số huyện của Hà Nội đã trải qua các đợt mưa to và kéo dài. Mưa lớn kèm nước ở thượng nguồn đổ về dẫn đến mực nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, gây ngập lụt kéo dài tại huyện Chương Mỹ và một số khu vực lân cận. Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ Dương Viết Tài cho biết: Tình hình mưa lũ khiến hơn 3.600 gia đình thuộc 11 xã vùng thấp, trũng bị ngập nước hoàn toàn, trong đó hai xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến đoàn thể triển khai nhiều biện pháp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân như: Phối hợp Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, các trạm y tế xã khám cho gần 1.600 người. Qua thăm khám, sàng lọc, phát hiện điều trị kịp thời cho 40 người bệnh bị đau mắt đỏ, sáu người bị tiêu chảy, hơn 10 người mắc bệnh về da liễu và các bệnh khác. Trung tâm cũng phát 4.688 túi thuốc (thuốc tra mắt, thuốc ngoài da); 5.740 túi cloramin B; 2.740 túi phèn chua cho các hộ dân bị ngập úng; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất khử trùng cho gần 350 hộ gia đình. Thành lập năm đội cấp cứu cơ động thường trực tại đê tả Bùi sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế cho công tác sơ cấp cứu người dân và xử lý môi trường kịp thời, hiệu quả.

Trưởng Trạm y tế xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Phùng Thị Hậu cho biết, xã có bốn thôn: Nam Hải, Nhân Lý, Hạnh Bồ và Hạnh Côn gần như bị cô lập. Ðể kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân trong xã, Trung tâm y tế huyện phối hợp trạm y tế xã thành lập trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24 giờ hằng ngày; cấp phát thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người dân bị cô lập; tổ chức thường xuyên việc thăm khám sức khỏe cho trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi, là các đối tượng thường có nguy cơ mắc dịch bệnh trong mùa mưa, lũ. Kết hợp y tế thôn tuyên truyền, tư vấn, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh trong và sau ngập úng, với mục tiêu không để xảy ra dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu các đơn vị y tế đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa, lũ; bảo đảm nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, chất lượng; chủ động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; xử lý xác súc vật chết; thu gom rác thải sinh hoạt và tiêu hủy đúng quy định, không để ô nhiễm môi trường gây dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cần cử cán bộ có trình độ chuyên môn cao giám sát, hỗ trợ các địa phương giám sát dịch bệnh, xử lý môi trường khi nước rút; dự trù hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng việc vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát …

Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía bắc như: Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Ðiện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội hứng chịu các đợt mưa lớn, kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ. Mưa lũ kéo dài là điều kiện cho nhiều loại vi sinh vật, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra môi trường, gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là sau khi nước rút. Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế đóng trên địa bàn hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh với tinh thần nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... Ðẩy mạnh công tác giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ và ngập lụt như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… Cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn...

Các địa phương cần duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; hỗ trợ cung cấp hóa chất, hướng dẫn người dân triển khai thau, rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt bằng cloramin B, Aquatabs hoặc những hóa chất khử khuẩn khác tại vùng bị lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt. (Nhân dân, trang 8)

 

Bộ Y tế quyên góp ủng hộ nhân dân Lào và người dân các tỉnh miền núi phía Bắc

Sáng ngày 3/8/2018, cơ quan Bộ Y tế đã thực hiện quyên góp ủng hộ nhân dân nước bạn Lào bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập và nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lũ.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế,  Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cùng lãnh đạo các vụ/cục/văn phòng/thanh tra Bộ và toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Y tế đã tham gia ủng hộ.

Chủ tịch công đoàn cơ quan Bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, chỉ trong giờ đầu phát động, số tiền ủng hộ đã lên tới hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, tại tất các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế cũng sẽ tiến hành ủng hộ mỗi cán bộ công nhân viên chức một ngày lương. Theo đó, sẽ được cơ quan Bộ Y tế chuyển đến ủng hộ  nhân dân nước bạn Lào và nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc

Phát biểu tại buổi lễ quyên góp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, những ngày qua, sự cố vỡ đập thủy điện tại nước Lào và tình hình lũ lụt đang diễn ra ở một số địa phương của nước ta đã gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản; đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh cho người dân sau mưa lũ tại các địa phương.

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng gửi lời chia sẻ sâu sắc đến các gia đình người dân nước bạn Lào cũng như các tinh Tây Bắc có thân nhân bị thiệt mạng, bị thương do ảnh hưởng của mưa lũ. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ phải đối mặt.

Bộ trưởng đề nghị các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục khảo sát tình hình thực tế tại các địa phương vùng bị ảnh hưởng bới mưa lũ để có phương án hỗ trợ kịp thời, đặc biệt tìm giải pháp giúp các trạm y tế xã tại các vùng lũ lụt được thiết kế phù hợp nhằm phát huy hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ…

Hoạt động quyên góp, ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt luôn được Bộ Y tế thực hiện để chia sẻ khó khăn với cộng đồng

Đối với nước bạn Lào, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuẩn bị hóa chất phòng chống dịch bệnh, cơ số thuốc đễ sẵn sàng hỗ trợ khi nước bạn đề xuất.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng hoan nghênh công đoàn cơ quan Bộ đã kịp thời tổ chức buổi lễ quyên góp, ủng hộ ý nghĩa này, tuy nhiên Bộ trưởng cũng yêu cầu công đoàn cơ quan Bộ, các công đoàn cơ sở cần chủ động hơn nữa trong các hoạt động vì cộng đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Bộ Y tế bổ nhiệm Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình

Chiều ngày 3/8, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm ThS. BS Nguyễn Doãn Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.

Phát biểu tại buổi lễ công bố, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng ông Nguyễn Doãn Tú đã được tập thể Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Y tế tin tưởng bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.

Bộ trưởng mong muốn trên cương vị mới được giao, ông Nguyễn Doãn Tú sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm, năng lực công tác, đoàn kết nội bộ cùng tập thể Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đưa ngành Dân số - Kế hoạch hoá gia đình trong giai đoạn tới có bước phát triển vượt bậc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Doãn Tú bày tỏ lòng cảm ơn đến sự tin tưởng, giao nhiệm vụ cho cá nhân đồng chí của Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Doãn Tú cũng bày tỏ quyết tâm tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, xây dựng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình vững mạnh, đoàn kết nhất trí cao, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế giao và hứa sẽ cố gắng phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiếp tục đóng góp sức mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của toàn ngành y tế

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã tặng Bằng khen và trao Quyết định nghỉ hưu cho BSCK II Hoàng Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh. Đánh giá cao những đóng góp của BSCK II Hoàng Văn Thành cho Ngành Y tế dù trải qua nhiều cương vị công tác nhưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong rằng trong thời gian tới khi nghỉ hưu theo chế độ đồng chí Hoàng Văn Thành sẽ tiếp tục có những đóng góp cho Ngành y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang