Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 6/9/2016

  • |
Xử phạt các tổ chức, cá nhân bất hợp tác phòng chống Zika; Thời tiết tạo điều kiện cho virus Zika phát triển; Mùa mưa, đề phòng bệnh Whitmore

Xử phạt các tổ chức, cá nhân bất hợp tác phòng chống Zika

Trước diễn biến rất nóng của dịch Zika tại Singapore cuối tháng 8 vừa qua (từ trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên được thông báo, chỉ trong 4 ngày đã ghi nhận 82 trường hợp nhiễm), ngày 5-8, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết (SXH).

Để đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong các tòa nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành Y tế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân nếu không hợp tác phòng chống Zika và sốt xuất huyết (SXH). Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để có hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy. Đặc biệt, sẽ xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng dịch của địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị ngành Y tế các địa phương cần giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Cùng đó, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành Y tế. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong…

Vẫn liên quan đến dịch Zika đang bùng phát tại Singapore, các nhà khoa học Singapore vừa thông báo đã hoàn thành giải mã gen loại virus Zika đang lây lan ở nước này. Cụ thể, phân tích từ 2 bệnh nhân cho thấy, virus này thuộc chủng châu Á và có khả năng đã tiến hóa từ chủng virus Zika vốn tồn tại ở Đông Nam Á chứ không phải lây truyền từ Nam Mỹ. Hiện nhiều nước châu Á đang đề cao cảnh giác trước dịch Zika. Malaysia, Phillipines, Indonesia và Hong Kong (Trung Quốc) đều ban hành cảnh báo đi lại đối với các công dân có kế hoạch tới các quốc gia có dịch Zika, đồng thời áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp soi chiếu hành khách tại sân bay (An ninh thủ đô trang 2, Hà Nội mới trang 5, Sài gòn giải phóng 9 trang 3, Công an nhân dân trang 1, Tuổi trẻ trang 14).

Thời tiết tạo điều kiện cho virus Zika phát triển

Chiều 5/9, Bộ Y tế cho biết, theo theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 28/8/2016, có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lây truyền của virus Zika, 11 quốc gia có sự lây truyền từ người sang người.

Đặc biệt tại Singapore, trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên được thông báo ngày 28/8/2016, trong 4 ngày (đến ngày 31/8/2016) đã ghi nhận 82 trường hợp. Bên cạnh đó, tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La - tinh.

Tại Việt Nam, đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm virus Zika và có một số trường hợp người nước ngoài phát hiện nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch trở về từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã chững lại trong những tuần gần đây nhưng hiện đang vào thời điểm mùa mưa kèm theo các diễn biến bất thường của thời tiết tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết phát triển nên vẫn có nguy cơ gia tăng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Để chủ động phòng, chống bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo một số nội dung như: Triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh....), các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy. Tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của địa phương.

Ngành Y tế các tỉnh thực hiện tốt giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.    Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế.

Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện. Tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến (Tiền phong trang 6, Nhân dân trang 8).

Mùa mưa, đề phòng bệnh Whitmore

Từ đầu năm tới nay, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hơn chục ca bệnh Whitmore. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư mỗi năm cũng điều trị khoảng 10 người mắc bệnh này. Việt Nam là nước nằm trong khu vực dịch tễ lưu hành cao của bệnh với ước tính hàng năm có hàng chục ngàn trường hợp mắc và hàng ngàn ca tử vong.

Mới đây Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận bệnh nhân C.V.T, 25 tuổi ở Sầm Sơn, Thanh Hóa trong tình trạng hết sức nguy kịch vì mắc bệnh Whitmore. Bệnh nhân sốt cao, sưng đau khớp gối phải. Sau nhiều ngày điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới bệnh không thuyên giảm được chuyển đến điều trị tại Khoa Cơ xương khớp rồi Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai). Cấy máu lần thứ 3 bệnh nhân mới được xác định mắc bệnh Whitmore - một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Bác sĩ, TS Đỗ Duy Cường - Phụ trách khoa Truyền nhiễm cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch với biểu hiện nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử viêm cầu thận, vào bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa với biểu hiện sốt và gối phải sưng to. Sau 11 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh nhưng không cắt sốt. Ngày 8/8, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) nhưng tình trạng bệnh vẫn không chuyển biến, kết quả cấy máu và cấy dịch khớp âm tính. Mặc dù vậy bệnh nhân vẫn được điều trị kháng sinh bao vây. Ngày 11/8, sau khi hội chẩn, bệnh nhân được đưa về khoa Truyền nhiễm trong tình trạng sốt cao liên tục 39-40 độ C, sưng đau khớp gối phải, tổn thương gan, thận, nhiều ổ áp xe trong phổi...

Sau khi xác định chẩn đoán, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển phác đồ điều trị đặc hiệu theo hướng bệnh Whitmore. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy đa phủ tạng nặng. Bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, xử trí sốc nhiễm khuẩn đồng thời dùng kháng sinh đặc trị bằng kháng sinh mạnh liều cao nhóm carbapenem kết hợp với ceftazidim.

Chưa có vắc-xin phòng bệnh

PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có độc tính cao hơn một số vi khuẩn khác, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp. Nếu người khỏe mạnh không may mắc phải, được phát hiện điều trị hợp lý sẽ khỏi, không để lại di chứng. Nhưng nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp hơn, khó chữa hơn.

Vi khuẩn gây bệnh này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 9-11.

Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc bệnh với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi. Ở trẻ em thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc và biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. Những bệnh nhân được phát hiện tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đều có bằng chứng nhiễm khuẩn huyết. Ở người lớn bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên TS Huy cũng nhận định, người khỏe mạnh hiếm khi mắc bệnh này. Đối tượng dễ bị vi khuẩn tấn công thường là người già yếu, người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm gan mạn, người nhiễm HIV...

Tuy nhiên, ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần. Việc điều trị bệnh phải kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân không có đủ khả năng để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân gây thất bại điều trị và tử vong. Đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo để giải quyết bệnh Whitmore cần có chiến lược tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp nhiều chuyên khoa lâm sàng, y tế dự phòng, vi sinh, môi trường, nông nghiệp, truyền thông… thì mới có hiệu quả. Trước mắt phải nâng cao nhận thức của người dân và nhân viên y tế, cải tiến kỹ thuật xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn tại các labo xét nghiệm, tăng cường phổ biến phương pháp chẩn đoán và phác đồ điều trị cho các cơ sở y tế tuyến dưới (Tiền phong trang 6).

Chuyện cổ tích về ánh sáng

Dân gian lan truyền rằng, tháng 7 âm lịch thường không may mắn. Vậy nhưng có một ngày trong tháng đó, khi một người nằm xuống đã thắp lên ánh sáng cho 2 cuộc đời khác. Câu chuyện về nữ bác sĩ Vũ Thị Thoa (Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện 19-8) là thứ ánh sáng linh diệu, trong trẻo giữa cuộc đời này.

Trong miền ký ức

Những dòng hồi tưởng về mẹ của Hoàng Thanh Tùng, chàng trai 26 tuổi khiến có cảm giác như người phụ nữ nhân hậu ấy vẫn đang ngồi đây, bên chúng tôi, nói những câu chuyện tỉ tê về bệnh tình của từng bệnh nhân mà mỗi ngày chị chăm sóc. Tối nào cũng thế, những ngày còn ở bên gia đình, mỗi bữa cơm sau lời hỏi han chồng con, chị lại chia sẻ về hoàn cảnh của những bệnh nhân đặc biệt, những trăn trở làm sao có thể giúp họ nhanh khỏi bệnh nhất để về với cuộc sống đời thường. Tình yêu thương ấy mỗi ngày lan tỏa dần vào tâm trí và trái tim hai người con của chị. Và cũng chính nó đã khơi gợi sự tò mò của cậu con trai cả Hoàng Thanh Tùng về công việc vất vả nhưng rất đỗi ấm áp mà chị đã một đời gắn bó.

Trong căn phòng nhỏ, nơi chị nghiên cứu tài liệu tại nhà, còn đó những cuốn sách, những trang sổ tay ghi chép, nghiên cứu chuyên môn từ nhiều năm qua. Lần giở từng trang sổ với những dòng chữ ngay ngắn mà mẹ viết giờ đã ố màu thời gian, một chút nghẹn ngào trong giọng nói, Tùng bảo đó là tài sản vô giá mà mẹ để lại cho mình. Khẽ khàng, cậu xếp từng cuốn sách, tư liệu mà cả đời mẹ dày công nghiên cứu với tâm thế mẹ vẫn luôn bên mình, dạy dỗ và chia sẻ như bao năm tháng qua.

Người phụ nữ ấy không chỉ là mẹ mà còn là người thầy lớn, người đồng nghiệp đáng kính và người bạn tri kỷ của Tùng. Ngày còn nhỏ, những câu chuyện về bệnh nhân mẹ kể ăn sâu tâm trí Tùng. Từ tò mò đến đam mê với chuyên khoa Mắt không phải là con đường ngắn dễ vượt qua với cậu. Sức hút từ lối nói chuyện của mẹ khiến Tùng yêu thích ngành y, ngành ông bà ngoại cậu từng gắn bó.

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Tùng trở thành bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Mắt T.Ư, với quyết tâm nối nghiệp mẹ. Được làm việc trong môi trường đầu ngành nên hai mẹ con thường xuyên chia sẻ với nhau kinh nghiệm cũng như hướng điều trị bệnh nhân nặng mà mình phụ trách. Để có được ngày hôm nay Tùng bảo cậu đã học từ mẹ rất nhiều. Điều căn bản ban đầu để nuôi dưỡng nghề chính là tình yêu với công việc, niềm thương cảm dành cho bệnh nhân.

Trong câu chuyện các đồng nghiệp của bác sĩ Vũ Thị Thoa chia sẻ, người ta dễ dàng nhận ra tình yêu, tâm sức người phụ nữ này dành cho công việc. Nó không phải những điều gì đao to búa lớn, không phải những thành tích vang dội nó là nghị lực phi thường, vượt qua muôn vàn khó khăn giữa cơn bạo bệnh để sống trọn vẹn với nghề, đến tận lúc chị không còn trên cõi đời này nữa…

Gần 20 năm trước, khi mang thai cô con gái thứ 2, chị phát hiện mình bị ung thư vú. Là bác sĩ, hơn ai hết chị hiểu căn bệnh mình mắc phải. Vậy nhưng chị đối diện với nó, không suy sụp, không khóc lóc. Chị chấp nhận điều trị, phẫu thuật chỉ với mong muốn những ngày sống trên đời làm được điều có ích cho bệnh nhân. Năm 2013, bệnh ung thư di căn vào xương gây ra những cơn đau thấu tủy.

 Chính trong những khoảng thời gian bệnh trọng ấy, khao khát được sống, được làm điều mình mơ ước trở thành liệu pháp tinh thần khiến chị nỗ lực để hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa 2. Tháng 12 năm 2015, bác sĩ Thoa hoàn thành xuất sắc luận án tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa 2 trong sự khâm phục của đồng nghiệp và các con. Thêm một lần nữa, ý chí, nỗ lực của người mẹ khiến Tùng thêm quyết tâm đeo đuổi công việc mà mẹ âm thầm định hướng cho mình từ bé.

Một gia đình có truyền thống làm ngành y nên giữa các thành viên trong nhà luôn hướng về mục tiêu làm thế nào để bệnh nhân có nhiều nhất cơ hội được sống cuộc đời tốt đẹp. Và chính trong những lần trò chuyện ấy, bác sĩ Vũ Thị Thoa đã nói lên tâm nguyện nếu ngày nào đó chị mất đi, sẽ hiến cơ thể mình cho những bệnh nhân cần ghép tạng.

Lúc còn sống, dù không theo đạo Phật, nhưng chính đạo Phật giúp chị ngộ ra một điều, khi ta mất đi, thân xác là hư vô, tan vào cát bụi, chỉ tâm hồn là mãi mãi trường tồn. Điều ấy thôi thúc chị hiến một phần cơ thể mình cho những bệnh nhân cần nó. Tùng bảo: “Mẹ tôi từng muốn được hiến trái tim của mình. Nhưng căn bệnh ung thư di căn khiến điều mong muốn của mẹ không thành hiện thực vì tế bào ung thư đã xâm lấn vào hết các bộ phân cơ thể, trừ giác mạc là nơi không có mạch máu nên khó bị bệnh ung thư di căn vào”. Ngày cuối tháng 8 vừa qua, bệnh trở nặng, bác sĩ Thoa lịm đi không kịp dặn dò gì người thân, nhưng tâm niệm chị để lại được chồng con và các đồng nghiệp thực hiện vẹn tròn.

Ánh sáng cho người bệnh

Trong căn phòng nhỏ của Bệnh viện 19-8, chiều cùng ngày khi bác sĩ Thoa trút hơi thở cuối cùng, chị nằm đó, trên chiếc giường nhỏ, mái tóc lơ thơ vì hóa trị nhưng gương mặt lộ vẻ thanh thản. Những người thân và đồng nghiệp làm lễ tưởng niệm vị bác sĩ đáng kính trước khi tiến hành lấy giác mạc của chị để ghép cho bệnh nhân. Đôi giác mạc của đại tá, bác sĩ Vũ Thị Thoa được các cán bộ y tế Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt T.Ư thu nhận, bảo quản, giữ gìn cẩn thận.

Tốt nghiệp đại học rồi bác sĩ nội trú khóa 14, về công tác tại khoa Mắt Bệnh viện 19-8, chưa có lần nào, bác sĩ Thoa muốn thay đổi công việc mình đã chọn. Với chị, được khám bệnh, tìm ra cách điều trị cho bệnh nhân là hạnh phúc khó diễn tả bằng lời. Nhân viên y tế của Khoa Mắt và Bệnh viện 19-8 vẫn không quên hình ảnh bác sĩ Thoa bị gãy chân do bệnh ung thư di căn vào xương nhưng vẫn chống nạng lên sân khấu hát cùng đồng nghiệp trong hội diễn của bệnh viện. Bao lần chị đứng ra tổ chức các chương trình khám bệnh tình nguyện ở vùng sâu vùng xa mà không một lời kêu than dù sức khỏe không tốt.

 Là Trưởng khoa Mắt, với chị, việc đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho các bác sĩ trẻ là nhiệm vụ tối quan trọng, bởi hơn ai hết chị hiểu đó chính là những người sẽ tiếp nối công việc khi một ngày nào đó chị phải rời xa.

Mới chỉ trước khi mất 1 tháng thôi, lúc bệnh tình đã khá nặng, vì khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong khi nhân viên của khoa được phân công đi khám bệnh ở các tỉnh, bác sĩ Thoa đã không quản ngại việc mình đang là bệnh nhân điều trị ở gần đó để xuống hỗ trợ và họp giao ban với các đồng nghiệp. Những việc làm chị cho rằng nhỏ bé ấy đã gây ấn tượng mạnh với đồng nghiệp và bệnh nhân, gieo vào họ sức mạnh để vượt qua khó khăn trong công việc và điều trị bệnh...

Một ngày sau khi bác sĩ Thoa ra đi mãi mãi, hai giác mạc của chị được các bác sĩ Bệnh viện Mắt T.Ư ghép cho hai bệnh nhân. Những bệnh nhân may mắn, một người 49 tuổi và một người 29 tuổi, đều mắc bệnh sẹo đục giác mạc lâu năm, khiến thị lực bị suy giảm, gây khó khăn trong cuộc sống và ghép giác mạc là biện pháp cuối cùng.

Các bác sĩ cho hay, sau ghép mảnh ghép rất trong và phục hồi thị lực tốt hơn cả con mắt còn lại. Chia sẻ về ca ghép đặc biệt này, TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt T.Ư vẫn giữ nguyên sự cảm kích, bởi với một người lâu năm trong nghề như ông, đây là đầu tiên thu nhận giác mạc từ chính đồng nghiệp của mình, từ chính bác sĩ đã cống hiến cả đời cho ngành mắt. Đã có rất nhiều lá đơn của nhân viên y tế mong muốn được hiến tạng cho y học, nhưng đây là lần đầu tiên một phần cơ thể của người khoác trên mình tấm áo blouse trắng được ghép vào bệnh nhân. Nghĩa cử cao đẹp của bác sĩ Thoa thêm một lần nữa minh chứng cho người đời thấy được một điều, không phải sự ra đi nào cũng là mất mát, điều họ để lại với đời là tình yêu thương và sự sẻ chia. Những bệnh nhân may mắn được nhận giác mạc từ bác sĩ Thoa sẽ bắt đầu một cuộc sống mới bằng ánh sáng tỏa ra từ tâm hồn và trái tim yêu thương của người bác sĩ đã trọn một đời cống hiến cho y học, cho sự hồi sinh của đồng loại (Tiền phong trang 9).

Mắc bệnh lạ sau khi ăn tiết canh vịt

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho một bệnh nhân nam mắc loại bệnh hiện chưa xác định được. Theo đó, sau khi ăn tiết canh vịt một ngày, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, bề mặt da có các tổn thương dạng vòng nhẫn, ở vùng vòng nhẫn có xuất huyết dưới da nhưng vùng trung tâm của vòng thì da lành, khi ấn thì hơi lõm xuống. Một số vùng da xuất hiện vết phỏng nước. Hiện bệnh viện chưa xác định được tổn thương kể trên là dạng ban nào (Tuổi trẻ trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang