Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 7/09/2016

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam chuẩn bị đối phó với dịch virus Zika thế nào?; 15,6 triệu người Việt Nam hút thuốc- thuộc hàng cao nhất thế giới…

Việt Nam chuẩn bị đối phó với dịch virus Zika thế nào?

Trước tình trạng dịch do virus Zika diễn biến phức tạp trên thế giới và bùng phát tại Singapore (đã có 242 người mắc với trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 20-27 trường hợp mắc mới), Bộ Y tế đã đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch do virus Zika tại Việt Nam. Bộ Y tế Thái Lan và Malaysia cũng vừa đưa ra cảnh báo virus Zika bắt đầu lây lan ở 2 nước này. Chủng virus Zika có nguồn gốc từ Châu Á không phải xâm nhập

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, ngày 2.9 vừa qua, WHO đã tổ chức cuộc họp Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) lần thứ 4 và tiếp tục khẳng định tình trạng dịch bệnh do virus Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế do sự liên quan giữa virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh (GBS), đồng thời cho rằng sự lan truyền của virus Zika sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 2.9.2016 đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika.

Cuối tháng 8.2016 đến nay, tại Singapore bùng phát dịch do virus Zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hằng ngày. Trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika tại Singapore được phát hiện vào ngày 28.8.2016, sau đó Bộ Y tế Singapore đã tổ chức tăng cường giám sát rộng rãi bệnh do virus Zika đến từng hộ gia đình và đến nay đã ghi nhận 242 trường hợp mắc, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 20 - 27 trường hợp mắc mới. Kết quả giải trình tự gene cho thấy đây là chủng virus có nguồn gốc Châu Á, không phải là chủng xâm nhập từ các nước khu vực Nam Mỹ.

Bộ Y tế hết sức quan ngại về sự bùng phát của dịch bệnh do virus Zika tại Singapore. Trao đổi về vấn đề này, PGS - TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết: “Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên thế giới và bùng phát tại Singapore, để chủ động phòng, chống không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, Bộ Y tế đã chủ động ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch; đồng thời cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt là các hành khách về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh do virus Zika để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly, hướng dẫn các biện pháp phòng muỗi đốt và tự theo dõi sức khỏe để chủ động đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh”.

Khuyến cáo của Bộ Y tế

Theo PGS Trần Đắc Phu, công tác giám sát cũng được tăng cường tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế cũng phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur cập nhật hướng dẫn giám sát nhằm tăng khả năng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika tại cộng đồng; đồng thời triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex do USCDC hỗ trợ để giám sát sàng lọc đồng thời 3 bệnh Zika, sốt xuất huyết, Chikungunia để phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ do virus Zika. Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết”.

Qua báo cáo của hệ thống giám sát, đến nay trên phạm vi toàn quốc đã xét nghiệm 2.554 mẫu bệnh phẩm và đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Phú Yên. Đây là 3 trường hợp nhiễm virus Zika đơn lẻ trong cộng đồng.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức giám sát chủ động để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus Zika và tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời; đồng thời phối hợp thường xuyên với WHO, USCDC và các đơn vị liên quan để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, virus Zika chưa có vaccine phòng bệnh, lây truyền chủ yếu qua muỗi và đường tình dục do đó để chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Chủ động phòng, chống muỗi đốt, diệt muỗi và loăng quăng; Phòng muỗi đốt như ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi; diệt muỗi, dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất; diệt loăng quăng; Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao caosu để tránh lây truyền virus Zika qua đường tình dục. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm virus Zika và các dị tật của thai nhi.

Cảnh báo virus Zika lây lan ở Thái Lan, Malaysia

Bộ trưởng Y tế Malaysia S.Subramaniam đã cảnh báo về khả năng lây lan của loại virus nguy hiểm ở nước này sau ca thứ hai bị nhiễm. Trường hợp đầu tiên nhiễm Zika ở Malaysia là một phụ nữ 58 tuổi từng đến thăm con gái ở Singapore, trước đó đã bị nhiễm Zika. Trường hợp thứ hai là người đàn ông 61 tuổi đang mắc bệnh tim và đã qua đời do biến chứng. Người này chưa từng ra nước ngoài. Trong khi đó Bộ Y tế công cộng Thái Lan phối hợp với các bộ ngành liên quan để đẩy nhanh tiến độ xoá nguồn sinh sản của muỗi. Hai thai phụ tại thủ đô Bangkok đã bị phát hiện dương tính với virus Zika, khiến các nhà chức trách nước này áp dụng thêm nhiều biện pháp giám sát tăng cường. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan khẳng định sự lây lan của virus Zika ở Thái Lan không nghiêm trọng như cảnh báo của Trung tâm về Phòng, chống và Kiểm soát dịch bệnh Châu Âu. Đến nay chưa ghi nhận ca tử vong nào vì virus Zika ở Thái Lan và không phát hiện trường hợp đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.   (Lao động (trang 1), Nhân dân (trang 8), Sức khỏe & Đời sống (trang 3).

15,6 triệu người Việt Nam hút thuốc- thuộc hàng cao nhất thế giới

Ngày 6.9, Bộ Y tế đã tổ chức công bố kết quả điều tra lần thứ 2 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 (GATS 2015). So với cuộc điều tra GATS đầu tiên được thực hiện vào năm 2010, kết quả cuộc điều tra lần 2 này đã cho thấy có nhiều sự thay đổi.

 Tính từ năm 2010 đến 2015, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá tại nam giới khu vực nông thôn vẫn không thay đổi thì tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá đã giảm gần 7%. Cùng đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở hầu hết các địa điểm công cộng cũng đã giảm mạnh.

Cụ thể, so với năm 2010, cuộc điều tra năm 2015 cho thấy số người hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc đã giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); số người hút thuốc lá thụ động tại cơ sở chăm sóc y tế giảm từ 23,6% năm 2010 xuống 18,4% năm 2015; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại các trường đại học, cao đẳng giảm mạnh đến 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%); tỷ lệ hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,3% xuống còn 19,4%)…

Cũng theo điều tra mới nhất về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2015 (GATS 2), tổng số người hút thuốc của nước ta hiện khoảng 15,6 triệu người, trong đó chủ yếu là nam giới (tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%). Dù tỷ lệ người hút thuốc đã giảm song Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Đáng chú ý, sự giảm tỷ lệ hút thuốc được quan sát rõ nhất ở khu vực thành thị. Năm 2015, tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá điếu đã giảm đáng kể từ 45,2% (năm 2010) xuống còn 38,7%, tức giảm được gần 7%. Tuy vậy, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ nam giới hút thuốc vẫn chưa có sự thay đổi. Trong khi đó, thuốc lá điện tử cũng bắt đầu được sử dụng nhiều hơn ở nước ta với tỷ lệ 0,2% người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên hút thuốc…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong liên quan đến hút thuốc lá, tại Việt Nam cũng có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến hút thuốc mỗi năm.

GATS là Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá nhằm giám sát tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại các nước. So với cuộc điều tra GATS đầu tiên được thực hiện vào năm 2010, kết quả cuộc điều tra lần thứ hai này đã có nhiều sự thay đổi. Đáng chú ý tại lần công bố này, mức giảm tỷ lệ hút thuốc được quan sát rõ nhất ở khu vực thành thị. Năm 2015, tỷ lệ nam giới ở thành thị hút thuốc lá điếu đã giảm, tuy vậy, ở khu vực nông thôn, tỷ lệ nam giới hút thuốc vẫn chưa có sự thay đổi. Đây là lần thứ hai Việt Nam tham gia điều tra này. Điều tra lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2010.

Phát biểu tại buổi công bố, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: “Tác hại của thuốc lá là vô cùng nguy hiểm. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 6 triệu người tử vong liên quan đến hút thuốc lá còn tại nước ta cũng có khoảng 40.000 người tử vong liên quan đến hút thuốc mỗi năm. Đặc biệt, càng ngày chúng ta càng tìm ra nhiều bệnh liên quan đến khói thuốc hơn là chúng ta tưởng. Gần đây các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được những người hút thuốc lá nhiều thì thế hệ sau của họ có nguy cơ bị dị dạng, tật nguyền, biến đổi gen nhiều hơn. Rồi những người hút thuốc lá nhiều cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nhiều hơn, đây là những tác hại mà trước đây chúng ta chưa tính tới”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, thời gian qua công tác phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, “tuy chưa tạo chuyển biến giật mình nhưng có thể nói là có hiệu quả đáng ghi nhận”. Số liệu về tỷ lệ người hút thuốc lá, người chịu ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động được đưa ra tại cuộc điều tra GATS 2 năm 2015 chính là minh chứng đáng tin cậy cho nhận định này. (Lao động (trang 1), Nông thôn ngày nay (trang ), Sức khỏe & Đời sống (trang 1), Hà Nội mới (trang 5).

Bệnh nhân mắc bệnh lạ sau ăn tiết canh vịt đã chết

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, vừa cho hay nam bệnh nhân xuất hiện ban lạ trên da hiện chưa xác định được nguyên nhân đã tử vong sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện.

Trước khi tử vong, bệnh nhân hôn mê và sốc không hồi phục, trên da xuất hiện các hồng ban dạng vòng nhẫn, vùng trung tâm của vòng nhẫn bị lõm khi ấn và có nốt phỏng nước ở vành xung quanh vòng nhẫn, nhưng căn nguyên nào dẫn đến loại ban lạ này thì các bác sĩ chưa xác định được, phải đợi kết quả xét nghiệm bệnh phẩm để đánh giá.

Theo ông Cấp, bệnh nhân này là công chức sống ở Hà Đông, Hà Nội. Bình thường bệnh nhân vẫn hay uống rượu, ăn tiết canh, trước khi mắc bệnh khoảng 10 ngày có ăn tiết canh và khoảng 1 ngày trước khi vào viện cũng có thông tin bệnh nhân ăn tiết canh vịt.

Tuy nhiên, do bệnh nhân đã hôn mê nên các bác sĩ không khai thác kỹ được tiền sử và đến nay vẫn chưa xác định được căn nguyên dẫn đến căn bệnh lạ này.

Biểu hiện bệnh và các hồng ban lạ trên da bệnh nhân này đang được đưa lên mạng để lấy ý kiến rộng rãi giới y khoa cả nước.  (Tuổi trẻ (trang 14).

Đã có 4.000 - 5.000 người Việt chuyển đổi giới tính

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho hay đã có 4.000 - 5.000 người VN chuyển đổi giới tính trong những năm qua.

Họ được xếp vào 3 nhóm: không can thiệp y khoa; chỉ điều trị bằng nội khoa (tiêm thuốc, hormol) và đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chủ yếu trong số này là nam chuyển giới sang nữ ở Thái Lan và nhiều người trong số họ công khai quá trình chuyển giới, sự thật về nhân thân… Có những người là ca sĩ nổi tiếng hay là người thành đạt trong xã hội.

Tuy nhiên cho đến nay do chưa có luật hướng dẫn, nên những người chuyển giới gặp nhiều khó khăn trong xác nhận lại về nhân thân, lý lịch tư pháp. Chứng minh thư, hộ chiếu của họ ghi giới tính nam, ảnh trong giấy tờ tùy thân là nam nhưng người thật lại là nữ và ngược lại.

Những khó khăn này khiến người chuyển đổi giới tính gặp trở ngại trong đi lại, học hành, tìm việc làm, giao dịch với ngân hàng và các cơ quan công quyền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 6-9 sau khi Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan bắt đầu khởi thảo Luật về chuyển đổi giới tính tại VN, Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang cũng cho biết hiện pháp luật đã cho phép công dân có quyền chuyển đổi giới tính nếu có những bất thường về giới tính.

Bộ Y tế sẽ chủ trì xây dựng một luật chuyên ngành để hiện thực hóa quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Dự kiến luật sẽ được xây dựng và đệ trình Quốc hội ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội này.

Ông Quang cho rằng luật sẽ được xây dựng với dự kiến những người đã chuyển đổi giới tính tại các cơ sở hợp pháp ở Thái Lan hoặc các quốc gia khác sẽ được chấp nhận xác định lại giới tính, tên trong lý lịch tư pháp, người chuyển đổi giới tính tại các cơ sở chưa được phép của nhà nước sở tại (còn được gọi là cơ sở chui) phải trải qua quá trình tư vấn tâm lý, kiểm tra về y khoa…

Riêng những người chuẩn bị chuyển đổi giới tính, luật dự định yêu cầu ngoài quá trình tư vấn với bác sĩ tâm lý, kiểm tra về nhiễm sắc thể hay thăm khám, mỗi người đều phải sống thử với giới tính mới trong một thời gian nhất định để xác định mức độ hòa nhập trước khi chính thức được can thiệp về y khoa (Tuổi trẻ (trang 14).

Lâm Đồng: Trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết

Một cháu bé 9 tháng tuổi bụ bẫm đã tử vong do sốt xuất huyết. Trước đó, gia đình đưa cháu đến phòng khám tư và bác sĩ ở đó chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi, chích thuốc rồi bảo đưa về nhà theo dõi.

Ngày 6/9, Giám đốc Sở y tế Lâm Đồng Phạm Thị Bạch Yến ho biết cháu H.H.P (9 tháng tuổi, trú tại phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc) là bệnh nhân đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2016.

Khi P bị sốt cao, gia đình đưa đến phòng khám tư nhân. Bác sĩ phòng khám chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi, chích thuốc rồi bảo đưa về nhà theo dõi. 5 ngày sau, cháu P tiếp tục sốt cao hơn nên người thân đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng. Tuy nhiên, do sức khỏe lúc đó quá yếu lại bị sốt cao nên cháu đã tử vong.

Hiện Lâm Đồng đã có gần 1.300 ca sốt xuất huyết, tăng xấp xỉ 400 ca so với tháng trước. Cơ quan chức năng dự báo số ca mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng bởi đỉnh dịch sốt xuất huyết tại địa phương thường kéo dài từ tháng 9 - 11.

Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các phòng y tế của 12 huyện, thành phố trong tỉnh quán triệt tất cả các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải lưu ý những trường hợp bị sốt cao. Trong tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay, các phòng khám tư nhân nên nhanh chóng chuyển những trường hợp bị sốt cao vào bệnh viện điều trị.   (Tiền phong (trang 2).

10 nạn nhân trong vụ lật xe khách được điều trị tại BV Bạch Mai

10 nạn nhân trong vụ lật xe khách Pháp Vân - Cầu Giẽ sáng 6.9 hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Rất may, đến thời điểm hiện tại không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng.

Thông tin với báo chí, TS. Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp- Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Do cùng một lúc có rất nhiều nạn nhân nên Bệnh viện đã huy động tối đa bác sĩ, điều dưỡng để kịp thời xử lý. Các vết thương ngoài đã được xử lý kịp thời. Một số BN bị chấn thương vùng đầu đã được đưa đi chụp CT sọ não và đang chờ kết quả. Đến thời điểm hiện tại, không có trường hợp nào nguy hiểm đến tính mạng.

Phòng Cấp cứu ngoại, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang theo dõi và điều trị cho 10 nạn nhân trong vụ lật xe khách tại tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Các nạn nhân lác đác vào Phòng Cấp cứu ngoại từ 7h30 sáng nay 6.9 bằng nhiều loại phương tiện khác nhau.

Theo báo cáo của kíp trực cấp cứu, trong số 10 nạn nhân có 6 nam, 3 nữ và 1 trẻ em. Các nạn nhân đều quê ở Kim Sơn, Ninh Bình, 1 nạn nhân quê ở Thái Bình. Các nạn nhân bị chấn thương chủ yếu là vùng đầu và tay chân; vùng bụng ngực tạm thời sơ bộ là ổn.

Trong số các nạn nhân có hai mẹ con. Cháu bé được mẹ ôm nên chỉ có vết thương ở vùng bàn chân, đã được xử lý. Mẹ cháu có vết thương ở vùng đầu đã được khâu.

Trước đó, vào khoảng 7h15 sáng nay (6.9), tại km 205 tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đoạn qua địa phận xã Đỗ Xá, huyện Thường Tín, Hà Nội, một chiếc xe khách mang BKS 35N-9116 đang lưu thông theo hướng Hà Nam - Hà Nội, đến đoạn đường trên đã bất ngờ bị lật nhào. Vụ tai nạn làm 2 người chết ngay tại chỗ. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Bệnh nhân ung thư phổi di căn khắp cơ thể vẫn chữa khỏi

Sự ra đi của nghệ sĩ Hán Văn Tình vì bệnh ung thư phổi; thêm vào đó là thông tin sức khỏe của ca sĩ Minh Thuận cũng chuyển xấu vì bệnh ung thư phổi khiến dư luận không khỏi lo sợ trước căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, bệnh ung thư phổi vẫn có thể chữa khỏi và minh chứng rõ nhất là đã có nhiều bệnh nhân ung thư phổi, thậm chí bệnh đã di căn khắp cơ thể đã được chữa khỏi và sống tốt. Đây rõ ràng là những kỳ tích y học.

GS.TS Mai Trọng Khoa, PGĐ BV Bạch Mai, GĐ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của BV cho biết: Tại Trung tâm, có rất nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn đã được chữa khỏi. Nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong điều trị ung thư, một bệnh nhân và cũng là một bác sĩ đã thoát khỏi án tử ung thư 5 năm nay dù căn bệnh ung thư phổi đã di căn khắp cơ thể "từ đầu đến chân". Và như đã biết, bệnh nhân ung thư sống sót sau 5 năm phát hiện bệnh thì có thể coi là khỏi bệnh hoàn toàn.

"Vị bác sĩ này phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn muộn cách đây hơn 5 năm. Bệnh nhân không có biểu hiện đau đớn gì ngoài ho kéo dài 3-4 tuần, uống thuốc mãi không khỏi. Chỉ đến khi đi chụp PET/CT quét toàn thân thì mới phát hiện ung thư phổi giai đoạn 4B tức là đã rất muộn. Bệnh đã di căn tràn lan đến cột sống, tủy xương và sau đó khối u di căn lên não, đẩy nhãn cầu lồi ra phía trước, ép bong võng mạc"- GS. Khoa thông tin.

Cũng theo GS. Khoa, trong ung thư, người ta chia thành các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4A và 4B. Trước đây, với các bệnh nhân ung thư di căn giai đoạn 4B như vậy, thường chỉ áp dụng các phương pháp điều trị triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ, nâng cao thể trạng... Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân này, do ý thức tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị cùng với việc áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất như chụp PET/CT vừa để chẩn đoán, vừa để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị và sau đó là phẫu thuật bằng dao gamma quay, tiếp đó là duy trì hóa chất, thuốc điều trị đích.... bệnh nhân đã chiến thắng được căn bệnh, toàn bộ khối u không còn. Vị bác sĩ này hiện đã khỏe mạnh, đi làm bình thường, đủ sức khỏe đi làm từ thiện khắp nơi...

Nói về căn bệnh ung thư, GS. Khoa cho rằng, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất trên thế giới. Hàng năm, số lượng người mới mắc bệnh không ngừng tăng lên và một tỷ lệ rất lớn trong số đó đã tử vong. Theo số liệu của Globocan (2012) riêng trong năm 2012 tại Việt Nam có 125.000 ca ung thư mới mắc và 94.700 người tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, có rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán sớm và điều trị sớm, hầu hết ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, nhưng hiệu quả điều trị thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việc điều trị ung thư thường phải phối hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích.... Trong đó có hơn 50% số bệnh nhân ung thư ở nước ta có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và đặc biệt để điều trị với các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu, xạ trị áp sát, cấy hạt phóng xạ, xạ trị trong chọn lọc... (*Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

Về những tố cáo liên quan đến BV Tâm thần TW 1: Có nội dung đúng, có nội dung sai và không thuộc quyền  của BYT

BYT vừa có Kết luận số 878/KL-BYT thông báo kết luận nội dung tố cáo đối với BV Tâm thần TW 1 theo nội dung tố cáo của công dân. Sauk hi đoàn thanh tra của BYT đã tiến hành quá trình kiểm tra, xác minh các nội dung tố cáo, các tài liệu, chứng cứ có liên quan… BYT kết luận nhiều nội dung tố cáo có đúng, có sai và có những nội dung tố cáo không có cơ sở, không thuộc thẩm quyền của BYT (chi tiết xem báo) (Sức khỏe & Đời sống (trang 11):

BV Bạch Mai: Cứu sống bệnh nhân người Malta suy hô hấp suýt chết

GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống một bệnh nhân có quốc tịch Malta qua cơn nguy kịch vì nhiễm cúm B và viêm phổi do tụ cầu vàng.

Gần một tháng trước, bệnh nhân này đã sang Việt Nam để du lịch, sau đó anh ta bị cúm B và viêm phổi do tụ cầu vàng. “Đây là vi khuẩn hết sức nguy hiểm, cực kỳ độc, khiến bệnh nhân này bị suy hô hấp nặng, phim chụp phổi đã trắng xóa, chức năng hô hấp gần như không còn”- GS. Bình nói.

Bệnh nhân này đã được đưa vào BV Việt Pháp, được thở máy, truyền dịch, dùng thuốc kháng sinh. Sau đó được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu. Ngay lập tức, GS. Bình đã chỉ đạo sử dụng phương pháp điều trị hồi sức tiên tiến nhất là kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO), lọc máu liên tục kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ khác.

Khoảng 8 ngày sau, chức năng phổi của bệnh nhân đã tốt lên, bệnh nhân dừng được máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo. Sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục, bệnh nhân tỉnh táo. Chi phí cho quá trình điều trị hết hơn 350 triệu đồng.

Sáng nay (5/9), bệnh nhân đã khỏe mạnh ra viện sau 15 ngày điều trị tích cực.

Theo GS. Bình, với các bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, diễn biến bệnh rất nhanh, phổi hoàn toàn bị “úng nước” nên các phương pháp hồi sức cấp cứu như: dùng máy thở, thuốc đều bị vô hiệu quá, phổi không thể thu nhận oxy, do đó tỉ lệ tử vong rất lớn. Phương pháp ECMO là cứu cánh giúp “thở hộ” cho những bệnh nhân bị mất chức năng hô hấp. ECMO nói đơn giản là rút máu từ trong cơ thể ra ngoài, bơm oxy rồi lại truyền vào cơ thể.

Đây là một trong những kỹ thuật hiện đại đã được ứng dụng, triển khai tại nhiều BV trong cả nước giúp cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo, hoặc giảm tỉ lệ tử vong một cách rõ rệt. Chẳng hạn, với bệnh nhân viêm tụy cấp, trước đây tỉ lệ tử vong là 50% thì nay giảm xuống chỉ còn 10%; bệnh nhân suy gan cấp trước đây tỉ lệ tử vong là 90%, nếu dùng ECMO thì chỉ còn 50%... Các ca suy hô hấp nặng do cúm, tỉ lệ tử vong cũng giảm vài chục phần trăm...

Hiện mỗi ca ECMO có chi phí trung bình khoảng 300-400 triệu đồng, trong đó có nhiều chi phí đã được Bảo hiểm y tế chi trả.

Các bác sĩ cho biết: Hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) có thuận lợi là dễ dàng, nhanh chóng có thể khởi tiến hành nhanh chóng trong vòng 20 – 30 phút mà không phải mở xương ức và đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp có ngừng tuần hoàn. Máu được lấy ra từ tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch trung tâm qua ống thông lớn qua hệ thống môtơ quay tốc độ 500-3.000 vòng/phút, với phương thức ly tâm từ trường để trao đổi oxy (nhận oxy), thải CO2. Sau đó, máu đã được làm giàu oxy, được bơm trở về động mạch chủ dưới hoặc tĩnh mạch trung tâm, thực chất là làm thay công việc co bóp tống máu của tim và làm giàu oxy của phổi.

Kỹ thuật ECMO có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim – chức năng phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao. Kỹ thuật tiên tiến này cũng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hồi sức cho những trẻ sơ sinh non yếu có phổi chưa trưởng thành, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như: viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9 nặng mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả; viêm phổi do vi khuẩn hoặc do các tình trạng sốc nguyên nhân do tim như: do viêm cơ tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng, suy tim nặng chờ ghép tim…(Sức khỏe & Đời sống (trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang