Khám bệnh, phát thuốc cho 2.500 người Lào
Đó là một trong những kết quả tình nguyện hè nổi bật năm 2016 vừa đươc Thành Đoàn Đà Nẵng cho hay.
Theo đó, chương trình tình nguyện quốc tế tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được tổ chức từ ngày 11 đến 17/6/2016 tại tỉnh Saravane, với sự tham gia của 43 cán bộ, đoàn viên thanh niên y bác sỹ đến từ các đơn vị trực thuộc.
Tại đây, đoàn công tác đã khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 2.500 người dân có hoàn cảnh khó khăn, tặng 150 suất quà cho 150 hộ dân, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Ngoài ra, đoàn còn trao nhiều máy tính cho các huyện đoàn, dụng cụ học tập, dụng cụ thể thao cho thiếu nhi.
Thanh Trần Tiền phong (trang 7)
Gia tăng bệnh nhân bỏng
Theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, chỉ trong 1 tháng (từ ngày 5-9 đến 5-10), bệnh viện đã tiếp nhận 75 trường hợp (gồm cả người lớn và trẻ em) bị bỏng các loại như: do cháo, do bỏng lửa, nước sôi, bỏng mỡ, bỏng cồn, bỏng xăng…
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, đa phần các trường hợp tai nạn bỏng nhập viện đều bắt nguồn từ sự lơ là, bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.
Trong trường hợp trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, cần tưới rửa vùng bỏng dưới vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng.
Duy Tiến An ninh thủ đô (trang 2)
Phối hợp phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới
Ngày 6-10, tại thị xã Sầm Sơn, Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng (ADB) tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị phối hợp phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới giữa Ban Quản lý dự án ADB tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Sơn La, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ban Quản lý dự án ADB tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã chia sẻ thông tin về tình hình dịch HIV/AIDS, công tác phối hợp giữa các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La và Hủa Phăn trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; kết quả phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 - 2016. Các tỉnh nêu trên đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn, xét nghiệm nhóm nguy cơ; tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS, giám sát kỹ thuật, cấp trang thiết bị cho các đơn vị, thực hiện các mô hình thí điểm phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới Việt - Lào.
Qua đó, làm chuyển biến đáng kể về nhận thức, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Dù vậy, địa bàn rộng, phức tạp, bất đồng về ngôn ngữ, đội ngũ cán bộ mỏng, năng lực còn hạn chế, số lượng người nghiện, chích ma túy có xu hướng tăng, người nhiễm HIV tiềm ẩn trong cộng đồng còn lớn.
Hội nghị đã tập trung khi thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, thống nhất nội dung, kế hoạch, ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới Việt - Lào trong thời gian tới.
Nội dung biên bản nhấn mạnh việc đẩy mạnh sự hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị, góp phần làm giảm lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, tăng cường cơ chế phối hợp phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào (Thanh Hóa - Sơn La - Hủa Phăn) nhằm đạt kết quả cao, bền vững hơn trong tương lai.
Mai Luận Nhân dân (trang 5)
Xây dựng cơ sở 2 BV Nhi TƯ tại Quốc Oai - Hà Nội
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 8292/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về địa điểm quy hoạch xây dựng cơ sở II Bệnh viện Nhi Trung ương.
Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội để bố trí địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở II Bệnh viện Nhi Trung ương như đề nghị của UBND thành phố Hà Nội tại Thị trấn sinh thái Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội; bảo đảm việc kết nối về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho khu vực phía Tây của thành phố Hà Nội và cho cả vùng Thủ đô.
Bệnh viện Nhi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về lĩnh vực nhi khoa. Bệnh viện được xây dựng từ những năm 1980 nên đã lạc hậu; trong khi nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao khiến cơ sở vật chất của bệnh viện luôn ở trong tình trạng quá tải trầm trọng.
Vì vậy, việc triển khai xây dựng cơ sở 2 là rất cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện trong việc khám, chữa bệnh cho trẻ em, phát triển cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tăng cường nghiên cứu trong lĩnh vực sức khỏe trẻ em.
Dự kiến, cơ sở II Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ được xây dựng với quy mô từ 1.000 đến 1.500 giường.
Sức khỏe đời sống (trang 2)
Thông tin “bác sĩ chỉ học 4 năm” là chưa chính xác
Vừa qua, một số phương tiện truyền thông đại chúng thông tin, thời gian đào tạo đại học (ĐH) hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ rút xuống còn 4 năm...
Vừa qua, một số phương tiện truyền thông đại chúng thông tin, thời gian đào tạo đại học (ĐH) hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ rút xuống còn 4 năm, kể cả đối với ngành y đa khoa và y học dự phòng (hiện đào tạo 6 năm) đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), việc đưa thông tin về thời gian đào tạo y khoa rút xuống còn 4 năm là chưa chính xác.
Mô hình mới trong đào tạo y khoa
Theo ông Nguyễn Minh Lợi, đây chỉ là sắp xếp lại việc đào tạo theo 3 giai đoạn, nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, như song song tồn tại cả bằng bác sĩ (BS) chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và tiến sĩ, thạc sĩ y khoa. Còn muốn trở thành BS vẫn bắt buộc phải có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm cộng thêm 1 năm thực hành nghề nghiệp và phải thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề.
Theo đó, Bộ Y tế đã đề xuất mô hình đào tạo y khoa trong thời gian tới với nhiều điểm thay đổi khi chia ra 2 hướng đào tạo và thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 có trình độ ĐH với chương trình đào tạo 4 năm, sau khi tốt nghiệp được gọi là cử nhân y khoa. Bộ Y tế xác định giai đoạn đào tạo ĐH để cấp bằng cử nhân y khoa chỉ trang bị những kiến thức khoa học về y học gồm: kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở và những kiến thức nền tảng về chuyên ngành. Những người muốn học tiếp ở trình độ cao hơn để nghiên cứu hoặc hành nghề y khoa buộc phải học tiếp.
Giai đoạn 2, trình độ thạc sĩ và tương đương. Nếu đi theo hướng nghiên cứu (dự báo khoảng dưới 5%) thì học chương trình đào tạo thạc sĩ, trong đó có thạc sĩ y học. Nếu đi theo hướng hành nghề (dự báo khoảng trên 95%), học chương trình y khoa khoảng 2 năm, tốt nghiệp được gọi là BS y khoa. Những người này phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp khoảng một năm và trải qua kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề với vai trò BS đa khoa.
Giai đoạn 3, trình độ tiến sĩ và tương đương. Nếu đi theo hướng nghiên cứu, người có bằng thạc sĩ y học học chương trình đào tạo tiến sĩ y học. Nếu đi theo hướng hành nghề, người được công nhận BS đa khoa học chương trình chuyên khoa tối thiểu khoảng 2 năm, tốt nghiệp được gọi là BS chuyên khoa.
Đối với điểm mới về bổ sung quy định kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề, nếu đi theo hướng hành nghề khám chữa bệnh (KCB), ông Lợi nhấn mạnh, hiện nay, chỉ cần tốt nghiệp ĐH y với 6 năm học là thành BS và được hành nghề, tuy nhiên, điểm mới quan trọng trong dự thảo Nghị định về tổ chức đào tạo thực hành y khoa thì để trở thành BS, bắt buộc phải có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm, thêm 1 năm thực hành nghề nghiệp và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề. Tiếp đến, hiện nay, những người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ y học vẫn được hành nghề KCB như các BS đa khoa, chuyên khoa. Nhưng tới đây, các tiến sĩ, thạc sĩ y học sẽ không được hành nghề KCB nếu không học thêm chương trình bác sĩ y khoa và BS chuyên khoa và chưa thi chứng chỉ hành nghề.
Đổi mới đào tạo để nâng cao chất lượng KCB và yêu cầu hội nhập
Trước câu hỏi đâu là cơ sở khiến Bộ Y tế đề xuất thay đổi hình thức đào tạo? Ông Lợi thông tin, qua nghiên cứu cho thấy mô hình đào tạo y khoa tại Việt Nam đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, chưa thực sự hội nhập với xu hướng quốc tế. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề xuất đổi mới mô hình đào tạo y khoa của Việt Nam sau khi lấy ý kiến của các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học và Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y, Dược Việt Nam. Đồng thời mô hình này đã được Bộ Y tế tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, mà mới đây nhất là Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về đào tạo nhân lực y tế (cuối tháng 9 vừa qua), đồng thời báo cáo trước Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Ủy ban Quốc gia về đổi mới và phát triển nguồn nhân lực.
Mục đích của đổi mới trong đào tạo y khoa sẽ được xây dựng sao cho phù hợp và hài hòa chung trong hệ thống giáo dục Việt Nam; đảm bảo tính đặc thù trong đào tạo y khoa (hướng nghiên cứu và hướng hành nghề KCB); có sự kế thừa mô hình đào tạo đang áp dụng, không gây xáo trộn về cơ cấu nhân lực trong hệ thống y tế.
Ngoài ra, việc đổi mới này cũng đảm bảo công bằng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tối đa năng lực làm việc và quyền lợi cho người cán bộ y tế khi tham gia thị trường lao động, đảm bảo tính hội nhập quốc tế, dễ dàng tham chiếu khi công nhận lẫn nhau về văn bằng, trình độ đào tạo và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề...; bảo đảm tính khả thi và phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Sức khỏe đời sống (trang 3)
Mở rộng phạm vi thanh toán BHYT đối với các dịch vụ phục hồi chức năng
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám chữa bệnh- Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư số 18/2016/TT-BYT quy định Danh mục kỹ thuật, Danh mục vật tư y tế dùng trong phục hồi chức năng (PHCN) và việc chi trả chi phí phục hồi chức năng ban ngày thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).
Phát biểu tại Hội nghị, BSCKII. Hoàng Văn Thành- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư số 18/2016/TT-BYT quy định Danh mục kỹ thuật, Danh mục vật tư y tế dùng trong PHCN và việc chi trả chi phí PHCN ban ngày thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đã mở rộng phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đối với các dịch vụ PHCN, tạo điều kiện cho người khuyết tật có BHYT đi khám chữa bệnh, PHCN, giảm bớt khó khăn khi khám, chữa bệnh, PHCN. Thông tư số 18/2016/TT-BYT cũng mở rộng danh mục vật tư y tế được BHYT thanh toán, người khuyết tật đã được thanh toán các vật tư mà trước đây không được thanh toán, như: Nẹp, giầy, ghế chỉnh hình các loại; ghế bại não…; PHCN ban ngày là 01 hình thức điều trị đặc thù của chuyên ngành PHCN, trước kia không được BHYT chi trả, Thông tư 18/2016 ra đời đã được BHYT chi trả cho các cơ sở PHCN.
Thông tư 18/2016 cũng nói rõ: căn cứ Danh mục kỹ thuật KBCB được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ sở PHCN thực hiện dịch vụ KBCB được thanh toán theo hợp đồng đã ký với bảo hiểm xã hội; Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh và PHCN, nếu người bệnh phải cấp cứu hoặc phải điều trị các bệnh khác kèm theo thì cơ sở KBCB và PHCN được sử dụng thuốc, vật tư y tế và các chỉ định điều trị cần thiết phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh toán đối với các trường hợp này như đối với trường hợp điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
ThS Lê Tuấn Đống, Trưởng phòng PHCN và Giám định, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết việc chi trả chi phí dịch vụ kỹ thuật PHCN và khám bệnh, chữa bệnh sẽ dựa theo nguyên tắc Bệnh viện có danh mục kỹ thuật PHCN được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi chỉ định phải ghi cụ thể tên dịch vụ kỹ thuật và vị trí cơ thể được thực hiện kỹ thuật vào hồ sơ bệnh án. Việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh phải phù hợp với chẩn đoán. Bệnh viện thực hiện dịch vụ kỹ thuật nào thanh toán dịch vụ đó. Đối với cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở PHCN áp dụng hình thức thanh toán theo định suất hoặc theo nhóm bệnh thì bảo hiểm xã hội căn cứ danh mục kỹ thuật để giám định, chi trả.
Việc chi trả BHYT cho các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám chữa bệnh khi người bệnh chuyển tuyến theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của BT Bộ YT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh và Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.
"Căn cứ vào danh mục kỹ thuật PHCN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện không có kỹ thuật phù hợp với nhu cầu PHCN của người bệnh, thì cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã được chuyển người bệnh lên cơ sở PHCN tuyến tỉnh"- ông Lê Tuấn Đống cho biết.
Đối với mức chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ban ngày thì việc chi trả chi phí thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật đối với hình thức PHCN ban ngày thực hiện như hình thức điều trị nội trú. Mức chi trả chi phí ngày giường bệnh đối với hình thức PHCN ban ngày thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc và các quy định khác có liên quan.
Thái Bình Sức khỏe đời sống (trang 7)