Bệnh viện Thanh Nhàn đưa vào sử dụng phòng mổ hiện đại nhất thế giới
Ngày 6-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã dự lễ tiếp nhận bàn giao, đưa vào sử dụng phòng mổ Hybrid thuộc dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn II.
Dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn II, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 665 tỷ đồng. Với dự án này, đầu năm 2018, bệnh viện đã đưa vào sử dụng khu nhà khám và điều trị 9 tầng cùng các trang thiết bị hiện đại.
Cũng trong khuôn khổ của dự án, bệnh viện còn được đầu tư 3 phòng mổ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Tháng 6-2019, các phòng mổ này được hoàn thành. Các chuyên gia nước ngoài đã được mời đến để đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ cho bệnh viện.
Trong 3 phòng mổ, phòng mổ tích hợp số 2 và 3 dành cho chuyên khoa khớp và ổ bụng. Phòng mổ còn lại là phòng mổ Hybrid đầu tiên trên cả nước được trang bị hệ thống phòng mổ tích hợp (Integrated Operating Room) của hãng Karl Storz và hệ thống chụp mạch xóa nền Artis Pheno với cánh tay rô bốt tiên tiến nhất được Công ty Siemens Healthineers (Đức) phát triển.
Ông Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, Artis Pheno cũng là dòng máy chụp mạch rô bốt duy nhất hiện nay trên thế giới cho phép chụp CT 360 độ và tốc độ chụp nhanh nhất, giúp nâng cao chất lượng hình ảnh cũng như tiết kiệm lượng thuốc cản quang. Artis Pheno còn được trang bị chức năng đặc biệt giúp tối ưu hóa các thông số hình ảnh cho phù hợp nhất với các bộ phận cần chụp. Đây cũng là hệ thống chụp mạch đầu tiên trên thế giới được phát triển dựa trên khái niệm kiểm soát nhiễm khuẩn và phù hợp để sử dụng trong phòng mổ ở điều kiện vô trùng do các bề mặt được thiết kế phủ kháng khuẩn và phẳng giúp vệ sinh dễ dàng.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung chúc mừng các đơn vị đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khu nhà 9 tầng thuộc dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn bảo đảm tiến độ, đáp ứng kịp thời, hiệu quả nhu cầu khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nêu rõ: "Tiếp nối kết quả trên, ngày hôm nay, chúng ta tổ chức lễ bàn giao đưa vào sử dụng phòng mổ Hybird hiện đại để phục vụ người bệnh. Theo chủ trương và định hướng phát triển của ngành Y tế Thủ đô, Bệnh viện Thanh Nhàn là một cơ sở y tế mũi nhọn của thành phố, cần được tập trung đầu tư hiện đại, ứng dụng những kỹ thuật, trang thiết bị y tế tiên tiến".
Ngày 16-5-2018, Bộ Y tế đã có văn bản thống nhất danh mục đầu tư cho 3 phòng mổ thuộc dự án Bệnh viện Thanh Nhàn với các thiết bị bảo đảm hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt công tác khám, chữa bệnh với các kỹ thuật cao như: Can thiệp tim, phẫu thuật thần kinh...
Với cơ sở vật chất được trang bị, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn và nhân viên y tế của bệnh viện phát huy tốt cơ sở vật chất được đầu tư, hoàn thành tốt nhiệm vụ khám và chữa bệnh. Từ đó, xây dựng Bệnh viện Thanh Nhàn trở thành bệnh viện kiểu mẫu, giỏi về chuyên môn, mạnh về nghiên cứu khoa học, là trung tâm ứng dụng thực hiện những kỹ thuật cao, chất lượng cao của ngành Y tế Thủ đô.
Đồng thời, trong quá trình sử dụng, bệnh viện tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để tích hợp các hệ thống máy móc hiện có, tiến tới ứng dụng hệ thống y tế thông minh một cách tốt nhất để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn Thủ đô. (Hà Nội mới, trang 2)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 3: “Bệnh viện Thanh Nhàn đưa vào sử dụng 3 phòng mổ hiện đại”
Bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân
Được mệnh danh là "vựa lúa" của đồng bằng sông Hồng, với gần 1,8 triệu dân, hơn 90% số dân sống tại khu vực nông thôn, việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Thái Bình sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư T.Ư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện BHYT toàn dân của tỉnh và phân định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đã tạo ra những đột phá trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện. UBND tỉnh Thái Bình thường xuyên quán triệt các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về BHYT; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý BHYT.
Là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, BHXH tỉnh Thái Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tiếp tục trang bị kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên tại các cơ quan, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, mặt trận, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công đoàn cơ sở, cán bộ phụ trách công tác BHXH tại các doanh nghiệp và nhân viên đại lý thu BHXH, BHYT tại các xã, phường, thị trấn. Phát huy lợi thế của hình thức tuyên truyền trực tiếp cho nhóm đối tượng tại cơ sở, chú trọng tuyên truyền về chính sách BHYT hộ gia đình cho nông dân, người lao động tự do; tuyên truyền lồng ghép tại các hội nghị sơ kết, tổng kết; tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua hình thức sân khấu hóa; tuyên truyền trực quan thông qua các pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu, băng-rôn, phướn, tờ gấp... Phối hợp Sở Y tế tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch triển khai Luật BHYT sửa đổi do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì bảy cuộc đối thoại trực tiếp tuyên truyền, phổ biến Luật BHYT sửa đổi tại bảy huyện trong tỉnh cho hơn 1.000 lượt đại biểu...
Tính đến tháng 6-2019, toàn tỉnh Thái Bình có 1.574.821 người tham gia BHYT, chiếm 87,82% số dân (trong đó có 452.142 người tham gia BHYT hộ gia đình), vượt 1,02% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao năm 2019. BHXH tỉnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với hơn 30 cơ sở y tế và 272 trạm y tế xã, phường, thị trấn; thực hiện thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT kịp thời, đúng quy định; kiểm soát tốt việc gia tăng chi phí KCB tại các cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT.
Tham gia hiệu quả công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại địa phương theo đúng quy định. Tổ chức công tác giám định theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam, thường xuyên thay đổi nhân sự, mô hình cho phù hợp từng thời kỳ, giai đoạn. Ngành y tế và BHXH phối hợp tổ chức tốt việc KCB BHYT từ tuyến y tế cơ sở đến tuyến tỉnh, bảo đảm cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân tham gia KCB BHYT, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm bình đẳng trong KCB BHYT tại các cơ sở KCB và công bằng cho các đối tượng tham gia BHYT.
Chất lượng các dịch vụ y tế được nâng lên, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được bảo đảm; qua 10 năm thực hiện, các chỉ số KCB BHYT đều tăng với tốc độ cao. Nếu năm 2009, số lượt người bệnh KCB BHYT là 1.912.224 lượt, thì đến năm 2018 là 2.692.410 lượt, tăng 780.186 lượt; chi phí KCB BHYT năm 2009 là 326,6 tỷ đồng, năm 2018 là 1.895,4 tỷ đồng, tăng 1.568,8 tỷ đồng, bằng 4,8 lần so với năm 2009; nhóm người gặp nhiều khó khăn về kinh tế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội... đều được chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT.
Từ những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, BHXH tỉnh Thái Bình rút ra những kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển BHYT trên địa bàn. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, vào cuộc tích cực từ cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT cũng như nâng cao chất lượng KCB, quản lý sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT. Không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT đến các nhóm đối tượng; chú trọng các hình thức truyền thông mới; nội dung truyền thông trọng tâm, đa dạng, phong phú, không chỉ quan tâm việc truyền thông phát triển đối tượng mà còn quan tâm truyền thông về quyền lợi, trách nhiệm của người tham gia BHYT, nhất là quyền và trách nhiệm tham gia giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Ðặc biệt trong công tác bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT và quản lý sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT, duy trì hiệu quả chế độ giao ban hằng quý, sáu tháng, một năm với ngành y tế và các cơ sở KCB để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong thanh toán BHYT; phối hợp Sở Y tế kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc sử dụng quỹ BHYT, phát hiện kịp thời những biểu hiện lạm dụng trục lợi quỹ BHYT để kiến nghị xử lý. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và giáo dục đạo đức công vụ cho giám định viên trong công tác giám định BHYT. Tích cực phối hợp, tham gia cùng ngành y tế trong công tác chỉ đạo các cơ sở KCB cải tiến chất lượng bệnh viện, quy trình KCB, đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của đội ngũ nhân viên y tế, tiếp tục triển khai đề án giảm tải bệnh viện, rút ngắn ngày điều trị bình quân, xây dựng các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, chỉ định các dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng người bệnh; quán triệt sử dụng quỹ KCB BHYT tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT. (Nhân dân, trang 5)
Gặp mặt các tình nguyện viên máu hiếm Rh(-)
Ngày 6-10, tại TPHCM, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã tổ chức hội nghị gặp mặt các tình nguyện viên câu lạc bộ (CLB) người có nhóm máu hiếm Rh(-) các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên năm 2019.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được tham gia các hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin về các hoạt động hiến máu cứu người; cập nhật kiến thức về truyền máu cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với phụ nữ có nhóm máu Rh(-).
Cùng ngày, tại Trung tâm Văn hóa quận 8, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM phối hợp Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM và Hội Chữ thập đỏ TPHCM tổ chức Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng lần thứ 11, năm 2019, với chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường”.
Dịp này, đoàn y bác sĩ của Hội Chữ thập đỏ TPHCM cũng tổ chức khám bệnh, tầm soát ung thư cổ tử cung, ung thư vú và phát thuốc miễn phí cho 300 cụ già neo đơn, hội viên, nữ công nhân hoàn cảnh khó khăn (ảnh).
Cũng trong ngày 6-10, Hội Phụ nữ 24 quận huyện cũng đồng loạt ra quân Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng với nhiều hoạt động chăm lo thiết thực đến hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)
Vì sao bệnh tay chân miệng tăng?
Năm nay bệnh tay chân miệng tiếp tục có xu hướng tăng bằng so với cùng kỳ các năm. Điều này chính là nghịch lý bởi theo Sở Y tế TP.HCM, các đơn vị đã "thực hiện rất tốt các giải pháp đề ra". Tại sao vẫn tăng?
Trong buổi giao ban đầu tuần mới đây, giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh có ý kiến truyền đạt yêu cầu các lãnh đạo phòng chức năng phải tìm ra nguyên nhân tại sao dịch tay chân miệng gia tăng.
Bệnh tăng liên tục
Từ giữa tháng 7, lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gia tăng. Các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh đang vào mùa, có xu hướng lây lan nhanh nếu không thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa.
Báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thuộc Sở Y tế TP, trong tháng 8 toàn thành phố có 3.088 ca tay chân miệng được báo cáo. Trong đó có 457 ca nội trú và 2.631 ca ngoại trú, tăng 115% so với tháng 7 (1.438 ca). Số ca tích lũy đến tháng 8-2019 là 9.718 ca, giảm 16% so với cùng kỳ 2018 (11.495 ca), không có ca tử vong. Và theo báo cáo sơ bộ, số trẻ em bị tay chân miệng trong tháng 9 lại có chiều hướng gia tăng.
Ghi nhận tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ mắc tay chân miệng đến khám và được kê thuốc điều trị ngoại trú lẫn số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú đều gia tăng. Nếu như tháng 7 chỉ có hơn 1.900 trẻ đến khám bệnh do mắc tay chân miệng thì trong tháng 8 có đến gần 5.000 ca. Tháng 7 có 168 ca phải nhập viện điều trị nội trú thì đến tháng 8 con số này tăng lên 283 ca và mới chỉ tính đến nửa đầu tháng 9 có đến 235 ca. Trước tình hình này, khoa nhiễm đã bố trí một khu vực dành riêng cho bệnh nhi để tránh lây lan cho các bệnh nhi khác.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 số liệu thống kê sơ bộ cho thấy trong tháng 8, mỗi ngày đơn vị điều trị cho khoảng 20 trẻ nội trú mắc tay chân miệng. Nhưng đến giữa tháng 9 con số này tăng hơn 2 lần (50 trẻ/ngày). Đặc biệt có một số trường hợp khá nặng, phải thở máy.
Trường học và phụ huynh thờ ơ
Quy luật của bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, bắt đầu phát sinh từ tháng 8 kéo dài đến hết tháng 12 khi trẻ trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè.
Theo tìm hiểu, để giám sát việc bùng phát dịch bệnh, từ lâu giải pháp mà Sở Y tế TP đề ra là xây dựng hệ thống giám sát dịch tễ từ TP - quận huyên - phường xã, qua đó ghi nhận ca bệnh đến khám, điều trị tại các bệnh viện báo cáo trong vòng 24 giờ để được điều tra dịch tễ xử lý.
Mặt khác, hằng năm Sở Y tế TP đều ký kế hoạch liên tịch với Sở GD&ĐT, đồng thời có các văn bản chỉ đạo địa phương triển khai "chiến dịch" phòng chống bệnh tay chân miệng, nhất là trong thời điểm khai giảng năm học mới tại các trường học, với các nhóm trẻ. Các khuyến cáo yêu cầu trường học tuân thủ kiểm soát bệnh truyền nhiễm thông qua điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh để cách ly kịp thời, điều trị.
Giải pháp là thế, nhưng ghi nhận tại một số trường mầm non lại cho thấy từ giáo viên đến phụ huynh còn khá thờ ơ với các biểu hiện của trẻ để phòng ngừa. Đặc biệt ở khâu điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh để cách ly kịp thời chỉ là "trên lý thuyết", ít nơi quan tâm.
Tại một trường mầm non ở P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) khi được hỏi về các biểu hiện để nhận biết trẻ bị bệnh tay chân miệng, cô giáo tên A. lắc đầu nói "chịu thua". Rồi cô này cười thú nhận: "Tụi em chỉ được thông báo sơ là giữ gìn vệ sinh trong lớp học, chứ không hiểu rõ về biểu hiện của bệnh nên chỉ khi gia đình chủ động thông báo mới biết bé nào bị ốm".
Chị H., có con từng cho theo học ở đây, cho biết hầu như các trường chỉ quan tâm đến tháng đóng tiền học phí, rất hiếm khi quan tâm đến việc bé bị bệnh hoặc có đi học hay không. "Nếu phụ huynh có con bị bệnh nhưng vẫn cho đi học bình thường thì coi như cả nhóm trẻ đều bị lây bệnh" - chị H. khẳng định.
Không chỉ nguyên nhân từ nhà trường, thực tế có nhiều bậc cha mẹ "phó thác" con cho trường. "Vì công việc bận rộn, họ cứ việc đẩy con vào trường mà ít quan tâm đến việc con mình có bệnh hoặc vừa bị lây bệnh hay không. Chỉ đến lúc con bị bệnh nhập viện mới tá hỏa, lúc ấy quá muộn" - phụ huynh tên T. cho hay.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết đối với bệnh tay chân miệng các giải pháp phòng ngừa, khống chế ổ dịch ngay từ đầu mùa rất quan trọng. Và nếu làm tốt sẽ giảm thiểu số ca nguy cơ lây bệnh. Còn nói ngăn chặn triệt để là điều không thể bởi bệnh chưa có văcxin phòng ngừa. Vậy đâu là nguyên nhân khiến bệnh tăng? Theo BS Khanh, có một thực tế là ý thức của người dân khi chưa mắc bệnh họ không thực hiện phòng ngừa theo khuyến cáo. "Quy luật của bệnh là không thay đổi. Muốn phá vỡ quy luật chỉ có văcxin, bởi nếu chỉ phòng ngừa thường quy, người dân sẽ không thực hành" - BS Khanh nói.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có văcxin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước, xà phòng, vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo nếu phát hiện sớm trẻ có các biểu hiện như thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, co giật, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, da nổi bông hoặc xanh tái, sốc... cần cách ly với các trẻ khác, nhanh chóng đưa trẻ nhập viện tránh bệnh trở nặng, có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Nhà trường biết nhưng không báo
Mấy ngày qua, anh N.D.T. (35 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) bất ngờ thấy con trai 3 tuổi có các biểu hiện lạ như bứt rứt, đêm ngủ không được. Sáng ra, anh kiểm tra phát hiện ở tay, chân nổi các mụn nước, kèm theo đó là những nốt ửng đỏ. Sau khám, bác sĩ khẳng định con trai anh đã "dính" bệnh tay chân miệng và yêu cầu cách ly điều trị.
"Tôi gọi điện cho nhà trường nơi bé học để hỏi sự tình. Nhà trường nói có một bé cùng lớp với con tôi bị tay chân miệng nhưng chưa kịp thông báo cho các phụ huynh khác biết. Tôi khá bất ngờ với cách xử lý này và yêu cầu nhà trường phải có biện pháp cách ly, tẩy trùng, đồng thời thông báo cho phụ huynh biết để chủ động đề phòng" - anh T. nói. (Tuổi trẻ, trang 14)
Mạo danh Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược chữa dạ dày
Mới đây, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai nhận được điện thoại của người dân đề nghị xác minh thông tin “Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai đang có chương trình hỗ trợ 3000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày trên cả nước?”…
Theo phản ánh của người dân đến Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu…thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ”.
Người phản ánh thông tin cho biết thêm, bản thân bị bệnh dạ dày nên khi nhận được thông tin trên, chị này rất vui mừng và đã nhấn nút “đăng ký”, để lại số điện thoại và thông tin cá nhân.
Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của một người lạ tự xưng là bác sĩ của khoa Tiêu hóa – Bệnh viện Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Ngay sau đó, chị lại nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ khác tự xưng là nhân viên của Khoa Dược – Bệnh viện Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.
Nhận được thông tin phản ánh, Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Bạch Mai đã liên hệ với các đơn vị liên quan để xác minh sự việc.
TS.BS.Vũ Trường Khanh, trưởng Khoa Tiêu hóa - BV Bạch Mai khẳng định: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và Khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.
Qua đây, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, đơn vị y tế uy tín để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và lừa đảo người dân trên mạng internet rất phổ biến. Do đó, bà con cần nâng cao cảnh giác và không tin vào những lời quảng cáo có cánh để rồi tiền mất tật mang. Nếu có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 19)
Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 3: “Chiêu trò mới: Mạo danh các bệnh viện lớn để lừa người bệnh”
Mẹ uống thuốc nam, lá cây lợi sữa, bé sơ sinh suýt tử vong
Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận bé Đinh Tuệ A. (24 ngày tuổi, ở Quảng Ninh) vào cấp cứu trong tình trạng tím tái, bú kém, vàng da toàn thân, bụng chướng, có cơn ngừng thở.
Theo lời kể của gia đình, bé là con thứ 2, sinh bằng phương pháp sinh mổ, trẻ khỏe mạnh. Mấy ngày gần đây, do ít sữa nên mẹ bé đã uống một số loại thuốc nam là lá cây nhằm lợi sữa, nhưng chỉ vài ngày sau khi mẹ uống thuốc lá thì xảy ra việc mỗi lần bú mẹ cháu bé lại nôn, trớ, dần dần bỏ bú, người mệt, tím tái…
Tại bệnh viện, bé Đinh Tuệ A. được chẩn đoán suy hô hấp cấp. Bác sĩ Vương Thị Hào - Trưởng khoa Sơ sinh của bệnh viện cho biết, ngay khi tiếp nhận bé, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, truyền dịch và tạm dừng cho trẻ bú mẹ. Hiện nay, sau vài ngày điều trị, sức khỏe bé đã ổn định, tự thở tốt hồng hào, không còn tình trạng nôn trớ, tím tái.
Theo các bác sĩ, với những phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú không nên sử dụng các thực phẩm, các loại lá cây không rõ tác dụng và nguồn gốc xuất xứ bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe sản phụ mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ. (An ninh Thủ đô, trang 19)
Nhập viện vì ngậm đá nano chữa bệnh cả lúc ngủ
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện này vừa xử trí lấy dị vật bị hóc ở cổ họng cho bệnh nhân Nguyễn Thị H. (59 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội).
Theo lời kể của bệnh nhân H., gần đây bà được mời đi dự hội thảo giới thiệu các mặt hàng chăm sóc sức khỏe của một công ty tổ chức ngay tại khu dân cư. Tại hội thảo, bà được tặng một viên đá nano màu đen, hình tròn như đồng xu. Nhân viên của công ty tư vấn sức khỏe này quảng cáo viên đá nano có thể chữa “bách bệnh”, chẳng hạn nếu bị đau xương khớp chỉ cần dán vào chỗ đau, viêm họng thì ngậm, đái tháo đường thì pha vào nước uống… bệnh sẽ tự khỏi mà không cần đi viện.
Tin tưởng vào công dụng thần kỳ của viên đá nano, bà H. mang về sử dụng. Gần đây bà bị viêm họng nên buổi tối trước khi đi ngủ, bà H. cho viên đá vào miệng ngậm. Thế nhưng trong lúc ngủ vô tình viên đá trôi tuột xuống cổ họng gây khó thở, đau nhức, không thể tự lấy ra được nên phải vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông xử lý. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp ra một viên đá nano đường kính 3cm mắc ở cổ họng bệnh nhân H. Theo các bác sĩ, bệnh nhân là người lớn tuổi đường thở yếu và hẹp, dị vật nuốt phải có kích thước khá to, tròn, dễ gây tắc nghẽn đường thở nên nếu không lấy ra kịp thời thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khuyến cáo, hiện chưa biết rõ công dụng thực sự của loại đá nano này đối với sức khỏe, vì thế người dân không nên tin tưởng mà dùng thay thế thuốc điều trị bệnh... (An ninh Thủ đô, trang 19)
Lạm dụng thuốc giảm đau, người đàn ông bị thủng nội tạng
Có tiền sử bị đau các khớp nhưng ngại đi viện khám nên mỗi lần thấy đau ông Nguyễn Văn T. lại mua thuốc giảm đau về uống, thậm chí có những ngày uống liên tục. Mới đây, ông phải nhập viện cấp cứu vì… thủng nội tạng.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (58 tuổi) vừa vào viện điều trị trong tình trạng bụng chướng, co cứng thành bụng, hoa mắt, chóng mặt, nôn, sốt, đau dữ dội vùng thượng vị.
Khai thác tiền sử bệnh, bệnh nhân T. cho biết, ông hay đau các khớp thường xuyên uống thuốc giảm đau. Gần đây ông sử dụng thuốc giảm đau một cách mất kiểm soát, uống liên tục. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán thủng tạng rỗng, thủng dạ dày, chỉ định mổ cấp cứu.
Đáng chú ý, tình trạng bệnh nhân nhập viện vì bị đau bụng, loét dạ dày, chảy máu dạ dày... do dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nhóm steroid và không steroid một cách bừa bãi ngày càng nghiêm trọng.
Các bác sĩ cảnh báo, các thuốc giảm đau chống viêm có cả dạng tiêm và uống, là thuốc dễ mua nên nhiều người lạm dụng. Đã có rất nhiều trường hợp cấp cứu vì nôn ra máu, đại tiện ra máu, đại tiện phân đen... do thuốc, thậm chí có trường hợp bệnh nhân tử vong vì dùng các loại thuốc này. Do vậy, người dân không nên tùy tiện dùng thuốc giảm đau mà cần dùng theo chỉ định của bác sĩ. (An ninh Thủ đô, trang 19)
Y tế và giáo dục nên đặt ở vị trí... tiền vệ
Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia. Nếu để giáo dục, y tế tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này.
Thông tin này được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ khai khóa ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019, ngày 5.10.
Tự chủ không có nghĩa “tự bơi”
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ về chủ đề "Tự chủ đại học (ĐH) - Đổi mới và sáng tạo" trước cán bộ giảng viên và hơn 900 tân sinh viên ĐH này. Ông Huệ nhấn mạnh: "Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực rất quan trọng của mỗi quốc gia. Nếu coi các lĩnh vực công là thành viên của một đội bóng đá thì không bao giờ đặt y tế và giáo dục ở vị trí tiền đạo mà chỉ nên ở vị trí tiền vệ".
Phó thủ tướng lý giải nếu để giáo dục, y tế tự chủ hoàn toàn theo thị trường sẽ gây ra những bất ổn lâu dài trong cung cấp dịch vụ này. Trung Quốc đã mắc phải sai lầm này, gây ra tình trạng tăng giá dịch vụ, lạm thu quá sức chi trả của người dân và nhà nước và đang phải khắc phục. Đi liền với đó trách nhiệm giải trình của cơ sở tự chủ chưa tương xứng với mức độ tự chủ sẽ gây ra tình trạng tham nhũng, thất thoát.
Tuy nhiên, xu hướng chung trong giáo dục ĐH toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ nhà nước kiểm soát sang nhà nước giám sát.
Ngay cả trong mô hình nhà nước kiểm soát thì cơ sở giáo dục ĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định. Đồng thời, ngay trong mô hình độc lập thì nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu giải trình đối với các cơ sở giáo dục ĐH.
Phó thủ tướng cũng nêu rõ, tự chủ ĐH không có nghĩa là các trường ĐH phải hoàn toàn "tự túc", "tự bơi" về mặt tài chính mà là các trường được chủ động hơn về mọi mặt, trong đó có các quyết định về tài chính. Đồng thời nhà nước vẫn có chính sách đặt hàng đào tạo, đầu tư, hỗ trợ phát triển cùng với các chính sách xã hội hóa và đóng góp nguồn lực từ các doanh nghiệp, cựu giáo chức, cựu sinh viên.
Ông Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta đừng nghĩ tự chủ là nhà nước bỏ hết là không phải". Theo ông, càng tự chủ bao nhiêu thì trách nhiệm giải trình càng lớn, các hoạt động càng phải công khai minh bạch.
"Trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH không giống nhau mà tùy thuộc vào chất lượng, năng lực của bản thân cơ sở đó", ông Huệ nói.
Thành lập trường trong trường ĐH và trường thuộc ĐH quốc gia
Trong buổi làm việc, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có những kiến nghị về thực hiện tự chủ ĐH. Cụ thể, ĐH này kiến nghị Chính phủ cho phép chủ động áp dụng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH trước khi có nghị định hướng dẫn thi hành. Cụ thể là đề án thí điểm tự chủ của các trường ĐH thành viên theo 2 nhóm: tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên, tự chủ phần lớn chi thường xuyên; Chủ động thành lập các trường trực thuộc ĐH này và các trường trực thuộc các trường ĐH thành viên.
Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin, cũng kiến nghị với Phó thủ tướng: "Nếu được xin phép cho ĐH Quốc gia được ủy quyền giao quyền tự chủ cho các trường thành viên trong thời gian nghị định chưa được ban hành". Theo bà Tú Anh, trường ĐH này đã có đề án nhưng chờ 2 năm chưa được thực hiện tự chủ. "Chúng tôi hiện đang rất khó khăn trong giữ người, các tiến sĩ thường xuyên bị “mất” qua trường tư và doanh nghiệp", bà Tú Anh nói.
Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết tinh thần chung là Bộ GD-ĐT ủng hộ. Tuy nhiên, hiện tự chủ chi thường xuyên mới chỉ gồm 2 loại: toàn bộ hoặc một phần, không có tự chủ phần lớn như mô hình ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất.
Về thành lập các trường trực thuộc, theo ông Phúc, luật mới hiện nay cho phép thành lập trường trong trường ĐH và trường thuộc ĐH Quốc gia. Do vậy, việc này thuộc thẩm quyền của ĐH Quốc gia và không có vướng mắc gì.
Việc thành lập trường thuộc ĐH quốc gia và trực thuộc trường ĐH thành viên, Phó thủ tướng giao cho Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý theo quy định hiện hành, điều kiện để thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo được chi thường xuyên và chi đầu tư.
Theo Phó thủ tướng: "Nếu nâng cấp khoa thành trường mà hoàn toàn tự chủ được thì vẫn hơn đẻ ra một cái mới nhưng là gánh nặng cho trường và ngân sách nhà nước". Từ đó, Phó thủ tướng khuyến khích nâng cấp từ những cơ sở có sẵn để tự chủ không phải giảm người làm mà là giảm chi từ ngân sách. Chẳng hạn, có thể nâng cấp trường từ khoa y, khoa quốc tế... (Thanh niên, trang 17).