Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 7/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Bệnh tim mạch tăng rất nhanh, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta; Biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng…

 

Tuyển nhóm ngành Sức khỏe: Báo động giảm nguồn

Dù còn hơn 100.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển chưa xác nhận nhập học, nhưng nhiều trường đại học (ĐH) vẫn lo lắng vì khó có thể đảm bảo đủ chỉ tiêu tuyển sinh năm nay. Các trường đào tạo nhóm ngành Sức khỏe cũng xét tuyển bổ sung với số lượng lớn.

Thủ khoa tổ hợp B00 không chọn Y vào phút chót

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Bùi Đức Anh (Thái Bình) đạt 29,35 điểm, là một trong hai thủ khoa toàn quốc ở tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh). Ban đầu, Đức Anh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Y khoa, Trường ĐH Y Hà Nội. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, khi Bộ GD&ĐT cho phép, em quyết định điều chỉnh nguyện vọng 1, 2 sang nhóm ngành Kinh tế của Trường ĐH Ngoại thương bằng tổ hợp D07 (Toán, Hóa, Anh), ngành Y khoa đẩy xuống nguyện vọng 3. Đức Anh đã trúng tuyển nguyện vọng 1. Chia sẻ về bước rẽ đột ngột, Đức Anh cho hay chỉ muốn học trong thời gian ngắn hơn để đi làm nhanh hơn.

Nhiều thí sinh, trước khi quyết định theo học nhóm ngành Sức khỏe đã rất đắn đo. Một thí sinh cho hay, từ cấp 2 đã mơ ước trở thành bác sĩ và được gia đình rất ủng hộ. Tuy nhiên, khi đã có đủ điều kiện để học, em mới bắt đầu nghĩ đến những điều phát sinh trong tương lai. Đó là vấn đề học phí do gia đình khó khăn. “Điều khiến em trăn trở hơn là mẹ ngày một lớn tuổi, còn con đường học Y dài đằng đẵng. Cứ suy nghĩ đến hai điều ấy, em lại ngập ngừng, băn khoăn không biết con đường theo học ngành Y có đúng đắn trong trường hợp của mình không”, thí sinh này chia sẻ.

Ông Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy môn Sinh học, Hệ thống giáo dục Hocmai, cho biết, hiện tại, ngành Y khoa vẫn còn có sức hút với thí sinh. Nhưng những ngành như Y học dự phòng, Điều dưỡng đã bắt đầu thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tuyển. Điều này được chứng minh bằng hàng loạt trường ĐH phải xét tuyển bổ sung. Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế thông báo tuyển bổ sung ngành Điều dưỡng 100 chỉ tiêu, ngành Y học dự phòng 26 chỉ tiêu. Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định xét tuyển bổ sung 260 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng. Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM thông báo tuyển bổ sung 160 - 170 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng và 20 chỉ tiêu ngành Y học cổ truyền. Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương thông báo tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu ngành Điều dưỡng… Các trường ĐH ngoài công lập có đào tạo nhóm ngành Sức khỏe cũng đều thông báo xét tuyển bổ sung khá nhiều chỉ tiêu.

Ngành Y màu “máu”, không phải màu “hồng”

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường năm nay giảm gần 60%. Các năm trước, trường nhận trên 10.000 nguyện vọng đăng ký, năm nay chỉ còn hơn 4.000. Y khoa vốn là ngành có điểm chuẩn cao nhất và thu hút nhiều thí sinh đăng ký nhất, năm nay cũng giảm đáng kể, phần nào ảnh hưởng đến điểm chuẩn xét tuyển. “Không riêng Trường ĐH Y Hà Nội, hầu hết các trường trong khối ngành Y dược đều bị giảm số lượng nguyện vọng xét tuyển. Do đó, việc một số trường Y đang tuyển bổ sung năm nay là điều dễ hiểu”, GS Tú nói.

Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Hải Ninh, Phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, cho biết, nhiều trường Y dược năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu ngay từ khi lọc ảo đầu, đặc biệt những ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Y học cổ truyền... nên phải tuyển bổ sung. Điển hình như ngành Điều dưỡng, có 618 nguyện vọng đăng ký, kết quả lọc ảo trả về số thí sinh trúng tuyển đến sát mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định (19 điểm) chỉ từ 140 - 160/200 chỉ tiêu. Ngành Y học dự phòng với 249 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, qua các vòng lọc ảo chỉ trả về từ 32 - 47/60 chỉ tiêu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ở mức điểm sàn.

Theo TS Ninh, số thí sinh đăng ký giảm mạnh do đặc thù công việc ngành Y vất vả, nguy hiểm, nhưng chế độ đãi ngộ không được cải thiện khiến nhiều thí sinh chuyển hướng. Ngoài ra, từ năm 2022, các trường ĐH Y dược đều tăng học phí. Ông Đinh Đức Hiền cho rằng, 2 năm dịch dã, ngành Y có nhiều biến động, nhân viên y tế bỏ việc liên tục, học phí tăng cao, thời gian đào tạo dài là nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn của thí sinh. Ví dụ, nếu học ngành Y tại các trường ở khu vực TPHCM, mỗi tháng gia đình phải chi từ 11 - 12 triệu đồng/sinh viên. Theo ông, ngành Y màu “máu”, chứ không phải màu “hồng” như nhiều người vẫn tưởng.

Ông nhận định, ngành Y là ngành đào tạo đặc thù, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, ngành Y phải tuyển được những người giỏi nhất, phù hợp nhất. Hiếm có ngành nào khốc liệt ngay tại cánh cổng trường ĐH. Số lượng chỉ tiêu ít, điểm chuẩn luôn thuộc tốp những ngành có điểm cao nhất hiện nay, để vào được các trường Y, học sinh THPT thường phải ôn luyện từ rất sớm (2 - 3 năm). Khi bước chân qua cánh cổng trường ĐH, sinh viên Y sẽ trải qua thời gian đào tạo dài nhất trong những ngành nghề hiện nay. Để có thể làm nghề, thời gian đào tạo thường mất từ 8 - 10 năm.

“Khốc liệt khi làm nghề còn là phải đóng rất nhiều vai, bác sĩ chữa bệnh cứu người, nhà tâm lý, nhà giáo dục học, hay thi thoảng phải trở thành diễn viên. Xã hội hiện tại đòi hỏi y bác sĩ phải đa năng hơn rất nhiều. Ngành Y thiêng liêng, cao quý nên dành cho những người đam mê, sẵn sàng hi sinh và chắc chắn không có chỗ cho những người mộng mơ hay thực dụng”, ông Hiền nói.  (Tiền phong, trang 4).

 

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 thu không đủ chi

Chiều 6-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi làm việc với Bệnh viện Ung bướu TPHCM về thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện giai đoạn từ 1-1-2020 đến 30-6-2022.

Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh viện là đơn vị chuyên khoa hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TPHCM, tuyến cuối trong khám chữa bệnh về ung thư của thành phố và khu vực phía Nam. Bệnh viện hiện có 1.596 nhân sự, trong đó có 432 bác sĩ và 640 điều dưỡng và có 2 cơ sở: cơ sở cũ tại quận Bình Thạnh và cơ sở 2 tại TP Thủ Đức.

Bên cạnh đó, số người dân đến khám chữa bệnh tại cơ sở 2 đạt trên 3.700 lượt người/ngày (tăng gần 2% so với trước dịch Covid-19). Số bệnh nhân nhập viện tăng; các hoạt động phẫu thuật, hóa trị, xạ trị trở lại bình thường, tuy nhiên thời gian qua, bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện thường xuyên không có các nguồn cung thuốc hiếm trị ung thư như Vinblastin, Dactionmycin…

Để thích ứng, đơn vị phải chuyển phác đồ khác thay thế cho người bệnh; tổ chức đấu thầu một số thuốc nhưng không có doanh nghiệp dược tham dự hoặc có thì thiếu tiêu chuẩn.

“Bệnh viện kiến nghị đấu thầu tập trung, việc này giúp giảm công việc bệnh viện, giá cả thống nhất, nguồn cung có thể luân chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, tránh được tình trạng thiếu thuốc. Bởi thuốc là hàng hóa đặc biệt nên cần xây dựng Luật Đấu thầu riêng cho thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế”, TS-BS Phạm Xuân Dũng nêu kiến nghị.

Cho biết thêm về những khó khăn khác, TS-BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho hay, tháng 10-2020, cơ sở 2 của bệnh viện bắt đầu hoạt động, nhưng doanh thu tại đây không đủ để chi cho các hoạt động như tiền điện, nước, phí vệ sinh… Bệnh viện đã tiết kiệm tối đa, tạm ngừng mua sắm trang thiết bị văn phòng, y tế...

Tuy nhiên, hệ thống kỹ thuật như máy điều hòa không khí, hóa chất hệ thống lạnh, thang máy, hệ thống Chiller đã hoạt động hết công suất. Máy móc thiết bị y tế của hệ thống xạ trị, thiết bị xét nghiệm, hệ thống cộng hưởng từ, máy siêu âm đã hết hạn cần bảo trì để phục vụ người bệnh, dẫn đến hàng loạt vướng mắc. Bệnh viện đã có văn bản gửi thành phố xin duyệt chủ trương và cấp kinh phí hỗ trợ 158 tỷ đồng để xử lý các việc trên. Trong đó, 35 tỷ đồng bảo trì hệ thống kỹ thuật; 123 tỷ đồng mua sắm thêm trang thiết bị y tế cho hoạt động của cơ sở 2 được thông suốt, ảm bảo phục vụ người bệnh.

Liên quan tới vấn đề tự chủ tài chính, bà Đoàn Ngọc Châu, Trưởng phòng Tài chính, Bệnh viên Ung bướu TPHCM nêu thức trạng: 2013 bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính; năm 2021 xây dựng theo Nghị định 60 và áp dụng khung giá viện phí theo Thông tư 13, 14. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn thu của bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến thâm hụt 91 tỷ đồng. 9 tháng năm 2022, bệnh viện không đủ tiền chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên.

“Đây là nguồn tích lũy của bệnh viện trong nhiều năm mới có. Nhưng bệnh viện phải tạm ứng chi ra cho công tác phòng chống dịch. Giờ bệnh viện chỉ mong thành phố cấp 91 tỷ đồng. Nếu không có khoản này, công tác chi trả tiền lương, thưởng cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện sẽ không biết xoay ở đâu”, bà Châu nói.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận những khó khăn của bệnh viện đang gặp, đồng thời cho biết, bệnh viện càng lớn, số lượng bệnh nhân càng nhiều thì sức ép trong đảm bảo chất lượng rất lớn. Đoàn sẽ có báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc; đồng thời nêu những kiến nghị từ bệnh viện mà Đoàn khảo sát liên quan đến vấn đề thuốc, vật tư y tế, kinh phí… gửi Bộ Y tế, Chính phủ, Quốc hội và Thành ủy, UBND TPHCM nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi, cấp bù cho bệnh viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng

Chúng ta thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đến nay dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều ngày 5/10.

Nghị quyết 128 được dư luận, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, COVID-19 là một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, đã, đang và còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cho đến nay, toàn thế giới đã có hơn 612 triệu người mắc, hơn 6,5 triệu người tử vong.

Nhớ lại những ngày khó quên cách đây hơn 1 năm, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lúc đó thế giới còn chưa hiểu biết nhiều về dịch bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có đủ vaccine để phòng bệnh, người dân hoang mang. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như giãn cách xã hội, cách ly diện rộng.

Tuy nhiên chiến lược này chỉ tập trung vào phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu kéo dài sẽ có thể dẫn đến đình trệ các hoạt động đời sống, kinh tế và gây bất ổn xã hội. Trước đại dịch nguy hiểm chưa từng có này, nhiều quốc gia hùng mạnh đều lúng túng, bị động.

Khi đó đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "chống dịch như chống giặc nhưng phải đảm bảo khoa học, đồng bộ, hiệu quả".

Tại thời điểm cam go này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây là 1 quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch, quyết sách căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế, các bằng chứng khoa học, bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, khả năng tiếp cận, cung ứng và tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh, sự sẵn có của thuốc điều trị với mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vừa đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Thực tế cho đến nay đã chứng minh Nghị quyết 128 là kịp thời, đúng đắn, có vai trò quyết định thành công: dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn.

Việt Nam là nước có tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới

Tỉ lệ tử vong trên tổng số mắc ở Việt Nam là 0,02% trong khi trung bình thế giới xấp xỉ 1,2%. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Xác định vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt: Bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất với phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất".

Nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận, bao phủ vaccine đã được triển khai khoa học, đồng bộ, hiệu quả, trên mọi phương diện: Từ thành lập Quỹ vaccine huy động nguồn lực từ ngoại giao vaccine đến tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc, lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine.

"Chúng ta đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại cộng đồng, các địa điểm công cộng, trường học, thậm chí tổ chức đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo mọi người dân đều được tiêm chủng"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương: Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Tính đến ngày 30/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 260 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đã đạt mục tiêu.

Đồng thời Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh: Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỉ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italy. Việc tiêm chủng vaccine rất thành công góp phần quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng

Cũng tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, dịch bệnh dự báo còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại;

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

"Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp. Hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian. Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu...", Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ.

Vì vậy Thứ trưởng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác; Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và nghiên cứu, triển khai tiêm ngay cho trẻ em từ 6 tháng - dưới 5 tuổi khi có đủ cơ sở khoa học. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế kiểm tra, giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM

Thông tin với Báo Sức khoẻ & Đời sống sáng 6/10, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chiều nay, Đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ có buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại TP HCM. Đây là đoàn kiểm tra số 1 trong số 6 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế theo quyết định ngày 3/10.

Cụ thể, đoàn công tác của Bộ Y tế thăm, kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau đó đoàn làm việc tại Bệnh viện Da liễu và kiểm tra công tác cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Đoàn cũng sẽ họp với các đơn vị chức năng liên quan của TP HCM.

Ngoài TP HCM, 5 đoàn kiểm tra khác của Bộ Y tế sẽ đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại 9 tỉnh, thành phố khác.

Theo thông tin của Bộ Y tế, ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận ở TP HCM là bệnh nhân nữ 35 tuổi đi từ Dubai về. Bộ Y tế đã có văn bản khẩn đề nghị các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời...

Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau, bệnh nhân phục hồi sức khỏe, PCR dịch tiết một số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bệnh tim mạch tăng rất nhanh, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta

Bệnh tim mạch đang gia tăng rất nhanh và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, chiếm 33% tổng số bệnh nhân tử vong. Cứ 3 người tử vong thì có 1 người do nguyên nhân tim mạch.

Đây là thông tin được PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ tại sự kiện họp báo ngày 5/10 về Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 sẽ diễn ra ở Quảng Ninh từ ngày 7-9/10.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, rất nhiều người dân còn chủ quan với sức khỏe tim mạch. Chẳng hạn với căn bệnh tăng huyết áp, có đến 50% người bệnh bị tăng huyết áp nhưng không hề biết. Trong số 50% còn lại biết bệnh, chỉ một nửa là điều trị đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp.

Trong khi đó, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, các bệnh tim mạch cũng chiếm 33% nguyên nhân gây tử vong.

Đặc biệt, GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho rằng con số 25% dân số mắc bệnh tăng huyết áp là rất lớn, với tỉ lệ cứ 4 người trưởng thành lại có một người bị tăng huyết áp.

"Đáng lo hơn, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều người mắc bệnh khi đang còn trong độ tuổi lao động. Thế nhưng, đến nay vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Từ tăng huyết áp dẫn tới rất nhiều biến chứng khác, điển hình là đột quỵ"- Chủ tịch Hội Tim mạch nói.

Phân tích nguyên nhân, GS.TS Nguyễn Lân Việt cho rằng do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch.

Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng lớn. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi...

GS.TS Nguyễn Lân Việt cũng lưu ý, trong mô hình bệnh tật về tim mạch, các bệnh do thấp tim, van tim có xu hướng giảm đi, nhưng các bệnh do xơ vữa động mạch lại có xu hướng tăng lên.

Hiện nay, bệnh tim mạch vẫn đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất, chi phí chăm sóc điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, số bệnh nhân mắc bệnh này đang có xu hướng ngày càng tăng.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng khuyến cáo, bệnh tim mạch hoàn toàn phòng ngừa được, nhưng nhiều người dân còn rất chủ quan. Tim mạch tiến triển âm thầm, đến khi xảy ra tai biến thì đã quá muộn. Người bị nhồi máu cơ tim rồi mới biết mình mắc tiểu đường, rối loạn mỡ máu từ lâu. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang