Kiểm tra cơ sở sản xuất bim bim "bẩn" tại Hà Nội
Trước thông tin báo chí về việc sản xuất sản phẩm bim bim không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số cơ sở trên địa bàn Hà Nội, Cục ATTP (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai gấp việc xác minh thông tin, thanh tra, kiểm tra ATTP đối với các cơ sở sản xuất bim bim nói trên.
Cơ quan kiểm tra cần lấy mẫu các sản phẩm bị nghi ngờ không bảo đảm an toàn để tiến hành kiểm nghiệm. Nếu phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng cần có hình thức xử lý nghiêm, kiên quyết không để cơ sở không đủ điều kiện ATTP hoạt động, đồng thời công khai danh tính cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng biết.
Cục ATTP khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn và sử dụng các loại sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm bim bim, thực phẩm bao gói sẵn. Hà nội mới (trang 5)
Khoảng 10-20% dân số nước ta bị nhiễm virus viêm gan B
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Ứng dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm” diễn ra chiều 6-11 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia y tế, nhiễm virus viêm gan B (HBV) là một vấn đề sức khỏe toàn cầu ảnh hưởng đến hơn 350 triệu người trên thế giới. Riêng ở Việt Nam đã có khoảng 10-20% dân số bị nhiễm virus này. Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến các biến chứng nặng như: suy gan, xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cảnh báo, viêm gan B mạn có thể dẫn tới khoảng 1/3 các trường hợp xơ gan và hơn 3/4 các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan trên thế giới. Ung thư gan nguyên phát là nguyên nhân thứ ba gây tử vong trên thế giới do ung thư và ung thư biểu mô tế bào gan chiếm 85-90% trong số những ung thư gan này.
PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật khuyến cáo, để phát hiện sớm và chính xác viêm gan B cấp tính, người nhiễm virus viêm gan B cần phải kiểm tra định kỳ 6 tháng-1 năm/lần và làm các xét nghiệm cần thiết ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ để đánh giá chức năng gan và mức độ hoạt động của virus. Hà nội mới (trang 5)
Chưa thay thế vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng
Trong vòng nửa tháng qua, trên cả nước đã xảy ra 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm chủng có liên quan đến vaccine Quinvaxem, khiến người dân thêm lo ngại về tính an toàn của loại vaccine “5 trong 1” này. Thông tin đến báo chí ngày 6-11, Bộ Y tế khẳng định vẫn tiếp tục sử dụng vaccine Quinvaxem và sẽ xem xét giải pháp thay thế vaccine khi có đủ các bằng chứng khoa học và có nguồn cung ứng đủ vaccine thế hệ mới.
Không có vaccine nào an toàn 100%
Tính chung trên cả nước đến thời điểm này đã ghi nhận 16 ca phản ứng nặng sau tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem, trong đó có 8 ca tử vong. Trước thực trạng đáng lo ngại đó, thời gian gần đây rất nhiều ý kiến cho rằng vaccine Quinvaxem sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia là không an toàn và đề nghị phải thay thế loại vaccine này. Mặt khác, nhiều phụ huynh có tâm lý không đưa con đi TCMR mà chờ đợi để tiêm vaccine dịch vụ Infanrix Hexa (6 trong 1) hoặc Pentaxim (5 trong 1) vì tin tưởng các loại vaccine có thành phần ho gà vô bào này là tuyệt đối an toàn, dù tình trạng khan hiếm 2 loại vaccine này đã kéo dài cả năm nay và vẫn chưa biết bao giờ mới có.
Trao đổi thông tin đến báo chí ngày 6-11, Bộ Y tế nhấn mạnh, không có loại vaccine nào là an toàn 100% cả. “Quan điểm Bộ Y tế là trẻ em Việt Nam được tiêm nhiều loại vaccine thế hệ mới, an toàn và hiệu quả. Tuy vậy việc thay thế vaccine cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học, không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay loại vaccine đang sử dụng mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vaccine dự kiến thay thế.
Tiếp đó là nguồn cung ứng vaccine, nguồn tài chính bảo đảm. Tuy nhiên, bất kỳ loại vaccine nào cũng có tỷ lệ phản ứng nhất định và không ai dám khẳng định là loại vaccine mới thay thế khi được triển khai sẽ không xảy ra tử vong” – thông cáo của Bộ Y tế nêu rõ.
Quinvaxem là loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng. Trên thế giới, vaccine Quinvaxem đã được sử dụng tại hơn 90 quốc gia với hơn 400 triệu liều. Tại Việt Nam, vaccine Quinvaxem đã sử dụng từ năm 2010 và đến nay đã có khoảng 24,9 triệu liều được sử dụng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã sử dụng 3.489.295 liều Quinvaxem trong tiêm chủng.
Bộ Y tế khẳng định, về nguyên tắc các vaccine đều phải đảm bảo được tính an toàn, hiệu lực và kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng song không thể tránh khỏi tỷ lệ tai biến nhất định. Việc tử vong sau tiêm chủng có thể xảy ra ở tất cả các loại vaccine chứ không phải chỉ có Quinvaxem và không phải tất cả các trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem là do nguyên nhân từ phía vaccine mà còn có nguyên nhân trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng.
Thay thế vaccine phải có bằng chứng khoa học
Cũng theo Bộ Y tế, việc thay thế vaccine Quinvaxem bằng vaccine phối hợp chứa thành phần ho gà vô bào cũng đã được đặt ra, tuy nhiên còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện nay nguồn cung ứng các vaccine này (Infanrix Hexa, Pentaxim) trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ.
Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất không có khả năng cung ứng đầy đủ vì thay đổi quy trình công nghệ, địa điểm và kế hoạch sản xuất… do vậy cần nhiều thời gian hơn trước mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường kể từ lúc được đặt hàng, khiến các nhà sản xuất không ưu tiên cung ứng cho các nước chưa đưa vaccine này vào TCMR mà chỉ cung cấp cho các nước đã đặt hàng với số lượng lớn từ vài năm trước.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, từ nay đến cuối năm 2015, thậm chí hết năm 2016, tình trạng khan hiếm 2 loại vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1” dịch vụ vẫn sẽ tiếp diễn. Do vậy, nếu tiếp tục chờ đợi để được tiêm vaccine này, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B...
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, trẻ em Việt Nam được tiêm chủng nhiều loại vaccine an toàn và hiệu quả, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp, đồng thời xem xét các giải pháp thay thế khi có đủ các bằng chứng khoa học và có nguồn cung ứng đủ vaccine thế hệ mới, đảm bảo nguồn tài chính, trong đó sử dụng vaccine an toàn, hiệu quả đặt lên hàng đầu. Bộ Y tế cũng nghiêm cấm tất cả việc lợi dụng việc khan hiếm vaccine để trục lợi, đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn hàng trôi nổi (nếu có) sẽ không bảo đảm chất lượng, giá thành cao. An ninh thủ đô (trang 4)
Kiến nghị thanh toán BHYT cho bệnh nhi phải điều trị ngoại trú quá tải thanhnien
Chiều 6.11, Ban Văn hoá Xã hội HĐND TP.HCM đã họp với Sở Y tế TP.HCM và một số bệnh viện về việc phòng chống dịch và quá tải bệnh viện…
Các BS cho rằng, hiện giờ BHYT không thanh toán viện phí cho bệnh nhi ngoại trú. Vì vậy, không ít trường hợp không chịu điều trị tại nhà để giảm tải bệnh viện.
TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định sẽ tiếp túc kiến nghị BHXH TP.HCM thanh toán chi phí điều trị ngoại trú cho trẻ. Thanh niên (trang 3)
Phạt nặng để phòng, chống dịch sốt xuất huyết
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH). Đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh SXH đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đánh mạnh vào ý thức
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại TP.HCM vẫn là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất cả nước. Đến ngày 31.10, toàn thành phố có 13.856 ca SXH nhập viện, tăng 96% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 trường hợp tử vong - tương đương cùng kỳ năm 2014.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, để kiểm soát dịch bệnh tốt, ngoài nỗ lực của ngành y tế còn cần đến ý thức tự giác của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, thời gian qua công tác phòng chống SXH của người dân khá lỏng lẻo, nhiều hộ gia đình tỏ ra khá thờ ơ với việc phòng chống dịch. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng phun thuốc phòng chống SXH, nhiều gia đình còn từ chối hợp tác. Ghi nhận tại một số quận, huyện như quận 10, quận 3… có khoảng 30% gia đình không hợp tác với việc phun thuốc, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch.
Trước tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay: “UBND TP.HCM đã có Chỉ thị số 14 (ngày 11.8.2015), chỉ đạo nhiều biện pháp phòng chống SXH, đáng chú ý nhất là việc áp dụng Nghị định 176 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế, trong đó có lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, với những gia đình đã được vận động, nhắc nhở, cam kết tham gia phòng chống dịch SXH nhưng không thực hiện, chính quyền địa phương cương quyết xử phạt và thông báo rộng rãi đến các hộ dân”. Theo đó, Nghị định 176 quy định “Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm”.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh, y tế dự phòng đi chống dịch chỉ là giải quyết phần ngọn, trong khi yếu tố nguy cơ gây bệnh thì không giải quyết được, do đó phải có chế tài và chế tài đủ mạnh mới có sức răn đe.
Phạt nặng, làm nghiêm
Thực tế, sau gần 2 tháng triển khai xử phạt hành chính, UBND các quận, huyện đã quyết liệt thực hiện một cách đồng bộ. Cụ thể, đến nay đã xử phạt 7 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp ở quận Bình Thạnh và 2 trường hợp ở quận Tân Phú. Ngoài ra, có hàng chục hộ bị nhắc nhở, phê bình trong tổ dân phố… Theo ông Hưng, trước khi xử phạt, các phường đã cho các gia đình, tổ chức vi phạm trên làm cam kết diệt loăng quăng nhưng khi kiểm tra lại thì vẫn còn loăng quăng nên phường phải ra quyết định xử phạt.
“Con số xử phạt vẫn còn ít so với các vi phạm thực tế nhưng cho thấy quyết tâm của chính quyền địa phương trong việc xử lý những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm pháp luật. Đồng thời, nó cũng góp phần giúp người dân thấy vai trò, trách nhiệm của mình đối với sức khỏe cộng đồng” - ông Hưng nói.
Được biết, quy trình của việc xử phạt khá chặt chẽ. Theo ông Trần Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh (đơn vị đã ra 2 quyết định xử phạt), các đoàn kiểm tra của phường sẽ thường xuyên kiểm tra các hộ dân trên địa bàn quản lý. Nếu phát hiện sai phạm trong công tác phòng chống dịch thì đoàn sẽ lập biên bản nhắc nhở. Sau đó nếu còn tái phạm, UBND phường sẽ ra quyết định xử phạt hành chính. “2 trường hợp bị xử phạt là những nơi mà chúng tôi đã đi kiểm tra, giám sát nhiều lần nhưng ý thức chưa đảm bảo. Xử phạt là biện pháp để họ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới” - ông Nam khẳng định.
Ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, thời gian tới, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh chế tài những trường hợp vi phạm: “Có vậy mới thay đổi ý thức và hành vi của người dân trong chống dịch bệnh”. Nông thôn ngày nay (trang 3)