Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/2/2023

  • |
T5g.org.vn - 'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Thâm nhập hội 'cò'; Công an tỉnh Điện Biên điều tra vụ án giả mạo giấy tờ kêu gọi từ thiện; Cảnh giác với sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm trong mùa đông- xuân; TPHCM thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch; Cấp cứu 35 người bị ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng

 

'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Thâm nhập hội 'cò'

Không chỉ trực tiếp chèo kéo để lừa bệnh nhân, các nhóm "cò" còn lôi kéo cả xe ôm công nghệ "nhập hội", hứa hẹn ăn chia hoa hồng hậu hĩnh.
Tuyển "cò"
Để thâm nhập tìm hiểu tình trạng "cò" khám chữa bệnh, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023 PV Thanh Niên vào vai tài xế xe công nghệ chở khách đến Phòng khám (PK) đa khoa Medic - Hòa Hảo (254 Hòa Hảo, Q.10). Vừa thả khách, PV lập tức bị nhóm "cò" gây sức ép, yêu cầu đến quán cà phê đối diện để nói chuyện. Tại đây, một người đàn ông vỗ ngực xưng tên "P. Hòa Hảo" chào mời PV gia nhập phe "cò": "Mỗi người mày chở đến đây giao cho anh, anh dắt vào chỗ của anh, họ đồng ý khám thì anh cho mày 100.000 đồng".

Khi nghe PV nói muốn trực tiếp dắt khách vào giới thiệu cho PK mà không phải thông qua nhóm của P., thì người này đe dọa: "Ở đâu cũng vậy, chạy xe có quản bãi (ám chỉ quản lý, bảo kê), thì ở đây muốn bền, mày phải biết anh biết em. Mày có 100.000 đồng thì anh em cũng phải có 50.000 đồng".

Theo P., nhóm của mình tập hợp những người trẻ, khỏe đã giành được quyền nắm khu vực phía trước cổng PK Medic - Hòa Hảo, khác với nhóm "cò" đã có tuổi, hoạt động lẻ tẻ đóng quân ở đầu đường. Mỗi người trong nhóm P. đều được chia nhiệm vụ riêng, từ khâu chặn, mời chào, dụ dỗ bệnh nhân, đến người dắt, canh bệnh nhân vào đăng ký khám tại PK bên ngoài. Với mỗi bệnh nhân sập bẫy, nhóm của P. chia nhau vài chục nghìn đồng/người.

Cuộc trò chuyện bị cắt ngang khi một người nam (khoảng 25 tuổi) đi xe máy biển số 62K5-030… đến khoe: "Sáng giờ dụ được 2 mối rồi, thành công cả hai, quá ấm". Kết thúc "buổi ra mắt", P. cho PV số điện thoại và không quên căn dặn bất cứ khi nào có khách khám bệnh, cứ đưa tới trước cổng PK Medic - Hòa Hảo gặp ông này.

Chia hoa hồng hậu hĩnh
PV tiếp tục trong vai tài xế tập làm "cò non" đến trước cổng Bệnh viện (BV) Ung bướu (Q.Bình Thạnh) gặp gỡ một ổ "cò đại". Tại đây có "cò" tên Tr. khẳng định có thể gia nhập nhóm bất cứ lúc nào, chỉ cần chịu chia phần trăm. Tr. dắt PV đến một PK trên đường Nơ Trang Long (gần BV Ung bướu) để giới thiệu.

Phía ngoài PK là hiệu thuốc, đi vào trong thêm 2 - 3 m là nơi khám bệnh. Khi nghe PV trình bày muốn đăng ký làm "cò" thì nữ nhân viên lập tức mời PV vào tiếp căn phòng phía trong gặp y tá T. Vừa mở phòng vào, cảnh tượng bên trong là hàng chục bệnh nhân ngồi la liệt chờ khám. Nữ y tá T. cho hay nếu lôi kéo được bệnh nhân vào khám, PV sẽ nhận được 100.000 đồng/người, chưa kể hoa hồng khi bệnh nhân mua thuốc.

Sau khi nói chuyện với y tá T., PV chuẩn bị ra về thì bị một người phụ nữ khoảng 40 tuổi ăn mặc sang trọng, tự xưng là bà chủ PK, kéo lại. Như sợ PV chưa hiểu rõ, bà này nói thêm: "Con cứ dắt khách đến, bệnh gì ở đây cũng làm, kể cả mổ xẻ. PK này đều là bác sĩ ở BV giỏi qua. Qua đây khám vừa nhanh vừa tiện, khỏi phải đợi chờ xếp hàng. Nếu trường hợp bệnh nhân nào mà nặng quá, cảm thấy khó trị thì cô làm thủ tục đưa thẳng vào BV Ung bướu gặp bác sĩ chữa luôn, khỏi xếp hàng bốc số đợi chờ mệt mỏi".

Núp bóng bác sĩ BV?
Trong vai người đi khám bệnh, một PV Thanh Niên khác đến BV Ung bướu nhưng chưa kịp vào cổng thì đã bị 2 người đàn ông chặn lại hỏi đi khám gì, ở đâu. PV nói muốn vào khám ở BV Ung bướu, lập tức 2 người đàn ông chỉ đường cho tài xế chở PV đến PK của y tá T. đã đề cập ở trên. Lúc này, trước cửa PK có khoảng 15 - 16 người ngồi chờ. PV nhanh chóng được "cò" dẫn vào trong đăng ký khám. Bên trong, cảnh tượng hỗn loạn. Bệnh nhân ngồi chờ chật kín căn phòng. Hai người phụ nữ mặc quần áo y tá phụ trách ghi tên và thu tiền.

PV hỏi đây có phải PK của BV Ung bướu bên kia đường không thì những người này quanh co, không trả lời mà chỉ nói: "Đây là khám dịch vụ, còn bên kia là bốc số đợi. Đây cũng là ung bướu luôn, khám chuyên về ung bướu nhưng là khám dịch vụ nó nhanh hơn". Thấy PV còn ngần ngại, một người đàn ông bắt đầu vào giục khai thông tin để khám, nếu không khám thì đi ra ngoài cho người khác vào.

Lúc này, người phụ nữ tiếp lời: "Đây là mình khám dịch vụ nha em. Bác sĩ trong BV Ung bướu làm ngoài giờ ở đây. Em khám thì trước tiên đóng 450.000 đồng tiền khám, tiền siêu âm luôn nha". Nói là khám nhanh, nhưng thực chất hàng chục bệnh nhân phải ngồi chờ la liệt dưới ghế nhựa nhỏ bên ngoài vỉa hè không mái che. Họ đều cho hay bị "cò" lùa, dẫn vào.

"Cò" bốc số
Trao đổi với một nữ nhân viên đang làm trong BV Chợ Rẫy (P.12, Q.5), người này cho biết "cò" ở Chợ Rẫy rất kín đáo, ít người biết. "Cò" ở đây chỉ làm cho người quen, hoặc những người đi khám có số điện thoại của "cò" thì trao đổi với nhau, gọi "cò" đến bốc số.

Thông qua một bài viết trên nhóm Facebook "Bệnh viện Chợ Rẫy", PV liên hệ với người đàn ông tự xưng "Ch. Chợ Rẫy", chuyên dịch vụ khám nhanh. Ch. báo giá nếu muốn vào khám mà gặp bác sĩ luôn thì tiền dẫn là 400.000 đồng, PV đồng ý. Một lúc sau, người này gọi lại, hẹn ngày mai đến khám vì hôm nay bác sĩ không nhận bệnh.

Khi PV đến, BV Chợ Rẫy đang đông nghẹt người. Thấy chúng tôi đứng lóng ngóng, một người đàn ông mặc áo xanh, đứng ngay cửa BV lập tức tiếp cận: "Thấy bọn con thấy thương, ở quê lên khám bệnh à? Tội nghiệp, để chú giúp cho". Không đợi PV trả lời, người đàn ông đá mắt ra hiệu cho một "đồng nghiệp" tới xách ba lô giúp PV, dẫn ra mép cổng gặp người đàn bà tên Th. (tầm 45 tuổi). "Khám gì, có bảo hiểm y tế hay chuyển tuyến gì không?", người phụ nữ hỏi. PV trình bày không có bảo hiểm, người phụ nữ nói: "Bây giờ muốn lấy số để làm thủ tục lên phòng khám phải không, chị đi lấy số xong lên lầu cho em nhanh luôn".

Th. yêu cầu PV đưa chứng minh nhân dân để làm thủ tục. Một PV ngỏ ý đi theo Th. thì bị nhóm đàn ông gây sức ép, chặn lại. Nhóm này sau đó cho một tấm danh thiếp và nói với PV: "Mai mốt có người thân vào khám thì cứ gọi thẳng vào số điện thoại này là được". Khoảng 10 phút sau, Th. đi ra với một chiếc thẻ và một tờ giấy khám số 29 trên tay. Th. tỏ ra tường tận, hướng dẫn chúng tôi nạp tiền vào thẻ và cách lên PK Hậu môn trực tràng. Kết thúc cuộc nói chuyện, Th. yêu cầu PV trả 300.000 đồng tiền công (Thanh niên, trang 5).

 

Công an tỉnh Điện Biên điều tra vụ án giả mạo giấy tờ kêu gọi từ thiện

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên thông tin cơ quan công an đang vào cuộc điều tra đối tượng trục lợi bằng cách làm giả giấy tờ của Bệnh viện, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để quyên góp tiền chữa bệnh.

Bài đăng trên mạng xã hội đính kèm giấy xác nhận nằm viện của Bệnh viện đa khoa Điện Biên có nội dung kêu gọi hỗ trợ cho bệnh nhân Hoàng Trọng Hiếu, sinh năm 2015. Theo bài viết, người đăng là bố của cháu Hoàng Trọng Hiếu - tên Hoàng Công Trường. Nick Facebook này viết "Do bị ngã xe nên trong não có máu bầm, bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp. Tuy nhiên, chi phí phẫu thuật 20 triệu đồng, đã tạm ứng 15 triệu đồng, còn thiếu 5 triệu nhưng gia đình hết khả năng nên mong cộng đồng giúp đỡ", cùng với đó là hình ảnh cháu bé bị băng bó ở đầu.

Theo bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Điện Biên, bệnh viện không có bác sĩ nào tên là Huỳnh Minh Thu, không có bệnh nhân Hoàng Trọng Hiếu. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Mẫn cũng đã chuyển công tác lên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên.

Phó trưởng phòng Công tác Xã hội cũng thông tin trước đây, từng có những tài khoản tự kêu gọi ủng hộ, từ thiện nhưng đơn vị đã trực tiếp xác nhận về thông tin bệnh nhân, kịp thời ngăn chặn những hành động sai trái; giúp lòng tốt của mạnh thường quân đến đúng địa chỉ.

Theo Công an tỉnh Điện Biên, trên mạng xã hội hiện vẫn tồn tại rất nhiều dạng lừa đảo thông qua hoạt động từ thiện tương tự các vụ việc nêu trên. Để tránh đặt lòng tốt không đúng chỗ, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin hoặc ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời (An ninh thủ đô, trang 14).

 

Cảnh giác với sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm trong mùa đông- xuân

Ngày 6-2, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 27-1 đến 3-2), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 22 trường hợp so với tuần trước). Dự báo, trong thời gian tới, có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 88 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9,7 lần so với cùng kỳ năm 2022), không ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 22/30 quận, huyện, thị xã; 66/579 xã, phường, thị trấn.

Để hạn chế số ca mắc mới, CDC Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch (Hà Nội mới, trang 1).

 

TP.HCM thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận thanh tra số 2117/KL-TTCP ngày 30-11-2022 của Thanh tra Chính phủ về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine và thuốc phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân là đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu Sở Y tế căn cứ theo thẩm quyền và lĩnh vực phụ trách thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quyết toán nguồn ngân sách nhà nước sử dụng để mua sắm; việc giao nhận và quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Kiểm tra, rà soát các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, kít xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Thanh tra thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và tham mưu UBND TPHCM hình thức xử lý đối với các tập thể (nếu có), cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra theo thẩm quyền và phân cấp quản lý cán bộ. Giao thủ trưởng các đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý của đơn vị mình. Qua đó, đề nghị các đơn vị có liên quan chấn chỉnh các tồn tại, khuyết điểm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc phòng chống dịch Covid-19 đã nêu tại kết luận thanh tra. UBND TPHCM yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TPHCM (thông qua Thanh tra thành phố) trong quý 2 năm 2023 (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 4).

 

Cấp cứu 35 người bị ngộ độc sau khi ăn chè đậu trắng

Ngày 6-2, ông Trần Quốc Phú - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, An Giang - cho biết Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới đang tiếp nhận điều trị 35 người bị ngộ độc do ăn chè đậu trắng tại xã Long Điền A.

Trong số này, có bốn người bị ngộ độc nặng đã được đơn vị chuyển lên Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, do họ bị sốc nhiễm trùng rất nặng. Trong đó có hai bệnh nhân suy đa cơ quan, phải lọc máu liên tục và điều trị hồi sức tích cực, nguy cơ tử vong rất cao. Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới đang điều trị 31 người.

"Chúng tôi đã cho người đến hiện trường lấy mẫu chè đề kiểm nghiệm và tìm hiểu nguyên nhân xảy ra ngộ độc. Đa số bệnh nhân đều có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy. Hầu như ai ăn chè này cũng bị ngộ độc như vậy. Chúng tôi nghi ngờ chè bị nhiễm khuẩn", ông Phú nói.

Theo ông Phú, 31 trường hợp này là bị ngộ độc trung bình mới điều trị tại Trung tâm y tế huyện, chưa kể các trường hợp nhẹ. “Bà T. nấu chè từ thiện, không bán nên không biết số người bị ngộ độc nhiều hay ít", ông Phú nói thêm.

Trước đó, các bệnh nhân này đã ăn chè đậu trắng do bà Nguyễn Thị Ánh T. (44 tuổi, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) nấu vào chiều 3-2. Đến sáng 4-2 (14 tháng giêng âm lịch), bà T. phát chè miễn phí cho người dân trong ấp (không rõ số lượng).

Sau khi ăn chè, đến 23h, nhiều người có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, nôn, sốt... được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới cấp cứu.

Lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền xã Long Điền A khẩn trương báo cáo vụ việc ngộ độc chè vừa xảy ra (Tuổi trẻ, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang