Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Mua sắm thuốc, vật tư y tế khó khăn: Đã gỡ được nút thắt về giá; Khởi tố 2 nhân viên bệnh viện ở Cần Thơ; Tháo gỡ nút thắt trong mua sắm thiết bị y tế; Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về y tế cơ sở, y tế dự phòng

 

Mua sắm thuốc, vật tư y tế khó khăn: Đã gỡ được nút thắt về giá

Nghị định số 07/2023 và Nghị quyết 30/NQ-CP mà Chính phủ vừa ban hành được các giám đốc bệnh viện kì vọng giúp giải được bài toán thiếu vật tư y tế, hóa chất, thuốc điều trị trong thời gian qua.

Các bệnh viện lớn “thở phào”

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong quá trình soạn thảo Nghị quyết 30/NQ-CP, Chính phủ và Bộ Y tế đã lấy ý kiến các bệnh viện. Trực tiếp tôi và các anh em trong bệnh viện đã đóng góp ý kiến đến từng mục, cùng với đó nêu rõ những vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng hoạt động của bệnh viện. Chính vì thế khi nghị quyết được ban hành, thực sự chúng tôi rất yên tâm vì nghị định đã bám sát những vướng mắc mà Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác đang gặp phải. Nhờ đó chúng tôi hi vọng có thể giải quyết được những vấn đề cấp bách đang diễn ra thời gian qua”.

PGS Đào Xuân Cơ chia sẻ thêm, Nghị quyết 30 đã sửa đổi Nghị quyết 144, kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh; cho phép tháo gỡ trong đấu thầu vật tư khi đồng ý các gói thầu báo giá dưới ba nhà thầu. Theo ông, đây là những tháo gỡ kịp thời dựa trên đề xuất của bệnh viện giúp cho công tác đấu thầu, mua sắm được thuận lợi hơn, nhờ đó việc cung ứng thuốc, vật tư hóa chất sẽ dễ dàng hơn thời gian qua.
Được biết thời gian qua Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 2.000 mặt hàng cần đấu thầu mua sắm phục vụ chẩn đoán, khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khoảng 2/3 trong số đó không có công ty tham gia đấu thầu cung ứng hoặc có giá tham chiếu cao. Vì thế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định khi yêu cầu nêu trên được bãi bỏ, nút thắt về giá được tháo gỡ.

Về vấn đề này GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo ông Giang, nghị quyết cho phép việc mua sắm hóa chất của máy đặt, máy mượn được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. “Về máy tặng, cho từ các tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài, khi chưa có Nghị quyết, bệnh viện không có cơ chế để sử dụng được. Từ nay những máy hết hạn liên doanh, liên kết thì tiếp tục được sử dụng, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân nhưng BHYT vẫn thanh toán. Đây là tín hiệu vui vì khắc phục cơ bản việc thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Liên quan đến xác định giá để thực hiện kế hoạch mua sắm, trước đây quy định yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng theo Nghị quyết mới, chỉ cần đưa lên trang thông tin điện tử của đơn vị, nếu như có 1-2 nhà thầu, các bệnh viện vẫn có thể xác định giá mua được. Trường hợp có nhiều chủng loại khác nhau thì giao Hội đồng Khoa học xác định chất lượng phù hợp, chứ không phải chọn những loại có giá thấp. Chúng tôi rất mừng vì nghị quyết của Chính phủ đã giải quyết cơ bản việc thiếu trang thiết bị y tế hiện nay tại bệnh viện”, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói.

Theo TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội), điều chỉnh quy định "3 báo giá" khi đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế là nội dung được các bệnh viện tâm đắc nhất. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chia sẻ, Nghị quyết 30 chấp nhận những hạng mục không đủ 3 báo giá vẫn được đấu thầu sẽ giúp bệnh viện tháo gỡ được 70-80% vướng mắc.

PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền sẽ giúp các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy... được triển khai và nâng tầm các kĩ thuật hiện đại do có thể mua được các thiết bị rất quan trọng, chuyên sâu, lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, một báo giá. Cũng nhờ nghị quyết mới những máy móc “đắp chiếu” do hỏng hóc bệnh viện sẽ được mua linh kiện sửa chữa mà không đợi 3 báo giá để đấu thầu phần linh kiện này trong khi hãng độc quyền.

Những điểm mới của nghị quyết

“Một điểm mới của Nghị quyết 30/NQ-CP là sau khi trúng thầu hóa chất theo máy đóng (hóa chất chỉ sử dụng được với máy đó, không sử dụng được với máy khác) thì nhà sản xuất sẽ đưa máy vào cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo hóa chất đó. Nếu cơ sở khám chữa bệnh đã có máy mà trúng thầu hóa chất của máy đó thì được tiếp tục sử dụng, còn nếu không trúng thầu thì đưa máy về. Trong nhiều năm nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng các máy liên doanh, liên kết, máy xã hội hóa tại bệnh viện đó được sử dụng rất phổ biến.

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin thêm, với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, Nghị quyết 30 cho phép chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện xây dựng tính năng, cấu hình kĩ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kĩ thuật do Hội đồng Khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá. “Trước đây, những sản phẩm này đấu thầu theo giá nên các cơ sở y tế có thể mua được sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng kém. Còn Nghị quyết 30/NQ-CP hướng tới việc trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới xây dựng báo giá để giảm giá gói thầu, đồng thời cũng sẽ loại bỏ trừ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng", ông Nguyễn Tường Sơn nói (Tiền phong, trang 14).

 

Khởi tố 2 nhân viên bệnh viện ở Cần Thơ

Ngày 6/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố 2 bị can, lệnh cấm khỏi nơi cư trú đối với Đỗ Thị Yến Phương (33 tuổi) và Phạm Ngọc Thùy (36 tuổi), là nhân viên xét nghiệm sinh học phân tử thuộc Khoa Xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 3 Điều 355 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã khám xét chỗ ở, nơi làm việc của 2 bị can trên.

Theo Công an TP Cần Thơ, từ năm 2017 đến năm 2021, Phương và Thuỳ đã có hành vi kê khống nhu cầu sử dụng hoá chất tách chiết, kít xét nghiệm viêm gan B, C, lao… để bộ phận mua sắm đặt mua hàng của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo các Gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi đã trúng thầu trước đó (Tiền phong, trang 2).

 

Tháo gỡ nút thắt trong mua sắm thiết bị y tế

Chiều ngày 6-3, Sở Y tế TPHCM tổ chức họp trực tuyến với các bệnh viện trên địa bàn thông tin về Nghị định 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế (TTBYT) và Nghị quyết 30/NQ-CP về quy định mới tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm TTBYT. Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bệnh viện cho rằng, việc Chính phủ kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng đã đem lại niềm vui cho người bệnh và các bệnh viện khi những khó khăn về TTBYT và thuốc men sẽ sớm được giải quyết.

Nhiều vướng mắc được tháo gỡ

Theo ThS Hoài Thanh, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở Y tế TPHCM), ngày 24-2, Sở Y tế đã có văn bản gửi Bộ Y tế kiến nghị những khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Đến nay, những khó khăn Sở Y tế TPHCM nêu đã được Chính phủ cơ bản giải đáp thông qua Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP. Cụ thể, sở kiến nghị tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt và xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế. Tại mục 1, 2 của Nghị quyết 30/NQ-CP cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Về kiến nghị bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành...) trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt, Nghị quyết 30/NQ-CP đã cơ bản giải quyết theo hướng cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Đối với kiến nghị sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế TPHCM để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định, Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã gia hạn giấy phép nhập khẩu.

“Riêng đối với kiến nghị tiếp tục cho phép quyết toán, thanh toán chi phí KCB BHYT năm 2022 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB sau khi đã được cơ quan bảo hiểm xã hội giám định theo quy định và kiến nghị triển khai áp dụng thanh toán chi phí KCB BHYT theo đa phương thức không liên quan đến việc mua sắm theo Nghị quyết 30/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP vừa ban hành, Chính phủ sẽ có hướng dẫn sau”, ThS Hoài Thanh thông tin.

Không để gián đoạn chăm sóc sức khỏe người bệnh

Theo lãnh đạo các bệnh viện, với Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP được ban hành, những khó khăn về TTBYT và thuốc men sẽ sớm được tháo gỡ. Đặc biệt là gỡ khó cho yêu cầu về 3 báo giá và gia hạn giấy phép nhập khẩu, giấy phép lưu hành. Tuy nhiên, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho rằng, dù yêu cầu 3 báo giá được gỡ khó nhưng các bệnh viện cần cẩn thận với tình huống liệu công ty cung cấp có báo giá sát với giá nhập từ nước ngoài hay không, hay là mỗi nơi một giá, mỗi lần một giá.

Cùng quan điểm, bác sĩ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, nêu ý kiến: về căn cơ, cần có một cơ quan chủ trì định giá, vì quá trình thanh tra, kiểm tra sau đó hầu như đều xoáy vào giá này...

Tại buổi làm việc, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bày tỏ, Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP vừa ban hành đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong thời gian qua. Sở Y tế TPHCM hạ quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu TTBYT, thiếu vật tư trong công tác chăm sóc điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, vì các văn bản này chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt nên vẫn còn lo ngại sẽ xảy ra tình trạng mỗi nơi hiểu theo một cách và vận dụng khác nhau. Do vậy, Sở Y tế TPHCM đã trao đổi, có sự thống nhất giữa các đơn vị về việc triển khai thực hiện hai văn bản trên.

“Sở Y tế TPHCM cũng có tổ theo dõi diễn biến mua sắm hóa chất vật tư, tiếp tục kiến nghị nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện, không để việc chăm sóc sức khỏe người bệnh bị gián đoạn”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin. Ông cho biết, hàng tuần, Sở Y tế sẽ họp trực tuyến để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm theo tinh thần Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP. “Sau 1 tháng, chúng tôi sẽ có đánh giá lại. Nghị quyết là để giải quyết các vướng mắc trước mắt trong chăm sóc sức khỏe người bệnh ở các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là công tác mua sắm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng về lâu dài, Bộ Y tế, các bệnh viện sẽ xây dựng, đóng góp xây dựng luật phù hợp nhất”, PGS-TS Tăng Chí Thượng bày tỏ (Sài Gòn giải phóng, trang 4).

 

Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Chiều 6-3, đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Tham gia đoàn giám sát còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình; đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội là thành viên đoàn giám sát và các bộ, ngành.

Đại biểu thành phố Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai...

Cắt giảm hơn 5.000 tỷ đồng chi thường xuyên để chống dịch

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 từ ngân sách thành phố năm 2020 đến năm 2022 là hơn 3.076 tỷ đồng; cấp quận, huyện, thị xã là hơn 4.988 tỷ đồng. Thành phố đã thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai thuộc dự toán của các đơn vị thuộc ngân sách thành phố để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách thành phố năm 2020 với tổng số tiền hơn 2.897 tỷ đồng, năm 2021 với tổng số tiền hơn 2.223 tỷ đồng.

Tổng nguồn lực xã hội hóa bằng tiền và tương đương tiền huy động thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội từ năm 2020 đến năm 2022 là hơn 1.965 tỷ đồng; thông qua Sở Y tế là hơn 2.245 tỷ đồng.

Căn cứ quy định, chỉ đạo của Trung ương, thành phố đã chủ động, linh hoạt bám sát tình hình dịch bệnh, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình thực tế tại thành phố, bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định, như: Chính sách hỗ trợ thêm 70% cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; chế độ chi đặc thù và chính sách hỗ trợ động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố…

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, toàn ngành Y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập. Về nhân lực y tế tại y tế cơ sở, nhân lực tuyến xã năm 2022 là 4.723 người, trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc là 100%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc cơ hữu là 88,6%... Hệ thống tổ chức về y tế dự phòng của ngành Y tế Hà Nội cũng chính là lực lượng cán bộ của các trung tâm y tế thực hiện đa chức năng.

Thành phố Hà Nội cho rằng, chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến vừa là những điểm tồn tại, vừa là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân nhân lực tại y tế cơ sở, nhất là lực lượng bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y. Khi dịch bệnh xảy ra, mức thu nhập không tương xứng với công sức mà nhân viên y tế đã bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ; do đó, nguồn nhân lực cũng chảy sang khu vực tư nhân nhiều hơn. Việc thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo các mức giá thu chưa được tính đủ các yếu tố chi phí dẫn đến nguồn thu của các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tự chủ chi hoạt động thường xuyên.

Đánh giá cao các nội dung giám sát tại Hà Nội

Xem xét báo cáo và kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội, các thành viên đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng của thành phố. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh nhận định, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội nhận ít hơn là cho đi. Điều đó thể hiện nét đẹp văn hóa của Hà Nội, nhận được sự trân trọng của các tỉnh, thành phố và bạn bè quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, thành viên đoàn giám sát cũng đánh giá, Hà Nội luôn đi trước một bước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, đã huy động được cả hệ thống chính trị, toàn dân vào công tác phòng, chống dịch, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực y tế cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn nhận định, việc Hà Nội xác định khu vực y tế cơ sở bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân là quan điểm đúng đắn, từ đó, để thực hiện tốt công tác y tế cơ sở, cần đầu tư cho cơ sở công lập, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở tư nhân cùng thực hiện công tác y tế toàn dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai đề nghị, thành phố phân tích rõ quan điểm cho rằng trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Sở sẽ bảo đảm công tác y tế cơ sở được thực hiện tốt hơn, trong khi thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc địa phương sẽ tốt hơn, khi mà cả hai thành phố đều là đô thị lớn, có nhiều điểm tương đồng về kinh tế - xã hội…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của thành phố Hà Nội, đồng thời, đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch Covid-19; bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ rất nhiều cho các địa phương và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch.

“Đây là đóng góp hết sức thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch”, đồng chí Nguyễn Khắc Định khẳng định.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, thành phố Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về công tác này, góp phần thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng của thành phố cũng đã bộc bộ nhiều khó khăn, hạn chế, thiếu sót. Do đó, đồng chí Nguyễn Khắc Định đề nghị, thành phố khắc phục ngay những tồn tại, không đợi kết quả Nghị quyết giám sát mới thực hiện. Những kết quả, bài học kinh nghiệm, kiến nghị của thành phố đã cung cấp thông tin quan trọng để đoàn giám sát xem xét, đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh giao các đơn vị có liên quan tổng hợp các ý kiến của các thành viên đoàn giám sát để hoàn thiện báo cáo; đồng thời, mong muốn Quốc hội tiếp tục có các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn Thủ đô (Hà Nội mới, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang