Y, bác sĩ hiến máu cứu sống người bệnh
Đại diện Bệnh viện đa khoa Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, vừa tổ chức phẫu thuật cứu sống người bệnh Lê Thị Dung (49 tuổi), trú quán xã Hương Vĩnh (Hương Khê) bị trâu húc, nhập viện trong tình trạng nguy kịch vào ngày 4-5. Trong lúc phẫu thuật, cần một cơ số máu bổ sung cho người bệnh nhưng nguồn máu dự phòng của bệnh viện không còn. Năm y, bác sĩ của bệnh viện cùng chung nhóm máu (AB) với nạn nhân đã tình nguyện hiến tặng bốn đơn vị máu phục vụ việc cứu chữa kịp thời. Sau phẫu thuật, truyền máu, người bệnh đã qua cơn nguy kịch, đang được điều trị, chăm sóc tận tình tại Bệnh viện đa khoa Hương Khê. (*Nhân dân (trang 1))
Ngừng sản xuất, sử dụng vắc-xin bại liệt tOPV
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia về việc ngừng sử dụng, thu hồi và tiêu hủy vắc-xin tOPV (vắc-xin bại liệt uống, loại sống giảm độc lực, có chứa ba tuýp vi-rút bại liệt 1, 2 và 3). Theo đó, từ ngày 1-5, vắc-xin tOPV bị ngừng sử dụng để thay thế bằng vắc-xin bOPV (vắc-xin bại liệt uống, loại sống giảm độc, chỉ chứa 2 tuýp vi-rút bại liệt 1 và 3) và IPV (vắc-xin bại liệt tiêm, loại bất hoạt, có chứa 3 tuýp vi-rút bại liệt 1, 2 và 3).
Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh và sử dụng vắc-xin trên địa bàn ngừng phân phối, sử dụng vắc-xin như thông báo và giám sát thực hiện việc thu hồi của các đơn vị... (*Nhân dân (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Ngừng sử dụng vắc xin bại liệt uống OPV”
Tuyển chọn điều dưỡng viên đi làm việc tại bệnh viện của CHLB Đức
Chiều 6-5, tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức họp báo thông tin về Chương trình tuyển chọn và đào tạo ứng viên điều dưỡng Việt Nam sang học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện của CHLB Đức.
Theo đó, Chương trình sẽ thực hiện thí điểm việc tuyển chọn nhân lực đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành điều dưỡng tại Việt Nam để đưa sang học tập và làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện tại Đức. Các ứng viên được lựa chọn sẽ tham gia đào tạo tiếng Đức tại Việt Nam trong 13 tháng, sau đó được đưa sang đào tạo ngành điều dưỡng tối đa ba năm tại Đức; những ứng viên tốt nghiệp thành công chương trình đào tạo này sẽ được ở lại Đức làm công việc chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện, với mức lương khoảng 2.400 đến 2.500 EUR/tháng (tương đương 51,5 đến 65 triệu đồng).
Trong hai năm thí điểm từ 2016-2017, mỗi năm chương trình sẽ tuyển chọn khoảng 125 ứng viên. Ứng viên tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước tại số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. (*Nhân dân (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 5: “Sang Đức làm điều dưỡng 65 triệu đồng/tháng”; Báo An ninh Thủ đô trang 2: “Mở rộng tiếp nhận điều dưỡng viên làm việc tại CHLB Đức”; Báo Sài Gòn giải phóng trang 2: “Mở rộng tuyển điều dưỡng viên Việt Nam sang chăm sóc người bệnh tại Đức”
Ngộ độc thực phẩm có dấu hiệu gia tăng
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, TP HCM đã có 98 học sinh (HS) ngộ độc thực phẩm (NĐTP), gần bằng số HS mắc trong cả 02 năm (2014 – 2015). Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP – TP HCM cho biết như trên tại hội nghị “công tác đảm bảo ATTP trong trường học năm 2016”, được tổ chức ngày 5-5 tại TP HCM.
Theo bà Mai, hiện trên địa bàn thành phố, hàng ngày có khoảng 500.000 trẻ ở tuổi Mầm non và một bộ phận không nhỏ HS cấp 1, 2 bán trú đang sử dụng suất ăn hàng ngày, đặt ra thách thức rất lớn cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát chất lượng, đảm bảo ATVSTP. Trên địa bàn thành phố có khoảng 2.821 cơ sở dịch vụ ăn uống ở các cấp học, trong đó có 1.620 bếp ăn tập thể, 883 căng tin và 318 cơ sở nhận nấu, cung ứng suất ăn sẵn (SĂS).
Tính riêng trong khối trường học, năm 2014 và 2015 mỗi năm có 1 vụ NĐTP; 02 vụ NĐTP xảy ra từ đầu năm 2016 tới nay là tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức) và Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1) với 98 HS mắc. Mới đây nhất, Chi cục ATTP thành phố cũng đã tiếp nhận thông tin có thêm một vụ NĐTP trong trường học nhưng đang trong quá trình xác minh.
Ngoài các vụ NĐTP đã được xác minh chính xác trên, năm 2013 còn xảy ra 2 sự cố liên quan đến thực phẩm với 32 người mắc (tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Bình Tân và Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, quận 2); năm 2015 cũng xảy ra 2 sự cố liên quan đến thực phẩm tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận 12 và Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận 12. Và theo bà Bà Huỳnh Mai, sở dĩ gọi là sự cố liên quan đến thực phẩm bởi các vụ việc này không xác định rõ nguyên nhân từ thực phẩm hoặc do dịch bệnh, chùm ca bệnh gây nên.
Bà Huỳnh Mai cảnh báo, tình hình NĐTP trong trường học đang có chiều hướng gia tăng, trong đó nguyên nhân vi sinh vật chiếm 52%, chủ yếu là vi khuẩn gây bệnh Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) thường có trong móng tay, bàn tay của người chế biến thực phẩm. Vi khuẩn này không chết trong điều kiện nấu nướng bình thường, khiến người ăn phải bị nhiễm vi khuẩn này, gây ngộ độc đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng NĐTP là việc bảo quản thực phẩm không đảm bảo, nhiều trường học ỷ lại các cơ sở cung cấp SĂS, không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn.
Vì thế, Chi cục ATTP khuyến cáo các trường học có từ 1.000 HS trở lên nên tự tổ chức bếp ăn tập thể tại trường nhằm kịp thời giám sát các điều kiện bảo quản, chế biến nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây ra NĐTP. Ngoài ra, các cơ sở chế biến SĂS phải tuân thủ thời gian bảo quản, vận chuyển suất ăn sẵn; thực phẩm ngay từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh hoặc đông lạnh); thời gian từ khi vận chuyển SĂS đến khi ăn không quá 2 giờ (trong trường hợp không có trang thiết bị bảo quản chuyên dụng như ủ nóng, tủ đông lạnh)…
Ghi nhận của Phòng NĐTP - Chi cục ATTP khi kiểm tra việc mua, bán nguyên liệu thực phẩm tại các chợ khu vực TP Hồ Chí Minh cho thấy, cùng một loại là cá Ngừ, cá Cờ, cá Thu…nhưng trước 12 h trưa, tiểu thương bán ra với giá khác hoàn toàn. Tới 13 h trưa, giá bán thường được hạ xuống khoảng 30% so với giá lúc sáng, và tới chiều 15h thì giá bán chỉ bằng 1 nửa so với lúc mới đưa hàng ra chợ.
Và thực phẩm lúc này đã trở nên ôi, thiu như cá ngừ thì thường đã bị bể bụng, nước đá bảo quản đã tan hết, cá có mùi hôi nhưng khách hàng “thân thiết” của các loại hàng này vẫn là người bán cơm, người kinh doanh SĂS… đi thu gom với giá rẻ hơn hẳn để kiếm lời. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao trên thị trường, mức giá nguyên liệu thực phẩm ngày càng tăng trong khi giá suất ăn một số nơi chỉ có từ 10.000đ – 13.000đ/suất.
Nguyên liệu chế biến thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, không an toàn cộng với việc gặp khi vào những mùa nắng, nóng như hiện nay ( thời điểm các tháng 4,5) nhiệt độ lên cao hay các tháng 6,7 cũng là thời điểm giao mùa với nhiệt độ nắng-mưa thất thường, là nguyên nhân gây NĐTP.
Bà Huỳnh Mai cũng khẳng định, việc sử dụng chất cấm, kháng sinh không phép được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chất kích thích tăng trưởng trong một số sản phẩm nông nghiệp hay chất thúc đẩy nhanh quá trình chín của trái cây trong thời gian gần đây đã góp phần làm gia tăng NĐTP, trong đó có NĐTP tại trường học. (*Công an Nhân dân (trang 4))
Chủ tịch Đà Nẵng bốc số ngẫu nhiên kiểm tra thực phẩm
Tại cuộc họp chuyên đề về vệ sinh ATTP trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn ra sáng 6-5 đã rất “nóng bỏng”, khi ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - truy vấn “rát” đến cùng các sở ngành.
Sau khi nghe báo cáo những “con số đẹp” về ATTP, ông Huỳnh Đức Thơ đặt câu hỏi: “Các anh ở đây có ai dám nói là yên tâm với ATTP không?”. Khi giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Hiện không thể quản lý được thịt chó”, ông Thơ liền lên tiếng: “Các anh nói giỡn không”…
Sau khi xem báo cáo thực trạng công tác quản lý nhà nước về ATTP giai đoạn 2011-2015, ông Thơ liền nói: “Làm cả năm năm mà xử phạt chỉ có 3-4 tỉ đồng thì như gãi ngứa so với thị trường mênh mông với hàng trăm, hàng ngàn cơ sở về thực phẩm”.
Ông Thơ cũng đặt hàng cho tổ công tác về vệ sinh ATTP trước khi thanh kiểm tra, đích thân ông sẽ đánh dấu vào danh sách các cơ sở cần kiểm tra, tiếp đó đoàn này bốc số ngẫu nhiên. Sau khi triệu tập đủ đội ngũ, đúng giờ G là mở hộp ra và đi kiểm tra, không báo trước.
Khi ông Nguyễn Tiên Hồng - phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - đọc báo cáo về tình hình ATTP 2011-2015 tiến hành hơn 36.000 lượt thanh tra, có hơn 2.000 cơ sở vi phạm, phạt hơn 4,4 tỉ đồng…, ông Thơ cắt ngang: “Nói chung tình hình là tốt hết, ri thì vấn đề có chi nóng đâu, kiểm tra toàn đạt hết. Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào. Hỏi các anh ngồi đây qua báo cáo đánh giá thì các anh thấy thực sự có yên tâm không, thâm tâm thấy an toàn chưa?”. Tuy nhiên, ông Hồng không thể trả lời thẳng vào câu hỏi này được…
Ông Phan Văn Kha - giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng - góp ý địa bàn Đà Nẵng dù sao cũng yên tâm được vì chưa có vụ ngộ độc gì nghiêm trọng. Tuy nhiên do thông tin quá mạnh... Ông Thơ cắt lời và nói: “Anh nói vậy là không phải, ngộ độc là cái tức thời, còn cái anh em đang lo là cái chết từ từ”.
Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đà Nẵng cho biết vừa rồi có truy xuất sau khi kiểm tra một số xe bán bánh mì, test nhanh có dương tính với hàn the, sau đó anh em đóng vai người mua truy được ba cơ sở sản xuất chả có hàn the ở chợ để xử lý hành chính, phạt tiền.
Sau khi kiểm tra ở một trường học có hàn the trong chả, lực lượng chức năng tiến hành truy xuất về cơ sở sản xuất là Công ty Đắc Vinh và đã phạt 35 triệu đồng.
Đặc biệt tại cuộc họp, khi ông Nguyễn Phú Ban - giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng - thông tin bây giờ vẫn không kiểm tra được thịt chó, thịt dê dù vấn đề này rất nguy hiểm về ATTP, nhưng không được phép kiểm soát giết mổ.
“Phát hiện cơ sở thu gom, giết mổ chó thì có thể kiểm tra được không? Ủa, tại sao lại không được? Hỏi ai cấp giấy phép cho ông giết mổ? Nếu nghi ngờ chó đánh bả, chó bệnh, chả lẽ không kiểm tra được, các anh nói giỡn không vậy? Nếu không ai làm tôi làm, tôi chịu trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu thịt chó đi xét nghiệm. Có chi mà sợ kinh rứa” - ông Thơ nhấn mạnh.
Ông Thơ cũng nói rằng việc công bố danh sách cơ sở không sạch hiệu quả hơn là công bố cơ sở sạch như hiện nay, phát hiện tới đâu công bố tới đó…. (*Tuổi trẻ (trang 3))
Ngộ độc thực phẩm tập thể gia tăng
Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế TPHCM), chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với số người mắc lên đến 248 người (gần bằng với số người mắc trong năm 2015 là 268 người).
Đáng chú ý là đã xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở trong các trường học. Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm tập thể cũng có xu hướng gia tăng tại các bếp ăn ở khu công nghiệp - khu chế xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 năm gần đây (2012-2016) đang thay đổi theo chiều hướng tăng về số vụ lẫn số người mắc. Cũng theo bà Mai, trong những năm gần đây, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gia tăng. Nếu như ở những năm 2012, 2013, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn chiếm khoảng 33,3%, thì trong 3 năm gần đây (2014, 2015 và 2016), tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn tăng cao. Trong năm 2015 có 6 vụ ngộ độc thực phẩm thì đã có đến 4 vụ do cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gây ra; còn trong 4 tháng đầu năm 2016 có 5 vụ ngộ độc thực phẩm thì 3 vụ là do các cơ sở cung cấp thức ăn sẵn gây ra.
Phân tích nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc, bà Mai cho biết, trong các nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân do vi sinh vật chiếm tỷ lệ cao nhất - lên đến 52%, kế đến là các nguyên nhân do thực phẩm bị biến chất, hóa chất tồn dư… (*Sài Gòn giải phóng(trang 3))
TP.HCM tổ chức tiêm 20.000 liều vắc xin Pentaxim đợt 3
Sở Y tế TP.HCM vừa có thông báo về việc triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 Pentaxim đợt 3 với số liều vắc xin được phân phối đợt này khoảng 20.000 liều.
Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Trương Công Hòa cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký tiêm chủng, Sở Y tế triển khai tổ chức việc đăng ký tiêm chủng qua hai cổng thông tin điện tử: Tổng đài 1080 VNPT và tổng đài 1068 Viettel.
Theo đó, đối với các cơ sở y tế trên địa bàn 19 quận nội thành đăng ký tiêm hàng ngày qua tổng đài 1080 VNPT; các cơ sở y tế trên địa bàn 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè) đăng ký tiêm với tổng đài 1068 Viettel.
Bắt đầu từ 8h sáng ngày 10/5, hai tổng đài trên sẽ nhận đăng ký tiêm chủng của người dân 24/24h cho đến khi có thông báo hết lượng vắc xin của đợt 3. Các cơ sở y tế bắt đầu tiêm từ ngày 11/5 theo lịch đăng ký với tổng đài. (*Pháp luật TP.HCM (trang 2)
Bệnh viện Việt-Đức thực hiện thành công ca ghép đa tạng “xuyên Việt”lần thứ 2
Chiều 6-5, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt-Đức đã công bố thực hiện thành công ca ghép đa tạng “xuyên Việt” cho 2 bệnh nhân là cán bộ công an. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đến thăm và chúc mừng BV.
Được biết, trong 2 bệnh nhân, một người bị suy tim đã đặt stents 9 lần, thời gian sống chỉ tính bằng ngày, còn một người bị suy gan giai đoạn cuối. Người cho tạng là một thanh niên 20 tuổi bị tai nạn giao thông được xác định chết não. Đây là ca ghép tim thứ 13 và ghép gan thứ 16 từ nguồn tạng từ người cho chết não và là ca ghép đa tạng “xuyên Việt” thứ 2 được BV Việt-Đức thực hiện thành công với sự phối hợp của BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
Điểm đặc biệt của ca ghép thứ 2 này so với ca ghép đầu tiên là thời gian chết não của bệnh nhân kéo dài tới 2 ngày khiến chức năng tim và gan suy giảm. Mặt khác, thời gian vận chuyển nguồn tạng từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội kéo dài tới hơn 4 tiếng, chậm hơn dự kiến ban đầu khoảng 1 tiếng. Vì vậy, gan có dấu hiệu bị hoại tử, còn tim bị thương tổn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim và lồng ngực (BV Việt-Đức) cho biết, nhờ kinh nghiệm từ ca ghép “xuyên Việt” trước đó nên ca ghép đa tạng lần 2 thuận lợi hơn rất nhiều, cụ thể là việc lấy và ghép tạng nhanh hơn. Ngay sau khi tạng lên máy bay, kíp phẫu thuật tại BV Việt Đức đã mở lồng ngực và ổ bụng cho 2 bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối sẵn sàng thực hiện ca ghép ngay khi nguồn tạng về tới nơi. Ca ghép tim, gan kéo dài từ 20h30 tối 26-4 đến 3 giờ sáng 27-4. 10 ngày sau ca phẫu thuật, hiện hai bệnh nhân đã tỉnh táo, ăn uống trở lại bình thường.
Tại buổi thăm bệnh nhân và chúc mừng BV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam không thu kém thế giới nhưng khó khăn nhất hiện nay là vấn đề khan hiếm nguồn tạng. Dù vào những dịp nghỉ lễ, số bệnh nhân chết não và xin về do tai nạn giao thông ở BV Việt Đức lên tới 40 người/ngày nhưng trong 5 năm qua mới chỉ có 30 ca chết não tự nguyện hiến tạng. Qua đây, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tham gia đăng ký hiến tạng sau khi qua đời để sự sống được hồi sinh.
Trước thông tin về việc khan hiếm nguồn tạng, trong khi nhu cầu ghép tạng của người bệnh rất cao, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc hiến mô tạng để chia sẻ cuộc sống là việc làm đầy ý nghĩa nhân đạo, nhân văn để cùng giành giật cuộc sống cho người bệnh. Tới đây, Bộ Công an sẽ phát động trong toàn lực lượng công an, động viên người thân, gia đình các cán bộ chiến sĩ đang công tác trong ngành tham gia hiến tạng nhằm mang lại cơ hội sống cho ngày càng nhiều người hơn. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã chia sẻ những khó khăn với các y bác sĩ trong quá trình ghép tạng, đồng thời cho biết, Bộ Công an sẽ tặng cho BV Hữu nghị Việt-Đức hai hộp dụng cụ bảo quản tạng trong quá trình vận chuyển trị giá khoảng 5 tỷ đồng.
Được biết, trước đó, vào tháng 9-2015, hai bệnh nhân ở BV Việt-Đức được ghép tim và gan của một người bị chết não ở TP Hồ Chí Minh. (*Hà Nội mới (trang 1))
Báo Nhân dân trang 7: “Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện thành công ca ghép tạng xuyên Việt thứ 2”; Báo Tiền phong trang 10: “Ca ghép tạng xuyên Việt lần thứ 2 thành công”; Báo Công an Nhân dân trang 6: “Ca ghép tạng “xuyên Việt” thành côngmỹ mãn”; Báo An ninh Thủ đô: “Kỳ tích ghép tạng “xuyên Việt””; Báo Thanh niên trang 3: “Ghép tạng xuyên Việt cho hai cán bộ ngành Công an”; Báo Sài Gòn giải phóng: “Thực hiện thành công 2 ca ghép tạng xuyên Việt”