Kiểm soát chặt hoạt động của bệnh viện tự chủ tài chính
Sở Y tế Hà Nội vừa ký Quyết định số 511/QĐ-SYT giao quyền tự chủ tài chính năm 2018 (đợt 1) cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành Y tế Hà Nội. Theo đó, Hà Nội tiếp tục có thêm 13 bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính. Trước đó, năm 2017, Hà Nội đã có 5 bệnh viện tự chủ tài chính. Như vậy, đến thời điểm này ngành y tế Hà Nội hiện có 18 bệnh viện công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động… (Tiền phong, trang 2; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Hôm nay xét xử vụ 8 người tử vong khi chạy thận
Ngày 7/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm ba bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo đó, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 11/5…(Tiền phong, trang 2; Lao động, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 11; Nông thôn ngày nay, trang 7).
Đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai ở Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi đang có chiều hướng tăng. Trước thực tế trên, ngày 19-4-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai thực hiện “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi trong giai đoạn già hóa dân số…(Hà Nội mới, trang 5).
Bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại trong mùa hè
Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường vừa có Công văn khẩn số 7545/QLD-KD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các bệnh viện yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại. Theo đó, Cục Quản lý dược đã nhận thông tin phản ánh về nhu cầu tiêm phòng dại của nhân dân tăng cao từ quý I-2018, nhất là vào các tháng mùa hè nên các đơn vị không có đủ vắc xin dự trữ. Hiện có 4 loại vắc xin phòng bệnh dại được cấp giấy đăng ký lưu hành, trong đó đã có 3 loại được nhập khẩu vào Việt Nam và 1 loại dự kiến nhập khẩu vào cuối tháng 5 này. Như vậy, việc cung ứng vắc xin phòng bệnh dại trong năm 2018 đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo thống kê của ngành Y tế, trong năm 2016, số người tử vong vì bệnh dại cả nước là 91 người, năm 2017 là 62 người và 4 tháng đầu năm 2018 là 18 người (Hà Nội mới, trang 5; Nhân dân, trang 5).
Đấu thầu thuốc kiểu “xả láng”
Dùng với số lượng nhiều nhất nhì cả nước, ngành y tế TP.HCM vẫn liên tục mua thuốc với giá cao hơn so với các địa phương khác và chênh lệch lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng biện pháp khắc phục thì mù mờ, trách nhiệm kiểm soát bị bỏ lơ…(Thanh niên, trang 2).
Kêu gọi người dân chung tay phòng chống sốt xuất huyết
"Các cơ quan, công sở, đơn vị và người dân Thành phố mỗi tuần dành từ 10 đến 15 phút tìm và diệt các ổ loăng quăng tại nơi làm việc, sinh sống để phòng chống bệnh sốt xuất huyết". Đó là lời kêu gọi của ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Lễ phát động Chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết” năm 2018 được tổ chức vào sáng 05/5.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện phường, xã huy động mọi nguồn lực, tổ chức thực hiện các giải pháp phòng bệnh hiệu quả tại địa phương; nhất là đẩy mạnh việc xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng, để tồn tại các điểm nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết theo quy định (Công an nhân dân, trang 2).
Cấp cứu kịp thời thuyền viên bị bệnh nguy kịch ở vùng biển Hoàng Sa
Thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, hồi 21h ngày 3/5/2018, thuyền viên Nguyễn Thanh Sang (SN 1984) thuyền viên tàu QNg 98217 do ông Nguyễn Văn Cu (Phổ An, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm chủ tàu, đột nhiên bị trương cứng bụng kèm các biểu hiện đau thắt ngực, khó thở, mất sức nhanh không thể tiếp tục lao động được. Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng nhanh chóng chuyển vào bệnh viện địa phương tiếp tục điều trị…(Sức khỏe & Đời sống, trang 2).