Ngành y tế quản lý cơ sở thẩm mỹ, kính thuốc
Chiều 6.6, Sở Y tế TP.HCM đã họp với 24 phòng y tế quận, huyện để thông báo về việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động theo Nghị định 109/2016 của Chính phủ. Ông Nguyễn Vĩnh Khang, Phó phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân Sở Y tế TP.HCM, cho biết Nghị định 109/2016 quy định rất chi tiết, cơ sở thẩm mỹ chỉ được xăm, phun, thêu trên da và không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Từ ngày 1.7 tới, cơ sở nào hoạt động mà không thông báo cho Sở Y tế xem như hoạt động không hợp lệ. Với cơ sở dịch vụ kính thuốc, phải có chuẩn về cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị. Người hành nghề tại cơ sở dịch vụ kính thuốc phải có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh phạm vi hành nghề chuyên khoa mắt hoặc đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt. Cơ sở xoa bóp từ ngày 1.7 muốn hoạt động cũng phải có thông báo về cho Sở Y tế để quản lý (Thanh niên, trang 5)
Vấn đề an toàn thực phẩm cần huy động toàn xã hội vào cuộc
Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày làm việc tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Đây là vấn đề nóng được dư luận xã hội rất quan tâm trong thời gian qua.
ATTP từ cấp cơ sở trở lên phải dần dần đưa vào các tiêu chí thi đua
Phát biểu tại hội trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá rất cao đối với việc Quốc hội đã lập đoàn giám sát tối cao về ATTP. Có thể nói đây là cuộc giám sát rất quy mô đã tạo một bước chuyển biến ít nhất là trong nhận thức ở rất nhiều ngành, nhiều cấp...
Về mặt luật pháp, không chỉ Luật ATTP mà các hệ thống luật pháp nói chung, chúng ta còn vẫn phải thường xuyên đánh giá tổng kết sửa đổi cho phù hợp, nhất là các văn bản dưới luật như nghị định và thông tư. Tuy nhiên, điều đáng mừng là báo cáo của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đánh giá rằng, hệ thống pháp luật về ATTP của Việt Nam đi đầu trong khu vực về độ hiện đại và tiếp cận đúng xu thế của thế giới, chỉ có vấn đề là năng lực thực hiện của chúng ta chưa theo kịp.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm tới khái niệm người tiêu dùng thông thái. Thực ra chúng ta cần phải làm và các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị chúng ta phải làm mạnh vấn đề này. Đấy là phải thiết lập được một hệ thống đo, kiểm nghiệm dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm sao phân biệt được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn. Việc này không chỉ nằm ở các phòng thí nghiệm của các bộ như Bộ Y tế, Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cần phải huy động hệ thống phòng thí nghiệm đo ở các doanh nghiệp. Ai đạt tiêu chuẩn thì chúng ta khuyến khích xã hội hóa. Do đó, chúng ta phải tăng cường đầu tư để có các trang thiết bị kiểm định, kiểm nghiệm tiêu chuẩn dù rằng chưa mang tính chính xác hoàn toàn về định lượng, nhưng mới định tính ở các chợ đầu mối, thậm chí ở các chợ, các siêu thị để người dân khi nhìn thực phẩm bằng mắt thường không phân biệt được người ta có điều kiện để xác minh là thực phẩm đó có an toàn hay không. Đây là một điều chúng ta phải đẩy mạnh trong thời gian tới.
Cũng theo Phó Thủ tướng, nhìn chung đánh giá lại vấn đề ATTP là vấn đề rất lớn, chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính phủ xác định rằng chúng ta cần nỗ lực rất kiên trì, không theo đợt. Hiện chúng ta còn khó khăn, kể cả về chính sách, văn bản pháp luật, sự phân công, biên chế hay kinh phí nhưng nếu chúng ta quyết tâm hơn, với trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là những người đứng đầu tất cả các cấp thì chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn... Chính phủ rất đồng tình với ý kiến một số đại biểu Quốc hội, tới đây việc đảm bảo vệ sinh, ATTP từ cấp cơ sở trở lên phải dần dần đưa vào các tiêu chí thi đua như làng văn hóa, gia đình văn hóa hay nông thôn mới.
Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương
Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta khá đồng bộ, đầy đủ nhưng vấn đề cơ bản là khâu thực thi, kiểm tra và xử phạt vi phạm. Sau nhiều hội nghị trực tuyến, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP do Phó Thủ tướng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường với chính quyền các địa phương và cùng với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì vai trò của người đứng đầu các cấp được nâng lên.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, với hàng loạt vụ ngộ độc và tử vong do rượu vừa qua nhưng chưa truy tố được là vì chưa có căn cứ pháp lý. Vì vậy, Bộ Y tế cũng kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 38 về thi hành Luật ATTP, sửa đổi Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP còn quá nhẹ và chưa nghiêm minh; xử lý nghiêm khắc vi phạm ATTP vào Bộ luật Hình sự.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri bức xúc là truy xuất nguồn gốc thực phẩm, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là vấn đề rất khó khăn do chúng ta có rất nhiều chợ cóc, chợ nông thôn nên việc truy xuất hóa đơn, nguồn gốc rất khó khăn... Khi đề cập việc chúng ta có văn bản pháp luật khá đầy đủ, đồng bộ nhưng các vụ ngộ độc và vi phạm ATTP xảy ra ngày càng nhiều, Bộ trưởng cho rằng đây là do ý thức người dân chưa cao... Chúng ta nói nhiều đến trách nhiệm quản lý nhà nước các cấp, nhưng còn trách nhiệm khác của doanh nghiệp, người sản xuất đã coi thường sức khỏe của người dân và chưa thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật ATTP. Ở diễn đàn này chúng ta cũng kêu gọi lương tri của người sản xuất không vì lợi nhuận mà làm trái lương tâm, trái quy định của pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rõ thêm trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã trong lĩnh vực bảo đảm ATTP. Vì sự việc (nấu rượu lậu, làm ruốc bẩn...) đều xảy ra ở địa bàn xã phường, do đó, chính quyền cơ sở cần nắm bắt vấn đề này. Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, nhân lực và nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP hiện cũng rất khó khăn do chúng ta không tăng biên chế và tài chính thì khó giải quyết được mâu thuẫn trong quản lý về ATTP hiện nay. Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, cần xã hội hóa nguồn nhân lực, mời các lực lượng cán bộ bán chuyên trách ở xã, phường, thị trấn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ này để cùng với các lực lượng khác ở địa phương nhằm tăng cường lực lượng bảo đảm ATTP trên địa bàn cơ sở.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề truyền thông thay đổi nhận thức người dân, doanh nghiệp và nhà sản xuất là rất quan trọng. Bởi vì, một dân tộc khỏe là mỗi người dân phải khỏe, mỗi người dân yếu ớt là một dân tộc yếu ớt, đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta cũng không nên quá hoang mang, Bộ Y tế rất cầu thị để tiếp thu, vì xã hội luôn mâu thuẫn và phát triển, trong quá trình phát triển và hội nhập, các văn bản lạc hậu, chưa phù hợp sẽ được bổ sung, chỉnh lý ban hành mới để công tác đảm bảo ATTP dần đi vào nền nếp đảm bảo sức khỏe người dân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Hòa Bình nói gì về “quan lộ” của Giám đốc bệnh viện tỉnh?
Từ vụ 8 bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận xảy ra ngày 29/5 tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, ngày 6/6 Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Trọng (Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình) về những sai phạm trong thời gian dài của ông Trương Quý Dương, Giám đốc bệnh viện.
Từng bị kỷ luật
Ông có thể cho biết trong quá trình công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, ông Dương từng có sai phạm gì?
- Từ năm 1996 đến năm 2002, ông Dương lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc Trung tâm y tế huyện Kim Bôi, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Từ năm 2002 đến nay, ông Dương được tái bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Hòa Bình 2 lần. Trong quá trình công tác, ông Dương từng có những vi phạm, khuyết điểm như việc tự ký hàng loạt hợp đồng để đưa người vào làm việc tại bệnh viện.
Trước đó, ông Dương từng để xảy ra hàng loạt sai phạm như chi tiêu công quỹ không đúng, thu tiền của cán bộ nhân viên để mở lớp đào tạo. Tuy nhiên, đây là những vi phạm cụ thể thời gian rất lâu trước đó và đã được xem xét xử lý, khắc phục. Kết quả xử lý cũng được thực hiện theo quy định, công khai, minh bạch.
Việc ông Trương Quý Dương tự ký hợp đồng đưa người vào làm việc trong bệnh viện được xử lý ra sao trong khi ông này tiếp tục được tái bổ nhiệm giám đốc?
- Trước năm 2013, thời điểm nhiều cán bộ công viên chức tại bệnh viện luân chuyển công tác, nghỉ hưu dẫn đến tình trạng thiếu biên chế thực hiện nhiệm vụ trước mắt. Do đó, ông Dương tự ký hợp đồng trước để bổ sung nhân sự. Tình trạng này tồn tại ở một số cơ quan khác tại địa phương. Sau năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu chấm dứt việc này, cơ quan đơn vị nào có chỉ tiêu biên chế phải báo cáo đề xuất và thực hiện tổ chức thi kịp thời để bổ sung cho đội ngũ đủ người làm việc.
Năm 2010, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình đã quyết định kỷ luật khiển trách ông Trương Quý Dương. Trong một năm chịu xử lý kỷ luật, các công tác nhiệm vụ khác ông Dương đều hoàn thành tốt. Ngoài ra, ông Dương là một cán bộ năng động, sáng tạo, mạnh dạn thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình. Tại cơ quan công tác, ông được tập thể cán bộ công, viên chức tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình tín nhiệm khá cao.
“Không có việc thăng tiến”
Việc đưa các thiết bị y tế vào bệnh viện, trả thù lao cho cán bộ bằng hóa chất và gộp vào hao mòn máy móc có bị xử lý?
- Về việc này không thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở Nội vụ mà thuộc chuyên môn của Sở Y tế, do đó tôi không nắm được. Trong thời gian qua, đơn vị chưa nhận được đơn tố cáo nào của cán bộ, công viên chức về những sai phạm của ông Dương.
Thời gian qua, dư luận cho rằng ông Dương vẫn thăng tiến dù có nhiều sai phạm…
- Thực ra, đồng chí Dương không có việc thăng tiến. Cách đây 21 năm, ông Dương là Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản. 6 năm sau, ông giữ chức Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Về chức vụ là tương đương và cả hai cơ quan này đều trực thuộc Sở Y tế quản lý. Về chuyên môn, theo quy chế tổ chức cán bộ chức vụ giám đốc bệnh viện tỉnh, Bộ Y tế có quy định, giám đốc bệnh viện tuyến huyện có ít nhất trình độ bác sĩ hoặc sau đại học chuyên khoa mổ cấp 1; giám đốc bệnh viện tuyến tỉnh ít nhất có bằng chuyên khoa mổ cấp 2 hoặc bằng tiến sĩ.
Thời điểm nhậm chức Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, tôi nhớ không nhầm ông Dương có bằng chuyên khoa mổ cấp 1 và có bằng cao cấp lý luận chính trị. Tuy nhiên, thời điểm này, Bệnh viện Hòa Bình vẫn là bệnh viện hạng 2 và tới năm 2012 mới được lên hạng nhất. Năm 2016, ông Dương mới có bằng tiến sĩ.
Một việc nữa, năm 2010 Ủy ban Kiểm tra T.Ư từng có thông báo, ông Trương Quý Dương bị kết luận có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình không xem xét, xử lý. Do đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã quyết định rút hồ sơ để xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền. Ông nghĩ sao?
- Theo đúng quy định, mức độ vi phạm, địa phương đã kỷ luật khiển trách về mặt Đảng đối với ông Dương trong thời hạn một năm. Khi ông Dương bị kỷ luật, bệnh viện Đa khoa tỉnh thuộc Đảng bộ TP Hòa Bình, trực thuộc Tỉnh ủy nên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ra quyết định xử lý (Tiền phong, trang 10)
Người nhà bệnh nhân tống tiền bác sỹ
Khoảng 9h ngày 26-5, khoa Xét nghiệm bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín (Hà Nội), nhận được phiếu xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết “NS1” của bệnh nhân N.Q.M (SN 2008), trú tại xã Tiến Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Bệnh viện đã giải thích với bố cháu M., là Nguyễn Quảng Thức (SN 1978), muốn được kiểm tra chẩn đoán sốt xuất huyết thì phải mua test thử. Thức đồng ý và thanh toán 150.000 đồng cho khoa Xét nghiệm nhưng không có hóa đơn thu tiền. Cán bộ khoa Xét nghiệm đã test chẩn đoán cho cháu M. và trả kết quả cho Thức.
Đến khoảng 15h cùng ngày, bác sỹ Phương – trưởng khoa Xét nghiệm đến phòng bệnh nơi cháu M. đang nằm theo dõi, điều trị để giải thích cho Thức biết việc mua test chẩn đoán sốt xuất huyết “NS1” là tự nguyện; và nếu Thức thắc mắc thì khoa sẽ trả lại 150.000 đồng. Thức không đồng ý mà hẹn bác sỹ Phương tối sẽ nói chuyện.
Tối hôm đó, Thức liên lạc, yêu cầu bác sỹ Phương phải đưa cho anh ta 3 triệu đồng để giữ sự yên lặng về việc khoa Xét nghiệm thu 150.000 đồng. Bác sỹ Phương đồng ý để tránh sự phiền toái, tuy nhiên khi gặp nhau, Thức tuyên bố số tiền phải là 5 triệu đồng. Một lần nữa, bác sỹ Phương xuống nước, hẹn hôm sau sẽ chuyển tiền. Khoảng 20h ngày 27-5, tại khu vực vườn hoa của bệnh viện đa khoa Thường Tín, Thức đã nhận 5 triệu đồng từ 2 nhân viên khoa Xét nghiệm.
Theo tường trình của bác sỹ Phương, chiều 30-5, Thức nhắn tin yêu cầu phải đưa thêm 10 triệu đồng, nhưng vị trưởng khoa Xét nghiệm từ chối, nói không thu xếp được số tiền trên. Lập tức, Thức nhắn tin đe dọa nếu không đáp ứng được yêu cầu về tiền nong, anh ta sẽ thông tin đến Giám đốc bệnh viện đa khoa Thường Tín.
Tối 31-5, bác sỹ Phương nhắn tin hồi âm đã chuẩn bị được 8 triệu đồng, song Thức không chấp nhận, đòi phải có đủ 10 triệu đồng. Bác sỹ Phương đồng ý, hẹn Thức sáng hôm sau đến phòng Hành chính nhận tiền.
Tuy nhiên, toàn bộ hành vi nhắn tin, đe dọa tống tiền của Nguyễn Quảng Thức đã bị CAH Thường Tín nắm bắt. Khoảng 10h ngày 1-6, đúng lúc đối tượng Thức cầm chiếc phong bì bên trong có 10 triệu đồng từ bác sỹ Phương, lực lượng Công an đã ập bắt quả tang. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, ngày 6-6, CQĐT CAH Thường Tín đã ra lệnh tạm giữ hình sự để điều tra đối với Nguyễn Quảng Thức về hành vi Cưỡng đoạt tài sản; tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm, hành vi của những người có liên quan (An ninh Thủ đô, trang 9; Công an nhân dân, trang 5)
Kết hợp hiệu quả giữa đông y và tây y trong điều trị bệnh
Ngày 6-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ kỷ niệm “60 năm y, dược cổ truyền Việt Nam đổi mới và phát triển (1957-2017)”. Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của y học cổ truyền trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời mong muốn ngành Y tế chú trọng nghiên cứu để kết hợp hiệu quả giữa đông y và tây y trong điều trị bệnh. Ngành Y tế cần lưu ý tới công tác đào tạo để các bác sĩ tây y cũng am hiểu và có thể sử dụng các biện pháp điều trị bằng y học cổ truyền để phối hợp điều trị.
Cùng ngày, tại hội thảo về phục hồi chức năng điều trị đột quỵ do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, nguyên Giám đốc Bệnh viện Châm cứu trung ương cho biết, tại nước ta, trung bình mỗi năm có khoảng 230.000 ca đột quỵ. Người dân cần thận trọng khi sử dụng thuốc “An cung ngưu hoàng hoàn” bởi sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị đối với bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não (tắc mạch); bệnh nhân bị đột quỵ do chảy máu não (thường chiếm khoảng 15% số ca đột quỵ) mà sử dụng sản phẩm này thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn (Hà Nội mới, trang 7; Nhân dân, trang 1)
Siết chặt quản lý bếp ăn tập thể
Liên tiếp thời gian qua, tại bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp của nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít các vụ ngộ độc, khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã chỉ đạo, phải tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học trên địa bàn.
Còn nhiều vi phạm
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 3.200 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, trường học…, trong đó có những bếp ăn phục vụ hàng nghìn người. Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể có vai trò quan trọng trong giữ gìn sức khỏe, nâng cao năng suất lao động của người lao động. Vì vậy, trong tháng 5-2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra 69 bếp ăn tập thể của 58 công ty tại khu công nghiệp, chế xuất và cụm công nghiệp. Kết quả đã có 14 bếp ăn của 13 công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76 triệu đồng. Dù từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể nào, song quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện không ít sai phạm. Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, vi phạm chủ yếu vẫn là bếp ăn chưa tuân thủ theo nguyên tắc một chiều, tủ đựng thực phẩm không có lưới phòng, chống côn trùng và động vật gây hại, các bếp ăn chưa thực hiện kiểm thực ba bước như quy định (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu). Ngoài ra, có những bếp ăn xuống cấp chưa được cải tạo, nền nhà trơn trượt, ứ đọng nước, bàn tay người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, sử dụng chung dao và thớt thái cả thức ăn chín và thực phẩm tươi sống...
Điển hình như tại Nhà ăn A1-5 (số 15 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng) cung cấp khoảng 300 suất ăn/ngày cho cán bộ và học sinh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mặc dù qua kiểm tra khu vực ăn uống tại đây tương đối sạch sẽ nhưng khu chế biến, nấu ăn đã xuống cấp, nền nhà ứ đọng nước. Thêm vào đó, tủ đựng thức ăn chín chưa có lưới chống côn trùng, thức ăn lưu mẫu được cất chung trong tủ đựng nước ngọt. Qua xét nghiệm nhanh các mẫu bát, đũa tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 6/15 bát bị xước, rửa chưa sạch, dương tính với tinh bột.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, ý thức của chủ doanh nghiệp, người kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Tất cả bếp ăn tập thể đều bảo đảm đầy đủ thủ tục về hồ sơ pháp lý, có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân viên được khám sức khỏe, được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ; sử dụng nguồn nước sạch để chế biến và rửa dụng cụ. Bên cạnh đó, 100% bếp ăn được kiểm tra có đủ dụng cụ chia gắp thức ăn, trang thiết bị dụng cụ dùng trong sơ chế, có kho bảo quản thực phẩm, đủ giá kệ kê cao.
Tăng cường kiểm tra trong dịp hè
Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp lâu nay vẫn khiến các cơ quan chức năng “đau đầu”. Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 70% số vụ ngộ độc trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Trong số 69 bếp ăn tập thể được cơ quan chức năng Hà Nội kiểm tra mới đây, chỉ có 10 bếp ăn do công ty tự nấu phục vụ nhân viên, còn lại 59 bếp ăn do công ty ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp và có 1.260 nhân viên tham gia chế biến thực phẩm. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác thanh tra, kiểm soát các bếp ăn tập thể cần được duy trì và tiếp tục tăng cường, nhất là kiểm soát nguồn thực phẩm. Riêng đối với những bếp ăn vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đề nghị lãnh đạo các công ty và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại được đoàn kiểm tra chỉ rõ. Cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Không chỉ tăng cường thanh, kiểm tra đối với các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trong mùa hè này, cơ quan chức năng của ngành Y tế còn phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo tăng cường kiểm tra cả bếp ăn bán trú. Ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào mùa hè do thời tiết nóng bức khiến thức ăn rất dễ bị hỏng. Nhiều trường vẫn mở lớp học hè và duy trì bếp ăn, nhất là những trường mầm non. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trong dịp hè phải thực hiện đúng nguyên tắc quản lý nuôi dưỡng, bảo đảm chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn của học sinh hằng ngày như vẫn thực hiện trong năm học. Mặt khác, yêu cầu các trường tiếp tục ký hợp đồng với các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc thực phẩm của các nhà cung ứng, kiên quyết không để cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung ứng thực phẩm cho nhà trường (Hà Nội mới, trang 5)