Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Sẽ điều chỉnh 88 mức giá khám, chữa bệnh BHYT; Việt Nam cảnh giác với dịch bệnh Ebola; Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết....

 

Việt Nam cảnh giác với dịch bệnh Ebola

Ngày 6/6, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn số 606/KCB-NV gửi các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các Bộ, ngành đề nghị tăng cường cảnh giác phát hiện sớm và phòng lây nhiễm bệnh do vi rút Ebola

Công văn do Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê ký ban hành cho biết, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 31/5/2018, nước Cộng hòa dân chủ Công Gô đã ghi nhận về ca bệnh do vi rút Ebola như sau: 35 ca bệnh xác định, 14 ca bệnh có thể và 9 ca nghi ngờ (58 ca). Trong 58 ca bệnh có 3 ca là nhân viên y tế và đã có 27/58 ca tử vong (46,5%). Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Nhằm phòng chống bệnh do vi rút Ebola có thể xâm nhập vào Việt Nam có hiệu quả, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: chú ý khai thác tiền sử dịch tễ những người bệnh đến từ Cộng hòa dân chủ Công Gô và các quốc gia lân cận hoặc những người bệnh có tiếp xúc với những người đi về từ các quốc gia trên có các triệu chứng sốt cao đột ngột, suy nhược, căng thẳng, đau cơ, nhức đầu, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng gan, thận, có thể xuất huyết nội và ngoại để khám, sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên và cách ly người bệnh.

Tập huấn cho các cán bộ y tế về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi rút Ebola được ban hành theo Quyết định số 4600/QĐ-BYT ngày 5/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế để nắm được các triệu chứng, khai thác tiền sử dịch tễ phát hiện sớm ca bệnh.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị các cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi ngờ và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. (Tiền phong, trang 6)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 5: “Tăng cường đề phòng lây nhiễm Ebola”; Báo Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Cảnh giác, phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm virus Ebola”

 

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tại một số quốc gia trong khu vực châu Á và châu Mỹ La tinh, từ đầu 2018 đến nay, mặc dù sốt xuất huyết đã giảm so với cùng kỳ năm 2017, song gần đây lại bắt đầu có dấu hiệu gia tăng.

Còn ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm đến ngày 6-6, cả nước đã phát hiện 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết và đã có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa. So với cùng kỳ năm 2017 số mắc cả nước giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp. Tuần qua, riêng Hà Nội đã có thêm 17 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Như vậy từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội đã có 126 trường hợp mắc và không có tử vong.

Để chủ động phòng chống dịch, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018, xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15-6) trong tháng 6/2018. Hiện đã có 19 tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết. (Công an Nhân dân, trang 2)

 

Quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tiết kiệm, hiệu quả

Đó là nội dung được BHXH Việt Nam khẳng định tại Hội nghị giao ban công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2018, tổ chức ngày 5 và 6-6 tại Hà Nội. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh phát biểu, nhấn mạnh, chính sách BHYT đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến đời sống xã hội và ngày càng được người dân quan tâm.Quá trình xây dựng và triển khai thực hiện chính sách luôn được Chính phủ quan tâm, nhất là lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp chủ trì họp với các địa phương có bội chi quỹ lớn để chỉ đạo các giải pháp kiểm soát chi phí; chỉ đạo xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 105 và Thông tư 37; tổ chức đối thoại với Hiệp hội bệnh viện (BV) tư nhân...

Đặc biệt, năm 2017, Nghị quyết số 20/2017/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương đã được ban hành, với nhiều nội dung liên quan đến định hướng thực hiện chính sách BHYT, như: “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế (DVYT)”;

“Tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số đến năm 2025”; “Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý BV, giám định BHYT, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm”;

“Thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do ngân sách Nhà nước (NSNN) bảo đảm là chủ yếu. KCB do BHYT và người dân chi trả. Chăm sóc sức khoẻ ban đầu do BHYT, người dân và NSNN cùng chi trả”…

Tổng Giám đốc BHXH cũng khẳng định quyết tâm của BHXH Việt Nam đảm bảo quỹ BHYT sử dụng hiệu quả, thực sự dành cho chăm sóc sức khỏe người dân, không bị lãng phí vào những chỉ định DVYT không cần thiết.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nêu rõ, điểm mới của việc giao dự toán chi năm nay là xác định rõ ràng số chi tối đa của từng cơ sở KCB BHYT dựa trên phân tích nhu cầu chi năm 2017 của chính cơ sở đó.

Căn cứ của việc giao dự toán này là Quyết định số 17/QĐ-TTg, theo đó giao dự toán chi KCB BHYT cho BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân. Trong Quyết định này, Thủ tướng đã giao trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện đến cả Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

"Quyết định số 17/QĐ-TTg là căn cứ có tính quy phạm để tham mưu cho UBND trong tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện dự toán" -  Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chỉ rõ.

Lãnh đạo BHXH Việt Nam đã yêu cầu lãnh đạo BHXH các tỉnh phải có tinh thần chủ động trong quản lý, giám sát sử dụng quỹ KCB BHYT;  tích cực tham mưu, báo cáo với UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách. Xử lý kiên quyết, đúng mực các vi phạm.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu các tỉnh chưa thông báo số dự toán đến từng cơ sở KCB cần khẩn trương hoàn thiện ngay trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tổ chức đánh giá tình hình dự toán 6 tháng đầu năm và xác định số dự toán còn lại, xây dựng các biện pháp thực hiện 6 tháng cuối năm…

Đặc biệt, BHXH cũng đề cập tới những chi phí KCB BHYT bất hợp lý gia tăng, những chỉ định rộng rãi bệnh nhân vào điều trị nội trú, xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp bệnh, kết quả đấu thầu và sử dụng thuốc tại một số nơi cũng bất hợp lý về chi phí- hiệu quả… và có định hướng công tác giám định BHYT năm 2018, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh giải quyết những tồn tại nêu trên.

Trong năm 2018, Ban chứ năng của BHXH sẽ tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về đấu thầu thuốc, phối hợp với Bộ Y tế thống nhất tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc và cơ cấu sử dụng biệt dược gốc với thuốc Generic Nhóm 1 theo chỉ đạo của Chính phủ...  Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh sẽ phải rà soát, đánh giá việc thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu kỳ trước, để làm căn cứ xây dựng kế hoạch sử dụng. Tăng cường hoạt động của tổ đấu thầu.

Giám sát quá trình kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc, sử dụng thuốc đúng chỉ định trong hồ sơ đăng ký; thuốc có cảnh báo an toàn, hiệu quả hạn chế, hạn chế chỉ định theo thông báo của Cục Quản lý Dược...

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tình hình phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh (KCB BHYT) năm 2018 theo Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và giải pháp điều hành dự toán chi KCB BHYT năm 2018. Các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách hiệu quả, đúng quy định… (Công an Nhân dân, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 12: “Quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế”

 

Áp dụng kỹ thuật hiện đại trong khám, chữa bệnh

Chất lượng công tác khám, chữa bệnh của các bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua ngày càng được nâng cao. Đó là thành quả từ sự nỗ lực của những người thầy thuốc, kết hợp việc áp dụng những kỹ thuật mới, công nghệ mới.

Mới đây, phương pháp ERAS (quản lý đau sau phẫu thuật) của Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 đã được các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đặc biệt quan tâm vì giúp giảm 30% thời gian chăm sóc người bệnh, giảm tới 50% biến chứng sau phẫu thuật. Vai trò của phương pháp ERAS trong phẫu thuật đại trực tràng được thấy rõ là làm giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian nằm viện, không làm tăng tỷ lệ tái nhập viện; trong phẫu thuật cắt gan, đó là làm giảm tỷ lệ biến chứng chung, rút ngắn thời gian đánh hơi sau mổ; đối với phẫu thuật bụng là rút ngắn thời gian nằm viện 2,5 ngày, giảm chi phí điều trị...

Khoa Sinh hóa huyết học (Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh) đã đưa vào hoạt động hệ thống tự động hóa Aptio (Siemens) kết nối module sinh hóa với module miễn dịch, tương lai có thể kết nối với hệ thống xử lý tiền xét nghiệm, hệ thống lưu mẫu sau xét nghiệm cũng như kết nối với module nước tiểu, đông máu và huyết học. Theo bác sĩ Võ Anh Thoại, Trưởng khoa Sinh hóa huyết học, hằng ngày số lượng xét nghiệm cần thực hiện là 12 nghìn lượt và hệ thống tự động hóa Aptio đã đáp ứng tốt. Trong số năm BV trực thuộc Sở Y tế đạt chứng nhận ISO 15189, thì chỉ duy nhất có Nhân dân Gia Ðịnh là BV đa khoa nhận được chứng chỉ này (còn lại là các BV chuyên khoa).

Bệnh viện Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh vừa cứu sống người bệnh N.T.M.T (69 tuổi) bị "mụt nước" ở thận bên phải. Mặc dù được chẩn đoán bệnh đã lâu (là lành tính), nhưng trong lần đến khám tại BV Ðại học Y dược, bác sĩ quyết định cho bà chụp cắt lớp vùng bụng và kết quả phát hiện khối nang 5 cm ở thận bên phải không "lành tính", có nhiều đặc điểm của khối u ác tính. Người bệnh đã được xử lý kịp thời khi khối ung thư thận chưa phát triển đến mức phải cắt bỏ toàn bộ thận phải. Ðáng chú ý, BV Ðại học Y dược là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng phẫu thuật nội soi ba chiều trong phẫu thuật tiết niệu và đã có gần 300 trường hợp được điều trị thành công. Ðiểm vượt trội của phương pháp này là với ống kính ba chiều, trong các phẫu thuật phức tạp, phẫu thuật viên có thể quan sát rõ các chi tiết, kiểm soát tình huống tốt hơn, rút ngắn thời gian phẫu thuật.

Các đơn vị tuyến quận, huyện cũng khá tích cực trong việc ứng dụng các kỹ thuật mới để khám và điều trị cho người bệnh. BV Ða khoa khu vực Thủ Ðức vừa phẫu thuật thành công một trường hợp u máu trong xương hàm hiếm gặp. Người bệnh là N.T.H (24 tuổi) sau một lần nhổ răng có biến chứng chảy máu được phát hiện nguyên nhân là một khối u máu nằm trong xương hàm. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt bỏ trọn khối u, dù tiên lượng cuộc mổ sẽ phức tạp và người bệnh có nguy cơ tử vong do khối u chảy máu trong khi mổ. Sau gần bốn giờ vừa phẫu thuật vừa hồi sức, kíp phẫu thuật đã cắt bỏ khối u thành công. Sau mổ tình trạng sức khỏe của người bệnh dần hồi phục, không còn chảy máu và đã ra viện.

Tại BV Quốc tế City, các bác sĩ đã điều trị thành công cho một người bệnh có bệnh cảnh hiếm gặp với chứng u nguyên bào mạch máu não (Hemangioblastoma) bằng phương pháp chụp mạch máu não chẩn đoán DSA với kỹ thuật chụp mạch ba chiều. Ðó là trường hợp bà N.T.K.T (58 tuổi) với bốn năm phải mang một khối u ở phía sau đầu, đã được chuyên gia can thiệp nội mạch quốc tế đến từ Xin-ga-po phối hợp cùng cùng các bác sĩ của BV Quốc tế City can thiệp nội mạch thành công. Người bệnh trước khi nhập viện có các tình trạng như: thường xuyên không tỉnh táo, sinh hoạt chậm chạp, không tự di chuyển hoặc chăm sóc cơ thể được và không giao tiếp bình thường được. Người bệnh được xác định bị giãn não thất bên và não thất III do dị dạng mạch máu trong não thất. Các bác sĩ đã phối hợp trong quá trình chụp ảnh mạch máu chẩn đoán đã cùng lúc tiến hành phẫu thuật đặt VP shunt (dẫn nước não tủy từ não thất xuống phúc mạc ở ruột)… (Nhân dân, trang 5)

 

Báo động tình trạng bác sĩ bỏ việc tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Bài 2: Cần chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài

Hầu hết các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có những giải pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công lập. Thậm chí có nơi, chính lãnh đạo tỉnh vẫn cho rằng, việc đó không có gì là nghiêm trọng, bởi có kế hoạch đào tạo dài hạn... Các chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài vẫn nằm trên giấy hay ở dạng kế hoạch.

Chất lượng kém, người bệnh quay lưng

Tình trạng dịch chuyển nhân lực y tế từ bệnh viện công lập sang tư nhân đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập. Bác sĩ Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị ông có hàng chục bác sĩ nghỉ việc trong khoảng ba năm qua. Phần lớn trường hợp ra đi là bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản. "Một bác sĩ học hết sáu năm, để hành nghề sâu họ lại tiếp tục học từ bốn đến sáu năm nữa. Chi phí đào tạo, thời gian học nghề là rất lớn nhưng lại tính lương theo hệ số cơ bản như người học bốn năm ở những ngành học khác thì không tương xứng. Do vậy, nếu chúng ta không sớm có giải pháp về chính sách tiền lương hoặc chế độ đãi ngộ thì về lâu dài, bệnh viện công sẽ thiếu bác sĩ giỏi, người bệnh sẽ quay lưng" - bác sĩ Bùi Ðức Văn nói.

Dịch vụ y tế ở bệnh viện công từ tỉnh đến huyện từ lâu đã bị người dân phàn nàn vì chất lượng thấp; thái độ phục vụ của nhân viên y tế cũng bị cho là thiếu tôn trọng bệnh nhân. Hiệu quả khám, chữa bệnh ở các bệnh viện này cũng được đánh giá ở mức độ thấp, thường xuyên để xảy ra tai biến y khoa. Chẳng hạn Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh nhưng chưa chiếm được niềm tin của người bệnh. Ðiển hình như chuyện "đau chân trái, mổ chân phải" của bệnh nhi Lê Quốc Hào (6 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm) được bác sĩ xác định "u nang hoạt dịch khoeo chân trái", chỉ định phẫu thuật. Thế nhưng, bác sĩ Bùi Vĩnh Phúc lại mổ chân phải vốn đang lành lặn của cháu bé, còn chân trái bị đau thì vẫn để nguyên. Ðến khi người nhà bệnh nhi phát hiện, yêu cầu giải thích làm rõ thì phía bệnh viện cho rằng, khi vào phòng mổ, bác sĩ Phúc "phát hiện" thêm chân phải của cháu bé cũng có u nang, cho nên đã mổ ngay mà không thông báo cho gia đình. Cả lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long và bác sĩ phẫu thuật đều khẳng định việc "đau chân trái, mổ chân phải" là không sai (!). Thế nhưng sau đó, bác sĩ Bùi Vĩnh Phúc đã bị kỷ luật. Còn tại Bệnh viện đa khoa TP Vĩnh Long, khi người bệnh bị thủng dạ dày, bác sĩ lại xác định là "đau ruột thừa" và tiến hành mổ. Các bác sĩ mổ đi, mổ lại và cuối cùng người bệnh… tắt thở.

Một bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa huyện Châu Thành (Sóc Trăng) cho biết, tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở các bệnh viện công sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các bệnh viện tuyến cơ sở. Trên thực tế, các bệnh viện tuyến huyện gần như không có bác sĩ giỏi, mặc dù nhu cầu là rất lớn. Không có bác sĩ giỏi, các bệnh viện tuyến cơ sở không có điều kiện phát triển, ứng dụng kỹ thuật mới, lãng phí thiết bị y tế kỹ thuật cao… đồng nghĩa với việc người dân sẽ không được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Ðừng đãi ngộ… trên giấy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho rằng, mặc dù có sự dịch chuyển bác sĩ từ các bệnh viện công sang bệnh viện tư, nhưng không nên quá lo lắng. Bởi chỉ một số ít nhân lực dịch chuyển từ Cà Mau đi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố lân cận, số đông còn lại vẫn công tác ở các cơ sở y tế thuộc tỉnh Cà Mau. "Nếu nhìn rộng hơn thì chuyện dịch chuyển nhân lực nêu trên cũng không có gì to tát. Chúng ta đào tạo thầy thuốc chung cho xã hội để họ phục vụ cộng đồng, trong khi y tế tư nhân cũng cần người tài giỏi. Vì thế, làm việc ở bệnh viện công hay bệnh viện tư tại Cà Mau thì họ cũng phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và nhân dân Cà Mau. Về chế độ đãi ngộ đặc thù, Cà Mau thực hiện chính sách thu hút nhân tài chung cho các ngành, các lĩnh lực nhưng chưa có chính sách đặc thù cho y, bác sĩ và tới đây cũng vậy", đồng chí Trần Hồng Quân chia sẻ.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện tỉnh thiếu khoảng 100 bác sĩ. Trong khi đó, việc dịch chuyển bác sĩ giỏi, chuyên môn sâu từ bệnh viện công sang bệnh viện tư đang là xu thế và sẽ còn tiếp diễn, cho nên càng gây khó khăn cho các bệnh viện công. Mức thu nhập giữa bệnh viện công và bệnh viện tư chênh lệch quá lớn và rất khó giữ chân nếu các bác sĩ muốn đi. Nhiều trường hợp sau khi được tỉnh đưa đi đào tạo, với điều kiện phải cống hiến năm năm, nhưng họ vẫn "dứt áo" ra đi. Như trường hợp bác sĩ Ngô Xuân Kiều ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang sẵn sàng "bồi thường" 45 triệu đồng. Hay như trường hợp bác sĩ Nguyễn Ngọc Nhẫn được Bệnh viện đa khoa Ngã Bảy lo kinh phí gần 160 triệu đồng để học và thi ra Trường đại học Dược TP Hồ Chí Minh, nhưng về đơn vị công tác được vài tháng tự ý bỏ việc. Nên nói thêm là lâu nay, đội ngũ bác sĩ ở tỉnh Hậu Giang chủ yếu được đào tạo từ nguồn trung cấp đi học liên thông lên đại học và đào tạo theo địa chỉ, rất ít bác sĩ mới ra trường xin về tỉnh công tác. Mặc dù tỉnh có chính sách thu hút nguồn nhân lực đối với ngành y tế, như: Thạc sĩ khi về công tác ở Hậu Giang được hỗ trợ 70 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa I: 60 triệu đồng; bác sĩ chuyên khoa II: 80 triệu đồng; tiến sĩ: 100 triệu đồng… nhưng thời gian qua chưa thu hút được cá nhân nào.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Lê Hoàng Anh, hiện ngành y tế Kiên Giang mới chỉ đạt tỷ lệ 6,07 bác sĩ/ mười nghìn dân, trong khi tỷ lệ trung bình cả nước là 7,4 bác sĩ/mười nghìn dân. Vì vậy, tình trạng bác sĩ đã, đang và sẽ nghỉ việc ở bệnh viện công sang bệnh viện tư làm việc là một tổn thất lớn của ngành y tế tỉnh. Kiên Giang đang thiếu bác sĩ ở tất cả các tuyến bởi mỗi năm tỉnh chỉ đào tạo thêm được khoảng 40 bác sĩ. Trong khi đó, Kiên Giang đang đầu tư xây dựng Trung tâm Y học hạt nhân và Xạ trị, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Sản - Nhi, với tổng số khoảng 1.200 giường bệnh. Theo kế hoạch, các bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017-2018, nhưng nếu chậm cũng một phần là do nguồn nhân lực ở Kiên Giang vẫn chưa theo kịp sự phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, tỉnh đã có kế hoạch đào tạo nguồn bác sĩ từ nay đến năm 2020. Theo đó, Vĩnh Long hợp tác toàn diện với Trường đại học Y dược TP Cần Thơ để đào tạo bác sĩ. Hiện các bệnh viện đã tổng hợp danh sách để có kế hoạch đào tạo cũng như đào tạo lại. Tỉnh đã xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế để trình HÐND trong kỳ họp tới đây. Với hai chính sách này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tin tưởng sẽ thu hút bác sĩ về bệnh viện công làm việc và sẽ giữ chân được các bác sĩ khác.

Ngoài câu chuyện tiền lương, việc rũ áo ra đi của các bác sĩ tại khu vực ÐBSCL còn có nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng không nhỏ tới động lực, niềm vui trong công việc khi cống hiến ở các cơ sở y tế công lập bởi vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là lãnh đạo tại không ít bệnh viện công vẫn dùng người theo kiểu "bình quân chủ nghĩa". Chưa kể theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù làn sóng nghỉ việc đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực ÐBSCL và bệnh viện nào cũng kêu thiếu y, bác sĩ, thế nhưng, điều nghịch lý là cánh cửa của những bệnh viện này luôn đóng kín đối với những y, bác sĩ mới ra trường, muốn cống hiến cho quê hương. (Nhân dân, trang 8)

 

Thêm một trường hợp bị hoại tử mũi vì tiêm chất làm đầy

Sau khi Báo Hà nội mới đưa thông tin cảnh báo về nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi sử dụng dịch vụ làm đẹp, đặc biệt là việc tiêm filler (chất làm đầy) qua bài viết Tiền mất, tật mang vì làm đẹp “siêu tốc” trên số báo ra ngày 4-6, lại có tin Bệnh viện Da liễu trung ương tiếp nhận bệnh nhân Đoàn Thị M (23 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội) bị hoại tử mũi sau 4 ngày tiêm filler tại một cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội.

Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm (Khoa Phẫu thuật tạo hình và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương), toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng, tiết dịch. Với trường hợp này, chất làm đầy đã xâm nhập vào mạch máu, phá hủy tế bào khiến việc điều trị khó khăn hơn nhiều. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Cảnh báo nguy cơ tử vong do ngộ độc thịt cóc

Hai trường hợp chị em sinh đôi bị ngộ độc do ăn thịt cóc, trong đó người chị đã tử vong, còn người em được điều trị tại Khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) xảy ra mới đây một lần nữa cảnh báo mức độ nguy hiểm của thịt cóc đến tính mạng con người.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong số các vụ tử vong do ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên địa bàn cả nước thời gian qua, có những trường hợp do độc tố tự nhiên (có trong cóc, cá nóc…), vì vậy, người dân cần phải cảnh giác mỗi khi sử dụng sản phẩm này.

Nhiều độc tố gây chết người có trong cóc

Rủ nhau đi bắt cua, hai chị em song sinh (11 tuổi ở Hòa Bình) có bắt được một con cóc nên đã mang về làm thịt, nấu cho nhau ăn. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng, cả hai chị em cùng có biểu hiện nôn liên tục, đã được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Đáng tiếc, người chị bị ngộ độc nặng hơn nên đã không qua khỏi; người em được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định, bệnh nhi bị ngộ độc do ăn thịt cóc có biến chứng rối loạn nhịp tim. Sau những ngày được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực, hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã cải thiện.

Trước đó, trên địa bàn cả nước từng ghi nhận không ít trường hợp tử vong do ăn thịt cóc. Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, thịt cóc chứa nhiều đạm và kẽm, thường được người dân chế biến cho trẻ ăn, hy vọng chữa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng. Thịt cóc không chứa độc tố, nhưng nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin.

Ngoài ra, trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người. Khi chế biến, đun nấu ở nhiệt độ cao, độc tố trong cóc cũng khó bị phân hủy. Do vậy, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong.

Theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế), có nhiều trường hợp bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải thịt cóc bị nhiễm độc tố: Nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc có chứa chất độc. Nếu độc tố cóc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Còn khi độc tố hấp thụ qua da gây ra dị ứng, hoặc bắn vào mắt, niêm mạc sẽ gây bỏng rát ở mắt, niêm mạc…

Cũng theo Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1 đến 2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia), với các biểu hiện như: Trướng bụng, đau bụng trên rốn, kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, rung thất, trụy tim mạch… Thậm chí, kèm theo biểu hiện huyết áp lúc đầu cao, sau đó tụt xuống cùng với rối loạn cảm giác (đau như kim chích ở đầu ngón tay, chân, tê môi), chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp.

Không tự ý làm thịt cóc để ăn

Ngoài lợi ích mang lại cho sức khỏe của con người, thịt cóc có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Để đề phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc, Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng khuyến cáo, người dân chỉ sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.

Nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt màu đỏ). Khi chế biến thịt cóc phải tuân thủ theo đúng quy trình: Cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch, chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, để hạn chế ngộ độc, tốt nhất các gia đình không nên tự ý làm thịt cóc để ăn. Trên thực tế, thịt cóc cũng như các loại thịt khác, đều có hàm lượng dinh dưỡng nhất định, nhưng ăn lại nguy hiểm, nếu sơ suất trong quá trình chế biến. Nọc độc cóc chứa rất nhiều chất độc, những chất này có thể tiết qua hạch bạch huyết truyền đi khắp da, mủ, trứng và gan. Còn thịt, mỡ cóc không có độc tố nhưng nếu không cẩn thận trong khi chế biến vẫn có thể nhiễm độc.

Ngoài ra, cóc rất bẩn, có nhiều giun sán, ký sinh trùng… Người dân cũng không nên sử dụng các sản phẩm từ thịt cóc chế biến sẵn, do không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tuyệt đối không ăn nội tạng, trứng cóc. Khi gặp trường hợp bị ngộ độc thịt cóc cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, chữa trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 6)

 

Dừng hoạt động một cơ sở y tế vì bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc

Liên quan vụ một bệnh nhân tử vong sau khi tiêm thuốc tại một cơ sở y tế tư nhân ở H.Phong Điền (TP.Cần Thơ), ngày 6.6, ông Phạm Phú Trường Giang, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết đã yêu cầu cơ sở y tế này ngừng hoạt động, chờ kết quả pháp y và xử lý vi phạm theo quy định.

Theo báo cáo của Trung tâm y tế H.Phong Điền, khoảng 10 giờ 50 ngày 4.6, ông N.V.H (76 tuổi, ngụ xã Giai Xuân, H.Phong Điền) bị đau vùng thượng vị, ăn uống khó tiêu, mệt mỏi nên đến cơ sở dịch vụ y tế ngoài giờ của y sĩ Mai Thanh Hùng (ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, H.Phong Điền) khám bệnh.

Sau khi chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng dạ dày, y sĩ Hùng cho thuốc uống và tiêm 1 mũi Bidizym rồi cho ông H. về nhà. Khoảng 13 giờ 50 cùng ngày, ông H. than mệt, nặng ngực và tử vong chỉ 10 phút sau đó. Vụ việc được báo đến cơ quan chức năng và cơ quan công an đã đến nhà ông H. khám nghiệm tử thi, điều tra nguyên nhân. (Thanh niên, trang 4)

 

Sẽ điều chỉnh 88 mức giá khám, chữa bệnh BHYT

Vừa qua, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp xin ý kiến sửa đổi Thông tư liên tịch số 37, năm 2015 giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định giá khám, chữa bệnh BHYT. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì cuộc họp.

Thông tư liên tịch 37 giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định giá khám, chữa bệnh BHYT là 1 bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Việc thực hiện theo Thông tư 37 góp phần làm tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đặc biệt làm giảm đáng kể ngân sách cấp cho các bệnh viện. Tuy nhiên, thông tư được ban hành vào năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp lại vẫn tính theo Thông tư 04 xây dựng từ 2011 nên nhiều chi phí đầu vào khám, chữa bệnh đã lạc hậu.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thống nhất cao với đánh giá về hiệu quả mà Thông tư 37 mang lại, tuy nhiên, do lý do khách quan, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Do đó, việc điều chỉnh bổ sung là tất yếu. Việc điều chỉnh Thông tư 37 về nguyên tắc phải đảm bảo mức giá dịch vụ phù hợp thực tế; phải thật sự minh bạch, khách quan từ 2 phía BHXH và cơ sở y tế; phải khắc phục cho được những bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 37.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất điều chỉnh 88 mức giá. Trong đó, 6 giá khám bệnh theo 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã, 42 giá ngày, giường theo hạng bệnh viện và trạm y tế, 40 giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như siêu âm, xquang, nội soi.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính đề nghị tổ soạn thảo rà soát thật kỹ các loại giá khi điều chỉnh, đảm bảo tính chuẩn mực từ thực tế và chuẩn mực của ngành y tế để ban hành mức giá định mức với hệ số k cho từng tuyến, hạng bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh hàng năm là cần thiết, vì giải quyết bất cập trong thực tế cũng như việc điều chỉnh giá Thông tư 37 lần này nhằm cân đối quỹ và chất lượng khám, chữa bệnh. Việc điều chỉnh giá khám, chữa bệnh BHYT sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tháng 5.2018 sẽ hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Giai đoạn 2 xây dựng định mức phải có hệ số. Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, hướng tới sự đồng thuận, tiếp tục hoàn thành thông tư thay thế Thông tư 37.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, cần tăng mức chi cho y tế cơ sở, trong đó có Đề án làm mẫu 26 trạm y tế thực hiện Nghị quyết 20/BCT về tăng cường y tế cơ sở. Lĩnh vực y học cổ truyền cũng cần được ưu tiên và quan tâm hơn. (Lao động, trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang