Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Đảm bảo đủ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng; TPHCM: Nguy cơ dịch chồng dịch; Dân số TP HCM gần 9 triệu người

 

Đảm bảo đủ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Ngày 6-6, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước có gần 9.000 ca mắc tay chân miệng, trong đó 3 bệnh nhân tử vong. Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Cùng ngày, UBND TPHCM có văn bản yêu cầu Sở Y tế và các sở ngành, UBND quận huyện và TP Thủ Đức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Liên quan tới việc TPHCM có công văn đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 2 loại thuốc Immunoglobulin và Phenobarbital điều trị bệnh nhân tay chân miệng nặng, ngày 6-6, Bộ Y tế cho biết, hiện nay có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu về số lượng thuốc Immunoglobulin tồn và kế hoạch nhập khẩu về Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu và hiện Bệnh viện Chợ Rẫy còn 300 lọ. Dự kiến cuối tháng 7-2023 nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000-6.000 lọ thuốc này.

Đối với thuốc Human normal Immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu, còn 2.344 hộp loại 250ml và 215 hộp loại 50ml. Dự kiến giữa tháng 8-2023 nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml.

Đối với thuốc Phenobarbital, có một loại do Công ty CP Dược Danapha sản xuất, được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cùng với đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép cho Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Theo báo cáo của công ty sẽ có 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200mg/ml) về Việt Nam vào đầu tháng 7-2023.

Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho điều trị, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TPHCM thực hiện xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn có nhu cầu sử dụng thuốc kịp thời, chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 4).

 

TPHCM: Nguy cơ dịch chồng dịch

Số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết ở TPHCM đang tăng nhanh, nhiều trường hợp bệnh nặng. Ngành y tế lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch có thể xảy ra, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Ngày 6/6, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết, tại khoa đang điều trị cho 24 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 2 trẻ ở mức độ nặng. Trường hợp nặng nhất đang được nằm tại phòng cấp cứu, theo dõi, điều trị liên tục là bệnh nhi ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM với chẩn đoán mắc TCM độ 2B. Sau 3 ngày nhập viện, tình trạng của bé đang dần cải thiện.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Nguyễn Đình Quy, Phó khoa Nhiễm, cho biết, tại đây đang điều trị cho 23 bệnh nhân TCM và 5 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH). “Số trẻ mắc 2 loại bệnh trên đang có xu hướng gia tăng so với tháng trước. Đến thời điểm hiện tại, thuốc và vật tư hóa chất phục vụ điều trị đang được đáp ứng đủ. Chúng tôi đang chủ động tập huấn chuyên môn để nâng cao năng lực ứng phó trong tình huống dịch bệnh tăng cao”.

Ngoài số bệnh nhân điều trị nội trú, các bệnh viện nhi đồng đang ghi nhận sự gia tăng của nhóm bệnh nhi đến khám và điều trị ngoại trú liên quan cả bệnh SXH và TCM. Số người lớn mắc SXH cũng đang gia tăng. Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) ngày 6/6, số trẻ em mắc bệnh TCM tăng nhanh từ tuần 19 đến tuần 22. Nếu tuần 19 chỉ có gần 100 trẻ mắc TCM thì đến tuần 22 đã ghi nhận hơn 250 bệnh nhi.

Đáng lo ngại hơn, số ca mắc bệnh có diễn tiến nặng xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó, 1 ca tử vong là bệnh nhi ngụ tại tỉnh Kiên Giang đã được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Trước tình hình trên, ngành y tế TPHCM đã giải mã trình tự gien để truy tìm nguyên nhân.

Kết quả giải mã trình tự gien cho thấy, 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi có diễn tiến nặng đều dương tính với virus EV71 và đều có kiểu gien B5. Đây là kiểu gien của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007. Kiểu gien này cũng từng xuất hiện tại TPHCM vào các năm 2015 và 2018.

Cùng với TCM, bệnh SXH đang gia tăng. Mỗi tuần, thành phố ghi nhận 150 - 170 ca bệnh. Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã có hơn 7.600 bệnh nhân sốt xuất huyết. HCDC cho biết, thành phố mới chỉ xuất hiện những cơn mưa đầu mùa nhưng kết quả giám sát bệnh truyền nhiễm tại các phường, xã đã phát hiện 20 điểm nguy cơ (có loăng quăng) trong tổng số 39 điểm được giám sát (chiếm tỷ lệ hơn 50%). Theo quy luật diễn tiến dịch bệnh SXH hằng năm, mùa cao điểm bắt đầu vào cuối tháng 6 và kéo dài đến hết tháng 10.

HCDC lo ngại SXH sẽ tăng cao khi khu vực phía Nam bước vào mùa mưa, nếu mỗi hộ gia đình không quyết liệt diệt muỗi, loăng quăng để kiểm soát dịch. Cùng với nguy cơ bùng phát SXH, sự xuất hiện kiểu gien B5 của virus EV71 sẽ gia tăng số ca bệnh TCM mức độ nặng gây áp lực lên hệ thống thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm. HCDC nhận định, thời gian tới TPHCM đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch nếu không chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả TCM và SXH (Tiền phong, trang 4).

 

Dân số TP HCM gần 9 triệu người

Sở Y tế vừa có báo cáo UBND TP.HCM về dân số chia theo nhóm tuổi thực tế của TP, số liệu cập nhật lần 6 đến ngày 1.6.2023.

Theo đó, tổng dân số TP.HCM tính đến ngày 1.6.2023 là gần 8,9 triệu người (cụ thể là 8.899.866 người). Trong đó, chia theo nhóm tuổi như sau:

Tổng dân số dưới 5 tuổi là 541.613 người.
Tổng dân số từ 6 đến 11 tuổi là 830.175 người.
Tổng dân số từ 18 đến 49 tuổi là 4.881.971 người.
Tổng dân số từ 50 đến 65 tuổi là 1.368.311 người.
Tổng dân số trên 65 tuổi là 542.821 người.
Theo báo này, H.Bình Chánh có 2 xã có tổng dân số cao nhất TP, đó là xã Vĩnh Lộc A có 164.488 người, xã Vĩnh Lộc B có 140.226 người. Đứng thứ 3 là xã Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) với 124.805 người.

Trước đó, theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân TP.HCM là 76,2 tuổi (tuổi thọ trung bình chung cả nước là 73,6 tuổi). Tuổi thọ người dân nói chung tăng nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. TP.HCM đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, nhưng mức sinh thay thế thấp. Tổng tỷ suất sinh năm 2022 dự kiến là 1,39 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong khi năm 2021 là 1,48 con, hiện đang được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Mức sinh thấp kéo dài sẽ làm cho quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn, thiếu nguồn lao động, ảnh hưởng đến xã hội... Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang được kiểm soát, tuy nhiên nếu không tiếp tục duy trì các giải pháp có hiệu quả thì tỷ lệ giới tính khi sinh vẫn có thể tăng trở lại trong thời gian tới (Thanh niên, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang