Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 7/7/2016

  • |
T5g.org.vn - Nữ sinh bị ong đốt phải nhập viện cấp cứu; Hoại tử môi sau khi tiêm chất làm đầy ở spa; 'Dân chơi' thuốc lá điện tử; Viêm não, sốt xuất huyết đe dọa trẻ nhỏ; Việt Nam có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đáng lo ngại...

Nữ sinh bị ong đốt phải nhập viện cấp cứu

Chiều 6.7, bác sĩ Hồ Bích Thủy - Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long - cho biết sau hơn 20 giờ được tích cực chữa trị, bệnh nhân P.T.B.L (18 tuổi, ở xã Hòa Lộc, H.Tam Bình, Vĩnh Long) nhập viện bị sốc phản vệ do bị ong đốt được tiên lượng đã khá hơn. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được điều trị theo phác đồ, theo dõi sát hô hấp, huyết áp, tình trạng nước tiểu, truyền dịch…Trước đó, chiều tối 5.7, bệnh nhận L. được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Bình vào bệnh viện tỉnh với tình trạng: tím các đầu chi, hồng ban sưng đỏ khắp người, mạch khó bắt, huyết áp thấp. Chẩn đoán của bác sĩ với bệnh nhân: sốc phản vệ do bị ong đốt. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực. Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhận L. vừa tham dự kỳ thi THPT quốc gia xong, khi trèo hái cóc trái ở vườn nhà ăn thì không may bị ong đốt (dân gian thường gọi là ong bần). Bệnh nhân chỉ bị một con ong và đốt chỉ một mũi bên mắt trái. “Do bệnh nhân có cơ địa quá nhạy cảm, đặc biệt là tiền sử bị dị ứng thức ăn nên bệnh nhân phản ứng quá nhanh, quá mạnh với sốc, nên chỉ với một mũi ong đốt là phản ứng tức thì”, bác sĩ Hồ Bích Thủy cho hay (Thanh niên trang 2).

Hoại tử môi sau khi tiêm chất làm đầy ở spa

Chiều 6.7, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết đã yêu cầu Phòng Y tế Q.Hoàn Kiếm phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ việc chị Nguyễn Thị Hà (23 tuổi, quê Quảng Ninh, sống ở Hà Nội) bị hoại tử môi sau khi làm đẹp tại một spa ở ngõ Vạn Kiếp, Q.Hoàn Kiếm.

Cuối tháng 4 vừa qua, chị Hà được tiêm chất làm đầy (filler) vào môi dưới, tại cơ sở này. Thời gian đầu, chị Hà ưng ý vì được tạo hình môi đẹp; nhưng những ngày gần đây môi bị biến chứng như nứt, chảy dịch, sưng tấy khiến chị phải nhập viện.

 Theo thông tin từ Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, chị Hà nhập viện cuối tuần qua trong tình trạng sốt, môi dưới sưng tấy, hoại tử một phần. Các bác sĩ đã điều trị kháng sinh, trích rạch môi lấy ra nhiều mủ đặc lẫn chất làm đầy. Phần môi của bệnh nhân đã bị hoại tử nếu không đáp ứng điều trị thuốc, tình trạng hoại tử sẽ lan rộng có nguy cơ phải cắt môi dưới.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết cơ sở spa chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường. Với dịch vụ tiêm filler, phải được thực hiện tại cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép; người thực hiện kỹ thuật tiêm filler phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn (Thanh niên trang 4, Tuổi trẻ trang 14).

'Dân chơi' thuốc lá điện tử

Hút không hết gửi lại hôm sau hút tiếp

Theo ghi nhận của chúng tôi ở một quán cà phê trên đường Cù Lao (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), có hàng chục lượt người trẻ từ 12 - 16 tuổi liên tục ra vào quán này mua thuốc lá điện tử và hút ngay tại chỗ. Mỗi khi có khách, bà chủ quán đon đả đến quầy lấy ra một cây vape (dụng cụ dùng để hút thuốc lá điện tử) rồi nhỏ vào vài giọt chất lỏng trong suốt lấy từ một chai thủy tinh, đưa cho khách hút.

 Theo chủ quán, loại tinh dầu này để tạo khói thơm với đủ loại hương cam, dâu, nho… Khi hút chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu vào vape rồi ngậm rít thì khói trắng sẽ cuộn vào cổ họng.

“Cái này người ta gọi là thuốc lá điện tử. Mình mua tinh dầu về bán lẻ lại cho mấy đứa nhỏ. Nếu hút loại tinh dầu của Mỹ có chứa nicotine với đủ loại hương thì giá 200.000 đồng, loại trong suốt không mùi vị thì 150.000 đồng/lần hút cho khoảng 3 đứa. Trước đây chị bán shisha nhưng nay thấy mấy đứa nhỏ thích loại này nên chuyển qua bán tinh dầu để hút vape. Chỗ quen nên nếu tụi nhỏ không hút hết thì gửi lại bữa sau tới hút tiếp”, bà chủ quán cho biết.

Chúng tôi ngỏ ý muốn hút thử thì bà chủ quay sang nói với cô gái chừng 15 tuổi: “Đi pha tinh dầu cho chú”. Cô gái nhanh chóng đến quầy lấy ra một chai tinh dầu bóng loáng, trong suốt bằng nắm tay và chiết chừng 4 - 5 giọt vào vape rồi hướng dẫn: “Chú vừa ngậm vô miệng vừa bấm nút màu đỏ ở thân vape rồi hít thật mạnh vào”.

Chúng tôi ngậm nhưng không dám hít hết hơi vì sợ bị sặc nhưng tinh dầu thấm ở đầu lưỡi the the, một luồng khói chạy thẳng vào lồng ngực. Lúc thở ra thì khói bay mù mịt, trắng xóa. Chừng 30 giây sau thì đầu óc choáng váng, đứng không nổi.

Thấy vậy, bà chủ quán nói: “Ban đầu sẽ thấy lâng lâng, nhức đầu và có cảm giác muốn ói. Hôm bữa chị “kéo” 3 hơi đầu óc xoay mòng mòng rồi nằm bẹp trên ghế. Đặc biệt, loại có chứa nicotine, khi hút thì lượng khói nạp vào người rất nhiều nên mấy đứa nhỏ thường bị sặc, xây xẩm mặt mày”.

“Giờ em ghiền khói này lắm”

Ngày 3.7, theo chân một “dân chơi” thuốc lá điện tử tên A. (24 tuổi, ngụ Q.8), chúng tôi đến quán V.C ở đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) để mục sở thị thú vui lạ lùng của giới trẻ. Vừa mở cửa bước vào quán, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục khách trẻ vừa ngậm vape vừa lắc lư theo điệu nhạc. Không gian nhỏ hẹp của quán ngập ngụa khói thuốc.

Vừa ngồi xuống bàn, A. lấy trong túi ra một vape cùng chai tinh dầu màu vàng óng nói: “Cái này em mới mua 2 triệu đồng. Hút bao phê luôn”. A. mở nắp vape rồi nhỏ từng giọt tinh dầu vào, đậy nắp lại rồi vừa bấm nút vape vừa rít từng hơi thật sâu, nhả khói bay mù mịt.

Đi cùng chúng tôi còn có hai người bạn của A., cũng cầm vape liên tục rít thuốc, rồi ngửa mặt nhả khói khiến không gian chật chội của quán V.C càng thêm ngột ngạt. A. nói: “Em chơi cái này được 6 tháng rồi. Hồi trước em không biết thuốc lá là gì nhưng khi thấy đứa bạn chơi cái này là lạ nên chơi thử. Bây giờ em ghiền khói này lắm, ngày nào cũng phải “bú” liên tục”.

Theo lời A., nếu đã “lậm” vào khói thuốc điện tử thì rất tốn kém vì người chơi luôn có nhu cầu “nâng cấp” đồ nghề cũng như lên “đô” theo thời gian.

Ban đầu, người chơi chỉ mua những loại vape thông thường có giá chừng vài trăm ngàn đồng, nhưng càng chơi lâu thì càng muốn sử dụng vape xịn có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/cái. Và “tín đồ” của thuốc lá điện tử sẽ không ngừng bỏ tiền để “đầu tư”, vừa thể hiện đẳng cấp vừa được cho là hút “phê” hơn so với loại vape, tinh dầu thông thường.

“Ban đầu mình có thể hút loại tinh dầu tẩm nicotine nhẹ nhưng sẽ tăng “đô” dần dần. Vì nếu chỉ “giậm chân tại chỗ” thì cảm giác miệng sẽ nhạt và không thấy hứng thú nữa”, A. nói.

Trong quán V.C có bán đủ loại vape, tinh dầu với nhiều hương thơm khác nhau để phục vụ “thượng đế”. Trong đó, loại tinh dầu có chứa nicotine rất được giới trẻ ưa chuộng. Theo các dân chơi thuốc lá điện tử, ở TP.HCM còn có rất nhiều tụ điểm chuyên phục vụ giới trẻ mê khói thuốc điện tử (Thanh niên trang 10).

Viêm não, sốt xuất huyết đe dọa trẻ nhỏ

Thời điểm này tại miền Bắc, dịch viêm não, viêm màng não đang bước vào mùa cao điểm. Cùng lúc, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ cũng bắt đầu gia tăng. Đáng chú ý, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, cùng một số thông tin thiếu chính xác liên quan đến dịch bệnh lan truyền trên mạng xã hội đã tạo ra tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

Bác bỏ thông tin ăn quả vải bị viêm não

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin ăn quả vải dễ bị mắc bệnh viêm não Nhật Bản khiến người dân hoang mang, thậm chí một số người không dám mua quả vải về ăn. Trước thông tin này, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện “ăn quả vải dễ mắc bệnh viêm não”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sở dĩ có tin đồn này vì vào mùa vải, tức tháng 6-7 hàng năm cũng trùng vào tháng cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản ở miền Bắc, với số mắc tăng mạnh và nguy cơ bùng phát dịch lớn, hơn nữa bệnh này lại thường gặp nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Sở Y tế Hà Nội cũng vừa thông báo đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại các bệnh viện của thành phố.

Đáng chú ý, số bệnh nhân tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm cuối mùa hè, đầu mùa thu trẻ rất dễ mắc bệnh này nên phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, chú ý phòng bệnh cho trẻ. Trẻ bị viêm não Nhật Bản dễ bị di chứng rất nặng cả về sức khỏe tâm thần và vận động. Trẻ có thể phải nằm một chỗ cả đời, thậm chí tử vong.

PGS. TS Phạm Nhật An, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, các bệnh viêm não nói chung chủ yếu xảy ra ở trẻ 2-8 tuổi. Hiện đã có vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vào mùa cao điểm của dịch bệnh như thời điểm này, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao, đau đầu nhiều, nôn vọt, cần nghĩ ngay tới bệnh viêm não và nên đưa đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết sắp “vào mùa”

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận 419 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, các trường hợp mắc chủ yếu tập trung ở 11 tuần đầu năm và bắt đầu tăng nhanh trở lại trong vài tuần gần đây, trùng với thời điểm Hà Nội bắt đầu xuất hiện một số cơn mưa.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hiện nay đang trải qua những ngày nắng nóng, lại có những trận mưa đan xen. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Mặt khác, thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều, độ ẩm cao cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp và bệnh truyền nhiễm như đau mắt đỏ... phát triển.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, nhằm chủ động ngăn chặn, không để sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa này và những tháng cuối năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch phun hóa chất, vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy trên địa bàn. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức 2 đợt cao điểm phun hóa chất diện rộng, tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đợt 1 từ tháng 7-8, đợt 2 từ tháng 10-11 tới.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ lựa chọn những xã, phường có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh để tổ chức chiến dịch phun hóa chất… Về biện pháp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế tử vong do sốt xuất huyết, PGS.TS. Phạm Nhật An cho biết, bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện: sốt rất đột ngột, bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi, người lớn đau đầu, đau sau hốc mắt, trẻ em quấy, ngoài ra còn đau cơ, thân thể.

Nếu mắc sốt xuất huyết dengue, trẻ thường sốt cao, dùng thuốc có thể giảm nhưng khống chế sốt không trở về bình thường được; ngoài ra sốt xuất huyết có các triệu chứng khác như viêm đường hô hấp trên, đau bụng, đau họng...

PGS.TS Phạm Nhật An khuyến cáo, với các bệnh nhân sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo thì có thể chữa ở nhà bằng thuốc hạ sốt, cung cấp đủ nước, điện giải như dùng orezol, còn khi mắc sốt xuất huyết nguy hiểm như bệnh nhân có đau bụng, biểu hiện xuất huyết nhiều, trẻ li bì, nôn nhiều, chân tay lạnh, khó thở... cần đưa ngay đến bệnh viện điều trị (An ninh thủ đô trang 15).

Việt Nam có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đáng lo ngại

Ngày 6.7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị nhằm triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh, giai đoạn 2016-2020.

Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đang là gánh nặng cho bệnh nhân và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt là các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Một nghiên cứu tiến hành tại 8 quốc gia đang phát triển từ 2002-2005 cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung là 14,7% và 22,5 ca nhiễm khuẩn bệnh viện/1000 ngày điều trị. Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện khá cao ở khoa hồi sức tích cực lên tới 35,2%-44,9%.

Tại Việt Nam, nghiên cứu cắt ngang của  Bộ Y tế (2005) trên 9.345 bệnh nhân của 10 bệnh viện cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5.8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4%. Cũng thời gian này, một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế TPHCM trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%. Trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm đến 54,3%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu 12,3%, nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết tương tương đương nhau 10%.

Nghiên cứu riêng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và VINAREX (2013) khảo sát trên 3.671 bệnh nhân của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện từ 3 miền cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%, tỷ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và bệnh viện dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn,

Đáng lo ngại hơn, các cơ sở khám chữa bệnh lại thường xuyên phải đối phó với các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao do các tác nhân gây bệnh qua đường máu như HIV, Viêm gan B,C và nhiều tác nhân lây truyền qua đường hô hấp như cúm A (H5N1, H1N1, H7N9…), lao phổi và các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Đặc biệt, ngày nay, với tình trạng xuất hiện nhiều bệnh nhiễm khuẩn mới nổi có tỷ lệ tử vong cao, có nguy cơ lây lan thành dịch, tái dịch trong cộng đồng đặc biệt là trong bệnh viện, đe dọa đến sự an toàn của người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng như: MERS-CoV, Ebola, sởi, dịch hạch….Ngoài ra, nhiễm khuẩn bệnh viện là nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển kỹ thuật cao như ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc (Lao động trang 3).

3 bác sĩ hiến máu cứu sống sản phụ

Trong quá trình phẫu thuật, thấy sản phụ bị mất  rất nhiều máu, cần được truyền máu, 3 bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã hiến máu cứu sống phụ nữ này. Ngày 6-7, ông Nguyễn Viết Đồng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, có 3 bác sĩ ở bệnh viện này vừa hiến máu cứu sống sản phụ Võ Thị Lượng (26 tuổi, ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) vì bị mất máu nặng.

Sản phụ Võ Thị Lương nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, tim thai rời rạc, ra nhiều máu...

Các bác sĩ khoa sản bệnh viện tiến hành cấp cứu, truyền dịch trợ sức, đồng thời chuyển thẳng phòng mổ. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai, sản phụ bị mất máu nặng cần phải được truyền 5 đơn vị máu (nhóm máu O) cấp cứu để cứu sống mẹ và bé.

Tuy nhiên lượng máu dự trữ của bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị trong khi đó người nhà không có ai trùng với nhóm máu của sản phụ Lượng.

Có mặt tại phòng phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Viết Thọ, bác sĩ Lâm Phúc Công (ở khoa sản) và bác sĩ Trương Ngọc Anh (khoa gây mê) biết mình cùng nhóm máu với sản phụ nên hiến trực tiếp 3 đơn vị máu, kịp thời cứu sống sản phụ và một bé trai nặng 2,1 kg.

Theo ông Đồng, hiện tại sức khỏe của mẹ và bé trai đang dần bình phục và đang được chăm sóc, theo dõi (Tuổi trẻ trang 4).

Khắc phục tình trạng thiếu nhân lực cho y tế Lai Châu

Sau hơn mười năm tái lập tỉnh, ngành y tế Lai Châu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở khám, chữa bệnh đang từng bước được đầu tư; số lượng cán bộ y tế ngày càng tăng… nhưng do xuất phát điểm thấp, địa bàn lớn, nên những khó khăn chưa khắc phục được. Trong đó, tình trạng thiếu nhân lực trình độ cao là vấn đề lớn nhất mà ngành y tế Lai Châu phải đối mặt.

Hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) ở Lai Châu gồm: Ba bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó hai bệnh viện được xây mới, hiện đại; 75% số trung tâm y tế tuyến huyện được đầu tư cơ sở vật chất với quy mô 100 giường bệnh/cơ sở; 50% số trạm y tế tuyến xã được đầu tư xây mới, nâng cấp và sửa chữa cơ bản bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế. Đi liền với cơ sở vật chất, các trang thiết bị y tế cũng từng bước được đầu tư, như: Máy chụp MRI, CT.Scaner, siêu âm mầu, thận nhân tạo, mổ nội soi, một số trang thiết bị hiện đại, máy sản xuất thuốc đông dược... 75% số bệnh viện huyện được đầu tư đạt hơn 90% danh mục theo quy định; tỷ lệ này ở các trạm y tế tuyến xã là 70 đến 80%; 72% số nhân viên y tế thôn, bản được trang bị túi y tế... Nhờ đó, đến nay các cơ sở KCB thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế đạt tỷ lệ 63% (tuyến tỉnh), 52% (tuyến huyện) và 33% (tuyến xã)...

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, cho nên hệ thống y tế trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn còn 25% số đơn vị chưa được đầu tư xây dựng, đang sử dụng nhà tạm của các đơn vị khác để lại; hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện chưa có cơ sở làm việc riêng; các phòng khám đa khoa khu vực và 42% số trạm y tế xây dựng từ những năm trước đây, đến nay đã xuống cấp không bảo đảm cho công tác KCB. Điều đó dẫn đến chất lượng KCB tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng cung cấp dịch vụ y tế còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao, nhất là các dịch vụ kỹ thuật hiện đại; khả năng triển khai thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến của tuyến xã còn thấp; phần lớn các bệnh viện tỉnh, huyện trong tình trạng quá tải người bệnh, gây nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, điều trị và tăng áp lực thời gian làm việc cho cán bộ y tế...

Đáng chú ý, đội ngũ cán bộ y tế của Lai Châu tuy cơ bản đáp ứng về số lượng nhưng trình độ chuyên môn còn yếu, tỷ lệ bác sĩ đạt rất thấp, trong khi đó, tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ trung cấp còn quá cao (chiếm tới 74,3%). Toàn tỉnh hiện có 349 bác sĩ, đạt mức hơn 8 bác sĩ/ 10 nghìn dân, tỷ lệ này cao hơn trung bình của cả nước. Nhưng do có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân cư phân bố không đều, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu cho nên hoạt động của ngành y tế gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có nhiều ưu đãi, nhưng số lượng bác sĩ miền xuôi vẫn chưa mặn mà lên công tác miền ngược, một số người về Lai Châu rồi lại có tâm lý muốn đi. Từ năm 2004 đến nay, ngành y tế Lai Châu không thu hút được bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy lên công tác. Số lượng cán bộ có trình độ đại học tăng lên là do có một số lượng rất ít những bác sĩ đã có gia đình tại địa phương hoặc là cán bộ y tế người địa phương được cử đi học theo diện chuyên tu, cử tuyển. Trong khi không tuyển được người mới thì vẫn có bác sĩ, cán bộ có trình độ đại học bỏ việc, thôi việc theo nguyện vọng... Xét về nhu cầu của toàn ngành cần hơn 600 bác sĩ, thì hiện nay mới đáp ứng được hơn 50% nhu cầu.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, dù được xây mới với cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư hiện đại bậc nhất khu vực Tây Bắc, trung bình mỗi ngày điều trị nội trú và khám bệnh cho 500 lượt người, nhưng chuyên khoa nào cũng trong tình trạng thiếu bác sĩ… Còn với Mường Tè, huyện khó khăn nhất của Lai Châu thì tình trạng thiếu nhân lực là điều dễ hiểu. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Mường Tè Chư Pó Xá cho biết: Trung tâm đang thiếu trầm trọng cán bộ y tế có trình độ đại học và chuyên khoa sâu như nhi, răng hàm mặt...

Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đạt mức 12 bác sĩ/ 10 nghìn dân, tương đương toàn tỉnh cần có 608 bác sĩ (phải bổ sung khoảng 250 bác sĩ)… Để đạt được mục tiêu đó là một việc làm rất khó, không chỉ cần sự vào cuộc của ngành y tế, tỉnh Lai Châu mà cần cả sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương. Thống kê cho thấy hiện số lượng các bác sĩ được cử đi học hoặc là con em tỉnh Lai Châu sẽ ra trường trong một vài năm tới là tương đối lớn nhưng để số bác sĩ này gắn bó lâu dài với quê hương lại là một vấn đề khác.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế mới đây, ngoài đề nghị ưu tiên các dự án tài trợ của quốc tế và hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm trang thiết bị y tế cho các đơn vị trên địa bàn, tỉnh Lai Châu kiến nghị tăng chỉ tiêu đào tạo liên thông hoặc xem xét bố trí riêng cho tỉnh hai lớp (120 chỉ tiêu trong hai năm 2016 và 2017) và có cơ chế, chính sách thi tuyển đầu vào đào tạo bác sĩ hệ bốn năm. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện cao nhất trong việc nâng chỉ tiêu đào tạo cán bộ cho các tỉnh thiếu nhân lực. Bộ Y tế sẽ sớm bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc để cùng thống nhất giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang có, ngành y tế Lai Châu cần tham mưu với UBND tỉnh Lai Châu về công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ. Đồng thời có chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn...

Bộ Y tế cũng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai công tác đào tạo cán bộ y tế đối với tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được cử đi học các lớp tập huấn do trung ương tổ chức theo các Đề án 225, 47, 930, các dự án ODA khác, do địa phương tự mở (theo chuyên khoa) và đánh giá tình hình chuyên môn cán bộ y tế sau khi tham gia các lớp tập huấn này. Đồng thời đề xuất lộ trình cụ thể và khả thi để bảo đảm đủ nguồn nhân lực y tế có chất lượng cho các tuyến (Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang