Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan hiện tượng "cò" xếp lốt khám bệnh
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ngày 5/7 đã đề nghị kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm không để xảy ra hiện tượng "cò" tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Xử lý nghiêm minh các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan đến hiện tượng "cò" xếp lốt khám bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế ngày 5/7 đã có văn bản gửi Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc rà soát chấn chỉnh quy trình khám bệnh và an ninh trật tự tại bệnh viện.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, ngày 4/7, phương tiện truyền thông có thông tin "Cò" xếp lốt khám bệnh, phản ánh các vấn đề người dân bức xúc khi đến khám bệnh tại một số bệnh viện tuyến cuối.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát việc triển khai quy trình khám bệnh tại Khoa khám bệnh theo hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 1313/QĐ-BYT ngày 22/4/2013 của Bộ Y tế để bảo đảm rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh, giảm thủ tục phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Khẩn trương triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và khám bệnh, hẹn khám trực tuyến, đăng ký khám theo khung giờ…
Cùng đó phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội các tỉnh/thành phố thực hiện nghiêm nội dung trong Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị các đơn vị kiểm tra, giám sát chặt chẽ bảo đảm không để xảy ra hiện tượng trên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Xử lý nghiêm minh các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan đến hiện tượng "cò" xếp lốt khám bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc nếu có vi phạm.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
TP.HCM: Dịch tay chân miệng 'chồng dịch' sốt xuất huyết
Từ ngày 19 đến 25-6, số ca mắc và nhập viện vì bệnh tay chân miệng tại TP.HCM tiếp tục tăng nhanh và gấp đôi so với 4 tuần trước. Song song đó là bệnh sốt xuất huyết cũng bắt đầu tăng.
Tối 28-6, Sở Y tế TP.HCM thông tin tình hình dịch bệnh trong tuần 25 (từ ngày 19 đến 25-6) trên địa bàn thành phố.
Cụ thể trong tuần 25, TP.HCM ghi nhận 779 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp đôi (116,2%) so với trung bình 4 tuần trước (360 ca). Trong đó số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 1,8 lần và 2,8 lần.
Trong tuần ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc tăng so với trung bình 4 tuần trước (21/22 quận huyện), trừ huyện Cần Giờ có số mắc mới không đổi.
Như vậy, tính đến tuần 25, số ca mắc bệnh tay chân miệng tích lũy là 3.736 ca, thấp hơn 47,7% so với cùng kỳ năm 2022 (7.144 ca).
Các chuyên gia dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng và tử vong, nếu không tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch và điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên, nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng, cụ thể là thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) tại TP.HCM còn khó khăn. Sở Y tế TP.HCM đề nghị cần sớm có những giải pháp căn cơ và chủ động hơn về cung ứng thuốc này.
Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong tuần 25, thành phố ghi nhận 197 trường hợp mắc bệnh, tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 11,4 % và 24,6%.
Trong tuần này có 12/22 quận, huyện và 23/312 phường, xã có số ca bệnh tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.
Như vậy, số ca mắc tích lũy đến tuần 25 là 8.298 ca, thấp hơn 53,2% so với cùng kỳ năm 2022 (17.733 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Qua giám sát điểm nguy cơ sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phát hiện có 12/24 điểm có lăng quăng (tại các quận 12, 4, 7, 11, 1, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức).
Trước tình hình dịch chồng dịch, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn.
Chủ động phòng bệnh tay chân miệng
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người chăm sóc và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng. (Pháp luật TP. HCM, trang 13; Tuổi trẻ, trang 13; Tiền phong, trang 3; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Làm gì để không mất quyền lợi hưởng BHYT cao nhất
Khi tham gia BHYT năm năm liên tục, nếu trong năm người bệnh có chi phí điều trị cao sẽ được hưởng thêm quyền lợi.
Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được một số câu hỏi của bạn đọc thắc mắc về những điều kiện và quyền lợi khi tham gia BHYT năm năm liên tục.
Đồng thời, cũng có một số bạn đọc thông tin về việc đã bỏ lỡ những quyền lợi này trong quá trình sử dụng thẻ BHYT đã đủ điều kiện hưởng mà nay đã hết thời gian giải quyết.
Bị thiệt thòi vì không biết có quy định
Chị MMH (ngụ phường 4, quận 4, TP.HCM) cho biết nhiều năm nay, gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn vì phải lo tiền viện phí, thuốc men cho con trai út của chị mắc nhiều bệnh phải điều trị liên tục.
Chị H cho biết con trai út của chị năm nay chín tuổi. Khi mới sinh ra, cháu mang nhiều chứng bệnh như phổi mạn, suy giảm miễn dịch… phải nhập viện liên tục để điều trị.
Lúc cháu còn nhỏ, được phường cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng BHYT là 100% nên tiền viện phí, thuốc điều trị không mấy tốn kém. Tuy nhiên, từ năm cháu lên bảy tuổi, thẻ BHYT của cháu từ diện được cấp cho trẻ em sang BHYT học sinh nên mức hưởng chỉ còn 80%. Vì thế, mỗi lần cháu nhập viện điều trị gia đình phải đóng 20% chi phí điều trị so với trước đây. Chi phí điều trị cao nên mỗi lần xuất viện là chị phải đóng viện phí cả chục triệu đồng.
“Mấy năm trước, tôi không biết có chính sách hưởng BHYT năm năm liên tục nên không làm thủ tục nhận phần tiền chênh lệnh mà mình đã đóng. Vừa rồi, đọc trên Pháp Luật TP.HCM online tôi thấy có chính sách này nên đến cơ quan BHXH quận 4 để hỏi thủ tục. Tại đây, cán bộ BHXH cho biết chính sách này chỉ giải quyết trong năm nên những năm trước không được giải quyết. Nếu tôi biết sớm thì đỡ biết mấy” - chị H chia sẻ.
Anh NQC (ngụ huyện Thủ Thừa, Long An) cho hay cha anh có thẻ BHYT hộ gia đình với mức hưởng là 80% và đã tham gia năm năm liên tục. Đầu năm 2021, khi đi khám bệnh tại một bệnh viện ở TP.HCM, cha anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Từ đó, cha anh phải liên tục chuyển viện lên bệnh viện tại TP.HCM điều trị. Ngoài chi trí điều trị được BHYT thanh toán 80%, gia đình anh phải đóng 20% tiền viện phí với số tiền cả trăm triệu đồng/năm. Đầu năm 2023, sau quá trình điều trị, cha anh đã không qua khỏi.
“Mới đây, qua thông tin từ báo chí tôi mới biết những người tham gia BHYT năm năm liên tục có mức đóng thấp hơn 100% và có mức chi phí điều trị bệnh cao sẽ được cơ quan BHXH thanh toán thêm tiền chi phí điều trị. Tôi cũng lấy làm tiếc vì trường hợp của cha tôi, vì đã quá thời hạn một năm để làm thủ tục hưởng quyền lợi BHYT năm năm liên tục” - anh NQC nói.
Có người được trả gần 100 triệu đồng phí điều trị
Theo thông tin từ cơ quan BHXH TP.HCM, trong quý I-2023, cơ quan BHXH đã thanh toán trực tiếp chi phí điều trị cho hơn 150 trường hợp với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Trong đó, đa số trường hợp được giải quyết theo quyền lợi BHYT năm năm liên tục.
Theo số liệu thống kê, có bệnh nhân được Quỹ BHYT thanh toán lại số tiền gần 100 triệu đồng tiền chi phí điều trị.
Trao đổi với PV về điều kiện và quyền lợi hưởng BHYT năm năm liên tục, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết để được hưởng quyền lợi khi tham gia BHYT năm năm liên tục, người dân cần đáp ứng ba điều kiện. Thứ nhất, có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên.
Thứ hai, số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở từ ngày 1-7 là 1,8 triệu đồng). Số tiền cùng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỉ lệ phần trăm được hưởng của loại thẻ BHYT.
Những người có thẻ BHYT có mức hưởng 80%, 90%, 95% thì người bệnh phải đồng chi trả theo các mức tương ứng 20%, 10%, 5% trong tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
Thứ ba, người tham gia phải đi KCB đúng tuyến.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, khi đáp ứng những điều kiện trên, người bệnh chỉ cần mang những giấy tờ có liên quan như các hóa đơn thanh toán đối với số tiền cùng chi trả, thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh đến nộp tại cơ quan BHXH gần nhất.
Sau khi tiếp nhận, cơ quan BHXH sẽ thanh toán phần chênh lệch số tiền đồng chi trả cho người dân. Đồng thời sẽ cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm và cập nhật trên hệ thống để người bệnh không phải thanh toán phần cùng chi trả như lần trước.
“Khi đã đủ điều kiện được hưởng, người bệnh cũng cần lưu ý về thời gian đề nghị giải quyết. Theo đó, việc thanh toán số tiền đồng chi trả BHYT chỉ được thực hiện trong cùng năm” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng lưu ý.
Quyền lợi năm năm liên tục được tính như thế nào?
Số tiền mà người bệnh sẽ được cơ quan BHXH thanh toán lại khi được hưởng quyền lợi năm năm liên tục được tính như sau: Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính, tại các cơ sở KCB khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở lớn hơn sáu tháng lương cơ sở, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi.
Ví dụ: Ông A tham gia BHYT liên tục đủ năm năm và có tổng chi phí cùng chi trả trong năm là 30 triệu đồng.
Nếu thời gian thanh toán chi phí điều trị trước ngày 1-7 thì sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả là 30 triệu đồng - 8.940.000 đồng (sáu tháng lương cơ sở) = 21.060.000 đồng và được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Nếu thời gian thanh toán chi phí điều trị sau ngày 1-7 sẽ được thanh toán lại số tiền cùng chi trả là 30 triệu đồng - 10.800.000 đồng (sáu tháng lương cơ sở) = 19.200.000 đồng và được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Bà NGUYỄN THỊ THU HẰNG,Phó Giám đốc BHXH TP.HCM (Pháp luật TP. HCM, trang 14).
Bệnh viện không còn phải mua dao mổ cùn, ống xông hút giá rẻ
Ngay sau khi Thông tư số 14/2023 của Bộ Y tế được ban hành, chia sẻ với phóng viên Lao Động, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - nhận định: Đây là văn bản hợp pháp quan trọng hướng dẫn các bệnh viện thực hiện mua sắm vật tư thiết bị y tế.
Bỏ “3 báo giá” khi đấu thầu trang thiết bị
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Mặc dù chỉ có hiệu lực trong 6 tháng, (vì Luật KCB và Luật Đấu thầu đã ban hành có hiệu lực từ 1.1.2024, sẽ có các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật), áp dụng đến 31.12.2023 nhưng Thông tư 14 hết sức quan trọng. Việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế không dừng 1 ngày, việc mua sắm với BV công, nhất là BV hạng đặc biệt rất quan trọng.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không thể kì vọng Thông tư này có thể giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc mà chỉ có thể giải quyết các vướng mắc trong tình trạng cấp bách khẩn cấp. Thông tư 14 này đã gỡ được khó khăn trong mua sắm gói thầu. Đây là vấn đề Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện giải quyết được khó khăn cấp bách hiện nay. Thông tư 14 thời hạn chỉ có 6 tháng nhưng giúp bệnh viện có thể mua thiết bị, linh kiện, sửa chữa máy móc đang hỏng để đưa vào sử dụng, phục vụ công tác khám chữa bệnh. Ông Cơ cho biết, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ không còn phải chuyển người bệnh tới các cơ sở y tế khác để chiếu chụp MRI…
Theo quy định mới, chủ đầu tư căn cứ vào tài chính, nhu cầu sử dụng để xây dựng cấu hình, tính năng trước khi chào giá, không bắt buộc phải chọn giá thấp nhất hay phải có 3 báo giá như Thông tư 58 hay 68 của Bộ Tài chính.
Trước đây những Thông tư hướng dẫn về mua sắm chung của Bộ Tài chính như Thông tư 5868 quy định chung mua sắm hàng hóa, trong khi đó, vật tư thiết bị y tế là hàng hóa rất đặc thù của ngành y tế nên không thể dùng Thông tư 58, 68 để mua sắm vật tư thiết bị y tế vì dựa vào đó có nhiều vướng mắc đặc thù riêng.
“Việc tháo gỡ này sẽ lựa chọn mua sắm được vật tư thiết bị y tế đang chỉ có ít nhà cung cấp. Thứ 2, chúng tôi có thể thông qua Hội đồng khoa học của bệnh viện, của Sở Y tế lựa chọn những đặc tính cấu trúc của các máy móc thiết bị bật tư y tế cần để sử dụng tại cơ sở chúng tôi. Thông tư quy định rất rõ, cho phép chủ đầu tư dựa vào Hội đồng khoa học, căn cứ thực tiễn, năng lực tài chính để quyết định giá định mua của thiết bị vật tư phục vụ công tác chuyên môn tại bệnh viện ở mức độ nào” - PGS Đào Xuân Cơ phân tích.
Hết cảnh máy móc “đắp chiếu”
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 14 đã giúp các bệnh viện tránh tình trạng các bệnh viện mua phải xông hút với giá thấp nhất gây biến chứng phế quản hay Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ không còn phải mua con dao phải rạch 3 lần mới đứt... Máy móc thiết bị hỏng hóc trước đây mua sắm linh kiện thay thế khó thì giờ Thông tư 14 giải quyết tất cả khó khăn này.
“Tôi nghĩ đòi hỏi Thông tư mà giải quyết mọi vướng mắc sẽ không thể. Nhưng rõ ràng Thông tư 14 giải quyết khó khăn cấp bách trong mua sắm đấu thầu vật tư hiện nay” - ông Cơ nói.
Theo PGS Cơ, hiện Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào hoạt động trở lại một số thiết bị máy móc trước đây vẫn bị “đắp chiếu”.
“Chúng tôi hi vọng rằng, với sự gỡ khó từ Chính phủ, từ Bộ Y tế, sẽ sớm đưa vào hoạt động trở lại tất cả các máy móc, thiết bị đang bị đắp chiếu, nhằm phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Người bệnh sẽ không còn phải đi sang bệnh viện khác để làm các dịch vụ kĩ thuật nữa” - ông Cơ nhấn mạnh. (Lao động, trang 1).
Báo động đỏ cứu thanh niên bị vỡ tim chết lâm sàng
Ngày 5-7, thông tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội cho biết nơi đây vừa báo động đỏ, tận dụng thời gian vàng cứu sống một bệnh nhân nam, 30 tuổi, vỡ tim, ngưng tuần hoàn.
Trước nhập viện năm ngày, bệnh nhân xuất hiện các cơn ho, khạc đờm trắng đục, sốt cao 390C, đau rát họng, test COVID-19 âm tính. Do sốt cao, mệt nhiều nên bệnh nhân đến BV đa khoa tỉnh để khám, các bác sĩ (BS) phát hiện bệnh nhân có phình ở thành sau thất trái, theo dõi viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn rồi chuyển lên BV Bạch Mai.
Đến đêm 5-6, bệnh nhân được chuyển đến Đơn vị Hồi sức Cấp cứu C1 - Viện Tim mạch của BV trong tình trạng sốt 380C, đau ngực nhẹ, nhịp tim nhanh… Siêu âm cấp cứu tại giường, các BS thấy khối phình sau thành thất trái, khối phình rất mỏng, đến mức có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Sáng 6-6, bệnh nhân đột ngột ngừng thở, ngừng tim, mất hoàn toàn ý thức. Chỉ số trên các phương tiện theo dõi cho thấy bệnh nhân đã rơi vào tình trạng chết lâm sàng…
Hệ thống báo động đỏ toàn viện được kích hoạt, bệnh nhân được ép tim duy trì huyết áp. Kết quả từ máy siêu âm tại giường cho thấy khối phồng đã vỡ, là nguyên nhân khiến bệnh nhân chết lâm sàng.
Nhận định đây là tình huống vỡ tim phải mổ mở gấp để giải áp lực máu tràn buồng tim, các BS đã nhanh chóng phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau ba tiếng căng thẳng, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Năm ngày sau mổ bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, đã có thể ngồi dậy được.
TS-BS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch C8 - Viện Tim mạch, đánh giá đây là một thương tổn nặng, khó xử lý, tỉ lệ tử vong cực kỳ cao, đặc biệt là mổ trong tình trạng tối cấp cứu và bệnh nhân đã ngừng tim. Mọi việc triển khai đúng tính chất “cướp thời gian” - tức là chỉ cho phép trong vài phút để cứu được được bệnh nhân. (Pháp luật TP. HCM, trang 13).
Phẫu thuật thành công khối u gan 14cm cho thanh niên 28 tuổi
Các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa phẫu thuật khối u thành công cho một bệnh nhân nam 28 tuổi ở Ninh Bình với chẩn đoán Ung thư gan, viêm gan B.
Bệnh nhân được chuyển từ bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình lên BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương được nhập viện khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hóa & Ung bướu và được thăm khám cũng như hoàn thiện các xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá giai đoạn bệnh và hội chẩn tìm phương án điều trị phù hợp.
Qua Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân có khối u gan đường kính lớn 14cm, nằm ở phần gan bên phải, đè đẩy sát vào rốn gan và cuống gan bên trái. Các chất chỉ điểm ung thư gan như AFP và PIVKA II đều ở ngưỡng rất cao, thể hiện mức độ ác tính của căn bệnh.
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ khoa Gan mật – Tiêu hóa và Ung bướu đi đến kết luận với trường hợp một khối u như trên thì phương pháp phẫu thuật cắt gan là phương pháp điều trị chính, đem lại hiệu quả cao nhất. Bệnh nhân sau đó đã được tiến hành phẫu thuật cắt gan. Ca phẫu thuật diễn biến thuận lợi. Sau 5 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được cắt thùy gan phải mở rộng (6 trên tổng số 8 hạ phân thùy của gan). Quá trình hậu phẫu diễn ra thuận lợi, bệnh nhân đã ra viện vào ngày thứ 9.
BSCK II. Nguyễn Trường Giang cho biết: điểm khó khăn chính của trường hợp này là khối u gan phải kích thước rất lớn, lại nằm sát cuống mạch cấp máu cho phần gan bên trái. Phần gan còn lại không nhiều. Quá trình phẫu thuật cần phải rất cẩn thận tránh làm tổn thương cuống mạch nuôi phần gan còn lại. Ngoài ra, phương pháp cắt gan theo ngả trước không di động gan giúp hạn chế phát tán tế bào ung thư cũng như giữ ổn định phần gan trái. Ngày 03/7/2023, bệnh nhân đã tái khám theo hẹn của Bác sĩ sau một tháng phẫu thuật. Các kết quả chụp chiếu và xét nghiệm cho các chỉ số ung thư đều giảm.
Chia sẻ với bác sĩ, bố bệnh nhân cho biết: Con trai ông là người ngoan ngoãn, đã từng đỗ đại học danh tiếng và đi làm thêm cho công ty nước ngoài. Thế rồi tương lai sáng lạn ấy khép lại vì con trai bị tai nạn giao thông. Ngày đó, ông thức trắng hàng đêm trông cho con qua giai đoạn thập tử nhất sinh trong bệnh viện. Trải qua 22 ngày hôn mê, sức khỏe, khả năng làm việc của con ông không bao giờ quay trở lại như ngày xưa, vị trí công việc cũ không còn. Tuy nhiên, sau 8 năm ông lặng đi khi nghe biết tin con trai mình bị ung thư gan. Lần này là khối u gan 14cm và ông vẫn luôn đồng hành cùng con. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).