Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/12/2021

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế: Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, các địa phương phải quyết liệt phòng chống; Bộ trưởng Bộ Y tế: Tăng cường nhân lực điều trị COVID-19 ở 5 tỉnh, thành miền Nam; rà soát tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao

 

Bộ Y tế: Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, các địa phương phải quyết liệt phòng chống

Trong công điện do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành cho biết, tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn....

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron.

Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn

Công điện cho biết, trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. 

Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của vi rút SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi.

Đến ngày 02/12/2021, đã ghi nhận ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận biến chủng này. Tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn. 

Thực hiện Công điện số 1662/CĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19; Bộ Y tế điện và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể :

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân. 

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị. 

Tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã có biến chủng Omicron

Tại công điện này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo việc tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng Omicron như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Žimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique...) và một số quốc gia khu vực châu Âu; 

Thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách lỵ, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. 

Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trưởng hợp mắc COVID-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. 

Khẩn trương tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cơ bản, triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với trường hợp đủ thời gian

Công điện của Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bố vaccine, đảm bảo an toàn, hiệu quả; 

Rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, các tỉnh, thành phố cần điều trị  toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. 

Thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị COVID-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận.

Cùng đó, các tỉnh, thành phố phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Tiền phong, trang 3)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tăng cường nhân lực điều trị COVID-19 ở 5 tỉnh, thành miền Nam; rà soát tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhắc các tỉnh, thành phố phải thực hiện chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" lập danh sách tất cả những người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.

Chiều ngày 6/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh đang có ca mắc COVID-19, số ca tử vong gia tăng trong thời gian gần đây là TP Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa- Vũng Tàu và An Giang.

Điều nhân lực từ BV tuyến trung ương tới các địa phương chống dịch COVID-19

Báo cáo của TP Cần Thơ cho biết, số ca mắc thời gian gần đây đang gia tăng, hiện đã trên 30.000 ca; TP đang ở cấp độ dịch 3.

Tại An Giang, số ca mắc COVID-19 đến nay của tỉnh là 24.753 trường hợp, trong đó số đang điều trị là 5.284 ca. Tuy nhiên lũy kế số tử vong là 468 bệnh nhân (chiếm 1,89%), 75% bệnh nhân tử vong chưa được tiêm vaccine.

 Toàn tỉnh có 13 cơ sở thu dung điều trị với 4.570 giường bệnh. Người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch được điều trị tại 4 bệnh viện tuyến tỉnh là BVĐK trung tâm An Giang, BVĐK khu vực tỉnh, BVĐK khu vực Tân Châu và BV Sản Nhi.

Báo cáo của Tây Ninh cho biết, đến ngày 6/12, tỉnh này ghi nhận 49.639 ca mắc COVID-19, đang điều trị 14.838 ca, trong số đó có 173 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị tại tầng 3;

Tại Sóc Trăng đến ngày 6/12 ghi nhận 21.835 ca mắc COVID-19; cộng dồn 127 tử vong, trong số đó có 76% người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19;

Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, hiện có 3.766 ca COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn; 3.813 trường hợp F0 đang quản lý, theo dõi và cách ly tại nhà. Đánh giá về cấp độ dịch của tỉnh cho thấy hiện có 7 đơn vị ở cấp độ 4; có 33 đơn vị ở cấp độ 3.

Báo cáo của 5 địa phương này đều cho biết, hiện tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 rất cao đều trên 98%; mũi 2 trên 80%. Các tỉnh này cũng đã hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17; đang triển khai tiêm mũi 2.

Lãnh đạo ngành y tế các địa phương trên cũng thông tin đang đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2, tiêm vét các trường hợp thuộc đối tượng tiêm nhưng trì hoãn.

Tại cuộc họp các địa phương đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các bệnh viện trung ương để hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vaccine để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát; hỗ trợ máy thở…

Về đề xuất tăng cường nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các BV tuyến trung ương theo Quyết định số 5500/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành ngày 30/11/2021 về việc phân công các BV tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại TP HCM và 10 tỉnh phía Nam.

Bộ trưởng yêu cầu các BV trong danh sách phân công phải nhanh chóng đưa thêm nhân lực vào các tỉnh này để đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng chống dịch. BV Bạch Mai, trong ngày mai (7/12) phải cử thêm 1 đoàn cán bộ y tế nữa đến An Giang; BV Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa- Vũng Tàu; BV E vào hỗ trợ Tây Ninh, BV Nội tiết Trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng.

Riêng TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu BVĐK Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong công tác điều trị.

Bộ trưởng chỉ đạo các BV tuyến Trung ương phải cử  chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.

Rà soát tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi, có bệnh nền

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Thực tế cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm COVID-19 vì tại nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, lơ là, chủ quan... Khi số ca mắc gia tăng, đương nhiên bệnh nhân nặng sẽ tăng và con số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy cần nỗ lực để giảm số ca tử vong".

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương vì số ca nhiễm tăng nên trong quá trình triển khai Nghị quyết 128, đối với những nơi thuộc cấp độ dịch 3 và 4 phải thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các khu vực thuộc cấp độ 4. "Có như thế chúng ta mới kiểm soát được số mắc"- Bộ trưởng nói.

Nhấn mạnh nhiệm vụ này không chỉ của riêng ngành y tế, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Bí thư Thành uỷ, Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cấp cơ sở rà soát những người có nguy cơ cao nhưng chưa tiêm để ngành y tế triển khai tiêm. "Có thể tổ chức các điểm tiêm lưu động, đến tiêm tại nhà cho các trường hợp nguy cơ cao để bảo vệ họ khỏi nguy cơ bị diễn biến nặng nêu mắc COVID-19"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Quản lý chặt chẽ bệnh nhân COVID-19, chuyển tuyến kịp thời

Cũng về điều trị, một vấn đề được GS.TS Nguyễn Thanh Long lưu ý các địa phương là quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải chặt chẽ, khoa học và luôn đảm bảo "y tế phải gần dân nhất" thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động. Mỗi xã, phường có thể có nhiều trạm y tế, tổ y tế lưu động để quản lý chặt chẽ danh sách các ca bệnh nguy cơ cao nhằm sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải ngay lập tức rà soát việc cung cấp oxy cho các cơ sở điều trị COVID-19, phải có hệ thống oxy bồn, máy thở phục vụ điều trị hồi sức cho bệnh nhân khi cần. 

Về máy thở, Bộ Y tế và các bệnh viện trung ương có thể hỗ trợ các tỉnh, nhưng chuẩn bị oxy y tế thì Bộ Y tế không thể làm thay địa phương.

Về thuốc điều trị, Bộ Y tế cho biết trong vài ngày tới, khi làm xong các thủ tục tiếp nhận thuốc viện trợ, Bộ Y tế sẽ cấp phát, phân bổ ngay cho địa phương.

"Chúng tôi đánh giá cao sự tích cực, sâu sát của lãnh đạo các địa phương cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên diễn biến dịch còn phức tạp, do đó, Bộ Y tế đề nghị các đồng chí tiếp tục quán triệt thực hiện nhiệm vụ chống dịch trên địa bàn. Bộ Y tế sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Cả nước đã tiêm gần 128,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19; TP.HCM dự kiến tiêm mũi bổ sung từ ngày 10/12

Cập nhật đến 12h30 ngày 7/12, cả nước đã tiêm gần 128,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19; TP HCM dự kiến tiêm mũi bổ sung từ ngày 10/12; Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình và Bến Tre thêm nhiều F0 trong cộng đồng.

Gần 96% người trên 18 tuổi ở nước ta đã tiêm 1 liều vaccine phòng COVID-19

Cập nhật đến 12h30 ngày 7/12, cả nước đã tiêm gần 128,8 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đến ngày 6/12, số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 122.477.079 liều, trong đó có 68.979.442 liều mũi 1 và 53.497.637 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 95,6% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều là 74,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 91,4% và 66,7%; miền Trung là 92,4% và 69,3%; Tây Nguyên là 94,4% và 57,3%; miền Nam là 99,2% và 83,9%.

Có 59 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 28 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biện, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

4 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Yên Bái (73,4%), Hà Giang (77,8%), Cao Bằng (78,6%) và Nghệ An (78,7%). Bộ Y tế đã phân bổ vaccine cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 54 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ và Cà Mau.

Về triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi: đã có 49 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm được 5.449.667 liều, trong đó có 4.511.142 liều mũi 1 và 938.525 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 49,4 % và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 10,3% dân số từ 12 -17 tuổi.

Sở Y tế TPHCM đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và mũi bổ sung từ ngày 10/12

Sở Y tế TP HCM vừa có tờ trình UBND TP về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại trên địa bàn TP HCM.

Theo đó, đối với liều bổ sung, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, có HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...), đã được tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên.

Đối với liều nhắc lại, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. Ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Dự kiến, thời gian tiêm sẽ bắt đầu từ ngày 10/12/2021, lộ trình thực hiện tùy theo nguồn cung ứng vaccine. Theo đó, dự kiến tháng 12/2021, tập trung tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng.

Từ tháng 1 đến tháng 12/2022, tiêm cho người đã tiêm đủ liều cơ bản ít nhất 6 tháng theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục tiêm cho người bệnh suy giảm miễn dịch đủ liều cơ bản ít nhất 28 ngày; đảm bảo bao phủ liều nhắc lại cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP vào cuối năm 2022.

Về vaccine sử dụng là loại được Bộ Y tế phê duyệt và cung cấp. Theo nguyên tắc, nếu trước đó tiêm cùng loại vaccine thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA. Nếu các mũi trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA.

Nếu đã tiêm liều cơ bản hoặc liều bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA, vaccine véc tơ virus (vaccine AstraZeneca).

Quảng Bình: Ghi nhận 20 ca mắc COVID-19

Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 06/12 đến 6 giờ ngày 07/12), Quảng Bình ghi nhận thêm 20 ca nhiễm COVID-19 mới.

Thống kê của tỉnh Quảng Bình cũng cho thấy từ ngày 7/10- 7/12, Quảng Bình ghi nhận 409 ca dương tính với SARS-CoV-2 là người trở về từ vùng dịch.

Tổng số ca toàn tỉnh Quảng Bình từ trước tới nay hiện là 2.830 ca, trong đó 2.518 ca khỏi, 298 bệnh nhân đang điều trị (có 1 ca nặng), 6 ca tử vong.

Hiện Quảng Bình có 427 trường hợp đang cách ly tập trung, 4.716 trường hợp đang cách ly tại nhà.

Thống kê cho thấy hiện có 936.423 người tại Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trong đó 395.630 người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chỉ số này cho thấy tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Quảng Ngãi: Có 19 ca mắc COVID-19, trong đó 4 F0 cộng đồng

Sáng 7/12, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, vừa ghi nhận thêm 19 ca COVID-19, trong đó có 4 ca cộng đồng ở TX.Đức Phổ và huyện Bình Sơn.

Có 8 ca bệnh được ghi nhận khi đang cách ly y tế do liên quan tới các F0, trong đó có 3 ca cách ly tại nhà ở huyện Tư Nghĩa, 4 ca ở tổ 6, phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) và 1 ca đang cách ly tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 tỉnh (cơ sở 2).

Sở Y tế Quảng Ngãi cũng thông tin về 5 ca là người về từ vùng dịch và 2 ca bệnh được phát hiện tại chốt kiểm tra y tế đèo Bình Đê (TX.Đức Phổ). Từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 3.117 ca COVID-19.

Bến Tre: Thêm 213 ca mắc COIVD-19, có 206 ca cộng đồng

Từ 18 giờ ngày 6/12 đến 11 giờ ngày 7/12/2021, tỉnh Bến Tre có 213 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 11.682 ca. Trong đó, có 5.185 ca ra viện, 71 ca tử vong.

Trong số ca mắc, có 206 ca tại cộng đồng, 6 ca khu cách ly, ngoài tỉnh 1 ca.

Tính đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của tỉnh Bến Tre đạt 96,51%, trong đó 78,35% dân số tiêm đủ 2 mũi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Hà Nội: Hướng dẫn mới phân tầng điều trị bệnh nhân COVID-19

Đây là lần thứ 4 Hà Nội ban hành hướng dẫn phân tầng điều trị COVID-19.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 21391/SYT-NVY về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 lần thứ 4 gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã và Trung tâm Cấp cứu 115.

Theo hướng dẫn mới này, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ.

Cụ thể: Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. 

Bệnh nhân gồm: Tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không có triệu chứng cần can thiệp y tế. 

Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. 

Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao.

Bệnh nhân gồm: từ 65 tuổi trở lên và đã tiêm đủ liều vacccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine, từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi. 

Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.

Tầng 3 dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao. 

Bệnh nhân gồm: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.

Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.

 Bệnh cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng phân tầng điều trị đối với những trường hợp đặc biệt.

Cụ thể: Người bệnh chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Bắc Thăng Long; ở tầng 2 và tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương. 

Người bệnh đang điều trị HIV, Lao, cơ sở tiếp nhận điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Phổi Hà Nội; ở tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương. 

Người có bệnh lý tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội; tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Bệnh viện Tâm thần Hà Nội phối hợp) và bệnh viện trung ương. 

Người bệnh mắc các bệnh lý chuyên khoa khác (như: Răng hàm mặt, mắt, tai mũi, họng…) cần can thiệp y tế, cơ sở điều trị tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện đa khoa tầng 2; cơ sở điều trị tầng 3 là Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và bệnh viện trung ương.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, các bệnh viện thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, xét nghiệm của người bệnh COVID-19, chủ động chuyển người bệnh đến các cơ sở điều trị ở tầng thấp hơn tiếp tục quản lý, điều trị khi tình trạng ổn định; đồng thời ưu tiên bố trí giường bệnh tầng 2, tầng 3 để tiếp nhận người bệnh mới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Hà Nội điều trị gần 100 FO thể nhẹ tại nhà


Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, toàn thành phố có gần 100 F0 đang được điều trị tại nhà.

Phát biểu tại kỳ họp HÐND TP Hà Nội ngày 7/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, toàn thành phố có gần 100 F0 đang được điều trị tại nhà.

Đây là các F0 thể nhẹ, không triệu chứng ở 10 quận, huyện. Trong đó, nhiều nhất là ở quận Hà Đông và huyện Hoài Đức. Ngành y tế thành phố cũng hoàn thành việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ sở thu dung, trạm y tế lưu động.

Đến nay, 16 quận, huyện đã triển khai cơ sở thu dung F0. Ngay trong tuần này, tất cả các địa phương còn lại đồng loạt triển khai cơ sở thu dung F0 tại trạm y tế lưu động và tại nhà. Bà Hà cho biết, thành phố đã xây dựng hệ thống tiếp nhận, cung cấp thông tin phục vụ theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà gồm Tổng đài 1022 kết nối trực tiếp đến các trạm y tế lưu động toàn thành phố.

Thành phố cũng xây dựng phần mềm trên điện thoại thông minh để người dân tự cập nhật tình trạng sức khỏe, được hỗ trợ y tế cũng như kịp thời phát hiện dấu hiệu bệnh nhân chuyển tầng.

Theo bà Hà, Hà Nội cũng đã triển khai lực lượng hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội phụ nữ, y tế học đường…

Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Trao đổi với báo chí về kết quả Hội nghị Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 6/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh kết quả tích cực cũng còn không ít tồn tại hạn chế. Đó là xuất hiện tình trạng lúng túng trong triển khai, tổ chức thực hiện ở cấp quận, huyện và cơ sở; thậm chí có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là trong việc quyết định biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, quyết định cho cách ly F1, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.

Đặc biệt, tâm lý chủ quan đang ngày càng phổ biến đối với cả cơ quan có trách nhiệm và người dân. Tình trạng đi lại, tụ tập ăn uống đông người mà không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch ngày càng nhiều.

Ông Dũng yêu cầu UBND thành phố ban hành văn bản làm rõ quy định về phân cấp, giao quyền trong xác định mức độ dịch và quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo cấp độ dịch trên địa bàn cho UBND các quận, huyện, thị xã; cần thiết tổ chức tập huấn, huấn luyện phương án, cách thức xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh cho địa phương.

Đặc biệt chú trọng kế hoạch tăng cường thanh tra công vụ đột xuất để đánh giá trách nhiệm tập thể, cá nhân; kịp thời biểu dương, khen thưởng nơi làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đối với nơi còn yếu kém. (Tiền phong, trang 3; Nhân dân, trang 5)

 

Cần Thơ dồn sức chống dịch Covid-19

Những ngày qua, Cần Thơ liên tục ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới, thậm chí trở thành địa phương có số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh nhất cả nước.

Các báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ cho thấy kể từ ngày 8.7, ngày Cần Thơ phát hiện ca nhiễm Covid-19 (F0) cộng đồng đầu tiên, đến ngày 1.10 số ca F0 của Cần Thơ là 5.723 ca. Nhưng chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 6.12, số ca nhiễm ở Cần Thơ đã lên tới 33.109 ca, 254 ca tử vong, hàng trăm trường hợp trở nặng, nguy kịch đang điều trị.

Trong ngày hôm qua (7.12), Cần Thơ có đến 1.200 ca nhiễm mới. Trước đó ngày 6.12 là 1.189 ca.

Vì sao gia tăng ca nhiễm ở Cần Thơ?

Chiều 7.12, ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho rằng F0 ở Cần Thơ tăng nhanh là điều khó tránh khỏi, khi thành phố thực hiện mở cửa, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

“Sau hơn 4 tháng giãn cách kìm nén, người dân phải bung ra làm ăn, mưu sinh, chưa kể Cần Thơ là trung tâm của miền Tây nên người từ các tỉnh khác đến làm ăn, khám chữa bệnh cũng rất nhiều… Đặc biệt là càng về sau này, khi đã tiêm vắc xin, nhiều người dân chủ quan, lơ là trong việc thực hiện 5K”, ông Hiển phân tích.

Trước đó vào đầu tháng 10, khi TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía nam đồng loạt mở cửa, trên 300.000 người dân từ các nơi ồ ạt trở về quê tại miền Tây. Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 10, Cần Thơ cũng đã tiếp nhận hơn 10.500 người, trong đó có 2.000 người chưa tiêm vắc xin.

Đến ngày 18.10, UBND TP.Cần Thơ đã ban hành Công văn số 5168 về việc quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; các chốt kiểm soát dịch được dỡ bỏ. Từ con số 23 ca nhiễm mới trong ngày vào ngày 1.10 đã tăng lên 434 ca nhiễm Covid-19 ghi nhận vào ngày 1.11. Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Cần Thơ cứ thế tăng đều và nhanh hơn trong tháng 11 khi các chùm ca nhiễm xuất hiện ở nhà máy, khu công nghiệp. Đỉnh điểm là ngày 25.11, số ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày tại Cần Thơ lên tới 1.310 ca. Tuần gần đây nhất từ ngày 28.11 - 6.12, Cần Thơ đã ghi nhận 9.918 ca nhiễm mới và có thêm 82 người tử vong.

Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang cho rằng: “Rất may là tới giờ tỷ lệ tiêm vắc xin của Cần Thơ đã khá cao, nên F0 đa phần không có triệu chứng, ít triệu chứng. Nhưng điều đáng lo hiện nay là các ca ở tầng 3, đang quá tải”.

Thống kê của Sở Y tế Cần Thơ cho thấy số bệnh nhân (BN) nằm ở tầng 3 của Cần Thơ là 420 ca; trong khi khả năng điều trị chỉ đáp ứng được 330 giường. Trong số BN ở tầng 3 hiện có 205 BN thở ô xy qua mặt nạ, 16 BN thở ô xy dòng cao, 2 BN thở máy không xâm lấn và 29 BN thở máy xâm lấn.

Bộ Y tế và các nơi tiếp ứng

Trước tình hình đó, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết địa phương này đã phải kiến nghị T.Ư tiếp ứng. “Hôm qua, Bộ Quốc phòng đã cử 39 bác sĩ (BS), điều dưỡng quân y chi viện cho các bệnh viện (BV) tại Cần Thơ. Bộ Y tế cũng đã giao cho BV Chợ Rẫy đưa ê kíp hồi sức tích cực tiếp ứng cho TP.Cần Thơ; đồng thời cũng giao cho BV đa khoa (ĐK) T.Ư Cần Thơ, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tăng cường phối hợp, cử BS và sinh viên năm thứ 6 chung tay cùng TP chống dịch”, ông Hiển nói.

Về trang thiết bị, TP.HCM cũng vừa chuyển cho Cần Thơ mượn 100 giường ICU, 5 máy thở dòng cao, Bộ Y tế cho mượn 70 máy thở các loại. Đến nay Cần Thơ đã nhận được 2.400 liều thuốc điều trị kháng Covid-19 từ Bộ Y tế. “Thành phố cũng đang mở rộng tầng 3 điều trị cho BN Covid-19 nặng về các BV tuyến quận, huyện, đảm bảo mỗi BV có thể tiếp nhận được 10 - 50 giường tầng 3. Cùng với đó là lập thêm trung tâm hồi sức tích cực 100 giường điều trị cho BN Covid-19 nặng tại BVĐK TP.Cần Thơ”, ông Hiển nói.

Cũng tại Cần Thơ, Trung tâm điều trị Covid-19 quốc gia tại BVĐK T.Ư Cần Thơ đang triển khai 100 giường điều trị cho các BN nguy kịch từ các tỉnh miền Tây chuyển về. Hiện tại có 99 ca bệnh nặng đang được điều trị tại đây, trong đó có 68 BN ngụ tại Cần Thơ, còn lại là từ các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang chuyển tuyến lên. Trong khi đó, tại BVĐK TP.Cần Thơ cũng đang điều trị cho 367 ca Covid-19 thuộc tầng 3 và tầng 2 thuộc nhóm người lớn tuổi, bệnh nền... (Thanh niên, trang 4)

 

TP.HCM cạn vắc xin ngừa cúm, viêm phổi

Sau giãn cách, nhiều người đổ xô đi tiêm vắc xin ngừa cúm, viêm phổi vì tin rằng sau tiêm sẽ phòng thêm COVID-19.

Hiện các đơn vị tiêm chủng lớn nhất ở TP.HCM và nhiều phòng khám đều thông báo tạm hết các loại vắc xin này, chưa biết thời gian có lại.

Vắc xin ngừa cúm, viêm phổi có thực sự giúp phòng lây nhiễm COVID-19 hay chuyển nặng? Việc khan hiếm các loại vắc xin trong thời điểm này có nghiêm trọng?

Tưởng ngừa luôn được COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã kéo dài 2 năm, mỗi ngày cả nước vẫn ghi nhận trên 10.000 ca, trong đó có người tiêm đủ 2 liều vắc xin COVID-19 vẫn nhiễm bệnh, nhiều người đã chọn tiêm thêm liều vắc xin ngừa viêm phổi, cúm với suy nghĩ sẽ nâng cao đề kháng, chống COVID-19 hiệu quả hơn.

Anh N.T.P. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, cả nhà anh đều tiêm bổ sung vắc xin phòng cúm và viêm phổi phế cầu. Theo anh P., việc tiêm thêm 2 loại vắc xin này giúp cả nhà nâng cao đề kháng hệ miễn dịch, tăng hiệu quả ngừa COVID-19.

Anh P. cho biết thêm trước khi quyết định đưa cả nhà đi tiêm 2 loại vắc xin trên, anh đã tham khảo nhiều bài viết nước ngoài. "Qua hơn 2 năm dịch, trẻ em có tỉ lệ nhiễm, chuyển nặng, tử vong đều ít hơn người lớn. Chắc có thể trẻ em được các vắc xin thông thường hằng ngày đều đặn, đầy đủ nên hệ miễn dịch được "rèn luyện", nâng cao đề kháng trước các nguy cơ bệnh tật", anh P. tự đúc kết.

Tương tự, chị H. cho hay nhiều gia đình ở xóm chị rủ nhau đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm vắc xin ngừa viêm phổi, với giá hơn 1.200.000 đồng/mũi. Với người lớn thì tiêm vắc xin ngừa viêm phổi còn có ý nghĩa rằng sẽ không viêm phổi khi nếu chẳng may nhiễm COVID-19.

Chị H. thắc mắc liệu vắc xin ngừa cúm, viêm phổi có hạn chế khả năng nhiễm COVID-19 hay không, đặc biệt khi hiện nay đã xuất hiện biến chủng mới Omicron?

Thông báo hết vắc xin ngừa cúm, viêm phổi

Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 6-12 tại phòng khám - tiêm ngừa Viện Pasteur TP.HCM, rất đông người lớn, trẻ em đến tiêm vắc xin phòng bệnh. Tại quầy hướng dẫn có treo bảng giá vắc xin dịch vụ với 20 loại vắc xin phòng bệnh khác nhau, trong đó có 3 loại vắc xin thông báo "hết hàng" hoặc "tạm hết" đó là: vắc xin viêm phổi do phế cầu, ngừa cúm và viêm gan siêu vi A. Các loại vắc xin này có giá dao động từ 250.000 - 1.230.000 đồng/mũi.

"Vắc xin cúm đã hết rồi, có thể qua tháng 1 mới có. Còn vắc xin ngừa viêm phổi cũng tạm hết. Để rõ hơn, chị gọi thêm tổng đài (028) 1080" - một nam nhân viên của Viện Pasteur cho biết.

Khi gọi qua tổng đài này, người bên đầu dây cũng tư vấn: "Hiện tại vắc xin ngừa cúm ở Viện Pasteur chưa có và cũng chưa biết rõ khi nào có vắc xin về. Với vắc xin ngừa viêm phổi thì chỉ có cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi, chứ người lớn cũng không có".

Cùng ngày, chúng tôi đến một điểm tiêm vắc xin lớn khác tại TP.HCM, nữ nhân viên tại đây cũng cho biết hiện vắc xin ngừa viêm phổi rất khan hiếm, nếu tôi cần tiêm phải đặt lịch trước. Tương tự, vắc xin ngừa cúm hiện chỉ còn vắc xin Việt Nam, vắc xin của Pháp và Hà Lan còn rất ít. Dự kiến cuối tháng 2 năm sau, các loại vắc xin này mới về.

Giải đáp thắc mắc về tình trạng khan hiếm vắc xin ngừa cúm và viêm phổi, nữ nhân viên này cho biết thời gian vừa qua, rất nhiều người ở mọi độ tuổi đến tiêm hai loại vắc xin này với mong muốn là để phòng ngừa thêm COVID-19.

Tiếp tục đến một phòng khám đa khoa tại phường 10, quận Gò Vấp, bảo vệ tại đây thông báo ngay cho chúng tôi rằng đã hết vắc xin ngừa cúm và viêm phổi. Còn nhân viên phòng khám giải thích rõ hơn: "Vắc xin ngừa cúm, viêm phổi mới vừa hết. Phòng khám chưa biết khi nào vắc xin về nữa".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Đinh Văn Thới (Viện Pasteur TP.HCM) cho hay có nhiều nguyên nhân khiến vắc xin ngừa cúm và viêm phổi do phế cầu thiếu hụt. Trong đó lý do lớn nhất là người dân đổ xô đi tiêm nhiều hơn do bị gián đoạn trong 4 tháng giãn cách xã hội vừa qua. Bên cạnh đó, cũng có một số người dân chia sẻ rằng đến tiêm là để nâng cao đề kháng, phòng COVID-19.

Vắc xin ngừa cúm, viêm phổi "trị" COVID-19 đến đâu?

Trước thực tế vắc xin ngừa cúm, viêm phổi tại TP.HCM rơi vào tình trạng khan hiếm, bác sĩ Thới cho rằng người dân tiêm được 2 loại vắc xin này thì tốt nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục nâng cao phòng chống COVID-19 và không có vắc xin nào thay thế được vắc xin phòng COVID-19.

"Khi tiêm được các loại vắc xin như cúm, viêm phổi do phế cầu hay các bệnh lý khác thì tốt, hỗ trợ phòng bệnh. Ngừa COVID-19 vẫn là quan trọng nhất, do đó người dân vẫn tiếp tục các biện pháp phòng bệnh" - bác sĩ Thới chia sẻ.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nhiễm - thần kinh tại TP.HCM cho hay khi người dân tiêm vắc xin ngừa cúm hay viêm phổi thì khả năng bội nhiễm phế cầu và cúm sẽ giảm đi nếu chẳng may nhiễm COVID-19, đặc biệt ở người lớn tuổi.

"Người dân không cần săn lùng. Tiêm các loại vắc xin này trễ một thời gian không sao, vấn đề chính là tiếp tục tiêm vắc xin phòng COVID-19 và 5K" - vị này nhấn mạnh. (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang