Bệnh nhi tay - chân - miệng, sốt xuất huyết tăng vọt
Dịch bệnh tăng mạnh do thời tiết gần đây đã gây ra tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo trong các bệnh viện.
Không riêng gì các bệnh chịu ảnh hưởng mùa mưa như viêm hô hấp, tiêu hóa. Các dịch bệnh cơ hội bao gồm sốt xuất huyết (SXH), tay-chân-miệng (TCM),… cũng gia tăng. BS Lê Hồng Nga, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết bệnh SXH và TCM tại TP đã bùng phát trong hai tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10.
Bệnh viện nhi quá tải
Tình trạng quá tải bệnh nhân trong tháng 9, đầu tháng 10 thêm nặng nề hơn khi lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh hô hấp, TCM tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 TP.HCM tăng nhanh. Hơn 60% bệnh nhi là từ các tỉnh, địa phương lân cận đổ về làm tăng thêm áp lực tại các bệnh viện.
Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM sáng 7-10, mặc dù khoa hô hấp đặt ở lầu ba nhưng có rất nhiều phụ huynh phải linh động “xí chỗ” từ cầu thang lầu một đến lầu hai. Thậm chí bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nằm chật cả hành lang bệnh viện, sát nhà vệ sinh. Mọi hoạt động ăn uống, sinh hoạt di chuyển qua lại của các điều dưỡng, y bác sĩ và cả người nhà hết sức khó khăn. Nhiều phụ huynh phải chịu khó di chuyển, đưa con đến khám rồi xin về nhà do không còn giường cho bé nằm.
Theo thống kê sơ bộ, hiện mỗi ngày BV Nhi đồng 2 có đến 500-600 trẻ mắc bệnh hô hấp nằm điều trị ở hai khoa hô hấp 1, hô hấp 2 đồng thời nằm lấn sang nhiều khoa phòng khác, trong khi số giường bệnh thực tế mỗi khoa chỉ có 100 giường.
Tại khoa Hô hấp 1 BV Nhi đồng 2, chị Lê Huỳnh Trang Anh (ngụ Kiên Giang) mệt mỏi than thở: “Mình và con nằm ở khoa này hơn một tháng rồi. Gia đình, trẻ bệnh bất đắc dĩ phải nằm la liệt từ trong phòng ra tới hành lang”.
Theo quan sát của PV, có nhiều bệnh nhi rất tội nghiệp. Ngay cả nơi nằm truyền thuốc cũng không đủ, cứ 1, 2 giờ đêm là phải ra hành lang xếp hàng truyền thuốc... Nguy cơ truyền chéo từ bệnh này sang bệnh khác, bệnh chồng bệnh, càng làm gia tăng số bệnh nặng.
Tăng cấp độ bệnh tay - chân - miệng
Không chỉ các bệnh hô hấp, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho hay thống kê sơ bộ tuần cuối tháng 9 số ca mắc TCM đã tăng hơn 23% so với tuần trước. “Trong tháng 9-2016, trên toàn thành có 516 trẻ mắc bệnh TCM phải nhập viện điều trị, bệnh đã tăng gần 13% so với tháng 8. Từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp nào tử vong do TCM, song tổng số trẻ mắc bệnh đã lên tới gần 4.000 ca” - BS Dũng quan ngại.
Riêng tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, trước đây mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 trường hợp TCM. Nhưng những ngày qua, lượng trẻ nhập viện vì bệnh này lên đến 70-80 ca/ngày. Đáng chú ý, trước đây trẻ mắc bệnh TCM trong tình trạng nhẹ (cấp độ 1, 2) nhưng những ngày qua đã xuất hiện trẻ mắc bệnh khá nặng (cấp độ 3), bệnh diễn tiến nhanh. Lượng trẻ thở máy phải xếp hàng chờ đến lượt. Số trẻ đến khám chữa bệnh TCM tại cả khu nội trú và ngoại trú BV Nhi đồng 2 cũng tăng hơn 10% trong tháng 9.
Các bác sĩ nhận định nguyên nhân bệnh gia tăng là do trẻ mới vào đầu năm học nên những bệnh hay lây nhiễm trong môi trường học đường có cơ hội bùng phát. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết mưa nắng thay đổi liên tục và đột ngột cũng có tác động không nhỏ. Do đó, dự đoán số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện sẽ còn cao đến tháng 11, 12. Hiện tại lãnh đạo các bệnh viện nhi của TP.HCM đã cố gắng hết sức để giảm tình trạng quá tải.
Lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết để giảm tình trạng quá tải, bệnh viện đã tăng tối đa số giường tại các khoa nội tổng quát để tiếp nhận bệnh nhân hô hấp và điều phối bệnh nhân hô hấp sang các khoa khác. Đồng thời, chủ động liên hệ bệnh viện tuyến dưới để chuyển bệnh nhi đã ổn định sức khỏe về điều trị tiếp tục.
Tuy nhiên, hy vọng lớn nhất vẫn đặt vào BV Nhi đồng TP tại Bình Chánh nhanh chóng đi vào hoạt động.
Chiều 7-10, BS Đỗ Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho biết hai chùm bệnh TCM xảy ra tại hai trường mầm non trên địa bàn trong tháng 9-2016 đã được khống chế. “Hiện không phát hiện ca bệnh TCM mới ở hai trường mầm non nói trên. Cơ quan y tế huyện cũng giám sát chặt dịch bệnh này ở các trường học khác” - BS Trang nói. Tương tự, BS Vũ Đức Diễn, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 (TP.HCM), cho biết ổ dịch SXH trên địa bàn phường Tân Thới Nhất phát hiện trong tháng 9 cũng đã được giám sát và không phát sinh ca mới. Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tháng 9, TP ghi nhận gần 516 ca nhập viện do TCM, tăng gần 13% so với tháng 8-2016 (458 ca). TP cũng ghi nhận ba chùm ca TCM trong trường mầm non khiến 25 em mắc. Riêng bệnh SXH, TP ghi nhận gần 13.000 trường hợp nhập viện điều trị trong chín tháng đầu năm 2016, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2015. Do đang vào mùa dịch nên tốc độ tăng số ca SXH khá nhanh. Tuy nhiên, quận 12 và Bình Tân là hai địa phương gia tăng SXH cao nhất. “Có một điều cần lưu ý. Khi dịch SXH chưa vào mùa thì trẻ dưới năm tuổi mắc nhiều nhất. Tuy nhiên, khi dịch bệnh vào đỉnh điểm thì độ tuổi mắc từ 10 đến 29 lại nhiều hơn. Dự kiến trong năm 2016, dịch SXH sẽ kéo dài từ tháng 8-2016 đến hết tháng 3-2017 và đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 12-2016. Do đó, hoạt động phòng, chống SXH trong các trường THCS, THPT, nhà trọ và khu vực đông người là việc rất quan trọng” - BS Nga nói. |
( Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trang 3)
Khẩn trương xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm tại 3 chợ đầu mối
Ngày 6-10, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 5774/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ngành, UBND quận Bắc Từ Liêm, huyện Phúc Thọ kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
UBND thành phố giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố) khẩn trương chủ trì, phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý theo thông tin chương trình VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam nêu ngày 5-10 về vi phạm an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối Minh Khai, chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm), chợ Gạch (huyện Phúc Thọ), báo cáo UBND thành phố trước ngày 8-10-2016; đồng thời tăng cường kiểm tra, tiếp tục xử lý vi phạm trong thời gian tiếp theo đúng quy định pháp luật. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y khẩn trương kiểm tra, xem xét việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của cán bộ, viên chức thú y tại các chợ nêu trên, báo cáo UBND thành phố trước ngày 13-10-2016.
UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND huyện Phúc Thọ tổ chức ngay Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 3 chợ nêu trên, tập trung xử lý đúng quy định hiện hành, kể cả xử lý hình sự (nếu vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hình sự); tổ chức kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân chủ tịch UBND phường, xã liên quan và trưởng ban quản lý 3 chợ nêu trên về trách nhiệm để xảy ra vi phạm tại chợ trên địa bàn phường, xã. Ngoài ra, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND huyện Phúc Thọ khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo UBND thành phố trước ngày 15-10-2016.( Hà Nội mới trang 2)
Quận Ba Đình và Sở Y tế biểu dương “Người tốt, việc tốt” năm 2016
Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sáng 7-10, UBND quận Ba Đình tổ chức hội nghị biểu dương "Người tốt, việc tốt" và tổng kết cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2016.
Dự và phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả quận Ba Đình đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và phong trào "Người tốt, việc tốt".
Khẳng định quận Ba Đình có vị trí quan trọng đặc biệt của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trong thời gian tới, quận cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Nhân dịp này, quận Ba Đình đã biểu dương 284 cá nhân đạt danh hiệu "Người tốt, việc tốt"; trao giải cho các tập thể, cá nhân đạt giải trong cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của quận.
* Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị biểu dương “Người tốt, việc tốt" năm 2016. Năm 2016, Ngành Y tế Hà Nội có 17.774 cá nhân trong số hơn 23 nghìn cán bộ đã được các đơn vị trong ngành biểu dương, khen thưởng về thành tích trong phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; có 1.566 cá nhân tiêu biểu được Ngành Y tế công nhận “Người tốt, việc tốt”; 2 cá nhân được Sở Y tế khen thưởng “Việc tốt” và 30 cá nhân tiêu biểu được thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu.( Hà Nội mới trang 2)
Thanh tra Công ty CP thực phẩm Quốc tế
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính vừa ký Quyết định số 169/QĐ-TTrB thành lập đoàn thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của Công ty cổ phần thực phẩm Quốc tế (Biên Hòa, Đồng Nai).
theo đó đơn vị này sẽ tiến hành thanh, kiểm tra về ATTP tại 4 công ty sản xuất, kinh doanh nước giải khát lớn trong nước là: Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam; Công ty nước giải khát Pepsico Việt Nam; Công ty TNHH URC Việt Nam; Công ty cổ phần thực phẩm Quốc tế.
Đoàn thanh tra sẽ có kết luận cụ thể các nội dung đã tiến hành thanh tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của Công ty cổ phần thực phẩm Quốc tế, phát hiện vi phạm (nếu có), xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.( An ninh thủ đô trang 2, Thanh niên trang 7)
Tước chứng chỉ hành nghề bác sĩ bị tố sàm sỡ bệnh nhân
Bác sĩ L. - người bị tố cáo "làm bậy" khi khám phụ khoa - bị phạt 70 triệu đồng và tước giấy phép hành nghề
Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết đang lập hồ sơ để ra quyết định phạt bác sĩ L. 70 triệu đồng và tước chứng chỉ hành nghề 9 tháng.
Tại các buổi kiểm tra của lực lượng chức năng gần đây, bác sĩ L. đã thừa nhận cơ sở này đã có những vi phạm như vừa khám bệnh vừa bán thuốc, giấy phép hoạt động chỉ cho phép khám và chữa bệnh nội khoa nhưng tại đây vẫn khám phụ khoa.
Bác sĩ L., là chủ phòng khám tư nhân tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là người những ngày qua bị tố đã có hành vi “làm bậy” trong lúc khám phụ khoa.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 3-10, chị T.T.K (18 tuổi; ngụ phường Long Bình Tân) cùng người nhà kéo đến phòng khám của bác sĩ L. la hét, gây áp lực vì cho rằng chị K. bị hiếp dâm khi đến đây để khám phụ khoa. Sư việc khiến công an khu vực phải có mặt để vãn hồi trật tự.
Trong khi đó, bác sĩ L. khẳng định mình “bị vu oan” vì việc thăm khám, kiểm tra vùng kín bệnh nhân là bình thường, đúng quy trình.
Công an TP Biên Hòa hiện vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.( An ninh thủ đô trang 2, Nông thôn ngày nay trang 6)
Chia sẻ với bệnh nhân ung thư
Ngày 7/10, Mang âm nhạc đến bệnh viện động viên, sẻ chia với cán bộ, bác sỹ và bệnh nhân Bệnh viện K - cơ sở 3 (Thanh Trì, Hà Nội).
Tham gia chương trình có nghệ sĩ hài Trà My, ca sỹ Bùi Thu Huyền (Giải nhì dân gian Sao Mai 2007), Adam Hoàng Anh (Sao Mai Điểm hẹn), ca sĩ, MC Thu Trang, Cặp đôi ca sĩ - vũ công Lê Anh-Lê Trang, Khang Duy, nhóm Luna, ảo thuật gia Tô Đức... Các nghệ sỹ, ban tổ chức và nhà tài trợ đã thăm, tặng quà các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm.
Mang âm nhạc đến bệnh viện do T.Ư Đoàn, Hội LHTN Việt Nam chỉ đạo thực hiện, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, nhóm tình nguyện Tim Hồng phối hợp tổ chức.( Tiền phong trang 7)
7.000 tỉ đồng đầu tư Bệnh viện Chợ Rẫy 2
UBND TP.HCM vừa có quyết định duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy Hữu nghị Việt - Nhật (cơ sở 2 - BV Chợ Rẫy) tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, TP.HCM.
Theo đó, BV được xây dựng trên diện tích hơn 22.000 m2, 10 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 100.800 m2, quy mô 1.000 giường bệnh, có bãi đáp trực thăng.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết tổng vốn đầu tư cho dự án là 7.000 tỉ đồng, nguồn vốn từ vốn vay, vốn đối ứng và vốn viện trợ. Dự án dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2020.( Thanh niên trang 2)
Ưng thư gia tăng do lối sống
Căn bệnh ung thư không ngừng gia tăng với các ca mắc ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân bệnh ung thư gia tăng phần nhiều do lối sống và môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn nhắm mắt làm ngơ…( Nông thôn ngày nay trang 5)
Thanh niên được ghép thận bằng chính thận của mình
Vừa có một trường hợp ghép thận tự thân hy hữu trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, cả hai thận đều chấn thương nặng.
TS. BS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân Phạm Thanh P., 33 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội, bị tai nạn chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nhợt, khó thở, sốc nặng, mạch nhanh, huyết áp tụt, tổn thương cuống thận phải; thận trái biến dạng.
Bệnh nhân đã được hội chẩn liên chuyên khoa Tiết niệu – Tim mạch – Lồng ngực – Tiêu hoá, có TS BS Nguyễn Quang, PGS TS Nguyễn Hữu Ước,…quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân.
Các chuyên gia cũng lo ngại, trong trường hợp này, việc ghép thận tự thân có thể không thành công nhưng cần cố gắng hết sức vì bên thận trái vỡ độ nặng nhất (nếu như trong trường hợp thận phải bình thường, không bị tổn thương thì có thể chỉ định cắt thận trái để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân). Nếu như ghép thận thành công thì sẽ đỡ được cho bên thận trái. Ngược lại, bên thân trái, chủ trương bảo tồn thận tối đa vì cũng là lý do đề phòng thận bên kia ghép không tốt.
Nhóm phẫu thuật đã làm việc tích cực, thực hiện song song hai kíp rửa – ghép thận phải và kiểm tra các tạng trong bụng, cơ hoành và bảo tồn thận trái.
Thận phải, sau khi lấy ra khỏi cơ thể một cách khẩn trương, đã được rửa theo quy trình rửa thận đặc biệt. Sau khi rửa xong, thận phải đã có màu sắc trắng đều trở lại rồi được chuẩn bị để ghép thận tự thân.
Sau khi đưa thận vào vị trí ghép, nối động mạch, nối tĩnh mạch thì thấy có rất ít nước tiểu chảy ra. Đây là điều mà các bác sỹ có tiên lượng trước, nhưng vẫn quyết định hoàn thành cuộc ghép thận tự thân.
Về phía thận trái, sau khi khống chế chảy máu bụng, kiểm tra thấy thận trái vỡ nát toàn bộ hơn 2/3 trên thận, chỉ còn gần 1/3 dưới thận tuy có rách bao thận nhưng kiểm tra kỹ thấy còn một phần bể đài thận, có một nhánh động mạch đi vào thận và có một nhánh tĩnh mạch đi ra.
Ngay khi mở bụng, các bác sỹ thấy có rất nhiều dịch máu và máu cục trong ổ bụng, lên cả khoang màng phổi. Trong lúc phẫu thuật, các bác sỹ đã kiểm tra thấy có vỡ cơ hoành, có tổn thương gan như trên phim chụp cắt lớp vi tính, ngoài ra, còn phát hiện thêm có tổn thương lách. Cơ hoành đã được khâu lại, các thương tổn gan, lách được cầm máu.
Sau khi hoàn thành cuộc mổ, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định.
TS. BS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá, đây là một trường hợp ghép thận tự thân hy hữu trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Trong lúc cả hai thận đều bị chấn thương nặng, việc cấp cứu bảo tồn tối đa hai thận tưởng chừng rất khó khăn.( Nông thôn ngày nay trang 5)
Đoạn tuyệt khối bướu “mai rùa”, bé Ngọc Thắm đã được xuất viện
Sáng ngày 7-10, bác sĩ Đào Trung Hiếu (Phó giám đốc Bệnh viện -BV Nhi đồng 1- TP Hồ Chí Minh) vui mừng cho biết, bé gái “mai rùa” Trần Thị Ngọc Thắm đã hồi phục sức khỏe và sẽ được xuất viện vào buổi chiều cùng ngày.
Bác sĩ Hiếu cho biết sau khi trải qua ca phẫu thuật bóc tách khối u “mai rùa” và được điều trị thì hiện tại sức khỏe của bé Thắm đã bình phục. Theo đó, vết thương hiện đã lành, khô và ổn định.
Bác sĩ cho biết: “Bé sẽ được về nhà và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế địa phương. Vấn đề chăm sóc vết thương hiện tại thì cơ sở y tế địa phương sẽ đảm bảo tốt và không có gì quá lo ngại. Tuy nhiên, bé là “sản phẩm” của BV Nhi đồng 1 nên dĩ nhiên BV vẫn luôn theo dõi kĩ lưỡng. Cháu vẫn sẽ lên tái khám định kì tại BV Nhi đồng 1 cho đến lúc hoàn toàn ổn định.”.
Được biết, kể từ ngày được phẫu thuật bóc tách khối mai rùa khủng trên lưng( 29-6), bé Ngọc Thắm được săn sóc, điều trị đặc biệt tại BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh.
Chị Thạch Thị Đa Ni (mẹ của bé) cho biết, trong 10 ngày đầu sau ca phẫu thuật, do vừa phải chịu đựng cả việc phẫu thuật ghép da nên bé Thắm phải nằm sấp trên giường, mọi việc đều do các điều dưỡng BV tận tình chăm sóc. Sau 2 tuần cháu đỡ đau hẳn và nằm nghiêng được.
Thời điểm hiện tại, bé Thắm đã ăn được 3 chén cơm/ngày, uống được sữa và tích cực uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong những ngày nằm viện, dù đau bệnh nhưng bé Thắm luôn miệng nói mong được gặp lại bạn bè và thầy cô, bé thích thú khi ngày tới trường sau này sẽ hoàn toàn trong diện mạo mới mẻ, không còn mặc cảm tự ti và buồn khổ vì phải mang khối bướu xấu xí trên lưng nữa.
Chị Đa Ni rất xúc động luôn miệng nói lời cảm ơn với các bác sĩ, cảm ơn BV và các Mạnh Thường Quân. Chị cứ nhắc đi nhắc lại: “Không có bác Hiếu với mấy cô bác ở BV và nhiều người tốt giúp đỡ thì mẹ con em không biết ra sao!.Em chỉ biết nói lời biết ơn vô cùng!". Đồng thời, bày tỏ, ngay sau khi được ra viện, chị sẽ về địa phương liên hệ tới nhà trường ngay để chuẩn bị cho cháu Thắm tiếp tục đi học lại lớp 3.
Chia sẻ với báo giới, BS Hiếu cho rằng, điều mà đội ngũ y bác sĩ BV Nhi đồng 1 mừng vui nhất là từ nay bé Thắm đã “đoạn tuyệt” được với khối u quái dị gây ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý. Sự thành công của ca phẫu thuật là đã mở ra một cuộc sống bình thường cho bé như bao trẻ em đồng trang lứa khác.
Như báo CAND đã phản ánh trước đó, bé Ngọc Thắm (10 tuổi, người Dân tộc Khơ Me, ngụ ấp Trà Ôn, xã Duyên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) được coi là trường hợp thứ 2 của Thế giới mắc bệnh hiếm gặp "bướu hắc tố bẩm sinh". Khối bướu kì dị nằm trên lưng bé Thắm có đường kính tới 22 cm. Ngày 29-6, bé đã được các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp- BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh phẫu thuật bóc tách khối bướu, phẫu thuật ghép da tự thân lấy từ vùng đùi. Riêng những nốt ruồi vệ tinh (bướu nhỏ) xung quanh đã được dùng kĩ thuật dao điện để đốt. |
(Công an nhân dân trang 2)
Cấp cứu nạn nhân bị đinh vít sắt đâm xuyên mặt
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức vừa tiếp nhận cấp cứu một nạn nhân ở Tuyên Quang bị một chiếc đinh vít ( kèm móc sắt) dài hơn 10cm đâm xuyên qua mặt, ngay dưới một bên mắt. Ca mổ có sự tham gia của các chuyên khoa: Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Thần kinh, Mắt,… đã lấy bỏ thành công chiếc đinh vít ra khỏi mặt nạn nhân…( Nhân dân trang 5)