Hàng trăm công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
Đến 19h tối 6-7, hàng trăm công nhân công ty TNHH giày Hân Xương Việt Nam (tọa lạc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) vẫn đang được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và các bệnh viện trong khu vực theo dõi, điều trị tích cực theo phác đồ dành cho các ca ngộ độc thực phẩm.
Theo các công nhân: Trưa cùng ngày, sau bữa ăn trưa với khẩu phần các món ăn gồm: Thịt xào dưa, hành tây; gà xào hẹ, mướp đắng xào trứng vịt, tàu hũ xào xả, canh chua.
Khoảng hai giờ sau bữa ăn, đồng loạt các công nhân xuất hiện các triệu chứng nôn ói, khó thở. Một số công nhân bị ngất xỉu. Tất cả các công nhân đã được công ty huy động phương tiện đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã có mặt tại bệnh viện, lấy mẫu bệnh phẩm điều tra nguyên nhân khiến công nhân nhập viện. Qua xác minh bước đầu, công ty cung cấp suất ăn là doanh nghiệp Thập Toàn, khu công nghiệp Mỹ Phước III, thị xã Bến Cát, Bình Dương. (Công an Nhân dân, trang 5)
Nhiều chuyến xe miễn phí đưa người bệnh về quê ăn Tết
Những chuyến xe nặng ân tình của những người thầy thuốc không chỉ giúp bệnh nhân yên tâm điều trị hết phác đồ, mà còn cảm thấy được động viên, quan tâm để kiên cường chống chọi với bệnh tật.
Tết này, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng tiếp tục tổ chức các chuyến xe đưa những bệnh nhân nghèo và những người không có thời gian ra bến xe mua vé... về tận nhà để họ được sum vầy cùng gia đình.
Chia sẻ cùng chúng tôi, TS. Bạch Quốc Khánh – Giám đốc Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, các thầy thuốc của Viện luôn coi người bệnh như người thân với sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc, vì thế, không chỉ tổ chức đón Tết cho các bệnh nhi, tặng quà cho bệnh nhân, Viện còn bố trí ô tô đưa các bệnh nhân về nhà đón Tết. Đây là sự quan tâm, động viên, để người bệnh thấy rằng, trên giường bệnh, họ vẫn luôn có sự quan tâm của mọi người chứ không đơn độc chiến đấu với bệnh tật.
Ngày 6-2 tức 22 tháng Chạp, “Chuyến xe yêu thương” đầu tiên của Bệnh viện K chở những người bệnh ung thư và người thân họ về quê ăn Tết cũng chính thức chuyển bánh. Bắt đầu cuộc hành trình là 4 chuyến xe đi Nam Định - Thái Bình, Hoà Bình - Sơn La, Ninh Bình - Thanh Hóa và Nghệ An - Hà Tĩnh.
Trên khoảng sân rộng của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều tấp nập cảnh thầy thuốc tiễn bệnh nhân và bệnh nhân tiễn nhau về quê đón Tết. Những gương mặt hân hoan, những lời chào tạm biệt, cả những cái ôm bịn rịn giữa thầy thuốc với bệnh nhân, dặn dò việc giữ gìn sức khỏe và hẹn gặp lại sau Tết.
Người bệnh tạm quên những nỗi lo bệnh tật, những đau đớn thường nhật, để trở về quê đón Tết cổ truyền. Họ may mắn khi không phải vướng bận nỗi lo đặt vé, rồi thức đêm hôm chầu chực ở bến xe mới về được nhà như bao người xa quê khác.
Bác sỹ Nguyễn Bá Tĩnh -Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện K cho biết: “Trước tình hình quá tải tại các bến xe vào dịp Tết Nguyên đán, nhất là hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và sức khỏe của người bệnh ung thư, Bệnh viện K phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư- Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) và các đơn vị tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương” nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh, người nhà người bệnh về quê đón Tết. Ban Tổ chức bố trí 22 chuyến xe ô tô 45 chỗ miễn phí đi các tỉnh thành đưa người bệnh và người nhà người bệnh về nhà.
Đặc biệt, Bệnh viện K còn chủ động liên hệ với các Bệnh viện Bạch Mai, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương để nếu có bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở trên các tuyến đường Nam Định - Thái Bình, Hoà Bình - Sơn La, Ninh Bình - Thanh Hóa và Nghệ An - Hà Tĩnh có nhu cầu về quê ăn Tết thì đi cùng. Sự quan tâm này giúp người bệnh yên tâm điều trị hết phác đồ trong những ngày cuối năm mà không phải phấp phỏng lo không còn xe về Tết.
Chị Trần Thị Ngà (ở Phú Thọ) không giấu được xúc động trước tình cảm và sự quan tâm hết sức thiết thực của lãnh đạo Bệnh viện K và những đơn vị từ thiện, cơ quan, tổ chức đã chăm lo cho người bệnh ở đây mỗi khi năm hết Tết đến.
“Vài ngày trước, tôi và gia đình hết sức lo lắng là không biết kết thúc đợt điều trị có kịp chuyến xe nào về quê ăn Tết không. Vì dịp này các bến xe thường rất đông, lại rất khó mua vé. Nhưng rất may sự hỗ trợ, chia sẻ kịp thời của Bệnh viện, chúng tôi đã được đã không phải lo lắng về vé xe lại còn được đưa về tận nhà miễn phí. Đây là động lực to lớn để những người mang bệnh hiểm nghèo như chúng tôi vượt qua được khó khăn, đau thương mà ung thư để lại. Với những bệnh nhân nghèo thì việc làm này của Bệnh viện càng có ý nghĩa hơn rất nhiều.” –Chị Ngà bày tỏ.
Chia sẻ trong niềm xúc động, anh Phạm Văn Mạnh cho biết vợ anh bị bệnh, hai vợ chồng từ Nghệ An lên đây, phải chi phí rất nhiều khoản nên cũng khó khăn. Bệnh nhân điều trị tại bệnh viện có thời gian chữa trị, bệnh tình khác nhau nên khó có thể biết khi nào có thể xuất viện, nên việc mua vé tàu xe về quê gặp khó khăn. Những chuyến xe này là cứu cánh đối với người nhà bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo như vợ chồng tôi vừa được về quê thuận tiện, nhanh chóng, lại được miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Chia (Thanh Hóa) vui mừng vì nhờ Bệnh viện tổ chức các chuyến xe này nên mẹ con bà được về nhà ăn Tết cùng gia đình. Bởi nỗi lo mua vé tàu xe vào dịp giáp tết rồi là nỗi lo chung của tất cả các bệnh nhân. Nhờ được hỗ trợ xe về, các bệnh nhân đều có thêm một khoản tiền nho nhỏ để mang về quê.
Mọi năm, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cũng đều tổ chức xe đưa miễn phí bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhưng số lượng ít. Năm nay, Quỹ quyết định tổ chức nhiều chuyến xe miễn phí hơn để chia sẻ nỗi đau bệnh tật, làm vơi bớt nỗi lo về Tết của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân nghèo.
Mong rằng các bệnh viện mở rộng mô hình này để người bệnh được chăm lo nhiều hơn. (Công an Nhân dân, trang 7)
BHXH TP.HÀ NỘI: Đề nghị các bác sỹ không kê thêm thuốc để người bệnh BHYT phải mua ngoài
BHXH TP.Hà Nội đã đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (KCB BHYT) trên địa bàn đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc BHXH TP.Hà Nội- thời gian qua, tại một số cơ sở KCB BHYT có tình trạng bác sỹ điều trị kê mua ngoài và hướng dẫn người bệnh BHYT về cơ quan BHXH để thanh toán trực tiếp một số loại thuốc, vật tư y tế (VTYT) có trong danh mục Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17.11.2014 của Bộ Y tế ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; Thông tư số 04/2017/TT-BYT ngày 14.4.2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục, tỉ lệ và điều kiện thanh toán đối với VTYT thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và gây nhiều khó khăn cho người bệnh BHYT.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24.11.2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất xét nghiệm, phim X-quang, VTYT sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh theo danh mục do Bộ Y tế ban hành. Điểm b, Khoản 4, Điều 6 Thông tư số 40/2014/TT-BYT quy định: “Cơ sở KCB có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh BHYT theo danh mục thuốc đã xây dựng, không để người bệnh phải tự mua”. Điểm a Khoản 5, Điều 6 Thông tư số 04/2017/TT-BYT quy định: “Cơ sở KCB có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định theo danh mục VTYT, đáp ứng nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT”.
Tại Khoản b, Điểm 4, Điều 67 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cơ sở KCB cung ứng thuốc, hóa chất, VTYT, dịch vụ kỹ thuật không đầy đủ trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đồng thời buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT mà đối tượng đã phải tự chi trả.
Căn cứ quy định của pháp luật về BHYT, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tránh gây khó khăn, phiền hà đối với người tham gia BHYT, BHXH TP.Hà Nội đề nghị các cơ sở KCB BHYT cung ứng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các thuốc, VTYT trong danh mục Bộ Y tế quy định. Chỉ đạo bác sỹ điều trị không kê thêm thuốc bắt người bệnh BHYT phải mua ngoài rồi hướng dẫn đến cơ quan BHXH thanh toán. Trường hợp người bệnh BHYT gửi hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc cơ sở KCB kê thuốc, VTYT yêu cầu bệnh nhân mua bên ngoài không đúng quy định, BHXH TP sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ sở KCB để giải quyết theo quy định. (Lao động, trang 4)
Những điểm cần lưu ý trên thẻ BHYT từ năm 2018
Ngày 8.2, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, từ năm 2018, người tham gia BHYT cần lưu ý một số điểm về thẻ BHYT. Theo đó, trường hợp thẻ BHYT ghi chưa đúng họ tên, ngày sinh, giới tính như tờ khai của người tham gia, cơ quan BHXH có trách nhiệm điều chỉnh và đổi thẻ BHYT, người tham gia không phải cung cấp các giấy tờ để chứng minh.
Trường hợp thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng và đã đổi quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao hơn, nếu được đổi thẻ cấp theo mã số BHXH (thẻ BHYT mới) không ghi đúng mức hưởng như thẻ cũ, người tham gia BHYT cần liên hệ ngay với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ mới để điều chỉnh theo thẻ đã cấp trước đó mà không phải cung cấp thêm giấy tờ chứng minh.
Trường hợp thẻ BHYT cấp theo mã số BHXH có thời điểm tham gia đủ 5 năm liên tục ghi chưa đúng, người tham gia cung cấp thêm thông tin về tên, địa chỉ của các đơn vị nơi đã có quá trình tham gia trước đó hoặc thẻ cũ (nếu còn lưu giữ) cho cơ quan BHXH nơi cấp thẻ. Cơ quan BHXH có trách nhiệm chủ động kiểm tra lại danh sách, dữ liệu quản lý thu...để điều chỉnh dữ liệu và in thẻ BHYT mới cho người tham gia ngay trong ngày theo hướng dẫn tại CV số 238/BHXH-CNTT ngày 22.1.2018 của BHXH VN.
BHXH VN đã đưa ra một số giải pháp và yêu cầu đối với BHXH các tỉnh. Trong đó, BHXH VN yêu cầu rà soát đảm bảo đồng bộ dữ liệu cấp mã số BHXH đúng quy trình trước khi in, đổi thẻ BHYT mới. Hạn chế tối đa các trường hợp thẻ cũ đã bổ sung thời điểm đủ 5 năm liên tục và chuyển đổi quyền lợi, khi đổi thẻ BHYT mới yêu cầu người tham gia bổ sung thêm hồ sơ.
Trường hợp được BHXH VN phát hiện mã số BHXH cấp chưa đúng quy trình, dẫn đến trùng lặp thông tin hộ gia đình và nhân thân của người tham gia, cơ quan BHXH phải liên hệ trực tiếp với người tham gia và đơn vị quản lý đối tượng để bổ sung, hoàn thiện chính xác thông tin định danh cho người tham gia theo đúng quy định.
Trường hợp cá nhân tham gia theo nhiều đối tượng khác nhau, cơ quan BHXH rà soát và phối hợp với TT Công nghệ thông tin BHXH VN đảm bảo chỉ cấp 1 thẻ BHYT duy nhất theo đối tượng đầu tiên được xếp theo thứ tự các đối tượng quy định tại Điểm 2, Khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Thông tin cho đơn vị đã lập danh sách trùng để điều chỉnh giảm. Trường hợp để xảy ra cấp trùng thẻ BHYT phải thực hiện giảm dữ liệu giá trị sử dụng thẻ đó ngay khi phát hiện. (Lao động, trang 4)
Tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán
Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, nhu cầu các loại thực phẩm nói chung, mặt hàng rượu nói riêng thường gia tăng đột biến. Đây cũng là cơ hội các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhiều loại rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Do vậy, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu (NĐR) một cách hiệu quả.
Thượng tá Bùi Đức Anh, Phó Trưởng phòng 7, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết: Theo báo cáo của Bộ Công thương, thị trường Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 270 triệu lít rượu/năm. Các loại rượu được tiêu thụ trên thị trường từ ba nguồn chủ yếu: rượu nhập khẩu; rượu sản xuất từ các doanh nghiệp có quy mô công nghiệp ở trong nước; rượu sản xuất từ các hộ gia đình, làng nghề nấu bằng phương pháp thủ công. Đáng lo ngại, thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Các vụ NĐR vẫn xảy ra với tính chất, mức độ khác nhau, trong đó có một số vụ NĐR có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: NĐR tại tỉnh Lai Châu (năm 2017) làm 10 người chết, hơn 40 người phải nhập viện. Riêng tại TP Hà Nội, năm 2017, có 31 người bị ngộ độc methanol do uống rượu, trong đó có năm người chết.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ NĐR thời gian qua chủ yếu là do các đối tượng đã pha chế cồn công nghiệp có nồng độ methanol cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép để bán cho người tiêu dùng gây ngộ độc cấp tính; nạn nhân có tiền sử nghiện rượu, hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa, khi sử dụng rượu quá giới hạn gây ra ngộ độc đe dọa tính mạng. Nhận thức, hành vi đúng về chế biến, lựa chọn, tiêu dùng rượu của người tiêu dùng chưa cao, nhu cầu sử dụng rượu rất cao về số lượng, nhu cầu sử dụng rượu không an toàn và lạm dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu giá rẻ, rượu ngâm bất kỳ cây, con gì còn phổ biến; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là nấu rượu thủ công còn rất nhiều hạn chế…
Phó Cục trưởng ATTP (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hùng Long cho biết: Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2017, cả nước đã xảy ra 28 vụ NĐR, làm 193 người ngộ độc, trong đó có 34 người chết. Ngoài ra còn ghi nhận một số trường hợp lẻ tẻ có tiền sử nghiện rượu uống cồn y tế gây ngộ độc bị chết hoặc gây di chứng ảnh hưởng sức khỏe như mù, rối loạn tâm thần… Qua theo dõi các vụ NĐR cho thấy, chủ yếu thường gặp gồm hai loại là: Ngộ độc etylic (còn gọi là rượu ethanol), với những biểu hiện như: Cấp tính, giai đoạn đầu có dấu hiệu kích thích (người uống thấy sảng khoái, nói nhiều, vận động phối hợp bị rối loạn…). Giai đoạn ức chế biểu hiện giảm phản xạ gân xương, tri giác, mất khả năng tập trung và giãn mạch ngoại vi. Đến khi mạn tính, uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột, da xanh tái do thiếu máu, thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, rối loạn tâm thần… Ngộ độc methylic (methanol), là một hóa chất cực độc, chỉ cần uống từ 5ml đến 15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên đã gây mù lòa và 30ml có thể gây chết người. Đáng lo ngại, trong tổng số các vụ NĐR giai đoạn từ 2013 đến 2017, rượu có hàm lượng methanol chiếm bảy vụ, làm 106 người ngộ độc và 23 người chết (chiếm đến 67,6% tổng số người chết do NĐR)…
Dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội mùa xuân, nhu cầu các loại thực phẩm nói chung, các loại rượu nói riêng thường gia tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP, thì còn rất nhiều cơ sở, cá nhân lợi dụng thời điểm này có các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu không bảo đảm ATTP, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh rượu, trong đó tập trung vào rượu pha chế thủ công; kiểm tra nguồn gốc rượu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cửa hàng tạp hóa. Củng cố hệ thống giám sát và phòng, chống ngộ độc thực phẩm do rượu về nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật, kiểm nghiệm ATTP của rượu; thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm, phân tích, đánh giá kịp thời để cảnh báo cho cộng đồng. Tổ chức ký cam kết trách nhiệm không kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, rượu không có nhãn mác, rượu không công bố sản phẩm theo quy định; yêu cầu công khai địa chỉ nguồn gốc rượu và giấy chứng nhận, cam kết ATTP cho khách hàng tại từng cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống ngộ độc methanol, tác hại của việc sử dụng rượu không an toàn, không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn mác, không công bố sản phẩm, nhất là không lạm dụng uống nhiều rượu trong dịp Tết. Đối với người tiêu dùng, không nên uống quá nhiều rượu; tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận, rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật, nhất là không được uống rượu khi đang đói, căng thẳng, hay mệt mỏi. Khi uống rượu có triệu chứng NĐR như mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, nôn…, cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Mới đây, Bộ Công thương cũng đề nghị chính quyền các địa phương cần tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là rượu tự nấu, tự chế biến, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh sử dụng cồn công nghiệp, methanol và các hóa chất có nguy cơ bị lạm dụng trong pha chế rượu; xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm do cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP tại địa phương do mình phụ trách. (Nhân dân, trang 5)
Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín
Ngày 7-2, Bộ Y tế cho biết, mặc dù bệnh liên cầu lợn (LCL) xảy ra rải rác quanh năm, nhưng vào dịp cuối năm nhiều gia đình mổ lợn ăn Tết và nhiều nơi có tập quán ăn tiết canh, cho nên số ca mắc LCL thường tăng vào dịp này. Để chủ động phòng, chống bệnh LCL ở người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết, hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay với xà-phòng.
Năm 2017, cả nước có 171 ca mắc bệnh LCL, trong đó 14 người chết. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm; bệnh có diễn biến nhanh và nặng, thời gian điều trị kéo dài và thường để lại những biến chứng nặng, nếu qua khỏi. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 5: “Món tiết canh gây ra 70% ca bệnh liên cầu lợn trên người”
Tổng cục DS-KHHGĐ tổng kết năm 2017,triển khai nhiệm vụ năm 2018: Vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Ngành Dân số đã vượt qua một năm nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất là kinh phí được cấp quá chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình hoạt động. Tuy nhiên, với nỗ lực và sự sáng tạo, ngành Dân số đã vượt qua khó khăn, đạt được thành công trên cả mong đợi.
Nêu cao vai trò tiên phong của đảng viên, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục DS-KHHGĐ, trong phần tổng kết công tác Đảng, TS Lê Cảnh Nhạc, Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh: Hoạt động công tác đảng của Đảng bộ năm 2017, bên cạnh những thuận lợi cơ bản khi kết thúc năm 2016, hoạt động của Đảng bộ thu được những thành công tạo đà cho các hoạt động; kết quả hoạt động công tác DS-KHHGĐ trong nhiều năm đạt được mức sinh thay thế, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định thì hoạt động của Đảng bộ còn gặp nhiều khó khăn nhất định: Kinh phí hoạt động năm của chương trình mục tiêu được phê duyệt và cấp chậm; tình hình tổ chức, bộ máy của Tổng cục không ổn định, luôn tạo tâm lý lo lắng và tư tưởng trong công chức, viên chức và người lao động; tác động của đời sống xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới đảng viên và quần chúng; công tác dân số phát sinh nhiều nội dung mới cần có sự điều chỉnh.
Năm 2017 là năm thứ hai chuyển hướng thực hiện phân cấp cho các địa phương bố trí ngân sách chi công tác dân số, nhưng văn bản hướng dẫn ban hành chậm. Quý II/2017, ngân sách Trung ương cấp tạm ứng một phần, đến tháng 12/2017, ngân sách mới bổ sung dự toán để hoạt động. Khó khăn này cũng ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các chương trình. Trong bối cảnh đó, Đảng ủy Tổng cục DS-KHHGĐ đã chú trọng lãnh đạo các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng cục, mỗi chi bộ, đảng viên đã nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của tổ chức cơ sở đảng, của người đảng viên, chủ động thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao với chất lượng tốt. Đảng ủy và lãnh đạo Tổng cục đã đoàn kết, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động; thường xuyên chăm lo công tác củng cố, ổn định tổ chức, bộ máy, bổ nhiệm lãnh đạo tạo sức mạnh trong công tác lãnh đạo.
Nhờ vào nỗ lực và sự vận dụng linh hoạt từ Trung ương đến địa phương, năm 2017 ngành Dân số đã hoàn thành 4/6 chỉ tiêu cơ bản và 3/7 chỉ tiêu chuyên môn. Về chất lượng dân số, mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh từng bước được mở rộng. Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 48,5%, đạt vượt kế hoạch (chỉ tiêu là 20%). Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh là 29,7%, không đạt kế hoạch (chỉ tiêu là 40%). Số lượng bệnh, tật được sàng lọc ở nước ta còn thấp so với một số nước trong khu vực. Hiện nay, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho một số đối tượng thực hiện sàng lọc sơ sinh với 2 bệnh (thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh). Năm 2017, có hơn 912.000 người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm do trạm y tế xã tổ chức thực hiện; 92,8% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế...
Trong thời gian tới, công tác dân số phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng miền còn lớn, nhiều vùng vẫn có mức sinh cao (đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn); việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh tuy đã được triển khai nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn; già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng cũng đặt ra thách thức lớn cho công tác dân số trong thời gian tới...
Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện thành công Nghị quyết 21-NQ/TW
Bên cạnh các hoạt động về tổ chức, đào tạo, hợp tác quốc tế, thanh tra, tư vấn và cung ứng dịch vụ có những thành tích nhất định, TS Lê Cảnh Nhạc cho biết, hoạt động truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi tiếp tục được triển khai đồng bộ.
Các hoạt động truyền thông được triển khai đồng bộ, từ việc hướng dẫn Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố, triển khai thực công tác truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ đến việc tiếp tục phối hợp với 10 Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và 3 cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng và ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020 có hiệu quả; các hoạt động truyền thông gắn với sự kiện trọng đại như Ngày Dân số Thế giới 11/7; Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10); Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2016. Tổng cục vẫn duy trì và phát huy hoạt động của Báo Gia đình & Xã hội là cơ quan ngôn luận có hiệu quả của ngành; Giadinh.net.vn thành một tờ báo điện tử của ngành giúp cho công tác truyền thông, vận động có hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục về DS-KHHGĐ được đẩy mạnh, toàn diện và đồng bộ, tăng cường ở cả 3 mũi nhọn, bao gồm truyền thông vận động chính sách, truyền thông chuyển đổi hành vi và truyền thông huy động cộng đồng ở các cấp, tạo nên sự đồng thuận của toàn xã hội. Các ngành đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia tích cực tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo thành sự đồng bộ trong hoạt động truyền thông trên mọi địa bàn dân cư và trong mọi thời gian. Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đã tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước, thường xuyên đăng tải các thông tin về DS-KHHGĐ, nêu gương người tốt việc tốt các điển hình tiên tiến và phê phán yếu kém các vi phạm về DS-KHHGĐ đã thu hút được dư luận xã hội quan tâm.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Dân số. Nguồn kinh phí dành cho công tác dân số còn khiêm tốn, nhưng với nỗ lực cố gắng, đoàn kết, ngành Dân số đã vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích tốt. Ngành Dân số đã kêu gọi nguồn lực, động viên các tổ chức chính trị xã hội cùng quan tâm, xã hội hóa để triển khai các hoạt động, Chương trình. Thứ trưởng cũng đề nghị ngành Dân số phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm 2018, đặc biệt là triển khai thành công Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới và Nghị quyết 137/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21.
Thay mặt lãnh đạo Tổng cục, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cảm ơn sự động viên của lãnh đạo đối với sự nỗ lực và thành quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục đã đạt được trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Tân nói: “Chúng tôi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, thay mặt tất cả các đảng viên, cán bộ công nhân viên chức của Tổng cục xin hứa tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mong rằng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng bộ, lãnh đạo Bộ Y tế và cá nhân đồng chí Thứ trưởng đối với Tổng cục như trong những năm qua”. (Gia đình & Xã hội, trang 6)
‘Bà trùm’ cung cấp giấy khám sức khỏe giả
Ngày 7-2, CQĐT Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Hương (SN 1959), trú tại huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Trước đó, cuối năm 2017, qua công tác nắm tình hình, phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện thông tin một số bộ hồ sơ của học viên đăng ký thi sát hạch lái xe tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh có dấu hiệu nghi vấn sử dụng giấy khám sức khỏe giả của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh.
Đi sâu xác minh, lực lượng chức năng xác định một số cá nhân đã mua giấy khám sức khoẻ của Lê Thị Hương. Nguồn tin trinh sát cho thấy, bà Hương chuyên thu gom hồ sơ của người dân có nhu cầu cấp, đổi giấy phép lái xe mô tô ở nhiều địa phương, rồi bán giấy khám sức khỏe giả để hợp thức hóa các hồ sơ trên. Mỗi bộ hồ sơ Hương thu hơn 1 triệu đồng; sau khi nộp cho các trung tâm sát hạch, Hương kiếm số tiền chênh lệch gần 450.000 đồng/bộ.
Ngày 23-1, Lê Thị Hương đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Quảng Yên làm thủ tục cho một số người dân thi sát hạch lái xe hạng A1. Lập tức, lực lượng chức năng đã đề nghị Tổ sát hạch thi lái xe cung cấp toàn bộ hồ sơ do Lê Thị Hương vừa nộp, qua đó phát hiện gần 30 giấy khám sức khoẻ có dấu hiệu nghi giả.
Tại cơ quan Công an, Lê Thị Hương khai nhận toàn bộ giấy khám sức khỏe trong 27 bộ hồ sơ thi sát hạch là giả. Hồ sơ vụ việc sau đó được bàn giao đến CQĐT Công an thị xã Quảng Yên để xử lý theo thẩm quyền. Vụ án đang được CQĐT tiếp tục điều tra mở rộng. (An ninh Thủ đô, trang 13)
Giám đốc phòng khám bị tố trốn nợ tiền tỉ
Sáng 7.2, khoảng 20 người đã kéo đến trước Phòng khám đa khoa MEDIC Hà Tĩnh (đóng tại số 289, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh) tìm giám đốc phòng khám để đòi nợ và tiền lương.
Tuy nhiên, khi đến nơi thì phòng khám này đóng cửa không hoạt động, số điện thoại của Giám đốc phòng khám là bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng không liên lạc được. Chủ nợ là những người cho vay tiền mặt; chủ kinh doanh đồ điện tử, quảng cáo và cả nhân viên của phòng khám.
Theo các chủ nợ, hơn 1 tuần qua, họ có mặt tại đây để đòi nợ nhưng bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng vẫn bặt vô âm tín, có dấu hiệu trốn nợ. Khoảng 2 ngày nay, bà Hồng còn có dấu hiệu thuê người đến tẩu tán tài sản trong phòng khám. Vì thế, nhiều chủ nợ đã kéo nhau đến bao vây phòng khám và đòi tháo dỡ các dụng cụ để trừ nợ.
Anh Đặng Tiến Bằng, chủ cơ sở điện tử, điện lạnh tại thành phố Hà Tĩnh, bức xúc: “Đầu tháng 11.2017, tôi lắp đặt máy điều hòa cho phòng khám do bà Hồng làm chủ, trị giá hơn 200 triệu đồng. Theo hợp đồng thì sau 1 tháng lắp đặt thiết bị, bà Hồng sẽ thanh toán hết. Đến đòi liên tục thì bà Hồng mới trả được 50 triệu đồng. Nhiều ngày qua, tôi gọi điện thoại cho bà Hồng thì bị chặn số. Tìm đến phòng khám thì đóng cửa”.
Chị Nguyễn Thị Thuận An, nhân viên Phòng khám đa khoa MEDIC Hà Tĩnh, cho biết chị vào làm việc tại phòng khám này đã hơn 4 tháng với hợp đồng tiền lương là 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến ngày 22.1, chị An mới được chi trả tiền lương hơn 2 triệu đồng.
“Trước khi vào làm, mỗi người phải đặt cọc cho bà Hồng 10 triệu đồng tiền thử việc. Bà này hứa sau 3 tháng sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4 tháng, bà Hồng không trả tiền đặt cọc và bội tín trả lương theo hợp đồng”, chị An nói.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, Phòng khám đa khoa MEDIC Hà Tĩnh thuộc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế MEDIC Hà Tĩnh (chuyên về sản - nhi), do bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng làm Giám đốc, được thành lập và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 10.2017.
Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Nguyễn Ngọc Cương, Trưởng Công an phường Thạch Quý (thành phố Hà Tĩnh), cho hay hiện vụ việc đã được đơn vị này bàn giao giao cho Công an thành phố Hà Tĩnh tiếp tục điều tra, xử lý. (Thanh niên, trang 5)