'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Phải giải quyết triệt để
Từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng và các bệnh viện, cơ sở y tế tại TP.HCM đã ra sức dẹp nạn "cò" khám chữa bệnh và đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa dứt hẳn.
Thực tế, áp lực quá tải bệnh viện (BV) buộc bệnh nhân (BN) phải chờ đợi thì nhu cầu tìm đến "cò" khám chữa bệnh (KCB) hoặc "cò" dùng nhiều chiêu thức để dẫn dụ BN cũng gia tăng. Thực tiễn này cũng đã được các BV, ngành y tế và Công an TP.HCM nhìn nhận, đánh giá.
Gian nan đối phó với "cò"
Theo lãnh đạo BV Ung bướu, trước đây tại cơ sở 1 ở đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), BN từ các tỉnh lên rất sớm, từ 5 giờ sáng, tập trung đông để lấy số thứ tự nên xảy ra tình trạng "cò" lấy số. Do vậy, BV đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó lấy máu xét nghiệm từ sớm để giảm bớt "cò"; tổ chức nhiều điểm lấy máu xét nghiệm, nhiều quầy thu tiền; ứng dụng công nghệ để BN biết số thứ tự đến khám. Với BN tái khám thì BV phát sẵn số thứ tự, khung giờ khám để tiện cho BN.
Lãnh đạo BV Ung bướu cho biết thêm ngoài "cò" KCB còn có "cò" từ thiện. Những đối tượng này lợi dụng hình ảnh, thông tin BN để trục lợi một phần hoặc toàn bộ. Ví dụ các đối tượng xin được 100 triệu đồng thì chỉ cho BN 10 triệu đồng. Do đó, BV quy định rõ ràng là các tổ chức, cá nhân không được lấy hình ảnh BN, ngay cả khi BN đồng ý thì phải bàn bạc với Phòng Công tác - xã hội, ý kiến BV để xem xét từng trường hợp cụ thể để vận động. BV Ung bướu cũng đề xuất công an địa phương tăng cường hỗ trợ, nhất là dịp lễ.
Tại hội thảo khoa học "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM" do Công an TP.HCM phối hợp Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào giữa tháng 12.2022, nói về "cò" KCB, đại diện BV Đại học Y - Dược TP.HCM cho biết trước đây tình trạng "cò" tại BV rất phức tạp, có thời điểm tới 70 - 80 "cò" hoành hành. Thậm chí có những khu vực "cò" "thay mặt" BV kiểm soát như bán số khám bệnh, đưa bệnh, kiểm soát các khoa, phòng; nhân viên phản ánh thì bị đe dọa, hành hung. Sau đó BV quyết tâm dẹp "cò", cho đội bảo vệ dịch vụ nghỉ, bởi đội bảo vệ này không chuyên nghiệp, chất lượng rất thấp, thậm chí khi BN hỏi có cách nào khám nhanh không thì bảo vệ chỉ ngay cho "cò" và nhận 50.000 đồng/người. BV đầu tư cho lực lượng bảo vệ cơ hữu và được sự hỗ trợ từ phía công an thì đã đẩy lùi được "cò" ra khỏi BV. Hiện nay chỉ còn vài đối tượng "cò" xung quanh BV.
TS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết thêm tại BV Nhân dân 115 các đối tượng "cò" dịch vụ xe cấp cứu, vận chuyển hoạt động ngày càng phức tạp với những phương thức, thủ đoạn manh động, nguy hiểm. Theo đó, các đối tượng này tổ chức theo nhóm, trà trộn tiếp cận thân nhân người bệnh để phát card, tờ rơi, trao đổi số điện thoại nhằm câu kéo sử dụng xe cứu thương; đe dọa, chèn ép người bệnh, người nhà phải sử dụng xe cứu thương của họ. Những đối tượng này đậu nhiều ô tô trước cổng hoặc di chuyển vào khuôn viên BV dưới danh nghĩa xe nhà, xe từ thiện để lôi kéo người bệnh lên xe, gây mất an ninh trật tự BV.
Đáng nói hơn, "cò" tổ chức thành các nhóm gây mất an ninh trật tự, la mắng, đe dọa hành hung nhân viên bảo vệ của BV. Họ còn quay clip vu khống các đội xe cứu thương chính thống hoặc của đơn vị hoạt động được cấp phép theo quy định, tung thông tin sai lệch, gây mất uy tín, hình ảnh của BV; cung cấp hình ảnh không đúng với thực tế, hoặc di chuyển người bệnh một đoạn sẽ đổi sang xe khác cũ và kém chất lượng hơn rất nhiều.
"Mỗi ngày BV có 200 người xuất viện nên nhu cầu đi xe rất lớn, nhiều trường hợp phải sử dụng xe không đảm bảo chất lượng. Do đó, ngoài việc kiểm soát xe ra vào BV, giải thích cho người nhà về công tác vận chuyển, BV đề nghị công an tiếp tục tuần tra, hỗ trợ BV. Cần có quy định chặt chẽ về xe cứu thương", TS-BS Sóng nói.
3 loại "cò" trong 1 bệnh viện
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp BV Chợ Rẫy, thừa nhận ở BV tồn tại 3 loại "cò": "Cò" bốc số thứ tự, có thể liên quan nhân viên BV, nhưng chủ yếu là người từ bên ngoài. "Cò" dắt bệnh chen ngang, phần lớn liên quan nhân viên BV. "Cò" xe cứu thương có liên quan đến bên ngoài nhưng cũng có liên quan nhân viên BV. Ví dụ một BN khi xuất viện thì chính nhân viên BV thông tin lại cho người bên ngoài.
Theo BS Việt, tình trạng "cò" BV cũng một phần xuất phát từ việc BN đông, việc mua bán hàng rong trước cửa BV dẫn đến "cò" bệnh, cò "xe". Do đó, BV Chợ Rẫy phối hợp công an địa phương dọn dẹp lòng lề đường. Hiện BV không để xảy ra "cò" dắt bệnh, không đúng số thứ tự là không cho chen ngang. Với "cò" bán số, trước đây BN bốc số chỉ đơn thuần là số thứ tự, chưa có thông tin BN nên "cò" bốc số để bán, còn hiện nay người bốc số phải có thông tin BN đi kèm.
"Nhưng hiện vẫn còn cho phép bốc số giùm thì có hiện tượng thuê người đứng xếp hàng lấy số, rất khó giải quyết", BS Việt nói. Còn với "cò" xe cứu thương, BV Chợ Rẫy không cho xe cứu thương ra vào tự do, chỉ xe có đăng ký tên BN về mới được vào, đồng thời BV tổ chức chỗ đăng ký cho xe cứu thương vào BV, giải thích rõ cho BN, điều này giúp giảm hẳn "cò" xe cứu thương.
"Cò" hoạt động rất phức tạp
Từ nhiều năm qua, khu vực trước Công ty TNHH y tế Hòa Hảo (PK đa khoa Medic - Hòa Hảo ở 254 Hòa Hảo, Q.10), tình trạng "cò" hoạt động rất phức tạp. Theo Công an Q.10, hiện hằng ngày có trên 1.500 lượt người từ các tỉnh, thành đến khám.
Công an Q.10 nhận diện tại đây có 2 dạng "cò". Dạng thứ nhất dẫn BN trực tiếp vào Medic - Hòa Hảo và hướng dẫn BN đăng ký khám, lấy số thứ tự và đợi đến lượt (dẫn bệnh); dạng thứ 2 là lôi kéo BN vào 2 PK lân cận Medic - Hòa Hảo để thực hiện xét nghiệm và mua thuốc với giá cao.
"Ngay trước cổng Medic - Hòa Hảo thường xuyên tụ tập 10 - 20 "cò", khi lực lượng công an phường có mặt thì họ ngồi im, nhưng khi công an vừa rút đi thì họ tiếp tục hoạt động. Ban Chỉ huy Công an Q.10 đã chỉ đạo Công an P.4 xây dựng kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp; đến nay tiến hành lập hồ sơ xử phạt hành chính 11 trường hợp (400.000 đồng/người) về hành vi gây rối trật tự công cộng", Công an Q.10 cho biết.
Theo phân tích của Công an Q.10, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự tại khu vực xung quanh PK Medic - Hòa Hảo là tại đây hiện có 2 phòng khám quy mô nhỏ hơn đang hoạt động, phát sinh số đối tượng "cò" lôi kéo, dẫn BN vào khám bệnh. Khi xuất hiện lực lượng chức năng thì số "cò" này tản ra lẩn vào những người đi KCB nên rất khó xử lý. Bên cạnh đó, một số nhân viên của PK có biểu hiện móc nối với số đối tượng "cò" để làm thủ tục cho khách đến khám bệnh nhanh theo yêu cầu. Mặt khác, BN, người nhà BN có tâm lý muốn khám bệnh nhanh. Trong đó những BN mới đến khám lần đầu dễ bị lực lượng "cò" dẫn dụ. Ngoài ra, lực lượng công an phường cũng chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm dẫn đến hiệu quả chưa cao trong công tác quản lý (Thanh niên, trang 5).
Hết mình vì sự sống của người bệnh
Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội (Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội) đã đi vào hoạt động từ tháng 1-1994 đến nay. Hội tập hợp hàng vạn lượt hội viên, tình nguyện viên trẻ tuổi hoạt động với tinh thần: “Hết mình vì sự sống của người bệnh”. Lý tưởng và trách nhiệm nhân văn, cao cả đó vừa góp phần lan tỏa lối sống đẹp, nhân lên những việc làm nghĩa tình, vừa đưa cuộc vận động hiến máu tình nguyện ở Thủ đô phát triển.
Hành trình gần 30 năm làm việc nghĩa
Những năm đầu thập kỷ 9 của thế kỷ XX, việc hiến máu tình nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân cần tiếp máu chưa lan tỏa rộng rãi. Để phong trào hiến máu được nhiều người biết đến và tham gia, trước hết cần có lực lượng tiên phong, nòng cốt. Những người trẻ với tinh thần xung kích cùng trái tim nhiệt huyết đã được các cơ quan chức năng tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”, trong đó, Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên có câu lạc bộ tham gia phong trào hiến máu với tên gọi: “Câu lạc bộ học sinh, sinh viên hoạt động nhân đạo”.
Được nuôi dưỡng, định hướng bởi những chuyên gia y học uy tín, “Câu lạc bộ học sinh, sinh viên hoạt động nhân đạo” dần mở rộng. Qua nhiều lần đổi tên, tổ chức của hội thanh niên hết lòng vì người bệnh có tên gọi “Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội”. Đến nay, Hội có mạng lưới 79 câu lạc bộ, hội, đội, nhóm vận động hiến máu và một số ban chuyên môn với lực lượng hội viên, tình nguyện viên lên tới hàng nghìn người. “Trải qua hành trình gần 30 năm làm việc nghĩa, các hội viên, tình nguyện viên của Hội trực tiếp tham gia hoặc vận động nhiều người tham gia hiến máu, nhận về gần 700.000 đơn vị máu”, Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội Trịnh Xuân Thủy cho hay.
Đồng hành với lực lượng thanh niên tham gia hiến máu, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia Trần Ngọc Quế nhấn mạnh: “Số lượng máu nhận về thông qua Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội chiếm tỷ lệ không nhỏ trong phong trào hiến máu tình nguyện ở Thủ đô, góp phần tiếp thêm sự sống cho nhiều bệnh nhân”. Còn hội viên Võ Trương Khánh Ngân (Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) chia sẻ: “Từ tỉnh Bình Thuận ra Hà Nội học tập và biết đến những việc làm nghĩa tình của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, tôi đã đăng ký tham gia. Cá nhân tôi đã trực tiếp hiến máu được 4 lần và vận động được nhiều người xung quanh trao đi giọt máu đào để hỗ trợ người khác”.
Sáng tạo trong hoạt động
Với mạng lưới tổ chức rộng khắp cùng lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên đông đảo, nhiệt tình, trách nhiệm, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội hội đủ yếu tố để tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét trên hành trình làm việc nghĩa. Nhiều chương trình lớn gắn với “thương hiệu” của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, như: “Lễ hội xuân hồng”, “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4”, “Ngày chung đôi”… thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Đặc biệt, tại Lễ hội Xuân hồng năm 2023 với chủ đề “Hiến máu đầu xuân - Nhân lên hạnh phúc”, diễn ra từ ngày 1 đến 12-2 tại nhiều địa điểm trên địa bàn Thủ đô, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã thiết kế những chương trình đặc sắc. Nổi bật là hoạt động hiến máu đôi, ghép đôi hiến máu nhận được sự hưởng ứng của nhiều cặp đôi ở nhiều độ tuổi. Chị Nguyễn Thị Loan, trú tại phường Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi cùng chồng hiến máu vào ngày 5-2, với mong muốn có thể góp phần nhỏ mang đến nguồn sống cho những bệnh nhân cần máu. Việc cùng hiến máu vào dịp đầu xuân cũng là cách để chúng tôi có kỷ niệm đáng nhớ”. Cùng người thương đi hiến máu dịp này còn có anh Lê Văn Điệp, thành viên Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc và nhiều trường hợp khác.
Xác định rõ đội ngũ hội viên, tình nguyện viên có vai trò quyết định chất lượng hoạt động, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng vận động hiến máu cho thành viên; đồng thời, khuyến khích mạng lưới câu lạc bộ, hội, đội, nhóm trực thuộc chủ động đổi mới. Đội trưởng Đội Thanh niên vận động hiến máu Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam Phạm Anh Nguyên cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tập trung tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến máu tại các trạm xe buýt và một số khu vực công cộng; các lớp học trong nhà trường”.
Để thu hút hội viên, tình nguyện viên tham gia lâu dài, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội còn trao học bổng cho những tình nguyện viên ưu tú, đạt kết quả học tập tốt. Ngoài ra, hội phối hợp với các đơn vị chức năng tìm hướng giới thiệu việc làm theo giờ, bán thời gian, bảo đảm việc làm cho người tham gia, giúp họ thấy rõ quyền lợi đi liền với sự cống hiến mà yên tâm gắn bó.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu đánh giá, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội là một tập thể “hết mình vì sự sống của người bệnh”, có những sáng tạo hữu ích trong quá trình hoạt động. Những yếu tố này sẽ đưa hội phát triển bền vững, góp phần lan tỏa lối sống đẹp, nhân lên những việc làm nghĩa tình (Hà Nội mới, trang 8).
Đi tiêm meso căng sáng da mặt để đẹp trai hơn, nam thanh niên ở Hà Nội phải nhập viện
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bác sĩ này vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nam gặp phản ứng u hạt, viêm bán cấp biến chứng sau tiêm meso.
Bệnh nhân là nam nam thanh niên 25 tuổi ở Hà Nội. Không hài lòng với làn da sần sùi, kém mịn, nghe quảng cáo, nam thanh niên này tìm đến spa tiêm mesotherapy (tiêm meso vi điểm) hai má để được đẹp trai hơn.
Theo như quảng cáo của spa thì sau 2-3 ngày tiêm meso, các nốt sẩn sau tiêm sẽ tan dần vào da, trả lại gương mặt căng bóng, da sáng. Tuy nhiên, một tuần sau tiêm, hai bên má của anh vẫn nguyên nốt sẩn đỏ, vón thành những cục cứng trên da.
Khi quay lại spa, nam thanh niên được nhân viên cơ sở này chích, nặn, tiêm thuốc giải filler mong nốt sẩn tan nhanh nhưng không đỡ. Sau 1 tháng, anh đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám với gương mặt chi chít nốt sần, tấy đỏ, cảm giác bứt rứt, khó chịu.
Theo TS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu Trung ương, qua thăm khám, nam bệnh nhân trên được chẩn đoán gặp phản ứng u hạt, viêm bán cấp biến chứng sau tiêm meso.
Vì vậy, nam thanh niên được kê thuốc uống và sử dụng các loại thuốc chích vào vùng tổn thương, giúp giảm phản ứng u hạt, kháng viêm. Dù vậy, bệnh nhân duy trì theo dõi trong hơn nửa năm nhưng đáp ứng thuốc rất chậm. Hơn nửa năm sau tiêm, da mặt dù đã "chùng" xuống không còn sẩn, anh vẫn còn các nốt tăng sắc tố trên má, tạo thành các vết thâm.
Theo bác sĩ Quang, tiêm meso là giải pháp đưa thuốc hoặc hoạt chất phân bố lại trên bề mặt da, để cải thiện tình trạng da sần vỏ cam, tăng sắc tố, giãn mạch, chống lão hóa, tăng sinh mọc tóc… Gần đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương thường xuyên tiếp nhận các ca phản ứng viêm, nổi u hạt sau tiêm mesotherapy, thậm chí một trường hợp bị đau tấy, nhiễm trùng không tìm ra vi khuẩn.
Lứa tuổi vào cấp cứu do gặp biến chứng nhiều nhất là 20-30, việc điều trị rất khó khăn. Những trường hợp u hạt phản ứng sau tiêm meso, tùy hoạt chất được tiêm vào da, có bệnh nhân cần chữa trị trong 1-2 tuần nốt sẩn tan hết, nhưng có trường hợp mất thời gian dài.
Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, việc sử dụng phương pháp tiêm mesotherapy phải được chỉ định chặt chẽ (An ninh thủ đô, trang 8).
Công bố quyết định điều động, bổ nhiệm tân Thứ trưởng Bộ Y tế
Ngày 7/2, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm ông Lê Đức Luận giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
Tại Quyết định số 46/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Lê Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước, giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Lê Đức Luận (55 tuổi), quê tại Yên Bái, trình độ học vấn tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán thuộc Kiểm toán Nhà nước từ tháng 1/2022 (Tiền phong, trang 2).
TP.HCM yêu cầu xử lý tập thể, cá nhân vi phạm mua sắm thiết bị chống dịch
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Theo đó, UBND TP giao Sở Y tế theo thẩm quyền và lĩnh vực phụ trách thực hiện thanh, kiểm tra việc quyết toán nguồn ngân sách nhà nước sử dụng để mua sắm; việc giao nhận và quản lý, sử dụng trang thiết bị, vật tư, kit xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Rà soát các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, kit xét nghiệm, sinh phẩm và thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch để xem xét, xử lý theo quy định.
Đồng thời, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm; tham mưu UBND TP hình thức xử lý.
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị có liên quan lập kế hoạch và tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý của đơn vị mình.
Từ đó chấn chỉnh các tồn tại, khuyết điểm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc phòng, chống dịch.
UBND TP đề nghị các đơn vị thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch và báo cáo kết quả trong quý 2-2023.
Trước đó, tháng 12-2022, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch tại TP.HCM.
Kết quả phát hiện một số gói thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường với số tiền thiệt hại hàng tỉ đồng (Tuổi trẻ, trang 4).
Vụ 88 người bị ngộ độc do ăn chè miễn phí: 1 người đã tử vong
Tối 7.2, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang xác nhận, liên quan đến vụ 88 người bị ngộ độc sau khi ăn chè của một người dân ở H.Chợ Mới phát miễn phí, một phụ nữ 63 tuổi (ngụ xã Long Điền A, H.Chợ Mới, An Giang) đã tử vong sau 3 ngày cấp cứu tại bệnh viện do suy đa tạng. Theo một lãnh đạo Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, ngoài bệnh nhân đã tử vong, hiện bệnh viện còn đang điều trị 3 bệnh nhân bị ngộ độc trong vụ ngộ độc nêu trên. Trong đó, 2 bệnh nhân đã chuyển khỏi phòng Hồi sức, 1 bệnh nhân đang nằm phòng Hồi sức và đã ngưng lọc máu. Như Thanh Niên đã thông tin, từ khuya ngày 4.2 đến tối 5.2, Trung tâm Y tế H.Chợ Mới tiếp nhận 35 trường hợp nhập viện với các triệu chứng: mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói... Sau đó, có 4 ca nặng phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang tiếp tục điều trị.
Qua khai thác bệnh nhân, tất cả đều do ăn chè đậu trắng của bà N.T.A.T (44 tuổi, ngụ ấp Long Hòa 2, xã Long Điền A, H.Chợ Mới) nấu phát miễn phí trong ngày 4.2.
Trung tâm Y tế H.Chợ Mới đã phối hợp ngành chức năng xã Long Điền A điều tra vụ ngộ độc. Kết quả, ngoài 35 người phải nhập viện điều trị, còn có 53 người khác sau khi ăn chè của bà T. cũng bị đau bụng nhẹ nhưng tự mua thuốc uống ở nhà.
Qua làm việc, bà T. cho biết trước đó bà có mua 20 kg đậu trắng, 8 kg nếp, 10 kg dừa nạo sẵn và 24 kg đường cát về nấu chè đem phát miễn phí cho người dân ở gần nhà và người đi đường, nhưng không xác định được bao nhiêu người đã ăn chè của bà.
Hiện, ngành chức năng An Giang đang làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc (Thanh niên, trang 4).
Cần thêm hỗ trợ tài chính cho người hiến tạng
Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng chống mua bán bộ phận cơ thể người được Bộ Y tế tổ chức sáng 6.2 tại Hà Nội.
Nhu cầu ngày một tăng, nguồn hiến lại khan hiếm
Tại hội thảo, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở VN ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống đang chiếm khoảng 94% tổng số ca ghép tạng. Bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người.
Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, đối tượng phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người ngày càng nhiều thủ đoạn, hướng đến các bộ phận như thận, gan, giác mạc. Số tiền mua bán thận có thể là 500 - 700 triệu đồng, có trường hợp các đối tượng môi giới thu từ người ghép 800 triệu - 1 tỉ đồng/thận nhưng người bán chỉ nhận được 200 - 250 triệu đồng.
Đề xuất nâng độ tuổi hiến tạng
Cùng với đề xuất các quy định tạo thuận lợi cho đăng ký hiến mô, tạng, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đề xuất về giải pháp tài chính cho người hiến và người ghép tạng.
GS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc Học viện Quân y, nhìn nhận: "Chúng ta cần có giải pháp tài chính cho người hiến", đồng thời cho rằng cần xem xét hỗ trợ cho người hiến, để giải quyết vấn đề gốc rễ của buôn bán bộ phận cơ thể người, nguồn hỗ trợ có thể từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn phù hợp.
GS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nêu quan điểm: Nhà nước cần có chế độ về kinh tế cho người hiến. Nếu làm được việc này, ngoài ý nghĩa xã hội nhân văn thì còn có ý nghĩa tài chính. Chi phí cho người chạy thận cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần cho ca ghép thận.
Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho hay: "Bộ Y tế sẽ có thêm các hội thảo để thảo luận về hỗ trợ tài chính cho người ghép và người cho tạng. Hiện nay, người cho tạng còn phải tự chi trả các khoản chi phí đi khám sức khỏe trước khi hiến tạng, và đó có thể là các chi phí khá lớn so với khả năng chi trả của người hiến. Sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất thêm các quy định nhằm đảm bảo hiệu quả hơn nữa phòng chống mua bán tạng, đảm bảo phi thương mại cho hiến, ghép tạng".
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang đề xuất nâng độ tuổi người hiến tạng từ 18 như quy định hiện hành lên 30 tuổi. Vì hiến tạng cũng có thể có nguy cơ cho sức khỏe, nếu người hiến trẻ thì ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài trong tương lai.
Vận động hiến tạng từ người chết não
Theo thông tin từ hội thảo, vận động để tăng người hiến tạng chết não cũng góp phần tăng nguồn tạng cho ghép, từ đó giảm các nguy cơ mua bán tạng, bộ phận cơ thể người từ người cho sống. Cả nước có khoảng 10.000 ca tử vong do tai nạn giao thông/năm, trong đó nhiều ca chết não. Nếu mỗi năm vận động được 500 trường hợp hiến tạng trong số các ca chết não đó, sẽ thêm rất nhiều người được cứu sống nhờ được ghép tạng.
"Nên có hình thức truyền thông vận động người hiến chết não, vì mỗi năm riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có khoảng 1.000 ca chết não. Nhưng từ năm 2011 đến nay chỉ xin được rất ít", GS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ thêm.
Theo GS Trần Văn Thuấn, chúng ta cũng sẽ xem xét thêm các quy định về phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người, như: Bên cạnh hành vi nghiêm cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, có cần bổ sung hành vi nghiêm cấm người hiến và người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến - ghép không cùng huyết thống không? Vấn đề bảo mật thông tin người hiến, người ghép (Thanh niên, trang 15).