Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 8/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Hoang mang quy định xóa hệ trung cấp y dược; Món quà trong ngày đặc biệt của nữ y tá dũng cảm; Hiệu quả từ mô hình bệnh viện vệ tinh; Nguy cơ vi-rút Zika xâm nhập vào nước ta là rất lớn...

Hoang mang quy định xóa hệ trung cấp y dược

Từ năm 2018 sẽ ngừng tuyển sinh và đào tạo hệ trung cấp y dược, kỹ thuật viên y học. Từ năm 2021 các cơ sở y tế cả nước sẽ ngừng nhận điều dưỡng, kỹ thuật viên y học, nữ hộ sinh, hộ lý... thuộc hệ trung cấp. Những quy định trên mà Bộ Y tế vừa đưa ra khiến người học và người dạy hoang mang.

Trung cấp ở ta tương đương cao đẳng các nước?

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Ánh Sáng (TPHCM) cho biết, Bộ Y tế ban hành quy định một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của quy định. “Bộ ban hành khi chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế, các cơ sở y tế tuyến dưới…”, ông Sáng nói và đề xuất khi đưa ra một quy định có sức ảnh hưởng như vậy, Bộ Y tế phải có nghiên cứu, tìm hiểu để đánh giá được tác động của nó khi ban hành. Đáng ra, cần so sánh bảng mô tả công việc từng vị trí trong các cơ sở y tế với chương trình đào tạo trình độ trung cấp của ta, rồi so sánh với trình độ cao đẳng của các nước xem chúng ta tương đương đến đâu.

“Nếu có sự tìm hiểu, so sánh thì Bộ Y tế sẽ thấy xét về thời gian đào tạo cao đẳng của nhiều nước đối với đầu vào ngành này cũng chỉ 2 năm như đào tạo trung cấp của Việt Nam. Về khối lượng kiến thức, số lượng tín chỉ, thời gian thực tập ở bệnh viện… như chúng tôi đang đào tạo, tôi có thể khẳng định hệ trung cấp hoàn toàn tương đương cao đẳng của các nước”, ông Sáng nói. Theo người này, vấn đề ở chỗ là đánh giá người được đào tạo trung cấp ra có làm việc được không, có đáp ứng được các yêu cầu của ngành đối với vị trí làm việc phân công cho họ? “Học sinh của chúng ta tốt nghiệp, em nào giỏi ngoại ngữ đều được tuyển dụng đi làm việc tại Đức, tại Nhật…”- ông Sáng dẫn chứng.

Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành (TPHCM) cho rằng: “Tôi đồng ý với vấn đề nâng chuẩn đội ngũ cán bộ của ngành y tế. Nhưng Bộ Y tế đã ban hành quy định sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp một cách chủ quan, thiếu thực tế”. Theo ông Ngọc, nội dung đào tạo trình độ trung cấp các ngành y dược hiện nay của Việt Nam tương đương với hệ cao đẳng ở các nước khác. “Khi ban hành quy định, Bộ Y tế có biết trình độ đào tạo cao đẳng của các nước Đông Nam Á cụ thể như thế nào chưa? So sánh với chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với đầu vào tốt nghiệp THPT của ta hiện nay thì có gì thua kém, khác biệt?...”, ông Ngọc nói.

Nhân lực vẫn thiếu cớ sao bỏ

Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường cao đẳng Bách Việt cho biết, nhu cầu nhân lực y tế hiện nay vẫn đang còn thiếu, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa nên vai trò đào tạo nhân lực ngành y của các trường trung cấp là hết sức cần thiết. Theo ông hệ trung cấp đóng góp một nguồn lực lớn trong ngành y hiện tại. Ông Lương Quang Ngọc cho rằng trung cấp là bậc đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng không có điều kiện học ngay lên CĐ, ĐH. Sau khi học trung cấp, đi làm một thời gian, họ có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn. “Quy định trình độ tuyển dụng kiểu như Bộ Y tế sẽ chặn đứng cơ hội học tập và làm việc của nhiều bạn trẻ, không còn hợp lý với chủ trương học tập suốt đời…”, ông Ngọc nói.

Trước quy định này, ông Lương Quang Ngọc, cho biết: “Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến lại để kiến nghị bởi nội dung, chương trình đào tạo của chúng tôi hiện nay nếu so sánh với đào tạo trình độ cao đẳng cùng ngành nghề của các nước Đông Nam Á là không hề thua kém”.

Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - cho biết :“Vấn đề chuẩn hóa trên là hoàn toàn đúng đắn, là niềm mơ ước của tất cả bệnh viện. Tuy nhiên, tình hình thực tế tại bệnh viện cho thấy, đây là việc cực kỳ khó khăn, nặng nề cho chúng tôi. Theo bác sĩ Châu, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện còn đến 70% nhân viên điều dưỡng hệ trung cấp. Kế hoạch đào tạo trong 7 năm tới của bệnh viện là phải chuẩn hóa toàn bộ số nhân viên này lên trình độ đại học, cao đẳng, mỗi nhân viên trung cấp cần đến 4 năm theo học tại các trường, lúc ấy ai sẽ làm việc khi họ đi học. Bác sĩ Châu  nói thêm, nếu bệnh viện muốn tuyển điều dưỡng có trình độ đại học, cao đẳng trở lên thì rất khó do số lượng người đạt trình độ này rất hiếm hoi và “đắt hàng”. (* Tiền phong (trang 6))

Món quà trong ngày đặc biệt của nữ y tá dũng cảm

Ngày 7/3, nữ y tá Hồ Thị Hiếu (Nam Trà My, Quảng Nam) người có hành động dũng cảm chống lại tập tục lạc hậu để cứu sống một bé trai tại xã Trà Cang bất ngờ trước món quà của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi Phó thủ tướng về Nam Trà My tiếp xúc cử tri.

Ngày 7/3, nhân dịp về tiếp xúc cử tri tại huyện Nam Trà My, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, tặng quà động viên nữ y tá Hồ Thị Hiếu - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Cang. Chị Hiếu được dư luận cả nước biết đến với tấm gương dũng cảm vượt qua hủ tục, cứu lấy sinh mạng đứa bé suýt bị chôn sống theo mẹ ở vùng cao Nam Trà My (báo Tiền Phong trong loạt bài phóng sự Dai dẳng hủ tục vùng cao - tháng 10/2015 đã đề cập).

Chị Hiếu kể rằng: sáng sớm ngày 2/9/2012, sản phụ Hồ Thị Yên ở tại làng Tắk Giang chuyển dạ và sinh tại nhà riêng được bé trai nặng 2,5 kg. Sau khi sinh hạ, chị Yên bị tai biến băng huyết và tử vong tại nhà. Vì tập tục gia đình và dân làng quyết định chôn sống cháu bé với mẹ mình. Nhận được tin, cô y tá chưa chồng người Xê Đăng, Hồ Thị Hiếu tuổi vừa 25, quyết định băng rừng để cứu đứa nhỏ. Sợ đến nơi không kịp, cô gọi điện cho em gái mình là Hồ Thị Hoàng, 19 tuổi đang ở làng đến để can ngăn. Hoàng nghe lời chị, đã tới gặp anh Hồ Văn Xếp (bố đứa trẻ) để khuyên nhủ nhưng anh Xếp một mực không nghe theo. Nhiều người dân trong làng biết chuyện đã cự tuyệt và quyết định đưa bé trai này theo mẹ về cõi âm. Trước sự an toàn của cháu bé, Hiếu gọi điện cho Hoàng nhất quyết là phải tìm mọi cách cứu sống đứa trẻ. Theo hướng dẫn của Hiếu, trong lúc dân làng đang chuẩn bị chôn cất 2 mẹ con, Hoàng bồng cháu bé bỏ chạy. Cuộc tháo chạy trong sự ngỡ ngàng của dân làng. Hoàng và Hiếu gặp nhau giữa đường rừng, tìm cách trốn khỏi sự truy đuổi của dân làng. Sau hơn 2 giờ đồng hồ men theo dòng sông Piêu, chị Hiếu và Hoàng đã đưa bé về Trung tâm y tế huyện nhờ các y, bác sỹ cứu giúp. Cháu bé được cứu sống trong ngày 2/9 nên Hiếu đặt tên là Quốc Khánh và dù chưa có chồng Hiếu vẫn quyết nhận Khánh làm con nuôi. Hằng ngày vừa lo toan công việc ở trạm vừa chạy vạy kiếm tiền mua sữa nuôi nấng Khánh lớn khôn đến ngày hôm nay. Cảm kích tấm lòng của cô nữ y tá, chàng trai người Zơ Râm Phượng (người dân tộc Cơ Tu) tận huyện Nam Giang vượt đường xa qua thăm Hiếu, hai người nảy sinh tình cảm rồi nên nghĩa vợ chồng được hơn năm nay. Quốc Khánh sống ấm áp hơn trong sự bao bọc của đôi vợ chồng trẻ.

Thăm tặng quà là chiếc ti vi cho mẹ con chị Hiếu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần và hành động dũng cảm của chị, dám nghĩ khác, làm khác, làm điều có ích. Việc cứu sống một sinh linh, một mạng người là hành động cao cả, đối với một phụ nữ thì điều đó càng có ý nghĩa và dũng cảm gấp nhiều lần. Phó Thủ tướng mong rằng tấm gương dũng cảm của chị Hồ Thị Hiếu sẽ được nhân rộng để xã hội noi theo. Hành động của chị góp phần rất lớn để loại bỏ những hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào vùng núi cao.

Con trai Hồ Quốc Khánh năm nay đã hơn 5 tuổi, kháu khỉnh, khôi ngô. Nữ y tá Hồ Thị Hiếu chia sẻ: “Con trai là món quà quý giá nhất trần đời. Hôm nay, nhận được quà tặng của Phó Thủ tướng tôi rất mừng. Đây là món quà đặc biệt nhất từ trước đến nay. Và đặc biệt hơn đúng dịp ngày 8/3!”. (* Tiền phong (trang 8))

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 4: “Biểu dương tấm gương nữ y sĩ xê đăng”

Đăng ký tiêm vaccine pentaxim đợt 3

Trung tâm dịch vụ Khoa học kỹ thuật & Y tế dự phòng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (131 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa thông báo, bắt đầu từ 9h sáng mai, 8-3, đợt vị này sẽ tổ chức đăng ký tiêm vaccine 5 trong 1 dịch vụ Pentaxim đợt 3.

Theo đó, đợt này tại Trung tâm sẽ có 3.080 liều vaccine pentaxim được phân bổ. Đối tượng đăng ký tiêm vaccine Pentaxim là tất cả các trẻ đủ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi - tính đến
ngày tiêm (trẻ sinh trong khoảng từ ngày 10-3-2014 đến 31-1-2016, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine 5 trong 1).

Trung tâm Dịch vụ Khoa học kỹ thuật & Y tế dự phòng lưu ý, đơn vị này chỉ nhận đăng ký tiêm vaccine pentaxim trực tuyến qua địa chỉ website duy nhất: tiemvacxin.vn. Thời gian nhận đăng ký bbắt đầu từ 9h ngày 8-3-2016. (* An ninh Thủ đô (trang 2))

Hiệu quả từ mô hình bệnh viện vệ tinh

Theo đề án hình thành các bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, Đồng Nai có ba bệnh viện: Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVÐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi Ðồng Nai là các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh). Sau gần ba năm triển khai, một số chuyên khoa sâu tại các bệnh viện này đã được nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế. Qua đó, giúp người dân địa phương được khám, chữa bệnh chất lượng cao, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Chất lượng chuyên môn được nâng lên

Từ khi triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) đã tự chủ được rất nhiều kỹ thuật can thiệp tim mạch, trong đó có nhiều kỹ thuật khó, phức tạp. Mới đây, BVÐK Thống Nhất đã thực hiện thành công ca thông liên nhĩ lỗ lớn cho bệnh nhân Dương Thị Mộng Lan, ngụ tại ấp 3, xã An Hòa, TP Biên Hòa. Do lỗ thông liên nhĩ lớn tới 28 mm, khiến người bệnh phải sống chung với bệnh tim bẩm sinh trong nhiều năm liền.

Trưởng khoa Trung tâm Tim mạch, bác sĩ Phạm Quang Huy, người trực tiếp phẫu thuật cho chị Mộng Lan cho biết, thông thường như trước đây, lỗ thông có kích thước hơn 20 mm, người bệnh sẽ phải mổ để khâu lại. Nếu mổ, người bệnh sẽ mất nhiều máu và thời gian điều trị hậu phẫu sẽ lâu. Do đó, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật bịt lỗ thông nhĩ bằng một dụng cụ đặc biệt qua ống thông. Ðây là kỹ thuật mới nằm trong dự án bệnh viện vệ tinh do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao. Kỹ thuật này được thực hiện lần đầu tại BVĐK Thống Nhất và ca phẫu thuật chỉ mất một giờ, người bệnh không bị mất máu nhiều và xuất viện chỉ sau vài ngày. Nếu không được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật thì những ca bệnh tương tự đều phải chuyển lên tuyến trên để chữa trị.

Từ khi tiếp nhận kỹ thuật mổ sọ não ở trẻ em từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) chuyển giao, Bệnh viện Nhi Ðồng Nai đã chủ động tiến hành phẫu thuật thành công nhiều ca mổ sọ não và kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhi. Chẳng hạn, ngày 13-4-2015, Bệnh viện Nhi Đồng Nai tiếp nhận bé Nguyễn Thị Thanh Thúy, bốn tuổi, bị rơi từ tầng lầu một xuống đất và bị dập não, mảnh xương gãy lún vào nhu mô não và xoang tĩnh mạch, nguy cơ tử vong rất cao. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật sọ não kéo dài gần hai giờ và bảy ngày sau, sức khỏe của bé Thanh Thúy đã dần ổn định.

Theo Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Nhi Đồng Nai), bác sĩ Vũ Đông Đoài được sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng Nai đã thực hiện thành công chín ca phẫu thuật sọ não bằng kỹ thuật vi phẫu.

Tiếp nhận nhiều kỹ thuật, chuyên môn cao

Trung tâm Tim mạch, BVĐK Thống Nhất chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, nằm trong đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020 và Đề án 1816 chuyển giao công nghệ từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho BVĐK Thống Nhất. Theo thống kê, tại BVĐK Thống Nhất, mỗi năm có hơn 40 nghìn người đến khám, chữa bệnh về tim mạch; trung bình mỗi năm có gần 90 người tử vong do bệnh này gây ra. Hằng tháng, tại BVĐK Thống Nhất có từ 40 ca đến 50 ca chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để can thiệp tim mạch. Do đó, việc triển khai Trung tâm tim mạch ở tuyến dưới sẽ giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, nhất là giúp bệnh nhân thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh và tận dụng thời gian “vàng” cứu sống bệnh nhân.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành đào tạo, chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các bác sĩ BVĐK Thống Nhất, trong đó có các kỹ thuật cao, phức tạp như: Can thiệp đặt stent động mạch vành, can thiệp đặt stent hẹp eo động mạch chủ... Qua các chương trình đào tạo này, các bác sĩ BVĐK Thống Nhất đã thực hiện các kỹ thuật hoàn toàn chủ động, độc lập và nhờ đó, việc chuyển bệnh nhân tim mạch lên tuyến trên điều trị đã giảm rõ rệt.

Giám đốc BVĐK Thống Nhất, bác sĩ Phạm Văn Dũng cho biết: “Từ khi tiếp nhận các kỹ thuật từ đề án bệnh viện vệ tinh, số lượng bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đã tăng lên rõ rệt. Giai đoạn tới, bệnh viện sẽ nhận chuyển giao thêm một số kỹ thuật khó về phẫu thuật tim, hồi sức, chấn thương chỉnh hình và sản khoa”.

Từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển giao cho BVĐK Đồng Nai, nhiều kỹ thuật ngoại khoa khó, trong đó đã chuyển giao xong năm trong sáu gói kỹ thuật của khoa ngoại tổng quát, gồm: Phẫu thuật tắc ruột do dính và ung thư đại tràng; phẫu thuật cắt đại tràng mổ mở và mổ nội soi; điều trị viêm phúc mạc; điều trị vỡ tạng rỗng do chấn thương vùng kín và điều trị vết thương thấu bụng. Hai trong ba gói kỹ thuật của khoa ngoại thần kinh, gồm: Kỹ thuật chấn thương sọ não, phẫu thuật u não.

Theo Giám đốc BVĐK Đồng Nai, tiến sĩ, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, việc tiếp nhận các kỹ thuật cao trong điều trị các loại bệnh từ Bệnh viện Chợ Rẫy đã góp phần nâng cao tay nghề chuyên môn cho các bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh, giảm hẳn tình trạng chuyển tuyến, giảm áp lực quá tải cho tuyến trên. Quan trọng hơn, bệnh nhân tại địa phương được hưởng kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe tại chỗ, tiết kiệm được thời gian, chi phí… (* Nhân dân (trang TP.HCM))

Nguy cơ vi-rút Zika xâm nhập vào nước ta là rất lớn

Ngày 7-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc vi-rút Zika xâm nhập vào nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước trong khu vực tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika xâm nhập, hoặc có sự lây truyền vi-rút Zika như: Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, nhất là các nước có chung đường biên giới với nước ta như Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc… thì nguy cơ vi- rút Zika xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch là rất lớn.

Để chủ động phòng, chống bệnh do vi-rút Zika, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Phụ nữ có thai, hoặc dự định có thai trong vòng sáu tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi-rút Zika khi không cần thiết. Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi-rút Zika, cần sử dụng bao cao-su khi quan hệ tình dục, hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai, hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi… (* Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Lao động: “Nhiều nước sát biên giới Việt Nam ghi nhân vi rút Zika”

Điều dưỡng viên hết lòng vì người bệnh

Đang tập trung hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, điều dưỡng viên Phạm Thị Thu (SN 1986, Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ) nhận được yêu cầu chăm sóc đặc biệt cho một cụ già 86 tuổi vừa được bác sĩ chỉ định chuyển vào Phòng Hồi sức cấp cứu vì có triệu chứng huyết áp tăng cao đột ngột. Biết cụ đi khám bệnh một mình không có con cháu đi kèm, chị Thu đã bình tĩnh giúp cụ nằm xuống giường rồi nhẹ nhàng hỏi chuyện.
Cụ già cho biết, cụ được con trai chở đến bệnh viện khám bệnh rồi hẹn đón vào buổi trưa. Vì cụ chưa ăn sáng, chị Thu vội nhờ đồng nghiệp mua biếu cụ suất xôi sáng để uống thuốc. Đã quen với việc an ủi, động viên người bệnh, chị Thu đã giúp cụ yên tâm điều trị. Nhờ được giúp đỡ tận tình, được chăm sóc như người thân, cụ già đã dần ổn định huyết áp.
 Chị Thu từng gặp không ít trường hợp người bệnh cao tuổi nhập viện trong tình trạng không thể tự phục vụ, con cháu bận rộn, phó thác hoàn toàn cho bệnh viện. Với những bệnh nhân này, chị luôn quan tâm nhiều hơn, dành thời gian trò chuyện, giúp người bệnh tích cực phối hợp với nhân viên y tế để điều trị hiệu quả. Nhiều bệnh nhân tới khám, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ đã được chị Thu giúp đỡ tận tình như người thân của mình.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, chị Thu được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ. 5 năm làm điều dưỡng viên hồi sức cấp cứu, chị chưa một lần bị bệnh nhân và người nhà phàn nàn, trách móc. Chị Thu cho rằng, muốn làm một điều dưỡng viên chu đáo phải có tình yêu nghề, chuyên môn vững và tấm lòng "lương y như từ mẫu". Chị luôn nhủ lòng phải coi những người bệnh như người thân thiết của gia đình mình để tận tâm phục vụ. Làm việc gì, chị cũng cố gắng tuân thủ đúng quy trình, nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy bận rộn, chị vẫn dành thời gian vừa làm vừa học Đại học Điều dưỡng Nam Định để nâng cao trình độ, phục vụ người bệnh được tốt hơn. Không những thế, chị đã hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về thực trạng theo dõi chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện tuyến huyện.
Nhờ những cố gắng không ngừng, điều dưỡng viên Phạm Thị Thu luôn được lãnh đạo bệnh viện, bệnh nhân và người nhà tin tưởng, quý mến. (* Hà Nội mới (trang 3))

BHYT cho chuyên khoa nhi và các dịch vụ kỹ thuật chưa có tên

Do tính đặc thù của chuyên khoa nhi nên một số dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên bệnh nhi phải sử dụng thêm một số thuốc, vật tư được BHXH thanh toán.

Trong hướng dẫn bổ sung tiếp theo Thông tư 37 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, việc áp dụng giá dịch vụ kỹ thuật chưa được xếp tương đương quy định như sau:

Đối với chuyên khoa nhi: do tính đặc thù của chuyên khoa nhi nên có một số dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên bệnh nhi phải sử dụng thêm một số loại thuốc, vật tư thuộc danh mục được BHXH thanh toán nhưng chưa có trong định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống nhất với cơ quan BHXH để thanh toán chi phí của các loại thuốc, vật tư này theo thực tế sử dụng và giá đấu thầu theo quy định.

Áp dụng giá dịch vụ kỹ thuật chưa được xếp tương đương:

Đối với các dịch vụ kỹ thuật chưa được quy định mức giá cụ thể tại Thông tư và chưa được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 37 thì tạm thời thực hiện thu của người bệnh và thanh toán với cơ quan BHXH theo mức giá đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01/3/2016 cho đến khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư 43/TT-BYT của Bộ Y tế: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm khẩn trương báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/6/2016, trước mắt tạm thời thu của người bệnh và thanh toán với Cơ quan BHXH như sau:

a) Đối với các dịch vụ trùng với tên dịch vụ đã được quy định giá tại Thông tư 37 hoặc đã được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện thì được thực hiện theo mức giá đã quy định tại Thông tư 37.

b) Đối với các dịch vụ còn lại: thực hiện theo mức giá đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01/3/2016.

Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa có tên: trong Thông tư 43/TT-BYT và Thông tư 50/TT-BYT nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép thực hiện và phê duyệt giá theo quy định thì tiếp tục thực hiện theo mức giá đã được phê duyệt; trường hợp dịch vụ này đã được quy định giá tại Thông tư 37 thì được thực hiện theo mức giá đã được quy định tại Thông tư 37. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30/6/2016 để xem xét, bổ sung dịch vụ kỹ thuật và phân loại tại Thông tư 43/TT-BYT và Thông tư 50/TT-BYT hoặc bổ sung mức giá.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Bộ Y tế đề nghị  các đơn vị, địa phương tiếp tục phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch Tài chính), Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế) để phối hợp xem xét giải quyết. (*Sức khỏe & Đời sống, Lao động (trang Nhân lực-Việc làm))

Phẫu thuật nội soi 3D cho hai bệnh nhân ung thư đại trực tràng

Ngày 7-3, tại Bệnh viện (BV) K trung ương, GS Leroy Joel - chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật nội soi ung thư hệ tiêu hóa của Pháp đã phẫu thuật nội soi 3D cho hai bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng (ĐTT).

Ca phẫu thuật được truyền trực tiếp qua màn hình để GS trao đổi về kỹ thuật này với các phẫu thuật viên đến từ các bệnh viện chuyên ngành về ngoại khoa, ung bướu tại Hà Nội, Huế và các địa phương khác.

Được biết, phẫu thuật ung thư ĐTT cũng có 2 phương pháp mổ mở kinh điển và phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, mổ nội soi với những ưu điểm riêng sẽ giúp bệnh nhân sớm bình phục. Đặc biệt, mổ nội soi 3D (hệ thống máy nội soi hiện đại có hỗ trợ của kính 3D) cho phép thực hiện với phẫu thuật các bệnh ung thư nói chung, giúp phẫu thuật viên quan sát đầy đủ, toàn diện vùng phẫu thuật, từ đó có thể xử trí chính xác về việc lấy bỏ khối u, tránh gây tổn thương vùng xung quanh, giảm nguy cơ gây tổn thương các mạch máu, thần kinh.

Trước đó, tháng 1-2016, GS Leroy Joel đã tới Hà Nội để trực tiếp thực hiện ca mổ "cầm tay chỉ việc" cho các bác sĩ Việt Nam. (* Hà Nội mới (trang 1))

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân ung thư bằng nội soi 3D”;  Báo Tuổi trẻ trang 14: “Nội soi chữa ung thư đại trực tràng với kính 3D”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang