Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 8/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Công an hiến máu cứu cô giáo mầm non; Phát hiện nhiều sản phẩm giới thiệu có thịt bò nhưng là thịt heo, trâu; Phòng tránh lây truyền virus Zika: Không nên lạm dụng thiết bị diệt muỗi; Đà Nẵng phun thuốc diệt muỗi ở sân bay ngăn ngừa virus Zika

Công an hiến máu cứu cô giáo mầm non

Sáng 7.4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho hay, cô giáo mầm non Ngô Phi Thị Mỹ Hạnh, trú ở huyện Đắk Tô (Kon Tum) sức khỏe đã dần hồi phục sau khi có máu truyền kịp thời từ 2 anh công an. Trước đó, vào ngày 5.4, cô giáo Mỹ Hạnh bị bị sốt xuất huyết rất nặng, gia đình đưa gấp đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum trong tình trạng nguy kịch. Trong khi cấp cứu, cô giáo này rất cần lượng máu lớn để truyền vào nhưng gia đình của nạn nhân có người không cùng nhóm máu, còn người cùng nhóm máu thì máu thiếu trầm trọng. Qua mạng xã hội, các bạn trẻ Công an TP.Kon Tum biết thông tin này. Cho dù không quen biết nạn nhân nhưng lực lượng công an này liên hệ cùng nhau đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, lúc đó là 23 giờ ngày 5.4.

Tại đây, qua xét nghiệm thì có 4 cán bộ, chiến sỹ cùng nhóm máu 0 với cô giáo Mỹ Mạnh gồm: Nguyễn Nam Trung (Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội), Nguyễn Xuân Bằng, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Văn Ngọc (Công an P.Quang Trung). Ngay tối hôm đó, các y bác sỹ đã lấy máu 4 cán bộ, chiến sỹ này để truyền cho cô giáo Mỹ Hạnh. Trong đó, có không ít đã hiến máu cách đây chưa đầy một tháng, nhưng vì cứu người nên vui vẻ hiến máu vô tư (Thanh niên trang 4).

 

Phát hiện nhiều sản phẩm giới thiệu có thịt bò nhưng là thịt heo, trâu

Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia ngày 7.4 cho biết cơ quan này vừa tiến hành lấy mẫu giám sát chủ động với 109 mẫu được giới thiệu bán là: Thịt bò tươi, phở bò và một số thực phẩm có nguyên liệu từ thịt bò (xúc xích, giò bò). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nhiều mẫu sản phẩm không có thịt bò hoặc thành phần bò không đáng kể, thậm chí thịt bò là thịt heo, thịt trâu.

Các mẫu này được lấy tại các cửa hàng bán lẻ, một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, là các sản phẩm bán lẻ tại hộ gia đình và của một số công ty. Cụ thể, trong số 44 mẫu thịt bò tươi được lấy phân tích, có 35 mẫu là thịt bò, còn lại 1 mẫu là thịt trâu, 8 mẫu là thịt heo. Với 12 mẫu nạm bò, phân tích đã xác định có 10 mẫu thịt là nạm bò thật, 2/12 mẫu là thịt heo. Trong số 10 mẫu thịt bò được lấy tại các cửa hàng bán phở bò, có hai cửa hàng bán phở bò thực chất là phở thịt heo. Đáng lưu ý, 23 mẫu xúc xích bò được lấy phân tích, có 8 mẫu không phát hiện hàm lượng thịt bò, 15 mẫu hàm lượng thịt bò rất thấp.

Ngoài ra, 20 mẫu giò bò được phân tích có 9/20 mẫu không thấy thịt bò; 8/20 mẫu hàm lượng bò rất thấp (ở mức 13%); 2/20 mẫu xác định thịt bò chiếm khoảng 30 - 33%; chỉ một mẫu có lượng bò cao nhất nhưng cũng chỉ chiếm 60%.

Theo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, các mẫu thịt, sản phẩm nói trên bao gồm cả các mẫu sản phẩm được sản xuất bởi các công ty được cấp phép, công bố chất lượng với cơ quan quản lý.

Theo nhóm nghiên cứu, các sản phẩm chế biến khi phân tích không thấy nguyên liệu thịt bò thật, hoặc lượng thịt bò rất thấp nhưng vẫn cho mùi, màu sắc đặc trưng của sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thịt bò. Việc này đòi hỏi cần có các nghiên cứu mở rộng, làm rõ hơn về hương liệu, phụ gia, chất tạo màu đã được sử dụng trong các thực phẩm nguyên liệu từ heo nhưng lại mang “vỏ” thịt bò. Nếu sử dụng phụ gia, hương liệu tổng hợp không được kiểm soát, không đúng liều lượng, không rõ nguồn gốc sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người sử dụng (Thanh niên trang 7, Tuổi trẻ trang 14, Hà Nội mới trang 1).

 

Phòng tránh lây truyền virus Zika: Không nên lạm dụng thiết bị diệt muỗi

Theo các cơ quan y tế, bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi vằn Aedes truyền. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Tuy vậy, hiện vẫn có nhiều người chủ quan với căn bệnh này, thường xuyên ngủ không mắc màn hoặc quá tin tưởng vào thiết bị đuổi muỗi, dù đang trong thời điểm muỗi sinh sôi rất mạnh.

Đủ loại thiết bị đuổi, diệt muỗi

Hiện trên thị trường có khá nhiều thiết bị chống, đuổi muỗi, từ các loại bình xịt, máy xung điện, sóng siêu âm, máy xông hóa chất, cho đến mỹ phẩm đuổi muỗi… Tại một cửa hàng bán đồ điện trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi chúng tôi hỏi về thiết bị đuổi muỗi, một nhân viên bán hàng giới thiệu, cửa hàng đang bán máy đuổi côn trùng bằng tinh dầu. Cơ chế hoạt động của chiếc máy này là làm bốc hơi tinh dầu dưới dạng ion gây ức chế phổi của côn trùng, làm cho côn trùng khó chịu và bay đi. Máy hoạt động an toàn, hiệu quả và gọn nhẹ đã được các cơ quan chức năng và nhiều người sử dụng kiểm chứng?!

Mặc dù theo những người bán hàng, thiết bị đuổi muỗi chủ yếu là hàng ngoại nhập, có giá dao động từ 100.000-250.000 đồng, tùy thuộc vào nguồn gốc xuất xứ, song hầu hết không có chế độ bảo hành, không được kiểm định về chất lượng và tác dụng của chúng đến đâu thì chỉ người dùng mới biết. Ngoài thiết bị đuổi muỗi, các dạng bình xịt muỗi có giá vài chục nghìn đồng cũng được nhiều gia đình chọn mua. Tuy có thể tiêu diệt nhanh chóng các loại côn trùng như muỗi, gián song không ít loại thuốc xịt sử dụng hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, trên thị trường còn bán máy xua muỗi, đèn diệt muỗi, hương muỗi, vợt muỗi điện…

Là người đã sử dụng khá nhiều sản phẩm đuổi, diệt muỗi, bà Lê Thị Ngân ở ngõ 248 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, gia đình bà rất “ngại” mắc màn khi ngủ do có cảm giác vướng víu, khó chịu nên bà thường mua bình xịt muỗi về sử dụng do ưu điểm vừa rẻ, tác dụng lại nhanh. Tuy vậy, từ khi nghe tin bình xịt có chất độc hại nên bà Ngân đã chuyển sang sử dụng thiết bị đuổi muỗi. “Máy đuổi muỗi gia đình tôi đang dùng được người bán quảng cáo là hàng Nhật, có tác dụng xua muỗi rất tốt, nhưng chỉ được thời gian đầu và trong phạm vi hẹp, sau vài tháng chiếc máy không phát huy được hiệu quả. Tôi cũng đã thử bật điều hòa để nhiệt độ thấp khi ngủ, nhưng vẫn bị muỗi đốt” - bà Ngân chia sẻ.

Đi ngủ đừng quên mắc màn

Điều đáng nói là không chỉ bà Ngân, mà nhiều người cũng chủ quan với việc phòng chống muỗi. Nhiều gia đình đã bỏ thói quen mắc màn khi đi ngủ, đặc biệt là những hộ gia đình sống tại chung cư. Một số người lại tỏ ra khá tin tưởng vào thiết bị diệt, đuổi muỗi. Trong khi đó, hiệu quả của những thiết bị này không giống như quảng cáo, thậm chí còn có tác dụng ngược.

Về vấn đề trên, bác sỹ Nguyễn Thanh Hải - Bệnh viện Việt Tiệp cho rằng, thời gian qua, để diệt, đuổi muỗi, người dân không chỉ dùng các loại thuốc diệt muỗi mà còn sử dụng nhiều loại thiết bị đuổi muỗi, diệt muỗi như máy đuổi muỗi bằng sóng siêu âm, máy xông hóa chất, song không phải sản phẩm nào cũng có tác dụng tích cực. Bình xịt thường có nhiều chất gây hại, máy đuổi muỗi phát sóng siêu âm có thể tác động không tốt đến hệ thần kinh, các thiết bị sử dụng điện khác có nguy cơ gây chập cháy, điện giật… Do vậy, các gia đình không nên sử dụng thiết bị đuổi, chống muỗi một cách tùy tiện, bừa bãi.

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, biện pháp phòng chống việc lây nhiễm bệnh từ muỗi (đặc biệt là bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết) an toàn nhất là khi đi ngủ cần mắc màn cẩn thận, giữ vệ sinh môi trường luôn sạch sẽ, phát quang bụi rậm để hạn chế sự sinh sôi phát triển của muỗi, đồng thời chủ động diệt muỗi và lăng quăng (An ninh thủ đô trang 15). 

 

Đà Nẵng phun thuốc diệt muỗi ở sân bay ngăn ngừa virus Zika

Trưa 7-4, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và các ngành chức năng của TP này đã tiến hành kiểm tra toàn bộ khu vực sân bay Đà Nẵng để chỉ đạo công tác phòng, chống virus Zika. Tại cuộc kiểm tra này, ông Dũng đã yêu cầu các ngành chức năng và sân bay Đà Nẵng phải có kế hoạch kiểm soát, chống virus trên xâm nhập qua đường hàng không vào TP. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền để người dân cũng như du khách hiểu rõ về loại virus này.

Ông Dũng chỉ đạo các ngành chức năng cần xử lý nhanh khi phát hiện trường hợp có biểu hiện mắc virus Zika. Nếu phát hiện người mắc bệnh, phải cách ly ngay và đảm bảo an toàn, thuận tiện cho du khách chứ không được làm gây hoang mang dư luận. “Đề nghị ngành y tế phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra tại các quận, huyện, đồng thời phun thuốc và tuyên truyền cho người dân về việc diệt muỗi” - ông Dũng nói. Ông Dũng cũng chỉ đạo sân bay Đà Nẵng cùng ngành y tế tiến hành phun thuốc diệt muỗi toàn bộ khu vực sân bay.

Hiện sân bay Đà Nẵng đã được trang bị hai máy đo thân nhiệt để phát hiện các loại bệnh có biểu hiện sốt, trong đó có Zika. Ngoài ra, hiện sân bay cũng đã bố trí khu vực cách ly khi phát hiện người có triệu chứng nhiễm bệnh (phapluat TPHCM online, Tuổi trẻ trang 5).

 

Ước tính hiện có trên 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường

Gần 2 triệu người bị đái tháo đường chưa phát hiện bệnh là thông tin được Bộ Y tế cho biết tại hội thảo “Dự phòng và kiểm soát bệnh đái tháo đường tại cộng đồng” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tổ chức sáng 7-4 tại Hà Nội, nhằm hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới năm 2016 với chủ đề “Phòng chống bệnh đái tháo đường”. GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật gia tăng nhanh và ngày càng trầm trọng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nói riêng và các bệnh không lây nhiễm nói chung. Các nghiên cứu cho thấy, trong vòng hơn 10 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần và ước tính Việt Nam hiện có trên 3 triệu người mắc căn bệnh này. Đáng báo động có trên 60% số người mắc bệnh ĐTĐ trong cộng đồng chưa phát hiện bệnh và khi được phát hiện thì đã có nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch, thần kinh, suy thận, mù lòa, biến chứng bàn chân. Cùng với đó, gánh nặng tử vong và tàn phế do bệnh ĐTĐ gây ra là rất lớn khi ĐTĐ nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, bệnh ĐTĐ có nguyên nhân chính là do các thói quen, hành vi sinh hoạt không hợp lý và khoa học gây ra như: hút thuốc, lạm dụng rượu bia, lười vận động và dinh dưỡng không lý. Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 16 triệu người Việt Nam hút thuốc, trong số nam giới uống rượu bịa có tới 25% số người uống ở mức nguy hại và khoảng gần 30% dân số thiếu hoạt động thể lực, thể dục thể thao. “Sự gia tăng các hành vi nguy cơ đã dẫn tới các rối loạn sinh chuyển hóa trong cơ thể như: thừa cân béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu dẫn tới nguy cơ mắc ĐTĐ...”- GS.TS Nguyễn Thanh Long chỉ rõ (Saigongiaiphong online, Lao động trang 3, Sức khỏe & Đời sống trang 2).

Các địa phương tích cực phòng, chống bệnh do vi-rút Zika

 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi-rút Zika và nguy cơ lây lan trong cộng đồng, ngành y tế các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm ngăn ngừa và sẵn sàng đối phó với các dịch bệnh nói chung và dịch bệnh do vi-rút Zika nói riêng.

Tại TP Hải Phòng chưa phát hiện ca bệnh do nhiễm vi-rút Zika nào, nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là khá lớn do đây là địa phương có cảng biển thông thương với các nước trên thế giới; hệ thống giao thông thuận tiện, cảng hàng không Cát Bi luôn tấp nập hành khách qua lại và các khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Do vậy, ngành y tế thành phố đã sớm triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika, đồng thời tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện các biện pháp cụ thể, thiết thực.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương để thực hiện 100% số trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh do vi-rút Zika đều được giám sát, lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp phát sinh. Trung tâm cũng thực hiện nghiêm túc việc giám sát véc-tơ truyền bệnh Zika là muỗi Aedes và bọ gậy để phun diệt trừ ngay lập tức. Trong tháng 5 tới, khi sân bay Cát Bi tại Hải Phòng hoàn tất việc nâng cấp và trở thành Cảng hàng không quốc tế với nhiều chuyến bay đến và đi các nước trên thế giới, công tác phòng chống dịch bệnh tại đây cũng đang được đẩy mạnh.

Ngày 7-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cùng lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan đi thực tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Đoàn đã kiểm tra tại khu vực nhà ga quốc tế cũng như công tác tuyên truyền, cổ động bằng bảng pa-nô truyền thông phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika tại ga đến quốc tế, địa điểm đặt các máy đo thân nhiệt. Bắt đầu từ tối 8-4, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và các đơn vị liên quan sẽ triển khai thực hiện phun hóa chất diệt muỗi và vệ sinh môi trường tại các khu vực thuộc Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Thời gian phun căn cứ trên lịch trình hành khách đi - đến tại sân bay nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả. 

Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường đến tận người dân. Đặc biệt tại các đầu mối chủ chốt như Cảng biển Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, nhà ga đường sắt, bến xe trung tâm, nơi có nhiều người đi - đến, cần thành lập một phòng cách ly để thuận tiện trong công tác phòng, chống dịch khi phát hiện có ca nghi nhiễm.
Ngày 7-4, Sở Y tế tỉnh Đác Lắc tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2016 và ký cam kết tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi-rút Zika. Tại hội nghị, Sở Y tế Đác Lắc và các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh cũng ký cam kết tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi-rút Zika. Đồng thời khuyến cáo người dân cần chú trọng diệt muỗi, loăng quăng và vệ sinh các vật dụng chứa nước để phòng muỗi đốt góp phần ngăn chặn sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi-rút Zika gây ra.

Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết và dịch bệnh do vi-rút Zika, ngành Y tế tỉnh Đác Lắc đang phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng để kiểm tra, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh (nếu có) ở các huyện biên giới, vùng giáp ranh, sân bay Buôn Ma Thuột (Nhân dân trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang