Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/4/2021

  • |
T5g.org.vn - Cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; Hơn 17 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng; Bộ Y tế phân bổ vắc xin COVID-19 đợt 2

 

Cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh

Ðể đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, thì hệ thống bệnh viện cần mở rộng về quy mô, đầu tư trang thiết bị, phát triển đội ngũ cán bộ trình độ cao và cải cách, nâng cao chất lượng các dịch vụ sẵn có là những ưu tiên trọng tâm.

Một thời gian dài, công tác khám, chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện tồn tại nhiều vấn đề bất cập như: Tình trạng quá tải, nhất là ở các đơn vị tuyến trung ương; thủ tục hành chính thì rườm rà, phức tạp, gây nhiều trở ngại; trình độ chuyên môn của nhân viên y tế giữa các tuyến không đồng đều; chất lượng dịch vụ tại một số bệnh viện công lập còn hạn chế; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị... Mặt khác, những hiện tượng, hình ảnh, sự việc vi phạm y đức và ứng xử kém của nhân viên y tế đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ thầy thuốc - người bệnh, giảm mức độ hài lòng của người bệnh đối với các dịch vụ của bệnh viện công lập.

Trước thách thức đó, tháng 9-2012, Bộ trưởng Y tế ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Chỉ thị đưa ra giải pháp cụ thể, từ cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng; cải tiến thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm kê đơn thuốc điện tử, phần mềm tương tác thuốc; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức; sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh và các buồng bệnh, mua bổ sung, thay thế các trang thiết bị tại khu vực khám bệnh và các buồng bệnh...

Việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác KCB là nội dung trọng tâm trong cải cách, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh công lập. Thực tế cho thấy sau bảy năm, 100% các cơ sở KCB đã tổ chức triển khai thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh theo Quyết định số 1313/QÐ-BYT. Thời gian khám bệnh được tính từ khi người bệnh bắt đầu đăng ký thủ tục khám bệnh tới khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và phát thuốc đã giảm đáng kể so với trước khi tiến hành cải tiến quy trình. Mặt khác, các bệnh viện còn tăng cường nhân lực để phục vụ người bệnh tăng thêm bàn khám, tăng người khám, người thu tiền. Nhiều bệnh viện tổ chức tiếp đón người bệnh từ sớm; tổ chức khám bệnh cả trong ngày nghỉ. Ðến nay, 93% số bệnh viện có tiến hành cải tạo cơ sở hạ tầng khoa khám bệnh, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho khu vực ngồi chờ khám bệnh như bàn ghế, lắp quạt điện, bổ sung ghế ngồi chờ, đặt hệ thống phát số thứ tự khám bệnh tự động.

Ðể đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, Bộ Y tế và từng bệnh viện triển khai đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người bệnh, nhất là những bức xúc, phản ánh liên quan tới y đức, thái độ ứng xử trong quá trình thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Từ các ý kiến phản ánh, các cơ sở y tế đã nghiêm túc tiếp thu và có thông tin kịp thời về xử lý cán bộ, viên chức vi phạm quy định trong KCB, đồng thời cũng khen ngợi nhiều tấm gương thầy thuốc tận tâm vì người bệnh. Riêng trong năm 2020, số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế đã tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc tư vấn, cung cấp thông tin, liên quan đến triệu chứng, cách phòng, chống dịch, cơ sở xét nghiệm, vấn đề cách ly, nhập cảnh...

Sau bảy năm triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, cho thấy mạng lưới bệnh viện vệ tinh đã phát triển rộng khắp, qua đó các viện tuyến trên với vai trò là bệnh viện hạt nhân đã tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gói kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các nhóm bệnh có tỷ lệ chuyển tuyến nhiều, các nhóm bệnh cần điều trị tại chỗ. Ðến nay, đã có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh tại 62 tỉnh, thành phố. Các bệnh viện hạt nhân xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các tài liệu kỹ thuật phục vụ hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh. Từ giữa năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 -2025. Ðã có hơn 30 bệnh viện tuyến trên và hơn 1.000 bệnh viện tuyến dưới tham gia mạng lưới KCB từ xa. Các bệnh viện tuyến trên thường xuyên tổ chức các buổi hội chẩn từ xa, tư vấn phẫu thuật, đào tạo cán bộ…

Xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên y tế là biện pháp cần thiết, cơ bản, then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, nhất là xây dựng tiêu chuẩn, mã số chức danh nghề nghiệp của bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế làm cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và đánh giá viên chức. Triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là đổi mới về thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, xây dựng cơ sở y tế "xanh-sạch-đẹp"… Báo cáo Chỉ số PAPI do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Tổ chức UNDP đánh giá và công bố cho thấy chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập liên tục tăng. Các bệnh viện hiện nay vẫn đang thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; quản lý chất lượng dịch vụ y tế theo hướng lấy "người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị", an toàn của người bệnh là số một, cải tiến chất lượng là nhiệm vụ mang tính sống còn của cơ sở y tế. Gần như toàn bộ các bệnh viện và phần lớn các sở y tế, y tế các bộ, ngành đã áp dụng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện để đánh giá thực trạng chất lượng, phân tích điểm mạnh, yếu để cải tiến chất lượng.

Ðến nay, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế được nâng lên rõ rệt, người bệnh ngày càng hài lòng với chất lượng điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thời gian tới, các bệnh viện trên toàn quốc vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tích cực cải tiến và triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện, làm cơ sở cho cải tiến chất lượng. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị tích cực cải tiến chất lượng, triển khai đánh giá chất lượng theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện trong giai đoạn 2021 - 2030. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp các bộ, ngành, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng các chính sách gắn kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện với việc chi trả dịch vụ y tế và thanh toán bảo hiểm y tế theo hướng khuyến khích các bệnh viện cải tiến chất lượng. Ðồng thời, đánh giá các bệnh viện có chất lượng tốt và trao giải thưởng nhằm tôn vinh và thúc đẩy bệnh viện tích cực cải tiến chất lượng. (Nhân dân, trang 5)

 

Hơn 17 nghìn trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng. Theo đó, UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để bảo đảm nhu cầu đáp ứng phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng cơ số thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn… (Nhân dân, trang 5)

 

Bộ Y tế phân bổ vắc xin COVID-19 đợt 2

Chiều tối ngày 7/4, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1821/QĐ-BYT về việc phân bổ vắc xin COVID-19 đợt 2. Theo đó, có 811.200 liều vắc xin của Astra Zeneca do COVAX viện trợ được phân bổ lần này đều tiêm miễn phí cho 10 nhóm đối tượng ưu tiên.

Theo phân bổ của Bộ Y tế, TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương được phân bổ vắc xin nhiều nhất, trong đó TP.HCM trên 56.000 liều, Hà Nội trên 53.000 liều.

Tiếp đến là các địa phương có dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua, như tỉnh Hải Dương trên 43.000 liều, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An được phân bổ 18.000-20.000 liều/địa phương.

Các địa phương khu vực phía Nam cũng được phân bổ số lượng lớn với 245.350 liều, trong đó, CDC Cần Thơ nhận 6.700 liều, CDC Đồng Tháp 16.150 liều, CDC Bình Dương 15.100 liều...

Khu vực Tây Nguyên nhận 49.000 liều. Cụ thể, CDC Kon Tum có 8.400 liều, CDC Đắk Nông 9.000 liều, CDC Gia Lai 15.900 liều, CDC Đắk Lắk 15.700 liều.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quyết định phân bổ tới lực lượng công an 30.000 liều; lực lượng quân đội 80.000 liều; Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia 20.000 liều.

600 liều vắc xin AstraZeneca cũng sẽ được kiểm định và lưu mẫu tại Viện kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế.

Theo Quyết định cuả Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực thực hiện tiếp nhận, gửi mẫu kiểm định chất lượng, bảo quản và vận chuyển vắc xin ngay tới các địa phương, đơn vị theo danh sách để tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận vắc xin, bảo quản theo quy định và triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vắc xin cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21, hoàn thành trước ngày 15/5 (đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin đợt 1 thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1).

Đồng thời, báo cáo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo phân vùng quản lý.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo thẩm quyền quản lý gồm các lực lượng Trung ương và địa phương, hoàn thành trước ngày 15/5 (đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin đợt 1 thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1); thực hiện quản lý, sử dụng vắc xin hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định và thông báo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, khu vực, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng vắc xin chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo cáo theo từng nguồn vắc xin được phân bổ cho các địa phương.

Đối với các đối tượng đã tiêm vắc xin đợt 1 theo Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 6/3/2021 của Bộ Y tế thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1.

Trong đợt 2, đối tượng tiêm sẽ mở rộng ra 10 nhóm ưu tiên (giáo viên, người làm trong các dịch vụ thiết yếu như cung cấp dịch vụ điện nước, nhân viên hàng không, nhân viên hành chính…).

Theo Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 6/4/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắ xin phòng COVID-19 tại 19 tỉnh, thành phố cho 53.953 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Bộ Y tế: Mục tiêu năm 2021 có vắc xin COVID-19 "made in" Việt Nam

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đề xuất mục tiêu có vắc xin để phòng COVID-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021; bảo đảm có đủ vắc xin từ năm 2022 trở đi.

 Mục tiêu cụ thể là thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vắc xin tại Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước, các nhà sản xuất nước ngoài để chuyển giao công nghệ hoặc nhập khẩu vắc xin bán thành phẩm về đóng ống, sản xuất tại Việt Nam. Huy động các nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn xã hội hóa để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vắc xin để có đủ vắc xin đáp ứng nhu cầu tiêm phòng cho nhân dân.

Rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện quy định

Theo dự thảo, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định. Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vắc xin thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc xin, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp.

Các đơn vị nghiên cứu, sản xuất xây dựng các đề án thử nghiệm lâm sàng theo các giai đoạn, đề xuất việc thử nghiệm ở nước ngoài, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp phê duyệt để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí thử nghiệm lâm sàng.

Khi kết quả thử nghiệm lâm sàng thành công, các đơn vị xây dựng Đề án sản xuất vắc xin, đề xuất nguồn vốn đầu tư sản xuất cho phù hợp. Trường hợp cần hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để sản xuất, các đơn vị xây dựng dự án, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về khoa học và công nghệ.

Trường hợp vắc xin trong nước được cơ quan có thẩm quyền đặt hàng theo quy định: Bộ Tài chính ban hành giá tối đa trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế, Bộ Y tế ban hành mức giá cụ thể vắc xin sử dụng ngân sách trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá vắc xin sử dụng ngân sách địa phương. Các đối tượng không sử dụng ngân sách do đơn vị tự quyết định giá bán theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí và có tích lũy hợp lý.

Theo dự thảo, kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm từ các nguồn: ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước); vốn của các tổ chức, doanh nghiệp; tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các nhiệm vụ thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

Nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy vắc xin COVID-19 của Việt Nam có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 26/02/2021, trên thế giới có tất cả 256 ứng viên vắc xin COVID-19 đang được nghiên cứu phát triển trong đó có 182 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng và có 74 vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm trên.

Hiện trên thế giới đã có một số ứng cử viên vắc xin đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho kết quả tốt về tính an toàn và hiệu lực bảo vệ khi sử dụng trên con người và đã được cấp phép lưu hành trong trường hợp khẩn cấp ở một số quốc gia.

Do sớm nhận thức được vai trò của vắc xin trong công tác phòng chống đại dịch, từ đầu năm 2020 các đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước đã chủ động đánh giá năng lực, điều kiện nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2 (bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất vắc xin) và đề xuất phương án nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2 có tính khả thi bao gồm phương án tự nghiên cứu và phương án hợp tác nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2.

Hiện nay, cả nước có 04 nhà sản xuất đang nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là vi rút Baculo; Viện Vắc xin và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do IVAC đang sử dụng để sản xuất vắc xin cúm mùa);

Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển 2 ứng viên vắc xin COVID-19 gồm: vắc xin sub-unit dựa trên S-protein và vắc xin VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp;

Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là vi rút Sởi (POLYVAC đang là nhà sản xuất vắc xin Sởi) và đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vắc xin phòng COVID-19 theo công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vắc xin có tính an toàn trên động vật và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2.

Đến nay (31/3/2021), vắc xin Nanocovax của công ty Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, vắc xin COVIVAC của IVAC đã được Bộ Y tế phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 và đã bắt đầu triển khai vào ngày 15/3/2021, vắc xin COVINVAC của VABIOTECH sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 trong tháng 7/2021. Các nhà sản xuất đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sớm hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Cảnh báo nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng trở nặng

Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp gây run giật, yếu liệt chi, cao huyết áp... dẫn đến tử vong.

Từ cuối tháng 3 đến nay, các bệnh viện lớn trong cả nước ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm một tháng trước và số ca bệnh nặng cũng tỉ lệ thuận.

Quá tải điều trị trẻ mắc tay chân miệng

Đáng chú ý, tại Bình Định, có trường hợp một bệnh nhi (19 tháng tuổi) đã tử vong với chẩn đoán TCM độ 4, bội nhiễm, biến chứng suy hô hấp.

Cách đây không lâu, BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng tiếp nhận một bé gái (15 tháng tuổi, ngụ Bạc Liêu) bị trụy tim mạch tuần hoàn, nguy kịch do bệnh TCM. Cách nhập viện ba ngày, bé sốt cao kèm theo ói, giật mình chới với nhưng gia đình chủ quan không đưa bé đi khám. Sau đó, bé rơi vào lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông. May mắn sau hai ngày được lọc máu liên tục, tình trạng bé cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim trở về bình thường và được cai máy thở.

Dự báo với tình hình gia tăng số ca mắc bệnh TCM như hiện tại, chỉ một thời gian ngắn nữa các khoa điều trị bệnh TCM có nguy cơ quá tải.

Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1 sáng 6-4, phòng cấp cứu có bảy trẻ mắc TCM độ nặng, trong đó có một trẻ sau thời gian điều trị được chuyển phòng ngoài. Có bốn trẻ phải nằm ghép chung hai giường với nhau.

Phòng cách ly bên ngoài cũng tương tự, rất ít giường nằm một bé mà một giường thường có hai bé nằm ghép với nhau.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Nhi đồng 1, cho biết số ca mắc TCM nhập viện trong tuần này tăng gấp đôi so với những tuần trước. “Trung bình mỗi tuần có khoảng 20 ca nhập viện để điều trị bệnh TCM thì tuần này BV đã tiếp nhận 40 trường hợp điều trị nội trú do bệnh này. Trong đó có bảy trường hợp bệnh nặng từ độ 2B đến độ 3 được theo dõi đặc biệt tại phòng cấp cứu với một số biến chứng như giật mình, cao huyết áp...” - BS Khanh thông tin.

BV Nhi đồng 2 và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, hai nơi tiếp nhận bệnh nhi mắc TCM cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Thông tin từ BV Nhi đồng 2 cho biết nếu như hai tuần trước, mỗi ngày có chưa đến 20 ca nằm viện do TCM thì tuần này số trẻ điều trị nội trú đã tăng lên 40 trẻ/ngày.

Còn tại Khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trung bình mỗi ngày có trên 30 ca nặng, có biến chứng co giật, cao huyết áp được theo dõi tích cực.

Không tự chữa tay chân miệng ở nhà

BS Trương Hữu Khanh nhận định năm ngoái nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19, cách ly xã hội, trẻ không đi học nên dịch bệnh TCM gần như mất luôn. Tuy nhiên, số trẻ không có miễn dịch trong cộng đồng sẽ nhiều hơn. Năm nay, trẻ đi học trở lại, điều kiện tập trung đông và không có miễn dịch khiến trẻ dễ mắc bệnh cao hơn. Mặt khác, hiện nay nhiều phụ huynh hiểu rõ về căn bệnh TCM rằng đa số trẻ mắc bệnh chỉ bị nhẹ nên tự chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên, BS Khanh khuyến cáo bệnh TCM vẫn có khả năng trở nặng, nếu thấy con có dấu hiệu nặng lên thì phải đưa đến BV ngay.

BS Dư Tuấn Quy, Phó Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 2, cảnh báo thời điểm nắng nóng cũng tạo điều kiện cho virus lây bệnh TCM phát triển. Theo BS Quy, thời gian qua, có một số phụ huynh do lo ngại dịch bệnh COVID-19 nên e ngại đưa con đến BV khám. Qua tiếp cận các thông tin trên mạng, các phụ huynh cũng tự biết cách theo dõi sức khỏe của con tại nhà, khi thấy bất thường mới đưa bé đến khám và điều trị. Tuy nhiên, theo BS Quy, điều này vô tình có thể làm cho trẻ bệnh trở nặng, cách tốt nhất là phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bệnh sớm để nhân viên y tế kịp thời thăm khám và tư vấn cách chăm sóc bé tốt nhất.

Virus gây bệnh TCM lây lan nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, phân, nước bọt, chất tiết từ mũi, miệng của trẻ mắc bệnh.

“Các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 gồm thường xuyên rửa tay, mang khẩu trang vẫn rất cần thiết trong giai đoạn này để phòng tránh các bệnh lây nhiễm ở học đường như TCM. Trẻ mắc bệnh cần phải được cách ly cho đến khi khỏi bệnh mới cho quay trở lại trường học” - BS Quy lưu ý.

BS Quy cho biết bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới năm tuổi, độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Bệnh TCM độ nặng thường gây biến chứng thần kinh lên tim mạch làm cao huyết áp hoặc run giật, yếu liệt chi, thậm chí gây tử vong. (Pháp luật TP.HCM, ngày 7/4, trang 12; Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

 

Gần 54.000 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam

Sau 1 tháng triển khai (từ 8.3) đến nay, 53.953 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam.

Ngày 7.4, Bộ Y tế thông báo ghi nhận 11 bệnh nhân (BN) Covid-19 mới, là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Bình Dương 2 ca, Hưng Yên 2 ca, Đà Nẵng 1 ca, Ninh Bình 4 ca và TP.HCM 2 ca.

Các ca mới được công bố là các BN Covid-19 thứ 2.649 - 2.659 tại VN. Trong ngày 7.4, thêm 7 BN được công bố khỏi bệnh. Trong số 2.659 BN Covid-19 ghi nhận tại VN từ đầu dịch đến nay, 2.429 ca đã được điều trị khỏi. Sau 1 tháng triển khai (từ 8.3) đến nay, 53.953 người đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức thông báo hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin của Việt Nam (National Regulatory Authority - NRA) đã đạt cấp độ hoàn thiện 3, cấp độ cao thứ 2 trong thang đánh giá phân loại của WHO về hệ thống quản lý quốc gia.

Tập đoàn Nestlé ủng hộ tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19

Nhân ngày Sức khỏe thế giới (7.4), hôm qua Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ) công bố khoản đóng góp 2 triệu franc Thụy Sĩ, tương đương gần 49 tỉ đồng để ủng hộ tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19 thông qua cơ chế COVAX. Số tiền này sẽ được chuyển cho Quỹ ứng phó với Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Công bố này nằm trong nỗ lực của Tập đoàn Nestlé và Nestlé VN thực hiện các cam kết phát triển bền vững thông qua sát cánh cùng cộng đồng vượt qua đại dịch Covid-19. Gần nhất, trong vụ dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Công ty Nestlé VN đã phối hợp với T.Ư Hội LHPN VN, Hội LHPN tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ khoảng 290.000 đơn vị sản phẩm dinh dưỡng và đồ uống với tổng trị giá 2 tỉ đồng. (Thanh niên, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang